intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bờ phía bên kia

Chia sẻ: G G | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

59
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Những chiều, khi ráng hoàng hôn phủ màu lộng lẫy trên bến vắng, tôi tưởng như trong gió, mùi tóc thơm cỏ mềm của em đâu đây, tưởng như em đang ngồi bên để tôi có thể quay sang mà hỏi: 'Em có muốn qua bờ bên kia không?' Thanh Vân Tôi chống chân xe máy trong sân và kịp thấy làn gió nhẹ mát của chiều miền núi lướt qua mặt. Mẹ đang ngồi xốc mớ me khô phơi trên tấm vải bố.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bờ phía bên kia

  1. Bờ phía bên kia Những chiều, khi ráng hoàng hôn phủ màu lộng lẫy trên bến vắng, tôi tưởng như trong gió, mùi tóc thơm cỏ mềm của em đâu đây, tưởng như em đang ngồi bên để tôi có thể quay sang mà hỏi: 'Em có muốn qua bờ bên kia không?' Thanh Vân - Tôi chống chân xe máy trong sân và kịp thấy làn gió nhẹ mát của chiều miền núi lướt qua mặt. Mẹ đang ngồi xốc mớ me khô phơi trên tấm vải bố. Mẹ ngẩng lên nhìn tôi, mắt đượm buồn: - Chiều con qua thắp cho nó nén nhang! Tôi dạ với mẹ mà như nói với mình. 40 cây số đường về trên chiếc xe lọc cọc chỉ là quãng rất ngắn. Những gì diễn ra trong đầu tôi mới thật sự dài hơn. Khi mẹ báo tin Hiền mất qua điện thoại, tôi chỉ nhớ mình im lặng rất lâu, cho đến khi mẹ tiếp: “Con thấy về được thì về, cũng là ngày cuối tuần”. Sao mẹ có thể nghĩ tôi sẽ không về để tiễn Hiền? Sao mẹ có thể nghĩ nếu tôi về chỉ vì đang là ngày thứ bảy? Những giọt nắng cuối cùng đã tắt trên khoảnh sân vuông. Tôi vẫn còn đứng tần ngần trước sân, nhìn qua bên kia bờ sông. Nơi mấy chiếc ghe nhỏ neo đậu ríu rít tiếng trẻ con nghịch nước. Tiếng ông chồng nào dấm dẳng vì quên mua dầu thắp đèn. Tiếng người vợ nào ra vẻ làu bàu mắng chó chửi mèo. Tiếng chén đũa xô trên mâm cơm chiều… Mùi cá kho, mùi dầu gội đầu của ai vừa tắm thoảng trên bến sông. Mấy con vịt cuối cùng về chuồng đang kêu quàng quạc… Sự sống trỗi dậy từ mọi ngóc ngách làng quê nhỏ bé. Chỉ có em Hiền của tôi là không còn nữa. Em đang ở đâu đó, cô đơn và lặng lẽ như ngôi sao Hôm vừa mọc trên cao kia. Lấp lánh. *** Mỗi khi nhớ về thị trấn núi nhỏ bé, tôi nhớ tiếng búa đập đá. Ngoài nghề nông, hầu hết người ở đây đều làm nghề đá. Đá được các chủ thầu khai thác từ Núi Lớn, sau đó phân về cho từng người làm thuê. Người già, trẻ con, thanh niên trai tráng sống nhờ vào đá. Người ta đập nhỏ những tảng đá to bán cho các công trình xây dựng. Người ta làm các thứ đồ thủ công mỹ nghệ từ đá. Mỗi ngày, thay vì tiếng gà gáy, tiếng đập đá lóc cóc đều đều là dàn nhạc đánh thức thị trấn núi khỏi cái ẩm ướt của đêm tối, bắt đầu ngày mới trong nóng gắt. Bụi đá trắng mờ lả tả khắp xóm. Bụi nhuộm trắng những đôi bàn tay quê chai sần.
