intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

29
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số hạn chế, bất cập khi áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong thời gian tới ở nước ta.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay

  1. ÁP DỤNG LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 VÀ PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN TRONG VIỆC ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ThS Cao Thanh Huyền1 Tóm tắt: Luật Thương mại năm 2005 được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Sự ra đời của Luật Thương mại 2005 gắn liền với quá trình hoàn thiện pháp luật thương mại của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công cuộc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm có hiệu lực thi hành, Luật Thương mại 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó không thể không kể đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan để điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số hạn chế, bất cập khi áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong thời gian tới ở nước ta. Từ khóa: Áp dụng pháp luật, Luật Thương mại 2005, pháp luật có liên quan, hoạt động thương mại Abstract: The 2005 Commercial Law was passed by the XI National Assembly at the 7th session on June 14th, 2005 and came into effective on January 1st, 2006. The enactment of the 2005 Commercial law is closely associated with the completion of commercial law in Vietnam to meet the demand of the comprehensive integration with the world economy. However, after being effective for 15 years, the 2005 Commercial Law has shown its limitations and inadequacies, including the difficulties in regulating commercial activities in Vietnam through the application of the 2005 Commercial Law and related 1 Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội. Email: huyenct@hlu.edu.vn 19
  2. laws. The article identifies those limitations, inadequacies and provides some suggestions to improve the application of the 2005 Commercial Law and related laws in the future. Keywords: apply the law, the 2005 Commercial Law, related laws, commercial activities 1. Khái quát về việc áp dụng Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay 1.1. Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 LTM 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Với khái niệm này, phạm vi hoạt động thương mại được LTM 2005 xác định rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, không phụ thuộc vào chủ thể thực hiện hoạt động có phải là thương nhân hay không2. Ở Việt Nam hiện nay, việc thực hiện các hoạt động thương mại chủ yếu chịu sự điều chỉnh của những văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Thứ nhất, Luật Thương mại năm 2005: Luật Thương mại năm 2005 (LTM 2005) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006, bao gồm 09 chương và 324 điều luật, quy định những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại, thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam và các hoạt động thương mại phổ biến, bao gồm: mua bán hàng hóa, xúc tiến thương mại, trung gian thương mại, gia công trong thương mại, đấu giá hàng hóa, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ, dịch vụ logistics, dịch vụ quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ giám định, cho thuê hàng hóa, nhượng quyền thương mại. Bên cạnh đó, LTM 2005 cũng quy định về chế tài trong thương mại, giải quyết tranh chấp trong thương mại và xử lý vi phạm pháp luật về thương mại…Nhìn chung, so với Luật Thương mại 1997 (LTM 1997), LTM 2005 có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng hơn; nhiều quy 2 Khoản 1 Điều 6 LTM 2005 quy định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. 20
  3. định trong LTM cũng được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính tương thích của pháp luật thương mại Việt Nam với các Luật của WTO và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về phạm vi điều chỉnh của LTM 2005: Điều 1 LTM 2005 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm: (i) Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (ii) Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này. (iii) Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này. Về đối tượng áp dụng của LTM 2005: Điều 2 LTM 2005 quy định đối tượng áp dụng của Luật bao gồm: (i) Thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam. (ii) Thương nhân hoạt động thương mại tại nước ngoài; thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam (trong trường hợp các bên thỏa thuận lựa chọn áp dụng LTM 2005 để điều chỉnh quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài giữa các bên). (iii) Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại. (iv) Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Việc mở rộng đối tượng áp dụng đến những chủ thể kinh doanh này là một trong những điểm