intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện mô hình đào tạo giáo viên tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu xã hội

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

14
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Hoàn thiện mô hình đào tạo giáo viên tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu xã hội nghiên cứu đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện mô hình đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện mô hình đào tạo giáo viên tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu xã hội

  1. HOÀN THIỆN MÔ HÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TẠI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI NGUYỄN HỮU DUY VIỄN Trường Đại học Quảng Bình Tóm tắt: Đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội là một khâu mấu chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo của nước ta. Trên cơ sở phân tích nhu cầu xã hội đối với vấn đề đào tạo giáo viên, tổng quan các mô hình đào tạo giáo viên tại Việt Nam, dựa trên sự liên hệ từ kinh nghiệm nước ngoài, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện mô hình đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Từ khóa: mô hình đào tạo giáo viên, nhu cầu xã hội. 1. MỞ ĐẦU Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo quốc dân với mục tiêu “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả” đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta 1. Để thực hiện thành công chủ trương trên thì việc đổi mới này phải bắt đầy từ việc đổi mới các cơ sở đào tạo giáo viên (GV). Thực hiện theo định hướng đó, trong thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều chương trình hành động đối với các trường sư phạm như: Đề án sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo GV, Đề án phân loại các cơ sở giáo dục đại học, Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015,... Tuy nhiên, vấn đề có ý nghĩa then chốt quyết định sự thành công vẫn là việc phát triển đội ngũ GV có đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ đổi mới. Trong vấn đề đào tạo GV, để thực hiện đổi mới thì cần bám vào vấn đề cốt lõi là lựa chọn và vận dụng mô hình phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn còn trái chiều và chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Để có một cách nhìn toàn diện, cần thiết phải làm rõ những ưu điểm, hạn chế của mỗi mô hình, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, trên cơ sở đó để hoàn thiện bổ sung vào thực tiễn tại Việt Nam. Nghiên cứu sau đây khái quát về nhu cầu xã hội đối với công tác đào tạo GV trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phân tích thực trạng về các mô hình đào tạo GV đang được triển khai tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình đào tạo GV, hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục. 1 Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị BCH TƯ Đảng (khoá XI lần thứ 8) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 555
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 2. NỘI DUNG 2.1. Đào tạo GV đáp ứng nhu cầu xã hội Nhu cầu xã hội đối với công tác đào tạo GV chính là quy mô và chất lượng của đội ngũ GV phục vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước. Do đó, đào tạo GV đáp ứng nhu cầu xã hội trước hết là đào tạo GV đủ về mặt số lượng, đáp ứng kịp thời với nhu cầu GV theo từng thời kỳ và sinh viên (SV) sư phạm sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được các đòi hỏi, mong đợi của nhà tuyển dụng và các bên liên quan. Nhu cầu này được thể hiện ở nhiều góc độ: nhu cầu của người học, nhu cầu của Nhà nước, nhu cầu của đơn vị tuyển dụng,… và có sự thay đổi tùy thuộc vào quy mô dân số, chủ trương chính sách của Nhà nước, bối cảnh quốc tế ở mỗi giai đoạn [1]. Nước ta đang ở giai đoạn đẩy mạnh kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, vấn đề đào tạo GV đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng được coi là một nhu cầu xã hội cấp thiết. