intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học trực tuyến các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

15
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học trực tuyến các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay" trình bày các nội dung chính sau đây: cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong giáo dục; những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số trong giáo dục; phương pháp dạy học trực tuyến các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị;...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học trực tuyến các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 38. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY - HỌC TRỰC TUYẾN CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY ThS. Nguyễn Thị Hồng Yến* ThS. Vũ Thúy Ngọc* Tóm tắt Đại dịch COVID-19 kéo dài từ hai năm qua và có thể trong nhiều năm đã đặt ra cho ngành Giáo dục phải chọn dạy học trực tuyến (online) thay cho dạy học truyền thống. Dạy học trực tuyến được coi là một nội dung cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục hiện hay. Trong mấy năm trở lại đây, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị sử dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại trong dạy học trực tuyến để dạy các môn Lý luận chính trị (LLCT) và đã đạt được kết quả, hiệu quả nhất định. Từ khóa: Nâng cao chất lượng; dạy học trực tuyến; lý luận chính trị; Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng hình thức dạy học trực tuyến từ rất sớm nhưng đối với Việt Nam, đặc biệt là khó khăn như tỉnh Quảng Trị, còn khá mới mẻ. Năm 2020 vừa qua, một số tỉnh miền Trung phải đối mặt với cả dịch bệnh và thiên tai kéo dài. Tác động khách quan này buộc các trường phải chuyển sang hình thức học online - một sự lựa chọn bất khả kháng. “Vạn sự khởi đầu nan” nên những hạn chế, bất cập, hiệu quả dạy học thấp là điều khó tránh khỏi. Nếu việc dạy học trực tuyến các môn nói chung đã gặp nhiều trở ngại cả về phía khách quan và chủ quan thì việc giảng dạy các môn LLCT cho sinh viên sao cho hiệu quả và hứng thú còn khó khăn hơn nhiều. Từ thực tế này đã đặt ra cho các giảng viên giảng dạy các môn LLCT ở Trường CĐSP Quảng Trị một nhiệm vụ là phải tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến khi giáo dục đang chuyển nhanh và mạnh sang hình thức chuyển đổi số. * Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị 336
  2. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 2. NỘI DUNG 2.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong giáo dục Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và khi thế giới vẫn chưa khống chế được dịch bệnh thì chuyển đổi số trong giáo dục là một hướng đi tất yếu của các cấp học. Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số trong giáo dục của thế giới, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo rất kịp thời về vấn đề này. Chuyển đổi số trong giáo dục trở thành chủ đề nóng trong nhiều sự kiện, hội thảo giáo dục cấp quốc gia và quốc tế. Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về việc đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 117/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ hai sau lĩnh vực y tế (Mai Ngọc Tuấn, 2020). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Để hội nhập kịp với các nền giáo dục tiến tiến trên thế giới, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải tăng tốc và nhanh chóng phát triển CNTT trong giáo dục để từng bước chuyển đổi số trong dạy học một cách chủ động thích ứng với những biến động bất lợi về thiên tai và bệnh dịch trong thời gian dài và không gian rộng, đồng thời, chỉ đạo các trường không thể chờ cho đủ điều kiện mới triển khai mô hình này. Vì vậy, nhiều trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam đã nhanh chóng triển khai mô hình “chuyển đổi số” trong dạy học đó chính là dạy học trực tuyến. Tại các học viện, các trường đại học như: Học viện Ngoại giao, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… đã quản lý chặt chẽ và tổ chức cho sinh viên học online rất hiệu quả theo mô hình “chuyển đổi số”. Về phương pháp dạy học, giảng viên hạn chế thuyết trình mà thay vào đó, các nhóm sinh viên phải chuẩn bị trước nội dung phần trình bày của nhóm mình. Dự kiến các câu hỏi và đáp án mà các nhóm khác và giảng viên có thể hỏi để làm rõ nội dung bài học. Đồng thời, cũng phải lắng nghe phần trình bày của các nhóm để đưa ra các thắc mắc cho nhóm bạn. Sự tích cực, nghiêm túc của các nhóm là cơ sở để đánh giá kết quả học tập của mỗi sinh viên. Các nhóm phải hợp tác online để xây dựng nội dung bài học chứ không phải ngồi thụ động nghe và ghi chép lời giảng của giảng viên. Vì vậy, học online tuy có sự thay đổi không gian, thời gian, môi trường tương tác trực tiếp nhưng không làm thay đổi bản chất và hạn chế hiệu quả học tập của sinh viên. Sinh viên vẫn có được cảm giác đang tương tác gần gũi với giảng viên và sinh viên khác. Bản thân sinh viên bước đầu hình thành thói quen và kỹ năng, phương pháp học tập sao cho hiệu quả khi chuyển sang mô hình này. Vậy “chuyển đổi số” là gì? 2.2. Những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số trong giáo dục 2.2.1. Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số (Digital transformation) là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay. Theo cách hiểu chung nhất là chuyển các hoạt động thực tiễn của con người từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường 337
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA mạng. Nhờ đó, mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng như: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa)… (Mai Ngọc Tuấn, 2020). Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong quản lý giáo dục bao gồm: số hóa thông tin quản lý để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GD&ĐT một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy học, kiểm tra, đánh giá gồm: số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-Learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (Cyber university) (Mai Ngọc Tuấn, 2020). 2.2.2. Lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục Với sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng di động, mạng xã hội giúp người dùng dễ dàng tương tác mọi lúc mọi nơi, đã tạo điều kiện cho giáo dục trực tuyến phát triển lên bậc cao hơn. Vì vậy, ưu thế của chuyển đổi số trong giáo dục là rất lớn mà giáo dục truyền thống không thể có được. Cụ thể là: - Tạo môi trường giáo dục linh động: Thay vì người học phải ngồi trong phòng học với bốn bức tường thì công nghệ số đã mở ra một không gian học tập linh động hơn. Giờ đây, người học có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, laptop, smartphone…). Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận được các thông tin kiến thức một cách đa chiều nhất. Nó loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học và nâng cao nhận thức, tư duy của người học (FSI, 2020). - Truy cập tài liệu học tập không giới hạn: Chuyển đổi số sẽ tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học. Người học có thể truy cập vào các tài nguyên học tập một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, thay vì phải tốn chi phí để mua sách hay đến thư viện để mượn. Người học có thể khai thác học liệu nhanh chóng bằng các thiết bị trực tuyến mà không bị giới hạn bất kể tình trạng kinh tế của họ. Mặt khác, chuyển đổi số cũng giúp việc chia sẻ tài liệu, giáo trình giữa người học và giáo viên trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn do giảm thiểu được các chi phí về in ấn (FSI, 2020). - Tăng tính tương tác và trải nghiệm thực tế: Nhiều người nghĩ rằng, học trực tuyến sẽ làm giới hạn khả năng tương tác giữa người dạy và người học. Nhưng thực tế, phương pháp học mới này lại giúp gia tăng tính tương tác hai chiều do người học có thể nói chuyện face to face một - một với giáo viên hướng dẫn mà không bị giới hạn bởi không gian. Ngoài ra, những công nghệ 4.0 như: ứng dụng thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR cũng tạo ra những trải nghiệm