intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

35
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI phân tích bước đột phá của chính sách an ninh - quân sự Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI trên cơ sở khái quát chính sách an ninh - quân sự Nhật Bản trước đó và rút ra một số nhận xét.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI

  1. CHÍNH SÁCH AN NINH - QUÂN SỰ CỦA NHẬT BẢN NHỮNG NĂM ĐẦU THẬP NIÊN THỨ HAI CỦA THẾ KỶ XXI NGUYỄN HẠNH TRÂM Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã hoàn toàn khác trước với vị thế cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới và chính sách độc lập hơn về an ninh chính trị trong quan hệ với Mỹ. Hơn nữa, tình hình quốc tế hậu Chiến tranh lạnh nhất là thập niên thứ hai của thế kỷ XXI có nhiều biến động, ảnh hưởng to lớn đến an ninh - quốc phòng của Nhật Bản như: sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố quốc tế… Những biến động trên không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh - quân sự. Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản cũng phải thay đổi, không thể chỉ dựa trên quan hệ an ninh song phương Mỹ - Nhật như trước. Nội dung này phân tích bước đột phá của chính sách an ninh - quân sự Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI trên cơ sở khái quát chính sách an ninh - quân sự Nhật Bản trước đó và rút ra một số nhận xét. Từ khóa: an ninh, quân sự, Nhật Bản, thế kỷ XXI. 1. MỞ ĐẦU Ngay khi bước vào thế kỷ XXI, tình hình an ninh quốc tế đã có những diễn biến phức tạp và thay đổi to lớn. Sự kiện ngày 11/9/2001 đã gây chấn động mạnh đối với nước Mỹ và thế giới. Sau sự kiện này, nhiệm vụ chống khủng bố được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc gia tăng sức mạnh an ninh - quốc phòng của hầu hết các quốc gia. Tình hình an ninh thế giới ngày càng trở nên căng thẳng. Tại Đông Á, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều và tranh chấp lãnh thổ xung quanh Nhật Bản là những điểm nóng của khu vực. Không những thế, tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông những trong năm qua ghi nhận những chuyển biến quan trọng. Đó là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp đất, tôn tạo trái phép các cấu trúc địa lý trên Biển Đông vi phạm chủ quyền của các quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, hủy hoại môi trường sinh thái biển và làm gia tăng sự phức tạp về an ninh của khu vực. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới. Mỹ và nhiều quốc gia khác nhiều lần tuyên bố không công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép. Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã tăng cường lực lượng quân sự đến vùng này và đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự với các đồng minh của mình (Hàn Quốc, Nhật Bản). Điều này đã gây ra những tranh cãi ngoại giao căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian dài. Những hành động của Trung Quốc cũng đã khiến Nhật Bản - một quốc đảo có nhiều lợi ích trên biển phải tăng cường phòng vệ ở Biển Hoa Đông - nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng của Nhật Bản và có đảo Senkaku/ Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp. Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản có những thay đổi mang tính chất đột phá trong chính sách quốc phòng của mình. Động thái này của Nhật Bản đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. 80
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 2. NỘI DUNG 2.1. Khái quát chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản trước năm 2010 Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bắt đầu với việc chiếm đóng Nhật Bản, Washington theo đuổi một chính sách nhằm ngăn chặn Nhật Bản một lần nữa đe dọa tới an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về thực chất, người Mỹ đã dỡ bỏ một cách hợp pháp quân sự của Nhật Bản, thể hiện qua điều 9 Hiến pháp năm 1946. Điều 9 nhấn mạnh “người dân Nhật Bản khao khát chân thành cho hòa bình thế giới dựa trên công lý và trật tự, vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như là quyền tối cao của quốc gia, từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực quân sự làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Hướng tới