intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ tiềm năng và những rào cản cần vượt qua

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

7
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ tiềm năng và những rào cản cần vượt qua nêu mấy nhận xét về những tiềm năng và những rào cản trong đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ tiềm năng và những rào cản cần vượt qua

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ TIỀM NĂNG VÀ NHỮNG RÀO CẢN CẦN VƯỢT QUA Tôn Thất Dụng1 Trường Đại học Sư phạm Huế 1. Đặt vấn đề Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học (ĐH) đang là một yêu cầu đặt ra cấp thiết ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập và xu thế toàn cầu hoá đang ngày một diễn ra nhanh chóng, giáo dục và đào tạo phải tạo ra những động lực mới nhằm đào tạo một đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tham gia giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới. Ở thời đại hiện nay, những phát hiện mới, những thành tựu khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển một cách nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi vào trong đời sống xã hội. Đối với giáo dục bậc ĐH, những thông tin này phải nhanh chóng cập nhật và giảng dạy phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo. Do vậy, chương trình đào tạo và phương thức tổ chức dạy học cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những mô hình đào tạo theo kiểu hàn lâm, chương trình đào tạo "đông cứng", phương thức đào tạo thiếu linh hoạt sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp làm hạn chế khả năng phát huy sức mạnh của các đơn vị tham gia tổ chức đào tạo. Bộ Giáo Dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã khuyến nghị các trường ĐH và cao đẳng (CĐ) xác định lộ trình chuyển đổi phương thức đào tạo, từ phương thức đào tạo niên chế sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ và công bố Quyết định 43/2007/BGD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Bộ cũng đã cho triển khai thí điểm chương trình đào tạo liên thông trong mấy năm qua và đã chính thức ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ- BGD&ĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng đại học. Những chủ trương này đã tác động đến giáo dục ĐH và tạo ra những đổi thay nhất định. Tuy vậy, để những phương thức đào tạo mới phát huy được tiềm năng của nó cũng cần phải có thời gian và phải hạn chế những rào cản nảy sinh trong quá trình triển khai. 1 TS, Trưởng phòng Đào tạo 11
  2. BAN LIÊN LẠC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nêu mấy nhận xét về những tiềm năng và những rào cản trong đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ (HTTC). 2. Về những tiềm năng 2.1. Tiềm năng từ hệ thống đào tạo tín chỉ Điều ai cũng dễ dàng nhận ra là hệ thống đào tạo tín chỉ bao chứa trong nó sự linh hoạt, mềm dẻo và đặt quyền lợi của người học vào vị trí ưu tiên. Tất nhiên, để khai thác hết ưu thế này không phải là vấn đề đơn giản. Muốn làm được điều này trong điều kiện nước ta hiện nay phải mất một thời gian khá dài nếu thực sự làm đúng triết lý của đào tạo tín chỉ. Và để phấn đấu làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhận diện đúng những tiềm năng vốn có của nó và những điều kiện để tiềm năng ấy chuyển thành hiện thực. Trước tiên, hệ thống đào tạo tín chỉ cho phép người học chọn lựa chương trình và thời gian học. Điều này đòi hỏi chương trình đào tạo của các trường phải được thiết kế chuẩn và đa dạng. Trong thực tiễn hiện nay, việc triển khai xây dựng và chuyển đổi chương trình đào tạo sang học chế tín chỉ ở nước ta vẫn còn những bất cập. Bất cập ngay từ sự liên thông trong chương trình khung bắt buộc của các ngành học, nhất là các môn mang tính chất liên ngành. Các môn học chung có số lượng tín chỉ khác nhau, nội dung giảng dạy có những độ vênh nhất định, và do vậy trong thực tế triển khai chương trình có khi "liên" mà không "thông". Hệ thống môn học tự chọn cũng phải được xây dựng hết sức đa dạng và đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi ngành học khi cần thiết. Muốn vậy, các Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo của các ngành học phải có khả năng bao quát những vấn đề mới đã và đang đặt ra trong thực tế đào tạo trong và ngoài nuớc. Quan sát thực tế ở nước ta hiện nay có thể thấy rằng chương trình đào tạo của các ngành vẫn đang cung cấp cho người học những tri thức có sẵn của người thầy mà chưa chuẩn bị đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của người học. Do vậy, người học thực chất chỉ chọn các môn học có sẵn trong số tín chỉ quy định hạn hẹp của một chương trình đào tạo. Cách làm này đã hạn chế tiềm năng của HTTC vốn dĩ rất linh hoạt và mềm dẻo. Cũng cần nói thêm là hệ thống đào tạo tín chỉ xây dựng các học phần thành các module và sinh viên được quyền chọn lựa thời gian để tích lũy các module này theo quy định của chương trình. Trong điều kiện của các trường cùng đào tạo một ngành học, nếu có được sự thoả thuận và công nhận về các tín 12
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ chỉ có trong chương trình chung giữa các trường thì sinh viên sẽ có điều kiện để tích luỹ tín chỉ phù hợp với nhu cầu của bản thân họ. Và trong điều kiện của các ĐH vùng, ĐH đa ngành, việc công nhận tín chỉ giữa các trường sẽ tăng khả năng lựa chọn của người học và thực sự tạo được sự liên thông trong tổ chức đào tạo. Trong thực tiễn, điều này cũng chưa thực hiện đồng bộ ở các trường ĐH và CĐ, vẫn còn hiện tượng "đóng băng" trong từng trường thành viên làm hạn chế khả năng linh hoạt của HTTC. Quan sát việc tổ chức đào tạo tín chỉ ở nước ngoài chúng ta dễ dàng nhận ra việc công nhận tín chỉ giữa các trường trong một quốc gia và giữa các trường ở các quốc gia. Tất nhiên, để làm được việc này các trường công nhận liên thông các tín chỉ là các trường đã được kiểm định chất lượng. Chúng tôi nghĩ rằng, để thực sự tạo ra sự liên thông trong đào tạo ĐH và sau ĐH chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện để sinh viên hội nhập được với các nước. Trong chương trình đào tạo theo HTTC việc thiết kế để sinh viên học một lúc hai chương trình hoặc có thể thay đổi ngành học khi cần thiết mà vẫn không học lại toàn bộ chương trình của ngành học mới cũng được đặt ra. Đây là một hướng đi đúng đắn nhằm giúp cho những sinh viên có năng lực có cơ hội để vượt xa hơn các bạn cùng khóa hoặc có thể chuyển sang một ngành học mà cơ hội kiếm việc làm dễ hơn. Điều này thực sự góp phần vào việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong đào tạo tín chỉ ở nước ta hiện nay việc thực hiện điều này cũng có những khó khăn nhất định. Trong chương trình đào tạo, ngoài các học phần chung bắt buộc, các học phần giao nhau giữa các ngành học không nhiều và không đồng bộ, do vậy, sinh viên cũng phải đối diện với những khó khăn khi chuyển đổi. Nếu không tạo ra được sự liên thông trong quản lý thì cũng khó tạo ra sự liên thông trong chuyển đổi ngành học. 2.2. Tiềm năng từ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội đang đổi thay nhanh chóng, Bộ GD&ĐT đã đề xuất nhiều biện pháp cải cách giáo dục. Một trong những chủ trương lớn đã được thực hiện trong thời gian qua là triển khai đánh giá chất lượng giáo dục tại các trường CĐ và ĐH. Hiện nay đã 13
