intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đại học ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học - Những thách thức và giải pháp

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đại học ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học - Những thách thức và giải pháp" trình bày một vài suy nghĩ về những thách thức và giải pháp đặt ra trong thị trường dịch vụ để giáo dục Đại học ngoài công lập có thể phát triển bền vững và có được những đóng góp hữu hiệu cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đại học ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học - Những thách thức và giải pháp

  1. ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC - NHỮNG THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP Nguyễn Lâm Điền1 Trường Đại học Tây Đô Abstract For many years, non-public universities in the Mekong Delta have affirmed their positions in the field of university education with great contributions to training highly qualified human resources for society. However, the current realities of the market of university educational services have put the universities facing to new challenges. This article presents some main challenges and proposes the necessary solutions to overcome them. Keyworks: University educational services; Mekong Delta; Challenges; Solutions 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hơn 20 năm lại đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) được mở ra với quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Điều đó đã góp phần rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở nhiều lĩnh vực cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, giúp cho ĐBSCL không còn là vùng trũng của giáo dục. Thực tế, các trường ĐHNCL ở ĐBSCL đã dần khẳng định được vị thế trong nền giáo dục đại học (GDĐH) ở Việt Nam và từng bước mở rộng sự hợp tác quốc tế trong đào tạo. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục trong những năm gần đây đã minh chứng cho điều đó. Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường dịch vụ GDĐH và trong tương lai gần, ĐHNCL tất yếu phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Nếu trường nào không đáp ứng được một cách kịp thời nhu cầu bức thiết ngày càng cao của xã hội thì trường đó sẽ khó lòng đứng vững, thậm chí có thể giải thể. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến GDĐH ở ĐBSCL và sự phát triển của hệ thống GDĐH cả nước. Trong phạm vi của Hội thảo, chúng tôi trình bày một vài suy nghĩ về những thách thức và giải pháp đặt ra trong thị trường dịch vụ để giáo dục ĐHNCL có thể phát triển bền vững và có được những đóng góp hữu hiệu cho nền GDĐH Việt Nam. 2. NỘI DUNG 2.1. Những thách thức của thị trường dịch vụ GDĐH đối với ĐHNCL ở ĐBSCL Trước hết, chúng tôi nhận thấy, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cần quan niệm dịch vụ GDĐH là hoạt động phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu mà con người muốn và mang lại lợi ích cho đời sống của họ. Tất nhiên, không phải ai cũng cần đến loại dịch vụ này vì thực tế không thể phổ cập GDĐH. Bởi lẽ, dịch vụ GDĐH góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nên đòi hỏi người sử dụng dịch vụ không chỉ có nhu cầu mà quan trọng hơn phải có năng lực và trình độ đáp ứng được yêu cầu để có thể sử dụng dịch vụ này. Hơn nữa, mọi hoạt động của dịch vụ GDĐH phải tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Quy luật này chắc chắn chi phối mạnh mẽ đến tình cảm, 1 nldien@ctu.edu.vn 128
