intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cái tôi ngợi ca, tự hào về quê hương trong thơ Xuân Hoàng

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

21
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đặt chân lên địa hạt bộ phận Văn học Miền Trung, đến với thơ Xuân Hoàng, ta bắt gặp hồn thơ neo đậu một hình tượng Cái tôi trữ tình đa phong vị được biểu hiện qua những phương thức nghệ thuật riêng biệt của thơ ca, mang đậm dấu ấn thi sĩ, góp không ít dự vị cho “nguồn chung” - tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại và thơ ca cách mạng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cái tôi ngợi ca, tự hào về quê hương trong thơ Xuân Hoàng

  1. CÁI TÔI NGỢI CA, TỰ HÀO VỀ QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ XUÂN HOÀNG NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế HOÀNG ĐỨC KHOA Nhà xuất bản Đại học Huế Tóm tắt: Đặt chân lên địa hạt bộ phận Văn học Miền Trung, đến với thơ Xuân Hoàng, ta bắt gặp hồn thơ neo đậu một hình tượng Cái tôi trữ tình đa phong vị được biểu hiện qua những phương thức nghệ thuật riêng biệt của thơ ca, mang đậm dấu ấn thi sĩ, góp không ít dự vị cho “nguồn chung” - tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại và thơ ca cách mạng. Trong đó, lãnh địa thứ nhất ấy chính là cái tôi với cảm hứng ngợi ca, tự hào về quê hương Quảng Bình sâu nặng nghĩa tình mà chúng tôi sẽ giới thiệu qua bài nghiên cứu này. Từ khóa: Cái tôi trữ tình, thơ Xuân Hoàng, nhà thơ quê hương Quảng Bình. 1. MỞ ĐẦU Hegel trên cơ sở vận dụng mối quan hệ khách quan và chủ quan đã đi đến khái quát: “Sử thi là kể một cách khách quan, trữ tình là biểu hiện một cách chủ quan, còn kịch thì kết hợp biểu diễn khách quan và bộc lộ bằng lời nói chủ quan” [9, tr. 147]. Như vậy, “biểu hiện trực tiếp những cảm xúc, suy tưởng của con người là cách phản ánh thế giới của tác phẩm trữ tình” [7, tr.358]. “Nội dung của tác phẩm trữ tình được thể hiện gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình” [7, tr. 359]. Nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình hay hình tượng cái tôi trữ tình là thuật ngữ chỉ hình tượng tác giả; đồng thời là phạm trù thi pháp trung tâm của tác phẩm trữ tình nói chung và thơ trữ tình nói riêng. Cái tôi trữ tình bản thân nó là một cách nhìn, một thái độ; là cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ trước cuộc đời được ký thác bằng những phương tiện nghệ thuật riêng biệt mang dấu ấn đậm nét của nhà sáng tạo. Hẳn vậy mà, có bao nhiêu thi nhân thì có bấy nhiêu bức hình tượng cái tôi trữ tình như “Thứ củi nào cháy lên ngọn lửa ấy”. Qua các chặng đường thơ, sự thay thế nhau của các kiểu cái tôi trữ tình mang tinh thần của thời đại thơ ca đã cho thấy, bản thân nó là cốt lõi của quá trình vận động thể loại trữ tình nói chung và thơ trữ tình nói riêng. Hình tượng cái tôi trữ tình từ những năm 1945 đến nay đã trải qua bao vụ mùa với bao đổi thay, hiện thực xã hội mới, cái tôi mới sinh thành và cái tôi của xã hội trước trở nên cũ vốn là quy luật. Có lẽ sẽ vô cùng lược khảo khi nhìn lại sự vận động của hình tượng cái tôi trữ tình trong hơn bảy thập niên thơ ca qua những trang nghiên cứu. Nhưng được phần ít ấy đã cho thấy dòng chảy của hình tượng cái tôi trữ tình qua những bước đi của lịch sử. Trong dòng chung đó, cùng với hàng trăm