intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khoa học cộng đồng: Từ lý thuyết đến thực tiễn và triển vọng cho ứng phó các vấn đề môi trường đô thị ở Việt Nam

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

15
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Khoa học cộng đồng: Từ lý thuyết đến thực tiễn và triển vọng cho ứng phó các vấn đề môi trường đô thị ở Việt Nam" phân tích các triển vọng áp dụng tiếp cận khoa học cộng đồng trong quản trị môi trường và thúc đẩy xã hội tri thức ở Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khoa học cộng đồng: Từ lý thuyết đến thực tiễn và triển vọng cho ứng phó các vấn đề môi trường đô thị ở Việt Nam

  1. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG KHOA HỌC CỘNG ĐỒNG: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN VÀ TRIỂN VỌNG CHO ỨNG PHÓ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM Nguyễn Minh Quang* Tóm tắt: Đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam đang tạo ra áp lực lớn về môi trường và suy thoái tài nguyên. Các thách thức này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do bùng nổ dân số đô thị và sự mở rộng quy mô các thành phố. Hoạt động kinh tế và cư dân đô thị có thể đối mặt với rủi ro kép nếu các thách thức môi trường đô thị cộng hưởng với tác động từ biến đổi khí hậu như nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Trong khi đổi mới công nghệ và quy hoạch đô thị tiên tiến có ý nghĩa cốt yếu trong giải quyết các vấn đề môi trường đô thị, xu hướng nổi lên gần đây của các giải pháp khoa học cộng đồng đã cho thấy hiệu quả tích cực ở các đô thị có nguồn lực giới hạn. Bài viết này nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết về sự ảnh hưởng của khoa học cộng đồng trong nghiên cứu và quản trị môi trường đô thị. Dựa trên phân tích dữ liệu nghiên cứu quốc tế, bài viết này chỉ ra tầm quan trọng của khoa học cộng đồng trong đổi mới tiếp cận nghiên cứu khoa học, giáo dục và xây dựng niềm tin cộng đồng, và thúc đẩy quyết sách dựa trên khoa học. Các tác động này được thể hiện ở hai trường hợp nghiên cứu ở Mỹ và Bỉ - nơi các dự án khoa học cộng đồng chứng minh tiềm năng giải quyết các vấn đề môi trường và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích các triển vọng áp dụng tiếp cận khoa học cộng đồng trong quản trị môi trường và thúc đẩy xã hội tri thức ở Việt Nam. Từ khóa: Khoa học cộng đồng; Ô nhiễm môi trường; Phát triển đô thị bền vững; Quản trị môi trường; Tiếp cận từ dưới lên. 1. Bối cảnh và vấn đề nghiên cứu “Khoa học cộng đồng” là một thuật ngữ bắt đầu được đề cập nhiều ở các diễn đàn về môi trường, sinh thái và biến đổi khí hậu trong vài năm gần đây. Kể cả trong hoàn cảnh đại dịch Covid- 19, khi mà hầu hết các dự án nghiên cứu bị đình trệ, các dự án nghiên cứu và hành động dựa trên tiếp cận khoa học cộng đồng vẫn phát triển, đóng góp dữ liệu hữu ích cho nhiều lĩnh vực khoa học, bao gồm các nghiên cứu chống Covid (Dinneen, 2020). Ở một số viện nghiên cứu y dược của Hoa Kỳ, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ khoa học cộng đồng để phục vụ dự báo thời điểm bùng * Giảng viên, Đại học Cần Thơ, email: nmquang@ctu.edu.vn. 342
  2. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT phát, hiểu cơ chế hoạt động và triệu chứng bệnh, và trong nghiên cứu điều chế thuốc (Samuel, 2021; Dinneen, 2020). Hiện nay, tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ Internet và điện thoại thông minh ở phạm vi toàn cầu, đã thúc đẩy sự phát triển mau chóng của khoa học cộng đồng. Hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng địa phương trở nên dễ dàng hơn nhờ các ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép thu thập và đóng góp dữ liệu theo cách đơn giản mà bất kỳ người dân nào cũng có thể thực hiện được. Các công cụ khoa học cộng đồng hiện nay được thiết kế dựa trên các chuẩn quản lý dữ liệu nghiêm ngặt từ đầu vào đến đầu ra, bao gồm quy chuẩn đảm bảo chất lượng dữ liệu, hạ tầng dữ liệu, kiểm chứng dữ liệu, quản