intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội tỉnh Bình Phước

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:21

9
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đi sâu phân tích vai trò của chùa Sóc Lớn đối với đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng người Khmer ở Bình Phước hiện nay trong xu thế hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội tỉnh Bình Phước

  1. Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 – 2021 51 THẠCH NÊ CHÙA SÓC LỚN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA - XÃ HỘI TỈNH BÌNH PHƯỚC Tóm tắt: Những năm qua, Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có những đóng góp to lớn đối với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là đối với đời sống tinh thần của cư dân. Mặc dù những triết lý Phật giáo và sinh hoạt Phật giáo có sức ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, với mong muốn hiểu đầy đủ hơn về ảnh hưởng cũng như vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống tinh thần và đời sống văn hóa - xã hội của phật tử ở tỉnh Bình Phước, bài viết đi sâu phân tích vai trò của chùa Sóc Lớn đối với đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng người Khmer ở Bình Phước hiện nay trong xu thế hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Từ khóa: Phật giáo Nam tông; chùa Khmer; chùa Sóc Lớn; Bình Phước. Mở đầu Phật giáo Nam tông hiện diện chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội và có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với tín đồ người Khmer. Sư sãi Phật giáo Nam Tông phần lớn xuất thân từ nhân dân lao động, lớp người trí thức số lượng ít. Đây có thể coi là những người đại diện cho dân tộc và có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của phật tử. Đến nay, tuy số lươ ng 17.727 phật tử ở Bình Phước không đông bằng các tỉnh ̣  Chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngày nhận bài: 23/9/2020; Ngày biên tập: 25/3/2021; Duyệt đăng: 12/4/2021.
  2. 52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 khác ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Phật giáo Nam tông ở đây có mố i quan hê ̣ khá chặt chẽ và gầ n gũi với phật tử của các tı̉nh trong khu vưc và với các quố c gia lân câ ̣n như: Campuchia, ̣ Lào, Thái Lan,… Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Nam Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, với hai cửa khẩu quốc tế và nội địa giáp vương quốc Campuchia, lại nằm giữa khu kinh tế trọng điểm phía nam và Tây Nguyên. Bình Phước là địa bàn sinh sống của 41 dân tộc, là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa, trong đó có người Khmer. Từ nhiều thế kỷ qua, Phật giáo Nam tông Khmer đã ăn sâu, bám rễ vào trong tâm thức, làm cho đời sống tinh thần của phật tử ở tỉnh Bình Phước thêm phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh Bình Phước có năm chùa theo Phật giáo Nam tông Khmer là chùa Bồ Đề, Chà Là, Sirivansa, Seray Odom và Sóc Lớn. Trong đó, chùa Sóc Lớn thu hút tín đồ đông nhất. Hầu như tất cả các hoạt động văn hóa – xã hội, lễ hội dân gian, lễ hội lớn nhỏ mang màu sắc Phật giáo đều được tổ chức ở chùa. Tham gia lễ hội không chỉ có người Khmer mà còn có người Kinh, người Stiêng và người Tày. Tại các cộng đồng người Khmer ở bất kỳ nơi đâu, ngôi chùa có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nhằm nêu bật vai trò của chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng người Khmer ở Bình Phước, tác giả bài viết đã sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi với 100 phiếu khảo sát theo hộ gia đình Khmer ở ba ấp: Sóc Lớn, Ba Ven, Chà Đôn. Trong đó, ấp Sóc Lớn điều tra 34 phiếu, hai ấp còn lại mỗi ấp là 33 phiếu theo cách chọn mẫu định mức (quota). Những người được hỏi đều là chủ hộ hoặc vợ/chồng của chủ hộ, độ tuổi của họ trong khoảng từ 45 đến 60 tuổi; trong đó có 50 người là nam giới và 50 người là nữ giới. Đa phần những người được hỏi đều là nông dân, làm ruộng, rẫy và chăn nuôi tại nơi cư trú của họ. Nội dung bảng hỏi được tập trung vào vấn đề sinh hoạt tôn giáo của gia đình và cộng đồng đối với chùa Sóc Lớn. Dựa vào kết quả khảo sát, bài viết phân tích vai trò của chùa Sóc Lớn từ các góc độ khác nhau, như: vai trò trong việc lưu giữ văn