thanh âm của cái tôi trữ tình có tiếng thơ Xuân Hoàng cất lên riêng biệt với cảm hứng ngợi ca tự hào về quê hương đất Quảng sâu nặng nghĩa tình. 2. CÁI TÔI NGỢI CA, TỰ HÀO VỀ QUÊ HƯƠNG SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH “Quê hương mỗi người chỉ một” - câu sáu trong bài thơ “Quê hương” mượt mà ngân lên thành câu ca vốn quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Với Xuân Hoàng lại khác, quê gốc ở Tuy Hòa, Bình Định, bước chân trải dài trên nhiều nẻo đường, miền quê của đất nước cong cong hình chữ S, lắm lúc theo sự điều động công tác phải sống nhiều nơi nhưng “Dải đất vùng trời” Quảng Bình mới chính “là nguồn nuôi dưỡng hồn thơ, là mỹ cảm làm nên thế giới nghệ thuật thơ Xuân Hoàng” [10] và đó cũng chính là mảnh đất khắc tên nhà thơ như Chế Lan Viên đã viết: “Mỗi lần đi ngang dải đất khu Bốn cũ, đi ngang Quãng Bình, tôi đều Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 287-292
  2. 288 NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG – HOÀNG ĐỨC KHOA nhớ đến Xuân Hoàng. Thơ anh đã gắn liền với cảnh vật nơi ấy. Thật là thú vị nếu qua một rặng núi ta biết ở đấy có một loại hoa nào, qua một địa phương ta biết ở đấy có một nhà thi sĩ” [3, tr. 5]. Hẳn vậy mà điều đầu tiên và nét nổi bật tạo nên bản sắc trữ tình trong thơ Xuân Hoàng ấy chính là một hồn thơ gắn bó, yêu thương da diết và nặng lòng với quê hương. Xuân Hoàng là cây bút gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Bình. Nhà thơ sinh ra bên cửa sông Nhật Lệ cùng với “lời ru của sóng” và lớn lên ngay chính trên mảnh đất gió Lào, cát trắng “Những động cát vàng quê tôi/Nuôi tôi lớn lên trong lời ru của sóng/Dương liễu mơn man dừa xao nước động/Đã bao đời thầm thì sức sinh sôi.” (Quê cát) [2, tr. 18]. Nhà thơ từng bám trụ nơi đây qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể nói Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho quê hương Quảng Bình dấu yêu. Trên mảnh đất kiên cường và gan góc này hầu như ở đâu cũng in dấu chân thi sĩ. Nhà thơ dốc hết bầu nhụy cảm xúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương đầy tự hào. Sắc cảnh của quê hương đất Quảng hiện lên tươi trẻ, nói như Trần Nhật Thu, Xuân Hoàng là một thi sĩ dâng quê Quảng “những vần thơ chói sáng nhất” [1, tr.14]. Nhà thơ ca ngợi:“Quê tôi đấy đất Quảng Bình xinh đẹp/Con người hiền và sông núi xanh trong...” (Gởi quê hương chiến đấu) [3, tr. 43]. Vốn là tâm sự của nhà thơ: “Người ta sinh ra ai mà chẳng có quê hương. Chính từ quê hương của tuổi thơ mà người ta đi dần vào khái niệm hoàn chỉnh về đất nước, tổ quốc nói rộng ra” [8]. Hạnh phúc thay cho thi sĩ, những năm tháng tuổi thơ ấy, Xuân Hoàng được nguồn sữa thứ hai của quê hương nuôi dưỡng “trong lời ru của sóng” và được “ngắm những cánh buồm trắng no gió căng phình uốn cong vút... Gió nồm thổi lên từ biển thật ngợp. Dải cát bên kia sông cứ sáng chói nắng vàng... Nước sông ở đây xanh một màu xanh thật lạ” [5, tr. 34]. Ký ức tuổi thơ trong veo ấy đã tràn ngập vào thơ của thi sĩ: “Quê hương tôi vốn hiền lành xinh đẹp/Sông rất xanh cửa biển mở chân trời,/Những động cát vàng ngói hồng chen lá biếc,/Một dãy thành rêu ấm nắng phơi” (Gởi quê hương chiến đấu) [3, tr. 43]. Quê hương tuổi thơ thi sĩ không chỉ hiện lên mỹ miều với đủ sắc cảnh sông quê xanh rì, cửa biển rộng mở, sóng sánh bên