intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện pháp luật đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

34
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn quy định các tội phạm về bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự, đánh giá thực trạng pháp luật và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện pháp luật đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

  1. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI Đào Mộng Điệp TÓM TẮT: Bảo hiểm xã hội (BHXH) giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. BHXH là lĩnh vực cần thiết không thể thiếu trong đời sống xã hội nhưng mặt khác, chính trong lĩnh vực này cũng nảy sinh các hành vi vi phạm cũng như tội phạm ở các mức độ khác nhau xâm phạm sự hoạt động bình thường của BHXH, cản trở việc thực hiện các mục tiêu xã hội của hoạt động này. Bài viết nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn quy định các tội phạm về bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự, đánh giá thực trạng pháp luật và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Từ khóa: tội phạm, bảo hiểm xã hội, pháp luật. ABSTRACT:Social insurance plays a pivotal role in the system of social security policies. Social insurance is a necessary and indispensable field in social life, but on the other hand, it is in this field that violations as well as crimes at different levels infringe on the normal operation of social insurance. , hindering the realization of the social goals of this activity. The article researches the theoretical basis and practice of regulating crimes related to social insurance in the Penal Code, assesses the legal situation and proposes solutions to improve the law for crimes in the Criminal Code. social insurance sector. Keywords: crime, social insurance, law. 1. Dẫn nhập Bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng trong chính sách ASXH của mỗi quốc gia để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững1. Để đảm bảo cho BHXH phát triển và phát huy hiệu quả ý nghĩa kinh tế-xã hội đòi hỏi phải có hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh và phù hợp điều chỉnh các hoạt động BHXH, trong đó bao gồm cả hệ thống thống nhất các  TS, GVC., Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường Đại học luật thuộc Đại học Huế; Email: diepdm@hul.edu.vn 1 Trần Hoàng Hải, Lê Thị Thúy Hương (2011), “Pháp luật an sinh xã hội kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia, 230
  2. chế tài từ thấp đến cao có thể được áp dụng cho các hành vi trái pháp luật BHXH2. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) lại không có điều luật nào quy định tội danh riêng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó có chủ trương lớn là “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa3”. BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã bổ sung 02 điều luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực BHXH. Đây là những tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong BLHS, chưa được áp dụng nhiều trong thời gian vừa qua; do đó thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không tránh khỏi những vướng mắc nhất định. 2. Cơ sơ lý luận và thực tiễn về việc quy định các tội phạm trong lĩnh vực BHXH trong BLHS Trong khoa học tư pháp hình sự thì tội phạm trong lĩnh vực BHXH được hiểu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật BHXH, được quy định là tội phạm trong BLHS hoặc trong các luật liên quan đến BHXH, gây thiệt hại cho quỹ BHXH, cho quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH4. Nghiên cứu so sánh cho thấy, đa số các quốc gia trên thế giới đều thống nhất trong quan niệm cần bảo vệ lĩnh vực BHXH bằng pháp luật hình sự. Điều này được thể hiện trong nhận xét của ILO về vấn đề này như sau: “Hầu hết văn bản pháp luật của các nước đều quy định các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng và quyền thụ hưởng các chế độ. Các văn bản pháp luật ASXH phải quy định các hành vi vi phạm có thể bị truy tố, ví dụ như: Gian lận để hưởng BHXH hay không nộp tiền đóng BHXH đúng hạn… Cũng có quan điểm cho rằng, không nên hình sự hóa đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH vì lo ngại trước việc có thể làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm khác thì cho rằng miễn là những hình phạt được pháp luật quy định là hợp 2 Nguyễn Thị Anh Thơ (2012), “Về các tội phạm trong lĩnh vực BHXH”, Tạp chí Luật học, Số 1(140), tr.50- 55 3 Xem: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 4 Nguyễn Thị Anh Thơ (2012), “Về các tội phạm trong lĩnh vực BHXH”, Tạp chí Luật học, Số 1(140), tr.50- 55 231