mới của LTM 2005. Theo Khoản 3 Điều 2 LTM 2005, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc áp dụng LTM 2005 đối với nhóm đối tượng này trên cơ sở những nguyên tắc của LTM. Hiện nay, Nghị định của Chính phủ số 39/2007/NĐ-CP ban hành ngày 16/03/2007 là văn bản hướng dẫn thi hành LTM 2005, quy định về phạm vi kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đối tượng này. Thứ hai, các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại trong một số lĩnh vực đặc thù: Mặc dù LTM 2005 quy định về hoạt động thương mại với đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh rất rộng, nhưng đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh các hoạt động thương mại. Đối với những hoạt động thương mại được thực hiện trong các lĩnh vực đặc thù, pháp luật sẽ có những quy định riêng để điều chỉnh. Ví dụ: Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 điều 21
  4. chỉnh các hoạt động thương mại bao gồm: xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi3. Hay Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 điều chỉnh các hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm4. Bên cạnh đó, có thể kể đến một số văn bản pháp luật khác cũng được ban hành để điều chỉnh các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi như Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật Chứng khoán năm 2020,…Ngoài ra, đối với các đạo luật như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Trọng tài thương mại năm 2010,…mặc dù không trực tiếp điều chỉnh các hoạt động thương mại, nhưng những quy phạm pháp luật trong các văn bản này vẫn được áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các bên. Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015: Xét về bản chất, quan hệ thương mại chính là quan hệ dân sự được xác lập trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) cũng sẽ được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch thương mại giữa các bên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 BLDS 2015, BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Vì vậy, các luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể, trong đó có LTM 2005 và các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại trong các lĩnh vực đặc thù không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Trong trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của BLDS sẽ được áp dụng. Như vậy, các hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Trong đó, có nhiều văn bản quy định khác nhau khi điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện cùng một loại hoạt động thương mại. Vì vậy, để đảm bảo được tính thống nhất, tránh 3 Điều 1 và Khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. 4 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. 22
  5. tình trạng chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật nói chung, pháp luật thương mại nói riêng, các nhà làm luật đã ban hành các quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng luật. 1.2. Nguyên tắc áp dụng Luật thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay Về nguyên tắc chung khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật Ban hành VBQPPL), việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong nước phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như sau: (i) Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. (ii) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. (iii) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. (iv) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 109 LTM 2005 về các quảng cáo thương mại bị cấm có trường hợp quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên. Tuy nhiên, tại Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), sản phẩm rượu bị cấm quảng cáo là rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. Dựa theo nguyên tắc được quy định tại Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL, trường hợp cần xác định đâu là sản phẩm rượu bị cấm quảng cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng Luật Quảng cáo là văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành sau LTM 2005. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động thương mại: Việc áp dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động thương mại trước hết cần tuân thủ nguyên tắc chung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, Điều 4 LTM 2005 cũng quy định nguyên tắc riêng khi áp dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động thương mại, cụ thể như sau: (i) Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan. (ii) Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. (iii) Hoạt động thương mại không được quy định 23