thực tế “thật” hơn cho người học. So với phương pháp học lý thuyết truyền thống, chỉ có thể tưởng tượng qua sách vở, công nghệ mới giúp người học có những trải nghiệm đa giác quan, tạo cảm giác tò mò, hứng thú hơn khi học (FSI, 2020). - Nâng cao chất lượng giáo dục: Chuyển đối số ngành Giáo dục đã tạo ra kỷ nguyên mới, thời đại mà người dạy và người học được trao quyền để sử dụng công nghệ. Các thành tựu công nghệ như Big Data giúp lưu trữ mọi kiến thức lên không gian mạng, IoT (Internet vạn vật) giúp theo dõi hành vi của học sinh, quản lý, giám sát học sinh; hay Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của người học, cho phép hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu 338
  4. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ từ nhiều trường học, ghi chép lại lịch sử học tập, bảng điểm của sinh viên để đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất, minh bạch (FSI, 2020) - Giảm chi phí đào tạo: Kỷ nguyên học tập trực tuyến sẽ mở ra cơ hội học tập với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với trước đây các do trường học tốn ít chi phí hơn để chi trả cho các vấn đề liên quan đến mặt bằng, cơ sở vật chất, thiết bị… Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học. Thay vì đến các trường công, họ có thể tham gia vào các khóa học E-Learning với chi phí rẻ hơn nhiều lần. Thậm chí, người học còn có thể tùy chọn những khóa học phù hợp với bản thân và những môn mà bản thân họ thực sự quan tâm. Điều này giúp cho việc học tập hiệu quả và chất lượng hơn (FSI, 2020). 2.2.3. Những yếu tố cơ bản để chuyển đổi số triệt để trong giáo dục Lợi ích của chuyển đổi số là không thể phủ nhận song phát huy được tác động tích cực của nó trong giáo dục thì phải hội tụ được những yếu tố cơ bản sau: Trước hết, cần xác định được nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục là phải có cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành đảm bảo. Thứ hai, phải có đường lối, chủ trương chính sách cụ thể trong chỉ đạo dạy học trực tuyến. Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, giáo viên được trang bị kỹ năng dạy học trực tuyến. Thứ tư, người học phải được trang bị thiết bị thông minh để học tập trực tuyến (Đỗ Thị Ngọc Quyên, 2021). Ở Việt Nam, bên cạnh một số trường đã triển khai dạy học trực tuyến từ nhiều năm trước đây thì vẫn còn khá nhiều trường chưa quen với hình thức dạy học này. Trong suốt thời gian dịch COVID-19 vừa qua, nhiều trường học buộc phải chuyển sang dạy học online - dạy học trực tuyến đã gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định về hạ tầng CNTT, năng lực sử dụng công nghệ cũng như sự lúng túng về phương pháp của giáo viên nên chất lượng dạy học chưa đảm bảo. Đối với Trường CĐSP Quảng Trị, các giảng viên cần phải đổi mới triệt để phương pháp dạy học sao cho phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. 2.3. Phương pháp dạy học trực tuyến các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị 2.3.1. Tình hình dạy học trực tuyến các môn Lý luận chính trị trong thời gian qua ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Nhìn chung, các môn LLCT gồm: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng có đặc trưng đều là những môn lý luận có tính trừu tượng cao, rất khô khan, nhàm chán đối với sinh viên. Song đây cũng là một môn học gắn chặt với thực tiễn của đất nước, của thời đại nhằm trang bị thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng và phương pháp tư duy biện chứng khoa học cho sinh viên nên rất quan trọng đối với các em. Trước đây, khi dạy học theo mô hình giáo dục truyền thống, giảng viên chủ yếu dùng phương pháp thuyết trình kết hợp đàm thoại. Cuối các chương mới cho sinh viên thảo luận nhóm, seminar để củng cố, khắc sâu, nâng cao và mở rộng kiến thức môn học. Thảo luận nhóm được coi là một trong những phương pháp chủ đạo, cơ bản được các giáo viên môn LLCT sử dụng trong dạy học. Song giờ thảo luận của sinh viên chỉ dừng lại ở việc ghi chép tóm tắt, sơ sài các ý thảo luận lấy 339
