intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Lịch sử Hải Phòng (938-1888): Phần 1 (Tập 2)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:183

13
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ebook Lịch sử Hải Phòng (938-1888): Phần 1 (Tập 2) cung cấp cho người đọc những kiến thức như: Vùng đất hải phòng thời Ngô, Đinh Và Tiền Lê (938 - 1009); vùng đất hải phòng thời Lý, Trần, Hồ (1009 - 1407); vùng đất Hải Phòng kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh và dưới thời Lê Sơ (1407 - 1527). Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Lịch sử Hải Phòng (938-1888): Phần 1 (Tập 2)

  1. CHỦ BIÊN GS.TSKH.NGND. VŨ MINH GIANG BIÊN SOẠN GS.TSKH.NGND. VŨ MINH GIANG GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC PGS.TS. LÊ ĐÌNH SỸ PGS.TSKH.NGƯT. NGUYỄN HẢI KẾ TS. NGUYỄN VĂN SƠN PGS. TS. VŨ VĂN QUÂN Nhà nghiên cứu NGÔ ĐĂNG LỢI TS. ĐOÀN TRƯỜNG SƠN HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. TRẦN ĐỨC CƯỜNG Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Các ủy viên PGS.TS. ĐINH QUANG HẢI TS. ĐỖ THÙY LAN PGS.TS. BÙI VĂN LIÊM PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC NHUỆ TS. ĐOÀN TRƯỜNG SƠN NNC. PHẠM XUÂN THANH PGS.TS. ĐÀO TỐ UYÊN PGS.TS. TRẦN THỊ VINH
  2. TỔNG BIÊN TẬP GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC BIÊN TẬP TS. ĐOÀN TRƯỜNG SƠN TỔ CHỨC BẢN THẢO ThS. ĐẶNG TRẦN KIÊN TS. ĐOÀN TRƯỜNG SƠN
  3. Lời Nhà xuất bản H ải Phòng được biết đến là thành phố Cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là động lực phát triển của đất nước. Là nơi chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng, địa thế hiểm trở, là cửa ngõ vào Đại La - Thăng Long - Hà Nội, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các vương triều Việt Nam đã có những chiến thắng vẻ vang chống lại sự xâm lược của các đế chế phương Bắc trên vùng đất Hải Phòng, như chiến thắng trên  sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn và trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo,... Đến năm 1527, vương triều Mạc ra đời, đã chọn vùng cửa sông Văn Úc tạo lập Dương Kinh, biến vùng đất Hải Phòng thành bàn đạp triển khai các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước theo tầm nhìn mới hướng ra đại dương. Năm 1888, với Nghị định thành lập Hội đồng thành phố Hải Phòng của Toàn quyền Đông Dương, Hải Phòng chính thức trở thành thành phố Cảng và là một trong ba đô thị đứng đầu toàn Đông Dương. Hải Phòng nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa lớn của
  4. 8 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG cả nước, cái nôi của giai cấp công nhân, nơi tiếp nhận và gắn kết chặt chẽ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 và Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng vào tháng 4/1930. Trong những năm 1930 - 1945, Hải Phòng luôn là một trung tâm mạnh của các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hải Phòng; ngày 24/8/1945 giành thắng lợi ở tỉnh lỵ Kiến An, là cột mốc lớn đánh dấu cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại đã thành công trọn vẹn ở vùng đất duyên hải Bắc Bộ. Trong những năm 1945 - 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất toàn vẹn non sông, xây nên truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” vẻ vang. Bước vào công cuộc đổi mới, Hải Phòng tập trung đầu tư xây dựng thành phố Cảng hiện đại, có công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa phát triển. Cảng Hải Phòng được xây dựng thành trung tâm của cụm cảng phía Bắc, cửa ngõ ra biển của miền Bắc cũng như của cả nước. Thành phố Hải Phòng giữ vai trò là “thành phố mở” về kinh tế, dẫn đầu về nhịp độ tăng trưởng của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Để giới thiệu đến bạn đọc lịch sử vùng đất và con người Hải Phòng, góp phần giáo dục và lan tỏa truyền thống tốt đẹp