  3. lý, thỏa đáng và có ý nghĩa giáo dục, răn đe thì nhất định sẽ được NLĐ ủng hộ. Bằng việc truy tố những kẻ phạm pháp, cơ quan, tổ chức BHXH có thể khẳng định rằng dưới góc nhìn của người tham gia BHXH, mình đã làm tròn nghĩa vụ đối với họ. Trong một số trường hợp, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ phạm tội nghiêm trọng lại càng chứng minh tính đúng đắn trong việc phòng ngừa đối với những kẻ phạm pháp tiềm ẩn5”. Ví dụ, tội phạm trong lĩnh vực BHXH ở Anh [tiểu biểu truyền thống pháp luật Anh Mỹ (Common Law)] bao gồm những hành vi trốn đóng BHXH và những hành vi gian lận BHXH (như dùng thẻ giả để nhận lương hưu hoặc các chế độ bảo hiểm khác) và những hành vi này đã được quy định tại Điều 60 và Điều 61 Luật ASXH của Anh6; hoặc pháp luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức [tiểu biểu truyền thống pháp luật Châu Âu Lục địa (Civil Law)] quy định trong BLHS một số hành vi phạm tội liên quan đến BHXH như hành vi không đóng BHXH, hành vi không nộp BHXH sau khi khấu trừ tiền BHXH từ tiền lương của NLĐ, hành vi vi phạm các quyền thụ hưởng BHXH7. Trong Hiệp hội ASXH Đông Nam Á, ví dụ tiêu biểu là Cộng hòa Philippin có hai hệ thống thực hiện BHXH cho hai nhóm đối tượng khác nhau là hệ thống bảo hiểm cho công chức, viên chức chính phủ và hệ thống BHXH cho nhóm NLĐ làm việc trong khu vực tư nhân. Hai hệ thống BHXH này được điều chỉnh bởi hai luật riêng biệt (Luật BHXH cho công chức, viên chức và Luật ASXH) nhưng cả hai luật này cùng có điểm chung là đều quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ở mức độ bị coi là tội phạm8. Điều này được thể hiện thông qua thực tiễn hoạt động TTHS tại Philippin thì cơ quan tư pháp đã tiến hành xử lý hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, điển hình là Bản án của Toà án thành phố Quezon kết tội Giám đốc Công ty MAV Printer - Midldrd Acena đã trốn đóng BHXH trong năm 2000 với tổng số tiền là 150.000 pêsô 55 (gần 44 triệu đồng Việt Nam). Toà án thành phố Quezon đã tuyên phạt Acena 4 năm tù giam 5 ILO (2018), “Innovative approaches for ensuring universal social protection for the future of work”, [https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---dgreports/--- cabinet/documents/publication/wcms_629864.pdf]. 6 Xem tại: https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1998/14/contents/enacted 7 Xem tại: https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stgb/ 8 Nguyễn Thị Anh Thơ (2010), “Tội phạm trong lĩnh vực BHXH theo pháp luật Philippines và Việt Nam”, Tạp chí Luật học, Đại học Luật Hà Nội, Số 4, 232
  4. và thu hồi khoản tiền 360.000 pêsô kể cả tiền phạt 3% lãi suất tính từ năm 2000 đến thời điểm tuyên án 9. Ở Việt Nam, về kỹ thuật lập pháp, mặc dù BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), là kết quả của việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1985; tuy nhiên một số quy định của BLHS tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường; nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, toàn diện như: các tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế, tài chính, chứng khoán, tài nguyên, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm…vvv10. Những hành vi vi phạm này có thể do cá nhân thực hiện nhưng cũng có hành vi chủ yếu do những doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế gây ra. Thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) cho thấy: “Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì ngày càng có nhiều vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, nhất là các vi phạm của các đơn vị sử dụng lao động (các pháp nhân) trong lĩnh vực bảo hiểm như: không đóng bảo hiểm cho NLĐ; đóng BHXH chậm hoặc đóng không đúng mức quy định; trực tiếp hoặc gián tiếp làm sai lệch, giả mạo hồ sơ để hưởng BHXH (lập hồ sơ giả; mua giấy xác nhận giả; cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; ...); chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ, làm mất quyền lợi của NLĐ11”. Tuy nhiên, các hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định tại BLHS do đó không có cơ sở pháp lý để cơ quan tố tụng tiến hành xử lý hình sự. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Điều này đòi hỏi cần phải đổi mới tư duy trong việc hoàn thiện các quy định của BLHS. Do đó, BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã “hình sự hóa” một số hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH với 02 tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ (Điều 216). Việc BLHS năm 2015 (sửa đổi, năm 2017) các quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với mô hình LHS Việt Nam, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và thông lệ quốc tế. Mặc dù là tội phạm mới được quy định 9 Xem tại: http://www.pnp.gov.ph/index.php/news-and-information/4423-eleazar-hails-guilty-verdict-to-8- kidnappers-of-chinoy-woman, 10 Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo đánh giá tác động của dự án BLHS (sửa đổi)”, Hà Nội 11 Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo số 35/BC-BTP kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS”, Hà Nội 233
