intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cần làm gì để có nền giáo dục đại học thực chất

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

16
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cần làm gì để có nền giáo dục đại học thực chất" phản ánh một phần về giáo dục đại học thực chất và giải pháp thực hiện nền giáo dục thực chất tại Việt Nam và trả lời câu hỏi "làm sao để một nền giáo dục đại học có thực chất là câu hỏi lớn không chỉ của ngành Giáo dục mà còn cả xã hội". Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cần làm gì để có nền giáo dục đại học thực chất

  1. CẦN LÀM GÌ ĐỂ CÓ NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THỰC CHẤT ThS. Đào Thị Sao1 Tóm tắt: Dạy thật, học thật, thi thật là ba khâu quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giáo dục đại học. Những năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, những câu chuyện liên quan đến “Học thật, thi thật, nhân tài thật” vẫn có nhiều vấn đề tranh cãi. Làm sao để một nền giáo dục đại học có thực chất là câu hỏi lớn không chỉ của ngành Giáo dục mà còn cả xã hội. Bài viết dưới đây phản ánh một phần về giáo dục đại học thực chất và giải pháp thực hiện nền giáo dục thực chất tại Việt Nam. Từ khóa: Giáo dục đại học, giáo dục thực chất, học thật, thi thật. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải đầu tư và phát triển hệ thống giáo dục, bởi giáo dục và đào tạo là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, chính sách về giáo dục đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chú trọng, coi đây là “quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.”1. Quan điểm này lần đầu tiên được ghi 2 nhận trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993 và cụ thể hóa trong điều 35 Hiến pháp năm 1992. Đến nay, quan điểm này vẫn tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết các kỳ Đại hội và Điều 61 Hiến pháp 2013. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hệ thống giáo dục nói chung trong đó có giáo dục đại học. Trong hệ thống nền giáo dục, giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Vậy làm sao để chúng ta có được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao - đây là câu hỏi không chỉ của ngành giáo dục mà còn của cả xã hội. Câu chuyện về nâng cao chất lượng giáo dục nói chung trong đó có chất lượng giáo dục đại học luôn được coi là chủ đề nóng của ngành Giáo dục đặc biệt là trong thời gian gần đây. Những từ khóa như học thật, thi thật, nhân tài thật hay giáo dục thực chất được dư luận nhắc đến khá nhiều, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc, chỉ * Học viện Ngân hàng (Phân viện Bắc Ninh). 1 Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993.
  2. 598 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP đạo và giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 6/2021 về chấn hưng nền giáo dục trong thời gian tới. Có rất nhiều ý kiến, quan điểm xoay quanh câu chuyện này, trong khuôn khổ bài viết hội thảo do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức với chủ đề “Xây dựng nền giáo dục thực chất – định hướng và giải pháp”, tác giả xin gửi tới Hội thảo bài viết “Cần làm gì để có nền giáo dục đại học thực chất”. Bài viết tập trung vào tìm hiểu về giáo dục đại học thực chất, những tồn tại trong giáo dục đại học hiện nay, trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng giáo dục đại học thực chất. 1. Vài nét khái quát về giáo dục đại học và giáo dục đại học thực chất Xét về mặt lịch sử, giáo dục đại học nước ta đã có từ rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng với sự phát triển của đất nước. Trải qua thời kỳ phong kiến, thuộc địa, chủ nghĩa thực dân và sau ngày giải phóng đến nay, sự nghiệp giáo dục đại học đã góp phần rất lớn, tạo ra thế hệ nguồn lực con người Việt Nam, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù đến nay, chúng ta chưa có định nghĩa chính thức về giáo dục đại học, tuy nhiên theo cách hiểu trong văn bản Luật Giáo dục đại học 2012 thì có thể hiểu giáo dục đại học là trình độ đào tạo ở mức giáo dục cao, gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ [1]. Đồng thời căn cứ vào mục tiêu đào tạo đại học tại Điều 6 Luật giáo dục đại học: mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân. Chúng ta có thể hiểu khái quát về giáo dục đại học như sau: Giáo dục đại học giống như một dây chuyền sản xuất mà trong đó đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau thời gian tiếp cận hệ thống tri thức và kỹ năng trên giảng đường đại học, người học sẽ được trang bị những kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên môn, nắm bắt được quy luật tự nhiên và xã hội, từ đó có những kỹ năng cần thiết và sáng tạo trong công việc chuyên ngành. Bên cạnh đó, giáo dục đại học còn là nơi để phát hiện ra những nhân tài và tiềm năng của họ, họ không chỉ được trang bị về trí lực, thể lực mà còn được bồi dưỡng về nhân cách đạo đức. Tầm quan trọng của giáo dục đại học là cung cấp những nhân lực được đào tạo bài bản trong các lĩnh vực đời sống từ y tế, ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ…nhằm nâng cao chất lượng và phát triển xã hội… Vậy nguồn nhân lực đó có chất lượng, có đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giáo dục đại học. Câu chuyện về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, khi Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Hội nghị trung ương 8 đã chính thức ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện
  3. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 599 Giáo dục – Đào tạo thì rõ ràng, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã trở thành một yêu cầu bức thiết, một nhiệm vụ không thể trì hoãn đối với ngành Giáo dục. Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW, chất lượng giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung, chương trình học, phương pháp học, cách thức đánh giá… đã cải thiện đáng kể để phù hợp với xu thế hội nhập mới. Song bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Để giải quyết thực trạng trên, ngày 15 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg Quyết định phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, trong đó xác định rõ yêu cầu về việc gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo. Quyết định này đã trở thành sự kiện đáng chú ý nhất của lĩnh vực giáo dục đại học ngay trong năm 2019. Mặc dù, trước đây chúng ta đã có khá nhiều đề án, kế hoạch… nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học, song đây là lần đầu tiên, một đề án tổng thể về giáo dục đại học nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và giải quyết căn cơ những hạn chế ở bậc học này được ban hành với một lộ trình dài. Tiếp nối nhiệm vụ của đề án này, ngày 06 tháng 05 năm 2021, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục với nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng nền giáo dục thực chất, “học thật”, “thi thật”, “nhân tài thật”. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cao. Bởi chỉ khi nào việc học đi vào thực chất, ngành Giáo dục nói không với “bệnh thành tích”, học đi đôi với hành, thì mới có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Vậy hiểu thế nào là giáo dục thực chất? Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, nền móng của giáo dục thực chất chính là “dạy thực chất”, “học thật”, “thi thật”, chỉ khi chúng ta thực hiện được những điều đó mới có được “chất lượng thật” và “nhân tài thật”. Nền giáo dục thực chất là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong đó “dạy thực chất” là xác định dạy người học tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, những gì người học cần, dạy để người học đạt chuẩn kiến thức, năng lực theo chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Cái quan trọng nhất trong giảng dạy nói chung, là rèn luyện bộ óc, là rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức của mình. Học thật là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học. Tránh việc học là học qua loa cho có, học chống đối, học cốt
  4. 600 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Thi thật – muốn thi thật phải có học thật – thi thật là kiểm tra đánh giá đúng người học, đảm bảo khách quan, tránh bệnh thành tích. 2. Tại sao nói giáo dục đại học Việt Nam chưa được coi là thực chất  Có thể thấy, trong nhiều năm đổi mới, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các  trường  đại học Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Các trường đã triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình chất lượng cao chuyển giao từ các nước phát triển để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Vì thế mà vị thế các trường đại học ở Việt Nam đã được nâng cao trong bảng xếp hạng với các nước trên thế giới. Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017-2018, Việt Nam xếp hạng 84/137 quốc gia về chất lượng hệ thống giáo dục đại học và 79/137 quốc gia về khả năng đổi mới [3]. Cũng theo kết quả xếp hạng 505 trường đại học tốt nhất châu Á năm 2019 do tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh thực hiện, Việt Nam có 7 trường đại học lọt top là Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 124), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (144), Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 261-270), Đại học Tôn Đức Thắng (nhóm 291-300), Đại học Cần Thơ (nhóm 351-400), Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng (nhóm 451-500). Điều đó cho thấy những nỗ lực đổi mới của giáo dục đại học. Tuy nhiên, khi xét về khía cạnh chất lượng dạy và học thực chất, giáo dục đại học nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu này, điều này được phản ánh qua việc dạy, học và kiểm tra đánh giá trong đào tạo đại học chưa được coi là thực chất, cụ thể: Thứ nhất, chương trình giáo dục đại học chưa đảm bảo việc “dạy và học thực chất”. Một là, nội dung kiến thức trong chương trình đào tạo đại học còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, nên sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn. Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo có hiệu lực ngày 7.8.2021 quy định chương trình đào tạo đại học là 120 tín chỉ tương đương 6000 giờ học (1 tín chỉ = 50 giờ học) trong khi số giờ học tại Mỹ là 1380 giờ [4]. Như vậy chương trình học ở Việt Nam dài hơn gần 60% so với Mỹ. Vì thời gian học nhiều trên lớp như vậy nên người học khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái luôn bị áp lực hoàn thành các chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác. Mặt khác, trong 4 năm học đại học, sinh viên mất khoảng 2 năm cho chương trình học đại cương như chính trị, pháp luật đại cương, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế chính trị, toán, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô… đây là những học phần bắt buộc mà sinh viên phải qua sau kỳ thi kết thúc học phần. Mỗi thứ đòi hỏi một chút, nên sinh viên không có khả năng hoặc thời gian đi sâu vào bất cứ vấn đề gì dẫn đến tình trạng học cho qua, thi cho xong của hầu hết sinh viên Việt Nam.