  4. BAN LIÊN LẠC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM có 20 trường tham gia đánh giá và đã được đánh giá ngoài. Các trường khác đang trong lộ trình triển khai và đang hoàn thiện dần các tiêu chuẩn trong Quy định về chất lượng đánh giá trường đại học ban hành theo Quyết định số 65/2007/QĐ- BGD&ĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong số 10 tiêu chuẩn theo quy định có tiêu chuẩn 3 về chương trình giáo duc, trong đó quy định: " 1. Chương trình giáo dục (CTGD) của trường ĐH được xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành. CTGD được xây dựng với sự tham gia của các giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức, hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng lao động theo quy định. 2. CTGD có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ ĐH và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. 3. CTGD chính quy và giáo dục thường xuyên được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo. 4. CTGD được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc cả nước. 5. CTGD được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và CTGD khác. 6. CTGD được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng trên kết quả đánh giá."[ 3]. Những tiêu chuẩn trong quy định này là căn cứ để các trường tự kiểm tra mình đã đạt yêu cầu chất lượng như thế nào, đồng thời cũng là cơ sở và động lực để các trường tăng cường các hình thức liên thông, làm cho quá trình tổ chức đào tạo thực sự linh hoạt và hiệu quả. Nếu không xem đây là một trong những thước đo cần thiết về CTGD thì khả năng "đông cứng" của chương trình vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong thực tế. 14
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ 2.3. Tiềm năng từ quy định đào tạo liên thông Để thực hiện việc tổ chức đào tạo CĐ, ĐH đạt chất lượng tốt, Bộ GD&ĐT đã cho thí điểm chương trình đào tạo liên thông trong một số trường ĐH, CĐ. Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 49/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 12 năm 2002 "Quy định tạm thời về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học". Sau mấy năm làm thí điểm Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 tạo cơ sở pháp lý để các trường triển khai đào tạo theo phương thức này. Điều 2 của Quy định nêu rõ: "Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác". Điều 9 quy định về chương trình đào tạo như sau: "1. Chương trình đào tạo liên thông (CTĐTLT) phải được xây dựng theo những nguyên tắc sau: a. CTĐTLT được thiết kế theo nguyên tắc mềm dẻo, phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích lũy ở các trình độ khác; b. CTĐTLT phải phản ánh đúng mục tiêu đào tạo, yêu cầu học tập, nội dung phương pháp dạy và học, thời gian đào tạo, kế hoạch thực hiện và phương pháp đánh giá theo trình độ và theo ngành đào tạo tương ứng; c. CTĐTLT được xây dựng dựa trên việc so sánh giữa CTĐT trình độ CĐ cho những người có bằng tốt nghiệp trung cấp và chương trình đào tạo trình độ ĐH cho những người có bằng tốt nghiệp CĐ hoặc trung cấp. Việc xây dựng CTĐTLT nói trên được thực hiện theo nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức còn thiếu và kiến thức cập nhật mới phù hợp với thực tế xã hội; d. CTĐTLT phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung và được thiết kế phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo" [2]. Như vậy, có thể thấy chương trình đào tạo liên thông tạo cho người học những thuận lợi cơ bản trong việc tích luỹ kiến thức và chuyển đổi ngành đào 15
  6. BAN LIÊN LẠC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM tạo. Điều này làm tiết kiệm đáng kể thời gian của người học và tạo ra sự linh hoạt trong tổ chức đào tạo. Nếu được triển khai bằng phương thức đào tạo tín chỉ thì tiềm năng này được huy động nhiều hơn. Đáng lưu ý là trong quy định này của Bộ, chương trình đào tạo liên thông được áp dụng cho cả hình thức đào tạo chính quy và hình thức vừa làm vừa học. Điều này đáp ứng được nhu cầu của người học và khả năng tổ chức đào tạo của các trường. Tuy vậy, những ràng buộc về quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo lại không tạo ra sự liên thông trong tổ chức dạy học. Điều này cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo, mặt khác, tạo ra được sự bình đẳng giữa các phương thức đào tạo. Nên chăng nghiên cứu cùng chuẩn đầu ra cho các phương thức đào tạo này. 3. Những rào cản cần vượt qua 3.1. Rào cản từ nhận thức và thiết kế chương trình đào tạo Làm