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA trong giáo trình rồi lên lớp trình bày một cách hình thức, rất ít khi có tranh luận trong nhóm nên gần như không có đầu tư, suy nghĩ, mổ xẻ, phân tích bài học cho sâu sắc, không có ý tưởng mới bổ sung cho bài học thêm phong phú. Nếu có dùng các tư liệu video từ nguồn Internet thì cũng không hiểu rõ nội dung, thậm chí là sai quan điểm khi trình bày. Tất cả chỉ “giao khoán” cho một, hai em tích cực trong nhóm chuẩn bị và ý kiến cá nhân là đại diện cho ý kiến tập thể. Rất nhiều em gần như đứng ngoài cuộc, thiếu trách nhiệm đối với công việc của nhóm của mình. Hầu như giờ thảo luận trên lớp chủ yếu diễn ra sự tương tác giữa giáo viên với một số sinh viên trình bày kết quả thảo luận của nhóm, ít có những giờ học mà các nhóm tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề. Vì vậy, giáo viên khó đánh giá được chất lượng thực của giờ học như: không biết có bao nhiêu em theo dõi, hiểu bài; bao nhiêu em còn đang mơ hồ về kiến thức; bao nhiêu em không nắm được nội dung bài học? Tình trạng này là do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, phong cách học tập ở các trường đào tạo nghề đối với học sinh phổ thông là mới mẻ làm cho các em chưa thể thích ứng ngay; Thứ hai, vốn kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tìm kiếm tài liệu, xử lý tài liệu, hợp tác làm việc nhóm, khả năng thuyết trình của các em còn thiếu và yếu; Thứ ba, cơ sở vật chất, phương tiện - thiết bị dạy học ở trường phổ thông còn hạn chế, trình độ tin học của các em còn thấp và không đồng đều rất khó để các em có được môi trường học tập thuận lợi... Sự hạn chế này đã được các giảng viên khắc phục khi chuyển sang dạy học trực tuyến. Mô hình dạy học trực tuyến không còn xa lạ với giảng viên Trường CĐSP Quảng Trị là vì họ đã được các chuyên gia giáo dục Phần Lan của hai trường đại học JAMK và HAMK chia sẻ phương pháp dạy học trực tuyến qua Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý cho cán bộ quản lý và giáo viên ở Trường CĐSP Quảng Trị” (Project for improving Educationnal Leadership and Management capactty for Quang Tri Teacher Training) từ năm học 2011 - 2012. Một trong những nội dung cơ bản của dự án là trang bị cho giáo viên cách dạy và học online trên trung tâm học tập trực tuyến (OLC) với rất nhiều kỹ thuật và phương pháp hiện đại thích hợp để tiến hành giờ học sao cho có hiệu quả mà vẫn tạo sự thoải mái trong học tập của sinh viên và giáo viên đánh giá được chính xác năng lực của từng nhóm và các cá nhân. Đó là các kỹ thuật như: Mental Journey (con đường học tập), Learning diary (nhật ký học tâp), Gallery walk, Six thingking hats (sáu chiếc mũ tư duy), Creative problem solving: 8 x 8 (phương pháp 8 x 8), Cumulative teamwork (làm việc nhóm tích lũy), Learning circle (vòng tròn), Learning café, Pictures as a tool (tranh ảnh trong dạy học), Interview (phỏng vấn chuyên gia) và các phương pháp như: dạy học theo dự án (Project - based learning), dạy học theo vấn đề (Problem - based learning) và dạy học trên trang web (Web - based learning)... (Nguyễn Thị Hồng Yến, 2012). Một trong những phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả được sử dụng phổ biến trong dạy học trực tuyến (E-Learning) các môn LLCT cho sinh viên là phương pháp thảo luận nhóm và các kỹ thuật dạy học hiện đại. Phương pháp này giúp người học phải biết chia sẻ, hợp tác, lắng nghe ý kiến của mình và mọi người trong nhóm để biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo cho bản thân. Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu, triết lý giáo dục của thời đại: “Học tập suốt đời” (Lifelong learning). Còn người dạy nhờ phương pháp này sẽ phát hiện được người học đã tiếp thu, lĩnh hội kiến thức ở mức độ nào, chỗ nào còn đang mơ hồ, nhầm lẫn, 340