  3. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 53 hóa truyền thống; vai trò trong việc cố kết cộng đồng; vai trò trong việc giáo dục cộng đồng; vai trò trong hoạt động từ thiện xã hội. 1. Vài nét về chùa Sóc Lớn ở Bình Phước Kết quả phỏng vấn hồi cố các vị già làng tại ấp Sóc Lớn và nghiên cứu các cổ vật còn được lưu giữ tại chùa, ví dụ như nền đá chùa cũ, cho biết1: Chùa Sóc Lớn xây dựng vào năm 1928 nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng Khmer ở khu vực Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ năm 1928 cho đến năm 1954, dưới sự dẫn dắt của Hoà thượng Tuôch Cháp quê ở huyện Prey Chek, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, cùng với một số tín đồ người Khmer như: ông Lâm Mứt, Lâm Mơm, Lâm Keo, Lâm Duôn và cộng đồng Khmer trong khu vực Sóc Lớn, toàn bộ công trình chùa đã được xây dựng xong. Từ đó về sau, chùa Sóc Lớn đã trở thành địa điểm dành cho tín đồ tu tập, sinh hoạt văn hóa lễ hội theo truyền thống của mình. Năm 1955, do tuổi cao sức yếu, Hoà thượng Tuôch Cháp về quê nghỉ dưỡng. Đến năm 1964, Hòa thượng viên tịch. Năm 1955, tín đồ nơi đây thỉnh Ngài Mes Khun (quê ở Prey Veng, Campuchia) đến làm trụ trì tại chùa Sóc Lớn. Ngài đã phụng sự đạo pháp tại đây đến khi viên tịch. Trong các cuộc kháng chiến, chùa từng là nơi nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng. Năm 1970, khi đất nước rơi vào tình thế loạn lạc, chùa đã bị tàn phá bởi ba quả bom B52, toàn bộ các công trình đã bị sụp đổ, chỉ còn vài bức tượng phật. Sau chiến tranh, người dân dựng lại ngôi chùa tạm bợ để thờ Phật. Đến cuối năm 1994, Hoà thượng Lâm Yêm, Trụ trì chùa Pothiwong tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thỉnh Hoà thượng Lý Sang quê ở Sóc Trăng về làm trụ trì tại chùa Sóc Lớn để tiếp tục xây dựng lại ngôi chùa này và hướng dẫn tín đồ tụng kinh, lễ bái tam bảo, sinh hoạt tôn giáo. Năm 2007, Hoà thượng Lý Sang từ giã Ban Hộ tự và tín đồ để về quê nghỉ dưỡng. Sau đó, chùa do Đại đức Thạch Thươl ở chùa
  4. 54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 Ghoshitaram tại Bạc Liêu đến tiếp quản. Đến ngày 17 tháng 5 năm 2009, với sự chỉ đạo của Hoà thượng Hữu Hinh tại chùa Ghoshitaram, Thượng tọa Thạch Nê đến trụ trì chùa Sóc Lớn cho đến ngày hôm nay. Bên cạnh đó, ba vị sư là phó trụ trì là sư Huỳnh Thanh Chính (chùa Đìa Muồng, Bạc Liêu), sư Thạch Thương (chùa Kim Cấu, Bạc Liêu), và sư Thạch Ngọc Hận hỗ trợ công việc phật sự của chùa2. Chùa Sóc Lớn hiện nay có 47 vị tăng, trong đó có một thượng tọa, 10 đại đức và 36 vị sa di; ngoài ra còn có 20 giới tử. Hằng năm, chùa nuôi hơn 40 vị tăng và trên 20 giới tử từ các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ đến tạm trú để tu học. Không những học ở chùa, nhiều vị sư còn tham gia học ở các trường với các cấp như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường đại học quốc dân. Sau khi ra trường, một số vị tăng được phân công phụ việc ở chùa, một số vị xuất tu và có công việc ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình. Nói chung, hoạt động quan trọng nhất của chùa là nhằm thực hiện chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội. Mọi hoạt động của chùa Sóc Lớn được chỉ đạo trực tiếp của sư trụ trì. Chùa luôn bố trí chư tăng đi cúng cầu siêu, cúng vẩy nước cầu an, tổ chức các lễ hội lớn nhỏ theo truyền thống Phật giáo, và tạo điều kiện cho con em người Khmer tạm trú đi học, tu gieo duyên theo truyền thống. Để bảo tồn và phát huy tiếng nói của người Khmer, vào mỗi dịp hè, tại chùa luôn mở các lớp dạy tiếng Khmer cho bà con có nhu cầu, và mở lớp tiếng Pali cho chư tăng, giới tử theo học tại chùa. Chùa tổ chức làm từ thiện tại chùa và vận động các nhà hảo tâm làm từ thiện ở các xã lân cận, đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chùa còn trao học bổng cho tăng sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học cơ sở. Ở các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cấp quốc gia, chùa luôn hỗ trợ một phần kinh phí cho con em tín đồ, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp các em có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi.
  5. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 55 Hiện nay, với hơn 700 hộ người Khmer sinh sống tập trung ở ba ấp Sóc Lớn, Chà Đôn, Bàu Ven của xã An Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chùa Sóc Lớn chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo quan trọng của cộng đồng Khmer ở đây. Trong chùa có một thượng tọa trụ trì cùng 15 tăng sư chuyên lo phật sự và sinh hoạt nghi lễ tôn giáo như lễ Phật định (15/1 âm lịch), Tết Chol Chnăm Thmây (14-16/4 dương lịch), lễ Phật đản (15/4 âm lịch), Đolta (15/8 âm lịch), Óc Om Bóc (15/10 âm lịch),… Ngoài ra, các vị tăng còn tham gia vào các nghi lễ tôn giáo trong cộng đồng và các gia đình như cầu siêu, cầu an, hôn lễ, tang lễ, lễ hội Khai Bàu (lễ khai mùa, vào ngày 26/4 dương lịch hằng năm),… 2. Không gian kiến trúc của chùa Sóc Lớn hiện nay Chùa Sóc Lớn có kiến trúc giống như các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer khác. Chùa được cấu thành bởi ba yếu tố chủ đạo: cảnh quan, quần thể kiến trúc và nghệ thuật tạo hình (tập trung chủ yếu ở ngôi chánh điện). Theo thế giới quan của Phật giáo Nam tông Khmer, chánh điện là biểu tượng của ngọn Tudi, nơi Đức Phật cư ngụ, bên ngoài là thế giới của chư thần và các loài linh vật. Từ quan niệm này nên ngôi chùa Khmer luôn được trang trí bằng một hệ thống thần tượng và linh vật từ ngoài cổng đến chánh điện, thể hiện theo từng cấp độ từ thấp đến cao. Mỗi biểu tượng đều được lý giải bằng những câu chuyện phật thoại hay truyền thuyết3. Chùa Sóc Lớn cũng được xây dựng theo đúng quan niệm đó, nên luôn thể hiện tính cân đối về cách bố trí cũng như kiến trúc, mặc dù bị chiến tranh tàn phá, và phụ thuộc rất nhiều vào địa thế. Muốn vào khuôn viên chùa phải đi qua con đường rộng 4m xuyên qua những hộ dân cư. Trong khuôn viên chùa, đi từ cổng vào, bên phải là công viên cây xanh, bên trái là một dãy nhà với tầng một là nơi học tập dành riêng cho chư tăng, tầng trệt là phòng học vi tính và phòng hoạt động phật sự khác. Đối diện với cổng là nền chánh điện cũ, phía bên phải nền chánh điện cũ là công trình chánh điện mới đang xây dựng. Phía bên trái chánh điện mới là ngôi giảng đường cũ, đi qua giảng đường cũ đến tăng xá, tầng trệt