thế nào để thực hiện đào tạo liên thông một cách có hiệu quả và đảm bảo chất lượng đào tạo là một câu hỏi đang đặt ra đối với mỗi trường ĐH và CĐ ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh những tiềm năng để tổ chức đào tạo đã có, các văn bản quy định tạo hành lang pháp lý cũng đã được ban hành nếu không tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức cũng như trong triển khai thực hiện thì tiềm năng dù có lớn đến đâu vẫn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng. Cần phải nói thêm là khi triển khai đào tạo liên thông chúng ta cần phải nhận ra tính chất hệ thống của hệ thống kiến thức trong chương trình đào tạo. Đây là một "hệ thống mở", có khả năng thu hút các tiểu hệ thống vào trong cấu trúc chung của mình. Có như vậy mới thực sự tạo ra sự linh hoạt và mềm dẻo trong chương trình cũng như trong tổ chức đào tạo. Nếu xét liên thông theo hệ thống dọc thì việc xây dựng chương trình khung của các bậc học trung cấp và CĐ phải cùng trong một hệ thống chung với ĐH. Ở nước ta, việc này vẫn còn những bất cập vì ít quan tâm đến sự đồng bộ trong hệ thống kiến thức của các bậc học thuộc các ngành đào tạo cụ thể. Hơn nữa, các Hội đồng xây dựng chương trình khung cũng chưa chú ý đúng mức đến khả năng liên thông khi triển khai chương trình đào tạo trong thực tiễn. Và cũng có thể do chúng ta chưa chú ý đầy đủ về chuẩn đầu ra cho các bậc học nên tính hệ thống chưa được quan tâm một cách tối ưu. Điều này làm khó khăn cho người học khi tiếp tục học liên thông giữa các bậc học và 16
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ khó khăn cho các đơn vị quản lý khi xem xét công nhận kết quả của người học. Theo Quy định 06/2008 của Bộ GD &ĐT về đào tạo liên thông thì một trong những điều kiện để đào tạo liên thông là "đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông". Điều này dễ dẫn đến chương trình đào tạo sẽ bị "đông cứng" khi phê duyệt và sinh viên gặp nhiều trở ngại khi công nhận các học phần đã tích lũy trước đó. Trong thực tế triển khai đào tạo, các trường hầu như căn cứ vào chương trình đã được phê duyệt để xét điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp. Đó là chưa nói ở các bậc học này trong bối cảnh hiện nay tồn tại nhiều phương thức đào tạo khác nhau với nhiều chương trình đào tạo có rất nhiều khác biệt từ các ngành học. Bộ cũng đã tạo điều kiện cho các trường có thẩm quyền công nhận kết quả học tập. Điều 11 quy định: " Căn cứ quy trình đào tạo của mỗi trường, người học có thể được công nhận kết quả học tập theo tín chỉ, học phần, chương trình môn học và kết quả toàn khoá học để được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông"[2]. Điều này đem lại sự tự chủ trong tổ chức đào tạo nhưng nếu không có những hình thức quản lý thích hợp sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện. Nên chăng khi đã triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ thì việc công nhận kết quả phải căn cứ vào khung tín chỉ quy định cho mỗi ngành học (bao gồm cả tín chỉ bắt buộc và tự chọn) để xác định chuẩn đầu ra của một ngành học và công nhận các tín chỉ đã học có trong chương trình đào tạo bậc học. Việc này không tạo ra những khó khăn cho người học vì Bộ đã chủ trương sử dụng chương trình đào tạo hệ chính quy để áp dụng cho hệ vừa làm vừa học. Đối với việc liên thông theo hệ thống ngang thì sinh viên có quyền chọn học học phần có trong chương trình đào tạo của ngành học thuộc các trường khác nhau miễn là các trường này công nhận tín chỉ của nhau. Nếu có được sự liên thông của các trường có chất lượng đào tạo tốt thì sinh viên sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Cần tạo ra khả năng hợp tác và phối hợp trong tổ chức đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo. 3.2. Rào cản từ quản lý đào tạo và quản lý tài chính Ở nước ta, việc tổ chức đào tạo theo hình thức niên chế đã tồn tại quá lâu, trở thành thói quen và ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Để vận hành theo một phương thức mới đòi hỏi phải có thời gian thích nghi và phải có những hỗ trợ về các yếu tố khác. Mặc dù mới chuyển sang đào tạo theo HTTC nhưng 17