mình là những động cát vàng bao bọc làng quê thanh bình mà còn đẹp từ chính phẩm chất của con người hiền từ nơi đây. Yêu quê hương, gắn bó với “Dải đất vùng trời” sâu nặng nghĩa tình ấy nên mọi sắc cảnh quê hương thi sĩ không bỏ tuột khoảnh khắc nào, tất cả cùng thi sĩ ùn ùn vào thơ, chảy dài đong đầy không bến đỗ: “Sáng trăng sáng lạch Ba Đồn/Gió từ cửa biển gió nồm thổi lên./Ngày mai xuống chợ ăn phiên/Tiếng hò lặng lẽ nghe quen quá chừng” (Tiếng hò năm ấy phải người hôm nay?) [3, tr. 26]. Cái trong trẻo của ánh trăng luồn lạch, cái vị khai nồng của biển theo gió nồm, cái tấp nập của phiên chợ mai, cái bâng khuâng của tiếng hò vọng về tuổi thơ cứ lần lượt đi vào trang thơ Xuân Hoàng. Những sắc cảnh vọng tiếng quê hương ấy chiếm ngự tâm hồn thi sĩ là lẽ thường. Đằng này, Xuân Hoàng một thi sĩ say thơ, mải miết tìm kiếm cái đẹp vĩnh hằng cho thơ thì chẳng còn gì đáng để bàn cãi. Cả một đời làm “thơ dâng miền gió cát” (lời Ngô Minh), từng vùng quê Xuân Hoàng đi qua đều để lại dấu ấn riêng trong thơ, ai chưa từng gắn bó với nơi đây sẽ không thể nào viết nên những vần thơ mộc như vậy. Đó là những gì dung dị nhất vọng lên tiếng quê hương “Muỗi Khe Giát/Vắt Ba Rền/Sên Chà Ang,/Cọp Trộ Rớ” hay “...Gió Bồi Nôi, /Nắng Khương Hà, /Đò Gia Tịnh” (Qua Bố Trạch) [3, tr. 19]. Gắn bó với quê hương, Xuân Hoàng không chỉ say bởi sắc cảnh “vùng đất thắt eo gió cát” này, mà mỗi con đường, mỗi ngõ phố nơi đây như ăn sâu vào mạch máu nhà thơ. Nhà thơ thuộc mồn một: “Tôi thuộc hết tên đường trong thị xã/Những con đường mang những tiếng thân yêu;/Đường Lê Trực sớm chiều thường rộn rả,/Lê Thành Đồng xưởng mộc, biển sơn treo,/Lối cô Tám rẽ ngang về bến chợ/Đào Duy Từ kè vững mở tầm khơi,/Lâm Úy vẫn cười
  3. CÁI TÔI NGỢI CA, TỰ HÀO VỀ QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ XUÂN HOÀNG 289 bên kia nẻo phố/Quách Xuân Kỳ cùng hẹn xuống đường vui.” (Gởi quê hương chiến đấu) [3, tr. 43]. Những vần thơ nghe qua vốn giản đơn nhưng đó là tấm lòng, tình yêu quê hương thi sĩ chắt lọc ngót một đời người gắn bó với nó. Hẳn thi sĩ phải gắn bó với quê hương biết nhường nào. Đến mỗi ngõ phố, mỗi con đường với những đặc trưng in hằn trong từng trang thơ. Vang xa hơn qua những vần thơ như mời gọi ấy còn là niềm tự hào về quê hương qua từng thanh âm cuộc sống sinh hoạt nơi đây của thi sĩ. Yêu thương da diết và gắn bó với “Dải đất vùng trời” Quảng Bình, Xuân Hoàng làm thơ ca ngợi “năm con sông quê hương” dùng dằng đỏ nặng phù sa và máu. Con sông quê hương là chứng nhân, là tấm gương soi lịch sử. Và qua dòng sông, vẻ đẹp quê hương trong đời sống, trong chiến đấu được soi nhận và lưu giữ. Trong thơ, hiện lên vẻ đẹp Sông Nhật Lệ quê mẹ “vốn nhiều buồm no cá“ và “mây ngũ sắc hợp vào một tấm“ (Đồng Hới) [4, tr. 39]; Sông Gianh thành chốt cứ địa bao lần mặt sông rách nát, rền rĩ, gào thét vẫn “rộng sóng“ giữ cho “Bên kia sông hàng tre chờ lặng lẻ” và ôm chặt “Làng hiền từ...” (Tiếng hát sông Gianh) [3, tr. 15]; Sông Cầu xanh trong một màu “xanh trùng điệp” (Sông Cầu) [4, tr. 153]; Sông Phố (nhánh sông Gianh) bên thân mình uốn lượn của một thiếu nữ là “bờ dâu” trải dài “xanh rờn màu quê hương” (Hương Sơn) [3, tr. 64]; Sông Son (nhánh của sông Gianh) sau trận đánh “đã trở lại màu xanh” (Qua Bố Trạch) [3, tr. 19]... Dòng sông bao đời nay đã trở thành không gian của