  6. 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 là phòng họp, thư viện và tầng một là nơi sinh hoạt của chư tăng. Đối diện với dãy nhà học của chư tăng là tháp Bồ đề. Bên phải tháp Bồ đề là ngôi giảng đường mới, cũng là nơi sinh hoạt của chư tăng và là nơi cúng tế của tín đồ, do chánh điện đang xây dựng nên việc hành tăng sự của chư tăng và tổ chức các lễ lớn cũng được tổ chức ở đây. Chính giữa khuôn viên chùa là một lối hoa kiểng và phật cảnh tạo nên một nét đẹp cổ kính và trang nghiêm của Phật giáo. Chùa Sóc Lớn là một cụm kiến trúc bao gồm chánh điện, giảng đường, tăng xá và tháp Bồ đề được xây dựng trên một địa thế bằng phẳng, rộng rãi, mang những đặc điểm kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật tạo hình như sau: Cổng chùa được xây dựng bằng xi măng với lối kiến trúc hiện đại. Trên đỉnh cổng có khắc hình Đức Phật đản sanh, phần tiếp giáp với mái được gia cố bởi tượng Kâyno (tượng nửa người nửa chim), đôi tay dang ra để chống đỡ mái hiên. Tượng Kâyno được dân tộc Khmer chọn làm biểu tượng cho sắc đẹp và sức mạnh, với ý niệm là sẽ chống trả được với thiên nhiên để che chở và bảo vệ con người. Ngoài ra, hàng rào bao quanh khuôn viên chùa được trang trí bởi câu truyện của thần khỉ Hanuman và 12 con giáp. Chánh điện hiện đang được xây mới. Chánh điện cũ do chiến tranh tàn phá chỉ còn phần móng. Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chánh điện là một trong những công trình quan trọng, kiến trúc, quy mô biểu hiện phong cách kiến trúc truyền thống độc đáo của dân tộc Khmer. Giảng đường (sala) gồm hai tầng, tầng trệt là nhà lễ, tầng trên là phòng khách tăng. Bên ngoài sala là hình tượng các Krud nâng đỡ ngôi nhà Phật giáo, tượng trưng cho cái đẹp và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Các cột đứng được đắp nổi hoa văn chư thiên, mang tính chất tôn nghiêm và cũng là biểu tượng của chư thiên hộ trì. Các cột ngang lại được trang trí bằng những phù điêu đắp nổi thần Rahu (thần gió nuốt mặt trăng). Theo truyền thuyết, thần gió, mặt trăng, mặt trời là những anh em. Họ rất hòa thuận, thương yêu
  7. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 57 nhau. Thần gió quấn quýt, xoay mạnh như muốn ôm lấy cô em mình là mặt trăng. Như vậy, thần Rahu là biểu tượng của sức mạnh, là sự lý giải về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Theo số lẻ, nếu sala có chiều ngang là ba gian thì chiều dài là năm gian hoặc bảy gian. Trong sala, ngoài bàn thờ kim thân Đức Phật Thích Ca được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm, bên phải còn đặt bàn thờ của các vị hòa thượng có công lớn đối với việc xây dựng và tôn tạo chùa. Bàn thờ của các vị cố hòa thượng được sắp đặt theo vị trí từ cao đến thấp, từ trái qua phải. Với kết cấu trang trí phù điêu mang đậm bản sắc dân tộc Khmer, sala khiến các tín đồ cảm nhận được sự trang nghiêm, tâm hồn nhẹ nhàng thanh tịnh khi có dịp diện kiến. Tháp Bồ đề có diện tích nền nhỏ, bốn cạnh đều nhau. Đặc điểm kiến trúc đặc trưng của tháp là càng lên cao càng nhỏ dần. Phần trên cùng là tượng thần bốn mặt, ngó về bốn hướng khác nhau, đầu đội chiếc lọng ba tầng, biểu tượng cho tam bảo và sự siêu thoát của người chết được đến thẳng cõi Niết bàn. Biểu tượng thần bốn mặt bắt nguồn từ quan niệm cho rằng: chùa, tháp là hình dáng mô phỏng của đỉnh núi Meru (hay Sumeru), ngọn núi ở trung tâm vũ trụ, nơi có thần bốn mặt ngự trị. Ngoài những công trình kiến trúc mang tính chất truyền thống bắt buộc của chùa Khmer, chùa Sóc Lớn còn trang trí thêm tượng Đức Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc bồ đề, tượng Phật Thích Ca ban phước lành, chư thiên làm cho cảnh quan của chùa thêm sinh động, hài hòa giữa kiến trúc và tự nhiên. Từ năm 2010 đến 2015, chùa Sóc Lớn được xây dựng thêm nhiều công trình như: cột đèn điện, bảo tháp Đức Phật dưới ba cây bồ đề, đặc biệt là ngôi trường học dành cho việc tu học và sinh hoạt phật pháp của chư tăng và tín đồ phật tử. Năm 2013, ngôi giảng đường lớn được khởi công xây dựng và đến nay đã tương đối hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Năm 2015, với sự trợ duyên của tín đồ phật tử, chư tăng và Ban Hộ tự làm lễ khởi công xây dựng chánh điện mới. Bên cạnh đó, cảnh quang xung quanh ngôi chùa cũng cải thiện ngày một đẹp đẽ, trang trọng hơn.
  8. 58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 3. Vai trò của chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội hiện nay 3.1. Vai trò trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống Thông qua các công trình kiến trúc và cách trang trí, có thể xem chùa Sóc Lớn là một "bảo tàng hiện vật văn hóa" của cộng đồng Khmer ở Nam Bộ. Từ các công trình kiến trúc đến hoa văn, hình tượng trang trí, cách bài trí thờ tự… đều chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Khmer Nam Bộ. Cổng chùa được xây dựng theo đúng phong cách truyền thống của văn hóa Phật giáo Khmer Nam Bộ, với hai cột vuông được đúc bằng xi măng cốt sắt và được trang trí theo lối họa tiết hoa văn Angkor ở bốn mặt. Kèm theo đó là hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa vừa xuất thế, đứng trên tòa sen với tay phải chỉ trời và tay trái chỉ đất. Từ cổng đi vào chùa là con đường đất đỏ rộng khoảng 8m, dài khoảng 70m, hai bên với hai hàng cột đèn được xây dựng theo lối đối xứng, mỗi hàng 10 cột. Kết cấu của cột được thiết kế theo phong cách rất đặc trưng với 5 phần: phần dưới đế hình vuông được trang trí theo lối hoa văn Angkor, phần kế tiếp đắp nổi bốn con rồng theo phương thẳng đứng, tiếp nữa là trụ tròn, tiếp trên là bệ tròn và trên cùng là tượng thiên nga. Khi vào thẳng bên trong sẽ nhìn thấy sala cũ do Thượng tọa Lý Sang xây dựng vào năm 1996, khi ông về đây làm trụ trì. Ngôi sala nằm trên diện tích gần 200m2, cũng chính là nơi đặt điện thờ Đức Phật Thích Ca, nơi thuyết giảng, và nơi nghỉ của sư cả trụ trì. Kiến trúc của ngôi sala được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của người Khmer Nam Bộ, nhưng phía trước được xây dựng phỏng theo lối kiến trúc chùa, với những họa tiết hoa văn đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ, cùng với nhiều biểu tượng tiêu biểu như Kâyno, Naga, sư tử,… trên nóc sala còn trang trí tranh đắp nổi với 5 vị phật và bò thần. Ngày nay, bên cạnh sala cũ còn có ngôi mới đang được hoàn thiện. Sala mới do Thượng tọa Thạch Nê cùng toàn thể tín đồ Khmer góp công sức xây dựng từ năm 2012 trên diện tích
  9. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 59 1.250m2 (25m x 50m). Đây là công trình khá đồ sộ, với giảng đường rộng, có nơi dành cho các vị tăng sư nghỉ ngơi, sinh hoạt, và các công trình phụ khác. Trường học là nét đặc trưng của quần thể kiến trúc chùa Sóc Lớn. Đây là tòa nhà một trệt, một lầu được Thượng tọa Thạch Nê xây dựng vào năm 2010 theo đúng kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ trên diện tích 517m2 (25m x 47m). Công trình được trang trí với nhiều biểu tượng và họa tiết hoa văn đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ như Kâyno, Naga, sư tử, hoa văn Angkor,… và được ngăn thành nhiều phòng, dùng để làm phòng học, phòng đọc sách, phòng vi tính… Hiện nay, tòa nhà này được xem là nổi bật nhất trong tổng thể các công trình kiến trúc của chùa Sóc Lớn, vì tính đặc sắc về biểu tượng và độ uy nghi của nó. Ngoài ra, trong quần thể kiến trúc này còn tháp Đức Phật và tháp Chư thiên. Tháp thờ Đức Phật là một ngôi tháp nhỏ được xây dựng ở ngay gốc cây Bồ đề, đối diện với trường học, cũng theo lối kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ. Đây là nơi phật tử hành hương thường đến chiêm bái, cầu nguyện. Phía sau tháp Đức Phật là tháp thờ chư thiên, được xây dựng trên nền cao. Xung quanh nền có ba lối lên theo bậc thang và được trang trí bằng biểu tượng Naga. Chính giữa là tháp cao thờ chư thiên với họa tiết Angkor và biểu tượng Kâyno đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ. Tường rào của chùa Sóc Lớn cũng là một công trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Tường rào được xây dựng quanh khuôn viên chùa, với hoa văn Angkor đặc trưng cùng những biểu tượng như thần Hanuman, bánh xe Luân hồi… Ngoài ra, trong sân chùa còn được trồng nhiều loại cây, hoa để làm tăng thêm vẻ đẹp của ngôi chùa ở vùng nông thôn này. Lối kiến trúc, cách trang trí và cách thờ tự của chùa Sóc Lớn đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ nói chung và ở Bình Phước nói riêng. Ngoài ra, trong quan hệ giao tiếp, cách tổ chức lễ
  10. 60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 hội và nhất là thông qua việc dạy chữ, dạy đạo đức, giáo lý tôn giáo ngay trong chùa… đã giúp cho cộng đồng lưu giữ và truyền bá văn hóa truyền thống của tộc người. Cùng với sự đổi thay và phát triển của xã hội nói chung, chùa Sóc Lớn cũng có những thay đổi tích cực để phù hợp với xã hội hiện đại, tuy nhiên vẫn không mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer. Theo ý kiến của người dân trong cộng đồng, sự thay đổi của chùa Sóc Lớn mang nhiều giá trị tích cực, thể hiện qua biểu đồ sau: Biểu đồ: Giá trị của sự thay đổi ở chùa Sóc Lớn 21% 30% Lưu giữ và phát huy được văn hóa truyền thống 26% Phát triển tốt về tôn giáo 23% Thu hút đông người dân trở lại với tôn giáo Giáo dục để thế hệ trẻ noi theo (Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả năm 2019) Phân tích số liệu điều tra từ bảng hỏi cho thấy, có 30% ý kiến cho rằng, sự phát triển của chùa Sóc Lớn có đóng góp vào việc "lưu giữ và phát huy được văn hóa truyền thống” của tộc người; 26% ý kiến cho rằng, do sự phát triển đó mà “thu hút đông người dân trở lại với tôn giáo”; 23% ý kiến cho rằng, điều này dẫn đến “phát triển tốt về tôn giáo”; và 21% ý kiến đề cập đến vấn đề “giáo dục để thế hệ trẻ noi theo” khi chùa Sóc Lớn phát triển về qui mô lễ hội và công trình xây dựng. Như vậy, bên cạnh những ý kiến ghi nhận vai trò của chùa Sóc Lớn trong quá trình phát triển tôn giáo, giáo dục, thì đa phần người dân đều cho rằng sự phát triển của chùa Sóc Lớn