  8. BAN LIÊN LẠC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM nhiều cán bộ và giảng viên đã nhận ra ưu thế của phương thức này và ít nhiều hiểu được triết lý của nó. Tuy vậy, nếu không giải quyết tốt về mặt nhận thức, không tập huấn kỹ về tổ chức giảng dạy và quản lý đào tạo, thì thói quen cũ dễ dẫn chúng ta trở về với phương thức cũ và nếu có thay đổi cũng sẽ dẫn đến hiện tượng nửa vời. Nhiều người sẽ dựa vào quan niệm "cách làm Việt Nam" để làm biến dạng phương thức đào tạo. Chúng tôi nghĩ rằng một phương thức đào tạo linh hoạt, mềm dẻo thì đòi hỏi một phương pháp quản lý đào tạo năng động và có khả năng xử lý kịp thời mọi tình huống. Vấn đề này trong thực tế không dễ thực hiện ở nước ta vì nhiều lý do. Có một phần do phương thức đào tạo mới đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại mà trong thực tế kinh phí eo hẹp của mỗi trường trong một thời gian ngắn không thể đáp ứng được nên phải dùng sức lực của đội ngũ quản lý làm cho họ ngại thay đổi. Một phần khác liên quan đến khả năng nắm bắt các vấn đề trong quản lý theo phương thức mới trong điều kiện chúng ta chưa được đào tạo một cách bài bản mà chủ yếu là những kinh nghiệm được truyền cho nhau một cách ngẫu hứng. Và không thể không nói đến thu nhập của các thành viên trong trường. Đào tạo tín chỉ đòi hỏi sự linh hoạt. Đào tạo liên thông trong HTTC càng cần sự linh hoạt. Công sức bỏ ra nhiều cũng đòi hỏi phải được thù lao xứng đáng đối với bán bộ và giảng viên. Những hoạt động của họ nhằm đáp ứng một yêu cầu là đảm bảo chất lượng đào tạo và không ngừng nâng cao nó theo tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến. Cần nghiên cứu để có các giải pháp thích đáng nhằm phá bỏ những rào cản trong quản lý đào tạo thì mới hy vọng "liên" và "thông". Về quản lý tài chính không phải không có những vấn đề cần quan tâm. Đối với các trường sư phạm vấn đề cũng có nhiều điểm phải nhìn lại. Kinh phí đào tạo của các trường dựa vào số ngân sách được cấp khá khiêm tốn và một phần dựa vào các chỉ tiêu đào tạo không chính quy hoặc ngoài ngân sách. Các trường phải cố gắng hết mình mới đủ sức đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho hoạt động dạy và học. Đối với các trường sư phạm có những khó khăn riêng. Sinh viên sư phạm được miễn học phí, do vậy trường chỉ được cấp bù sư phạm. Kinh phí này cố định trong khi vật giá thì biến động không ngừng. Và thế là khi triển khai đào tạo tín chỉ sinh viên được bao cấp hoàn toàn. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định khi tổ chức đào tạo. Với hình thức đào tạo liên thông theo HTTC các trường sư phạm có được thu học phí của người học theo học hệ chính 18
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ quy không? Đối với hệ vừa làm vừa học tổ chức đào tạo tại các đơn vị liên kết khi sinh viên được công nhận miễn học các học phần có trong chương trình liên thông thì kinh phí có được giảm đi không? Nếu số lượng giảm đi quá nhiều thì không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo. Rất nhiều khó khăn đặt ra và không khéo biện pháp dễ nhất là bắt người học học hết chương trình quy định đã được duyệt để khỏi ảnh hưởng đến thu nhập của đơn vị tổ chức đào tạo. Và điều này cũng rất dễ dẫn đến hiện tượng "liên" mà không "thông". Sinh viên cũng dễ cảm thấy mệt mỏi khi phải thực hiện quá nhiều thủ tục để xin miễn học các học phần theo quy định chung. Đó là chưa nói cần có các chính sách đồng bộ trong quản lý đào tạo và quản lý tài chính. Trên thực tế chúng ta vẫn thấy ít nhiều có độ vênh giữa hai lĩnh vực này. Đào tạo đòi hỏi phải tổ chức mềm dẻo linh hoạt trong khi quản lý tài chính có những ràng buộc riêng của nó. Cần tăng thêm quyền chủ động cho các trường để họ thực sự có khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến tổ chức đào tạo liên thông theo học chế tín chỉ. 3.3. Rào cản về sự cạnh tranh không lành mạnh Trong bối cảnh các trường ĐH và CĐ phát triển nhanh như hiện nay việc triển khai đào tạo liên thông đang diễn ra một sự cạnh tranh quyết liệt. Thực tế này dường như ai cũng thấy rõ. Chỉ cần nhìn qua báo viết cũng như báo mạng chúng ta cũng thấy không biết bao nhiêu trường đã quảng cáo về đào tạo liên thông. Tất nhiên là có nhiều trường chỉ đang đào tạo theo hình thức niên chế chứ chưa thực hiện học chế tín chỉ. Có nhiều trường có bề dày lâu năm. Có trường chỉ mới ra đời một vài năm miễn là họ đã mở được mã ngành theo quy định của Bộ. Trong cuộc cạnh tranh này nếu trường nào cũng coi trọng chất lượng đào tạo thì thật đáng mừng. Người học sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh chất lượng và học phí. Nhưng có nhiều sự cạnh tranh dựa trên nhu cầu dễ dãi của người học, chỉ cần học dễ, thi dễ và học phí rẻ. Miễn sao chỉ có tấm bằng để kiếm sống ở đời. Và thế là cách thức tổ chức dạy và học hết sức đa dạng. Rất tiếc là chúng ta ít khi kiểm định chất lượng đào tạo ở đầu ra mà chỉ cần chú trọng ràng buộc ở đầu vào. Trong bối cảnh liên thông thực hiện cho các bậc học thì những học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường CĐ có điều kiện để thực hiện ước mơ học ĐH của mình. Cũng trong bối cảnh đó các trường lại thấy đây là cơ hội để tăng thu nhập từ hoạt động đào tạo. Cả hai 19
  10. BAN LIÊN LẠC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM nguyện vọng đều có thể chấp nhận miễn là chúng ta phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần phải có các cơ quan kiểm định chất lượng thực sự có uy tín tham gia thẩm định và giúp cho các cơ quan hữu quan có biện pháp quản lý đào tạo một cách hữu hiệu để hoạt động giáo dục và đào tạo nước ta ngày càng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Cần phải hạn chế cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong công tác giáo dục và đào tạo. 4. Kết luận Mỗi phương thức đào tạo có một ưu thế riêng. Đào tạo liên thông theo HTTC tích hợp cả hai ưu thế và thực sự quan tâm đến quyền lợi của người học. Nếu chúng ta biết phát huy tiềm năng, hạn chế các rào cản và tiến đến phá bỏ nó thì phương thức đào tạo này sẽ góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn lực cho xã hội, tạo cơ hội cho mọi người có thể học suốt đời. Điều mà chúng tôi đặt ra là phải làm thế nào để nó thực sự " liên" và "thông". Mọi sự cứng nhắc, máy móc có thể dẫn đến hiện tượng có kênh dẫn nguồn mà nước vẫn không vào ruộng được và đồng lúa phải khô hạn hoặc không điều tiết được theo ý muốn của người xây dựng nên hệ thống đó. Hy vọng là chúng ta sẽ đề ra được các giải pháp khả thi để vận hành tốt phương thức đào tạo này. Trên cơ sở thực tiễn đào tạo của các trường thí điểm và kinh nghiệm đào tạo tại các nước chúng ta có thể tiếp tục điều chỉnh những quy định cũng như hoàn thiện các khâu trong quá trình tổ chức đào tạo liên thông ở nước ta hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15.08.2007 ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. 2. Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 06/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 13.02.2008 ban hành Quy định liên thông trình độ đại học, cao đẳng. 3. Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 65/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 01.11.2007 ban hành Quy định Về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học. 20
  11. HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ 4. Bộ Giáo dục và đào tạo,Quyết định số 25/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 26.06.2006 Ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy. 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28.06.2007 Ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học. 21
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2