  2. Tôi gặp Hiền lần đầu tiên khi chỉ là thằng bé 12 tuổi. Mẹ tôi luôn cảnh báo, thậm chí đe dọa, để tôi sợ mà không dám bén mảng đến ngôi nhà lợp mái lá lụp xụp cuối xóm của hai cha con Hiền. Nhưng tôi và lũ bạn luôn mong có cơ hội lẻn qua hàng rào cây xương rồng dày đặc của ngôi nhà đó để xem bên trong có gì. Mẹ nói chắc nịch: “Ông Minh nhà đó bị ho lao, mày cứ đến gần lây bệnh thì khổ!”. Còn những người khác truyền tai nhau: “Nhà đó có ma!”. Càng nhiều lời cảnh báo càng khiến “bè lũ” chúng tôi quyết tâm khám phá bí mật về ngôi nhà chỉ có một cái cửa sổ và hầu như ít ai thấy chủ nhân của nó đi lại bằng cửa trước. Một lần, vào buổi trưa vắng, tiếng đập đá lóc cóc đều đều vang uể oải khắp xóm, mấy thằng tôi sau khi chơi chán chê các trò, tắm sông, tạt lon, đánh nhau… ở khoảnh đất phía bên ngoài hàng rào xương rồng của ngôi nhà, đối diện với bến sông thưa người, chúng tôi nảy ý định khoét hàng rào chui vào. Khi trót lọt vào bên trong thì cả lũ cảm thấy lâng lâng cảm giác khó tả. Trước mắt chúng tôi là hai cây sơ ri lùn, chi chít những trái đỏ mọng, một dãy cây trứng cá cao mảnh khảnh mà dưới gốc cây là lớp trái chín nẫu. Dường như chủ nhân của ngôi nhà chẳng để ý đến mấy loại trái hấp dẫn này. Bọn tôi mau chóng “hạ gục” cây sơ ri vì cành nó to bè và chắc chắn hơn cây trứng cá thân giòn…. Khi thằng Cá lóc, thằng Rùa, Cu đen đang vắt vẻo trên cành, miệng nhai tay đút túi từng nắm trái, tôi ung dung đứng bên dưới vít cành và ăn ngay tại chỗ những trái sơ ri giòn ngọt… Nhưng khác với lũ bạn vô tư, tôi có cảm giác như có ai đang nhìn mình từ phía sau. Một cái nhìn có thể khiến người ta lạnh buốt, ngay cả khi trời đang trưa nắng: - Cho tao chơi với! Một giọng nói nhỏ nhẹ, mơ hồ thốt lên từ khuất sau khung cửa tối. Khi tôi kịp định thần để một quả sơ ri không mắc kẹt giữa cuống họng thì lũ bạn “cá rùa” của tôi đã nhảy phóc hết từ trên các cành xuống, hò nhau chạy qua lỗ thủng của hàng rào. Còn tôi, không hiểu sao vẫn đứng đó như trời trồng, hai chân ríu lại, mắt trừng trừng vào bậc cửa. Nơi đó, một cái bóng nhỏ ló ra khỏi bức mành. Cái bóng không đi hoặc chạy mà nó lê từng chập. Đó là cái bóng của con thú bị thương, chấp chới muốn tìm lại sự sống. Khi nó lết ra được hết bậc cửa, tôi thấy rõ đó không phải là một con thú mà là đứa con gái với đôi chân nhỏ xíu, teo quắt, quặp về phía sau. Nó di chuyển thoăn thoắt bằng hai cánh tay. Mái tóc dài của nó được thắt bím cẩu thả, chấp chới quanh một khuôn mặt trắng nõn, nhợt nhạt… Khung cảnh thâm u, chỉ có cây cối của ngôi nhà cùng sự xuất hiện đột ngột của nó khiến tôi không thể nào tránh khỏi ý nghĩa lóe qua đầu: Tôi đang gặp ma giữa ban ngày. Sau tiếng thét “Mẹ
