intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Trường hợp của trường Đại học Kinh tế quốc dân

Chia sẻ: ViSteveballmer ViSteveballmer | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

101
lượt xem
23
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết của nhóm tác giả sẽ khái lược những vấn đề cơ bản nhất của chuyển đổi số, đi từ những khái niệm cơ bản nhất đến những những vấn đề đã và đang được quan tâm nghiên cứu. Bài viết cũng đề cập đến quá trình, đặc trưng chuyển đổi số trong giáo dục đại học thông qua phân tích tình hình ứng dụng CNTT vào vận hành trường đại học.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Trường hợp của trường Đại học Kinh tế quốc dân

  1. 276 CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: TRƯỜNG HỢP CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN ThS. Trần Thị Mỹ Diệp, TS. Nguyễn Trung Tuấn, TS. Trần Thị Thu Hà Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, ĐH KTQD TÓM TẮT Chuyển đổi số là quá trình tất yếu trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học – nơi cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao không thể đứng ngoài hay chậm trễ. Bài viết của nhóm tác giả sẽ khái lược những vấn đề cơ bản nhất của chuyển đổi số, đi từ những khái niệm cơ bản nhất đến những những vấn đề đã và đang được quan tâm nghiên cứu. Bài viết cũng đề cập đến quá trình, đặc trưng chuyển đối số trong giáo dục đại học thông qua phân tích tình hình ứng dụng CNTT vào vận hành trường đại học. Bên cạnh đó, một góc nhìn khác của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam trongCOVID-19 cũng được các tác giả mô tả và phân tích. Thông qua việc nghiên cứu và phân tích một cách tổng quan điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội hiện trạng chuyển đổi số tại trường Đại học Kinh tế quốc dân,nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp thực hiện quá trình chuyển đổi số trong nhà trường để hướng đến một mô hình đại học tốt hơn đó là mô hình trường đại học thông minh. Keywords: chuyển đổi số, giáo dục đại học, đại học thông minh. 1. CHUYỂN ĐỔI SỐ 1.1. Khái niệm chuyển đổi số Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, người ta thường nhắc đến những thuật ngữ được coi là những thành phần tạo nên của cuộc cách mạng này như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, v.v… Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số (Digital transformation, thường viết tắt là DT hoặc DX). Theo Wikipedia, chuyển đổi số được định nghĩa theo cách chung nhất: “Đó là các thay đổi do áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào mọi mặt của đời sống xã hội”. Theo tổ chức i-SCOOP, chuyển đổi số là sự biến đổi sâu sắc của các hoạt động về tổ chức và nghiệp vụ, các quy trình, các năng lực và các mô hình để tận dụng các thay đổi và cơ hội của công nghệ kỹ thuật số và tác động gia tăng của chúng trên toàn xã hội một cách có chiến lược theo thứ tự ưu tiên. Nói cách khác chuyển đổi số có thể được định nghĩa là sự tăng tốc các hoạt động kinh doanh, quy trình, năng lực và mô hình nhằm tận dụng tối đa những thay đổi và cơ hội của công nghệ cùng các tác động của chúng phải
  2. 277 được ưu tiên theo một cách có chiến lược. Chuyển đổi số mô tả sự thay đổi từ việc tạo ra và phân phối giá trị cho khách hàng truyền thống (thường là vật lý), bao gồm các quy trình hoạt động liên quan đến việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số nhằm tăng cường hoặc thay thế các sản phẩm hoặc dịch vụ truyền thống (Sandkuhl & Lehmann, 2017) . Có thể hiểu về chuyển đổi số qua định nghĩa súc tích sau: “Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số” (Bảo, 2020). Chuyển đổi số là một quá trình gian truân và cần một chiến lược chuyển đổi để để đạt hiệu quả cao nhất. Trong chiến lược chuyển đổi số thì xây dựng cầu nối có liên quan với thông tin, dữ liệu, quy trình, công nghệ, khía cạnh con người là nhiệm vụ cần thiết và hết sức quan trọng. Ngoài ra, chuyển đổi số trong từng lĩnh vực có những đặc trưng riêng biệt, chúng ta cần nhận diện được các đặc trưng này để có những bước đi, các hành động phù hợp. 1.2 Một số nghiên cứu về chuyển đổi số trên thế giới Chuyển đổi số là vấn đề được nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm. Có rất nhiều nghiên cứu về chuyển đổi số, dưới đây là một số tổng hợp tiêu biểu: The (Loch, 2016), một công nghệ không thể biến đổi một ngành trừ khi một mô hình kinh doanh có thể liên kết với một nhu cầu thị trường mới nổi. Do đó, bằng cách giới thiệu sáu chìa khóa cho khung thành công, Kavadia và cộng sự đã xác định sáu yếu tố mà mô hình kinh doanh nên có để chuyển đổi số thành công một doanh nghiệp. Sáu chìa khóa được sử dụng trong việc liên kết công nghệ với thị trường là: (1)cung cấp sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa hơn, (2) quy trình khép kín, (3) chia sẻ tài nguyên, (4) định giá dựa trên mức độ sử dụng, (5)một hệ sinh thái hợp tác hơn, (6) một tổ chức nhanh nhẹn và thích ứng. Các khía cạnh cho một chuyển đổi kỹ thuật số thành công đã được lập luận thêm bởi Berman, Korsten và Marshall (2016). Các tác giả cho rằng để đạt được thành công chuyển đổi kỹ thuật số, thì điều quan trọng là một tổ chức phải đồng hành với một trọng tâm chiến lược mới, xây dựng chuyên môn và thiết lập các cách làm việc mới. Thêm vào đó, các tác giả nhấn mạnh rằng để đạt được sự chuyển đổi thành công, điều cần thiết là phải tuân theo sự tái tạo chiến lược, hoạt động và công nghệ từ dưới lên. Từ đó, các tác giả đề xuất Khung Sáng chế Kỹ thuật số thêm phương pháp tiếp cận "trải nghiệm đầu tiên" tập trung vào việc kết hợp nhiều công nghệ kỹ thuật số chẳng hạn như điện toán đám mây, nhận thức và phân tích, công nghệ di động, Blockchain, IoT, v.v...
