intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bàn về tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân trong luật hình sự Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

15
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Bàn về tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân trong luật hình sự Việt Nam phân tích các quy định pháp luật, thực tiễn xét xử liên quan đến tội loạn luân được quy định trong Bộ Luật Hình Sự từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử lí tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bàn về tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân trong luật hình sự Việt Nam

  1. BÀN VỀ TỘI LOẠN LUÂN VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ TÍNH CHẤT LOẠN LUÂN TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Nguyễn Dương Ánh Sương, Nguyễn Hà Duy An, Đinh Minh Uy và Trần Ngọc Diễm Kiều* Khoa Luật, Trường Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) GVHD: ThS. Nguyễn Thị Dung TÓM TẮT Trong các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình thì tội loạn luân là một trong những tội nguy hiểm ở hầu hết các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó xâm phạm nghiêm trọng đến không chỉ mối quan hệ trong gia đình, họ hàng mà còn xâm phạm đến đạo đức, truyền thống, phong tục, tập quán của người Việt. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả phân tích các quy định pháp luật, thực tiễn xét xử liên quan đến tội loạn luân được quy định trong Bộ Luật Hình Sự từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử lí tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân. Từ khóa: cùng dòng máu, hôn nhân và gia đình, hành vi loạn luân, tội loạn luân, truy cứu trách nhiệm hình sự. ĐẶT VẤN ĐỀ Hành vi loạn luân là hành vi đồng thuận giao cấu giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung thì mối quan hệ họ hàng, quan hệ gia đình, quan hệ anh em trong một nhà… là vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Nó thể hiện tôn ti trật tự trong gia đình, trong dòng họ và là một cách đánh giá của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng ngày càng bị xâm phạm với mức độ ngày càng trầm trọng hơn bởi các loại tội phạm, trong đó nhóm các tội gây nguy hại đến mối quan hệ gia đình, làm xói mòn phẩm chất đạo đức con người chiếm phần lớn. Trong xã hội hiện đại, pháp luật cần có chế tài quy định về tội loạn luân để đảm bảo ổn định xã hội. Bất cứ ở đâu có loạn luân, thì ở đó có sự thách thức các giá trị đạo đức chính thống của xã hội loài người. Phòng chống loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân đó là cách ngăn ngừa hiệu quả tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong các quan hệ đạo đức, trái với chuẩn mực xã hội. 2441
  2. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỘI LOẠN LUÂN TRONG LUẬT HÌNH SỰ Các dấu hiệu phạm tội loạn luân quy định tại Bộ luật Hình sự Tại Điều 184 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó có cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì bị xử lí về tội loạn luân. Theo đó một người thực hiện hành vi được cho là phạm tội loạn luân phải thỏa mãn đủ 4 yếu tố cấu thành sau: - Mặt khách quan của tội phạm Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi giao cấu thuận tình với người cùng dòng máu về trực hệ: cha với con, mẹ với con, ông với cháu, bà với cháu, giữa anh chị em cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau [4]. Hành vi giao cấu trong tội Loạn luân được thực hiện trên cơ sở thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên, giữa những người loạn luân biết rõ họ cùng dòng máu về trực hệ. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu TNHS về tội Loạn luân mà phải truy cứu TNHS về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điểm c khoản 2 điều 145 BLHS). Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu TNHS về tội Hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS) hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS); nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu TNHS về tội Cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 BLHS năm 2015) hoặc tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 144 BLHS); trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu TNHS về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS). - Mặt chủ quan của tội phạm Tương tự với tất cả các tội vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình khác, tội loạn luân được thực hiện với hình thức lỗi cố ý, nghĩa là chủ thể nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi loạn luân, thấy trước được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nhưng vẫn quyết định thực hiện hành vi đó vì mong muốn thỏa mãn về tình dục. - Chủ thể của tội phạm 2442