làng quê Việt Nam, gắn bó thân thiết với người dân lao động. Biết bao dòng sông in hằn bóng dáng qua nhiều trang thơ của thi nhân. Duy có điều, mỗi con sông được thi nhân thổi vào đó linh hồn, sắc cảnh riêng biệt. Con sông quê hương trong thơ Xuân Hoàng cũng vậy, gánh chịu bom đạn ác liệt của chiến tranh nhưng lúc nào cũng rạng nắng, trong xanh như chính nghị lực can trường con người quê “cát” vậy. Vẻ đẹp quê hương còn được bồi đắp bằng nét văn hóa truyền thống, làng nghề dân dị mà nhà thơ không thể hững hờ không ca ngợi. Nếu quê hương trong tâm trí của những người con Việt Nam là mái đình, là giếng nước gốc đa, là canh rau muống chấm cà dầm tương; hay ta đã từng bắt gặp một cuộc tìm về trong thơ Nguyễn Bính tạo vẻ đẹp “chân quê” gắn với giàn trầu, hàng cau, dậu mùng tơi, cây đa, bến nước... thì nay, trong thơ Xuân Hoàng, quê hương gió cát trong lam lũ, cơ hàn vẫn rạng ngời bởi nét văn hóa “Khăn xếp tam giang, trán già thêm mát/Thắm miếng trầu miệng các mẹ càng tươi/.../Lũy Trường Dục bên Lũy Thần suy nghĩ/ Quảng Bình quan nét khắc vẫn còn xanh” (Gửi quê hương chiến đấu) [3, tr. 43],... và cả những làng nghề thôn quê dân dị “Hương Sơn con gái làm tơ/Bờ dâu sông Phố xanh rờn quê em” (Hương Sơn) [3, tr. 64]. Quê hương trong thơ Xuân Hoàng sâu nặng ân tình hiện lên từ nếp sống, nét văn hóa dung dị trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Vẻ đẹp khăn xếp tam giang thấm đẫm mồ hôi người dân chài, Hương Sơn bờ dâu xanh rì cho tơ óng, miếng trầu tô thắm nụ cười các mẹ, câu hò quan quen thuộc vẹn tình quê hương vẫn còn lưu,... trong thơ Xuân Hoàng ngân lên mặn mà đầy vẻ dung dị chính như những con người hiền từ, chất phác, nghị lực nơi đây. Nặng lòng với quê hương, nhà thơ say sưa kể về những con người miệt mài trong lao động, anh dũng trong chiến đấu qua thơ chất chứa nghĩa tình. Quả thật, trước khó khăn, trước chông gai của cuộc sống và chiến đấu cốt cách của người dân đất Quảng lại hiện lên rõ nét hơn và đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp “chắc tay cày” trong sáng rạng ngời sức trẻ, cần cù chịu thương chịu khó, lại mang trong mình lí tưởng của người dân quê hương hiện lên trong thơ “...yêu biết mấy/Gái miền dừa ít nói nón nghiêng nghiêng/Trai đất biển ngực đồng hun gió dậy/Tay bắp cày, kéo cả mặt trời lên.” (Gởi quê hương chiến đấu) [3, tr. 43]. Đối lập với vẻ đẹp cần mẫn, chịu khó của con gái miền dừa là vẻ đẹp khỏe khoắn, rắn rỏi, từng trải, nhuộm nắng gió và vị mặn biển khơi của những chàng trai làng chài nhưng ở họ hiện lên sức sống tuổi trẻ đang từng
  4. 290 NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG – HOÀNG ĐỨC KHOA ngày vun đắp xây dựng hương tươi đẹp. Xuân Hoàng cũng không quên ngợi ca vẻ đẹp “chắc tay súng” của người dân nơi đây. Trong lớp lớp những người con “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) đã có biết bao người con ưu tú của dải đất vùng trời gió cát này đã ngã xuống thầm lặng “Quách Xuân Kỳ hy sinh/Rồi Trần Châu, Trần Thiệt/Tiếp Hồ Đoan:/ Những cán bộ can trường” (Qua bố Trạch) [3, tr. 19]; hay “Sông Gianh mọc trăm ngàn anh Cơ, anh Thấy,/Nhật Lệ sinh bao Mẹ Suốt, mẹ Sâm,/Bao Chị Thía, chị Sang bên Chiến hào đứng dậy./Bao em Thiểu, em Hào thành những tiểu dân quân,” (Tiếng hát sông Gianh) [3, tr. 15] dựng xây miền quê tương lai với huân chương hạnh phúc