intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP Cơ sở Hiến pháp đầu tiên của "

Chia sẻ: Nguyễn Phương Hà Linh Halinh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

102
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 3 tháng 9 năm 1945, liền một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước là “trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học: "TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP Cơ sở Hiến pháp đầu tiên của "

  1. TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP Cơ sở Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam BÙI NGỌC SƠN Khoa Luật ĐHQG Hà Nội Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 3 tháng 9 năm 1945, liền một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước là “trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Có thể nói rằng Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp có quan hệ mật thiết với nhau. Bộ trưởng Bộ Tư pháp
  2. đầu tiên của Việt Nam, ông Vũ Đình Hòe khẳng định: “Hiến pháp 1946 gắn hữu cơ với Tuyên ngôn độc lập”. Trong mối quan hệ này, Tuyên ngôn độc lập là cơ sở của Hiến pháp. 1. “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập” Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lập quốc kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới rằng nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ. Tạo tiền đề lý luận cho việc khẳng định quyền độc lập, tự chủ dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên xuất phát từ “đạo lý và chính nghĩa” được thừa nhận như một giá trị tiến bộ của nền văn minh nhân loại: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu
  3. hạnh phúc”. Sau khi nhắc lại những lời đó trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Hồ Chí Minh đưa ra suy luận khoa học vĩ đại: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ đạo lý tiến bộ của nhân loại để suy luận ra quyền độc lập của dân tộc. Quyền con người được đề cập trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ chỉ được hiểu là quyền của cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra quyền độc lập, tự quyết của dân tộc là một nội dung tất yếu của quyền con người. Như vậy đối với Người, quyền con người không chỉ được hiểu là quyền cá nhân mà còn là quyền của tập thể, của cả một dân tộc, quyền tự quyết dân tộc là một nội dung của quyền con người. Mọi dân tộc sinh ra đều có quyền bình đẳng, tự quyết định vận mệnh của mình. Đó là “lẽ phải không ai có
  4. thể chối cãi được”. Đó chính là chân lý của nhân loại, đạo lý của con người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đạo lý ấy có “gốc của Thiện. Làm trái lại là Ác. Phải lấy Thiện chống Ác. Trên thế giới, trong xã hội ta và trong bản thân mỗi người”4. Quyền tự quyết dân tộc, như vậy, xuất phát từ tính nhân bản của loài người, đó chính là quyền con người. Do đó, với việc khẳng định quyền độc lập dân tộc, Tuyên ngôn độc lập thể hiện tính nhân bản rất cao. Ý tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập về quyền độc lập dân tộc đã được chuyển tải thành nội dung của một quy phạm pháp luật quốc tế tại Hội nghị thế giới về nhân quyền họp ngày 25-6- 1993. Tuyên ngôn Vienna và chương trình hành động của Hội nghị đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc tự quyết định thể chế chính trị của mình và tự do theo đuổi con đường kinh tế, xã hội và văn hóa của
  5. mình”5. Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng xương máu của nhân dân Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc đã đóng góp cho nhân loại tiến bộ một quy phạm giá trị về quyền tự quyết dân tộc với tư cách là một nội dung của quyền con người. Không những xuất phát từ đạo lý và chính nghĩa của nhân loại, Hồ Chí Minh còn xuất phát từ cơ sở thực tiễn của 50 năm cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tổng kết thành quả của cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát lại tội ác của thực dân Pháp mà ngay từ những năm tháng đầu hoạt động cách mạng Người đã lên án. Tuyên ngôn đã đưa ra một con số ghê rợn về tội ác dã man của bọn thực dân: trong vòng mấy tháng, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai
  6. triệu đồng bào ta bị chết đói. Càng trái đạo lý nhân loại hơn, một tội ác tày đình: bọn thực dân Pháp đã “quỳ gối đầu hàng Nhật” đã hai lần bán xứ Đông Dương cho Nhật… Dân tộc ta với đạo lý và chính nghĩa đã: “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập”6. Xuất phát từ những đạo lý và chính nghĩa của nhân loại, thực tiễn đã giành được độc lập của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trách nhiệm của các nước Đồng minh: Họ đã công nhận những nguyên tắc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm và đứng về phe đồng minh chống phát xít. Dân tộc ta phải được tự do. Dân tộc ta phải được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố
  7. trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do, độc lập ấy”7. Khẳng định độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở cho việc ra đời Hiến pháp 1946 sau này. Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Người đã lập tức đặt vấn đề soạn thảo Hiến pháp. Vì người nhận thức rằng Hiến pháp chỉ tồn tại trong một dân tộc độc lập, và một khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã giành được độc lập cho dân tộc thì phải có Hiến pháp. Hiến pháp là những quy định có tầm cao nhất nhằm điều chỉnh việc tổ chức nhà nước, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước, hình thức, cơ cấu và mối quan hệ của nhà nước với công dân. Hiến pháp là tất cả các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc
  8. gia, ấn định hình thể quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia. Chính vì tính đặc thù của Hiến pháp là văn bản quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức chính trị của quốc gia, cho nên việc thiết lập Hiến pháp là thể hiện chủ quyền của quốc gia. Do đó, một quốc gia có độc lập, có chủ quyền thì mới có Hiến pháp. Vì vậy có thể khẳng định rằng Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 là tiền đề, là cơ sở của Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập khẳng định Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Một dân tộc có độc lập, chủ quyền có thể tự ấn định cho mình các thể chế chính trị. Một khi đã có độc lập chủ quyền, Việt Nam có thể thiết lập nên những nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của mình trong một văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, làm nền tảng pháp lý cho Nhà nước – Hiến pháp.
  9. Tuyên ngôn độc lập đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Hiến pháp, đó là chủ quyền, độc lập của quốc gia. Và đến lượt mình, Hiến pháp lại khẳng định những giá trị độc lập dân tộc mà Tuyên ngôn đã ghi nhận. Ngay những lời đầu tiên trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định lại nền độc lập, chủ quyền của dân tộc: “Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước… Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân…”. Độc lập hoàn toàn cho dân tộc là mục tiêu của Hiến pháp 1946. 2. “Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” Độc lập dân tộc là tiền đề, cơ sở đầu tiên cho việc thiết lập Hiến pháp. Tuy nhiên, không phải mọi dân tộc có chủ quyền đều có thể có Hiến pháp. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có hai áng văn chương được coi như những tuyên ngôn độc lập. Đó là Nam
  10. quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Những áng văn chương này đều khẳng định chủ quyền của quốc gia, nền độc lập của dân tộc. Tuy nhiên, sau hai áng văn chương này đều chưa thể có Hiến pháp vì trong lịch sử nhân loại, Hiến pháp chỉ ra đời khi lịch sử xã hội phát triển đến một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến, quyền lực nhà nước được tổ chức phổ biến theo hình thức chính thể quân chủ tuyệt đối. Khi đó, tất cả quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay nhà vua. Không có một văn bản nào giới hạn quyền lực của nhà vua và ấn định về những nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, mà chỉ có các tập quán bất thành văn do giới cầm quyền tự thừa nhận với nhau điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của triều đình nhà vua. Hệ thống pháp luật của các nhà nước tiền tư bản chủ yếu chỉ ràng buộc các quan hệ giữa các thần dân. Chính những điều này tạo cơ sở cho sự chuyên chế của giới cầm quyền. Khi
  11. giai cấp tư sản ra đời, nhằm chống lại sự chuyên chế của nhà nước phong kiến, họ đã đề ra hàng loạt các khẩu hiệu tiến bộ, trong đó có khẩu hiệu lập hiến. Chủ nghĩa lập hiến gắn liền với lý thuyết chủ quyền nhân dân. Các nhà lý luận của chủ nghĩa tư bản đặt vấn đề quyền lực phải do nhân dân định đoạt chứ không phải do thiên đình và phải có một văn bản quy định về việc tổ chức quyền lực nhà nước. Hiến pháp chính là văn bản quy định về tổ chức quyền lực nhà nước và khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Nói một cách khác Hiến pháp gắn liền với dân chủ. Chỉ có dân chủ mới có Hiến pháp. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định chính xác rằng trong chế độ quân chủ chuyên chế cũng như trong chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ, nên chúng ta không có Hiến pháp. Như vậy, ngoài điều kiện là độc lập chủ quyền dân tộc, thì điều kiện thiết yếu tiếp theo của Hiến pháp là dân chủ – quyền lực thuộc về nhân dân.
  12. Dân chủ ở đây được hiểu theo nghĩa như Lênin nói đó là một chế độ – chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ theo cách hiểu của Lênin là “một hình thức nhà nước”8. Dân chủ là một hình thức tổ chức quyền lực nhà nước thừa nhận quyền lực thuộc về nhân dân, sự tham gia của nhân dân vào việc thành lập nên các cơ quan nhà nước. Khi có một chế độ dân chủ thì mới có Hiến pháp. Chính Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định chế độ dân chủ là cơ sở cho việc ra đời Hiến pháp. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vua Bảo Đại thoái vị… Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”9. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã chính thức tuyên bố với thế giới Việt Nam đã trở thành một nhà nước dân chủ cộng hòa. Đó là cơ sở cho Hiến pháp sau này thiết lập chính thể cộng hòa dân chủ cho Nhà nước Việt Nam.
  13. Lời nói đầu Hiến pháp 1946 đã khẳng định việc “gạt bỏ chế độ vua quan”. Chương I – Chính thể: đã ghi nhận chính thể cộng hòa dân chủ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp ghi nhận một hình thức đại diện để thực hiện quyền lực nhân dân là thông qua Quốc hội. Quốc hội là cơ quan có quyền cao nhất của nhà nước do nhân dân bầu ra để đại diện nhân dân hành xử chủ quyền nhân dân. Như vậy, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và chế độ dân chủ cộng hòa. Chính những yếu tố này là cơ sở cho việc ra đời Hiến pháp đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Giá trị của Tuyên ngôn độc lập chính là ở chỗ mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và dân chủ cộng hòa, và
  14. do đó đã mở ra một kỷ nguyên Hiến pháp cho Việt Nam. [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 2000, tr. 8. Vũ Đình Hòe, Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam: một mô hình mới – Hiến pháp dân tộc và dân chủ trong cuốn Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, H., 1998, tr. 66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 2000, tr. 1. 4 Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây, H., 2001, tr. 303. 5 Phạm Khiêm Ích, Hoàng Văn Hảo (chủ biên), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện Thông tin khoa học xã hội xuất bản, H., tr. 656.
  15. 6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 2000, tr. 3. 7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 2000, tr. 4. 8 V. I. Lênin, Toàn tập, tập 33, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 123. 9 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 2000, tr. 3.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2