  2. thái độ, cách ứng xử trong quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người học; giữa người dạy và người học; giữa các cơ sở đào tạo với nhau cho dù đây là môi trường giáo dục. Cũng vì vậy, sự vận hành bộ máy của ĐHNCL trên cả nước nói chung và ở ĐBSCL nói riêng, tất yếu phải theo quy luật đó nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Ở ĐBSCL, trong hơn 20 năm qua, cùng với sự ra đời của các trường Đại học công lập có nhiều trường ĐHNCL được thành lập. Dù thời điểm ra đời của mỗi trường khác nhau nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng ở nhiều phương diện, nên hầu hết các trường ĐHNCL đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ cán bộ cơ hữu, quy mô và loại hình đào tạo. Chính điều này đã từng bước giúp các trường ĐHNCL xây dựng được thương hiệu cho mình và tạo được niềm tin cho người học khi tìm đến sử dụng dịch vụ GDĐH; đồng thời, làm cho công luận thay đổi cách nhìn về ĐHNCL. Tuy nhiên, với sự tiến bộ mạnh mẽ, nhu cầu mới của thời đại mà cụ thể là người học và đơn vị sử dụng người lao động, các trường ĐHNCL đang đứng trước những thách thức sau: Trước hết, thị trường dịch vụ GDĐH đòi hỏi các trường ĐHNCL cần nâng cao chất lượng của loại dịch vụ này, nghĩa là phải có những điều kiện ưu việt cho việc dạy học và nghiên cứu khoa học phù hợp với bối cảnh hội nhập, với GDĐH mở và số. Do vậy, trường học phải được chuẩn hóa, hiện đại hóa về mọi mặt để đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ. Cụ thể là phải được trang bị đầy đủ các thiết bị dạy học gắn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như: television, projector, smartboard, sound systems và mạng internet tốt nhằm giúp người học thuận lợi trong việc tiếp nhận, tìm hiểu và khám phá tri thức khoa học một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, thư viện phải là nơi có sức thu hút đối với người học. Thực trạng, có những thư viện rộng rãi thoáng mát và yên tĩnh nhưng rất ít người học tìm đến; cán bộ, nhân viên thư viện nhàn nhã ngồi đọc báo, thậm chí lướt mạng xã hội…Thực trạng này rất đáng buồn nhưng làm thế nào để thay đổi thực trạng đó lại là điều không đơn giản. Mặt khác, trường cần có mặt bằng lớn để tạo nên một không gian rộng thoáng thích ứng cho sinh viên (SV) tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và thư giãn sau giờ học. Trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, việc mở rộng khuôn viên trường, quả thật, điều này rất khó khả thi cho trường ĐHNCL nào không có quy hoạch xây dựng hợp lí ngay từ buổi đầu mở trường; nói cách khác là trường không còn quỹ đất để thực hiện. Về đội ngũ giảng viên (GV) phải đảm bảo cả về chất lượng và số lượng cũng là một vấn đề đặt ra cho các trường ĐHNCL. Tuyển dụng, xây dựng và đào tạo được đội ngũ GV có học hàm, học vị là một thách thức lớn đối với các trường ĐHNCL. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, ở từng mức độ khác nhau, các trường đều rất quan tâm đến đội ngũ GV, chuyên gia của từng ngành đào tạo. Thế nhưng, điều này rất gian nan vì không phải muốn là được, mà đòi hỏi phải có thời gian lâu dài, trong khi đó đội ngũ này phải đạt cả về số lượng lẫn chất lượng để đủ điều kiện mở ngành và để đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng. Do vậy, bên cạnh cử cán bộ đi đào tạo để nâng cao trình độ, các trường ĐHNCL còn tuyển dụng những GV, chuyên gia sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn đủ năng lực làm việc từ các cơ sở đào tạo công lập. Tuy nhiên, dù những GV này có uy tín khoa học, mẫu mực về mọi mặt có thể là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, nhưng họ có những hạn chế nhất định vì “lực bất tòng tâm”. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả và những thay đổi ngày một nhanh trong nền giáo dục hiện đại. Trong khi đó, không ít GV trẻ, sau khi được đào tạo có học vị cao lại tìm đến một cơ sở 129
  3. đào tạo khác có điều kiện hơn, khi họ có cơ hội. Để rồi, cơ sở đầu tư cho đào tạo “mất trắng”. Đây cũng là sự thách thức nói chung cho các trường đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cả nước có nhiều trường đại học thì nguồn đào tạo lại là một trong những thách thức cao nhất, khắc nghiệt nhất cho các trường ĐHNCL. Vì lẽ đó, giữa các trường đại học đã có sự cạnh tranh quyết liệt với mục đích đạt đủ chỉ tiêu cho ngành đào tạo. Theo đó, thị trường dịch vụ GDĐH có nhiều hình thức maketing được các trường sử dụng cũng không ngoài mục đích đạt cả số lượng và chất lượng người học. Từ thực tế đào tạo của các trường ĐHNCL, chúng tôi nhận thấy, có một số ngành mang tính “truyền thống” trước đây số lượng theo học rất đông, nay ít dần, thậm chí, có trường những ngành đó không còn tồn tại nữa. Đó là chưa nói đến việc SV tốt nghiệp không tìm được