intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kinh doanh du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ: Mao A Mẫn | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

26
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích của bài viết này là đưa ra những dự báo xu hướng và yêu cầu đặt ra cho kinh doanh du lịch ở nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để hiểu rõ hơn mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết của bài viết này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kinh doanh du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG KINH DOANH DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 1. ThS. Nguyễn Tuấn Dũng Học viện Hậu cần 2. ThS. Nguyễn Thị Vi Đại học Kinh tế quốc dân TÓM TẮT: “Cách mạng công nghiệp 4.0” là thuật ngữ còn khá mới mẻ, hiện đang nhận được sự quan tâm lớn từ các học giả, nhà khoa học và nhiều quốc gia trên thế giới. Với ưu thế đặc trưng dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ có tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kinh doanh du lịch. Trong phạm vi nghiên cứu, tham luận đưa ra những dự báo xu hướng và yêu cầu đặt ra cho kinh doanh du lịch ở nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ khóa: du lịch, kinh doanh du lịch, cách mạng, công nghiệp 4.0. 1. MỞ ĐẦU Nhân loại đang bước vào giai đoạn cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư hay còn gọi là cuộc CMCN 4.0. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử, nó tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và được dự đoán sẽ có tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội… trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực du lịch. Với riêng lĩnh vực du lịch, CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến xu hướng tiêu dùng của các thị trường du lịch, chiến lược phát triển du lịch của mỗi quốc gia cũng như phương thức kinh doanh du lịch (KDDL) của các doanh nghiệp. Do vậy, dự báo xu hướng KDDL thế giới cũng như đặt ra những yêu cầu cho KDDL ở nước ta trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để chúng ta có thể nhanh chóng tiếp cận, bắt nhịp với cuộc cách mạng này, qua đó từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ du lịch… nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 2. NỘI DUNG 2.1. Khái lƣợc về kinh doanh du lịch và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 * Những vấn đề chung về kinh doanh du lịch KDDL là một hoạt động kinh tế, phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế giữa người cung ứng sản phẩm du lịch với khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động: kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch và kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác dựa trên những điều kiện nhất định về tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch… Các hoạt động KDDL được xác định trong Luật Du lịch Việt Nam (năm 2017) gồm: kinh doanh dịch vụ lữ hành, kinh doanh vận tải khách du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch và kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác. Trong đó: - Kinh doanh dịch vụ lữ hành: bao gồm kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài. Kinh doanh dịch vụ lữ hành do các đại lý du lịch hay các công ty lữ hành tiến hành, họ chính là trung gian nối liền giữa khách du lịch với các nhà cung ứng hàng hoá và dịch vụ du lịch; có khả năng cung cấp cho khách những sản phẩm đồng bộ, trọn gói thông qua việc liên kết các dịch vụ của các nhà cung ứng du lịch nhằm tạo ra cho khách hàng sự chủ động cao và hiệu quả trong các chuyến đi du lịch. 233
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG - Kinh doanh vận tải khách du lịch: là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ giúp cho du khách dịch chuyển từ nơi cư trú của mình đến điểm du lịch hoặc dịch chuyển tại khu, điểm du lịch. - Kinh doanh lưu trú du lịch: do các cơ sở lưu trú du lịch tiến hành, đây là nơi cung cấp dịch vụ (thuê buồng, giường và cung cấp các dịch vụ khác) phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Hiện nay, các loại hình cơ sở lưu trú trong các khu du lịch ngày càng đa dạng, phù hợp với các loại địa hình khác nhau như: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác. - Kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác: ngoài các hoạt động kinh doanh trên, trong hoạt động KDDL còn có một số loại hình dịch vụ du lịch khác mang tính bổ trợ. Cùng với xu hướng phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp KDDL thì các loại hình dịch vụ du lịch khác mang tính bổ trợ này đang có xu hướng phát triển mạnh; đó là: các loại dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch. * Khái