  6. trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, quy định nói trên được xây dựng dựa trên nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” có nguồn gốc từ Luật La Mã (lex specialis derogat legi generali). Nguyên tắc này được quy định trong hệ thống pháp luật ở nhiều nước, đặc biệt trong pháp luật dân sự và luật điều ước quốc tế5. Kết hợp quy định tại Điều 4 với Điều 1 và Điều 2 LTM 2005, việc áp dụng pháp luật để điều chỉnh các hoạt động thương mại trên thực tế được thực hiện như sau: Thứ nhất, đối với LTM 2005 - LTM 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành LTM 2005 đương nhiên được áp dụng đối với các hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam giữa các bên là thương nhân; tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại; và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Khi xác lập giao dịch thương mại, những chủ thể này đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Nói cách khác, việc áp dụng LTM 2005 trong trường hợp này sẽ không phụ thuộc vào việc các bên trong quan hệ thương mại có thỏa thuận áp dụng Luật hay không. Mặt khác, khi áp dụng LTM 2005 trong trường hợp này cần lưu ý: xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại – một trong những nguyên tắc cơ bản có nguồn gốc từ luật dân sự, LTM 2005 có nhiều quy định cho phép các bên được quyền thỏa thuận khác với quy định của Luật, với điều kiện thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội6. Ví dụ: Điều 53 LTM 2005 quy định:“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hóa thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh”. Khi đó, LTM 2005 sẽ được áp dụng nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận khác so với quy định của Luật. Ngược lại, đối với những quy định mang tính bắt buộc, không cho phép các bên có thỏa thuận khác, LTM 2005 sẽ được áp dụng đương nhiên, ngay cả trong trường hợp các bên không có bất cứ thỏa thuận rõ ràng nào về việc lựa chọn áp dụng LTM, hoặc 5 TS. Trần Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nguồn truy cập: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210476/Nguyen-tac-ap-dung-phap-luat-trong-truong-hop-cac- van-ban-do-cung-mot-chu-the-ban-hanh-co-quy-dinh-khac-nhau-ve-cung-mot-van-de.html, thời gian truy cập: 15/10/2021 6 Khoản 1 Điều 11 LTM 2005 24
  7. thỏa thuận lựa chọn luật khác làm căn cứ pháp lý điều chỉnh quan hệ thương mại. Ví dụ: Điều 301 LTM 2005 quy định: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. - Đối với các hoạt động thương mại được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, LTM 2005 sẽ được áp dụng trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn Luật này làm căn cứ pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ thương mại giữa các bên. Việc chọn LTM 2005 khi đó cần được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng thương mại hoặc các văn bản được xác lập trong quá trình giao dịch giữa các bên. - Đối với hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện tại Việt Nam, LTM 2005 sẽ được áp dụng nếu bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi chọn áp dụng luật này. Thứ hai, đối với văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại đặc thù Đối với những hoạt động thương mại đặc thù, không được quy định trong LTM 2005 như mua bán bất động sản, mua bán bảo hiểm, đại lý hàng hải, kinh doanh dịch vụ vận tải… các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các bên phát sinh trong những lĩnh vực này. Việc xác định thứ tự ưu tiên áp dụng luật trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng nếu cả LTM 2005 và các Luật chuyên ngành đều cùng quy định về một vấn đề liên quan đến việc thực hiện một hoạt động thương mại cụ thể. Ví dụ: Điều 153 LTM 2005 quy định trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới chỉ được hưởng thù lao môi giới khi các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 64 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: bên môi giới bất động sản sẽ được hưởng tiền thù lao môi giới từ khách hàng mà không phụ thuộc vào kết quả giao dịch. Ở đây, mặc dù cả LTM 2005 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đều quy định về hoạt động môi giới thương mại, nhưng môi giới bất động sản là hoạt động thương mại đặc thù nên các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động này sẽ được áp dụng theo luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bất động sản. Thứ ba, đối với BLDS 2015 25