trị dữ liệu và các nguyên tắc đóng góp và sử dụng dữ liệu mở (Sherbinin et al., 2021). Một số nền tảng dữ liệu khoa học cộng động được sử dụng phổ biến trên thế giới gồm iNaturalist, OpenStreetMap, BioCollect, CitSci.org, NASA’s GLOBE Observer, PlantNet, Open Development Mekong, v.v.. (Liu et al., 2021). Toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế trong khoa học cũng thúc đẩy sự hiện diện của dữ liệu khoa học cộng đồng trong các chương trình vận động chính sách ở quy mô quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu của các tổ chức quốc tế. Một số nghiên cứu gần đây của NASA và Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học cộng đồng trong “dân chủ hóa khoa học” và thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận thông tin khoa học. Dữ liệu đóng góp của cộng đồng cũng trở nên ngày càng quan trọng và được ưa chuộng đối với giới nghiên cứu, viện chính sách, các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế (Sherbinin et al., 2021). Các lĩnh vực sử dụng rộng rãi dữ liệu khoa học cộng đồng gồm đa dạng sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu, địa sinh học, nông - lâm - ngư nghiệp, phòng chống thiên tai, dịch bệnh,… Nhiều cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ, Canada, Ireland, Scotland, Nhật Bản,… đã thể chế hóa vai trò của khoa học cộng đồng. Các tổ chức thuộc Liên hợp quốc cũng đang sử dụng dữ liệu khoa học cộng đồng cho các hoạt động nhân đạo, ứng phó thảm họa và thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (Sherbinin et al. 2021; Irwin 2018). Sự quan tâm gia tăng dành cho khoa học cộng động ở nhiều quốc gia đã đưa đến khuynh hướng nghiên cứu và quản trị môi trường theo tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) và tiếp cận nhiều bên (multi-actor) cho phép và khuyến khích sự tham gia của công chúng trong đóng góp và chia sẻ thông tin phục vụ quá trình hoạch định, thiết kế và đánh giá hiệu quả chính sách (Sherbinin et al., 2021; Quang và Borton, 2020). Một số nghiên cứu cho thấy xu hướng này rõ hơn qua các diễn đàn khoa học cộng đồng, nơi đóng vai trò kết nối các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các nhà khoa học và các chuyên gia khoa học cộng đồng cùng phối hợp để đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường và phát triển bền vững (European Commission Joint Research Centre, 2018; Lepenies và Zakari, 2021; Schade et al., 2021; Van Oudheusden và Abe, 2021). Tuy vậy, nỗ lực để định nghĩa và thúc đẩy vai trò của khoa học cộng đồng trong cấu trúc quản trị môi trường đang thay đổi vẫn còn hạn chế, gây ra các nhận thức khác nhau về khoa học cộng đồng, nhất là ở các nước đang phát triển (Froeling et al., 2021). Ở Việt Nam, áp lực tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa ở khắp đất nước. Đô thị hóa quá mức vừa gây lãng phí quỹ đất nông - lâm nghiệp vừa tạo ra những hệ lụy thấy rõ về 343
  3. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG môi trường và đa dạng sinh học. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về giải pháp tiếp cận mới giúp tăng cường hiệu quả quản trị khí hậu và ứng phó chủ động và hữu hiệu với các vấn đề môi trường ở các vùng đô thị. Nghiên cứu này nhằm phân tích triển vọng của khoa học cộng đồng ở các đô thị Việt Nam nơi có các thách thức an ninh môi trường đang đe dọa sự phát triển bền vững và có hạ tầng số phát triển hoàn thiện để cho phép các sáng kiến khoa học cộng đồng được triển khai hiệu quả. Mặc dù khoa học cộng đồng không phải là giải pháp tiếp cận nhiều bên duy nhất trong nghiên cứu và quản trị môi trường, nhưng nó có nhiều thế mạnh vượt trội trong việc tạo ra dữ liệu quy mô lớn (crowdsourcing data) một cách mau chóng và bảo chứng cho sự bền vững của dự án nghiên cứu cũng như lan tỏa kết quả nghiên cứu rộng rãi hơn so với các giải pháp khác (Froeling et al., 2021). Bài viết này trước hết cung cấp cơ sở lý thuyết về khoa học cộng đồng dựa trên quan điểm lịch sử để làm sáng tỏ nguồn gốc và bản chất của