intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bàn về sự có mặt của kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử vụ án hành chính theo luật tố tụng hành chính hiện hành

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

82
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong những năm qua, việc thay đổi, sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Hành chính cho thấy thực tiễn thi hành pháp luật đang đặt ra các vấn đề cần xem xét về điều chỉnh pháp luật và thi hành pháp luật. Bài viết này, tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp luật tố tụng hành chính về sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm và những bất cập, hạn chế khi vận dụng các quy định đó vào trong thực tiễn.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bàn về sự có mặt của kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử vụ án hành chính theo luật tố tụng hành chính hiện hành

  1. BÀN VỀ SỰ CÓ MẶT CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH HIỆN HÀNH Nguyễn Long Hồ Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Nguyễn Thị Dung TÓM TẮT Trong những năm qua, việc thay đổi, sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Hành chính cho thấy thực tiễn thi hành pháp luật đang đặt ra các vấn đề cần xem xét về điều chỉnh pháp luật và thi hành pháp luật. Bài viết này, tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp luật tố tụng hành chính về sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm và những bất cấp, hạn chế khi vận dụng các quy định đó vào trong thực tiễn. Từ khóa: kiểm sát viên, Luật Tố tụng Hành chính, phiên tòa phúc thẩm, phiên tòa sơ thẩm, sự vắng mặt của Kiểm sát viên. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng Hành chính mới với 23 chương, 372 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều của Luật Tố tụng Hành chính 2010 và bổ sung 111 điều mới (Luật Tố tụng Hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016). Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới, là đạo luật trực tiếp liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Những nội dung mới của Luật Tố tụng hành chính 2015 ra đời nhằm bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính. Trên hết là bảo đảm các quy định của Luật Tố tụng hành chính không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành được gần 4 năm thì đã gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn xã hội. Do đó, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính số 55/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2020 để sửa đổi, bổ sung cho Luật số 93/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016. Tính đến hiện tại đã được gần 1 năm kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực thi hành và áp dụng trong thực tiễn, nội dung Luật Tố tụng hành chính đã bộc lộ một số bất cập liên quan đến việc giải quyết vụ án một cách công bằng, 1907
  2. khách quan và đúng pháp luật đòi hỏi phải sửa đổi để đảm bảo tính công bằng cho người tham gia tố tụng nói chung và người tiến hành tố tụng nói riêng. Trong những bất cập đó, không thể không kể đến sự bất cập về sự vắng mặt của Kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án hành chính. 2 SỰ CÓ MẶT CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Viện kiểm sát nhân dân có hai chức năng chính là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát 2014. Đối với chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2006) quy định Viện Kiểm sát có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính và là cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra còn quy định rõ Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn là tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính; thực hiện các quyền yêu cầu quyền kiến nghị, quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật để có thể bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành thì Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính. Theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận”. Khi đọc quy định này chúng ta có thể hiểu được rằng, Kiểm sát viên là người bắt buộc phải có mặt từ đầu đến cuối phiên tòa diễn ra để có yêu cầu sửa đổi bổ sung vào biên bản và cuối cùng là ký xác nhận, bởi vì nếu như Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì làm sao có thể thực hiện được chức năng trên. Kiểm sát viên hay nói bao hàm hơn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân nắm vai trò rất quan trọng trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cho ta thấy: Một là, Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Hai là, Viện Kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Mặc khác, theo Điều 43 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án; nghiên cứu hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 của Luật này; tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này; kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu, kiến nghị Tòa án thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Luật này; đề nghị với Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này”. Như vậy, tại các phiên tòa xét xử sơ 1908
  3. thẩm, phiên tòa xét xử phúc thẩm, phiên tòa giám đốc thẩm, phiên tòa tái thẩm, và tại các phiên họp của Tòa án về việc giải quyết các vụ án hành chính phải có sự tham gia của Kiểm sát viên. Trong tố tụng hành chính, sự có mặt của những người tiến hành tố tụng nói chung và của Kiểm sát viên nói riêng tại các phiên tòa, phiên họp có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án hành chính. Sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp đảm bảo đúng thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính tránh vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến trường hợp bản án bị hủy để xét xử lại. Sự có mặt của Kiểm sát viên giúp cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính tại các phiên tòa, phiên họp, qua đó phát hiện ra các sai sót trong hoạt động tố tụng kịp thời đưa ra các quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, thủ tục đặc biệt giúp việc giải quyết vụ án được đúng đắn và khách quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong hoạt động xét xử, là một trong những cơ sở giải quyết vụ án được đúng đắn và triệt để. Quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành về việc nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa (Điều 156 và Điều 224 Luật Tố tụng hành chính hiện hành) sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát tại phiên tòa tố tụng hành chính, đặc biệt phiên tòa có việc giao nộp tài liệu, chứng cứ và xem xét việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ai sẽ là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa? Ai sẽ là người kiểm sát việc ra bản án, quyết định của Tòa án? Làm sao đủ căn cứ để Viện Kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị? 3 BÀN VỀ SỰ VẮNG MẶT CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG PHIÊN TÒA SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM Về sự có mặt của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa sơ thẩm. Theo Điều 156 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có nêu rõ: 1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. 2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu. Theo đó trong phiên tòa cấp sơ thẩm, Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu. Nhưng nếu như Kiểm sát viên được phân công vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Với quy định trên có thể thấy Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hai điểm kế thừa Luật Tố tụng hành chính năm 2010: Một là, Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công phải có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính; 1909