  8. Với tư cách là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, BLDS 2015 sẽ được áp dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại trong các trường hợp sau đây: (i) Khi hoạt động thương mại hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại không được quy định trong LTM và trong các luật khác. (ii) Khi bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi trong giao dịch với thương nhân trên lãnh thổ Việt Nam không lựa chọn áp dụng LTM 2005. (iii) Trường hợp luật khác có liên quan quy định về hoạt động thương mại nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Nhìn chung, nguyên tắc áp dụng LTM 2005 và pháp luật có liên quan được quy định tương đối cụ thể, tạo điều kiện cho hoạt động áp dụng pháp luật trên thực tế. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh BLDS đã được sửa đổi và rất nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành mới được ban hành, các quy định trong LTM 2005 đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến quá trình áp dụng luật để điều chỉnh hoạt động thương mại. Cụ thể như sau: 2. Một số hạn chế, bất cập khi áp dụng Luật thương mại 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam Thứ nhất, LTM 2005 chưa có quy định bao quát hết các trường hợp áp dụng pháp luật đối với quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài Khoản 2 Điều 663 BLDS 2015 quy định: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. (ii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. (iii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Khi tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định. Xét về bản chất, quan hệ thương mại cũng là quan hệ dân sự, được các bên xác lập và thực hiện trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy, các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài cũng bao gồm các trường hợp tương tự như quy định của BLDS 2015. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 1 LTM 2005 khi quy định về phạm vi điều chỉnh của LTM lại chưa bao quát được hết các trường hợp hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài, mà mới chỉ đề cập đến một trường hợp là hoạt động thương mại được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này ít nhiều 26
  9. tạo nên sự không thống nhất giữa các quy định của LTM 2005 và BLDS 2015, vô tình thu hẹp phạm vi điều chỉnh của LTM 2005 và ảnh hưởng đến quyền chọn luật áp dụng của các bên trong quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài. Thứ hai, quy định tại Khoản 3 Điều 1 LTM 2005 chưa phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Theo Điều 3 BLDS 2015, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là: cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. LTM 2005 cũng quy định nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại tại Điều 11 LTM 2005. Tuy nhiên, quy định tại Khoản 3 Điều 1 LTM 2005 lại đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản này. Cụ thể, khi xác lập giao dịch với thương nhân trên lãnh thổ Việt Nam, bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi được quyền lựa chọn/không lựa chọn áp dụng LTM 2005 để điều chỉnh quan hệ giữa các bên. Nếu bên này không lựa chọn, BLDS 2015 sẽ được áp dụng. Nói cách khác, việc lựa chọn áp dụng pháp luật trong trường hợp này không xuất phát từ sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên mà chỉ phụ thuộc vào ý chí của bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi. Quy định này dường như đang muốn hướng đến bảo vệ quyền lợi cho nhóm chủ thể thường bị coi là yếu thế hơn trong mối quan hệ với thương nhân. Tuy nhiên, dù tồn tại sự mâu thuẫn với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong pháp luật dân sự và pháp luật thương mại, nhưng bản thân quy định này không thực sự bảo đảm quyền lợi cho bên được coi là yếu thế hơn trong mối quan hệ với thương nhân. Bởi vì khi tham gia vào một giao dịch với thương nhân, sự thiếu thông tin về đối tượng giao dịch và pháp luật có liên quan, hay sức ảnh hưởng của thương nhân sẽ hạn chế việc tiếp cận quyền lựa chọn luật hoặc được lựa chọn mà không biết sự lựa chọn đó có thể gây bất lợi cho họ. Bên cạnh đó, những giao dịch giữa một bên là thương nhân với một bên là người tiêu dùng còn chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Tuy nhiên, tìm hiểu các quy định về quyền của người tiêu dùng tại Điều 8 Luật này hoàn toàn không có quy định về việc người tiêu dùng được quyền lựa chọn Luật áp dụng khi xác lập giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Không chỉ 27
  10. thế, các điều khoản khác của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng xác định giao dịch giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là giao dịch dân sự, thay vì giao dịch thương mại7. Bên cạnh đó, theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, quy định tại Khoản 3 Điều 1 LTM 2005 có thể chấp nhận được nếu như có sự thống nhất ở mức độ cao giữa LTM và BLDS. Tuy nhiên, LTM và BLDS ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều sự mâu thuẫn, chồng chéo; và việc các nhà làm luật đưa Khoản 3 Điều 1 vào phạm vi điều chỉnh của LTM 2005 chính là sự mặc nhiên công nhận có sự tồn tại một số mâu thuẫn giữa LTM và BLDS8. Thứ ba, mối quan hệ giữa LTM 2005 với BLDS 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa được xác định rõ ràng Khoản 1 Điều 4 BLDS 2015 đã xác định BLDS là đạo luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ thương mại. Như vậy, có thể hiểu, các luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực thương mại là