  5. LỜI NHÀ XUẤT BẢN 9 của vùng đất Hải Phòng “Trung dũng - Quyết thắng”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử Hải Phòng, gồm 4 tập: Lịch sử Hải Phòng tập I do GS.NGND. Hà Văn Tấn và PGS.TS. Tống Trung Tín làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ thời nguyên thủy đến năm 938. Lịch sử Hải Phòng tập II do GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ năm 938 đến năm 1888. Lịch sử Hải Phòng tập III do GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Khánh làm Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1888 đến năm 1955. Lịch sử Hải Phòng tập IV do PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà làm Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 2020. Để bạn đọc tiện theo dõi, ở mỗi tập của bộ sách, chúng tôi đều trình bày lời dẫn đề của Nhà xuất bản và Lời nói đầu của Ban Biên soạn mỗi tập sách. Riêng tập I, mở đầu cho bộ sách, chúng tôi trình bày Lời giới thiệu bộ sách của lãnh đạo thành phố Hải Phòng; Tổng quan Thành phố Cảng Hải Phòng trong tiến trình lịch sử đất nước. Bộ sách là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, khoa học của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, của Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Hải Phòng; sự làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của tập thể nhóm nghiên cứu, biên soạn và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy địa phương; sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín đã góp ý để hoàn thiện bộ sách. Mặc dù đã có nhiều cố
  6. 10 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG gắng trong quá trình biên soạn và xuất bản song bộ sách khó tránh khỏi những sơ suất, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài thành phố để bộ sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau. Xin trân trọng giới thiệu bộ sách cùng bạn đọc. Tháng 4 năm 2021 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
  7. Lời nói đầu tập II H ải Phòng là trọng trấn án ngữ một vùng biển quan yếu của đất nước nên trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, khi nào cũng là nơi “đầu sóng ngọn gió”, giữ vị trí “đứng mũi chịu sào”. Giai đoạn được trình bày trong Lịch sử Hải Phòng, tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) trải dài từ thuở Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, xưng vương, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc đến khi thành phố trở thành một thương cảng quốc tế. Biết bao biến đổi, thăng trầm đã diễn ra nơi đây trong thời gian gần 10 thế kỷ ấy. Nhiều trang sử hào hùng của đất nước tạo nên khí phách của truyền thống dân tộc đã được viết nên từ mảnh đất này. Bất cứ ai là người Việt Nam đều xiết đỗi tự hào mỗi khi nghe tới hai tiếng Bạch Đằng, đơn giản bởi lẽ dòng sông linh thiêng này không chỉ một mà tới ba lần nhấn chìm các đạo quân xâm lược hung hãn, trong đó có cả đội quân viễn chinh của đế chế Mông - Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII. Trong những chiến công oanh liệt đó có phần đóng góp xứng đáng của người dân Hải Phòng. Ở nơi được coi là cửa ngõ vào Kinh đô Thăng Long, Hải Phòng không chỉ thể hiện vai trò của một địa phương có vị trí tiền tiêu trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, mà còn được biết đến như một vùng đất sản sinh ra những con người hết sức năng động, dám vượt lên chính mình để mở hướng đi lên. Vương triều Mạc đã để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng những
  8. 12 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) chính sách cởi mở, cấp tiến, mạnh dạn đổi thay và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ đến từ các nước khác. Nơi đây đã hun đúc nên khí chất hiên ngang của một Quận He Nguyễn Hữu Cầu muốn phá bỏ mọi cương tỏa để bay lên tận dải ngân hà mà làm bạn với mặt trời, và cũng chính nơi đây đã sinh ra Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa kỳ tài, không chỉ ngồi nhà xem nước thủy triều lên xuống mà biết hết mọi chuyện xưa nay1, mà còn là người nhìn thấu cả tương lai, đưa ra những lời khuyên có tầm chiến lược với các bậc đế vương. Trước khi trở thành một thương cảng quốc tế vào cuối thế kỷ XIX, Hải Phòng từng là nơi đón nhận những con tàu viễn dương đến từ các cường quốc hàng hải như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan... và từng giữ vai trò là một căn cứ quan trọng trong mạng lưới các cảng ven biển thời kỳ thương mại trên biển phát triển, được đánh dấu trên nhiều hải đồ quốc tế thế kỷ XVII - XVIII. Gần 1.000 năm với đầy ắp những sự kiện, Hải Phòng đã tạo dựng nên nhiều giá trị đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm văn hóa truyền thống của dân tộc và tạo nên diện mạo độc đáo của một vùng văn hóa cửa sông, ven biển với những cốt cách không thể trộn lẫn với bất cứ đâu. Lịch sử Hải Phòng, tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) do GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang làm Chủ biên, cùng với sự tham gia của GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc, cố PGS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Hải Kế, PGS.TS. Lê Đình Sỹ, 1. Nguyên văn câu thơ là: Tĩnh quan triều tịch hậu/Thủy đắc cổ kim tình.