mục tiêu này “Nhật Bản sẽ không có hải lục không quân và các tiềm lực khác” [3; tr. 232]. Trong bối cảnh sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Nhật buộc phải chấp nhận hạn chế của pháp luật về an ninh quốc gia. Điều này đã được Mỹ giúp sức trong ý đồ chiến lược của Mỹ khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản. Mỹ hỗ trợ công cuộc tái thiết Nhật Bản thông qua viện trợ kinh tế và mở cửa thị trường trong nước cho sản phẩm của Nhật. Đồng thời Mỹ đảm bảo cho nền an ninh của Nhật Bản và thay vào đó Mỹ được phép xây dựng các căn cứ quân sự tại Nhật Bản. Các căn cứ này là trung tâm trong việc ngăn chặn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở châu Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 1947 - 1948, để thực hiện thành công việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, Mỹ đã “xoay ngược” chính sách chiếm đóng Nhật Bản, tìm mọi cách biến Nhật Bản trở thành một đồng minh chống cộng sản mạnh mẽ. Mỹ khuyến khích đóng góp của Nhật Bản đối với cuộc chiến ở Hàn Quốc vào năm 1950, nhưng Chính phủ Nhật chủ yếu chỉ tham gia hậu cần cung cấp quân trang quân dụng. Họ phải thành lập Cục Dự trữ Cảnh sát Quốc gia (08/7/1950) để hỗ trợ an ninh trong nước. Trong điều kiện bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế và bản hiến pháp, quan điểm an ninh - quốc phòng của Nhật Bản lúc bấy giờ mang mục tiêu tự vệ, hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ). Năm 1957, nội các Nhật Bản đã thông qua “Chính sách Quốc phòng Căn bản”, nhấn mạnh rằng nền an ninh Nhật Bản sẽ được đảm bảo khi có sự ủng hộ của LHQ, vì thế Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế song song với việc giải quyết thành công những vấn đề đối nội, tăng cường khả năng phòng vệ trên cơ sở bản Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật (1951). Từ năm 1950 cho đến giữa những năm 1970, Hoa Kỳ và Nhật Bản cố gắng để có được một sự cân bằng tương đối về sức mạnh so với Liên Xô và các nước XHCN. Trong thời kỳ này, Liên Xô dành phần lớn sức mạnh quân sự cho châu Âu. Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đối trọng với Nhật Bản, nhưng sức mạnh quân sự của hai nước này chủ yếu là chú trọng trên mặt đất. Trong thời gian này, Nhật Bản chưa tập trung xây dựng sức mạnh quân sự và thường né tránh các yêu cầu của Washington trong việc đóng góp lực lượng để tham gia vào các hoạt động quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên vào cuối năm 1970, môi trường an ninh của Nhật Bản được đặt trong tình trạng nguy hiểm khi Liên Xô bắt đầu xây dựng Hạm đội Thái Bình Dương, tăng số lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu mặt nước lớn nhất trong bốn hạm đội của Liên Xô. Đặc biệt đáng lo ngại cho Nhật Bản là Liên Xô tăng cường khả năng đổ bộ vào quần đảo Kuril, nằm về phía Đông Bắc Hokkaido. Lúc bấy giờ, Nhật Bản xây dựng khả năng quân sự của mình và tham gia vào vai trò mới trong liên minh Mỹ - Nhật. Tokyo đã cho củng cố sức mạnh lực lượng không quân. Đầu năm 1978, Nhật Bản đã mua máy bay chiến đấu F-15 và máy bay điều khiển E-2C. Nhật Bản cũng đã bắt tay vào việc gia tăng hải quân đáng kể, mua 100 máy bay tuần tra hải quân P-3C, tàu ngầm diesel và bốn tàu khu trục tên lửa dẫn đường được trang bị radar Aegis tinh vi [5]. Trong thời gian này, ngoài việc tăng cường khả năng quân sự của mình, Tokyo còn đảm nhận một vai trò tích cực hơn trong liên minh. Năm 1978, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng, trong đó Nhật Bản đã đồng 81
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 ý mở rộng sự tham gia quân sự từ các hoạt động giới hạn ở các đảo chính nhằm đảm bảo “hòa bình và ổn định” khắp khu vực Đông Á. Quân đội hai nước đã bắt đầu một loạt các những kế hoạch chung của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản: Thực hiện liên kết đào tạo quốc phòng đường biển, tăng cường khả năng tương tác và các hoạt động chung khác. Sau năm 1981, dưới thời Thủ tướng Zenko Suzuki, Nhật Bản đảm nhiệm vai trò tuần tra các tuyến đường biển lên đến 1.000 hải lý tính từ bờ biển Nhật Bản [5]. Như vậy, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sợ lún sâu trong cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ, Nhật Bản né tránh việc tham gia hệ thống “an