  5. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 601 Hai là, chương trình đào tạo đại học là đào tạo về khả năng tự nghiên cứu, tự tư duy nhưng trong học phần đào tạo các trường không có một môn nào về phương pháp nghiên cứu điều này dẫn đến sự hạn chế về kết quả nghiên cứu khoa học. Đa phần nền giáo dục đại học của các nước phát triển trên thế giới đều có khả năng tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học đông đảo có trình độ nghiên cứu các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học trong những năm gần đây đã được quan tâm chú trọng, song kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế của Việt Nam còn hạn chế. “Theo CSDL Scopus, số bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí khoa học và Công nghệ quốc tế giai đoạn 2014 - 2019 đã tăng gấp ba lần, từ 4.071 bài lên 12.431 bài. Xét về tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm, số công bố quốc tế tăng bình quân khoảng 23%/năm trong giai đoạn 2014 – 2019, đặc biệt tăng mạnh trong 2 năm gần đây, với tốc độ bình quân năm 2019 tăng 40.93% so với năm 2018. Mặc dù số công bố quốc tế của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây nhưng Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN về tổng số công bố quốc tế giai đoạn 2014 - 2019, hơn Philippines, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào. Số lượng công bố của Việt Nam trong giai đoạn này bằng khoảng 44% nước đứng thứ 4 là Thái Lan, 34% nước đứng thứ 3 là Indonesia, 32% nước đứng thứ 2 là Singapore và bằng khoảng 22% số công bố của nước đứng đầu khu vực là Malaysia [5]. Ba là, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học ở các trường đại học hiện nay còn chưa có bước đột phá. Mặc dù chúng ta đang triển khai hình thức đào tạo tín chỉ, lấy người học là trung tâm nhưng hiệu quả của việc thực hiện này chưa được như mong muốn. Do quan niệm “nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chãi khi ra trường” nên vị trí của người học ở vai trò trung tâm chưa thực sự đúng nghĩa. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong các trường đại học nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Các thiết bị giảng dạy, như máy chiếu... mới chỉ là những phương tiện hỗ trợ giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy, điều quan trọng là dạy người học sự tư duy, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm qua phương pháp giảng dạy chưa được chú trọng. Thứ hai, người học chưa phải là “học thật”, “thi thật”. Nền giáo dục thực chất sẽ thúc đẩy nhu cầu học hỏi cao hơn, nhu cầu khuyến khích người tài cống hiến, đặc biệt sẽ tạo ra bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, trong một xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, danh vọng thì khó tránh được câu chuyện “học giả”, “bằng giả”. Vẫn còn tình trạng sinh viên đến lớp chỉ để điểm danh cộng điểm chuyên cần, thậm chí thuê người “điểm danh hộ”. Bởi hiện nay, hầu hết các trường đại học đều chuyển từ giảng dạy niên chế sang hình thức tín chỉ nên yêu cầu sinh viên phải học tập một cách chủ động và sáng tạo, phần lớn sinh viên hiện nay vẫn
  6. 602 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP chưa biết tự học một cách hiệu quả. Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định:“Số sinh viên thực sự chăm học, tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều, có trường chỉ dưới 10%. Đa số sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, không có sự phấn đấu.” Vẫn còn một bộ phận sinh viên nghiện mạng xã hội, lười học tập, lười nghiên cứu khoa học và trau rồi các kỹ năng. Mỗi khi đến mùa thi cử, các quán photo gần những trường đại học lại rất đắt hàng với việc cung cấp đề cương ôn tập cho sinh viên. Chuyện sinh viên không chịu đọc sách, trước khi thi một hai tuần, thậm chí là một vài ngày đến các quán photo để “tìm kiến thức” đã không còn xa lạ. Đáng lo hơn, nhiều người cho rằng việc học lại, thi lại là tất yếu đối với sinh viên. Vậy cái sai này, lỗi trước hết là từ nhận thức. Người học muốn học thật phải nhận thức được rằng học là cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân mình chứ không phải học vì điểm, học để đối phó với các bài thi... Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập và kiến thức thu được sẽ là kiến thức thật của các em để có thể vận dụng vào thực tế. Muốn làm được điều đó, giảng viên dạy thật sẽ truyền đạt kiến thức thật cho sinh viên để sinh viên có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chứ không phải cung cấp cho sinh viên những đáp án sẵn để làm bài thi. Thứ ba, sản phẩm đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, điều đó phản ánh chất lượng đào tạo phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu của đào tạo đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân tài phục vụ cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ thất nghiệp không còn hiếm trong các năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017, cả nước có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Năm 2018 con số này lên đến 142.300 người. Năm 2019, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó, 124.500 người có trình độ từ đại học trở lên [6]. Việc cử nhân ra trường chật vật mà vẫn khó tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo, nhiều người phải làm phụ hồ, làm công nhân ở khu công nghiệp vận chuyển hàng hóa cho các cơ sở kinh doanh, làm bảo vệ nhà hàng... thậm chí, có cử nhân bằng giỏi mà vẫn bị nhà tuyển dụng từ chối, phần lớn vì những gì họ tiếp thu trên giảng đường lại khác xa so với những gì nhà tuyển dụng cần ở họ. Theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp (đánh giá dựa trên các tiêu chí kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực nghề nghiệp)”, chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức độ khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt. Kết quả này không chỉ phản ánh sự hạn chế trong giáo dục đại học ở
  7. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 603 Việt Nam hiện nay mà còn gián tiếp chỉ báo một nguy cơ lao động Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực, trong khi các doanh nghiệp đã và đang sử dụng công nghệ tự động trong quản lý nhân lực [7].Tại sao lại có câu chuyện như vậy? Phải chăng chúng ta đang đào tạo những gì mà chúng ta đang có, chứ không phải đào tạo cái mà xã hội cần. 3. Một số định hướng để thực hiện giáo dục đại học thực chất Dạy thật, học thật và thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành Giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Để có được nền giáo dục thực chất, trong đó có giáo dục đại học, chúng ta buộc phải hành động, phải có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy đã hình thành cố hữu từ nhiều năm trước. Trên cơ sở phân tích những hạn chế còn tồn tại, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp về đổi mới giáo dục đại học nhằm hướng đến nền giáo dục đại học thực chất: Trước hết, cần đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển giáo dục đại học. Đó là một nền giáo dục thực học (chứ không phải hư học), nhân bản và khai sáng, tập trung hướng đến phát triển năng lực người (hàm chứa cả phẩm chất và năng lực, đó chính là nhân cách)[8]. Một nền giáo dục mà mục tiêu thực chất là phát triển năng lực con người, phát triển khả năng sáng tạo, chứ không phải bệnh hình thức, ứng thí, mua danh, nặng về bằng cấp. Muốn làm được điều này phải thay đổi nhận thức từ lãnh đạo quản lý, từ người dạy, người học và của toàn xã hội. Để thay đổi không phải là câu chuyện một sớm, một chiều mà cần phải có sự quyết tâm rất cao của xã hội. Hai là, thực hiện “ba thực chất” trong đào tại đại học là: “dạy thực chất”, “học thực chất” và “thi thực chất”. Trong dạy thực chất nhà trường phải xác định dạy những gì người học cần, xã hội cần để người học đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Cắt giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực nghiệm, hoạt động ngoại khóa, học ngoại ngữ cho sinh viên. Khắc phục tình trạng truyền đạt kiến thức thụ động, phải lấy người học làm trung tâm, người thầy là bạn đồng hành cùng sinh viên trong quá trình đi tìm chân lý, khám phá thế giới chứ không phải là người độc quyền nắm giữ chân lý để “cung cấp”, “ban phát”, trang bị cho sinh viên cứ thế mà học thuộc lòng [8]. Trong “học thực chất” người học cần phải học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Trong “thi thực chất” để đánh giá đúng thực chất, khách quan, đúng trình độ, năng lực của người học, nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, từ chương trình, nội dung đến chất lượng