  3. 278 Tương tự, chiến lược chuyển đổi số do Nylén và Holmström (Nylén & Holmström, 2015) đề xuất nhấn mạnh thực tế rằng các tổ chức cần có một cái nhìn tổng thể 3600 về chuyển đổi số trong việc tìm cách quản lý các đổi mới kỹ thuật số trong một tổ chức. Các tác giả nêu bật năm lĩnh vực chính cần khám phá là: (1) trải nghiệm người dùng, (2) đề xuất giá trị, (3) tiến hóa kỹ thuật số quét, (4) kỹ năng và (5) ứng biến. Năm lĩnh vực chính này được tiếp tục phân loại theo ba khía cạnh chính là các sản phẩm của công ty, môi trường kỹ thuật số và các thuộc tính của tổ chức. Ngoài các nghiên cứu đã đề cập ở trên, Chanias và cộng sự (Chanias & Hess, 2016) tuyên bố rằng một doanh nghiệp có thể được chuyển đổi kỹ thuật số theo bốn khía cạnh chính sau: (1) sử dụng công nghệ, (2) thay đổi trong việc tạo ra giá trị, (3) thay đổi cấu trúc và (4) quy mô tài chính. Mặt khác, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi MIT Center for Digital Business và Capgemini Consulting vào năm 2011 đã nhấn mạnh ba chiều hướng kinh doanh chính có thể được chuyển đổi kỹ thuật số là: (1) trải nghiệm khách hàng, (2) quy trình hoạt động và (3) mô hình kinh doanh. Trong sách trắng Code Halo và cuốn sách do Cognizant Technology Solutions Corver xuất bản, nói rằng chuyển đổi số thường bắt đầu với khách hàng. Nó là một phần chính của bất kỳ số hóa nào để bắt đầu bằng việc hiểu rõ hơn về khách hàng, cải thiện các cấp độ dịch vụ và số hóa trải nghiệm của khách hàng. Bằng cách ấy quá trình chuyển đổi số mở rộng sang ba khía cạnh khác như (1) số hóa hoạt động, (2) sản phẩm và dịch vụ và (3) tổ chức (Udovita, 2020) Khung chuyển đổi số là một khuôn khổ khác, nhiều nhà khoa học đã cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến động lực của chuyển đổi kỹ thuật số trong một tổ chức. Trong khuôn khổ này Matt và cộng sự, (2015) lập luận rằng có bốn khía cạnh cần thiết cho một chiến lược chuyển đổi số là sử dụng công nghệ thay đổi trong việc tạo ra giá trị, thay đổi cấu trúc và tài chính. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cốt lõi của bất kỳ chiến lược kỹ thuật số nào phải là khía cạnh tài chính vì trong bất kỳ tổ chức nào chiến lược tập trung chủ yếu vào tăng trưởng bền vững và lợi nhuận lâu dài (Matt, Hess, & Benlian, 2015). Patrick Turchi (2018) đã xây dựng kim tự tháp chuyển đổi số dựa trên 3 cấp độ tiếp cận và 5 khối xây dựng như sau: Có 3 cấp độ mà Chuyển đổi số cần được tiếp cận trong các doanh nghiệp là Chiến lược (Strategy), Thực thi (Execution) và Công nghệ (Technology). Mỗi cấp độ này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các yếu tố khác của khung kim tự tháp. Trên thực tế, một chương trình Chuyển đổi kỹ thuật số thành công đòi hỏi một cách tiếp cận “hệ thống” để nắm bắt một sáng kiến thực sự mang tính chuyển đổi. Chỉ riêng chiến lược, thực thi hoặc công nghệ không thể chuyển đổi một công ty mà cần có đánh giá
  4. 279 tổng hợp ít nhất hai trong số ba yếu tố mới có thể chuyển đổi công ty. Các khối xây dựng của Kim tự tháp chuyển đổi kỹ thuật số bao gồm: – Mô hình kinh doanh (Business Model)/Chiến lược kinh doanh (Business Strategy) – Mô hình vận hành (Operating Model) – Hoạt động vận hành (Operations) – Thâm nhập thị trường (Go-to Market) – Công nghệ (Technology) Trên thực tế, các công nghệ tác động đến Mô hình kinh doanh và vận hành của một công ty, cũng như hỗ trợ sự phát triển của việc thâm nhập thị trường (ví dụ: thông qua cách tiếp cận kênh mới hoặc thông qua việc xem xét danh mục sản phẩm hoặc các tính năng của sản phẩm). Tương tự, việc triển khai Mô hình Kinh doanh yêu cầu định nghĩa của các Mô hình vận hành cụ thể, Hoạt động vận hành và Phương pháp tiếp cận Thị trường. 2. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 2.1 Ứng dụng Công nghệ trong giáo dục đại học Các thành tựu của công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng liên tục và không ngừng được áp dụng vào trong giáo dục đại học. Kết quả là giáo dục đại học đã, đang thực hiện quá trình số hóa, bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số. Quá trình số hóa trong trường đại học được thực hiện trên nhiều nội dung như: quản trị nhà trường; hệ thống học liệu; phương thức giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả, v.v… Đồng thời, phương pháp giáo dục đại học cũng đã thay đổi so với truyền thống, hình thành nên các phương thức tổ chức lớp học đạt hiệu quả cao hơn đối với người học như lớp học lấy người học làm trung tâm, lớp học cộng tác, lớp học đảo ngược (flipped learning). Các hình thức tổ chức đào tạo cũng phong phú hơn, thay vì người học chỉ được học trực tiếp trên lớp, ngày nay người học có thể được học tập thông qua hình thức học kết hợp (blended learning), học trực tuyến có tương tác (online learning)… Quá trình số hóa được triển khai trên quy mô toàn bộ trường đại học qua việc ứng dụng công nghệ vào trong lớp học, trong phương pháp dạy học và trong vận hành, tổ chức được mô tả như hình sau:
  5. 280 Hình 1: Ứng dụng công nghệ trong lớp học, phương pháp dạy học và vận hành trường học 2.2 Hoạt động của chuyển đổi số trong giáo dục đại học Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số trong giáo dục đại học tập trung vào việc số hóa các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản lý, v.v… hay cải tiến các quy trình dạy - học – nghiên cứu dần dần thay đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chính là kết quả học tập và các công trình nghiên cứu đồng thời tăng cường trải nghiệm của người học, người dạy, nhà nghiên cứu. Quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học bước đầu làm tác động đến quy trình và mô hình giáo dục. Mô hình giáo dục truyền thống chuyển sang mô hình giáo dục tiên tiến với sự hỗ trợ của công nghệ trong quá trình dạy và học ngày một nhiều hơn. Bên cạnh mô hình đại học truyền thống, các trường đang lựa chọn và chuyển dịch sang các mô hình khác để phù hợp với bối cảnh mới như: mô hình đại học hướng nghiên cứu, mô hình đại học trực tuyến, mô hình đại học liên kết với doanh nghiệp và gần đây nhất là mô hình đại học thông minh. Với việc ứng dụng công nghệ vào rất nhiều khía cạnh của trường đại học thì quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang dần thể hiện bốn hoạt động sau:
  6. 281 Hình 2: Các hoạt động của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học Số hóa các hoạt động Hoạt động đầu tiên trong chuyển đổi số là số hóa của các giá trị sáng tạo và các dịch vụ hỗ trợ một cách nhiều nhất. Số hóa là bước quan trọng, cơ bản đầu tiên nhằm gia tăng giá trị trong giáo dục. Tạo ra giá trị trong giáo dục đại học là tất cả mọi thứ liên quan đến quá trình giáo dục của sinh viên đến từ nhập học, đăng ký các chương trình và các khóa học, kiểm tra trong các khóa học, sự phát triển của các chương trình và đảm bảo chất lượng dạy và học, v.v…và số hóa hoạt động giáo dục đại học chính là số hóa các hoạt động này. Từ đó các công nghệ giáo dục và phương pháp sự phạm cũng thay đổi và tiến hóa (Hiltz & Turoff, 2005). Song hành và không kém phần quan trọng là các hoạt động hỗ trợ bao gồm quản lý cơ sở, quy hoạch nghiên cứu, lập kế hoạch, phân bổ giáo viên và nhiều hơn nữa. Tất cả trong tất cả điều này về cơ bản yêu cầu một chức năng quản lý đại học tổng thể bao gồm hỗ trợ mọi người dùng hay các bên liên quan. Nhiều trường đại học số hóa các dịch vụ cho các nhóm đối tượng truyền thống cũng như nhóm đối tượng phi truyền thống mới qua số hóa nội dung của bài giảng và để mở quyền truy cập vào module giáo dục bằng cách cung cấp cho họ một cách trực tuyến, số hóa cơ cấu hay qua cổng thông tin, v.v… (Sandkuhl & Lehmann, 2017).