ninh tập thể”. Các nhà lãnh đạo đã giữ cho Nhật Bản khỏi việc tham gia trực tiếp quân sự vào cuộc chiến tranh tại Hàn Quốc, Việt Nam và vùng Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, để chủ động bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia trong mọi tình huống, Nhật Bản cũng đã phần nào gia tăng lực lượng quân sự của mình. Dưới ảnh hưởng những biến động của tình hình quốc tế những năm Chiến tranh lạnh sắp kết thúc, các cuộc xung đột mang tính chất nội chiến diễn ra hết sức phức tạp, đòi hỏi LHQ phải có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết tình hình nói trên. Điều đó tác động tích cực đến thái độ của Nhật Bản và họ càng muốn khẳng định vị thế, trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế do LHQ chủ trì. Nhật Bản là nước đã đóng góp ngân sách lớn thứ 2 (sau Mỹ) cho hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ và đã tham gia một số hoạt động hòa bình mang tính dân sự như quan sát viên bầu cử, tình nguyện viên,… để vừa không vi phạm Hiến pháp 1946 vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đề xuất Dự thảo “Luật các Hoạt động Hòa bình” với Quốc hội, nhằm mở đường cho quá trình hiện thực hóa ý tưởng tham gia lực lượng GGHB quốc tế, nhưng còn nhiều quan điểm chưa thống nhất trong Quốc hội Nhật Bản khi thông qua nội dung “Cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ra nước ngoài, nhất là thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần trong hoạt động đa quốc gia do LHQ chỉ đạo”. Chính vì vậy, “Dự thảo luật” này đã không giành được sự ủng hộ cần thiết của Quốc hội, mà tạo ra sự tranh cãi gay gắt về vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mặc dù “Dự thảo luật” không được thông qua, nhưng nó đã cho thấy xu hướng tích cực trong đời sống xã hội Nhật Bản. Đa số người dân Nhật Bản nhận thấy cần thiết phải có một khuôn khổ luật mới nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào hoạt động GGHB của LHQ. Tháng 9/1991, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục trình Quốc hội bản Dự thảo “Luật các Hoạt động Hòa bình” lần thứ hai, tuy vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh nội dung này, nhưng cuối cùng Quốc hội cũng đã thông qua, cho phép Chính phủ Nhật Bản cử Lực lượng Phòng vệ tham gia vào 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu: GGHB của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, giám sát các cuộc bầu cử. Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công, nguy cơ khủng bố đe dọa an ninh thế giới, khu vực và Nhật Bản, Nhật Bản tiếp tục hoàn thiện những bước pháp lý cho phù hợp với phương châm an ninh - quân sự mới trong môi trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Tháng 10/2001, Quốc hội Nhật Bản thông qua ba dự luật về “Các biện pháp đặc biệt chống khủng bố”, “Luật bảo vệ an ninh trên biển” và sửa đổi “Luật về các Lực lượng Phòng vệ” [2; tr. 38]. Ngày 09/01/2007, Bộ Quốc phòng Nhật Bản được chính thức thành lập trên nền tảng của Cục Phòng vệ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là ông Fumio Kyuma - nguyên là Cục trưởng Cục Phòng vệ cũ. Sau đó, Nhật Bản cho ra mắt một lực lượng quân sự đặc biệt có tên gọi “Lực lượng sẵn sàng chiến đấu”. Đây là một bước đi mới trên lộ trình tăng cường sức mạnh quân sự và an ninh của đất nước này. Như vậy, trong giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến trước năm 2010, chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản đã xác lập được những phương thức căn bản, đó là chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”; từ “phòng thủ lãnh thổ” đến “can dự bên ngoài”; từ “lực lượng phòng vệ” đến “quân đội chính quy”. Đây không chỉ là mục tiêu quốc phòng đơn 82