lược sự phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 Trong tiến trình phát triển của nền sản xuất xã hội, nhân loại đã trải qua nhiều cuộc CMCN dẫn tới sự thay đổi sâu sắc trong các hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội. Cuộc CMCN lần thứ Nhất từ khoảng năm 1784, đánh dấu bằng việc sử dụng nước và năng lượng từ hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc CMCN đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, thay thế hệ thống kỹ thuật cũ của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, lao động thủ công, sức nước, sức gió, sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng mới là sắt, than đá. Nó khiến lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nền công nghiệp và nền kinh tế có những bước tiến vượt bậc. Cuộc CMCN lần thứ 2 từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ 2 diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép và đặc biệt là sản xuất hàng loạt. Cuộc CMCN lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử, công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. CMCN lần thứ 3 đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng, làm thay đổi chức năng và vị trí của con người trong sản xuất trên cơ sở dịch chuyển từ nền tảng điện - cơ khí sang nền tảng cơ - điện tử và cơ - vi điện tử…; nền sản xuất dựa trên cơ sở các ngành công nghệ cao, như: công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ... Giờ đây, nhân loại đang bước vào cuộc CMCN lần thứ 4, được xây dựng trên nền tảng cuộc CMCN lần thứ 3. Về tên gọi “CMCN 4.0” (“Industrie 4.0”) bắt nguồn từ một dự án trong Chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, trong đó khuyến khích việc tin học hoá sản xuất. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu năm 2011 tại Hội chợ Hannover - CHLB Đức (Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp). Đến năm 2012, khái niệm “Industrie 4.0” đã được Chính phủ Đức thông qua trong bản “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao”. Ngày 20/01/2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đã chính thức khai mạc tại thành phố Davos-Klosters (Thụy Sĩ), với chủ đề “Làm chủ cuộc CMCN lần thứ tư”. Từ đó, đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đặc trưng bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... Điều đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây: Một là, xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ 234
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG thống sản xuất thông minh. Hai là, công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. Ba là, công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. Bốn là, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn. 2.2. Dự báo xu hƣớng hoạt động kinh doanh du lịch thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 Thứ nhất, các phát minh khoa học - công nghệ mới dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong KDDL. Ngày nay, người ta đang nhắc nhiều đến thuật ngữ “E-tourism” và coi đó là một xu hướng của KDDL đương đại. Thực chất, E-tourism là tập hợp các hoạt động số hóa các quy trình, các giai đoạn trong chuỗi giá trị du lịch nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Lúc này, việc triển khai các hoạt động du lịch dựa trên nền Internet với nhiều lợi ích, đem lại sự tiện lợi cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ du lịch; đồng thời, nó tạo nên sự năng động rất lớn trong ngành “công nghiệp không khói” này. Hiện nay, những thành tựu về công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động KDDL với việc tạo ra nhiều phần mềm ứng dụng du lịch thông minh, như: phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển khách du lịch, quản lý nhân lực, các công cụ tìm kiếm, tra cứu thông tin du lịch, dẫn đường, dịch thuật, thanh toán trực tuyến… cùng sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại: máy vi tính, thiết bị di động thông minh (smartphone, tablet)... Nhờ những nền tảng công nghệ này mà hoạt động KDDL trở nên “thông minh” hơn, thuận tiện hơn rất nhiều. Thị trường du lịch toàn cầu cũng đang chứng kiến sự thay đổi với sự lên ngôi của xu hướng kinh doanh du lịch trực tuyến thông qua việc xây dựng các website với sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm thông minh ứng dụng trên smartphone, máy tính bảng, laptop… Nhiều website đã vươn lên trở thành những thương hiệu kinh doanh du lịch nổi tiếng như: Agoda, Booking (Tập đoàn The Priceline - Hoa Kỳ), TripAdvisor, Traveloka, Trivago, Expedia, Airbnb,... Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD (tăng 13,8% so với năm 2015), chia làm ba mảng chính: Lưu trú khách sạn (chiếm 46%), vận chuyển (30%), du lịch trọn gói (24%); Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh là hai thị trường góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng ấn tượng này. Thậm chí, Neilson dự báo trong năm 2017, Châu Á-Thái Bình Dương sẽ lần đầu tiên vượt qua Bắc Mỹ, trở thành thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới. Động lực chính cho sự soán ngôi này nằm ở khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực Đông Nam Á, báo cáo của Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) trong một nghiên cứu năm 2016 dự báo quy mô thị trường du lịch trực tuyến tại khu vực này sẽ tăng trưởng gấp 4 lần, từ doanh thu 21,6 tỉ USD năm 2015 lên 90 tỉ USD vào năm 2025; đáng chú ý, Việt Nam chiếm khoảng 10%, tương đương với gần 9 tỉ USD25. Đối với nước ta, đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tháng 6/2017 Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi); Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đó là những chuyển động mạnh mẽ nhất từ phía cơ quan quản lý để nhanh chóng tiếp cận, bắt nhịp với CMCN 4.0. Tổng cục Du lịch xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam, là công cụ hữu hiệu phục vụ cơ quan quản 25 http://tphcm.chinhphu.vn/du-lich-thoi-4-0-viet-nam-trong-tam-bao-toan-cau 235
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG lý, nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển chính quyền điện tử, đổi mới môi trường phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xúc tiến quảng bá du lịch, thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e- visa)… Một số doanh nghiệp KDDL như: Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel, Saigontourist, Hanoi Tourist, Hanoi Redtours… đã tiên phong trong ứng dụng website, mạng xã hội, Google, smartphone…; thực hiện số hóa dữ liệu, cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách;… Thông tin từ Bộ Công thương, năm 2016 giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng đạt 5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 201526. Theo khảo sát của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, có tới 88% số khách du lịch tra cứu thông tin du lịch qua internet, trong đó có tới 35% thường xuyên sử dụng internet để tra cứu thông tin du lịch. Theo Google Trends, từ khóa tìm kiếm “Du lịch” đã được tìm kiếm tăng khoảng 3 lần trong 5 năm gần đây. Các thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm nhiều liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch, các địa điểm, nhà hàng, khách sạn du lịch được tìm kiếm trên các website diễn đàn du lịch hoặc trao đổi qua mạng xã hội facebook, như: Trip Advisor, ivivu.vn; phuot.vn; toidi.net; dulich9.com, cungphuot.info...27 Thứ hai, khoa học - công nghệ sẽ góp phần tạo ra nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch mới, hiện đại, thông minh… góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Với những thành tựu khoa học - công nghệ từ cuộc CMCN 4.0, trong tương lai con người có thể xây dựng được những khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bên ngoài không gian hay trong lòng đại dương; các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ được xây dựng bằng những công nghệ, vật liệu, trang thiết bị hiện đại, thông minh nhất; các phương tiện vận chuyển khách du lịch mới xuất hiện, như: các phương tiện vận chuyển không người lái, tàu ngầm du lịch, tàu vũ trụ chuyên dụng đưa đón du khách du lịch không gian…; hệ thống phương tiện giao thông phục vụ du lịch: máy bay, tàu điện, tàu thủy, ô tô… sẽ ngày càng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn; nhiều dịch vụ sẽ do robot phục vụ như: chào hỏi, đón khách, khuân vác hành lý, dọn phòng…; các bữa ăn hữu cơ mang đậm văn hóa, chính gốc ở điểm đến được in bằng công nghệ 3D có thể sẽ được thêm vào thực đơn... Thứ ba, xuất hiện nhiều loại hình du lịch mới. Nhờ những thành tựu khoa học - công nghệ từ cuộc CMCN 4.0, các công ty KDDL có điều kiện để tổ chức những loại hình du lịch mới và thực sự khác biệt như: du lịch vũ trụ bên ngoài không gian, rìa không gian, thực hiện những chuyến bay không trọng lực; nghỉ ngơi, ăn uống, ngắm động - thực vật biển… ở những khách sạn trong lòng đại dương; du lịch bằng công nghệ thực tế ảo... Điển hình cho xu thế này là Công ty du lịch không gian Space Adventure (Hoa Kỳ), năm 2001 đã tổ chức đưa du khách đầu tiên vào không gian, thực hiện chuyến du hành 8 ngày đêm trên quỹ đạo và ghé thăm trạm ISS trước khi trở về trái đất. Hiện nay, công ty này còn đưa ra gói dịch vụ được trải nghiệm cảm giác dạo chơi trong không gian, bên ngoài tàu vũ trụ hay thực hiện chuyến đi vòng quanh Mặt Trăng. Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian - SpaceX (Hoa Kỳ) còn đang lên kế hoạch thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ và thực hiện chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2018. Một số công ty khác như: Virgin Galactic, Blue Origin, Armadillo Aerospace, XCOR Aerospace… cũng đã tổ chức đưa du khách thực hiện những chuyến bay ngắn vào không gian lên độ cao 100 - 160 km; ở đó du khách sẽ có khoảng 6 phút trải nghiệm cảm giác mất trọng lực và chiêm ngưỡng đường cong của trái đất. Công ty Go Russia có dịch vụ đưa du khách đến rìa không gian ở độ cao khoảng 23 km trong 26 http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/cach-mang-4-0-se-tao-co-hoi-phat-trien-du-lich-thong-minh-155926.ict 27 Nguyễn Tiến Đạt (2017), “Nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”, Hà Nội, ngày 31/05/2017. 236
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG vòng 45 phút trên chiếc MIG-19 hoặc MIG-31. Một số công ty khác cũng khai thác loại hình du lịch thực hiện các chuyến bay không trọng lực mô phỏng môi trường ngoài không gian28. Mới đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Công ty SpaceX của Mỹ đã phóng thành công tên lửa mang theo môđun (khách sạn ngoài không gian) có khả năng bơm phồng của Công ty Bigelow (BEAM) lên vũ trụ được kết nối với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Công ty này đang tìm cách phát triển một loại hình du lịch mới, cho phép người dân có thể trải nghiệm cảm giác sống trên vũ trụ. Hiện tại, Tập đoàn Tên lửa Vũ trụ Energia (Nga) cũng đang có thực hiện kế hoạch thương mại hóa du lịch không gian, đưa khách du lịch du hành vũ trụ và xây dựng khách sạn vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) còn đang có ý tưởng xây dựng dự án “Làng Mặt Trăng” với mục tiêu đưa người lên sinh sống, du lịch trên Mặt Trăng... Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã xây dựng được những khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng vô cùng đẳng cấp, hiện đại dưới đáy đại dương, như: khách sạn Planet Ocean, Jules Undersea Lodge (Hoa Kỳ); resort cao cấp Conrad Maldives Rangali Islands, Anantara Maldives resort, nhà hàng-bar Subsix (Maldives); resort World Sentosa (Singapore); khách sạn Water Discus, Atlantis The Palm, nhà hàng Outlaws (Dubai - UAE); khu nghỉ dưỡng 5 sao Poseidon (Fiji)... Ở trong các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng này, du khách có thể được trải nghiệm cuộc sống dưới đại dương, đi bộ dưới đáy biển, khám phá sự sống trong lòng biển, ... Bên cạnh đó, hiện nay một số công ty KDDL ở các quốc gia như: Hoa Kỳ, Canada, Nga, Trung Quốc, Maldives… đã và đang lên kế hoạch tổ chức loại hình du lịch mới: tham quan đáy biển bằng tàu ngầm du lịch, rất hấp dẫn du khách. 2.3. Một số yêu cầu đặt ra cho kinh doanh du lịch ở nƣớc ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 Một là, ngành Du lịch cần nhanh chóng tiếp cận và thích ứng với tác động từ cuộc CMCN 4.0. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh quá trình số hóa, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam; quan tâm phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên nền tảng công nghệ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp KDDL hợp tác công - tư, phát triển trên nền tảng số hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong việc cung cấp dịch vụ du lịch; tăng cường hợp tác để học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch trong quá trình hội nhập; ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin, truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường… đảm bảo đồng bộ, tiện nghi... Hai là, các doanh nghiệp KDDL cần tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, số hóa dữ liệu trong các hoạt động KDDL. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ số hóa vào các hoạt động quản trị doanh nghiệp, KDDL trực tuyến, quản lý điểm đến, lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, bán hàng, ăn uống và dịch vụ khác, hướng đến mô hình “du lịch thông minh”. Ba là, đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đặc biệt là quảng bá, xúc tiến và KDDL trực tuyến trên cơ sở áp dụng công nghệ số và thiết bị số tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử (E-marketing) trong quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các website, mạng xã hội, ứng dụng cho thiết bị cầm tay, ấn phẩm điện tử… Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng các loại hình du lịch mới… CMCN 4.0 yêu cầu nhân lực có trình độ cao. Những nhân lực trình độ thấp trong tương lai sẽ dần dần được thay thế bởi máy móc tự động, robot... 28 https://www.dulichhoanmy.com/blog/du-lich-khong-gian-nganh-du-lich-cua-tuong-lai 237