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo GV cần có sự chuyển biến phù hợp, tuân thủ theo quy luật cung - cầu. Trong đó, “cung” thể hiện ở khả năng đào tạo, cung ứng GV của cơ sở đào tạo GV, còn “cầu” thể hiện qua yêu cầu của xã hội mà cụ thể là chính quyền, người học và nhà tuyển dụng. Như vậy, trong mối quan hệ này có 4 bên liên quan: cơ sở đào tạo, người học, chính quyền và nhà tuyển dụng. - Cơ sở đào tạo GV đóng vai trò là bên cung ứng sản phẩm. Trong bối cảnh chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ trong đó có vấn đề tự chủ về tài chính thì nhu cầu của các cơ sở này là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo GV, là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với các cơ sở này; - Người học đóng vai trò là khách hàng. Nhu cầu của người học là được lựa chọn thầy cô giỏi, chọn lớp, môn học, trình độ và hình thức để có được kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng; - Chính quyền đóng vai trò trong việc định hướng, điều chỉnh xã hội. Nhu cầu của chính quyền là việc cung cấp được nguồn nhân lực GV đảm bảo về chất lượng, số lượng, cơ cấu ngành và trình độ chuyên môn để giảng dạy cho các cấp học thuộc nền giáo dục quốc dân; - Nhà tuyển dụng cụ thể là các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường công lập) hoặc các doanh nghiệp (đối với các trường ngoài công lập). Nhu cầu của nhà tuyển dụng: có được đội ngũ GV đạt chuẩn và vượt chuẩn, kịp thời để tuyển dụng và bố trí, bổ sung đội ngũ cho các trường phổ thông. Tuy nhiên, do quy luật cung - cầu chưa được xem trọng nên thực trạng những năm gần đây cho thấy việc đào tạo GV đã không đáp ứng được so với nhu cầu xã hội. Tình trạng đào tạo đại trà, điểm tuyển sinh thấp, việc đào tạo qua loa, quá nặng về học thuật nhưng thiếu kỹ năng sống nên nhiều SV sư phạm mới tốt nghiệp không thể tìm được việc làm. Trong khi đó, đội ngũ GV hiện hữu thì lại hạn chế về năng lực đổi mới, không đáp ứng được khả năng tự học, tự bồi dưỡng. Điều này đã dẫn đến tình trạng GV thừa về số lượng song lại thiếu về chất lượng. 556
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 2.2. Các mô hình đào tạo GV đang được triển khai tại Việt Nam Hiện nay, cả nước có 114 cơ sở đào tạo GV, trong đó gồm 9 trường Đại học Sư phạm (ĐHSP), 5 trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT), 1 trường Đại học Giáo dục, 33 trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP), 2 trường Trung cấp Sư phạm (TCSP) và 64 trường đại học, cao đẳng đa ngành có khoa/ ngành sư phạm 2. Cơ chế quản lý đối với các cơ sở đào tạo GV này do nhiều cơ quan khác nhau từ trung ương đến địa phương quản lý: Bộ Giáo dục và Đào tạo (một số trường ĐHSP, ĐHSPKT, CĐSP và đại học đa ngành có khoa/ ngành sư phạm), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (một số trường ĐHSPKT), Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Giáo dục), Ủy ban nhân dân tỉnh/ TP trực thuộc Trung ương (các trường đại học địa phương và một số trường CĐSP hoặc cao đẳng đa ngành có khoa/ ngành sư phạm), các Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương (các trường TCSP và một số trường CĐSP,…). Tuy có sự phức tạp về phân cấp quản lý, nhưng mô hình đào tạo của các cơ sở này lại khá đồng nhất: chủ yếu là mô hình song song (chỉ trừ Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng mô hình nối tiếp): - Mô hình song song: đào tạo theo truyền thống, xen kẽ kiến thức khoa học cơ bản và chuyên ngành với nghiệp vụ sư phạm. Đây là mô hình ra đời sớm nhất, đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Mô hình này có ưu điểm: dễ kiểm soát về quy mô, chất lượng đào tạo, dễ tích hợp giữa kiến thức chuyên môn và sư phạm, SV được định hướng và tiếp cận với nghề đang theo học ngay từ lúc bước vào trường. Vì vậy, SV có thuận lợi để tiếp cận các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là mặt bằng kiến thức, nghiên cứu khoa học nhìn chung còn kém, sự cứng nhắc ở đầu vào nên khó chuyển đổi sang nghề ngoài sư phạm. - Mô hình nối tiếp gồm 2 giai đoạn: khoa học cơ bản và chuyên ngành thực hiện trước, sau đó đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Hiện nay, mô hình này đang được triển khai tại các trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội và năm cuối tại Trường Đại học Giáo dục, với 2 hình thức: (1) hình thức có định hướng 3 + 