  7. 282 Tạo ra sản phẩm giáo dục mới tăng cường trải nghiệm người học Trước tiên để tạo ra sản phẩm giáo dục mới phải chuyển sản phẩm hiện có vào thế giới số. Một đặc trưng của hoạt động này là thành lập chương trình giáo dục để truy cập từ bên ngoài tổ chức giáo dục đại học ở cấp quốc gia và quốc tế. Điều này thường kết hợp giữa việc làm cho nội dung của giáo dục được số hóa và việc cung cấp phương tiện kỹ thuật số cho sinh viên, giảng viên để họ tương tác và cộng tác với nhau. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và cải tiến trải nghiệm của người dùng. Một số trường đại học đang áp dụng phương pháp này vì những lợi ích to lớn của công nghệ kỹ thuật số nhằm tiết kiệm chi phí tìm kiếm để cung cấp dịch vụ theo những cách mới và khác biệt. Những yếu tố này quan trọng không kém để một trường đại học hiện đại tìm cách tăng quy mô sinh viên của mình, và gia tăng sự tham gia nghiên cứu, thông qua tăng cường thương hiệu và học tập xuất sắc (Sandkuhl & Lehmann, 2017). Một loạt các hình thức học tập mới ra đời như e-learning (học tập dựa trên thiết bị điện tử chủ yếu là máy tính), m-learning (học tập dựa trên thiết bị di động (thông minh)) và gần đây nhất là mô hình u-learning (học tập mọi lúc mọi nơi hỗ trợ nhiều thiết bị thông minh, có hướng ngữ cảnh và cá nhân hóa người học) (Mishra, Yadav, & Choudhary). Quốc tế hóa cũng đòi hỏi sự thích nghi liên quan đến ngôn ngữ áp dụng và việc chia nhỏ chương trình giáo dục. Hầu hết các chương trình giáo dục truyền thống cần phải được chia ra thành các module nhỏ hơn. Ví dụ, các môn học chia thành các học phần với thời lượng giảm xuống còn 2-3 tín chỉ, số lượng các học phần tích lũy có xu hướng giảm dần, v.v… Đồng thời các học phần, module này có thể kết hợp với nhau làm tăng tính linh hoạt của chương trình đào tạo. Điều này có nghĩa chương trình đào tạo sẽ hỗ trợ các nhóm đối tượng rộng hơn, giúp người học chủ động hơn và có cách thực hiện hướng theo năng lực cá nhân hơn. Chúng ta đang chuyển từ các lớp học trực diện, lấy giáo viên làm trung tâm, do các trường đại học khu vực và quốc gia cung cấp sang các các lớp học trực tuyến và kết hợp , sử dụng công nghệ kĩ thuật số lấy người học làm trung tâm và được các trường hoạt động trên toàn cầu cung cấp (Hiltz & Turoff, 2005). Chuyển đổi quy trình vận hành trường đại học Quy trình quản lý và điều hành trường đại học có nhiều thay đổi được số hóa theo hướng tổng thể và đồng bộ. Trước đây các trường tập trung vào số hóa các nghiệp vụ quản lý: quản lý nhân sự, tiền lương, giảng đường, kí túc xá, sinh viên, lịch thời khóa biểu, v.v… giờ đây các trường chuyển sang quản lý các nghiệp vụ trong trường một cách hệ thống qua một phần mềm tổng thể hoặc có thể qua các dịch vụ thuê ngoài. Đồng thời, dữ liệu của các phần mềm đơn lẻ được quản lý tập trung nhằm liên thông, đồng bộ dữ liệu vào chung cơ
  8. 283 sở dữ liệu toàn trường. Các trường có kế hoạch tích hợp các thành phần kỹ thuật số và vật lý của các hoạt động để có thể biến đổi thành công mô hình kinh doanh của mình (Berman, 2012). Gần đây xuất hiện xu hướng các đơn vị cung cấp dịch vụ và công nghệ tiên tiến giúp quản lý, vận hành hoạt động toàn trường. Nhà trường không cần phải lo về cơ sở hạ tầng, các phần cứng phần mềm cần thiết cũng như các dịch vụ khác mà trường phải sử dụng, hay nhân sự để vận hành, quản lý. Từ việc ứng dụng công nghệ trường đại học làm quy trình vận hành cũ phải thay đổi tương ứng với giải pháp công nghệ lựa chọn. Một số các quy trình vận hành có sự cải tiến lớn như: quy trình đăng kí học các môn theo hình thức đăng ký tín chỉ online, quy trình luân chuyển công văn, giấy tờ điện tử, quy trình quản lý các dịch vụ chung, quy trình hỗ trợ, tư vấn, trả lời người học. Xây dựng mô hình trường đại học mới – đại học thông minh Trường đại học không ngừng số hóa cùng với các thành tựu công nghệ hiện đại giúp trường vận hành hiệu quả hơn, kết quả dạy và học tốt hơn, phù hợp với thị trường nhân lực hơn, v.v… và cách tiến hóa của trường đại học như vậy đang dần hình thành một mô hình trường đại học mới - đại học thông minh. Đại học thông minh tiếp cận theo hướng thành phố thông minh có năm đặc điểm chính như sau: định hướng xã hội, tính di động, khả năng tiếp cận, hiệu quả công nghệ và tính mở (Coccoli, Guercio, Maresca, & Stanganelli, 2014). o Định hướng xã hội bao gồm việc cá nhân hóa giáo dục, xây dựng thẻ giáo dục cá nhân (thẻ thông minh), tổ chức giao tiếp hiệu quả và hợp tác trong giáo dục, ứng dụng kỹ thuật thiết kế, giao tiếp thông qua các dịch vụ mạng xã hội. o Tính di động nên được hiểu không chỉ trong cách giải thích hẹp - như một sự truy cập vào nội dung giáo dục thông qua thiết bị di động và việc sử dụng chúng cho các nghiên cứu khoa học, các giao dịch thanh toán, thực hiện phản hồi với giáo viên hoặc đại diện từ văn phòng hoặc phòng ban, v.v... Tính di động rất quan trọng, là sự tiếp cận của mỗi sinh viên và giáo viên với các dịch vụ giáo dục từ bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. o Khả năng tiếp cận các tính năng của đại học thông minh được đặc trưng bởi một điểm mô hình học tập e-learning và cơ sở dữ liệu khóa học, thư viện điện tử, kiốt thông tin, tài nguyên trực tuyến và hệ thống kiểm soát truy cập. o Tính hiệu quả công nghệ cung cấp khả năng tồn tại cơ sở hạ tầng CNTT của đại học thông minh bằng phương tiện công nghệ đám mây, công nghệ tiên tiến của ảo hóa, các giao diện mở, dựa trên các nguyên tắc đơn giản, mô đun hóa, khả năng mở rộng, v.v…