nó. Phần tiếp theo thảo luận về tầm quan trọng của khoa học cộng đồng đối với chính sách, khoa học và nhận thức khoa học của công chúng. Hai trường hợp nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Bỉ được sử dụng để minh chứng cho ứng dụng của khoa học cộng đồng trong nghiên cứu và ứng phó vấn đề môi trường đô thị cụ thể ở các thành phố. Phần tiếp theo thảo luận các triển vọng áp dụng khoa học cộng đồng ở Việt Nam theo các lĩnh vực cấp thiết hiện nay. Trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy khoa học cộng đồng ở nước ta vì một xã hội tri thức và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. 2. Khoa học cộng đồng: Định nghĩa và lịch sử phát triển Mặc dù khoa học cộng đồng mới được phổ biến những năm gầy đây, nhưng nó có nguồn gốc phát triển từ cách đây hơn một thế kỷ. Wells W. Cooke, thành viên của Hiệp hội các nhà điểu cầm học Hoa Kỳ (American Ornithologists’ Union), được cho là người đầu tiên cho phép sự tham gia của các cộng đồng địa phương vào nghiên cứu về tập quán di cư của một số loài chim cuối thế kỷ 19 (Palmer 1917; National Geographic 2012). Cooke đã thành lập mạng lưới các tình nguyện viên ở khu vực Bắc Mỹ, phần lớn là nông dân và cán bộ quản lý khu bảo tồn. Họ được hướng dẫn để thu thập thông tin về thời gian đến và đi, tập tính và số lượng cá thể các đàn chim,… Các thông tin này được điền lên thẻ dữ liệu, sau đó được số hóa lưu trữ và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay (National Geographic, 2012). Việc “công chúng hóa” nghiên cứu khoa học của Cooke được xem là khởi đầu của khoa học cộng đồng trên thế giới. Thành công của Cooke thúc đẩy một số tổ chức tại Mỹ, như Hội Nghiên cứu điểu cầm Audubon, áp dụng chiến lược “công chúng hóa” trong nghiên cứu và bảo tồn các loài chim trong nhiều thập niên sau đó. Cuối những năm 1990, khi Internet bắt đầu phổ biến ở phương Tây, việc chia sẻ và đóng góp thông tin trở nên dễ dàng hơn và không bị ràng buộc về điều kiện địa lý. Vì vậy, nhiều nhà khoa học và tổ chức đã áp dụng chiến lược của Cooke trong hoạt động nghiên cứu sinh thái, môi trường và bảo tồn động thực vật quý hiếm (National Geographic, 2012). Lúc này, ở phương Tây các thuật ngữ “citizen science”, “open science” hay “communicy science” bắt đầu được sử dụng như những từ đồng nghĩa để chi cách tiếp cận nghiên cứu này. Trong khoảng một thập niên trở lại đây, “citizen science” đã được sử dụng chính thức. Các nhà nghiên cứu về môi 344
  4. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT trường, biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị,… đã tích cực khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc đóng góp thông tin và thu thập dữ liệu ở thực địa. Như vậy, “citizen sicence” được hiểu là hoạt động khoa học dựa vào cộng đồng. Các cư dân ở cộng đồng là những tình nguyện viên đóng góp thông tin, hiểu biết và dữ liệu để làm phong phú và kiểm chứng lý thuyết khoa học (National Geographic, 2012; Quang và Borton, 2020; Irwin, 2018). Nói cách khác, “citizen science” là sự tham gia và cộng tác của công chúng trong nghiên cứu khoa học (McKinley et al., 2017). Do đó, “citizen science” nên được gọi là “khoa học cộng đồng” (sản phẩm khoa học có vai trò đóng góp của cộng đồng) thay vì cách dịch sát nghĩa “khoa học công dân”. Đặc trưng của khoa học cộng đồng thể hiện ở ba yếu tố: sự tham gia của cộng đồng mang tính chất tình nguyện; cộng đồng là một chủ thể hưởng lợi trong nghiên cứu (chủ động cung cấp thông tin và được nâng cao hiểu biết về vấn đề nghiên cứu, ví dụ hiểu biết về môi trường, động vật nguy cấp...); dữ liệu đóng góp của cộng đồng có tính cập nhật, không bị kiểm duyệt chính trị và có thể kết nối để tạo ra các nghiên cứu ở nhiều quy mô khác nhau (địa phương, khu vực, quốc gia, quốc tế). Mức độ tham gia của cộng đồng trong hoạt động nghiên cứu cũng được phân thành: mức độ đóng góp (cộng đồng chỉ tham gia đóng góp dữ liệu); mức độ hợp tác (cộng đồng vừa đóng góp vừa tham gia vào quá trình phân tích dữ liệu); và