  11. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 61 có đóng góp đáng kể vào việc “lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống” của tộc người. Theo chúng tôi, đây cũng chính là vai trò quan trọng mà chùa Sóc Lớn đã thể hiện. Sự thể hiện đó được biểu hiện cụ thể qua kiến trúc, điêu khắc, trang trí, và các lễ hội được tổ chức tại chùa Sóc Lớn. Đặc biệt, trong các lễ hội này, chùa Sóc Lớn còn qui tụ đông đảo thanh thiếu niên trong cộng đồng tham gia biểu diễn văn nghệ truyền thống. Trong chùa còn trang bị dàn nhạc ngũ âm, trống sadăm để phục vục cộng đồng trong các dịp lễ hội. Sư cả trụ trì mời nhạc sư người Khmer ở miền Tây về dạy nhạc, đánh trống, hát, múa… cho thanh thiếu niên trong cộng đồng. Mỗi khi trong chùa hoặc trong cộng đồng có lễ hội, thanh thiếu niên sẽ đánh nhạc ngũ âm, trống sadăm, múa hát để biểu diễn. Những người biểu diễn thường mặc trang phục truyền thống nhằm lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi khi có lễ hội trong chùa, các món ăn truyền thống của người Khmer như bún nước lèo (Num Mchruk), bánh tét (Num Chruk) và bánh ít (Num Tean), bánh gừng (Num Knhay), cốm dẹp (Om Bok)… cũng được nấu tại chùa hoặc đặt mua từ cộng đồng Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ để dâng cúng và thết đãi khách. Đây cũng là cách mà chùa Sóc Lớn giữ gìn và truyền bá văn hóa ẩm thực truyền thống của người Khmer trong khu vực. Nhìn chung, với sự phát triển của chùa Sóc Lớn trong nhiều năm qua, cùng với việc tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo, văn hóa tại đây, có thể khẳng định, chùa Sóc Lớn có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá, phát huy văn hóa truyền thống của tộc người Khmer, giúp cho người Khmer ở Bình Phước giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng trong sự phát triển của khu vực. 3.2. Vai trò trong việc cố kết cộng đồng Theo chúng tôi, một cộng đồng (cộng đồng xã hội, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng tộc người,…) muốn phát triển một cách có trình tự và ổn định cần phải có những giá trị cốt lõi nhằm tập trung tư tưởng của các thành viên trong cộng đồng. Trong lịch sử nhân
  12. 62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 loại, một trong những giá trị làm nên tính cốt lõi này thuộc về niềm tin tôn giáo, vì điều này thể hiện tính cộng cảm, tính thiêng, cùng chia sẻ một đức tin,… của cộng đồng, và từ đó tạo nên tính cố kết cộng đồng. Với người Khmer nói chung và người Khmer ở Bình Phước nói riêng, Phật giáo Nam tông không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, mà còn ảnh hưởng đến nhiều phương diện khác trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự qui tụ, cố kết cộng đồng. Người Khmer đi đâu cũng luôn hướng về ngôi chùa của mình. Cuộc đời của họ luôn gần gũi, gắn bó với ngôi chùa. Vì vậy, họ luôn cố gắng sống gần chùa. Nơi nào chưa có chùa sẽ cố gắng xin được xây dựng chùa, khi có chùa rồi, họ cùng nhau giữ gìn, tôn tạo để làm cho ngôi chùa của mình trở nên đẹp hơn, khang trang hơn. Do đó, họ thường xuyên đến chùa để phụ giúp chư tăng làm việc, dọn dẹp, nấu cơm cho sư,… xem đó như là một phần trách nhiệm trong đời sống cộng đồng của họ, nhằm tạo quả phước và hồi hướng công đức đến kiếp sau. Kết quả khảo sát về số thành viên trong gia đình thường xuyên đến chùa giúp đỡ công việc cho thấy như sau: Theo số liệu điều tra của tác giả năm 2019, trong 100 hộ được khảo sát, có đến 94 hộ có người thường xuyên đến giúp đỡ công việc ở chùa. Số người trong hộ đến giúp nhiều hay ít tùy thuộc vào tổng số thành viên trong hộ. Cụ thể, theo kết quả khảo sát: Trong 20 hộ có 3 thành viên, 14 hộ thường xuyên cử 1 thành viên trong mỗi hộ đến giúp đỡ công việc trong chùa; chỉ 6 hộ không có thành viên thường xuyên đến giúp chùa; Trong 20 hộ có 4 thành viên, mỗi hộ đều cử 1 thành viên thường xuyên đến giúp đỡ công việc tại chùa; Trong 25 hộ có 5 thành viên, 8 hộ cử 1 thành viên và 17 hộ cử 4 thành viên thường xuyên đến giúp đỡ chùa; Trong 26 hộ có 6 thành viên, 9 hộ cử 2 thành viên, 8 hộ cử 4 thành viên và 9 hộ cử 6 thành viên thường xuyên đến giúp đỡ chùa;
  13. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 63 Trong 9 hộ có 7 thành viên, mỗi hộ đều cử 5 thành viên thường xuyên đến giúp đỡ công việc tại chùa. Như vậy, việc cử thành viên trong hộ thường xuyên đến giúp đỡ công việc nhà chùa luôn được xem là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi gia đình, nhằm tạo nên tính cố kết, trách nhiệm của cá nhân, gia đình đến cộng đồng tôn giáo; đây cũng là cách để tạo nên quả phước và sự cộng cảm tôn giáo cho chính cá nhân và gia đình đó trong đời sống tôn giáo. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội, chùa Sóc Lớn tổ chức các buổi sinh hoạt nói về ý nghĩa của các ngày lễ này, về nguồn gốc và phước báu của các nghi lễ. Tín đồ trong cộng đồng Khmer tham gia đông đảo, kể cả người dân ở các khu vực lân cận hoặc từ các tỉnh thành khác trong khu vực Đông Nam Bộ cũng đến dự. Ý kiến của vị Phó Trụ trì chùa Sóc Lớn cho biết: “Tín đồ ở đây rất gắn kết với chùa, kể cả những người Khmer ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai cũng đến dự, đặc biệt là công nhân. Những người này từ miền Tây lên làm công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai,… nhưng không có nơi để sinh hoạt tôn giáo, văn hóa,… nên mỗi khi có lễ hội, họ đều về chùa này để sinh hoạt. Mặc dù chùa ở hơi xa, nhưng nơi đây có nhiều loại hình sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, và cộng đồng người Khmer ở khu vực này đông, nên thu hút nhiều người ở xa đến tham dự. Vì khi tham dự ở chùa này, họ luôn cảm thấy như đang sinh hoạt tại các chùa ở khu vực miền Tây” (phỏng vấn Phó Trụ trì chùa Sóc Lớn, Bình Phước). Điều này được thể hiện rất rõ qua số lượng người đến tham dự mỗi khi có lễ hội tôn giáo, văn hóa tại chùa Sóc Lớn. Số người đến dự trong mỗi sự kiện thường tính từ ngàn người trở lên. Khi đến với chùa, họ đều cố gắng tạo quả phước cho mình và cho gia đình bằng cách cúng dường chư tăng, lễ bái tam bảo, thọ giới, nghe thuyết pháp,… Một tín đồ người Khmer làm công nhân ở Bình Dương đến chùa tham dự lễ Phật đản cho biết: “Con làm công nhân ở Bình Dương, nhưng nơi đó không có chùa, nên con cùng với các bạn thuê xe lên đây để làm lễ. Công việc của tụi con
  14. 64 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 làm suốt, không có nhiều thời gian rảnh, nhưng cũng cố gắng đến với chùa, vì là bổn phận mà cũng xem như tạo phước báu. Chúng con thường đến chùa này, vì nơi đây rộng rãi, nhiều hoạt động và có đông người Khmer về dự, cảm thấy như mình đang dự lễ ở chùa tại nhà của mình vậy” (phỏng vấn nam phật tử, 40 tuổi, ấp Sóc Lớn, Bình Phước). Theo quan sát của chúng tôi, khi đến với chùa, cộng đồng tín đồ rất hoan hỷ với tinh thần thoải mái. Họ gặp gỡ nhau, trao đổi, hỏi thăm công việc, sức khỏe,... như những người thân. Bên cạnh mục đích tôn giáo, các hoạt động của chùa luôn hướng đến mục đích gắn kết cộng đồng, chia sẻ những khó khăn trong cộng đồng bằng hình thức phát quà từ thiện, cứu khó trợ nghèo,… Qua các lễ hội tại chùa, người đến tham dự đóng tịnh tài rất nhiều để cùng chia sẻ với cộng đồng. Chính vì thế, có thể nói, chùa Sóc Lớn đã phát huy rất tốt vai trò cố kết cộng đồng trong xã hội của người Khmer nói chung và cộng đồng Khmer ở Bình Phước nói riêng. 3.3. Vai trò của chùa trong việc giáo dục cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer có vị trí và vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Khmer. Nổi bật nhất là việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa tộc người, đào tạo đội ngũ trí thức, tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy tốt truyền thống đoàn kết cộng đồng. Chùa là nơi tín đồ, chư tăng học tập và sinh hoạt tôn giáo. Theo số liệu khảo sát của chúng tôi, có đến 30% số hộ hiện có con em đang theo học tại chùa Sóc Lớn4. Những người đến học tại chùa đa phần đều ở độ tuổi thiếu niên, từ 10-15 tuổi. Họ đến học tiếng Khmer, kinh Phật, giáo lý,… Như vậy, tại chùa Sóc Lớn, ngoài việc truyền dạy, giáo dục thực hiện tốt lời dạy của Đức Phật, thực hiện tốt giá trị đạo đức và giá trị nhân văn, nơi đây còn tổ chức giảng dạy những kiến thức bổ ích, bao gồm chương trình dạy tiếng Khmer, đạo đức Phật giáo, lối sống,… nhất là chương trình Pali và Vini (Phật học) vừa để sáng
  15. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 65 tạo ra ngôn từ bổ sung cho tiếng Khmer, vừa để tiếp cận kinh sách, giáo lý, những tinh hoa của Phật giáo. Điều này cũng giống như ở các chùa Khmer tại khu vực Tây Nam Bộ. Hiện nay, các chùa Khmer ở Tây Nam Bộ còn tổ chức các khóa học để đào tạo đội ngũ sư phạm viên giảng dạy về tiếng Khmer, chùa Sóc Lớn cũng hướng đến mục đích này. Các chùa ở Tây Nam Bộ phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề ở huyện để dạy nghề cho đồng bào có gia cảnh khó khăn, không phân biệt độ tuổi. Trong dịp hè, chùa duy trì mở các lớp dạy tiếng Khmer, Pali, Vini, hằng năm thu hút được hàng nghìn chư tăng và con em đồng bào Khmer theo học, chưa kể các lớp bổ túc văn hóa, được thực hiện ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh,… Ngoài ra, với vai trò trường-chùa, chùa Sóc Lớn còn thực hiện chức năng giáo dục nhằm hướng dẫn, giáo dục tín đồ theo đúng phong tục tập quán của cộng đồng tộc người. Theo quan niệm của người Khmer, người con trai đã được học tại chùa sẽ là người hội đủ đạo đức và tính chân, thiện, mỹ của cộng đồng nên rất được cộng đồng xem trọng. Họ quan niệm, tu học tại chùa không chỉ để hoàn thiện nhân cách, đạo đức theo Đức Phật mà còn báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và tăng thêm kiến thức về chữ nghĩa, kinh sách và nghi lễ,… Hiện nay cũng như trong quá khứ, với cộng đồng Khmer, chùa là nơi duy nhất có thể cung cấp đầy đủ kiến thức nói trên cho các thành viên trong cộng đồng. Do đó, người đã từng tu học tại chùa luôn được xem là người đạo đức và hữu ích nhất trong xã hội tộc người. Có thể nói, chùa Khmer nói chung và chùa Sóc Lớn nói riêng là trung tâm giáo dục cộng đồng của người Khmer, được người Khmer tin tưởng, gửi gắm con cháu đến học tại đây. Chính vì vậy, hằng năm, chùa Sóc Lớn có gần 300 em đến tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí. Trong suốt 10 năm qua, mỗi năm chùa thường tổ chức các lớp học tập trong hai tháng hè cho khoảng 30-45 em người Khmer5.
