intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao đối với Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

11
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao đối với Việt Nam" đề xuất bốn nhóm giải pháp là tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh của các nhà đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư công nghệ cao, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao đối với Việt Nam

  1. GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) VÀO LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ CAO ĐỐI VỚI VIỆT NAM TS. Nguyễn Trọng Nghĩa1, ThS. Nguyễn Hữu Dũng2 Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh Tóm tắt: FDI trong lĩnh vực công nghệ cao có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của quốc gia tiếp nhận, một số vai trò điển hình là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng nghiên cứu và triển khai. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các nước tiếp nhận là cần phải tăng cường thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao. Bài viết đã đề xuất bốn nhóm giải pháp là (1) tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh của các nhà đầu tư, (2) khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư công nghệ cao, (3) tăng cường công tác xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh, (4) đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao. Từ khóa: thu hút FDI; lĩnh vực công nghệ cao 1. Đặt vấn đề Thu hút FDI có vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước, tăng cường năng lực khoa học công nghệ của quốc gia, tạo ra sự lan tỏa, và là động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển, khơi dậy các nguồn lực đầu tư... FDI lĩnh vực công nghệ cao sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển đất nước trong thời đại phát triển công nghiệp 4.0, tăng cường trình độ khoa học công nghệ của quốc giá tiếp nhận... Tuy nhiên, khối lượng vốn đăng kí và thực hiện ở Việt Nam hiện nay đối với lĩnh vực này còn khá hạn chế. Bài viết tập trung nghiên cứu vai trò FDI vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam nhằm đánh giá mức độ quan trọng của nguồn vốn này, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. 2. Tổng quan tình hình thu hút FDI tại Việt Nam Tính đến tháng 12/2016 Việt Nam có 22.509 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 293,24 tỷ USD, không kể vốn tăng thêm (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 12 tháng năm 2016) .Từ năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt trung bình xấp xỉ 23 tỷ USD hàng năm, giải ngân FDI đạt trên 11 tỷ từ năm 2013 với chiều hướng tăng lên. Theo nhiều đánh giá, hội nhập kinh tế và việc thực thi các cam kết hội nhập đã có tác động tích cực đến thu hút và giải ngân FDI. Riêng năm 2016, tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI vào Việt Nam đạt xấp xỉ 24,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2015, trong số này có 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Năm 2016 mặc dù có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 50,5%, nhưngsố vốn tăng thêm chỉ đạt 5,76 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ, đồng thời đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt 3,4 tỷ USD.Tuy nhiên, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, mức cao nhất cho đến nay, là kết quả khá ấn tượng Tính lũy kế đến tháng 12 năm 2016, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tỷ lệ 52% xét tổng số dự án và chiếm 58,8% tổng số vốn FDI cả nước. Năm 2016, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút 9,8 tỷ USDvốn FDI đăng ký mới, chiếm 64,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và đó cũng là xu hướng chung cho đến nay. Ngoài một số dự án lớn thâm dụng công nghệ, phần lớn các dự án FDI vào Việt Nam ngành công nghiệp vẫn có qui mô vừa và nhỏ, trung bình cho các dự án còn hiệu lực chỉ ở mức hơn 13 triệu USD/dự án. , 279