  9. 284 o Tính mở trong hệ thống của đại học thông minh sẽ sẵn có kho lưu trữ mở các tài liệu giáo dục để hình thành các khóa học trực tuyến và cung cấp đào tạo cho sinh viên, mở truy cập vào các bài báo khoa học và tiến hành các nghiên cứu và công bố kết quả. 2.3 Chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam với cú hích COVID-19 Muốn làm được chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và đào tạo, chúng ta cần nắm kỹ những điểm mạnh, điểm yếu, những thách thức và hiện trạng CNTT của các trường đại học và cao đẳng, để đưa ra được chiến lược chuyển đổi số cho ngành giáo dục đại học (Tùng, 2020). Các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số giáo dục đại học Việt Nam tóm lược như sau: • Điểm mạnh: có số lượng trường lớn đào tạo về CNTT, có mạng LAN đã kết nối Internet, có cổng thông tin điện tử. Các chương trình, giáo trình, bài giảng, học liệu được chia sẻ qua hệ quản lý văn bản và tài liệu hay qua các dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Thông tin của người dạy và người học được tin học hóa phần nào và tận dụng tốt các phần mềm mã nguồn mở. • Điểm yếu: kết nối Internet của nhiều trường rất chậm, không có hệ quản lý người dạy và người học tập trung, rất ít trường có cổng thông tin điện tử tốt, được cập nhật thường xuyên hay thư viện số hay hệ thống quản lý tài liệu tập trung để lưu trữ chương trình, giáo trình, bài giảng, học liệu, v.v… và sách nghiên cứu. Các dữ liệu không được sao lưu, các hệ thống không có khả năng vận hành 100%, kể các khi thảm họa xảy ra như cháy, lũ lụt, hay bị virus xóa, hay tin tặc. • Cơ hội: chương trình chuyển đổi số quốc gia yêu cầu rất lớn số lượng người nắm bắt được công nghệ số mới. Có rất nhiều chương trình mã nguồn mở, miễn phí, như các nền tảng Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây chất lượng tốt, an toàn, có thể chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí phát triển. • Thách thức: các chương trình, giáo trình không theo kịp các xu hướng mới trong CNTT. Tài liệu học tập thường bị sao chép, nhiều thông tin nhạy cảm và nghiên cứu có giá trị của nhiều trường bị “phơi” trên các email server hay trang chia sẻ tài liệu miễn phí. Nhiều giáo viên không đủ trình độ hoặc bắt kịp với các phương thức giảng dạy có sử dụng công nghệ hoặc bản thân họ có sức ỳ lớn, không muốn thay đổi. Chính vì thế, chiến lược phát triển Chuyển đổi số trong giáo dục đại học, nên tiếp tục phát huy các điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu, nắm bắt cơ hội chuyển đổi số quốc gia, giải quyết tận gốc các thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh dịch CoviD-19 buộc các hoạt
  10. 285 động kinh tế xã hội nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng phải vận hành online thì quá trình chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực trạng chuyển đổi số giáo dục đại học như sau: • Các hoạt động dạy và học cũng như các hoạt động hỗ trợ đào tạo hầu như phải tương tác nhiều hơn qua phần mềm, phải rà soát, tối ưu và đóng gói lại quy trình để cộng tác từ xa hiệu quả. Cụ thể ngày 18/6, Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu COVID-19” (Education in a post COVID-19 World) được tổ chức. Tại đây, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam – Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục,v.v… ngành Giáo dục đặc biệt chú ý đến chuyển đổi số và chuyển đổi phương pháp giảng dạy. Dạy học trực tuyến được triển khai trên cả nước, giáo viên được khuyến khích chia sẻ tài nguyên trực tuyến (a), 2020). • Với giáo dục đại học có nhiều thay đổi, các trường đại học triển khai lớp học trực tuyến, các kho dữ liệu mở và hoàn thiện hành lang pháp lý trong đào tạo trực tuyến. Trước đây, một số trường đại học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo tập trung truyền thống. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đóng cửa trường học, trong đó có Việt Nam. Lúc này, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để “không thể dừng việc học” được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. “Giai đoạn khó khăn là thời cơ cho chúng ta chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục và GDĐH đi đầu thực hiện nhiệm vụ này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định. Theo số liệu báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, có khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau. Do đặc thù, nhiều trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật chưa tổ chức đào tạo trực tuyến và 33 trường thuộc nhóm quốc phòng - an ninh đang đào tạo tập trung. Đa số cơ sở GDĐH đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động và tính đến những kịch bản lâu dài hơn. Qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo được nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên. Đây cũng là cơ hội để GDĐH tăng cường hợp tác với tập đoàn, doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia. • Một số trường đại học hàng đầu Việt Nam đã biến thách thức COVID-19 thành cơ hội triển khai đào tạo trực tuyến như: o Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, trường đã nhanh chóng tổ chức đào tạo trực tuyến, cung cấp toàn bộ bài giảng giáo trình của trường dưới dạng học liệu số.
  11. 286 o Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trong đào tạo trực tuyến. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số thực sự. o Đại học Quốc gia TP HCM: để hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp ICT đạt hiệu quả, trường đại diện đề xuất cần cụ thể hóa những cam kết của doanh nghiệp ICT thành các gói sản phẩm cụ thể, hỗ trợ tối đa các trường tùy đặc thù từng đơn vị, đặc biệt là gói dịch vụ Điện toán đám mây • Thực hiện chuyển đổi số, các trường phải cùng nhau phát triển học liệu điện tử và học liệu mở, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Tài nguyên mở sẽ được phân phối trên mạng thông tin, giúp mọi đối tượng tiếp cận tri thức. Có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có bị cách ly xã hội như hiện nay hay không, việc học tập cũng không bị “cách ly” với xu hướng phát triển của thế giới. Trong đào tạo trực tuyến, phát triển học liệu là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các trường trong xây dựng học liệu điện tử, khóa học. Để có mô hình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cần chương trình hoàn chỉnh, kho học liệu sẵn sàng và áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp với đào tạo trực tuyến. Sự chia sẻ tài nguyên của các trường đại học sẽ thực hiện được, từ đó hình thành chuỗi giá trị chung. (b), 2020) 3. CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN 3.1 Phân tích SWOT trong quá trình chuyển đổi số tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Quá trình chuyển đổi số là một quá trình khó và tất yếu, đòi hỏi các bên liên quan đồng lòng tham gia. Mặc dù việc lựa chọn và áp dụng công nghệ phù hợp là thách thức lớn trong chuyển đổi số, nhưng có những khía cạnh phi công nghệ cũng là các thách thức không nhỏ cản trở, làm giảm hiệu quả, thậm chí làm cho cơ sở giáo dục đại học không thành công trong chuyển đổi số. Với trường Đại học Kinh tế quốc dân, chuyển đổi số được nhận định là quá trình phát triển tất yếu. Hiện tại quá trình chuyển đổi số của Đại học Kinh tế quốc dân đối mặt với điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội như sau: Điểm mạnh Chủ trương chính sách của nhà trường về chuyển đổi số: nhà trường xác định chuyển đổi số là cần thiết. Một loạt các hoạt động triển khai của nhà trường minh chứng cho điều này như: thực hiện số hóa các hoạt động của nhà trường, phát triển phần mềm quản lý tổng thể vận hành nhà trường, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng số đảm bảo công tác phục vụ đào tạo, xây dựng kho tài nguyên số và liệu học phục vụ công tác đào tạo trực tuyến, blended learning, v.v…
  12. 287 Cơ sở hạ tầng: trường đã có sẵn hệ thống mạng máy tính, máy chủ và tổng đài điện thoại số, được kết nối mạng internet, có hệ thống wifi bao phủ các giảng đường và tòa nhà làm việc cũng như kí túc xá, hệ thống máy tính tốt ở các phòng máy phục vụ giảng dạy chuyên ngành cũng như đào tạo công nghệ. Hệ thống phần mềm: một loạt các phần mềm vận hành trường đại học được triển khai như: o Phần mềm quản lý tổng thể: là hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản trị các hoạt động của nhà trường như quản lý đào tạo các bậc-hệ, quản lý nhân sự, quản lý tài sản, một cửa liên thông, văn phòng điện tử, cổng thông tin điện tử... Hệ thống này có thể thể được hiểu đó là một hệ thống URP (University Resource Planning). o Các hệ thống phần mềm công cụ hỗ trợ: nhà trường đã mua bản quyền bộ phần mềm Office365 cho toàn bộ người dạy và người học trong nhà trường, đồng thời, nhà trường đang sử dụng phần mềm turnitin để hỗ trợ công tác đảm bảo minh bạch trong học thuật… Các bộ phần mềm có bản quyền khác được trang bị trong quá trình giảng dạy và học tập như các phần mềm phân tích số liệu, phần mềm thống kê, hệ quản trị cơ sở dữ liệu… o Hệ thống phần mềm quản lý học tập LMS phục vụ cho đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp o Các hệ thống phần mềm khác phục vụ cho các hoạt động cụ thể của các đơn vị trong nhà trường, ví dụ như: cổng thông tin cấp 2, cổng thông tin việc làm, cổng thông tin cựu sinh viên học viên… Con người: Các cán bộ, giảng viên, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học cũng như quản lý. Điểm yếu Cơ sở hạ tầng: Nhiều máy tính có cấu hình thấp không đáp ứng được các phần mềm và ứng dụng mới. Giảng viên ít sử dụng máy tính cố định lắp tại giảng đường do khả năng kết nối và tính sẵn sàng chưa cao, phần lớn sử dụng máy xách tay và kết nối wifi. Các máy chủ được trang bị quá lâu, chưa được nâng cấp, một số chạy không ổn định do hết khấu hao. Đường truyền mạng có dung lượng kết nối internet thấp, tốc độ chậm. Hệ thống phần mềm: Phần mềm tổng thể đang được triển khai nhưng cần được điều chỉnh thêm. Cần thiết phải cải tiến các phần mềm trong công tác quản lý của các hệ cũng như đáp ứng được sự thay đổi trong công nghệ. Về vấn đề an toàn, an ninh, bảo mật chưa được chú trọng, đây là điểm nguy cơ mất an toàn thông tin. Khi sự cố xảy ra đối với một hệ thống nào đó nguy cơ mất dữ liệu, thời gian phục hồi hệ thống kéo dài, khó khôi phục hệ thống rất cao. Một số phần mềm tự mua/thuê xây dựng không liên kết được với hệ thống