mức độ “đồng tác giả” (cộng đồng tham gia vào các giai đoạn của nghiên cứu, từ nhận diện vấn đề, thiết kế câu hỏi nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu) (Keyles, 2018; Irwin, 2018). Nhiều tình nguyện viên được đào tạo bài bản trở thành các “nhà khoa học cộng đồng” chuyên nghiệp (citizen scientists) để dẫn dắt và tập huấn kỹ năng làm việc với các công cụ nghiên cứu cho cộng đồng của họ. Họ chính là những người có khả năng tham gia vào hoạt động khoa học cộng đồng ở mức độ cao nhất: nhận diện vấn đề và phối hợp với nhà khoa học để phát triển nghiên cứu. Bằng cách đó, họ trở thành những “tác nhân thay đổi” ở địa phương. 3. Những tác động của khoa học cộng đồng Khoa học cộng đồng quan trọng bởi có ảnh hưởng tích cực cho khoa học, giáo dục và chính sách (Keyles, 2018). Giới nghiên cứu là đối tượng hưởng lợi trước nhất từ dữ liệu của các nhà khoa học cộng đồng. Dữ liệu khoa học cộng đồng được chuẩn hóa và đóng góp từ rất nhiều nơi trên thế giới cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn dữ liệu cần thiết với số lượng lớn, nhiều trong số này đã được trình bày trực quan và giải thích sẵn bởi các nhà khoa học cộng đồng, mà không tốn thời gian và kinh phí. Đầu năm 2020, dự án khoa học cộng đồng Zooniverse đã huy động được sự tham gia của 200.000 tình nguyện viên để phân loại động vật qua hình ảnh. Chỉ trong 1 tuần, họ đã đóng góp hơn 5 triệu mẫu phân loại theo yêu cầu - tương đương 48 năm thực hiện của nhóm nghiên cứu (Samuel, 2021). Bằng cách tham gia đóng góp dữ liệu và chính thông tin từ dữ liệu sẽ giúp cộng đồng địa phương nâng cao hiểu biết về thông tin khoa học và vấn đề mà cộng đồng của họ đối mặt, từ đó truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực hơn trong hành vi lối sống của họ (Keyles, 2018; Quang và de Wit, 2020). 345
  5. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Chính sự thay đổi nhận thức của công chúng - thông qua trải nghiệm thực tế của họ - và dữ liệu phong phú được đóng góp sẽ mang đến cơ sở thông tin chính sách quan trọng cho địa phương. Chẳng hạn, các dữ liệu cộng đồng về xu hướng ô nhiễm không khí theo mùa cho phép chính quyền chủ động các phương án điều chỉnh nguồn phát thải (dịch chuyển nhà máy xí nghiệp, cắt giảm nhiệt điện than,…). Dữ liệu truy vết các loài động vật nguy cấp cho phép đưa ra cảnh báo sớm và đẩy mạnh các kế hoạch bảo tồn (Glauser, 2018). Ngoài ra, các dữ liệu đóng góp từ cộng đồng còn bao gồm tri thức và kinh nghiệm bản địa. Nó mang đến những quan điểm mới hoặc bằng chứng thực địa để đảm bảo các nghiên cứu và chính sách có hiệu quả với những bối cảnh địa phương cụ thể. Đây là khía cạnh tác động từ dưới lên (bottom-up) và phi tập trung hóa trong hoạch định chính sách của khoa học cộng đồng: chính sách từ thực tiễn và bằng chứng khoa học. Quan trọng hơn, khoa học cộng đồng đang phát triển mạnh hơn với nhiều tham vọng và có phạm vi kết nối ngày càng lớn (Irwin, 2018). Bùng nổ các cơ sở dữ liệu khoa học cộng đồng ở nhiều lĩnh vực khác nhau mang đến nguồn tài nguyên “siêu dữ liệu” (big data, megadata) nhờ khả năng kết nối từ các nền tảng dữ liệu khoa học cộng đồng. Đây chính là nền tảng quan trọng của nền kinh tế tri thức hiện nay và là động lực chính thúc đẩy xã hội minh bạch và phát triển bền vững ở các quốc gia. Khoa học cộng đồng cũng cho phép các “siêu dữ liệu” này một cách hiệu quả và mau chóng mà nếu thực hiện theo cách truyền thống sẽ trở nên khó khăn và tốt kém nhiều lần (Dalby et al., 2021; Samuel, 2021). Cuối cùng, khoa học cộng đồng là cơ hội cải thiện và xây dựng niềm tin của công chúng với khoa học và chính quyền (Wynne, 2006; Sandhaus et al., 2019). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, mô hình hợp tác giữa khoa học và cộng đồng có thể giúp xóa đi các hoài nghi của dư luận với kết quả nghiên cứu và các quyết sách (Irwin, 2018; Samuel, 2021). Vì vậy, đầu tư vào khoa học cộng đồng không chỉ là đầu tư vào xây dựng hợp tác giữa khoa học và công chúng mà còn là sự đầu tư vào niềm tin và sự ủng hộ từ xã hội. Chính phủ Mỹ, Anh và các nước EU đã nhận ra điều này và đầu tư nghiêm túc cho nhiều chương trình khoa học cộng đồng chiến lược từ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sức khỏe công cộng, đánh giá chính sách, v.v… (CSIRO, n.d.; NASA, n.d.; UK Research and Innovation, 2021). 