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG Bởi vậy, chúng ta cần sớm có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp; đa dạng hóa phương thức đào tạo; chuẩn hóa nhân lực du lịch về kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin… theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chú trọng nhân lực quản lý và lao động có tay nghề cao để có thể đáp ứng với yêu cầu cao của ngành du lịch trong tương lai. 3. KẾT LUẬN CMCN 4.0 cùng sự bùng nổ của Internet đã làm thay đổi đáng kể hoạt động KDDL trên thế giới cũng như Việt Nam. Các thành tựu khoa học - công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, ngày càng được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong KDDL; nhiều loại hình du lịch mới xuất hiện; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hiện đại, tiện nghi và thông minh hơn… qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thỏa mãn được nhiều đối tượng du khách khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, đặt ra cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp KDDL ở nước ta cần nhanh chóng nắm bắt, thay đổi, thích nghi để tận dụng những thành tựu mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực KDDL, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm - dịch vụ du lịch… nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.■ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngô Thị Diệu An, Nguyễn Thị Oanh Kiều (2014), Giáo trình Tổng quan du lịch, Nxb Đà Nẵng. 2. Chu Ngọc Anh (2017), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, ngày 27/01/2017. 3. Đình Anh (2017), “Cách mạng 4.0 sẽ tạo cơ hội phát triển du lịch thông minh”, Báo điện tử Ictnews, ngày 09/07/2017. 4. Hồ Tú Bảo (2017), “Hiểu và đi trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Tia sáng, ngày 10/5/2017. 5. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/01/2017. 6. Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2016), “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Tổng luận Khoa học - Công nghệ - Kinh tế, số 8. 7. Nguyễn Tiến Đạt (2017), “Nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”, ngày 31/5/2017. 8. Bùi Quang Hải (2017), “Cách mạng công nghiệp 4.0 những thách thức, thời cơ ảnh hưởng đến ngành Du lịch Việt Nam”, Tạp chí Thể thao, ngày 25/8/2017. 9. Thế Hải (2017), “Du lịch Việt trước áp lực đổi mới thời 4.0”, Tạp chí Tia sáng, ngày 10/10/2017. 10. Minh Hoàng (2017), “Ngành Du lịch với Cách mạng công nghiệp 4.0”, Báo Tổ quốc điện tử, ngày 19/6/2017. 11. Trần Nhật Minh (2017), “Du lịch thời 4.0: Việt Nam trong “tâm bão” toàn cầu”, Cổng thông tin điện tử TP. Hồ Chí Minh, ngày 12/7/2017. 12. Nguyễn Nam (2017), “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với ngành Du lịch”, Báo Du lịch điện tử, ngày 16/5/2017. 13. An Nhi (2017), “Phát triển du lịch thông minh”, Báo Hà Nội mới điện tử, ngày 14/6/2017. 238
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG 14. Trần Đại Quang (2016), “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 03/10/2016. 15. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Du lịch. 16. Chiến Thắng (2017), “Ngành Du lịch Việt Nam có “bắt sóng” được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Cổng thông tin điện tử Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, ngày 15/5/2017. 17. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 04/5/2017. 18. Trang Trần (2017), “Du lịch Việt thời 4.0”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ngày 25/7/2017. 19. Một số trang thông tin điện tử: http://baodulich.net.vn; http://bvhttdl.gov.vn; https://www.dulichhoanmy.com http://dulich.tuoitre.vn; http://ictnews.vn; http://www.itdr.org.vn/vi/; http://khoahoc.tv; http://www.vietnamtourism.gov.vn; http://www.vtr.org.vn;... TOURISM BUSINESS IN THE CONTEXT OF THE INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0 1. M.Econ. Nguyen Tuan Dung Military Academy of Logistics 2. M.Econ. Nguyen Thi Vi National Economics University ABSTRACT: “Industrial Revolution 4.0” is a relatively new term, which is receiving great attention from scholars, scientists and many countries around the world. With its unique advantage based on digital technology, intelligent technology, the Industrial Revolution 4.0 is forecasted to have an impact on all aspects of life, socio-economy, including operations business tourism. Within the scope of the study, the presentation provides forecasting trends and requirements for the tourism business in our country in the context of the Industrial Revolution 4.0. Keywords: tourism, business tourism, revolution, industrial 4.0. 239
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2