  13. 288 khác gây nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Việc quản lý, sử dụng, sao lưu các phần mềm hệ thống trên máy chủ, phần mềm ứng dụng trên máy chủ và cơ sở dữ liệu trên các máy chủ phải được phân rõ trách nhiệm. Con người: Trong tập thể nhà trường vẫn có những cá nhân chưa cập nhật kĩ năng công nghệ, không muốn thay đổi cách dạy truyền thống, không muốn ứng dụng công nghệ cũng như phương học tập mới. Người sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong nhà trường ít được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là đối với những người làm công tác chuyên môn công nghệ thông tin. Cơ hội Xu hướng chuyển đổi số: là tất yếu không thể tránh được, nhà trường đã nhận thực rõ phát triển nhà trường theo xu hướng này. Để thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường các thế hệ lãnh đạo luôn quan tâm ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và quản lý. Sự quan tâm của cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự phát triển của trường, luôn quan tâm đầu tư cũng như hỗ trợ trường Kinh tế quốc dân hoàn thành sứ mệnh của mình. Bối cảnh Dịch COVID-19: bùng phát vừa là khó khăn vừa là cơ hội để nhà trường đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhà trường đã nhanh chóng chuyển sang hình thức đào tạo Blended Learning, đang triển khai hệ thống học liệu số để làm tiền đề cho đào tạo trực tuyến một cách kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.. Đội ngũ giảng viên của nhà trường: đặc biệt là giảng viên trẻ có trình độ sử dụng công nghệ tốt, thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ là điều kiện tốt cho quá trình chuyển đổi số của nhà trường có thể được thực hiện thành công. Thách thức Trường đại học Kinh tế quốc dân đang đối mặt với một số vấn đề như sau: Vấn đề về phương thức quản lý: Các quy trình quản lý rơi vào hai trạng thái là rất ít thay đổi cho hiệu quả hơn, hoặc thay đổi quá liên tục. Việc không đồng bộ giữa các quy trình, các bộ phận cũng gây nhiều thách thức cho việc chuyển đổi số. Vấn đề về công nghệ và tài chính: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ được cập nhật liên tục và ngày càng tiên tiến hơn. Việc áp dụng công nghệ vào trong vấn đề quản lý, giảng dạy và nghiên cứu đòi hỏi luôn phải cập nhật theo thời đại là một thách thức lớn trong chuyển đổi số của nhà trường. Thích ứng công nghệ dẫn đến cần thiết phải đầu tư tài chính nhiều hơn, thường xuyên hơn cho công nghệ, cần thiết phải có một quỹ dự phòng phát triển cho lĩnh vực này.
  14. 289 Vấn đề về người dạy: đây là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình triển khai và áp dụng những công nghệ, kỹ thuật và phương pháp mới. Trong môi trường giáo dục đại học, không ít nhân sự ngại thay đổi, không muốn cập nhật và trải nghiệm những cái mới, đôi khi còn “bảo thủ”. Nhiều người thụ động trong tiếp cận công nghệ. Vấn đề về người học: Người học là đối tượng phục vụ và thụ hưởng chính của trường đại học, phần đông người học mong muốn thực hiện chuyển đổi số, nhưng cũng không ít người học thụ động và không thích nghi được với các phương thức mới của chuyển đổi số mà chỉ hướng đến những hình thức truyền thống. Vấn đề môi trường xã hội: Chuyển đổi số không thể thực hiện một cách hiệu quả nhưng đơn độc của một nhà trường, cần phải có môi trường xã hội, sự phối hợp của đa tổ chức, cơ quan và những người tham gia vào quá trình này. 3.2 Một số đề xuất cho chuyển đổi số tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Nhận diện được những trở ngại, thách thức trên, cùng với quá trình nghiên cứu về chuyển đổi số không chỉ trong trường đại học, nhóm tác giả đề xuất một số gợi ý cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay nhằm đạt được sự thành công, hiệu quả như sau: • Lập chiến lược, chiến thuật chuyển đổi số phù hợp với đặc trưng của từng đơn vị trong trường. Chiến lược chuyển đổi số như kim chỉ nam dẫn lối quá trình chuyển đổi số - một quá trình lâu dài và đa mục tiêu. Các mục tiêu ở các mốc quan trọng cần làm rõ. Các nguồn lực huy động cần được chuẩn bị kĩ càng. Trong quá trình chuyển đổi số công nghệ liên tục được cải tiến, các nguồn lực không ngừng biến động, nên việc điều chỉnh chiến thuật chuyển đổi là cần thiết. • Ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của trường học, bao gồm các hoạt động từ giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản trị trường học, v.v…Làm sao để dữ liệu được số hóa, các quy trình dần dần được thực hiện tự động, các hệ thống trong trường học liên kết với nhau, đảm bảo tính đồng bộ và tính trong suốt dữ liệu ở các khâu. Tận dụng các lợi ích của kiến trúc doanh nghiệp và cổng thông tin. Phát triển và tích hợp các phần mềm thành phần mềm quản lý tổng thể đi kèm với đầu tư cơ sở hạ tầng và phần cứng hiện đại, làm chủ việc vận hành các hệ thống thông tin đã phát triển từ đó đánh giá, điều chỉnh lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng • Lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường trải nghiệm người học, v.v…Dần dần chuyển đổi sang mô hình học tập theo hướng: học tập dựa trên công nghệ cao, học tập trực tuyến, học tập mọi lúc mọi nơi, học tập thích nghi, cá nhân hóa.