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 thuần mà còn là mục tiêu chính trị cụ thể, là tích cực can dự vào những công việc quốc tế, nâng cao vị thế của Nhật Bản. 2.2. Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI 2.2.1. An ninh - quân sự dựa trên nỗ lực quốc gia Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, môi trường an ninh thế giới càng trở nên phức tạp hơn. Đông Bắc Á vẫn là khu vực nóng bỏng khi Bắc Triều Tiên đang tiến hành chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc thì theo đuổi tham vọng bành trướng, mở rộng khu vực ảnh hưởng nhất là trên biển. Theo quan điểm của Chính phủ Nhật, việc Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo, phổ biến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (Weapon of Mass Destruction - WMD), tăng cường các cuộc tập trận, chính là nhân tố đe dọa sự ổn định khu vực và an ninh quốc tế. Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược và tên lửa đạn đạo, phát triển hải quân và không quân, bành trướng mặt biển, là một trong những nhân tố tạo nên sự bất ổn đến an ninh khu vực. Chính vì vậy, Nhật Bản ngày càng có những động thái tích cực thể hiện quyết tâm tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình đặc biệt trong thời kỳ cầm quyền của ông Shinzo Abe. Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra hàng loạt quyết định tăng cường sức mạnh và vai trò của lực lượng phòng vệ, đồng thời cho phép các công ty Nhật Bản tham gia vào thị trường vũ khí toàn cầu. Ngày 15/11/2013, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ” với đa số phiếu tán thành. Về cơ chế vận hành, ngày 07/01/2014, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thay cho Cục Bảo đảm An ninh Quốc gia nhằm giúp Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thực thi các vấn đề mấu chốt về ngoại giao và an ninh. Theo đó, Nhật Bản sẽ có lực lượng tác chiến đổ bộ trên biển - trên bộ, theo mô hình thủy quân lục chiến Mỹ. Ngày 01/7/2014, Liên minh các đảng cầm quyền của Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể bằng việc giải thích lại hiến pháp hòa bình của nước này và coi việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản là hợp hiến. Đặc biệt, vào đầu năm 2015, sự kiện hai con tin người Nhật bị nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS bắt cóc và hành quyết đã khiến Nhật Bản đẩy mạnh việc phê chuẩn “Dự luật An ninh mới”. Ngày 16/7/2015, “Dự luật An ninh mới” đã được Hạ viện Nhật phê duyệt. Sau đó, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật này (ngày 19/9/2015) nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ra nước ngoài. Thủ tướng Abe khẳng định dự luật này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ tính mạng của các công dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng xấu đi. Việc Quốc hội Nhật Bản thông qua Dự luật an ninh đã từng gây nhiều tranh cãi chính thức chấm dứt 70 năm Nhật Bản luôn trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng thủ được quy định trong Hiến pháp năm 1946. Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ được phép tham chiến ở nước ngoài trong những tình huống đặc biệt (trái với trước đây binh sĩ Nhật chỉ được phép tham gia các sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài). Khi dự luật có hiệu lực trong vòng 6 tháng tới thì Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có thể bảo vệ các quốc gia thân thiết, đồng minh hoặc các nước được coi là bạn bè bị tấn công. Động thái này đã đánh dấu sự thay đổi rất lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, luật pháp của Nhật Bản cũng có một số nội dung, điều kiện ràng buộc kèm theo khi thực hiện Dự luật này nhằm trấn an dư luận trong nước về việc triển khai quân đội ở nước ngoài chẳng hạn như: Chỉ được phép điều động khi không còn có giải pháp nào khác hoặc chỉ triển khai sức mạnh quân sự ở mức tối thiểu nhất, và trong trường hợp cuộc xung đột đó phải đe dọa 83
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 đến sự tồn vong của Nhật Bản và đến quyền sống, quyền tự do của người dân đất nước mặt trời mọc [4]. Hiện nay, với tiềm lực quân sự lớn mạnh và vị thế cũng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, Nhật Bản không còn muốn bị “trói tay” trong lĩnh vực an ninh - quân sự. Trong bối cảnh đó, để có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn Nhật Bản đã cho quân đội tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình chứ không dừng lại ở việc đóng góp tài chính cũng như mở rộng vai trò và vị thế của quân đội Nhật trong quan hệ với đồng minh và các đối tác khác. Dự luật An ninh mới ra đời thể hiện sự phản ứng của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa lực lượng hải quân và các hành động tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản phát triển mạnh quan hệ kinh