  6. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ chỗ nào thể hiện sự sáng tạo, mở rộng và nâng cao... để bổ sung, điều chỉnh và giúp đỡ người học theo tinh thần dạy những cái mà người học chưa biết chứ không phải dạy những cái mà giáo viên có để đạt được cả ba tiêu chí về kiến thức: “cần phải biết, nên biết và có thể biết” mà mô hình đào tạo này nêu ra. Nếu trước đây các kỹ thuật dạy học của thảo luận nhóm được tiến hành face to face trực tiếp thì giờ chuyển thành trực tuyến. Các nhóm tiến hành thảo luận và trình bày kết quả trên không gian mạng. 2.3.2. Kết quả đạt được từ việc đổi mới các phương pháp và kỹ thuật dạy học trực tuyến đối với các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Từ năm 2011 trở lại đây, Trường CĐSP Quảng Trị đã yêu cầu và khuyến khích các giảng viên sử dụng OLC để dạy học. Vì vậy, giáo viên dạy các môn LLCT đã đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học khi chuyển sang dạy học trực tuyến. Họ đã cố gắng tạo ra những màu sắc mới, diện mạo mới làm cho tiết giảng online đạt được những ưu thế nhất định: - Giúp các em có cơ hội để thể hiện mình, khẳng định mình trong quá trình học tập. - Tạo được động lực, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm sinh viên trong quá trình thảo luận thể hiện quan điểm, trình độ. - Sinh viên đã có những chuyển biến rõ rệt về thái độ, tinh thần học tập đối với môn học như: đầu tư rất nghiêm túc về thời gian, công sức cho môn học. - Trong các giờ lên lớp, các nhóm làm việc tích cực và tập trung hơn, giáo viên thực sự chỉ là người tổ chức quá trình dạy học để sinh viên tự đi tìm chân lý chứ không còn tình trạng mang chân lý sẵn đến cho các em. - Sinh viên đã thể hiện vai trò làm chủ giờ học để tiếp cận, chiếm lĩnh tri thức, đã tự mình làm những phóng sự nhỏ, thể hiện quan điểm của mình trên các diễn đàn, biết khai thác tài nguyên và nguồn học liệu mở của thư viện điện tử của nhà trường. - Giáo viên tương tác với nhiều sinh viên hơn nên sớm phát hiện được những lỗ hổng kiến thức, dễ dàng kiểm tra, đánh giá khả năng phân tích các vấn đề lý luận và vận dụng thực tiễn của sinh viên, đánh giá chính xác, khách quan về ý thức, thái độ của các em trong quá trình học tập. Bản thân giáo viên cũng có thêm cơ hội để bổ sung kiến thức cho mình trong quá trình làm việc với sinh viên. - Không những chất lượng giảng dạy và học tập vẫn được duy trì và đảm bảo như dạy học trực tiếp mà sinh viên còn được trang bị cho mình được kỹ năng học tập online thành thục, biết giao tiếp, chia sẻ và hợp tác tích cực với team của mình cũng như tương tác chủ động bất kỳ lúc nào với giảng viên trên không gian mạng. Điều này thể hiện rõ ở kết quả học tập của sinh viên năm thứ 3 do được làm quen nhiều với cách học và làm bài trên trung tâm học tập trực tuyến (OLC) của nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế như: - Đối với sinh viên năm thứ 1 và thứ 2, do chưa quen với cách học trên OLC nên giờ học không thực sự hiệu quả. 341
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Vẫn còn một số sinh viên, nhóm sinh viên chuẩn bị bài sơ sài, trả lời đối phó, đưa toàn bộ nội dung bài học từ giáo trình lên màn hình với những slide thiếu sức hấp dẫn vì sự thuyết trình tẻ nhạt. - Sự hợp tác của các thành viên trong một số nhóm còn lỏng lẻo, vẫn còn có sinh viên ỷ lại vào những bạn khác, thiếu ý thức tham gia xây dựng nội dung bài học, không thực sự cố gắng trong học tập. - Thiết kế Powerpoint rất đơn điệu và tạo cảm giác nặng nề. Hình ảnh minh chứng thiếu chọn lọc, tính thẩm mỹ kém, nặng về số lượng và nhẹ về chất lượng nên thiếu tính thuyết phục, sắp xếp chưa khoa học. - Sau khi trình bày xong nội dung của nhóm mình thì một số sinh viên không còn tập trung, thậm chí còn gây mất trật tự. Nhiều em không biết khai thác, xử lý nguồn tài nguyên, các tài liệu tham khảo để phục vụ cho bài học. Nhiều em thiếu mạnh dạn trong trình bày, mơ hồ về bài học. Kết quả học tập của năm học 2019 - 2020 đã phần nào phản ánh đúng thực trạng học online của sinh viên. Bảng 1. Kết quả học tập các môn LLCT của sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị Tổng Điểm A Điểm B và C Điểm D Khóa học/ Môn học số sinh Số Tỷ lệ Số Tỷ lệ Số Tỷ lệ năm học viên lượng (%) lượng (%) lượng (%) Những nguyên lý cơ bản của chủ K25 nghĩa Mác - Lênin 38 03 8 27 71 08 21 2020 - 2021 (Sinh