  3. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, ngoài yêu cầu về độ tuổi chịu TNHS có năng lực TNHS, còn phải đáp ứng dấu hiệu của chủ thể đặc biệt, đó là người có quan hệ huyết thống với người cùng giao cấu. - Khách thể của tội phạm Khách thể của tội loạn luân là sự phát triển bình thường của giống nòi và sự phát triển bình thường về tình dục của những người chưa đến tuổi trưởng thành. Theo tài liệu về y học thì những người cùng dòng máu trực hệ cùng giao cấu với nhau mà có con thì đứa con sinh ra sẽ bị quặt quẹo, thậm chí quái thai, dị tật. Ngoài ra tội loạn luân còn xâm phạm đến thuần phong mỹ tục, đến hạnh phúc gia đình. Trách nhiệm hình sự đối với tội loạn luân Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hành vi loạn luân đã xâm phạm đến quan hệ hôn nhân và gia đình, bên cạnh đó, cả hai văn bản quy phạm pháp luật là Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đều quy định có tổng số 06 trường hợp phạm tội có yếu tố loạn luân, bao gồm 01 tội loạn luân thuộc Chương Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và 05 tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân thuộc Chương Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhâm phẩm và danh dự của con người.[5] Điểm giống nhau của 06 tội phạm này đó là hành vi phạm tội đều là hành vi tình dục có yếu tố loạn luân. Về điểm khác nhau giữa 2 văn bản quy phạm pháp luật này là bộ luật hiện hành đã thêm cụm từ “mà biết rõ người đó” nhằm khẳng định đây là lỗi cố ý, biết rõ rồi mà vẫn thực hiện tội phạm còn BLHS 1999 chỉ quy định giao cấu với người cùng dòng máu trực hệ chứ chưa xác định rõ là có biết rõ người đó cùng dòng máu hay không. Khung hình phạt cơ bản của BLHS hiện hành đưa ra là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm cao hơn BLHS 1999 là từ 06 tháng đến 05 năm. Các tội phạm khác cấu thành tội loạn luân được BLHS 2015, SĐBS 2017 quy định nhu sau: Cùng là giao cấu có tính chất loạn luân, nếu hai bên thuận tình và đều đủ 16 tuổi trở lên sẽ phạm tội loạn luân theo Điều 184; nếu hai bên thuận tình kèm theo tình tiết cụ thể là một người thì đủ 18 tuổi và người còn lại từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hành vi đó đã cấu thành tội giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân theo điểm c khoản 2 Điều 145. Cùng là giao cấu có tính chất loạn luân, nếu bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu trái ý muốn của nạn nhân thì hành vi không cấu thành tội loạn luân mà có thể cấu thành một trong các tội sau: hành vi cấu thành tội hiếp dâm có tính chất loạn luân theo điểm e khoản 2 điều 141 nếu nạn nhân đủ 16 tuổi trở lên; hành vi cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân theo điểm a khoản 2 điều 142 nếu nạn nhân dưới 16 tuổi. 2443
  4. Cùng là giao cấu có tính chất loạn luân, nếu có dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp hành vi có thể cấu thành một trong các tội sau: tội cưỡng dâm có tính chất loạn luân theo điểm d khoản 2 điều 143 nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên; hoặc tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân theo điểm a khoản 2 điều 144 nếu nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về tội loạn luân Khi bàn về tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân trong BLHS Việt Nam nhận thấy có một số bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về việc xác định xác định trách nhiệm hình sự trong các điều khoản của BLHS 2015, SĐBS 2017 như sau: Theo quy định của BLHS 2015, hành vi loạn luân được thực hiện bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm theo điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS 2015 hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS 2015; nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng dâm theo điểm d khoản 2 Điều 143 hoặc tội Cưỡng dâm người đủ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại điểm a khoản 2 Điều 144 BLHS 2015. Còn trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS 2015.