4. Giải quyết vấn đề môi trường thông qua khoa học cộng đồng Tiến bộ khoa học công nghệ đang giúp các ý tưởng khoa học cộng đồng được hiện thực hóa và tạo ra nhiều tác động thiết thực trong giải quyết các vấn đề môi trường. Để giúp sự tham gia của công chúng vào quá trình nghiên cứu được dễ dàng và có hiệu quả, nhiều mobile apps được thiết kế. Thống kê của tổ chức hỗ trợ khoa học cộng đồng SciStarter trực thuộc Đại học Bang Arizona (Tempe, Mỹ) cho thấy, số lượng dự án khoa học cộng đồng trên thế giới tăng mạnh qua các năm, từ 200 dự án năm 2010 lên 800 năm 2019. Lĩnh vực ứng dụng của khoa học cộng đồng cũng đa dạng, từ các dự án về theo dõi chất lượng không khí và nước, các dự án truy vết động vật di cư, cho đến các dự án quan sát thiên văn (CSIRO, n.d.; NASA, n.d.; UK Research and Innovation, 2021). Các trường hợp nghiên cứu dưới đây cho thấy cách thức khoa học cộng đồng được sử dụng và những triển vọng mà nó mang lại đối với các vấn đề môi trường đô thị cụ thể. 346
  6. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Sáng kiến ứng phó rác thải nhựa trên sông Mississippi (Hoa Kỳ) Năm 2018, các nhà hoạch định chính sách và chính quyền các thành phố dọc sông Mississippi cam kết giảm lượng rác thải nhựa ở lưu vực sông xuống 20% vào năm 2020. Để giúp hiện thực hóa mục tiêu này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Hội Địa lý Quốc gia (National Geographic) và Đại học Georgia đã đề xuất sáng kiến Rác thải nhựa sông Mississippi. Sáng kiến này dựa trên tiếp cận khoa học cộng đồng để thu thập dữ liệu và tạo ra bản đồ thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở hai bờ sông và các khu dân cư ven sông, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng đưa ra các hành động phù hợp. Công cụ di động có tên Debris Tracker được sử dụng để cộng đồng thu thập và đóng góp thông tin về rác thải nhựa. Debris Tracker được cài đặt trên điện thoại và mọi người chỉ cần chụp ảnh kèm tọa độ tự động, lựa chọn phân loại sẵn có trên màn hình (nhựa công nghiệp, chai lọ, nhựa sinh hoạt, túi ni-lông,…), cung cấp số lượng mẫu vật đếm được tại vị trí phát hiện và “upload”. Thông tin này sẽ được thể hiện trên bản đồ Debris Tracker, mọi người có thể truy cập, nhìn thấy và theo dõi tình trạng rác thải đã được xử lý. Debris Tracker cũng là phần mềm khoa học cộng đồng sử dụng rộng rải trên thế giới để truy vết rác thải nhựa. Cho đến nay, có khoảng 3 triệu mẫu dữ liệu về rác thải nhựa trên khắp thế giới đã được đóng góp vào cơ sở dữ liệu mở Debris Tracker bởi hơn 50 ngàn tình nguyện viên cộng đồng. Tính tiện lợi và ý nghĩa giúp nó được duy trì trên điện thoại của nhiều người và số lượng cài đặt mới vẫn tăng lên từng ngày ở các nước phát thải rác nhựa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Hoa Kỳ. Hình 1. Giao diện ứng dụng Debris Tracker trên điện thoại thông minh Nguồn: DebrisTracker.org 347
  7. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Dự án “Khoa học đường phố” (CurieuzeNeuzen) ở Bỉ Filip Meysman, nhà nghiên cứu sinh - địa - hóa học tại Đại học Antwerp, đã thực hiện nghiên cứu phân tích chất lượng không khí ở vùng Flanders (Bỉ) vào tháng 5/2018. Với sự giúp đỡ của Cơ quan Môi trường Flanders và báo chí địa phương, Meysman đã thu hút được 20.000 tình nguyện viên ở vùng đô thị tham gia thí nghiệm. Mỗi tình nguyện viên chi trả 10 Euro để tham gia lắp đặt thiết bị quan trắc ô nhiễm không khí ở cửa sổ (tầng 1) nhà mình, hướng ra phía đường giao thông. Dự án kéo dài 1 tháng và hơn 99% bộ cảm biến đã phản hồi hơn 17.800 điểm dữ liệu về phòng thí nghiệm của Meysman. Dữ liệu này cho phép nhóm nghiên cứu biết được thông tin về mức độ tập trung khí NO2 ở “điểm mũi” - tức