  3. ơi!”, tôi chỉ còn nhớ mình dồn hết sức chạy đến lỗ thủng hàng rào, mặc cho gai xương rồng đâm nhức nhối. *** Tôi rời đám ma Hiền và đi về nhà. Tôi định rẽ về hướng núi nhưng không hiểu sao chân đưa mình đến bờ sông. Gần 20 năm, thị trấn này vẫn vậy: nhỏ bé và tĩnh lặng. Chỉ khác, người ta đã thôi sống nhờ vào đá. Những tiếng gõ đều đặn lóc cóc chỉ còn trong ký ức. Lúc này đây, khi tôi đang đi khỏi con đường trải nhựa, đi khỏi ánh đèn đường với lũ thiêu thân đang cuồng loạn gieo mình vào ánh sáng mà về phía sông, trong bóng đêm, tôi chợt đưa hai tay bưng lấy mặt mình nấc nghẹn. Như trong một đoạn văn tả cảnh cũ kỹ, cảnh tượng trước mặt tôi lúc này là dòng sông trong mát êm đềm chảy. Trên cao, trăng khuất một nửa trong mây, một nửa soi rọi xuống trần gian với vẻ tò mò, nghi hoặc. Tôi thót tim khi thấy một cái bóng nhỏ ngồi thu lu ngay trên bến, chỗ có mấy bậc thang dẫn xuống sông, dành cho phụ nữ giặt giũ và tắm gội. - Phải em không Hiền? Tôi bất thần lên tiếng, để rồi thấy thằng đàn ông trong mình đang bị bóp nghẹt bởi nỗi xấu hổ hơn là nỗi sợ bóng vía mơ hồ. Trả lời tôi chỉ có tiếng sóng đánh oàm oạp vào bờ. Trăng chợt tỏ hơn một chút đủ để nhìn thấy đống gạch đá vụn ai đó chất trên bờ. Người nào đùa nghịch khoác một bao tải rách lên đống đá nhỏ. Chỉ có thế mà thôi!…. *** Sau cú chạy thục mạng, tôi cũng nghe được từ người lớn câu chuyện về “ngôi nhà có ma”. Thực chất chẳng có ma cỏ gì sau mái nhà lá được bao bọc bởi dãy hàng rào xương rồng xanh thẫm. Đó chỉ là một câu chuyện kể buồn tẻ như bao câu chuyện éo le trên cuộc đời này. Có hai người, một già một trẻ sống ở đấy. Ông già Minh và đứa con gái tật nguyền. Ông Minh là một nghệ nhân bia mộ và làm cối đá có tiếng trong vùng. Ba tôi kể, hầu như các ngôi mộ trong nghĩa trang của thị trấn đều được dân trong vùng đặt bia từ nhà ông Minh. Thời trẻ, ông Minh sống với một người anh trai trên phần đất của cha mẹ để lại. Không biết có phải vì bụi đá và công việc nặng nhọc hay do cuộc sống quá khổ mà sau một thời gian dài bệnh nặng, người anh trai của ông Minh qua đời. Còn lại một mình, người trong thị trấn thấy ông Minh lặng lẽ sống bên những hòn đá tảng dựng đầy vách nhà. Rồi một lần sau chuyến ông theo ghe bán đá ở thượng nguồn sông Thoại, người ta lại thấy ông dắt về một người đàn bà mặt hoa, da phấn, dáng vẻ
  4. khác hẳn đàn bà con gái trong vùng. Ông nội của tôi là một trong số ít người chòm xóm được ông Minh mời dự bữa tiệc ấm cúng để “ra mắt bà con xóm giềng”. Sau bữa tiệc rượu, xóm đá miễn cưỡng chấp nhận người đàn bà đến từ phương xa. Người đàn bà luôn tỏ vẻ sợ hãi cái nắng gay gắt xứ núi, chỉ cắp giỏ đi chợ mỗi sáng sớm tinh mơ, không kỳ kèo mặc cả mớ rau con cá mà sẵn sàng trả tiền ngay từ lần ngã giá đầu tiên. Cái kết của câu chuyện thật dễ đoán, một ngày, người đàn bà khăn gói ra