  5. trong BLHS, tuy nhiên kể từ thời điểm BLHS có hiệu lực trên thực tế cho đến nay thì công tác xử lý hình sự đối với tội phạm BHXH đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu báo cáo của TANDTC cho thấy, kể từ thời điểm BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành trên thực tế (1/1/2018) cho đến nay đã có 12 BHXH tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 40 hồ sơ. Trong đó: 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214 BLHS, 01 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 BLHS và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216 BLHS. Kết quả xử lý của Cơ quan điều tra như sau: (i) 02 vụ việc đã bị khởi tố nhưng theo tội danh khác: “Giả mạo trong công tác” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Hưng Yên); (ii) 01 vụ việc chuyển sang xử lý VPHC do Cơ quan điều tra xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Quảng Bình); (iii) 10 vụ việc Cơ quan điều tra không thụ lý với lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/01/2018) (Đồng Nai, Đồng Tháp); (iv) 01 trường hợp doanh nghiệp đã tự nguyện trả hết nợ sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra (Hà Tĩnh). Hồ sơ chuyển Cơ quan điều tra chủ yếu là các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý của cơ quan BHXH như: biên bản VPHC; quyết định xử phạt VPHC; thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN; biên bản và kết luận thanh tra; công văn báo cáo UBND tỉnh; hồ sơ thanh toán chế độ BHXH; 62 danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN12. 3. Quy định pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực BHXH trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và một số kiến nghị hoàn thiện 3.1. Thực trạng các quy định pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực BHXH trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) 3.1.1. Tội gian lận BHXH, BHTN [Điều 214 BLHS] Gian lận BHXH, BHTN là một trong những tội danh mới về tội phạm trong BHXH được quy định trong BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Về thực chất, gian lận BHXH, BHTN là hành vi gian dối để lừa dối người khác nhằm chiểm đoạt tiền bảo hiểm13. Các dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội phạm này như sau: 12 Đỗ Thanh Phan (2020), “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ trong BLHS năm 2015”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội 13 “Nguyễn Thị Anh Thơ (2013), “Tội phạm trong lĩnh vực BHXH”, Nxb. Tư pháp 234
  6. * Mặt khách quan: Tội phạm này được thực hiện với “lỗi cố ý”. Người phạm tội biết việc “Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ..., dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH...” là những hành vi vi phạm pháp luật (trái pháp luật) nhưng vì các động cơ khác nhau, do đó vẫn thực hiện. * Mặt chủ quan: Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua hai hành vi đặc trưng được quy định tại Khoản 1, Điều 214 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau: (i) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH; (ii) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN. Theo quan điểm của TANDTC thì hành vi “lập hồ sơ giả” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) được hiểu hành vi lập hồ sơ BHXH, BHTN trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn...) để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho NLĐ và chế độ khác theo quy định của pháp luật14. *Khách thể: Khách thể của tội phạm này trước hết là những thiệt hại về tài sản cho quỹ BHXH thể hiện dưới hình thức bị chiếm đoạt, bị thất thoát. Sau là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về lợi ích trước mắt của NLĐ (quyền được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp...) và lợi ích lâu dài mà NLĐ được hưởng khi hết tuổi lao động (quyền được hưởng lương hưu…)15. Về kỹ thuật lập pháp, trong cấu thành định khung cơ bản thì BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức tiền tối thiểu là 20 triệu đồng. Phân tích BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và Nghị quyết 05/NQ-HĐTP cho thấy việc xác định số tiền để truy cứu TNHS là tổng số tiền mà tội phạm chiếm đoạt được từ hành vi đã thực hiện, tuy nhiên sẽ không bao gồm số tiền bị thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận BHXH, BHTN. 14 Xem: Nghị quyết 05/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của BLHS 15 Phan Tiến Anh (2015), “Trao đổi về việc áp dụng BLHS Việt Nam để xử lý tội phạm trong lĩnh vực BHXH - Một số vướng mắc, kiến nghị”, Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 3/2015 235