tế, mối quan hệ của họ đã phát triển theo dạng “kinh tế nóng, chính trị lạnh”, trong đó căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tăng lên. Tại Nhật Bản vào năm 2007, 29% số người được hỏi cho biết họ thiện cảm với Trung Quốc; năm 2014 giảm xuống chỉ còn 5%. Tổng cộng có 82% người trả lời cho rằng các tranh chấp lãnh thổ là một mối quan tâm nghiêm trọng và 96% người dân thì xem sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là sự đe dọa đến an ninh khu vực và Nhật Bản [6]. Mặc dù vậy, Dự luật mới ra đời cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ đối lập và một số cử tri Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản lại nhận được sự tán đồng của các nước đồng minh và một số nước lớn. Mỹ, Anh hoan nghênh Dự luật An ninh mới của Nhật Bản. Mỹ cho rằng sự kiện này sẽ chia bớt gánh nặng về an ninh khu vực cho Washington, Mỹ cần đồng minh có khả năng làm việc chặt chẽ cùng các lực lượng quân sự để duy trì hòa bình khu vực và ngăn ngừa xung đột. Ngược lại, Trung Quốc và Hàn Quốc lại bày tỏ thái độ thận trọng về sự thay đổi chủ yếu trong chính sách an ninh - quân sự mới của Nhật Bản. Những bước đi của Nhật Bản trong thay đổi vai trò của lực lượng quân sự được thể hiện trong Dự luật mới đã giúp Nhật Bản từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cơ sở tăng cường sức mạnh an ninh quốc phòng trong tương lai. Với sức mạnh hải quân đứng thứ ba thế giới, hành lang pháp lý cởi mở, Nhật Bản có thể có những đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh khu vực, nhất là an ninh Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo ông Abe, sự thay đổi này là vô cùng cần thiết khi tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động. Nhật Bản rất lo ngại về các nguy cơ an ninh đến từ Triều Tiên, tổ chức IS, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Ông cũng nhấn mạnh Dự luật An ninh mới là bước tiến giúp Nhật Bản trưởng thành hơn và thích nghi với bối cảnh địa - chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Mặt khác, sự thay đổi quan trọng này còn có ý nghĩa đảm bảo cho Nhật Bản có lực lượng quân sự mạnh chống trả lại các lực lượng bên ngoài đe dọa an ninh, lãnh thổ Nhật Bản. Như vậy, mục tiêu “nước lớn quân sự” đã được Nhật Bản ấp ủ từ lâu và từng bước thể hiện trong mỗi giai đoạn với các sách lược và chiến lược cụ thể. Không chỉ nỗ lực xóa bỏ rào cản của điều 9 Hiến pháp năm 1946 và tạo ra cơ sở pháp lý cho chính sách quốc phòng mới, Nhật Bản còn đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tiềm lực quân sự bởi trong bối cảnh khu vực đang diễn biến phức tạp, Nhật Bản không thể chỉ ngồi chờ sự giúp đỡ của Mỹ mà phải tự mình xây dựng một lực lượng quân sự hiện đại, đảm bảo đủ sức mạnh để bảo vệ đất nước. Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc mua sắm các trang thiết bị cho lực lượng phòng vệ, đặc biệt là cho lực lượng phòng vệ trên biển thông qua việc mua tàu ngầm, triển khai các dự án đóng tàu chở trực thăng chiến đấu cỡ lớn,… Để thực hiện những kế hoạch này, Nhật Bản tiếp tục tăng chi cho ngân sách quốc phòng, ví dụ năm 2015, ngân sách dành cho quốc phòng tăng thêm 2% so với năm tài chính 2014 (khoảng 95 tỷ Yên) lên 4,98 nghìn tỷ Yên, cao nhất từ trước đến nay [1]. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự, sau 11 năm liên tiếp cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú trọng đến công nghiệp quốc phòng. Ngày 01/4/2014, Chính phủ Nhật Bản chính thức phê duyệt 84
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 “Chính sách mới về xuất khẩu vũ khí” nhằm làm thay đổi đáng kể những hạn chế trong việc xuất khẩu vũ khí trước đây và tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như tạo động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng. Chính sách mới này tập trung vào việc sửa đổi “3 nguyên tắc” cấm xuất khẩu vũ khí được lập ra từ năm 1967. Những đối tượng mà Nhật Bản xuất khẩu vũ khí được mở rộng ra bao gồm: Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Tổ chức cấm vũ khí hóa học… và các quốc gia được cộng đồng quốc tế giao đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể của LHQ. Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, Nhật Bản đã chủ động thay đổi chính sách an ninh - quân sự của mình cũng như tăng cường hơn nữa sức mạnh quốc phòng của mình nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và gìn giữ ổn định, hòa bình khu vực. 2.2.2. An ninh - quân sự dựa trên hợp tác quốc tế Ngày 17/12/2010, Hội đồng an ninh và Chính phủ Nhật đã thông qua đường hướng chỉ đạo Chương trình Quốc phòng trung hạn 2011 - 2015 với nội dung như tăng cường lực lượng hải quân, tăng cường liên minh với Mỹ, xích lại gần các nước đồng minh của Mỹ… Nhật Bản tăng cường đối thoại song phương và đa phương về an ninh hợp tác, trao đổi quốc phòng và đào tạo cũng như tiến hành tập trận ở nhiều cấp độ khác nhau. Nhật Bản và Mỹ là hai quốc gia đồng minh có chung nhiều lợi ích chiến lược, mà trung tâm của mối quan hệ là Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, đã tồn tại hơn 60 năm (Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật được ký kết vào năm 1951 và đã gia hạn hai lần vào năm 1960 và năm 1970, từ năm 1970 hiệp ước này được gia hạn vĩnh viễn). Theo quan điểm của chính phủ Nhật Bản, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt đối với hòa bình và ổn định khu vực, và đối với vùng ngoại biên của Nhật Bản. Nằm ở khu vực mà trong đó có Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự, Hàn Quốc cũng trên đà phát triển, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có tiềm lực về vũ khí hạt nhân, rõ ràng Nhật Bản cần phải hợp tác với Mỹ trên lĩnh vực an ninh - quân sự. Bởi vậy cho đến nay, trên lãnh thổ Nhật Bản vẫn có 23 căn cứ quân sự của Mỹ, nổi bật nhất là căn cứ tại Okinawa. Kể từ sau sự kiện 11/9/2001, với sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố tới an ninh toàn cầu, liên minh Mỹ - Nhật càng được củng cố mạnh mẽ. Đồng thời Mỹ khuyến khích Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật cũng như đảm nhiệm vai trò quốc tế tích cực hơn. Nhật Bản đã hợp tác ngày càng chặt chẽ với Mỹ, chủ động và tích cực hơn trong hợp tác chống khủng bố và củng cố an ninh khu vực. Nhật Bản đã triển khai quân đội phục vụ chiến đấu giúp đỡ Mỹ và các lực lượng đồng minh ở Afghanistan. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng muốn có một mối quan hệ độc lập và tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Ngay từ năm 2009, Chính phủ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã có những động thái điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ, muốn liên minh Mỹ - Nhật trở nên bình đẳng hơn. Nhưng đây vẫn là mối quan hệ đồng minh chiến lược, là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Chính vì vậy mà Nhật Bản đã tiếp tục tái ký kết các Hiệp ước bao gồm: Hiệp ước duy trì lực lượng quân đội Mỹ ở Nhật Bản giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Noda Yoshihiko vào tháng 11/2012; Hiệp ước tái xác lập quần đảo Senkaku thuộc phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật (3/2013). Trong một số vấn đề tranh chấp Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động sử dụng vũ lực của lực lượng Trung Quốc và ủng hộ quan điểm của Nhật Bản. Năm 2015, trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Washington, chính phủ hai nước Mỹ và Nhật Bản đã ký một văn bản Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng. Hướng dẫn năm 2015 đề cập đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng của Nhật Bản và khả năng tương tác trong liên minh Mỹ - Nhật Bản. Hai nước “phác thảo bản chất của hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản trong thời bình và thời chiến”, thảo luận về vai trò rộng lớn hơn cho liên minh Mỹ - Nhật. Ngoài ra, lần đầu tiên Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng 2015 chỉ ra không gian và không gian mạng là hai khu vực để mở 85