1 (văn bằng thứ 1) dành cho SV trúng tuyển ngành sư phạm; (2) hình thức không định hướng 4 + 1 (văn bằng thứ 2) dành cho SV tốt nghiệp Cử nhân khoa học, có nhu cầu đào tạo thêm để nhận Cử nhân sư phạm. Tuy nhiên, trong đào tạo tín chỉ, SV có thể linh động về thời gian (rút ngắn hoặc kéo dài) chứ không nhất thiết phải cố định như khung thời gian trên [4]. Ưu điểm của mô hình này là sự huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngành sư phạm tham gia đào tạo GV, thời gian dành cho học tập, nghiên cứu cơ bản tập trung hơn nên trình độ khoa học sâu hơn, đồng thời có thể linh hoạt trong việc chuyển đổi ngành nghề. Hạn chế lớn nhất của mô hình này: thời gian dành cho khối nghiệp vụ sư phạm gói gọn trong giai đoạn sau (1 năm) nên SV ít có cơ hội cọ sát thực tiễn. 2 Thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (01/2017). 557
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Như vậy, có thể thấy rằng: (1) Hiện nay ở nước ta chủ yếu vẫn đang áp dụng mô hình song song (truyền thống), trong khi đó, mô hình nối tiếp thì chưa được phổ biến (mới chỉ được thực hiện duy nhất tại Đại học Quốc gia Hà Nội). Sự phổ biến của việc lựa chọn mô hình song song phụ thuộc khá nhiều vào bối cảnh nền kinh tế nhằm tiết kiệm nguồn tài chính trong đào tạo cũng như các yêu cầu cấp bách về nguồn lực GV trong thời kỳ mới giải phóng đất nước; (2) Mỗi mô hình đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Tuy nhiên, các đặc điểm này lại có khả năng hỗ trợ, bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. 2.3. Hoàn thiện mô hình đào tạo GV tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu xã hội Việc hoàn thiện mô hình nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả, chất lượng GV. Qua phân tích thực trạng tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay và kinh nghiệm tại một số nước có nền giáo dục tiên tiến, chúng tôi đề xuất một số vấn đền nhằm hoàn thiện mô hình đào tạo GV như sau: - Vận dụng linh hoạt các mô hình để tận dụng ưu thế Thực trạng nổi lên hiện nay là vấn đề GV thừa về số lượng song lại thiếu về chất lượng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc đào tạo ồ ạt và thiếu cơ chế kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian, trong khi đó, dân số nước ta đang có xu hướng chững lại. Song, đây mới chỉ là vấn đề số lượng. Điều đáng nói hơn vẫn là vấn đề chất lượng khi các SV tốt nghiệp sư phạm THPT, THCS hạn chế về chuyên môn và khả năng thích ứng so với SV tốt nghiệp cử nhân khoa học. Điều này có thể do chất lượng đầu vào của SV sư phạm thấp, nhưng phần khác là do mô hình đào tạo GV không còn phù hợp. Hiện nay, đa số các trường sư phạm đều thực hiện đào tạo theo mô hình song song, chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện mô hình đào tạo nối tiếp. Việc áp dụng theo mô hình song song phát huy hiệu quả khi kiểm soát được cả đầu vào (thu hút được HS giỏi) và đầu ra (đảm bảo đầy đủ năng lực GV theo yêu cầu đổi mới). Tuy nhiên, hiện nay, với tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của GV, lương bổng thấp, thêm vào đó là tình trạng dư thừa GV như hiện nay thì rất khó thu hút được HS giỏi vào học sư phạm. Mặt khác trong mô hình song song, nghề GV được xác định ngay từ khi trúng tuyển vào trường, nghĩa là SV phải đi theo suốt khóa học và không có hướng rẽ nếu trong quá trình học mà SV nhận thấy không còn phù hợp với nghề GV nữa. Chính điều này là rào cản chặn đứng khả năng chọn lọc để có được những GV giỏi trong tương lai. Bởi vì thực tế cho thấy có những SV có đầu vào điểm cao nhưng qua quá trình đào tạo lại chưa chắc đã giỏi. Với bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, nếu xem sản phẩm của việc đào tạo GV là một hàng hóa thì việc tuân thủ quy luật cung - cầu sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với việc thực thi kiểu nhiệm vụ như hiện nay. Trong mối quan hệ này, các cơ sở đào tạo GV phải cạnh tranh với nhau, nên luôn phải đổi mới để tồn tại. Vai trò của Nhà nước không giảm xuống mà còn tăng lên ở vị trí kiểm soát quy mô và đảm bảo chất lượng đầu 558