  7. * Chủ thể: Chủ thể thực hiện tội phạm này là cá nhân, bao gồm ba loại đối tượng: (i) Người tham gia BHXH, BHTN (Bắt buộc, tự nguyện); (ii) Các cá nhân đang công tác trong các đơn vị có thuê mướn, sử dụng, trả công và tham gia BHXH, BHNT cho NLĐ theo quy định của pháp luật BHXH; (iii) Các cá nhân đang công tác trong cơ quan BHXH. Lưu ý, pháp nhân thương mại không phải là chủ thể thực hiện tội phạm này 3.1.2. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ [Điều 216, BLHS] Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ là một tội danh mới được bổ sung vào BLHS năm 2015. Tội này được bổ sung nhằm khắc phục tình trạng NSDLĐ cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, gây thiệt hại cho quyền lợi của NLĐ, nhất là khi gặp những rủi ro như ốm đau, mất việc làm. Theo đánh giá của Ban soạn thảo BLHS năm 2015 thì: “Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của NLĐ. Một vấn đề nổi cộm vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ ngày càng gia tăng với số tiền lớn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù có thể vận dụng một số quy định của BLHS để xử lý đối với hành vi gian lận BHYT, BHXH. Tuy nhiên, do lĩnh vực BHYT, BHXH có những đặc thù. Việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực này có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước16”. Các dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội phạm này như sau: * Mặt chủ quan: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, bởi hành vi phạm tội được BLHS mô tả: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ”. Biểu hiện mục đích của người phạm tội là thu lợi bất chính từ việc trốn trách nghĩa vụ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. *Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua hai hành vi đặc trưng được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 216 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 16 Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo số 77/BC-BTP về việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)”. 236
  8. 2017), cụ thể như sau: Sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác (i) Không đóng (Trốn đóng) hoặc (ii) Không đóng số tiền bảo hiểm BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc từ 10 NLĐ trở lên. Như vậy, có thể thấy hành phạm tội được thực hiện dưới dạng không hành động - không thực hiện một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc trong khi có đủ điều kiện thực hiện. Về mặt kỹ thuật lập pháp, thì quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ trong BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung, và có cách hiểu khác nhau như “Trốn đóng bảo hiểm”; “Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN”; “Không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN”; “Không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 06 tháng trở lên”. Do đó, TANDTC đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể như sau: (i) Trốn đóng bảo hiểm được hiểu là hành vi của NSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN; (ii) Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan có thẩm quyền; (iii) Không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp NSDLĐ không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với NLĐ hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định; (iv) Không đóng đầy đủ là việc NSDLĐ đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định; (v) 06 tháng trở lên được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên. Cần lưu ý thêm, dấu hiệu “Không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 06 tháng trở lên” dùng để phân biệt giữa hành vi phạm tội này với các trường hợp chậm đóng hoặc chây ỳ không đóng các loại hình bảo hiểm nêu trên cho NLĐ thì không bị “hình sự hóa”. * Khách thể: Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, vì vậy tội phạm này được quy định trong Chương XVIII (Các tội phạm trật tự kinh tế). Việc không tuân thủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN 237