  9. LỜI NÓI ĐẦU TẬP II 13 PGS.TS. Vũ Văn Quân, TS. Nguyễn Văn Sơn, Nhà nghiên cứu Ngô Đăng Lợi và sự bổ sung, hoàn thiện bản thảo của TS. Đoàn Trường Sơn. Tập sách được hoàn thành với sự giúp đỡ tận tình và tạo những điều kiện hết sức thuận lợi của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, của các cơ quan hữu quan và đặc biệt là của các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Ban Biên soạn xin được gửi tới tất cả lời tri ân và cảm tạ chân thành. Mặc dù tập thể tác giả đã hết sức cố gắng, nhưng hạn chế và thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Các tác giả xin được lượng thứ và rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc. BAN BIÊN SOẠN
  10. HẢI PHÒNG Chương I VÙNG ĐẤT HẢI PHÒNG LỊCH SỬ THỜI NGÔ, ĐINH VÀ TIỀN LÊ (938 - 1009)
  11. CHƯƠNG I Vùng đất Hải Phòng thời Ngô, Đinh và Tiền Lê... 15 C hiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 là trận chung kết lịch sử toàn thắng của dân tộc Việt Nam; chấm dứt vĩnh viễn hiểm họa nô dịch và đồng hóa kéo dài hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng toàn diện của đất nước. Ngay sau chiến thắng, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng Vương, đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các lễ nghi trong triều và màu sắc quan phục các cấp, kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với nước ngoài, xây dựng một chính quyền quân chủ tập trung, một vương quốc độc lập. Đặc biệt, ông đã cho tu sửa lại kinh đô Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) để góp phần tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước đời Hùng Vương - An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc non trẻ vừa mới giành lại được. Ngô Quyền trị vì đất nước chưa đầy 6 năm mà sự nghiệp dựng nước của ông, sau này đã được nhà sử học Lê Văn Hưu (1230 - 1322) nhận xét: “Chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”1. Đây là một bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam. I- VÙNG ĐẤT MIỀN ĐÔNG BẮC SAU KHI ĐẤT NƯỚC GIÀNH ĐƯỢC ĐỘC LẬP 1. Vị thế của vùng đất miền Đông Bắc dưới thời Ngô, Đinh và Tiền Lê Phạm vi đất nước ta dưới thời nhà Ngô không được sử sách chép đầy đủ, nhưng cũng có thể hình dung được về cơ bản vẫn là phạm vi của nước Âu Lạc hơn một nghìn năm trước. Tuy nhiên, 1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t.I, tr.205.