đi, để lại người thợ đá có đôi bàn tay quanh năm trắng màu bụi và một đứa con gái bé bỏng, tật nguyền. *** Rốt cuộc, tụi nhỏ trong xóm tin theo sự thuyết phục của tôi. “Tao thề với tụi bay đó chỉ là một con nhỏ què!”, tôi mạnh miệng khẳng định để xua tan nỗi sợ trẻ con của lũ bạn, và vì tôi muốn tụi nó cùng tôi quay lại sân nhà con bé ấy để chơi. Khuôn mặt trắng trẻo của con nhỏ, những đường nét thanh tú, mái tóc đen pha màu nâu nhạt dịu dàng ánh lên trong sắc nắng khi nó mấp mé ở khung cửa tối ngôi nhà, và nhất là đôi mắt trong veo, tròn to ngơ ngác của nó… tất cả in trọn trong trí nhớ của tôi như một sự dịu dàng, hiền hậu. Hình ảnh ấy gợi nhắc về một con người cần che chở, yêu thương nhưng cũng gợi lên một niềm vỗ về, an ủi mơ hồ mà người sở hữu nó muốn dành cho ai đó. Tôi muốn được quay lại ngôi nhà ấy. Trẻ con thật dễ làm quen. Sau một thời gian, nhà bé Hiền đã trở thành sân chơi của chúng tôi. Ông Minh ho lụ khụ chỉ ngước nhìn lũ trẻ đúng một lần rồi sau đó quay lại công việc bên những tảng đá trắng xếp lớp dựa trên vách nhà. Luôn luôn khi chúng tôi ở sân trước, tiếng đẽo, đập đá lọc cọc đều đều báo hiệu ông đang ở sân sau. Ban đầu, Hiền chỉ ngồi bệt ở bậc cửa để nhìn chúng tôi phá phách mấy cây sơ ri. Sau đó, dần dần cô bé được tham gia vào các trò chơi bán đồ hàng, đánh trận giả… Nếu bán đồ hàng, Hiền vào vai một đứa trẻ ăn mày lê la ở chợ. Hiền đóng rất đạt. “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, cho con xin ít đồng mua bánh mì”. Tôi luôn vào vai chồng của con Hoa bán bánh mì là những khúc lục bình cắt ngắn, moi ruột ra và nhét vào đấy những nắm lá, quả sơ ri xanh giả làm thịt, chả. Còn nếu đánh trận, Hiền sẽ là tù binh, què quặt lê lết trên bãi chiến trường tưởng tượng của chúng tôi. Những trò chơi tuổi thơ cứ thế lặp đi lặp lại, thêm thắt đôi chút và thường kết thúc bằng những buổi tắm sông ồn ã. Chỉ có màn kết thúc này Hiền không thể tham gia, em ngồi bên bờ nhưng không nhìn bọn chúng tôi đang tung tẩy nước, thả bè chuối. Em nhin qua bên kia sông, nơi làn khói chiều mỏng manh uốn lượn trên những nếp
  5. nhà, nơi mấy con chó đang rượt đuổi nhau ngoài sân gạch. Tôi không bao giờ bơi hết nổi trong cái nhìn mênh mang ấy. *** Những con thiêu thân gieo mình cuồng loạn vào quầng sáng trắng đục của ngọn đèn đường. Tôi đã đi ra xa bờ sông và chậm rãi cuốc bộ dọc theo con đường lát đá của thị trấn. Ở góc ngã ba, chỗ quẹo lên hướng núi là xe bánh mì thịt nướng bán khuya của vợ chồng con Hoa. Thằng Cá lóc bạn tôi ngày nào đang phành phạch quạt cho lò than cháy bừng bừng, mùi thịt mỡ thơm lựng, cháy xèo xèo. Một hai người khách đêm đứng chờ bà chủ đang thoăn thoắt xẻ bánh, kẹp thịt. Tôi đứng trong một chỗ khuất nhìn cảnh này mà bất chợt không nén được nụ cười buồn. Con Hoa luôn giành đóng vai bà chủ bán bánh mì lục bình ngày nhỏ. Giờ nó đã toại nguyện bên chồng và một xe bánh mì thực sự. Trong làn khói của lò than, tôi như thấy cảnh tượng trước mắt mình hư ảo. Hiền đâu biết rằng, ngày đó, tôi thích được đóng vai chồng em biết bao nhiêu. Nhưng tôi đã không dám vượt qua sự trêu chọc của bạn bè để mở lời chọn em. Để em được làm cô dâu, làm vợ, dù chỉ trong một trò chơi. *** - Nếu Hiền thích đi qua bờ bên đó, anh sẽ mượn xuồng dì Sáu chở em qua. Không sợ đâu! Tôi nhìn vào đôi mắt trong veo mở to, háo hức hướng về phía bờ bên kia. Người ta đã quen gọi Thoại Hà là sông nhưng thực ra nó vốn là dòng kênh nhỏ, được người xưa dày công đào lấy, dẫn nước về với vườn tược, làng xóm. Đứng ở bờ phía bên này, vẫn có thể ngắm nhìn những nếp nhà chen nhau thấp thoáng trong những rặng dừa xanh, dàn bầu mướp hoa vàng, trái lúc lỉu… Xe máy chạy bon bon trên nền đá đan, lát thành đường thẳng tắp, nhưng sát mé sông vẫn là bến bồi, bến lở với mấy cái cầu nước để người ta giặt giũ, tắm gội. Hiền của tôi tìm kiếm gì bên đó mà nhìn vào mắt em, tôi chỉ thấy đượm màu khói chiều. Ngày hôm đó, trước khi đi ra bờ sông cùng nhau, tôi và Hiền đã trải qua một chuyện khó quên. Trưa, trên đường đi học về ngang tiệm tạp hóa của bà Lộc trong xóm, tôi thấy nhìều người đứng lao xao, chỉ trỏ gì đó dưới đất. Bà Lộc tay đang đứng chống nạnh nói to: “Nó 14 tuổi rồi chứ ít ỏi gì nữa chứ. Ra máu dính tùm lum hết. Có chết tui không!”. Khi tiến đến gần hơn, tai tôi bỗng dưng ù đặc, máu nóng bốc dồn lên mặt. Trước mắt tôi, Hiền như con thú bị thương đang loay hoay trên đôi chân teo tóp. Từ chỗ của em, vết máu đỏ tươi dấy bẩn khắp nơi, một tay em
  6. nắm chặt bọc nilon đựng mấy quả trứng, tay kia cố dùng khăn lau trên nền đất. Rõ ràng mọi người, kể cả em, đang bị đặt vào một thế bẽ bàng. Tôi chạy xộc đến, bế thốc em trên tay. Tiếng người phía sau lưng tôi lao xao. “Nó có cha mẹ gì đâu!”, ai đó chặc lưỡi. Mấy đứa nít ranh chạy theo tôi lêu lêu: “Con què bị ra máu tụi bây ơi!”. Tôi đi mải miết, bỏ lại con đường chính của thị trấn để về ngôi nhà nhỏ tĩnh lặng của em. Ở đó, từ trong khung ảnh trên bàn thờ, cha em nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn rầu. Bà cô già xa xôi ở họ nội từ lâu ở với Hiền thì cuống quýt chạy tới lui. Em không khóc, môi mím chặt. Khuôn mặt thiếu nữ xanh xao khiến tim tôi thắt nghẹn. *** Năm tôi gọi Hiền bằng em thay vì bằng tên là năm lớp 11. Những năm tháng đó, trong giấc mơ của tôi luôn có khuôn mặt trắng trẻo của em. Nụ cười rụt rè, cái mím môi cam chịu và mái tóc lúc nào cũng thoảng mùi cỏ dại len lỏi vào từng giấc ngủ của tôi. Trong mơ, tôi luôn thấy em lúc nào cũng như dính rịt vào đất. Tôi chỉ ao ước mình có thể thu nhỏ người lại để thấp như em, kề vai em. Nhưng luôn luôn trong những giấc mơ, chưa bao giờ tôi ngồi xuống bên cạnh Hiền. Tôi chỉ đứng nhìn còn em mải miết bơi trên đôi chân teo tóp, về một nơi vô định. Đôi khi, tôi cảm thấy sự tức tối khiến tôi muốn vỡ toang lồng ngực khi không hiểu vì sao mọi người đều nhìn Hiền từ thắt lưng trở xuống. Họ không nhìn thấy mắt em trong veo như thế sao? Họ không nhìn thấy những nét thanh tú trên gương mặt em sao? Họ không nhìn thấy tâm hồn em hiền lành, bé dại và lạc loài đến thế sao? Tôi chỉ muốn đấm vỡ mặt đứa nào đó kêu em là “Con què!”. Em có một cái tên, có một cuộc đời để sống, có hạnh phúc, có ước mơ… Tôi gào lên trong tâm tưởng những điều sáo rỗng đó, rồi nén chúng lại thoi thóp trong lồng ngực của mình. Rồi tôi cũng không hiểu nỗi chính mình. Tôi rời thị trấn lên thị xã học trường sư phạm. Một lần tan học, vừa ra khỏi cổng trường cùng một người bạn, tôi thoáng thấy Hiền ngồi xe lăn của hội từ thiện đi bán vé số dạo cùng mấy người bạn tàn tật. Tôi chạy xe đi thẳng một mạch, không ngoái nhìn lại, dù chỉ một lần. Tại sao tôi không mừng rỡ đến bên em, không hỏi han em như một người bạn lớn lên cùng thị trấn. Tôi không hiểu nổi chính mình!... Cuối tuần đó, tôi về thăm nhà. Chiều, tôi ra bờ sông gặp Hiền. Em luôn ngồi đó nhìn về phía bên kia bờ mỗi khi mặt trời sắp tắt nắng trên bến vắng. Tôi nghĩ chắc Hiền không nhìn thấy tôi khi ở ngoài thị xã. Em cười nói, bắt tôi kể chuyện học. Tôi hỏi: “Hiền có muốn qua bên kia sông chơi không? Anh mượn xuồng dì Sáu chở em qua.”, Và cũng như mọi khi, em nhìn tôi, khẽ mỉm cười, lắc đầu. Câu hỏi
  7. của tôi mãi mãi treo lơ lửng như thế, như một quả bóng đã bị bay vuột khỏi tay một đứa bé, mất hút trên trời cao. *** Tôi bước ra khỏi vùng tối và tiến về xe bánh mì của vợ chồng con Hoa. Thằng Cá lóc đưa tay quệt mồ hôi ngang trán, gật đầu với tôi: - Về hồi chiều hả? Qua đám ma bé Hiền rồi hả? Tôi “ừ”, hỏi bâng quơ: - Bán được không mày? - Cũng lai rai. Tôi rẽ lên hướng núi, Phía sau, hai ba người khách tán gẫu khi chờ bánh mì. - Chắc thất tình tự tử thôi. - Con nhỏ mê thằng nào ở bên sông hay sao đó. Thằng đó cũng yêu nó nhưng sau rồi lại đi lấy người khác. - Chiều nào mà nó không ra bờ sông ngồi đến tối. - Chắc lỡ trượt chân té xuống bến thôi mấy ông, mấy bà ơi… Tôi bước thật nhanh. Bóng núi trước mặt tôi cứ nhập nhoạng lùi xa, lùi xa khi mỗi bước chân tôi mải miết đi tới. *** Mỗi lần nhớ em, tôi ra bờ sông ngắm lục bình lững thững trôi. Những chiều, khi ráng hoàng hôn phủ màu lộng lẫy trên bến vắng, tôi tưởng như trong gió, mùi tóc thơm cỏ mềm của em đâu đây, tưởng như em đang ngồi bên để tôi có thể quay sang mà hỏi: “Em có muốn qua bờ bên kia không?"
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2