ở độ cao mà con người hít thở được nhưng nằm ngoài phạm vi phân tích được bằng ảnh vệ tinh. Chính sự tham gia của cộng đồng vào dự án đã mang đến dữ liệu quý giá về thực trạng ô nhiễm NO2 tại vùng Flanders. Hình 2. Dự án quan sát độ ô nhiễm không khí CurieuzeNeuzen thành công ở Bỉ Nguồn: CurieuzeNeuzen.org 5. Triển vọng áp dụng khoa học cộng đồng ở Việt Nam Ở nước ta, các dự án khoa học cộng đồng đã bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Hà Nội, một vài hoạt động khoa học cộng đồng quy mô nhỏ, tập hợp tình nguyện viên để đóng góp dữ liệu về khai thác cát trái phép trên sông Hồng và ô nhiễm không khí. Ở Cù Lao Chàm, nhóm nhà khoa học cộng đồng (gồm sinh viên và nhà báo trẻ) được đào tạo kỹ năng thu thập dữ liệu và đưa tin môi trường. Họ được biết đến với các nỗ lực làm sạch môi trường biển khỏi rác thải 348
  8. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT nhựa và khôi phục hệ sinh thái địa phương theo hướng du lịch sinh thái - cộng đồng bền vững. Nhưng các hoạt động khoa học cộng đồng này còn sơ khai và quy mô nhỏ so với các nước xung quanh như Thái Lan và Indonesia (Borton và Phenrat, 2021). Việt Nam được xem là điểm đến cần thiết của các dự án khoa học cộng đồng bởi các thách thức môi trường mà nước ta đang phải đối mặt: biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm biển và sông ngòi, thiên tai, dịch bệnh… Mặc dù khoa học cộng đồng chưa được chính thức thể chế hóa và công nhận bởi Chính phủ Việt Nam, nhiều cơ quan nhà nước đã bắt đầu tiếp nhận các phản hồi từ công chúng liên quan đến chính sách (Borton, 2018). Hơn nữa, mạng xã hội và kinh tế tri thức đang bùng bổ cùng với gia tăng tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh và kết nối Internet ở Việt Nam (hiện đứng top 10 thế giới, theo Statista 2021). Đây là nền tảng số cần thiết để khoa học cộng đồng phát triển. Vì vậy, định hướng một bộ phận công chúng tham giao vào các diễn đàn khoa học cộng đồng để đóng góp thông tin và tiếp cận thông tin khoa học không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của khoa học mà còn gia tăng nhận thức khoa học của người dân, hạn chế hệ lụy của tin giả và tránh lãng phí nguồn lực dữ liệu trong nhân dân. Khoa học cộng đồng là tiếp cận nghiên cứu có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực khoa học. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ba lĩnh vực mà khoa học cộng đồng cần được ưu tiên gồm: Môi trường Các cơ quan của chính phủ, chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp có thể thực hiện các dự án khoa học cộng đồng, sử dụng các công cụ, phần mềm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu miễn phí hiện có trên thế giới để trang bị cho cộng đồng đóng góp dữ liệu về các vấn đề môi trường như: ô nhiễm không khí, sông ngòi, ô nhiễm rác thải, bảo tồn đa dạng sinh học, theo dõi sâu - dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hoạt động địa chất… Y tế Một số trường đại học ở Mỹ như Đại học Carnegie Mellon và Viện Y học Howard Hughes đã sử dụng khoa học cộng đồng để dạy trí tuệ nhân tạo dự báo thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 và thiết kế protein chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào tế bào con người. Dữ liệu khoa học cộng đồng cũng được Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ sử dụng để theo dõi và nhận diện dấu hiệu nhiễm bệnh và tiến triển bệnh lý khi nhiễm virus corona. Trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, người dân sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn, đây là cơ hội để các dự án khoa học cộng đồng trong y tế phát huy hiệu quả. Hoàn cảnh dịch bệnh còn là động lực để cộng đồng tham gia đóng góp dữ liệu và nhận diện các vấn đề y tế cần được giải quyết. Chính sách Khoa học cộng đồng cho phép cộng đồng tham gia vào trải nghiệm chính sách và dữ liệu mà họ phản hồi cho phép cơ quan nhà nước đánh giá tác động chính sách mau chóng và có thể điều 349