rợp mọi nhà: “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta,/Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ./Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở,/Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà.” (Đồng Hới) [4, tr. 39]. Cùng quê hương dọc dài qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trải qua bao khó khăn, bao cuộc chiến chống trả, bao thương tích trên mình,... với đủ đói rét, mồ hôi, nước mắt và máu,... một tâm hồn thi sĩ với ăng ten xúc cảm nhạy, tinh như Xuân Hoàng không thể không có những vết hằn chôn cất trong lòng ngực; không thể không viết về chúng trong thơ. Lật từng trang thơ của Xuân Hoàng, đâu đâu cũng tên sông, tên núi, tên làng, tên bản, tên thị, tên thành của quê hương, cứ ngỡ không sót một địa danh vùng đất nào; đâu đâu cũng vang âm những trận chiến hào hùng gắn với những địa danh và con người linh kiệt. Đúng vậy, âm vang trong thơ Xuân Hoàng là những địa danh anh hùng “Từ Hòa Luật, Mỹ Trung,/Đồng Hới, Lý Hòa, Thanh Khê...” (Tiếng hát sông Gianh) [3, tr. 15] đến Rú Nguốn, Vồn Tro, Hoàn Lão (Qua Bố Trạch) [3, tr. 19]... rồi Đèo Mụ Giạ, Phu-la-nhích, Cảnh Dương, Cự Nẫm...; là những anh Cơ anh Thấy, những mẹ Suốt mẹ Sâm, những chị Thía chị Sang, những em Thiểu em Hào - người con anh dũng của quê hương; là những chiến sĩ mở đường và giữ đường trên tuyến Trường Sơn; là những vùng đồi có tên không tên; là những dòng sông lấy thân mình ôm làng ôm thị... Tất cả ngân vang thành khúc ca hùng tráng trong thơ với niềm tự hào và chất chứa ân tình của nhà thơ về quê hương Quảng Bình: “Ta biết hôm nay Đông Hới hủy mình/Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp/Thành phố ta xây bên bờ biển biếc/Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh...” (Đồng Hới) [4, tr. 39]. Không chỉ dừng lại ở việc say sưa hát những khúc ca ca ngợi về quê hương “hiền từ xinh đẹp” trù phú, anh hùng trong chiến đấu; mà nhà thơ đã làm được hơn thế, yêu quê hương Xuân Hoàng đã không ít lần lặng lại, thắt lòng với nỗi cảm thông chia sẻ sâu sắc trước hiện thực cơ cực của quê hương trong những ngày bom đạn chiến tranh. Vang vọng sau những vần thơ viết về hiện thực cơ hàn, khắc khổ quê hương không gì khác là nỗi lòng đau đáu của thi sĩ, nhưng hẳn sẽ để lại ký ức khó quên về một miền quê chất phác, “đậm vị của đất” và “chất của gió cát” như thế: “Ai đi qua Quảng Bình/Hẳn từng quen huyện Bố?/Huyện khắc khổ:/Dân nghèo, đất đỏ,/Dưới chân Ba Rền” (Qua Bố Trạch) [3, tr. 19]. Gắn bó máu thịt với quê hương một thời lam lũ, Xuân Hoàng đã có những vần thơ chan nước mắt mặn chát không khỏi lay khẽ lòng người: “Gạo một trăm đồng vơi một lon./ Hết sắn độn khoai rồi độn bắp,/Sau lèn rau má vá lưng cơm.” (Với con gái mười lăm năm sau) [4, tr. 16]. Cùng quê hương gió cát vượt qua bao biến động bởi thiên tai tàn phá, khói lửa chiến tranh nên hơn ai hết Xuân Hoàng thấu hiểu nỗi vất vả, thiếu thốn, cùng cực mà quê hương một thời phải gánh chịu. Và có lẽ, phải từng sống trong cảnh cơm độn sắn, khoai, rồi bắp hay bữa ăn vẻn vẹn vá lưng với đôi làn rau má Xuân Hoàng mới viết lên những vần thơ xúc động với nỗi niềm cảm thông sâu sắc như vậy. Hôm qua vậy, thế mà hôm nay quê hương đất Quảng biết vươn mình, đổi thay như có phép màu nhiệm, từ Quảng Bình của “túi” hứng bom, từ vùng quê nghèo khắc khổ cơ hàn, từ một đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, nay thay