  12. 16 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) quyền lực chủ yếu của nhà Ngô trong buổi đầu dựng nước có lẽ vẫn chỉ tập trung ở khu vực châu thổ sông Hồng, trung du Bắc Bộ và khu vực đồng bằng và trung du Thanh - Nghệ, nghĩa là vẫn trên địa bàn hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trước đây. Lúc này, nền độc lập dân tộc tuy mới giành lại được nhưng vẫn còn hết sức non trẻ. Đất nước và triều đình nhà Ngô vẫn còn đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo, trong đó nguy cơ tái xâm lăng từ phương Bắc và nguy cơ lấn chiếm từ phương Nam vẫn đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa. Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm miền châu thổ để triều đình trung ương có thể nắm chắc toàn bộ miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Vùng địa đầu miền Đông Bắc và vùng đất phía Nam trở thành những vùng đất trọng yếu nhất trong toàn bộ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước của nhà Ngô. Trước khi kéo quân ra Bạch Đằng tiêu diệt quân Nam Hán, Ngô Quyền đã từng được Dương Đình Nghệ giao trấn giữ vùng Châu Ái (Thanh Hóa). Người được Ngô Quyền đặc biệt tin dùng đặt vào vị trí hết sức quan trọng này là Đinh Công Trứ, cha đẻ của Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Công Trứ từng được giao trấn giữ Châu Hoan (khu vực Nghệ - Tĩnh) dưới thời Dương Đình Nghệ, là người đã cùng với Ngô Quyền làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và giờ đây được Ngô Quyền cử về tiếp tục trấn trị vùng đất “đầu sóng ngọn gió” ở phương Nam. Đối với vùng đất địa đầu miền Đông Bắc, đặc biệt là khu vực Hải Phòng, Hải Dương - áo giáp chở che cho kinh thành Cổ Loa, Ngô Quyền đưa những người thân tín nhất, những tướng tá, những hào trưởng lập được công đầu trong trận thắng Bạch Đằng nắm giữ những vị trí then chốt. Vùng đất Trà Hương thuộc Nam Sách Giang (nay là khu vực huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) án ngữ dòng sông Thái Bình và con đường huyết mạch nối liền kinh thành Cổ Loa với cửa ải
  13. CHƯƠNG I Vùng đất Hải Phòng thời Ngô, Đinh và Tiền Lê... 17 Bạch Đằng được Ngô Quyền giao cho Phạm Lệnh Công trấn trị. Phạm Lệnh Công không chỉ là bậc hào trưởng có uy tín cao trong dân chúng, mà còn là người có công lớn trong trận Bạch Đằng, nhất là việc cung cấp và bảo đảm hậu cần cho chiến trận. Được Ngô Quyền tin dùng, trọng thưởng, ông rất mực trung thành, không chỉ là “tai mắt” mà thực sự là cơ sở quan trọng nhất, chỗ dựa vững chắc cho Ngô Quyền và triều đình nhà Ngô1. Đặc biệt, vùng đất nội thành Hải Phòng hiện nay vốn là nơi Ngô Quyền bài binh bố trận, trực tiếp làm nên kỳ tích anh hùng năm 938, dưới mắt ông đương nhiên phải là vùng quan ải hiểm yếu nhất của đất nước. Sau ngày chiến thắng, ông đã bố trí một lực lượng quân đội ở lại xây dựng và bảo vệ vùng đất này. Sử cũ không ghi chép về chủ trương này của Ngô Quyền, nhưng từ những di tích lịch sử, ngọc phả, thần tích và ký ức dân gian phần nào cho thấy không chỉ công việc huy động sức người, sức của, chuẩn bị và bố trí chiến trường mà cả những công việc xây dựng và bảo vệ vùng đất cửa sông sau khi cuộc kháng chiến kết thúc. Theo thần tích đình Gia Viên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), ở quận Kinh Môn (khu vực phía đông Hải Dương và Hải Phòng hiện nay) có nhiều người hăng hái kéo về giúp đỡ nghĩa quân, trong đó nhân dân huyện An Dương theo giúp đông nhất. Sau 1. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.I, tr.205. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nam Sách Giang là phủ Nam Sách, còn Trà Hương là tên cũ của huyện Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, Nam Sách Giang ở đây bao gồm cả phủ Nam Sách và phủ Kinh Môn (Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, t.1, tr.225). Theo Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo, thì phủ Nam Sách có các huyện Chí Linh, Thanh Lâm, Bình Hà (Thanh Hà và Tiên Lãng), còn phủ Kinh Môn có các huyện Giáp Sơn, Đông Triều, Thủy Đường, Kim Thành, An Lão, Nghi Dương, An Dương (Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.395). Như thế, địa bàn Nam Sách Giang phủ gần kín vùng đất trung tâm của Hải Phòng hiện nay.