  9. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG chỉnh kịp thời. Ở Mỹ, một số dự án khoa học cộng đồng do chính phủ tài trợ như dự án phục hồi hệ sinh thái bản địa ở các khu bảo tồn quốc gia cho phép sự đóng góp hình ảnh của du khách để giúp các nhà khoa học và hoạch định chính sách hiểu được mức độ phục hồi của các loài động thực vật vốn bị đe dọa bởi các loài ngoại lai. Ở Nhật Bản, dự án khoa học cộng đồng dưới sự bảo trợ của Quỹ Khoa học cộng đồng Takagi cũng giúp cung cấp dữ liệu lớn (big data) cho các cơ quan chính phủ đánh giá phạm vi và mức độ nhiễm xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Ở nước ta, rất nhiều lĩnh vực chính sách có thể lồng ghép các hoạt động khoa học cộng đồng để hoạch định có hiệu quả và phù hợp nguyện vọng và hoàn cảnh cụ thể ở địa phương như các chính sách nông nghiệp - nông thôn, chính sách tái định cư, chính sách môi trường, đất đai, bảo vệ rừng và động thực vật hoang dã… Khoa học cộng đồng còn thúc đẩy dân chủ cơ sở và đảm bảo tham vấn cộng đồng có thực chất trong hoạch định chính sách, đảm bảo tính minh bạch và vai trò giám sát của nhân dân trong thực thi chính sách. 6. Kết luận Khoa học cộng đồng đang là một xu hướng tiếp cận nghiên cứu mới, không chỉ có ý nghĩa với giới khoa học mà còn cần thiết cho chính quyền và cộng đồng địa phương ở những nơi dễ tổn thương bởi biến đổi môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khoa học cộng đồng thúc đẩy nhận thức khoa học trong công chúng và mang đến dữ liệu cơ sở và thông tin bản địa cho hoạch định chính sách. Sự tham gia của cộng đồng trong thu thập và đóng góp dữ liệu cho nghiên cứu khoa học cũng tạo nên các cơ sở dữ liệu mở xuyên biên giới - nền tảng của “xã hội thông tin” và “xã hội học tập”. Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nóng về an ninh môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững quốc gia. Vì vậy, khoa học cộng đồng cần được xem xét công nhận thành giải pháp tiếp cận chính thống ở những ngành, lĩnh vực cấp thiết để thúc đẩy sự chung tay đóng góp thực chất của nhân dân trong giải quyết các vấn đề này. Nguồn lực Nhà nước cho các vấn đề môi trường và phát triển bền vững luôn hạn chế. Do đó, khoa học cộng đồng là giải pháp tiếp cận để trao quyền cho các nguồn lực xã hội được tham gia trong sự công nhận và quản lý của Nhà nước. Việt Nam có nhiều lợi thế cho khoa học cộng đồng phát triển như hạ tầng số và tỷ lệ tiếp cận Internet của người dân cao. Cơ cấu dân số trẻ, lực lượng nhà khoa học trẻ và sự tham gia của các nguồn lực phi chính phủ cũng là những cơ sở đảm bảo cho sự phát triển khoa học cộng đồng. Trên thực tế, hoạt động khoa học cộng đồng ở nước ta đã xuất hiện vài năm gần đây, nhưng quy mô còn nhỏ và tổ chức còn chưa chuyên nghiệp để có thể tạo ra các cơ sở dữ liệu lớn. Hơn nữa, vì chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu cộng đồng quốc gia nên dữ liệu từ các dự án khoa học cộng đồng trong nước hiện đang đóng góp vào các nền tảng dữ liệu quốc tế. Vì vậy, việc xuất hiện/ra đời một chương trình khoa học cộng đồng quốc gia là nhu cầu cần thiết giúp giữ lại nguồn dữ liệu khoa học quý giá phục vụ quy hoạch phát triển bền vững và thúc đẩy xã hội thông tin; đồng thời cho phép Nhà nước quản lý có hiệu quả các nguồn dữ liệu đóng góp trong nhân dân. 350
  10. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Tài liệu tham khảo 1. Borton, James (2018). Can ‘citizen science’ save vietnam’s environment from unchecked economic growth? World Politics Review. https://www.worldpoliticsreview.com/articles/24607/ can-citizen-science-save-vietnam-s-environment-from-unchecked-economic-growth. 2. Borton, James and Tanapon Phenrat (2021). Citizen scientists tackle Mekong environmental challenges. Asia Times. https://asiatimes.com/2021/06/citizen-scientists-tackle- mekong-environmental-challenges/. 3. CSIRO (undated). Citizen science. https://www.csiro.au/en/education/get-involved/ citizen-science. 