luật chuyên ngành. Mối quan hệ giữa BLDS với LTM và các Luật có liên quan điều chỉnh hoạt động thương mại thực chất là mối quan hệ giữa luật chung với luật chuyên ngành. Quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành này phải đảm bảo tính thống nhất với quy định của BLDS và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Quan điểm này cũng phù hợp với quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, Điều 4 LTM 2005 lại khiến mối quan hệ này trở nên rối rắm và khó hiểu. Theo đó, chúng ta sẽ không thể xác định được LTM 2005 là luật chung hay luật chuyên ngành. Nếu xác định LTM 2005 là luật chung điều chỉnh các hoạt động thương mại thì các luật điều chỉnh hoạt động thương mại trong lĩnh vực đặc thù phải đảm bảo tính thống nhất với LTM 2005. Điều này hoàn toàn không phù hợp với thực trạng xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành ở Việt Nam hiện nay, khi mà rất nhiều quy định trong các Luật chuyên ngành không thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn với quy định của LTM 7 Xem thêm: Điều 14, Khoản 2 Điều 16, Điều 23, Điều 41, 8 Dương Anh Sơn, Bàn về Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2006, tr.26- 30 28
  11. 2005. Đồng thời, việc LTM 2005 là luật chung cũng không phù hợp với quy định của BLDS 2015 vì xét về bản chất, hoạt động thương mại chính là hoạt động dân sự được thực hiện trong lĩnh vực thương mại. Do đó, LTM chính là luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong lĩnh vực cụ thể (luật chuyên ngành) được đề cập đến tại Khoản 2 Điều 4 BLDS 2015. Mặt khác, nếu cả LTM 2005 và BLDS 2015 cùng được xác định là luật chung thì theo nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật tại Luật Ban hành VBQPPL, BLDS 2015 sẽ được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh hoạt động thương mại vì là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau, chứ không phải là LTM 2005. Khi đó, sự tồn tại của LTM 2005 sẽ trở nên ít còn ý nghĩa. Ngược lại, nếu coi LTM 2005 là luật chuyên ngành của BLDS 2015 như một số quốc gia trên thế giới thì các quy định của LTM 2005 phải đảm bảo tính thống nhất với quy định của BLDS. Đồng thời, giữa LTM 2005 và các luật điều chỉnh hoạt động thương mại trong lĩnh vực đặc thù không tồn tại mối quan hệ luật chung – luật chuyên ngành nữa mà sẽ cùng được xác định là luật chuyên ngành. Khi đó, việc xác định thứ tự ưu tiên áp dụng luật như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 LTM 2005 sẽ trở nên không còn phù hợp. Thứ tư, nhiều quy định trong LTM 2005 bị trùng lặp và không đồng bộ, thống nhất với quy định của BLDS 2015 và các luật có liên quan, gây ra sự chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật Tìm hiểu quy định của LTM 2005 và BLDS 2015 có thể thấy, LTM 2005 có rất nhiều quy định trùng lặp với BLDS 2015, bao gồm: quy định về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại; quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; quy định về đại diện cho thương nhân; gia công trong thương mại; cho thuê hàng hóa và một số quy định về chế tài trong thương mại. Những quy định trùng lặp này khiến cho việc áp dụng Luật gặp nhiều khó khăn trên thực tế9. Hơn thế nữa, LTM 2005 đã được ban hành hơn 15 năm, nhiều quy định đã tỏ ra lỗi thời, lạc hậu với sự phát triển của các quan hệ thương mại trên thực tế. Trong khi đó, BLDS lại mới được sửa đổi năm 2015. Các quy định trùng lặp với LTM 2005 kể trên cũng được sửa đổi, bổ sung hoặc quy 9 Lê Anh, Luật Thương mại cần thống nhất với Bộ luật Dân sự, nguồn truy cập: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=239244, thời gian truy cập: 16/10/2021 29
  12. định chặt chẽ hơn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển các quan hệ dân sự. Thực tế này khiến cho việc áp dụng LTM 2005 không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Không chỉ tồn tại nhiều quy định trùng lặp, LTM 2005 còn có nhiều quy định không thống nhất với BLDS 2015. Ví dụ: quy định tại Điều 11 LTM 2005 về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại không thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 3 BLDS 2015. Quy định tại Điều 35, Điều 37 LTM 2005 về địa điểm giao hàng, thời hạn giao hàng với quy định tại Điều 434, Điều 435 BLDS 2015 về thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán và địa điểm giao tài sản. Hay quy định tại Điều 301 LTM 2005 về mức phạt vi phạm không thống nhất quy định tại Khoản 2 Điều 418 BLDS 2015. Trong khi LTM 2005 giới hạn mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, thì BLDS 2015 cho phép các bên được tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm…Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 LTM 2005, nếu luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của luật đó sẽ được áp dụng. Ngược lại, nếu luật khác không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của BLDS được áp dụng. Trong khi đó, theo