  16. 66 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 Đội ngũ chư tăng trong chùa hiện nay có 47 vị, trong đó có 2 vị sư đã tốt nghiệp đại học, 8 vị đang theo học Đại học Sư phạm và Đại học Luật tại Thành phố Hồ Chí Minh, 8 vị đang theo học Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ ở Sóc Trăng, 1 vị đang học ở Trà Vinh; các vị còn lại đều có trình độ cấp phổ thông cơ sở trở nên và có khả năng dạy kèm tiếng Khmer, kinh, luật,… nên có thể đảm nhận dạy chữ Khmer, đạo đức Phật giáo và sinh hoạt văn hóa cho con em người Khmer trong cộng đồng. Khảo sát quan điểm của cộng đồng đối với lợi ích trong việc đưa con em đến học tập tại chùa cho thấy, lợi ích được đánh giá là lớn nhất, chiếm tỉ lệ 29% trên bảng khảo sát là “sau này giúp ích được cho cộng đồng và phát triển tôn giáo”; tiếp theo là “sẽ trở thành người tốt và có đạo đức trong xã hội”, chiếm 24%; tiếp theo là “giỏi chữ Khmer”, chiếm 21% và “được mọi người xem trọng”, chiếm 17%; cuối cùng là “để thành chư tăng sau này”, chiếm 9%. Biểu đồ: Lợi ích trong việc học ở chùa Giỏi chữ Khmer 9% 21% Có đạo đức và trở thành người tốt trong 29% xã hội 24% Học ở chùa luôn được mọi người xem 17% trọng Giúp ích được cho cộng đồng và phát triển tôn giáo Để sau này làm chư Tăng (Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả năm 2019) Kết quả này cho thấy, cộng đồng rất xem trọng việc cho con em đến học tại trường-chùa. Việc “để sau này trở thành chư tăng” chiếm tỷ lệ ít nhất trong quan điểm của người Khmer hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Đối với cộng đồng, để trở “thành chư tăng” là việc khó khăn, bởi phải xuất gia trọn đời, phải tu tập nhiều,… nên ít người nghĩ đến việc con cháu của họ sẽ trở thành tăng. Tuy nhiên,
  17. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 67 trở thành người có ích, giúp phát triển tôn giáo, giỏi chữ Khmer,… là lý tưởng mà cộng đồng luôn mong muốn con cháu của họ hướng đến, nhằm sau này giúp ích cho xã hội. Đây là lý tưởng mang tính thực tại của gia đình và cộng đồng Khmer hiện nay. Hiện nay, hầu hết các chùa Khmer nói chung và chùa Sóc Lớn nói riêng cũng đều hướng đến các mục đích này, nên luôn chú trọng đến việc dạy chữ Khmer, dạy tiếng Pali, dạy đạo đức Phật giáo và dạy các phong tục truyền thống của tộc người. Nội dung được giảng dạy trong các lớp học ở chùa thường là chữ Khmer ở trình độ sơ cấp đến trung cấp; dạy giáo lý, giáo luật, học kinh, lễ bái tam bảo; dạy văn phạm Pali, kinh tiếng Pali, lịch sử Đức Phật và thánh tăng,… Những người đã học ở chùa sẽ có những kiến thức cơ bản, cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng. Nếu ai có duyên sẽ đạt được tầm hiểu biết cao hơn, sâu hơn và có thể tu học lâu để trở thành giới tử, xuất gia theo Phật sau này. Những người không tiếp tục tu học, sau khi ra khỏi chùa tham gia vào đời cũng được xem là trở thành người tốt, có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Do đó, có thể nói, chùa Sóc Lớn có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con người, giáo dục cộng đồng nhằm hướng họ đến giá trị chân, thiện, mỹ, nhằm đóng góp những điều tốt đẹp trong đời sống tộc người nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung. 3.4. Vai trò của chùa Sóc Lớn trong công tác từ thiện xã hội Với quan điểm của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, đó là luôn đề cao từ bi và trí tuệ, tư tưởng hòa bình, hòa hợp, vị tha, nhân ái, hướng đến một đời sống hòa đồng, tương trợ, nên tại chùa Sóc Lớn luôn có những hoạt động từ thiện nhằm giúp khó, trợ nghèo. Theo thống kê của chùa Sóc Lớn, trong 5 năm gần đây, chùa đã thực hiện nhiều công việc liên quan đến tính từ bi, nhân ái, tương trợ,… Điều này luôn được người dân trong cộng đồng ghi nhận. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, người dân đều biết đến các công việc này của chùa và đã từng nhận sự trợ giúp từ chùa như sau6: Có đến 80% số hộ được hỏi từng nhận được sự hỗ trợ về kinh tế; 75% số hộ từng được nhận sự hỗ trợ về giáo dục con em; 17% từng
  18. 68 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 nhận được sự hỗ trợ trong việc học đại học; 71% từng được chùa hỗ trợ thường xuyên vì trong diện hộ nghèo. Bên cạnh việc thường xuyên trợ giúp cho những gia đình khó khăn nêu trên, hằng năm, vào các dịp lễ tết, chùa Sóc Lớn còn tổ chức quyên góp gạo, mì, nước tương, quần áo, thuốc trị bệnh,… và các vật phẩm khác để làm quà cho các hộ Khmer và các hộ nghèo, khó khăn thuộc các tộc người khác trong khu vực, để họ có điều kiện đón mừng ngày lễ, tết của cộng đồng và của đất nước. Đây cũng chính là vai trò từ thiện mà chùa Sóc Lớn hướng đến trong việc xây dựng, giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển với sự phát triển chung của xã hội. Cụ thể, theo Báo cáo công tác phật sự 5 năm (2014 - 2019) của chùa Sóc Lớn7, chùa đã vận động phật tử thập phương, các nhà hảo tâm làm công tác từ thiện xã hội thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Khen thưởng tiền và sách vở cho học sinh khá giỏi người Khmer vào dịp cuối năm học phổ thông (165 lượt, tương đương 82.500.000đ); Phát quà Trung thu cho học sinh và trẻ em vào dịp tết Trung thu (6.500 phần quà, tương đương 65.000.000đ); Phát cơm từ thiện (800 phần/năm, tương đương 60.000.000đ); Nuôi dưỡng, cho xuất gia và đưa đi học (96 trẻ em nghèo, mồ côi, khó khăn, tương đương 900.000.000đ); Mở lớp dạy học chữ Khmer trong dịp hè (300 em, tương đương 550.000.000đ); Mời y bác sỹ đến khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương (22 lần, tương đương 1.320.000.000đ); Cấp phát quà cho hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo (11.647 phần, tương đương 3.389.000.000đ); Trợ cấp người già neo đơn hằng tháng (106 người, tương đương 699.600.000đ); Biếu gạo, tiền và các thứ phẩm khác đến gia đình có người thân mất hoặc bị bệnh hiểm nghèo (46 lần, tương đương 146.500.000đ); Tặng xe lăn cho người già tàn tật, xe đạp và máy tính xách tay cho học sinh nghèo học giỏi (tương đương 106.000.000đ); Tặng nhà tình thương, đóng góp kinh phí xây hàng rào trường Tiểu học-Trung học cơ sở Lộc Khánh, ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt, hỗ trợ và trao học bổng học đại học, góp đá xây dựng Trường Sa, hỗ trợ con bò cho hộ nông dân nghèo không có ruộng đất canh tác,… với số tiền trong 5 năm qua là 1.152.000.000đ.