[2] Như vậy trong BLHS năm 2015, SĐBS 2017 thì đã phân ra khá rõ về từng trách nhiệm hình sự theo các điều và các khung hình phạt khác nhau. Nhưng cũng cần phải kiến nghị nên có một văn bản để hướng dẫn thống nhất về các trường hợp hành vi phạm tội nào nên kết luận vào khung hình phạt nào theo điểm mấy khoản mấy Điều mấy của BLHS 2015, những tội khác có mang tính chất loạn luân thì được xử lý như thế nào theo BLHS năm 2015 SĐBS 2017 như văn bản Thông tư liên tịch số 01/2001 đã hướng dẫn cho BLHS năm 1999 về các hành vi phạm tội loạn luân và các hành vi phạm tội mang tính chất loạn luân. THỰC TIỄN XÉT XỬ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ TỘI LOẠN LUÂN Thực tiễn xét xử đối với tội loạn luân Các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp từ giai đoạn điều tra, truy tố để giải quyết kịp thời, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi loạn luân, nhất là những hành vi loạn luân xâm phạm tình dục mà nạn nhân là trẻ em làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ cũng như ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội. Đối với việc giải quyết các vụ án loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân hiện nay cho thấy, việc phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu như các dấu vết, mẫu AND,... của đối tượng gây án để lại trên 2444
  5. người và quần áo của nạn nhân hoặc ở hiện trường còn gặp nhiều khó khăn vì có nhiều trường hợp, trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong việc giải quyết dẫn đến khai báo muộn, hoặc không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, dẫn đến việc vô hình chung đã tạo điều kiện để người phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (không thu được ADN, vùng kín bị hóa sẹo…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị xâm hại hay không và ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Một vấn đề cần được làm rõ ở đây nữa là các tội phạm ẩn trong tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân, cụ thể sau khi tội phạm xảy ra các nạn nhân sợ dư luận bàn tán, gièm pha vì các tội này trái với luân thường đạo lý nên họ thường không dám tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Việc giải quyết các vụ án loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp, khi xảy ra sự việc, nạn nhân ngại tố cáo tội phạm vì chính tội phạm là người thân trong gia đình nên dấu kín do sợ tai tiếng và mặc cảm. Vụ án: Loạn luân theo bản án số 37/2018/HS-ST ngày 31/10/2018 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 16 giờ, ngày 30/6/2018, Hờ A T nảy sinh ý định thực hiện hành vi giao cấu với con đẻ là Hờ Thị M, khi T hỏi Hờ Thị M cho giao cấu thì được Hờ Thị M đồng ý cho giao cấu, nên T đã thực hiện hành vi giao cấu với Hờ Thị M tại vườn chuối dưới nhà Trước đó, T cũng đã thực hiện hành vi giao cấu với Hờ Thị M tại chòi sắn của gia đình tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý, Hờ A T khai nhận, mỗi khi thực hiện hành vi giao cấu với Hờ Thị M thì đều hỏi và được Hờ Thị M đồng ý cho giao cấu. Các lần bị T giao cấu, chị Hờ Thị M về đều kể lại cho mẹ đẻ là bà Sùng Thị T nghe. Ngày 30/6/2018 khi bị giao cấu thì chị M cũng kể lại cho bà T nghe và được bà T nói với Hờ Thị M là phải đi báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý Hờ A T, nên chị Hờ Thị M đã báo cáo với trưởng bản và Ban Công an xã Trung Lý, sau đó sự việc được Cơ quan CSĐT Công an huyện Mường Lát tiếp nhận giải quyết. Đến 15 giờ, ngày 02/7/2018 Hờ A T đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Mường Lát đầu thú và khai báo về hành vi phạm tội của mình. Tại bản kết luận giám định số: 1460/SH-PC54 ngày 09/7/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận:3 - Trong mẫu dịch âm đạo của Hờ Thị M không tìm thấy xác tinh trùng người. - Hờ A T có đầy đủ các alen bắt buộc ở các locus gen đối với Hờ Thị M. Hờ A T là cha đẻ của Hờ Thị M, xác xuất quan hệ huyết thống là 99,99999%. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 37/2018/HS-ST ngày 31/10/2018 của TAND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa tuyên xử: Bị cáo Hờ A T phạm tội “Loạn luân”. Xử phạt bị cáo 02 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (02/7/2018) khi căn cứ vào Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 184; Điều 38; Điểm o; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 2445
  6. Nhận xét nội dung vụ án: Nhóm tác giả nhận thấy rằng Tòa án nhân dân huyện Mường Lát đã tuyên xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật vì bị cáo T là người có năng lực trách nhiệm hình sự, lại là bố đẻ của bị hại M ( người có cùng dòng máu trực hệ). Hành vi giao cấu của bị cáo với con đẻ đủ yếu tố cấu thành tội “Loạn luân” theo quy định tại Điều 184 BLHS 2015, SĐBS 2017 [1]. Qua đó cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo là người thành niên và lại là cha đẻ của bị hại, nhận thức được quan hệ tình dục với con mình là vi phạm pháp luật nhưng lại không kìm chế được dục vọng, bất chấp luật pháp, đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội. Hành vi của bị cáo đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của bị hại và của cả bị cáo, vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử lý tội loạn luân TAND các cấp cần tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân, Tòa án nhân dân