4. Dalby, Oliver, Isadora Sinha,… Leanne C. Cullen-Unsworth (2021). Citizen Science Driven Big Data Collection Requires Improved and Inclusive Societal Engagement. Frontiers in Climate,07. https://doi.org/10.3389/fmars.2021.610397 5. Dinneen, James (2020). Covid-19 can’t stop citizen science. UNDARK. https://undark.org/2020/04/17/covid-19-citizen-science/ 6. European Commission Joint Research Centre (2018). An inventory of citizen science activities for environmental policies. European Commission, Joint Research Centre (JRC) [Dataset] PID: http://data.europa.eu/89h/jrc-citsci-10004 7. Froeling, Frederique, Florence Gignac, Gerard Hoek,… Xavier Basagaña (2021). Narrative review of citizen science in environmental epidemiology: Setting the stage for co-created research projects in environmental epidemiology. Environment International, 152: 106470. 8. Glauser, Wendy (2018). Across the web, and the world, citizen scientists help track animal migrations. Corporate Knights. https://www.corporateknights.com/voices/wendy-glauser/ 9. Irwin, Aisling (2018). No PhDs needed: how citizen science is transforming research. Nature 562: 480-482. 10. Keyles, Shayna (2018). Citizen science, important tool for researchers. Science Connected. https://magazine.scienceconnected.org/2018/09/citizen-science-important-tool/ 11. Lepenies, Robert and Ibrahim Sidi Zakari (2021). Citizen Science for Transformative Air Quality Policy in Germany and Niger. Sustainability, 13(7): 3973. 12. Liu HY., Dörler D., Heigl F., Grossberndt S. (2021). Citizen Science Platforms. In: Vohland K. et al. (eds) The Science of Citizen Science. Springer, Cham. 13. McKinley, Duncan C., Abe J.Miller-Rushing, … Michael A.Soukup (2017). Citizen science can improve conservation science, natural resource management, and environmental protection. Biological Conservation, 208: 15-28. 351
  11. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG 14. NASA (undated). Citizen Science Projects. https://science.nasa.gov/citizenscience 15. National Geographic (2012). Citizen science. https://www.nationalgeographic.org/ encyclopedia/citizen-science/ 16. Palmer T.S. (1917). In Memoriam: Wells Woodbridge Cooke. Quarterly Journal of Ornithology, XXXIV(2): 119-132. 17. Quang, N.M. and James Borton (2020). Ecocide on the Mekong: Downstream Impacts of Chinese Dams and the Growing Response from Citizen Science in the Lower Mekong Delta. Asian Perspective, 44(4): 749-766. 18. Quang, N.M. and de Wit, J. (2020). Transformative learning and grassroots climate adaptation: case studies in Vietnam’s Mekong delta. Nature Conservation 39: 19-43. 19. Samuel, Sigal (2021). Citizen science is booming during the pandemic. VOXMedia. https://www.vox.com/future-perfect/22177247/citizen-science-amateur-backyard-birding- astronomy-covid-pandemic 20. Sandhaus, Shana, Dorsey Kaufmann & Monica Ramirez-Andreotta (2019). Public participation, trust and data sharing: gardens as hubs for citizen science and environmental health literacy efforts. International Journal of Science Education, Part B, 9(1): 54-71. 21. Schade S., Pelacho M., van Noordwijk T.., Vohland K., Hecker S., Manzoni M. (2021). Citizen Science and Policy. In: Vohland K. et al. (eds) The Science of Citizen Science. Springer, Cham. 22. Sherbinin, Alex de, Anne Bowser, Tyng-Ruey Chuang, Caren Cooper,… Kishore Sivakumar (2021). The critical importance of citizen science data. Frontiers in Climate, 25. doi.org/10.3389/fclim.2021.650760 23. UK Research and Innovation (2021). Citizen science awards to put public at heart of key research. https://www.ukri.org/news/citizen-science-awards-to-put-public-at-heart-of-key-research/ 24. Van Oudheusden, M., & Abe, Y. (2021). Beyond the grassroots: Two trajectories of “citizen sciencization” in environmental governance. Citizen Science: Theory and Practice, 6(1): 1-15. 25. Wynne, B. (2006). Public engagement as means of restoring trust in science? Hitting the notes, but missing the music. Community Genetics, 10: 211-220. 352
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2