  19. Thạch Nê. Chùa Sóc Lớn trong đời sống văn hóa - xã hội… 69 Tổng số tiền đóng góp vào công tác từ thiện xã hội và những công việc khác như đã nêu trên trong 5 năm qua, từ năm 2014 đến năm 2019 của chùa Sóc Lớn là 8.470.600.000đ (tám tỷ bốn trăm bảy mươi triệu sáu trăm nghìn đồng). Tóm lại, hoạt động từ thiện xã hội của chùa Khmer nói chung và chùa Sóc Lớn nói riêng là một trong những vai trò quan trọng, không chỉ nhằm thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ của những người con Phật mà còn góp phần an ủi và tạo niềm tin, động lực cộng đồng vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động từ thiện này mang ý nghĩa xã hội quan trọng, giúp cộng đồng phát triển, bên cạnh đó còn thể hiện mối thiện duyên tốt đạo, đẹp đời trong vai trò làm từ thiện của chùa. Kết luận Từ việc phân tích các dữ liệu và những hoạt động nêu trên cho thấy, chùa Sóc Lớn có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, văn hóa - xã hội của cộng đồng Khmer nói chung và người Khmer ở khu vực Sóc Lớn nói riêng. Vai trò này đã thể hiện đầy đủ quan điểm giáo lý của Phật giáo Nam tông Khmer, đó là thể hiện tinh thần gắn giáo lý của Đức Phật với đời sống con người, với thực tiễn xã hội. Đó là tinh thần nhập thế như là một cách thức để tồn tại và phát triển đạo pháp. Chính những hoạt động tôn giáo, văn hóa - xã hội đã thể hiện được vai trò quan trọng của chùa Sóc Lớn đối với đời sống cộng đồng người Khmer trong khu vực, đó là: Vai trò đối với niềm tin tôn giáo của cộng đồng; vai trò lưu giữ và truyền bá văn hóa truyền thống của cộng đồng; vai trò cố kết cộng đồng; vai trò giáo dục cộng đồng; vai trò trợ giúp xã hội qua các hoạt động từ thiện trong cộng đồng,… Với các vai trò như vậy, chùa Khmer hiện nay cũng như trong truyền thống luôn hướng đến sự hội nhập và phát triển xã hội. Đó được xem là giá trị vốn có của tinh thần Phật giáo Nam tông Khmer đã và đang hiện hữu trong từng hoạt động của các chùa Khmer nói chung và chùa Sóc Lớn nói riêng. /.
  20. 70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2021 CHÚ THÍCH: 1 Về chứng cứ tài liệu liên quan đến lịch sử thành lập của chùa Sóc Lớn, do chiến tranh tàn phá nên hiện giờ không còn tài liệu ghi chép, chúng tôi chỉ dựa vào lời kể của các cụ già làng như Lâm Mơm, cố già làng Lâm Póch và chứng nhân lịch sử bao gồm có ông Lâm Bắc (già làng), Lâm Uynh (lão thành cách mạng), Lâm Roi (Achar) hiện vẫn còn sống. Bên cạnh đó là các nền đá chùa cũ hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa Sóc Lớn cũng đã nói lên lịch sử của chùa đã có từ trước. 2 Từ khi về trụ trì tại chùa Sóc Lớn (năm 2009), Thượng tọa Thạch Nê đã dày công nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử của chùa giai đoạn từ 2009 đến nay. Còn trước đó, do chiến tranh tàn phá nên lịch sử của chùa chỉ còn trong trí nhớ của các bậc tiền bối ở làng mà Thượng tọa đã phỏng vấn. 3 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2015), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo vùng Mê-Kông, tập 1, Nxb Đại học quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 179. 4 Số liệu điều tra của tác giả năm 2019. 5 Theo báo cáo tình hình hoạt động của chùa Sóc Lớn trong 10 năm trở lại đây. 6 Số liệu điều tra của tác giả năm 2019. 7 Báo cáo công tác phật sự 5 năm (2014 – 2019) của chùa Sóc Lớn, Bình Phước. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Văn Ánh (2010), Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Nam Bộ và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2016), 35 năm hình thành & phát triển, Nxb Hồng Đức. 3. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2015), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo vùng Mê-Kông, tập 1, Nxb Đại học quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Dương Hoàng Lộc, Bùi Hữu Nghĩa (2016), “An sinh xã hội cho các tộc người thiểu số ở Thành phố Hồ Chí Minh - Hiện trạng và giải pháp”, Tạp chí Dân tộc & Thời đại, số 189. 5. Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 6. Danh Lung, Châu Hoài Thái đồng chủ biên (2017), Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Hà Lý (2004), Chùa Khmer Nam Bộ với văn hóa đương đại, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 8. Nhiều tác giả (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Trần Thanh Pôn (1996), “Chùa Khmer ở Nam Bộ và vấn đề giáo dục môi trường”, Tạp chí Thông tin nghiên cứu giáo dục, số 2.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2