  5. CÁI TÔI NGỢI CA, TỰ HÀO VỀ QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ XUÂN HOÀNG 291 vào đó là một thành phố khang trang, hiên đại với Đồng Hới xinh đẹp nằm bên bờ biển Nhật Lệ thơ mộng xưng danh “Thị xã Hoa Hồng” khiến cho bất cứ ai có dịp ngang qua không khỏi ngỡ ngàng. Có thể nói, viết về quê hương Quảng Bình, về vùng thắt eo Trung Châu, Xuân Hoàng có nhiều bài thơ hay và vang xa. Nếu trong giới nghiên cứu thơ ca cách mạng xem “Ngày về, Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Màu tím hoa sim của Hữu Loan,… là “hiện tượng một bài” ở miền Bắc; thì nơi khúc ruột miền Trung, Xuân Hoàng từ Quảng Bình đã có những bài thơ Người liên lạc miền biển, Trạm đồng bằng, Qua Bố Trạch, Tiếng hát sông Gianh, Đồng Hới, Gửi quê hương chiến đấu, Bài thơ viết dưới tầm B.52,… hiện diện cùng với Nhớ của Hồng Nguyên ở Thanh Hóa; Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ,… ở Nghệ Tĩnh” [10], tạo nên một mạch thơ mộc mạc, chân chất của cuộc sống và tâm hồn con người quê Quảng nói riêng và miền Trung nói chung trong kháng chiến, cùng hòa vào tiếng thơ của cả nước lúc bấy giờ. Tất cả để chúng ta dễ dàng nhận thấy và khẳng định, viết về quê hương Quảng Bình là lãnh địa thứ nhất của cây bút Xuân Hoàng. Mà dễ hiểu, quê hương Quảng Bình, miền Trung Châu Bình Trị Thiên nói rộng ra vốn là vùng đất “phên dậu“ buổi đầu, là bàn đạp vào Nam ra Bắc của ông cha xưa, là nơi diễn ra biết bao trận quyết chiến chiến lược, là nơi chịu đựng cuộc “phân thây” lớn nhất trong lịch sử và cũng là nơi khởi đi của tuyến đường Hồ Chí Minh vang dội thế kỷ. Nơi đây, thiên nhiên “gân guốc”, con người nhẫn nại chịu thương giữa thiên tai triền miên, gió Lào cát trắng, khói lửa chiến tranh, đau thương chia cắt, biến động kinh kỳ,... nhưng đúng như quy luật “gieo nhân gặt quả”, họ cũng rất đỗi tự hào là chứng nhân của thời khắc Nguyễn Huệ lên ngôi, buổi toàn dân khởi nghĩa của mùa thu tháng Tám,... không níu chân thi sĩ, không vương bút thi nhân mới là chuyện lạ. Viết về vùng đất này không chỉ có Xuân Hoàng, cùng thời và là bạn thơ, Ngô Minh cũng hăng say ca vẻ đẹp cần cù chịu thương trong sáng của con người nơi đây: “Lòng tôi yêu tha thiết/Những khổ đau hạnh phúc quê tôi/Tôi yêu những người trồng khoai đánh cá/ Chai sạn bàn tay da săn nắng gió/Sống chân thật và sôi trào biển cả/ Lòng như cát trắng trong...” (Đứa con của cát) rồi gọi hai chữ quê hương thân thương trìu mến “Hai chữ quê hương/Trong tôi hạt cát”. Quả thật, Trung Châu nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng nhiều cây bút tài hoa. Tuy nhiên, phải thấy rằng, “Có lẽ,... cho đến nay đã nhiều người làm thơ về Quảng Bình, nhưng chưa ai viết say sưa và để lại trong thơ mình nhiều cảm xúc, nhiều địa danh, nhiều hình ảnh về con người và cảnh vật của quê hương xứ sở như trong thơ Xuân Hoàng.” [10]. Cuộc đời nhà thơ được ví như “lữ khách trên con tàu trần thế“ (lời Mai Văn Hoan) “nhưng cho dù ở nơi đâu, ngay cả những khi đi công tác ở nước ngoài, trái tim nhà thơ vẫn luôn thổn thức nhớ về nơi “phố nhỏ” quê nhà” [10]. Và có lẽ, cũng chưa có ai viết về thành phố Đồng Hới trong chiến tranh một cách thiết tha, xúc động, hào sảng và cũng đầy dự cảm như Xuân Hoàng. “…Em đi, phố nhỏ động cành dừa/Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh/Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh/Chúng ta về, ấm lại dải đường xưa” (Đồng Hới) [4, tr. 39]. Tất cả xướng lên một hồn thơ chất chứa cái tôi nặng lòng với quê hương xứ sở mang cảm hứng ngợi ca, tự hào cùng giọng thơ lúc được cất cao hào sảng, khi lại nhẹ nhàng thiết tha mà sâu lắng trong những vần thơ Xuân Hoàng. 