tối cao cần chỉ đạo việc rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để xử lý dứt điểm, có giải pháp tích cực trong việc xử lý các vụ án này, không để tồn đọng, kéo dài. TAND các cấp cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, VKSND cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố để kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, đảm bảo kịp thời giải quyết các vụ án loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân được nhanh chóng, đúng thời hạn luật định và xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm xâm hại; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm không để tồn đọng án. Hiện nay các quy định của pháp luật và việc áp dụng vào giải quyết các vụ án loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; bởi lẽ, hệ thống pháp luật của nước ta có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện pháp luật để việc giải quyết các vụ án này cho phù hợp với thực tiễn. Việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh các vụ án loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân được thực hiện trên hai phương diện đó là pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng. Cần có nhiều cán bộ đi sâu vào vùng dân tộc ít người, tuyên truyền tư vấn cho đồng bào hiểu rõ về Bộ luật hình sự, nhằm giúp họ nắm rõ các chế tài trong Bộ luật hình sự để họ có thể tuân thủ đúng pháp luật, nhằm đẩy lùi tội phạm, xây dựng một xã hội tốt đẹp, lành mạnh. Tình trạng không có việc làm, trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết pháp luật, coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức của một số không ít người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, có nhiều trường hợp là cha đẻ của nạn nhân. Công tác bảo vệ, chăm sóc nạn nhân là trẻ em trong các vụ án hình sự cần được quan tâm hơn nữa; cần đổi mới cách thức và tổ chức hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là Tòa án để bảo đảm việc tiến hành tố tụng không gây tác động xấu đến tâm sinh lý của trẻ em; xây dựng cơ chế hữu hiệu để tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em bị tổn hại về tinh thần và sức khỏe, giúp các em phục hồi và phát triển lành mạnh. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là 05 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện, tuy nhiên thì trong trường hợp tội phạm ẩn, khi hết thời hiệu thì sẽ bỏ lọt tội phạm vì vậy cần tăng thời hiệu truy cứu đối với tội này. 2446
  7. KẾT LUẬN Như vậy, vấn đề về tội loạn luân là một vấn đề rất nghiệm trong đến xã hội và được rất nhiều sự quan tâm tâm từ quần chung nhân dân. Tội loạn luân đã gây ra những vấn đề nhức nhối đến xã hội loài người, gây mất thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình. Các nạn nhân của tội phạm loạn luân thường là trẻ em. Khi trẻ em bị xâm hại tình dục thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của trẻ nhỏ. Vì vậy, công tác bảo vệ và chăm sóc các nạn nhân là trẻ em trong vấn nạn hiếp dâm trẻ nhỏ nói chung và loạn luân nói riêng cần được sự quan tâm nhiều hơn từ gia đinh và chính quyền, đặc biệt là sự giáo dục của gia đình và chính quyền tuyên truyền, truyền đạt những thông tin cần thiết để mọi người có thể nhấn thức được sự nguy hiểm của tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân. Cuối cùng, cần phải có những biện pháp nghiêm khắc, những hình phạt thật nặng và cần nhanh chóng khắc phục các vấn đề bất cập trong một số nội dung của BLHS về vấn đề loạn luân để không có lỗ hỏng và phải áp dụng hình phạt cao nhất đối với tội loạn luân và các trường hợp có tính chất loạn luân. TÀI LIỆU KHAM KHẢO [1] Quốc hội (2017), Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2] Quốc hội (1999), Bộ luật hình sự 1999, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. [3] Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2001), Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 về hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Giáo Trình Luật Hình Sự Việt Nam (tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung). [5] https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Ban-ve-toi-loan-luan-va-cac-truong-hop-pham-toi-co-tinh-chat- loan-luan-trong-luat-hinh-su-Viet-Nam-2248/. [6] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2007), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.148. [7] Vũ Hải Anh, “Một số vướng mắc trong xét xử trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em chưa đủ 13 tuổi có tính chất loạn luân”, Tạp chí Nghề luật, số 1/2015, tr.47. [8] Phạm Anh Tuấn, “Định tội danh trong trường hợp một hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2001. 2447
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2