viên năm thứ 1) Những nguyên lý cơ bản của chủ K24 nghĩa Mác - Lênin 43 03 7 39 90,7 01 2,3 2019 - 2020 (Sinh viên năm thứ 1) Tư tưởng Hồ Chí Minh K23 46 01 2,2 34 82,6 07 15,2 (Sinh viên năm thứ 2) 2019 - 2020 Đường lối cách mạng của Đảng K23 Cộng sản Việt Nam 46 13 28,3 31 67,4 02 4,3 2020 - 2021 (Sinh viên năm thứ 3) Nguồn: Phòng Đào tạo - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (2021) 2.3.3. Một số kinh nghiệm khi sử dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học trực tuyến để dạy các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Với gần chục năm triển khai dạy học trực tuyến (online), chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm sau: • Bước chuẩn bị - Giảng viên phải nghiên cứu kỹ giáo trình để xác định rõ những kiến thức sinh viên sẽ phải trình bày. - Xây dựng các đề tài dành cho thảo luận seminar. 342
  8. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ - Xây dựng được kho tài nguyên và tài liệu tham khảo để phục vụ cho giảng dạy và tự học của sinh viên. - Giảng viên giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm sinh viên khoảng 6 - 8 em trước từ một đến hai tuần; quy định về thời gian hoàn thành bài thảo luận, hình thức thảo luận cho phù hợp với nội dung đề tài, cách nhận xét, đánh giá; khuyến khích sự sáng tạo của các nhóm trình chiếu Powerpoint có hình ảnh, video minh chứng. Giảng viên luôn sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên. Tất cả đều được thể hiện trong đề cương môn học đã được gửi trên OLC. Sinh viên vào xem nhiệm vụ của mình để thực hiện cho đúng quy định về thời gian. • Bước tiến hành Để tiến hành dạy online, giảng viên sử dụng phối hợp linh hoạt các kỹ thuật của phương pháp thảo luận nhóm để tổ chức dạy học như: Gallery walk, Six thingking hats (sáu chiếc mũ tư duy), Learning diary (nhật ký học tâp), Pictures as a tool (tranh ảnh trong dạy học), Interview (phỏng vấn chyên gia)... (Nguyễn Thị Hồng Yến, 2012). Ngoài ra, các giảng viên đã vận dụng mô hình dạy học hiện đại khác như: dạy học theo vấn đề (Problem - based learning). Địa điểm: Phòng học zoom do nhà trường tạo ra cho các môn. Trong các giờ học online, sinh viên sẽ trình bày kết quả thảo luận của mình bằng phần mềm Powerpoint. Các nhóm khác theo dõi để nhận xét, chất vấn, góp ý. Cuối cùng, giảng viên chỉnh sửa, bổ sung, góp ý, nhận xét, đánh giá kết quả. Nếu cần, giảng viên có thể thay đổi nhóm hợp tác làm việc và người trình bày để tránh sự nhàm chán. • Một số yêu cầu trong dạy - học online - Đối với sinh viên: Các hoạt động tìm kiếm tài nguyên, đọc tài liệu, làm việc cá nhân hay làm việc nhóm... đều phải chủ động, tự giác, tích cực. Nội dung trình bày phải thể hiện được sự chính xác, tự tin, có tính thuyết phục. Hình ảnh minh chứng phải cô đọng, xúc tích có tính thẩm mỹ. - Đối với giáo viên: Giáo viên phải thường xuyên hỗ trợ, tư vấn, góp ý kịp thời để sinh viên trình bày kết quả thảo luận nhóm của mình một cách tốt nhất có thể. 2.4. Giải pháp để nâng hiệu quả dạy học trực tuyến để dạy các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các giờ học trực tuyến cho sinh viên trong những năm học tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 2.4.1. Về phía nhà trường - Tiếp tục quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường hiểu rõ áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học trực tuyến là việc cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. - Cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT để phục vụ cho việc áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại luôn luôn được bổ sung theo hướng đồng bộ và hiện đại hóa. 343