việc làm đúng ngành nghề đã học và phải làm nghề khác. Vì thế, nghe SV nói với nhau: “vô tốn tiền, về trắng tay”, tôi ngỡ ngàng, nhưng đó lại chính là điều mà các nhà quản trị cần suy ngẫm để đổi mới trong đào tạo. Sự thật đó quả là đắng đót, nghe mà cười ra nước mắt, nhưng nó lại mang tính tất yếu theo quy luật cung cầu của thị trường. Phải chăng thị trường dịch vụ GDĐH cũng mang tính thời vụ để rồi đến một lúc nào đó, chúng ta lại bàn đến chuyện “giải cứu” như giải cứu một số mặt hàng mà đầu ra không như dự định… Ngoài ra, hợp tác quốc tế song phương và đa phương cũng là thách thức mà các trường ĐHNCL cần hướng tới. Khi thị trường dịch vụ GDĐH có sự cạnh tranh mạnh mẽ thì thương hiệu của trường được tạo nên không chỉ về CSVC, mô hình đào tạo và chất lượng đào tạo, mà còn ở hoạt động hợp tác quốc tế. Hoạt động này là một trong những tiền đề quan trọng để tăng cường sức mạnh cho việc cạnh tranh lành mạnh trong thị trường dịch vụ GDĐH. Hiện tại, hoạt động hợp tác Quốc tế của một số trường ĐHNCL ở ĐBSCL cũng đã diễn ra với những hình thức khác nhau như: hội thảo khoa học; liên kết mở ngành đào tạo; thỉnh giảng từ nước ngoài cho việc dạy tiếng Anh; trao đổi về SV và học thuật…Tuy nhiên, theo tôi, những hoạt động này chưa nhiều và kết quả đạt được ở mức độ bước đầu. Vì thế, hợp tác quốc tế vẫn là thách thức đối với các trường ĐHNCL ở ĐBSCL trước thị trường dịch vụ GDĐH hiện nay. 2.2. Đề xuất giải pháp trước thách thức của thị trường dịch vụ GDĐH Trước những thách thức nói trên trong thị trường dịch vụ GDĐH, các trường ĐHNCL ở ĐBSCL những năm gần đây đều có sự chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ. Tuy vậy, so với yêu cầu ngày càng cao của thị trường dịch vụ GDĐH, theo thiển nghĩ của tôi, nên chăng các trường ĐHNCL ở ĐBSCL cần có những thay đổi sau: Thứ nhất, cần năng động, chủ động hơn trong việc đổi mới mô hình đào tạo, nhất là có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bởi lẽ: “Gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học là xu hướng chung của thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”[2] và vì thế: “Hợp tác chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trong giáo dục ngày nay, là sự tương tác giữa cơ sở GDĐH với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho hai bên ở nhiều lĩnh vực … [4, tr xix]. Mặt khác, tổ chức đào tạo theo hướng nghiên cứu ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực, giáo dục mở và thực học, thực nghiệp…Đặc biệt, cần rà soát một cách toàn diện quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những điểm thiếu sót, hạn chế, nhằm đáp 130
  4. ứng được chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH, cụ thể là:“Phải phù hợp và gắn kết với sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo, nhu cầu của xã hội; phù hợp với mục tiêu của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học và mô tả trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam”[1, điều 4]. Bởi lẽ, người học rất quan tâm được học cái gì? Học như thế nào và tốt nghiệp sẽ làm được những công việc gì ở lĩnh vực nào? Bên cạnh đó, cũng cần đột phá trong việc mở ngành đào tạo mới chưa từng có ở ĐBSCL nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của xã hội. Có như vậy mới tạo được sức thu hút mạnh mẽ đối với người học và tất yếu số lượng người học sẽ đông đảo hơn (Hiện nay, theo hiểu biết của tôi, ở Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Tây Đô, Đại học Cửu Long mỗi trường tuy có cách tổ chức hoạt động riêng nhưng đều tìm được hướng đi nhiều triển vọng để đem lại những thành công mới). Chính những điều đó đã tạo nên sự nổi trội và khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh của các trường trong thị trường dịch vụ GDĐH. Bởi vậy, dù nguồn đào tạo trong bối cảnh chung sụt giảm so với trước đây, cũng như sự có mặt của nhiều cơ sở đào tạo trong cùng khu vực thì chính sự khác biệt đó đem lại hiệu quả cao trong việc thu hút người học. Cũng cần nhấn mạnh thêm, không có người học, hoặc người học ít thì trường ĐHNCL làm sao tồn tại được khi học phí của người học là lương của GV, cán bộ và nhân viên; là nguồn kinh