  15. 290 • Cải tiến các quy trình nghiệp vụ hướng theo giải pháp ứng dụng công nghệ với các xu thế công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tại ảo, điện toán đám mây, v.v… làm các quy trình trở nên đơn giản, nhanh và thuận tiện với người dùng. • Tuyên truyền, phổ cập tư duy chuyển đổi số cho các nhà quản lý, giảng viên, nhân viên của trường. Đây là một trong các bước quan trọng cần thực hiện đầu tiên. Khi tư duy chuyển đổi số thấm nhuần, động lực chuyển đổi số sẽ cao và quá trình chuyển đổi số sẽ liên tục, thành công. • Từng bước xây dựng mô hình đại học mới – đại học thông minh: Trường đại học không ngừng số hóa cùng với các thành tựu công nghệ hiện đại giúp trường vận hành hiệu quả hơn, kết quả dạy và học tốt hơn, phù hợp với thị trường nhân lực hơn… và cách tiến hóa của trường đại học như vậy một mô hình trường đại học mới đang dần hình thành - đại học thông minh. Đây là mô hình phát triển tất yếu mà các trường đại học hướng đến, là xu thế phát triển của các trường đại học tiên tiến hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để xây dựng đại học thông minh thì cần phát triển một cách toàn diện cả ba khía cạnh: ứng dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư vào phần cứng, phát triển các hệ thống thông minh cũng như các phương pháp, chương trình dạy/học thông minh. Các giải pháp công nghệ và hệ thống thông minh hỗ trợ quản trị trường đại học tốt hơn đảm bảo cho các hoạt động dạy và học diễn ra hiệu quả, liền mạnh, ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời việc xây dựng các phương pháp sư phạm thông minh giúp phù hợp hơn với đa dạng sinh viên, đảm hiệu quả việc dạy và học hướng cá nhân và giúp phát triển tối đa năng lực người học. Quá trình chuyển đổi số là một quá trình dài hạn và cần kiên định theo chiến lược chuyển đổi số, và liên tục xem xét lại, đánh giá lại để có những điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn nhất định. 4. KẾT LUẬN Quá trình chuyển đổi số là quá trình tất yếu, không phải một sớm một chiều mà cần được thực hiện lâu dài. Nhóm tác giả nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay nhằm hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó nhóm tác giả đã nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số của trường Đại học Kinh tế quốc dân, đề xuất một số ý kiến gợi mở cho quá trình chuyển đổi số của trường Đại học kinh tế quốc dân thực hiện thành công, hướng đến mô hình trường đại học thông minh. Trong thời gian tới nhóm tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và đề xuất mô hình và các giải pháp để xây dựng nhà trường thành trường đại học thông minh.
  16. 291 TÀI LIỆU THAM KHẢO a), T. t. t. t. g. d. (2020). Đại dịch COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Retrieved from https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6730 b), T. t. t. t. g. d. (2020). Đại học tiên phong đầy mạnh chuyển đổi số giáo dục. Retrieved from https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=6615) Bảo, H. T. (2020). Chuyển đổi số thời Covid-19. Retrieved from https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Chuyen-doi-so-thoi-Covid19-23135 Berman, S. J. (2012). Digital transformation: opportunities to create new business models. Strategy & Leadership, 40(2), 16-24. Chanias, S., & Hess, T. (2016). Understanding Digital Transformation Strategy formation: Insights from Europe's Automotive Industry. Paper presented at the PACIS. Coccoli, M., Guercio, A., Maresca, P., & Stanganelli, L. (2014). Smarter universities: A vision for the fast changing digital era. Journal of Visual Languages & Computing, 25(6), 1003-1011. Hiltz, S. R., & Turoff, M. (2005). Education goes digital: The evolution of online learning and the revolution in higher education. Communications of the ACM, 48(10), 59-64. Loch, K. L. (2016). The transformative business model. Retrieved from https://maaw.info/ArticleSum KavadiasLadasLoch2016maries/ArtSumKavadiasLadasLoch2016.htm Matt, C., Hess, T., & Benlian, A. (2015). Digital transformation strategies. Business & Information Systems Engineering, 57(5), 339-343. Mishra, S., Yadav, M., & Choudhary, K. Ubiquitous learning: Future of e-Learning. Nylén, D., & Holmström, J. (2015). Digital innovation strategy: A framework for diagnosing and improving digital product and service innovation. Business Horizons, 58(1), 57-67. Sandkuhl, K., & Lehmann, H. (2017). Digital Transformation in Higher Education–The Role of Enterprise Architectures and Portals. Digital Enterprise Computing (DEC 2017). Tùng, L. V. (2020). Chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo ở Việt Nam nên đi theo hướng nào? Retrieved from https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/chuyen-doi-so-trong- giao-duc-va-dao-tao-o-viet-nam-nen-di-theo-huong-nao-63140.html Udovita, P. (2020). Conceptual Review on Dimensions of Digital Transformation in Modern Era. International Journal of Scientific and Research Publications, 10(2), 520-529.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2