  4. Hai là, trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có một điểm sửa đổi so với quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là trong trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử thay vì phải hoãn phiên tòa như quy định trước đây. Nếu như vậy, thì ai sẽ là người đại diện cho Viện Kiểm sát tham gia, theo dõi quá trình diễn ra phiên tòa để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính tại phiên tòa sơ thẩm là kịp thời và đúng pháp luật? theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Ai sẽ là người đại diện Viện Kiểm sát ký xác nhận vào biên bản phiên tòa sau khi kết thúc phiên tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Ví dụ, trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt mà phiên tòa vẫn diễn ra và đã ban hành ra bản án sơ thẩm, sau này nếu đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự tiến hành kháng cáo bản án sơ thẩm này vì lý do Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã không tuân theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Vậy thì lúc này ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính? Tuy vậy, theo tác giả vẫn còn một vấn đề đáng e ngại khác đó là về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa cấp phúc thẩm được quy định tại Điều 224 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) : 1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện Kiểm sát có kháng nghị. 2. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì người này được thay thế Kiểm sát viên vắng mặt tham gia phiên tòa xét xử vụ án. Với quy định trên có thể thấy rằng, Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có điểm kế thừa quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 khi quy định Kiểm sát viên được phân công phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa phúc thẩm, trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì người này được thay thế Kiểm sát viên vắng mặt tham gia phiên tòa xét xử vụ án. Tuy nhiên, nếu như Điều 194 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 trước đây quy định trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt nếu không có Kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa ngay từ đầu thay thế thì bắt buộc phải hoãn phiên tòa, trong khi đó theo Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị theo khoản 1 Điều 224. Như vậy, sẽ có một vấn đề được đặt ra tại đây là nếu như phiên tòa phúc thẩm, kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm do đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự được quy định tại Điều 204 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) mà lại không có mặt của Kiểm sát viên tham gia phiên 1910
  5. tòa và cũng không có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia từ đầu phiên tòa thì lúc này phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Theo quy định của Luật thì phiên tòa sẽ vấn được diễn ra, điều này làm ảnh hưởng đến việc phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Hội đồng xét xử và của những người tham gia tố tụng, gây khó khăn cho công tác kháng nghị của Viện kiểm sát. Đồng thời, việc quy định về trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa, mà Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường sẽ ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Kiểm sát viên hay nói một cách bao hàm hơn là ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính. Vậy trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt và đương sự cũng không nắm rõ các quy định pháp luật tố tụng thì rất khó để đương sự trong vụ án phát hiện các sai sót trong hoạt động tố tụng để yêu cầu Tòa án thực hiện đúng nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Có thể thấy, sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, vừa với tư cách của người tiến hành tố tụng, nếu Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa thì cần phải hoãn phiên tòa như trường hợp vắng mặt thành viên của Hội đồng xét xử. Ví dụ, ngày 27/07/2019 ông A (người khởi kiện) là chủ quán Karaoke có địa điểm kinh doanh tại Khóm 1, phường KS, TP. ĐL, tỉnh LĐ nhận bản án sơ thẩm giải quyết vụ án hành chính giữa anh A và ông H (người bị kiện) là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường KS, TP. ĐL, tỉnh LĐ về việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông A trong trường hợp ông A có vi phạm về giờ giấc mở, đóng cửa quán Karaoke. Đến ngày 08/08/2019 anh A nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm để đề nghị Tòa án phúc phẩm xét xử lại vụ án. Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã ra thông báo bằng văn bản về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Nhưng đến ngày diễn ra phiên tòa cấp phúc thẩm, Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa là anh P vắng mặt và không có Kiểm sát viên dự khuyết tham gia từ đầu thì trong trường hợp này có hoãn phiên tòa hay không? Hội đồng xét xử phải giải quyết như thế nào vì theo điều Luật trên chỉ yêu cầu hoãn phiên tòa khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị. Theo quan điểm của tác giả, sự có mặt của Kiểm sát viên trong phiên tòa cấp phúc thẩm và phiên tòa cấp sơ thẩm là điều rất quan trọng và cần thiết. Vì Kiểm sát viên là người theo dõi, giám sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử vụ án hành chính. Có thể nói, Kiểm sát viên là người đại diện cho Viện Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Theo tác giả, khoản 1 Điều 224 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên toà, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà và thông báo cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.” và tại khoản 1 Điều 156 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên toà, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà và thông báo cho Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. 1911
  6. Có thể thấy, Luật Tố tụng hành chính đã có những quy định mang tính tương đối về sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp trong tố tụng hành chính, điều này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vụ án hành chính so với các quy định trước đây của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Mặc dù những quy định này của Luật Tố tụng hành chính vẫn còn một số vấn đề cần được hướng dẫn, giải thích rõ, một số quy định chưa phù hợp cần sửa đổi trong thời gian tới, nhưng với những quy định này đã đảm bảo sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng, góp phần giải quyết vụ án hành chính được đúng đắn, khách quan và đúng pháp luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Luật Tố tụng hành chính năm 2010. [2] Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). [3] Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014. [4] Lê Việt Sơn, Đoàn Thị Vĩnh Hà (2017). Vai trò của VKSND trong Tố tụng hành chính theo luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nguồn: https://kiemsat.vn/vai-tro-cua-vksnd- trong-to-tung-hanh-chinh-theo-luat-to-tung-hanh-chinh-nam-2015-46958.html, truy cập ngày 21/03/2021. [5] Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2006). [6] Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2014). Bàn về sự có mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp trong tố tụng hành chính, Nguồn: https://tks.edu.vn/thong-tin- khoa-hoc/chi-tiet/120/344, truy cập ngày 21/03/2021. [7] Viện kiểm sát Nhân dân (2018). Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi tranh tụng của Kiểm sát viên trong kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, Nguồn: https://vksdanang.gov.vn/web/guest/tin-tuc/dm-kiem-sat-vien-viet/chi- tiet?id=30139&_c=87,88,89,71, truy cập ngày 21/03/2021. 1912
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2