phí cần có để đầu tư xây dựng nâng cao CSVC cho trường ngày càng hiện đại nhằm đáp ứng tốt việc dạy học và nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Tuy vậy, những năm gần đây ở ĐBSCL, vẫn có trường ĐHNCL và cả đại học công lập, dù đã có những thay đổi nhất định nhưng vẫn rơi tình trạng phát triển cầm chừng. Điều này, cho thấy cần thiết phải có sự đổi mới một cách toàn diện và sự đổi mới đó phải phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, nếu như trường muốn tồn tại, phát triển bền vững. Thứ hai, CSVC của trường phải đạt được yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ GDĐH, nói cách khác, trong điều kiện có được cần chú trọng tập trung vốn để đầu tư hơn nữa về CSVC nhằm đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn cử, hiện tại phòng học được sử dụng chung cho mọi ngành học nhằm sử dụng tốt công suất của nó, nhưng tương lai, theo tôi, cần cơ cấu lại để phù hợp với từng ngành học, học phần và số lượng người học. Hệ thống thiết bị trong phòng học phải đạt chuẩn của một phòng học hiện đại với đầy đủ trang thiết bị và cần được bảo trì, bổ sung định kì, khi cần thay đổi theo hướng hiện đại hơn để góp phần giúp cho GV và SV, học viên có tâm thế tốt, yên tâm và thoải mái trong quá trình dạy học. Khuôn viên của ĐHNCL có thể chưa rộng lớn như mong đợi nhưng cũng cần có sự thoáng đãng, cảnh sắc trữ tình để giúp cho SV thư giãn giảm bớt sự mệt mỏi sau giờ học trước khi tiếp tục bước vào giờ học mới. Nói cách khác, là cần xây dựng được môi trường văn hóa, thẩm mĩ ngay cả ngoài phòng học. Học sinh từ các trường trung học phổ thông ở gần hay ở xa, sau khi được tư vấn đến thăm quan trường chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Với họ, “trăm nghe không bằng một thấy” và những điều trông thấy đó, chắc chắn bước đầu họ sẽ hài lòng với trường đã chọn. “Tiếng lành đồn xa” và việc maketing về phương diện CSVC như vậy, tôi nghĩ, sẽ bước đầu tạo được niềm tin cho người học và sự yên tâm cho gia đình họ khi con được đào tạo trong môi trường giáo dục như vậy. Thực tế hiện nay, rất đáng mừng, khi các trường ĐHNCL như Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Tây Đô và Đại học Cửu Long đã có được khuôn viên như vậy. Thứ ba, về vấn đề xây dựng đội ngũ GV ở ĐHNCL trong bối cảnh thị trường dịch vụ GDĐH hiện nay, tôi cho rằng, việc tuyển dụng cần chú trọng đến năng lực chuyên môn nghiệp vụ; hơn nữa, cần quan tâm hướng đến sự phát triển lâu dài của đội ngũ GV. 131
  5. Bởi lẽ, để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, năng động và sáng tạo, lẽ tất yếu, trước hết GV - những người trực tiếp tham gia đào tạo phải có chuyên môn giỏi, có phương pháp dạy học phù hợp và bản thân phải năng động và sáng tạo trong công việc. GV phải là tấm gương sáng để SV, học viên noi theo. Hiển nhiên, trong thị trường dịch vụ GDĐH, một phương diện cần cạnh tranh đó là đội ngũ GV. Chất lượng và số lượng của đội ngũ GV của các ngành đào tạo trong trường ĐHNCL cần phải thể hiện được năng lực cạnh tranh đó. Cho nên, các trường ĐHNCL cần đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng được đội ngũ GV, cụ thể là: thực hiện tốt khâu tuyển dụng với tiêu chí lựa chọn thích ứng; đồng thời, có kế hoạch cụ thể về việc mở lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho GV bên cạnh việc đòi hỏi GV cần thường xuyên tự học, hợp tác trong nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ cho chính mình. “GV cần chủ động xây dựng nhóm nghiên cứu, hợp tác cùng nhau để chia sẻ các thông tin khoa học, ý tưởng khoa học và cùng nghiên cứu khoa học. Nếu làm được điều này thì tất yếu đội ngũ GV sẽ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ” [3; tr 450]. Ngoài ra, các cấp quản lí của trường cần quan tâm hơn đến việc sinh hoạt chuyên môn, học thuật ở cấp đơn vị bộ môn, khoa và tổ chức hội thảo khoa học để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho GV phát huy tốt năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho GV giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cần có chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lí về thu nhập đối với GV. Về điểm