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Nhà trường có kế hoạch đánh giá và nghiệm thu một cách thực chất các giờ dạy học trực tuyến có áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại để mọi giáo viên được học hỏi và có cơ hội chia sẻ. - Có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các giáo viên có nhiều thành tích trong việc thực hiện các phương pháp này trong giảng dạy trực tuyến và sử dụng hiệu quả trung tâm dạy học trực tuyến OLC trong suốt thời qua. 2.4.2. Về phía giáo viên - Nghiên cứu chương trình và giáo trình để xây dựng các đề tài thảo luận có tính thực tiễn cao. - Xây dựng kho tài nguyên, tài liệu tham khảo phong phú. - Không ngừng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để sử dụng thành thạo các phần mềm trong dạy học trực tuyến và trung tâm học tập trực tuyến. - Am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học khác cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. - Có nghệ thuật sư phạm, nhiệt tình tư vấn, giải đáp thắc mắc cho sinh viên, có khả năng tổ chức tốt các giờ thảo luận, seminar, đánh giá công khai, công bằng, công tâm, dân chủ kết quả nghiên cứu của sinh viên... 2.4.3. Về phía sinh viên - Phải có ý thức, thái độ tích cực trong quá trình học tập. - Có kỹ năng tự học: lập kế hoạch, tổ chức việc tự học, đánh giá được kết quả tự học của mình. - Có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, chia sẻ với bạn bè, thầy cô trong học tập. - Biết tìm kiếm các nguồn tài nguyên để phục vụ cho việc tự học. - Có tài chính, kinh phí phục vụ cho các hoạt động nhóm: máy tính, điện thoại di động, lap top, mạng wifi, 4G… - Có kỹ năng trình bày tự tin, phân tích sắc sảo, mang tính thuyết phục cao. - Có năng lực nhận xét, đánh giá kết quả nghiên cứu của mình và của người khác. - Không ngừng nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ.... 3. KẾT LUẬN Để giảng dạy các môn LLCT cho sinh viên bằng mô hình dạy học trực tuyến có hiệu quả chứ không chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời thì giảng viên phải có kỹ năng sử dụng tốt phương pháp dạy học hiện đại, phải biết sử dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học đã nêu ở trên sao cho phù hợp với từng chương, từng bài để tăng sức hấp dẫn và làm mới không khí học tập nhằm tạo động lực cho sinh viên tiếp thu kiến thức môn học. Dạy học trực tuyến nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp cho mỗi sinh viên có điều kiện tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong học tập theo một phong cách riêng, nhờ vậy giúp các em nắm được vấn đề một cách chắc chắn và bền vững, chủ 344
  10. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ động bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực và kỹ năng vận dụng tri thức vào thực tiễn sao cho hiệu quả nhất. Đồng thời, đây còn là dịp tốt để các em rèn luyện ý chí và năng lực hoạt động độc lập, sáng tạo, kỹ năng hợp tác, chia sẻ, thuyết trình, tư duy khoa học. Đối với sinh viên, học trực tuyến (online) trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài là cách học thông minh nhất, hiệu quả nhất dẫn đến sự thành công trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học và lập nghiệp sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Thị Ngọc Quyên (2021), Chuyển đổi số trong giáo dục: Những thách thức và nguy cơ, truy cập ngày 15/4/2021, nguồn từ https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Chuyen-doi-so-trong- giao-duc-Nhung-thach-thuc-va-nguy-co-26836. 2. FSI (2020), 5 cách chuyển đổi số tác động đến ngành Giáo dục, truy cập ngày 10/4/2021, nguồn từ https://fsivietnam.com.vn/5-cach-chuyen-doi-so-tac-dong-den-nganh-giao-duc-21656/ 3. Mai Ngọc Tuấn (2020), Tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, truy cập ngày 15/4/2021, nguồn từ https://truongnoivu-csmn.edu.vn/ khoa-khoa-hoc-co-ban-chinh-tri-hoc/tam-quan-trong-cua-chuyen-doi-so-doi-voi-giao-duc- dao-tao-trong-giai-doan-hien-nay.html 4. Nguyễn Thị Hồng Yến (2012), “Vận dụng một số thủ thuật tiến hành thảo luận nhóm vào dạy học các môn Lý luận Mác - Lênin ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị”. Kỷ yếu Hội thảo tổng kết Dự án: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị”, Quảng Trị tháng 12/2012. 5. Phòng Đào tạo - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (2021), Các thông tin trên trang quản lý đào tạo: http://www.qtttc.edu.vn/giangvien 345
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2