  14. 18 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) này các làng xã theo giúp Ngô Quyền đều thờ ông làm thành hoàng của làng xã mình. Vì người dân địa phương có góp công lao lớn vào chiến công chung của dân tộc; và hơn nữa, vị trí hết sức hiểm yếu của vùng cửa sông trong chiến lược phòng thủ đất nước trước nguy cơ xâm lược của các đế chế phương Bắc, Ngô Quyền đã đặc biệt quan tâm, khen thưởng, nâng đỡ người dân trong vùng. Ông quyết định miễn mọi thứ binh lương, thuế khóa cho dân các làng Gia Viên, Quang Đàm cùng nhiều làng xã khác. Chế độ này còn được duy trì mãi về sau. Những người chỉ huy các đội dân binh như Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố (người làng Gia Viên) trưởng thành trong chiến đấu đã tự nguyện ở lại xây dựng quê hương. Nhiều vị tướng lần đầu tiên có mặt ở vùng đất cửa sông này, sau chiến thắng, cũng không ngại ngần đem cả gia đình và dòng họ về đây lập quê hương mới. Đó là trường hợp dòng họ Phạm ở xã An Đà, huyện An Dương (nay là phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền). Theo truyền thuyết, ông tổ dòng họ vốn là người nơi khác theo Ngô Quyền đến đánh trận Bạch Đằng và sau ngày chiến thắng, ông đã mang cả vợ con và tộc thuộc đến đây khai cơ lập nghiệp. Tuy không có gia phả dòng họ nào chép cụ thể về thế thứ ngược lên đến giữa thế kỷ X, nhưng cũng có thể tin truyền thuyết dân gian rằng nhiều dòng họ ở khu vực các huyện An Dương, Thủy Nguyên, quận Hải An ngày nay vốn đều có nguồn gốc từ những chiến tướng, chiến binh của Ngô Quyền tự nguyện hay được giao trách nhiệm ở lại trông giữ vùng đất trọng yếu nơi cửa sông này. Ở các đình Phụng Pháp, miếu Hai Xã..., hiện nay vẫn còn giữ được đạo sắc năm Tự Đức thứ 33 (1880) phong cho 17 xã thuộc khu vực huyện An Dương thờ Ngô Vương là các xã Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đông Xá, Cát Bi, Gia Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân. Cũng trong năm này, vua
  15. CHƯƠNG I Vùng đất Hải Phòng thời Ngô, Đinh và Tiền Lê... 19 Tự Đức phong sắc cho 6 tổng ở An Dương (nay thuộc các quận Hải An, Ngô Quyền) thờ Ngô Quyền là các tổng Lương Xâm, Trung Hành, Trực Cát, Đông Khê, Hạ Đoạn, Da Viên (sau này viết không chuẩn là Gia Viên). Sách Đồng Khánh địa dư chí, quyển 7 (tỉnh Hải Dương) cũng chép rõ: “Miếu Tiền Ngô Vương: Từ huyện An Dương trở xuống đến xã Lương Xâm đều phụng thờ”1. Vùng đất huyện An Dương xưa, trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ qua, đã dần dần đô thị hóa và hầu hết được tích hợp vào khu vực phố phường thuộc nội thành Hải Phòng. Nhiều làng cũ không còn, nhiều phố mới, làng mới xuất hiện, dân cư trải qua nhiều đổi thay, xáo trộn, nhưng người dân địa phương vẫn giữ phong tục cổ truyền thờ Ngô Quyền làm thành hoàng. Hầu như không có làng nào, xã nào, phố nào trong vùng lại không có đình, chùa, đền, miếu thờ chính hay thờ vọng Ngô Quyền. Người ta gộp chung tất cả công lao, ân đức của Ngô Vương và của nhà Ngô, để thiêng hóa