này, theo tôi, không nên “cào bằng” mà cần dựa vào năng lực, hiệu quả công việc làm được (có những trường ĐHNCL đã làm như vậy). Có như vậy, mới kích thích GV dạy tốt và nghiên cứu tốt; trên cơ sở đó, GV sẽ gắn bó lâu bền với trường và thu hút được nhân tài về công tác tại trường. Vấn đề thi nâng hạng cho GV hiện nay mới chỉ dành riêng cho trường đại học công lập. Tôi nghĩ, không nên có sự phân biệt này vì đây là quyền lợi của GV nói riêng và của các trường ĐHNCL nói chung. Vì thế, các cấp lãnh đạo phụ trách vấn đề này cũng cần có kế hoạch cho GV ở các trường ĐHNCL dự thi nâng hạng. Điều này sẽ giúp cho đội ngũ GV ở các cơ sở đào tạo này có thêm động cơ phấn đấu trong học tập chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ. Theo đó, đội ngũ GV của trường ĐHNCL thêm điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn qua những thước đo cụ thể ở các kì thi này. Đó cũng là một trong những động lực cần thiết cho đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ GV của các trường ĐHNCL. Thứ tư, cần nhận thức sâu sắc, hợp tác và hội nhập quốc tế là cơ hội để các trường ĐHNCL tiếp cận với tri thức mới, những mô hình giáo dục và đào tạo hiện đại; mặt khác, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài, tăng cường CSVC, khẳng định vị thế về chất lượng đào tạo, phát triển việc nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực cho địa phương. Hoạt động hợp tác quốc tế cần đi vào chiều sâu, cụ thể và thiết thực hơn, không nên dừng lại ở mức độ tham quan trao đổi, kí biên bản ghi nhớ...Những việc có thể làm được mang hiệu quả cao như: hội thảo khoa học quốc tế, sinh hoạt khoa học thường niên bằng hình thức online giữa các nhà khoa học của trường với các nhà khoa học nước ngoài. Thực tế, ở mức độ và phạm vi nhất định, một số trường ĐHNCL ở ĐBSCL đã chú trọng phát triển hợp tác quốc tế với các nước ở châu Âu, Hoa Kì, Nhật Bản, Úc…Đó là giải pháp, cách làm phù hợp với thị trường dịch vụ GDĐH hiện nay và cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong khu vực, trong nước mà còn vươn ra tìm kiếm được các nguồn, các đối tác khác trên thị trường thế giới. Hơn nữa, từ hoạt động này, các trường có điều kiện tiếp cận và kế thừa những tinh hoa của những nền 132
  6. GDĐH tiên tiến trên thế giới và tầm nhận thức của các cấp quản lí, GV, SV cũng được nâng lên. 3. KẾT LUẬN Từ những thách thức và những giải pháp để vượt qua những thách thức được trình bày nói trên, tôi cho rằng, nếu không đổi mới đúng hướng, không có tầm nhìn xa, thì sẽ không theo kịp và khó lòng đáp ứng được thị trường dịch vụ GDĐH với sự vận động, chuyển biến mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần phức tạp trong bối cảnh hiện nay. Thực tế đã minh chứng, những trường ĐHNCL ở ĐBSCL đạt được thành công mang lại hiệu quả tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là những trường có tầm nhìn xa rộng trên nhiều phương diện (điều này những năm vừa qua đã được các trung tâm Kiểm định và đánh giá chất lượng khẳng định khi đánh giá về trường và ngành đào tạo). Tôi hi vọng, những suy ngẫm tâm huyết trên của mình sẽ góp phần (dù rất nhỏ) cho sự phát triển ĐHNCL ở ĐBSCL trong thị trường dịch vụ GDĐH hiện nay. Lẽ dĩ nhiên, có thể còn có những điểm rơi vào chủ quan cần được xem xét và trao đổi thêm, nhưng vẫn mong được chia sẻ những điều mình nghĩ với các nhà khoa học quản lí giáo dục và những ai quan tâm./. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021, Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. [2] Nguyễn Hữu Dũng (2018), Mô hình gắn kết giữa trường Đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học ở nước ta, (truy cập vào ngày 15/3/2023), link: https://www.tapchicongsan.org.vn/ vanhoaxahoi [3] Nguyễn Lâm Điền (2022), “Xây dựng đội ngũ GV cho các trường Đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long – Từ góc nhìn của GV” in trong Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới, NXB Đại học Huế. [4] Nguyễn Đình Hảo (2022), Báo cáo đề dẫn Hội thảo Khoa học Quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”, NXB Đại học Huế. 133
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2