  2. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá sôi động, trong đó đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (CNC). Tiên phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư. Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực CNC tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ như: Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) đã có dự án sản xuất quy mô hoặc đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, tại các khu CNC, vốn FDI đổ vào ngày một nhiều. Tại Khu CNC TP.HCM, sau 7 năm đi vào hoạt động, đã thu hút nhiều dự án lớn như: dự án 1 tỷ USD của tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel Corp và nhiều dự án sản xuất khác từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch),… Theo thống kê, năm 2011, Khu CNC TP.HCM đã cấp giấy phép cho 11 dự án với tổng vốn 167,391 triệu USD. Tính chung đến hết năm 2011, số dự án đầu tư vào khu CNC này đã lên đến 58 dự án, với tổng vốn 2,03 tỷ USD. Khu CNC này đã tạo ra hơn 16.000 việc làm cho người lao động. Tại Hà Nội, Khu CNC Hoà Lạc cũng dành được sự quan tâm đáng kể từ phía các nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, Khu CNC Hoà Lạc đã cấp phép cho hơn 60 dự án, với tổng vốn đạt trên 31.000 tỷ đồng. Trong hơn 60 dự án đã cấp phép, có 29 dự án đã triển khai, trong đó có 17 dự án đã đi vào hoạt động. Cơ cấu vốn FDI phân bổ nội bộ ngành công nghiệp đã có sự thay đổi tích cực hơn theo thời gian. Trong giai đoạn đầu, FDI hướng vào những ngành công nghiệp khai thác và thay thế nhập khẩu, nhưng từ năm 2000, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu đã tăng nhanh. Sản phẩm của khu vực FDI thay đổi theo hướng tăng số lượng và tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao (công nghệ thông tin, thiết bị cơ khí chính xác, sản phẩm và linh kiện điện tử...).FDI góp phần tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng hàng có hàm lượng công nghệ cao tăng lên. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc triển khai các dự án thuộc lĩnh vực CNC đã và đang góp phần rất lớn cho phát triển công nghệ, thu hút việc làm, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực CNC cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 3. Vai trò của FDI lĩnh vực công nghệ cao đối với Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 Việt Nam bắt đầu quá trình thu hút FDI từ năm 1988 và theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2016, có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với 22.509 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 293,25 tỷ USD [1]. Khu vực FDI ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng quy mô vốn đầu tư cho nền kinh tế, đóng góp vào thu ngân sách, tạo việc làm. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, thu hút FDI vào Việt Nam mới chỉ chạy theo số lượng dự án mà thiếu chiến lược thu hút theo chất lượng dự án, hơn nữa các các dự án chủ yếu tập trung vào ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, tiêu thụ nhiều nguyên nhiên liệu, sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường mà điển hình như dự án Formosa ở Hà Tĩnh làm ô nhiễm cả một vùng biển của 04 tỉnh miền Trung. Từ thực tế đó, Chính phủ đưa ra Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. Danh mục công , 280
  3. nghệ cao được phê duyệt trong Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 11 năm 2014. Do vậy, trong thời gian tới cần tăng cường và khuyến khích thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam sẽ được ưu tiên hàng đầu. Lí do được ưu tiên và khuyến khích là vì vai trò của FDI vào lĩnh vực công nghệ cao được thể hiện dưới các khía cạnh sau. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao cho quốc gia tiếp nhận Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ gen... Tại các khu công nghệ cao (CNC) tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều với những dự án lớn như: Intel, Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch)... Theo thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, lũy kế đến năm 2016 có 71 dự án được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,250 tỷ USD. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam được xếp trong Top 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm, làm cho cơ hội để Việt Nam thu hút FDI trong lĩnh vực CNC là rất lớn. Điều này đã khiến cho nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực CNC cũng tăng cao [11]. Luật Công nghệ cao năm 2008 định nghĩa Nhân lực công nghệ cao là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao [9]. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ cao là một trong những nút thắt trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam. Ví dụ, năm 2008 Tập đoàn Intel mời 2000 sinh viên năm cuối từ 05 năm trường trường đại học chuyên ngành kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, họ chỉ chọn được 40 sinh viên đủ khả năng, sau đó 40 sinh viên này được đưa sang nhà máy của Intel ở Malaysia học và làm quen với công việc [2]. Hoặc Tập đoàn Samsung cần 2.000 nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn làm việc tại nhà máy, nhưng rất khó khăn trong tuyển dụng. Còn hãng Global Cybersoft hàng năm phỏng vấn 20%-25% nhân lực công nghệ thông tin, nhưng chỉ 10% đáp ứng được yêu cầu [12]. Sự hạn chế này vừa là cơ hội vừa là thách thức cho Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, Tập đoàn Intel Việt Nam (IPV) đã có nhiều sáng kiến trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Mỹ. Trong đó, Dự án HEEAP là dự án hợp tác về giáo dục ngành kỹ thuật giữa doanh nghiệp và Nhà nước (hợp tác công tư - PPP) đầu tiên với quy mô lớn theo chuẩn ABET. Tính đến nay, Dự án đã giúp đào tạo hơn 5.000 giảng viên thuộc 8 trường đối tác và trao 454 suất học bổng nữ sinh kỹ thuật cho sinh viên thuộc 15 trường cao đẳng và dạy nghề tại Việt Nam [13]. Qua cách tuyển dụng, đào tạo và đào thải của các tập đoàn như Intel cũng tạo ra cú hích cho việc đào tạo nghề của Việt Nam phát triển đúng hướng để thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư Nhật Bản chiếm số lượng nhiều nhất về các dự án FDI công nghệ cao như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Tiếp theo là các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực CNC tại Việt Nam như Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp). Trong tương lai, các dự án của các tập đoàn công nghệ cao này sẽ thu hút một lượng lớn kỹ sư và công nhân Việt Nam vào đây làm việc, từ đó tạo ra một một lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng cao. Nói một cách khác, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được cải thiển đáng kể bằng việc tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao. Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT - Supporting Industry) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển CNHT giúp giảm nhẹ kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó giúp hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với , 281
  4. những nước nhập khẩu hàng hóa [3]. Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng [4] (nhấn mạnh các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những công nghiệp hỗ trợ quan trọng [3]). Khi thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ kéo theo ngành CNHT phát triển. Ví dụ, Tập đoàn Samsung Electronics có tới gần 100 doanh nghiệp hỗ trợ, Công ty Canon Việt Nam đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh, riêng Canon Bắc Ninh có gần 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, nguyên liệu; Nhà máy Microsoft (KCN VSIP) nâng quy mô lên hơn 49 dây chuyền sản xuất, đã kéo theo hàng chục doanh nghiệp vệ tinh [6]. Tương tự, theo tính toán của UBND tỉnh Thái Nguyên, dự kiến các dự án công nghệ cao của Samsung tại Thái Nguyên sẽ thu hút khoảng 80-100 doanh nghiệp vệ tinh đầu tư tại Việt Nam và Thái Nguyên. Được biết, nhiều doanh nghiệp phụ trợ đã đến tìm hiểu và dự kiến đầu tư tại khu công nghiệp Yên Bình và khu công nghiệp Điềm Thụy của Thái Nguyên [7]. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh Samsung cũng có dự án SEHC với vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), được khởi công ngày 19/05/2015. Để có thể vận hành dự án này, Samsung đã phối hợp với SHTP tìm kiếm các nhà cung ứng trong và ngoài nước. Trên 80 doanh nghiệp đã tìm đến với Samsung, trong đó phân nửa số này là các dự án đầu tư mới. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết đã có khoảng 300 triệu USD vốn đầu tư được các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án sản xuất linh phụ kiện cho SEHC. Trong số này, có các dự án đáng chú ý, như Dự án Aureumaex Precision Plastics Việt Nam của Công ty United More SDN. BHD (Malaysia), vốn đầu tư 21 triệu USD; Dự án Samjin, vốn đầu tư 15 triệu USD, Dự án Sacyoung, 23 triệu USD…[14]. Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam cần có chiến lược dài hơi hơn nữa để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất trong nước, không để các công ty vệ tinh của nước ngoài lấn át quá nhiều như hiện nay. Thậm chí ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn rất manh mún, chỉ mới đang ở bước đầu phát triển ngành CNHT. Yếu tố then chốt nào quyết định đến phát triển ngành CNHT? Đó chính là đầu tư công nghệ. Theo ông Kazuhito Hagiwara - Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu - Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) Việt Nam đang làm ngược với nguyên tắc phát triển ngành CNHT, đáng nhẽ Việt Nam nên tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các doanh nghiệp thì Việt Nam lại tập trung vào hỗ trợ về hành chính như thủ tục đầu tư, hướng dẫn cách làm “phom mẫu” thế nào, hay hỗ trợ về mặt pháp lý…[5]. Điều này dẫn đến ngành CNHT trong nước khó cạnh tranh với các công ty thuộc CNHT của nước ngoài.. Ví dụ, tại Bắc Ninh, Công ty Canon chỉ có 10 doanh nghiệp trong nước, Công ty Samsung chỉ có 4 doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp sản phẩm hỗ trợ… Trong hơn 140 doanh nghiệp hỗ trợ thu hút vào tỉnh chỉ có hơn 40 doanh nghiệp trong nước, con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng [6] . Góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu và triển khai Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, do vậy việc chuyển giao công nghệ thông qua các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là FDI vào lĩnh vực công nghệ cao để tiếp cận công nghệ tiên tiến của các nước phát triển là một mục tiêu quan trọng trong thu hút FDI [10]. Luật Công nghệ cao năm 2008 định nghĩa Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có [9]. Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 định nghĩa Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền , 282
  5. chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. chuyển giao công nghệ có thể tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài [8]. Chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Đây là nguồn lực luôn được các nước đang phát triển quan tâm với nhiều ưu đãi khi thu hút FDI. Đồng thời, TNCs đầu tư thành lập các trung tâm R&D tại nước tiếp nhận FDI, mà phần lớn hoạt động R&D này nhằm cải biến công nghệ cho phù hợp với điều kiện sử dụng của địa phương. Intel xây dựng phòng sạch loại 100 để sản xuất chip máy tính năm 2014 và hiện nay Intel có chủ trương xây dựng phòng sạch loại 10.000 được dùng để sản xuất các sản phẩm công nghệ hiện đại hơn, với kích thước nhỏ hơn để chuẩn bị cho các sản phẩm IoT (Internet ò Things – Các thiết bị kết nối Internet). Trước đó, để chuẩn bị cho xu hướng mới, IPV đã kết hợp với VNPT Technology để hình thành một phòng lab nghiên cứu về IoT. Đây là phòng lab nghiên cứu về IoT hiện đại đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cũng chỉ có 5 - 6 phòng lab như vậy [13]. Từ năm 2012, Tập đoàn Samsung đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC). SVMC đang được đặt tại Tòa nhà PVI ở Hà Nội mà Samsung đi thuê. Đến năm 2016 Tập đoàn Samsung đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D - research & development) tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Đây được xem là dự án trung tâm R&D quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến năm 2016 do một “đại gia” công nghệ nước ngoài đầu tư xây dựng [15]. Tương tự, Bosch cũng đã thành lập Trung tâm R&D công nghệ và phần mềm tại TP.HCM vào năm 2010. Đến năm đến năm Trung tâm này đã có gần 900 nhân viên làm việc tại đây. Ngoài trung tâm này, Bosch còn thành lập một trung tâm R&D về kỹ thuật ô tô tại TP.HCM. Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2015, trung tâm này đã mở rộng phạm vi hoạt động nhằm dẫn đầu việc phát triển các sản phẩm linh kiện điện tử theo hướng ứng dụng hệ thống quản lý động cơ và hệ thống quản lý an toàn chủ động. Ngoài việc tạo ra các cải tiến công nghệ cho hai trong số các nhà máy sản xuất phụ tùng của Bosch tại Thái Lan và Đức, trung tâm này cũng đã bắt đầu hợp tác phát triển với những trung tâm tương tự của Bosch tại Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Séc [16]. Với hàng loạt trung tâm R&D của các tập đoàn hàng đầu thế giới được xây dựng sẽ giúp nâng cao khả năng nghiên cứu và triển khai hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. 