3. KẾT LUẬN Xuân Hoàng thuộc thế hệ cầm bút xuất hiện cùng Cách mạng tháng Tám 1945 và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là thi sĩ đời người được đặt chân lên hai
  6. 292 NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG – HOÀNG ĐỨC KHOA bờ của hai thế kỷ nên thơ Xuân Hoàng neo đậu một hình tượng cái Tôi trữ tình đa sắc, đa phong vị. “Cả cuộc đời rong đuổi kiếm tìm vẻ đẹp vĩnh hằng của nàng thơ” (lời tự bạch); cả cuộc đời không thôi viết về quê hương sâu nặng nghĩa tình đã khẳng định: Xuân Hoàng là nhà thơ của quê hương đất Quảng gió Lào cát trắng với cảm hứng của cái tôi trữ tình chủ đạo ngợi ca, tự hào; khi thiết tha sâu lắng; lúc lại xen nỗi niềm cảm thông sâu sắc. “Đời thơ” Xuân Hoàng là “cầu nối” Văn học vùng miền và Văn học cả nước. Dù không phủ nhận tồn tại nhiều hạn chế trong thơ Xuân Hoàng nhưng đời người, đời thơ đã vẽ lên diện mạo một Xuân Hoàng của ngày hôm nay trong lòng người ở lại, và một Xuân Hoàng “nơi đất lành” không thôi tin rằng: “Sẽ có người tìm phủ bụi thơ tôi Nhặt ở đó một tâm hồn đa cảm Biết đi nhiều, sống nhiều, yêu nhiều và kết luận: “Tôi đã gặp ở đây, sôi động, một Con Người” ”. (Sẽ có người...) [6, tr. 79] TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Mai Văn Hoan (2013). Nhà thơ Xuân Hoàng “Trên con tàu trên thế“, NXB Thuận Hóa. [2] Xuân Hoàng (1965). Miền Trung, NXB Văn học. [3] Xuân Hoàng (1976). Dải đất, vùng trời, NXB Hội Văn nghệ Quảng Bình. [4] Xuân Hoàng (1990). Thời gian và Quãng cách, NXB Văn học. [5] Xuân Hoàng (1995). Âm vang thời chưa xa (tập I), NXB Văn học. [6] Xuân Hoàng (2006). Khi nào thấy..., NXB Hội Nhà văn. [7] Phương Lựu (Chủ biên) (2002). Lí luận Văn học, NXB Giáo dục. [8] Bửu Nam (1985). “Chuyện trò cùng nhà thơ Xuân Hoàng tâm sự một đời cầm bút”, Tạp chí Sông Hương, (16). [9] Trần Đình Sử (Chủ biên) (2006). Tác phẩm và thể loại Văn học, NXB ĐHSP Hà Nội. [10] Nhiều tác giả (2012). Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về danh nhân Quảng Bình, Sở Văn hóa Thông tin, Quảng Bình. Title: THE SELF PRAISING A HOMELAND IN XUAN HOANG'S POEMS Abstract: Setting foot on the literary province of the Central Region, specifically Xuan Hoang’s poems, there comes the feeling of the romantic, multi-flavored self in their spirit depicted through the distinctive artful styles of poetry, deeply embedded by the stamp of the poet, that remarkably contributes to the “common source” - a progress of modern and revolutionary poetry of Vietnam. In which, first fief is the self inspired by the praise and pride of Quang Binh, the native land of the deep- rooted sentimental attachment, which will be introduced in this research. Keywords: romantic self, Xuan Hoang's poems, poet of Quang Binh native land NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0976 213 797, Email: ngomyhuong1987@gmail.com TS. HOÀNG ĐỨC KHOA Nhà xuất bản Đại học Huế
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2