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 rộng hợp tác Mỹ - Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản cũng thảo luận về các loại vũ khí trong quan hệ hợp tác hai bên [5]. Trong 5 năm trở lại đây, quan hệ Mỹ - Nhật càng trở nên gắn bó mật thiết hơn với sự xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó, Nhật Bản đã có được một vị thế bình đẳng hơn trong quan hệ giữa hai nước. Có thể thấy Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật vẫn giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của Nhật Bản, tuy nhiên sự phụ thuộc ngày càng giảm đi và tính chủ động, độc lập hơn của Nhật Bản ngày càng rõ nét. Đây là biểu hiện cơ bản trong điều chỉnh chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí rất quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, đặc biệt là trong chiến lược trở thành một “quốc gia bình thường”. Trong quan hệ với châu Á, ASEAN chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách của Nhật Bản. Những năm gần đây, chính sách an ninh quốc phòng Nhật Bản càng gia tăng hơn nữa đối với khu vực. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản đã ký kết một số hiệp ước song phương với Singapore, Philippines… cho phép tàu và máy bay Nhật Bản khi cần thiết có thể sử dụng căn cứ quân sự của các nước này. Vào tháng 9/2011, tại cuộc gặp giữa các quan chức quốc phòng Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kimito Nakae cho rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đang phát triển trong đó Nhật Bản đóng vai trò ngày càng cụ thể hơn. Tháng 10/2011, Nhật Bản đã ký Hiệp nghị bảo đảm an ninh với ASEAN nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quân sự, bên cạnh đó Nhật Bản còn chi một khoản vào việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng cận vệ bờ biển của một số nước, bán trang thiết bị quân sự. Gần đây, tháng 12/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia” trong đó đã định vị chiến lược của Nhật Bản đối với ASEAN trong hợp tác an ninh. Song song với các hoạt động trên thì Nhật Bản cũng tích cực tham gia các diễn đàn như: ARF, Sangri La, AMMD+,… Thông qua các diễn đàn này, Nhật Bản và các nước tham gia cùng nhau trao đổi quan điểm, đường hướng an ninh quốc phòng cũng như các vấn đề khác mà các bên quan tâm. Như vậy, quan hệ an ninh - quân sự giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong thời gian vừa qua tiến triển ở hai khía cạnh song phương với từng quốc gia và đa phương thông qua các diễn đàn, các cấu trúc an ninh mới đang định hình nhằm đối phó với tình hình ngày càng diễn biến khó lường. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú trọng gia tăng quan hệ an ninh - quân sự với một số nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Australia, Ấn Độ, New Zealand,… Tình hình quốc tế những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI có nhiều biến động, ảnh hưởng to lớn đến an ninh của Nhật Bản. Những biến động trên dường như không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh - quân sự. Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản vừa dựa trên nỗ lực quốc gia vừa dựa trên sự hợp tác quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Trong đó, việc hợp tác với Mỹ vẫn là “hòn đá tảng” trong chính sách này. Nhật Bản tăng cường phối hợp với các nước ASEAN và các nước là đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tích cực tham gia, trao đổi nhằm đóng góp vai trò nhiều hơn trong các diễn đàn an ninh khu vực. 3. KẾT LUẬN Bước vào những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi căn bản thì chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản cũng thay đổi theo. Nhưng điều đáng lưu ý là sự thay đổi này hoàn toàn chủ động và có những bước đi thích hợp. Nó đã có cơ sở và được chuẩn bị từ trước đó, nhất là khi Nhật Bản vươn lên thành cường quốc kinh tế thế giới trong những năm 1970 của thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, mặc dù vẫn coi hợp tác với Mỹ là cơ sở trọng yếu trong chính sách an ninh của mình nhưng Nhật Bản đã dần dần điều chỉnh mối quan hệ song phương với Mỹ, từ đồng minh phụ thuộc thành đối tác tương đối bình đẳng. Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản đã đặt ra những mục tiêu cao hơn, Nhật Bản ngày càng 86