Điều 4 LTM 2005, BLDS 2015 chỉ được áp dụng để điều chỉnh hoạt động thương mại nếu LTM 2005 và các luật khác điều chỉnh hoạt động thương mại trong các lĩnh vực cụ thể không có quy định. Vậy một câu hỏi cần đặt ra ở đây, đó là: Đối với những quy định trùng lặp, không thống nhất, thậm chí không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như quy định về mức phạt vi phạm hay quy định về thời hạn giao hàng trong LTM 2005, BLDS 2015 – với tư cách là luật chung được ban hành sau, có được áp dụng thay thế trong trường hợp này hay không? Vấn đề này chưa được giải quyết rõ ràng trong cả LTM 2005 và BLDS 2015. Ngoài những quy định trùng lặp, thiếu thống nhất với BLDS hiện hành, theo Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, còn có sự chồng chéo, trùng lấn giữa quy định của LTM 2005 với các luật khác như Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Đầu tư năm 2020. Không chỉ thế, nhiều quy định trong các luật điều chỉnh hoạt động thương mại đặc thù hiện nay tồn tại sự mâu thuẫn với quy định của LTM 2005, nhưng vẫn được ưu tiên áp dụng theo Khoản 2 Điều 4 LTM 2005. 30
  13. Điều này là chưa phù hợp với vai trò, vị trí của LTM trong hệ thống pháp luật thương mại và sẽ có nguy cơ, các quy định của LTM sẽ bị “gặm nhấm”10. 3. Kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng của LTM 2005 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại ở Việt Nam Thứ nhất, để đảm bảo tính thống nhất với quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của BLDS 2015, LTM cần bổ sung quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với những hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài khác, bên cạnh trường hợp hoạt động thương mại được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam. Khi đó, LTM sẽ được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận lựa chọn áp dụng Luật này hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, luật nước ngoài có quy định áp dụng Luật này. Thứ hai, ban soạn thảo LTM sửa đổi nên nghiên cứu bãi bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 1 LTM 2005 vì quy định này hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn giao dịch giữa thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác. Hơn thế nữa, quy định này còn vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, đó là nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, vô tình tạo ra sự thiếu công bằng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, nếu muốn giữ lại quy định này, LTM có thể quy định theo hướng cho phép Tòa án/Trọng tài thương mại quyết định việc áp dụng Luật này để giải quyết tranh chấp giữa thương nhân với bên thực hiện giao dịch với thương nhân không nhằm mục đích sinh lợi trong trường hợp thực sự cần thiết để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi11. Thiết nghĩ, quan điểm này hoàn toàn phù hợp với bản chất của hoạt động áp dụng pháp luật – một hoạt động nhằm thực hiện pháp luật do cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành trong những trường hợp cụ thể12. Thứ ba, hệ thống pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn có sự phân biệt giữa BLDS với LTM, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, New Zealand,…Ở những quốc gia này, BLDS đóng vai trò là luật chung, còn LTM đóng vai trò là luật chuyên ngành, điều chỉnh các quan hệ dân sự trong một lĩnh vực cụ thể là lĩnh vực thương mại. 10 Lê Anh, tlđd 11 Dương Anh Sơn, tlđd 12 Xem thêm tại: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lí luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB.Tư pháp, Hà Nội, năm 2018, tr.405, 407,408. 31
  14. LTM chỉ có chức năng bổ sung cho BLDS mà không thể thay thế hay mâu thuẫn với quy định của BLDS13. Ví dụ: Pháp luật Nhật Bản coi đối tượng điều chỉnh của các đạo luật là tiêu chí để phân định một đạo luật là luật chuyên ngành hay luật chung. Trong đó, BLDS được coi là luật chung, các quy định của pháp luật dân sự được coi là các quy định của luật chung, còn các quy định điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể trong các lĩnh vực cụ thể như thương mại, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng…được coi là các quy định của luật chuyên ngành14. Bên cạnh đó, cấu trúc của LTM cũng được các quốc gia quan tâm xây dựng với tư cách là một đạo luật chuyên ngành, trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất và không trùng lặp với BLDS. Ví dụ: Luật Hợp đồng và Thương mại New Zealand năm 2017 quy định những vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại như sau: Hợp đồng, mua bán hàng hóa, giao dịch điện tử, các vấn đề thương mại khác (Đại lý thương mại và vận đơn), vận chuyển hàng hóa15. Hay LTM của Hàn Quốc tập trung quy định những vấn đề pháp lý như sau: Quy chế thương nhân, nhân viên thương mại, đăng ký thương mại, chuyển nhượng hoạt động kinh doanh, các hoạt động thương mại bao gồm: mua bán hàng hóa, giao