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 ra. Với mô hình nối tiếp không định hướng, các SV học cử nhân có khả năng bổ sung kiến thức để nhận Văn bằng thứ 2 Cử nhân Sư phạm. Do đó, nếu có chính sách hợp lý, chúng ta sẽ thu hút được một đội ngũ GV có năng lực chuyên môn cao. Cách làm này gần giống như mô hình đang được áp dụng hiệu quả tại Malaysia, Pháp, Đức [2]. Như đã phân tích ở 2.2 thì mô hình song song và nối tiếp đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, việc lựa chọn cần có sự linh hoạt. Tính linh hoạt trong việc vận dụng tùy thuộc vào các đối tượng đào tạo khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm sinh lý lứa tuổi của học sinh mà các yêu cầu về tính nghiệp vụ và kiến thức, kỹ năng chuyên môn có sự khác nhau về mức độ. Việc đào tạo GV mầm non và tiểu học vì vậy cần nhấn mạnh đến tính nghiệp vụ hơn nên việc lựa chọn mô hình song song có thể giúp đem lại hiệu quả hơn. Trong khi đó, đào tạo GV THCS, THPT và TCCN lại chú trọng tính chuyên sâu, sự phân hóa hướng đến phát triển năng lực chuyên sâu của người học thì việc lựa chọn mô hình nối tiếp sẽ có ưu thế hơn. Tuy nhiên, cũng không nên “giáo điều” trong việc chỉ lựa chọn một mô hình duy nhất mà cần có nhận thức “mở” với sự đan xen giữa hai mô hình trong quá trình vận dụng. Chúng tôi đề xuất mô hình đào tạo GV THCS, THPT và TCCN dựa trên nền tảng của mô hình nối tiếp (2 + 2), trong đó giai đoạn đầu đào tạo kiến thức cơ sở và ngành. Kết thúc 2 năm đầu sẽ tiến hành chọn lọc SV giỏi (đạt các yêu cầu quy định) vào hệ sư phạm, các trường hợp còn lại sẽ học tiếp chương trình cử nhân khoa học. Trong giai đoạn sau, SV sẽ học xen kẽ kiến thức nghiệp vụ sư phạm và một số kiến thức chuyên ngành cần thiết dựa trên nền tảng kiến thức ngành đã học ở hai năm đầu. Như vậy, việc xác định hướng đi sư phạm không hình thành ngay từ khi vào học mà qua hết 2 năm đại cương thì mới được xác định. Với hai năm còn lại cho việc học nghiệp vụ đan xen kiến thức chuyên ngành sẽ tạo điều kiện cho SV có thời gian rèn luyện và tích hợp kiến thức dễ dàng hơn. Cách làm này vừa khắc phục được các hạn chế của việc đặt riêng lẻ hai mô hình đào tạo GV. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này, đòi hỏi mã ngành, cơ chế tuyển sinh cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. - Tận dụng nguồn lực dựa trên “sức mạnh hệ thống” Mạng lưới các cơ sở đào tạo GV có nguồn gốc xuất phát từ các trường TCSP đào tạo GV mầm non và GV tiểu học, CĐSP đào tạo GV THCS và ĐHSP đào tạo GV THPT bao gồm hai chức năng đặc thù: đào tạo mới đội ngũ GV theo các cấp, ngành học được giao và bồi dưỡng, chuẩn hóa cho các GV đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT [2]. Cùng với sự đổi mới về kinh tế đất nước dưới tác động của cơ chế thị trường, bên cạnh các ngành đào tạo đặc thù, các cơ sở này đã mở rộng việc đào tạo đối với khối ngành ngoài sư phạm (có thể vẫn giữ nguyên tên cũ hoặc chuyển đổi tên), thực hiện nâng cấp từ CĐSP thành đại học đa ngành/ lĩnh vực, hoặc sáp nhập và chuyển thành một khoa của đại học đa ngành/ lĩnh vực. Do đó, hiện nay các các cơ sở đào tạo GV đa số đã là các ĐH đa ngành/ đa lĩnh vực đào tạo cả GV lẫn nhân lực ngoài sư phạm. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ theo bề sâu để phục vụ cho việc đào tạo khối ngoài sư phạm là nền tảng, lợi thế rất lớn cho việc nâng cao năng lực chuyên môn trong đào tạo GV. 559
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, một số cơ sở đào tạo GV, nhất là các trường đại học địa phương, CĐSP, TCSP có năng lực đội ngũ còn hạn hẹp. Trong khi đó, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS,… phải có trình độ từ đại học trở lên”. Điều này đã đặt các trường đứng trước “ngõ cụt”. Do đó, để có thể tận dụng được “sức mạnh hệ thống”, các trường này cần được hợp nhất lại với nhau hoặc hợp nhất với các trường ngoài sư phạm để đào tạo đa ngành, hoặc sáp nhập vào các trường lớn (với vị trí một phân hiệu) để có thể tập trung nguồn lực tốt hơn. Việc cơ cấu này không những tận dụng được đội ngũ GV mà còn tận dụng được cả cơ sở vật chất hiện có. - Tăng cường sự tự chủ, hướng tới mô hình “đại học doanh nghiệp” Hiện nay, các cơ sở đào tạo GV ở nước ta được triển khai theo mô hình “đóng”, chỉ được giao cho những cơ sở công lập được Chính phủ lập ra. Nguồn tài chính phục vụ cho việc đào tạo được trích từ ngân sách. Cách làm này phù hợp trong thời kỳ kinh tế tập trung khi mới giải phóng đất nước, nhưng đến nay nền kinh tế thị trường nên thì cách làm này đã không còn hiệu quả mà ngược lại còn dẫn đến sự trì trệ. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục được xem là một dịch vụ nên cũng tuân thủ quy luật cung - cầu như các loại hình dịch vụ khác. Do đó, việc tăng cường tự chủ, hướng tới mô hình “đại học doanh nghiệp” sẽ đem lại khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cao hơn so với mô hình “đại học truyền thống” [3]. Thông qua cơ chế tự chủ, hướng đến mô hình “đại học doanh nghiệp”, bản thân các cơ sở đào tạo GV sẽ phải tự hoàn thiện để tồn tại, từ đó có thể tạo ra các hàng hóa có chất lượng cao cho xã hội. Đồng thời, quá trình đào thải một cách tự nhiên cũng sẽ diễn ra đối với các cơ sở kém năng lực. Việc đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng cho xã hội từ các kết quả ứng dụng nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo, hoặc thông qua việc mở rộng loại hình trường phổ thông, trường thực hành, trường năng khiếu,… trong các Đại học Sư phạm, có thể đem lại nguồn thu bền vững cho các cơ sở đào tạo trong bối cảnh tự chủ. Mặt khác, mô hình trường phổ thông trực thuộc Đại học sư phạm còn đem lại giá trị lớn hơn trong việc hỗ trợ đào tạo GV. Đây là địa chỉ thực hành cho SV sau thời gian lên lớp tương tự như mô hình bệnh viện trong các đại học ngành y tế. Điều này giúp khắc phục điểm yếu về thời lượng và tính ngắt quảng của khâu kiến tập, thực tập trong đào tạo GV như hiện nay. 3. KẾT LUẬN Hoàn thiện mô hình đào tạo GV là cơ sở quan trọng để tiến hành đổi mới giáo dục và đào tạo của nước ta. Trong bối cảnh kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế như hiện nay, mô hình đào tạo GV ở nước ta có thể được hoàn thiện thông qua việc vận dụng đan xen giữa hai mô hình song song và nối tiếp trong đào tạo THCS, THPT và TCCN và tiếp tục vận dụng mô hình song song đối với đào tạo GV Mầm non và Tiểu học. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực, góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội thì cần tận dụng “sức mạnh hệ thống” trong việc đào tạo GV, đặc biệt đối với các cấp học THCS, THPT, TCCN và đồng thời chủ động hơn nữa trong việc tự chủ về nguồn thu nhằm hướng đến mô hình “đại học doanh nghiệp”. 560
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Cảnh Hạnh (2013), Quản lý đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục trung học cơ sở vùng Đông Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ Quản lý giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [2] Nguyễn Quang Kính (2016). Kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở một số nước, Tài liệu hội thảo 70 năm Sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển, Hà Nội. [3] Koivula J, Rinne R (2008). The dilemmas of the changing university. In: Shattock M (ed.), Entrepreneurialism in universities and the knowledge economy: diversification and organizational change in european higher education. Open University Press, 12/2008, 256 p . [4] Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2016). Vài suy nghĩ về đổi mới hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên Việt Nam đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Tài liệu hội thảo 70 năm Sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển, Hà Nội. Title: IMPROVING TEACHERS TRAINING MODEL TO MEET THE SOCIAL DEMANDS IN VIETNAM Abtract: Teachers training to meet the social requirements is a key part in the renovation of education and training in our country. Based on analyzing the social requirements in teachers training, reviewing teacher training models in Vietnam, learning foreign experience, the article gives some suggestions to improve the teachers training model to meet the social demands in global integration. Keyword: teachers training model, social demands ThS. NGUYỄN HỮU DUY VIỄN Khoa Khoa học xã hội - Trường Đại học Quảng Bình ĐT: 0914545820, Email: nguyenhuuduyvien@gmail.com 561
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2