  8. 604 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP giảng dạy, phương pháp giảng dạy... Đồng thời, nâng cao chất lượng đề kiểm tra, đề thi, thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học. Phòng đào tạo, phòng khảo thí tổ chức chặt chẽ khâu ra đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi, đảm bảo có tính phân loại cao, đánh giá thực chất chất lượng sinh viên theo hướng nâng cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn, sử dụng kiến thức tổng hợp. Ba là, giáo dục đại học cần gắn với nhu cầu xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo đại học cần phải có sự kết nối tốt hơn với doanh nghiệp. Từng bước mở rộng mô hình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên, lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường và có nhiều thông tin cần thiết khi sắp tốt nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích các cơ sở doanh nghiệp có thể liên kết, đầu tư hỗ trợ cho các trường đại học theo hình thức “đặt hàng”. Bốn là, cần thực hiện tốt khâu kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Kiểm định chất lượng giáo dục được hiểu là hoạt động tự đánh giá của cơ sở giáo dục, đào tạo và đánh giá của các cơ quan có chức năng đánh giá độc lập (thường được gọi là cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục) để đánh giá các cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc đánh giá các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học. Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020” theo Quyết định số 4138/QĐ-BGDĐT ngày 20-9-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong thời gian qua có nhiều tích cực, phần nào đánh giá được chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như cơ chế, chính sách và chế tài về công tác kiểm định chưa cụ thể, một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục đại học…); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Hy vọng thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chỉnh sửa, bổ sung để khâu kiểm định chất lượng thực sự hiệu quả. Năm là, về phía nhà tuyển dụng cần có sự thay đổi về cơ chế tuyển nhân sự. Thay vì tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ bằng cấp, theo giới thiệu hay bị chi phối bởi yếu
  9. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 605 tố khác, cần thực sự coi trọng năng lực của người lao động. Bởi chỉ dựa theo bằng cấp thì người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà phần thực lực ít quan tâm. Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng... thì khi đó người học sẽ đua nhau mà học thật, thi thật. KẾT LUẬN Sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia hiện nay phụ thuộc trực tiếp vào trình độ và chất lượng của giáo dục đại học. Với những quốc gia đang phát triển, có thu nhập, đào tạo đại học có nguy cơ tụt hậu xa so với các nhóm nước phát triển trên thế giới. Vậy làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trách nhiệm này không chỉ đặt trên vai các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đại học mà còn toàn xã hội. Chỉ khi có sự đồng lòng và quyết tâm thì nền giáo dục đại học Việt Nam mới thực sự thay đổi. Hy vọng trong thời gian tới, giáo dục đại học Việt Nam có nhiều bước đột phá để góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Giáo dục đại học 2012. 2. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14/01/1993 Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. 3. Nguyễn Minh Thảo (2019) “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam qua từng chỉ số”, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nang-luc-canh-tranh-toan-cau-40-cua-Viet-Nam-qua-tung- chi-so/377005.vgp. 4. Tạp chí khám phá (2017) “So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ”, https://www.chungta.com/ nd/tu-lieu-cuu/so_sanh_giao_duc_dh_hoc_viet-my.html 5. Như Hà (2020), “Sơ lược công bố quốc tế của Việt Nam năm 2019 và một số đại diện tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh”, http://thongke.cesti.gov.vn/phan-tich-thong-ke/ket-qua-thong- ke/723-cong-bo-quoc-te-viet-nam-2019-tieu-bieu-tpHồ Chí Minh 6. http://www.caodangduochanoi.edu.vn/ct/980-thuc-trang-sinh-vien-that-nghiep-nhan-nhan- sau-khi-ra-truong.html. 7. Tạp chí Cộng sản (2016), https://www.vanlanguni.edu.vn/giao-duc-dai-hoc-2/378-doi-moi- giao-duc-dai-hoc-theo-huong-hoi-nhap-quoc-te-o-nuoc-ta-hien-nay 8. http://avnuc.vn/nhung-yeu-cau-buc-thiet-phai-doi-moi-tu-duy-ve-giao-duc-duong-dai/
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2