4. Một số giải pháp nâng cao khả năng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao đối với Việt Nam Tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh của các nhà đầu tư - Về cơ sở hạ tầng: huy động mọi nguồn lực để đầu tư thực hiện quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ - Về thủ tục: hoàn thiện quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mang tính ổn định theo hướng dài hạn. Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại các cơ quan có liên quan - Hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện các quy định về thủ tục đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tìm hiểu thông tin và địa điểm cũng như lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao được ưu tiên. - Công khai chính sách ưu đãi đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý. - Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: dựa trên những lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên thu hút, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích phát triển. , 283
  6. Khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư công nghệ cao - Đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hợp lý, mềm dẻo và có tính ổn định cao. Tiếp tục áp dụng có hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép. - Nghiên cứu, đề xuất, ban hành những chính sách ưu đãi FDI mang tính đặc thù và khuyến khích mạnh hơn cho các dự án lớn. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh - Tổ chức tuyên truyền, quảng bá chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức. Xây dựng tiêu chí ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư. Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt chú trọng đến các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. - Tăng cường mối liên kết giữa ban quản lý với trung tâm xúc tiến đầu tư, văn phòng đại diện của Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao - Liên kết với các trường đại học nước ngoài đào tạo công nghệ cao - Tăng cường thu hút các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ cao - Có chính sách đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám TÀI LIỆU THAM KHẢO 12. TS.Nguyễn Tấn Vinh (2017), “Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm”, http://kinhtevadubao.vn, cập nhật ngày 31/01/2017. 13. Lê Nguyên Minh (2008), “Chỉ 40/2000 sinh viên đủ điều kiện làm việc cho Intel”, www.tuoitre.com.vn. 14. TS. Lê Xuân Sang, Th.S Nguyễn ThịThu Huyền (2011), “Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Lý luận, thực tiễn và định hướng cho Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Viện Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, tháng 12/2011. 15. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2011. 16. Nguyễn Linh (2016), “Ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu?”, www.daibieunhandan.vn, cập nhật ngày 18/12/2016. 17. Nguyễn Ánh Tuyết (2017), “Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp nội địa (DDI)”, http://sgtvt.bacninh.gov.vn, cập nhật ngày 22/03/2017. 18. Lương Bằng (2013), “Samsung đang kéo DN Hàn Quốc vào Thái Nguyên”, www.baohaiquan.vn, cập nhật ngày 21/05/2013. 19. Quốc hội (2006), Luật số 80/2006/QH 11 về Luật chuyển giao công nghệ, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006. 20. Quốc hội (2008), Luật số 21/2008/QH12 về Luật Công nghệ cao, ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2008. 21. GS. TSKH Nguyễn Mại (2017), “FDI với chuyển giao công nghệ”, www.baodautu.vn, cập nhật ngày 22/03/2017. 22. Ths. Đỗ Thị Ngọc Ánh (2016), “Thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam”, http://tapchitaichinh.vn, cập nhật ngày 29/10/2016. 23. Nguyễn Huy Cảnh (2015), “Đáp ứng nguồn nhân lực để thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao”, http://nistpass.gov.vn, cập nhật ngày 08/05/15. 24. Hồng Sơn (2017), “Intel đầu tư trọng điểm cho nhà máy tại Việt Nam”, http://baodautu.vn, cập nhật ngày 13/01/2017. 25. Hà Nguyễn (2016), “Tổ hợp Samsung 2 tỷ USD sắp đi vào hoạt động”, http://baodautu.vn, cập nhật ngày 16/03/2016. 26. Nguyên Đức (2016), “Samsung xây trung tâm R&D tại Hà Nội: Việt Nam được gì?”, http://baodautu.vn, cập nhật ngày 01/04/2016. 27. Nguyên Đức (2016), “Việt Nam: bao giờ thành trung tâm R&D?” www.baodautu.vn, cập nhật ngày 26.02.2016. , 284
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1