  9. của NSDLĐ dẫn tới sự thâm hụt các quỹ BHXH, BHYT, BHTN17. Do đó, thông qua khách thể của tội phạm thì có thể hiểu hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ cho NSĐ được hiểu là hành vi của NSDLĐ không tuân thủ theo quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc cho NLĐ kể từ khi đơn vị thành lập và đi vào hoạt động cho đến khi bị phát hiện, gây thiệt hại cho các quỹ BHXH cũng như cho quyền lợi của NLĐ. * Chủ thể: Phân tích luật thực định cho thấy, chủ thể thực hiện tội phạm này là chủ thể đặc biệt [là những tội phạm mà LHS quy định chủ thể của tội phạm phải có thêm những dấu hiệu đặc thù ngoài những dấu hiệu chung, phổ biến mà chủ thể của bất kỳ tội phạm nào cũng có được18]; bởi theo quy định của Luật BHXH năm 2014; và Luật BHYT năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) thì NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho NLĐ khi tham gia QHLĐ. Do đó, chủ thể thực hiện tội phạm “tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ” là NSDLĐ. Theo quy định của BLLĐ năm 2019 thì NSDLĐ bao gồm pháp nhân hoặc cá nhân19. Điều kiện pháp lý cho sự xuất hiện của từng nhóm chủ thể này có thể khác nhau và theo quy định của pháp luật chuyên ngành (LDN năm 2020, Luật HTX năm 2012, BLDS năm 2015…). Qua đó, cho thấy để doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia QHLĐ với tư cách NSDLĐ thì các chủ thể nói trên phải được xuất hiện, thành lập, hoạt động một cách hợp pháp, tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan. Trường hợp NSDLĐ là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự. 3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực BHXH trong BLHS Thứ nhất, về kỹ thuật lập pháp thì Điều 214 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã “ghép” hai tội danh “gian lận BHXH ” và “gian lận BHTN” thành một tội danh duy nhất “tội gian lận BHXH, BHTN”. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) cho thấy các hành vi gian lận BHXH không những không giảm mà còn gia tăng trong thời gian qua, trước hết gây thiệt hại trực tiếp cho quỹ BHXH, làm 17 Lê Quang Thắng (2018), “Bình luận tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo BLHS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 9/2018 18 Nguyễn Thị Hiên (2015), “Chủ thể đặc biệt trong Luật hình sự Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội 19 Khoản 2, Điều 3 BLLĐ năm 2019 238
  10. cho quỹ BHXH phải chi các khoản chi sai và qua đó gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia BHXH; đồng thời hành vi gian lận BHXH đã gây ra nguy hiểm cho xã hội hơn so với hành vi gian lận BHTN20. Do đó, việc đặt hai tội danh này trong cùng một Điều 214 BLHS năm 2015; và quy định một “chế tài chung” là không hợp lý. Vì vậy, theo tác giả nên tách ra thành hai điều luật quy định hai tội riêng là tội gian lận BHXH và tội gian lận BHTN, trong đó chế tài xử phạt đối với tội gian lận BHTN nên nhẹ hơn so với chế tài xử phạt tội gian lận BHXH. Trong quá trình sửa đổi BLHS, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan QLNN về y tế đã cho rằng: “Đề nghị tách tội danh này thành hai tội danh độc lập là tội gian lận đóng BHXH và tội gian lận BHYT; bổ sung thêm loại hình BHTNcũng là đối tượng của tội này, vì loại hình này mới được bổ sung trong Luật BHXH năm 201421”. Thứ hai, quy định về hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ [Điều 216, BLHS]. Trên cơ sở đảm bảo sự phù hợp với lý luận khoa học luật hình sự, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và thông lệ quốc tế thì BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về việc truy cứu TNHS pháp nhân thương mại đối với 33 tội danh, trong đó có tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ tại Điều 216 BLHS. Việc quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là xu thế chung trên thế giới [119 nước đã quy định TNHS của pháp nhân]. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 5/10 nước đã quy định chính thức và 2/10 nước (Lào và Brunei) đang trong quá trình xem xét22. Về hình phạt, pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng hình phạt chính như: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; bên cạnh đó có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Trong BLHS năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì pháp nhân thương mại phạm tội “trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ” thì bị áp dụng hình phạt 20 Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo số 35/BC-BTP kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS”, Hà Nội 21 Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo số 77/BC-BTP về việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)”. 22 Nguyễn Ngọc Chí (2019), “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (hiện hành)”, Nxb. CTQG 239