thành một vị thành hoàng đại diện chung cho cả khu vực là Ngô Quyền. Đó là quá trình phát triển bình thường của truyền thống dân tộc, phong tục tập quán địa phương. Bên cạnh hiện tượng thờ Anh hùng dân tộc Ngô Quyền còn xuất hiện việc thờ cúng các vua đời sau và các tướng lĩnh khác. Trong số những người con của Ngô Quyền lúc này chỉ có Ngô Xương Ngập là đến tuổi trưởng thành và được giao trọng trách chỉ huy một cánh quân quan trọng nhất bên cạnh ông ở đại bản doanh (khu vực làng Gia Viên xưa, nay là khu vực trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng). Lực lượng này được bố trí dọc theo sông Cấm, có nhiệm vụ triệt để lợi dụng địa hình thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với cánh quân của Đỗ Cảnh Thạc đánh chặn đoàn thuyền quân Nam Hán ở cửa Nam Triệu cũ (tức là cửa 1. Đồng Khánh địa dư chí, q.7, tỉnh Hải Dương (bản chữ Hán), lưu tại Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  16. 20 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập II (Từ năm 938 đến năm 1888) sông Cấm đổ ra và hòa vào sông Bạch Đằng), không cho chúng tiến sâu vào nội địa theo đường sông Cấm. Ngô Xương Ngập đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, rất có thể sau chiến thắng, ông được vua cha giao cho trọng trách ở lại chỉ huy toàn bộ công cuộc phòng thủ và xây dựng vùng đất này. Dấu tích còn lại cho đến ngày nay là đền Quang Đàm (xã An Trì, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, nay thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) thờ Ngô Xương Ngập với ý nghĩa như là nơi đóng quân chính của ông trong thời gian đánh trận Bạch Đằng và cũng là nơi gắn bó với ông cả về sau này nữa. Bản ngọc phả đền Quang Đàm mang tên Hậu Ngô Vương Thiên tử ngọc phả lục1, không chỉ xác nhận Ngô Xương Ngập chỉ huy hậu quân lập công lớn trong trận Bạch Đằng lịch sử, mà còn có quan hệ rất mật thiết, gắn bó lâu dài với nhân dân trong vùng. Cũng không chỉ riêng đền Quang Đàm, ở khu vực bên bờ sông Cấm từ An Dương đến Hải An có nhiều đền thờ khác chắc chắn lúc đầu thờ Ngô Xương Ngập làm thành hoàng. Tại đền thờ, người dân không phân biệt Ngô Vương Thiên tử (tức Ngô Quyền) với Ngô Vương Thái tử (tức Ngô Xương Ngập). Chẳng hạn, ở miếu Hạ Đoạn (phường Đông Hải, quận Hải An) có 39 đạo sắc phong cho Ngô Vương, trong đó có 23 đạo sắc sớm hơn (từ năm Quang Thiệu thứ 7 (1522) đến năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710)), đều phong cho Ngô Vương Thái tử, 16 đạo sắc còn lại, muộn hơn (từ năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) đến năm Khải Định thứ 9 (1924)) phong cho Tiền Ngô Vương miếu và Ngô Vương Thiên tử. Khảo sát xung quanh khu vực Hạ Đoạn, một số di tích khác cũng 1. Hậu Ngô Vương Thiên tử ngọc phả lục, bản ngọc phả đền Quang Đàm (sau đổi là An Trì, huyện An Dương, nay là phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng). Bản dịch của Trần Bá Chí, lưu tại Phòng tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2