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 tham gia sâu rộng vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Vì vậy, một mặt Nhật Bản vẫn củng cố mối quan hệ an ninh Mỹ - Nhật, coi đó là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh của mình; mặt khác, Nhật Bản chủ động tiến hành những bước đi thích hợp nhằm “pháp lý hóa” những mục tiêu an ninh - quân sự mới, tăng cường ngân sách quốc phòng. Sự thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản phù hợp với ảnh hưởng của quốc gia này trên trường quốc tế và tình hình thế giới hiện nay. Có thể thấy do những nguy cơ bất ổn ở khu vực châu Á, Đông Á, vấn đề an ninh biển hết sức quan trọng đối với quốc gia đảo như Nhật Bản vì vậy việc ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự theo hướng hiện đại hơn để đảm bảo ninh quốc gia và khu vực là hết sức cần thiết. Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm gần đây là sự tiếp nối liên tục của chính sách Nhật Bản trước đây nhưng nó có sự thay đổi theo hướng gia tăng này càng sâu rộng, thực chất và có hiệu quả hơn trong phối hợp với các đồng minh, trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đồng thời củng cố và đóng góp nhiều hơn trong liên minh Mỹ - Nhật, chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong việc gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Chính sách an ninh - quân sự của Nhật Bản những năm gần đây càng thể hiện rõ những đặc điểm nổi bật do đặc thù văn hóa, lịch sử của Nhật Bản và tác động của bối cảnh quốc tế đó là an ninh - quân sự dựa trên sự nỗ lực sức mạnh quốc gia và dựa trên sự hợp tác quốc tế. Mặc dù mục tiêu chủ yếu của chính sách an ninh quân sự Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI được Chính phủ Nhật Bản giải thích là chống khủng bố, đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia, chống lại những nguy cơ từ các vấn đề Biển Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như góp phần chia sẻ trách nhiệm hơn nữa với Mỹ trong gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới nhưng cũng có xu hướng cho rằng việc Nhật Bản gia tăng và hiện đại hóa lực lượng quân sự sẽ tiềm tàng nguy cơ chạy đua vũ trang. Điều này khiến một bộ phận người dân Nhật Bản và quốc tế lo ngại rằng sẽ có thể nguy hiểm đến an ninh Nhật Bản và khu vực. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Cao Nhật Anh (2015), “Về việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng năm 2015”, 30/5/2016, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=897. [2] Nguyễn Ngọc Dung (2009), “Những thay đổi trong chính sách an ninh - quốc phòng của Nhật Bản từ Chiến tranh lạnh đến nay dưới cơ chế an ninh chiến lược Nhật - Mỹ”, Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 12, số 15-2009, tr. 25-43. [3] Hoàng Thị Minh Hoa (1999), Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 232. [4] Trần Mỹ Hoa (2016), “Luật An ninh mới của Nhật Bản có từ ngày 29/3/2016”, 04/6/2016, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1045. [5] Jennifer Lind (2016), Japan’s Security Evolution, CATO Institute, No.788. [6] Pew Research Center poll (2013), Chapter 3, “At- titudes towards China”, 04/6/2016, http://www.pewglobal. org/2013/07/18/chapter-3-attitudes-toward-china/. Title: THE JAPAN’S SECURITY - MILITARY POLICY IN THE EARLY YEARS OF THE SECOND DECADE OF THE XXI CENTURY Abstract: After the Cold War, Japan became completely different from Japan in the past, it became the world’s second-largest economy and it had more independent policy in political security in its relation 87
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 with US. Furthermore, the international situation after the Cold War especially the second decade of the twenty-first century, showed that there were too much volatility and it had enormous influence to the security - defense of Japan as the rise of China, the nuclear issue on the Korean Peninsula, the emergence of international terrorism… These volatility were not only a challenge but also an opportunity for Japan to adjust the security - military policy. When the world and region had many complex changes, the Japan’s security - military policy had also to be changed, could not be just based on the bilateral security relation US - Japan as before. Articles analyzes the breakthrough of the Japan’s security - military policy in the early years of the second decade of the twenty-first century on the basis of generalized the Japanese security - military policy earlier and draws comments. Keywords: security, military, Japan, the twenty-first century. NGUYỄN HẠNH TRÂM Học viên Cao học, chuyên ngành Lịch sử Thế giới, khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Số điện thoại: 01693306580, Email: hanhtram.yocam@gmail.com. 88
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2