dịch vãng lai, hội chưa công bố, hợp danh hữu hạn, đại diện thương mại, môi giới, đại lý giao nhận, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ khách sạn, dịch vụ kho bãi, dịch vụ cho thuê tài chính, nhượng quyền thương mại, mua bán trái phiếu, các loại hình công ty, dịch vụ bảo hiểm, thương mại hàng hải, dịch vụ vận chuyển hàng không16… Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, các nhà làm luật của Việt Nam cần xác định rõ ràng mối quan hệ giữa LTM 2005 với BLDS 2015 và pháp luật có liên quan trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại. Theo đó, BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, còn LTM và các Luật khác điều chỉnh hoạt động thương mại trong các lĩnh vực đặc thù là luật chuyên ngành. Quy định của các Luật chuyên ngành phải đảm bảo thống nhất và không trái với những nguyên tắc cơ bản được quy định trong luật chung. Để thực hiện được giải pháp này, ban soạn thảo LTM sửa đổi cần nghiên cứu bãi bỏ những quy định không cần thiết và trùng lặp giữa LTM và BLDS, chỉ giữ lại trong Luật những hoạt động thương mại đặc thù như mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng 13 TS.Dương Anh Sơn và TS.Trần Thanh Hương, Một vài suy nghĩ về định hướng sửa đổi Luật Thương mại 2005, nguồn truy cập: http://vibonline.com.vn/bao_cao/mot-vai-suy-nghi-ve-dinh-huong-sua-doi-luat-thuong-mai-2005-ts- tran-thanh-h-uong-ts-duong-anh-son, thời gian truy cập: 17/10/2021 14 TS. Trần Văn Hiền, Viện trưởng Viên nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tlđd 15 Contract and Commercial Law Act 2017, nguồn truy cập: https://www.legislation.govt.nz/act/public/2017/0005/21.0/DLM6844033.html, thời gian truy cập: 17/10/2021 16 Commercial Act, nguồn truy cập: https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=29875&lang=ENG, thời gian truy cập: 17/10/2021 32
  15. hóa, trung gian thương mại, dịch vụ logistics, nhượng quyền thương mại,…Những hoạt động mang tính sinh lợi khác không được quy định trong LTM sẽ áp dụng quy định của BLDS và các Luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, khi sửa đổi LTM 2005 theo hướng là đạo luật chuyên ngành, những quy định không thống nhất giữa LTM với BLDS và các luật có liên quan cũng cần được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật thương mại, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Ngoài ra, một khi xác định rõ ràng LTM là luật chuyên ngành, quy định về nguyên tắc áp dụng LTM và pháp luật có liên quan tại Điều 4 LTM 2005 cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL và BLDS. Về vấn đề này, LTM của Hàn Quốc có quy định: Trong trường hợp Luật này không có quy định về một vấn đề thương mại cụ thể thì áp dụng tập quán thương mại. Nếu không có tập quán thương mại thì áp dụng quy định của BLDS17. Tương tự, theo quy định của LTM Nhật Bản, việc áp dụng LTM được thực hiện theo nguyên tắc sau: các giao dịch kinh doanh, thương mại và bất kỳ các hoạt động thương mại của các bên sẽ được điều chỉnh bởi quy định của Luật này, trừ khi có quy định ở luật khác. Các hoạt động thương mại không có quy định điều chỉnh bởi luật này sẽ được điều chỉnh bởi tập quán thương mại. Nếu không có tập quán thương mại, vấn đề đó sẽ được điều chỉnh bởi quy định của BLDS18./. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Commercial Act, nguồn truy cập: https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=29875&lang=ENG, 2. Commercial Code, nguồn truy cập: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?re=&vm=02&id=2735 17 Commercial Act, nguồn truy cập: https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=29875&lang=ENG, thời gian truy cập: 17/10/2021 18 Commercial Code, nguồn truy cập: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?re=&vm=02&id=2735, thời gian truy cập: 17/10/2021 33
  16. 3. Contract and Commercial Law Act 2017, nguồn truy cập: https://www.legislation.govt.nz/act/public/2017/0005/21.0/DLM6844033.html, 4. Dương Anh Sơn, Bàn về Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2006, tr.26-30 5. Lê Anh, Luật Thương mại cần thống nhất với Bộ luật Dân sự, nguồn truy cập: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=239244 6. TS. Dương Anh Sơn và TS. Trần Thanh Hương, Một vài suy nghĩ về định hướng sửa đổi Luật Thương mại 2005, nguồn truy cập: http://vibonline.com.vn/bao_cao/mot-vai- suy-nghi-ve-dinh-huong-sua-doi-luat-thuong-mai-2005-ts-tran-thanh-h-uong-ts- duong-anh-son 7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lí luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB.Tư pháp, Hà Nội, năm 2018 8. TS. Trần Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nguồn truy cập: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210476/Nguyen-tac-ap-dung-phap-luat-trong- truong-hop-cac-van-ban-do-cung-mot-chu-the-ban-hanh-co-quy-dinh-khac-nhau-ve- cung-mot-van-de.html 34
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2