  11. chính “phạt tiền”. Tuy nhiên, BLHS không quy định về hình phạt bổ sung; theo tác giả dựa trên bản chất của hình phạt bổ sung là hình phạt được bổ sung thêm vào hình phạt chính và không được tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo một hình phạt chính. Tùy theo từng trường hợp cụ thể của vụ án, kèm theo một hình phạt chính tòa án có thể tuyên một hoặc vài hình phạt bổ sung23. Dó đó BLHS cần bổ sung hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội “trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ” nhằm tạo cơ sở pháp lý để Tòa án có căn cứ áp dụng nếu thấy cần thiết; nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hình phạt chính và phòng ngừa tội phạm; cụ thể như sau: “Trường hợp xác định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của người đại diện theo pháp luật gây ra thì pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn khi hình phạt này không được áp dụng là hình phạt chính”. 4. Kết luận Hoạt động BHXH là quá trình thu, chi và quản lí quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng góp của những người tham gia BHXH nên những hành vi bị coi là tội phạm trong lĩnh vực BHXH cũng không nằm ngoài quá trình thu, chi và quản lí hoạt động BHXH đó24. Trên thực tế thì các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trong lĩnh vực BHXH vừa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi pháp luật BHXH; vừa vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đó là một trong những nguyên nhân của nhiều cuộc đình công, gây mất ổn định xã hội. Do đó, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã hình sự hóa đối với các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trong lĩnh vực BHXH để răn đe cũng như nâng cao tính tuân thủ pháp luật của NSDLĐ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình với NLĐ nói riêng và đối với xã hội nói chung TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Tiến Anh (2015), “Trao đổi về việc áp dụng BLHS Việt Nam để xử lý tội phạm trong lĩnh vực BHXH - Một số vướng mắc, kiến nghị”, Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 3/2015. 2. Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo đánh giá tác động của dự án BLHS (sửa đổi)”, Hà Nội. 23 Trịnh Quốc Toản (2011), “Hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam”, Nxb. Chính trị Quốc gia. 24 Phạm Minh Việt (2019), “Quản lý thu bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính 240
  12. 3. Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo số 35/BC-BTP kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS”, Hà Nội. 4. Bộ luật Hình sự Đức, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stgb/ 5. Nguyễn Ngọc Chí (2019), “Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (hiện hành)”, Nxb Chính trị Quốc Gia. 6. Đạo luật An sinh xã hội 1998, https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1998/14/contents/enacted 7. Trần Hoàng Hải, Lê Thị Thúy Hương (2011), “Pháp luật an sinh xã hội kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia. 8. Nguyễn Thị Hiên (2015), “Chủ thể đặc biệt trong Luật hình sự Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. 9. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 10. Nghị quyết 05/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của BLHS. 11. ILO (2018), “Innovative approaches for ensuring universal social protection for the future of work”, [https://www.ilo.org 12. Đỗ Thanh Phan (2020), “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ trong BLHS năm 2015”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. 13. Nguyễn Thị Anh Thơ (2010), “Tội phạm trong lĩnh vực BHXH theo pháp luật Philippines và Việt Nam”, Tạp chí Luật học, Đại học Luật Hà Nội, Số 4. 14. Nguyễn Thị Anh Thơ (2012), “Về các tội phạm trong lĩnh vực BHXH”, Tạp chí Luật học, Số 1(140). 15. http://www.pnp.gov.ph/index.php/news-and-information/4423-eleazar-hails-guilty- verdict-to-8-kidnappers-of-chinoy-woman. 16. Nguyễn Thị Anh Thơ (2013), “Tội phạm trong lĩnh vực BHXH”, Nxb. Tư pháp. 17. Lê Quang Thắng (2018), “Bình luận tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo BLHS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 9/2018. 241
  13. 18. Trịnh Quốc Toản (2011), “Hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia, 19. Phạm Minh Việt (2019), “Quản lý thu bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính. 242
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2