intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị: Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng

Chia sẻ: Nguyen Ma | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:174

70
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án xây dựng khung lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở địa bàn cấp tỉnh (thành phố) trong bối cảnh mới. Kết hợp với khảo sát thực tiễn tình hình ở thành phố Đà Nẵng. Luận án phân tích, đánh giá dựa vào các nội dung, tiêu chí, điều kiện và phương thức kết hợp... để làm rõ kết quả đạt được, những khó khăn, bất cập và nguyên nhân. Từ đó, đề ra mục tiêu, phương hướng và đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển đặt trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tiếp theo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị: Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng

  1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ ANH THI KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ CHÍNH TRỊ HÀ NỘI - 2019
  2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ ANH THI KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ CHÍNH TRỊ Mã số: 62 31 01 02 Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. NGUYỄN MINH QUANG HÀ NỘI - 2019
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các số liệu trong luận án là hoàn toàn trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Nguyễn Thị Anh Thi
  4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 8 1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước liên quan tới đề tài luận án 8 1.2. Đánh giá các kết quả nghiên cứu đã đạt được và các vấn đề mới đặt ra đối với đề tài luận án 25 Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 29 2.1. Lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 29 2.2. Nội dung, tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 40 2.3. Kinh nghiệm nước ngoài và trong nước về phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 54 Chương 3: THỰC TRẠNG KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 73 3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng ảnh hưởng đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 73 3.2. Thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2018 81 3.3. Đánh giá kết quả thực hiện và những vấn đề đặt ra để giải quyết hài hoà kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng 110 Chương 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2025 TẦM NHÌN 2030 123 4.1. Phương hướng phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng 123 4.2. Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng 136 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 153 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 154 PHỤ LỤC 163
  5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BĐBP : Bộ đội Biên phòng CNTT : Công nghệ thông tin GRDP : Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn KKT : Khu kinh tế KTDLB : Kinh tế du lịch biển KT-XH : Kinh tế - xã hội NN&PTNT : Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn QLNN : Quản lý nhà nước QP, AN : Quốc phòng, an ninh UBND : Ủy ban nhân dân USD : Đô la Mỹ XHCN : Xã hội chủ nghĩa
  6. DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 3.1: Dân số và nguồn lao động thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2018 77 Bảng 3.2: Thống kê tổng lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng từ năm 2010 tới 2018 82 Bảng 3.3: Khảo sát về lý do di cư đến Đà Nẵng 85 Bảng 3.4: Khảo sát các lĩnh vực việc làm được người lao động lựa chọn nhiều nhất ở thành phố Đà Nẵng 85 Bảng 3.5: Lực lượng lao động trong lĩnh vực kinh tế du lịch biển năm 2017, thành phố Đà Nẵng 86 Bảng 3.6: Thực trạng chất lượng nhân lực ngành kinh tế du lịch biển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2017 87 Bảng 3.7: Kết quả bồi dưỡng lớp lý luận chính trị của Sở du lịch thành phố Đà Nẵng tính đến hết năm 2018 88 Bảng 3.8: Chi tiêu cho xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch năm 2018 ở thành phố Đà Nẵng 90 Bảng 3.9: Cơ cấu tàu thuyền khai thác của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2017 92 Bảng 3.10: Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến thuỷ sản của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2014 - 2018 94 Bảng 3.11: Báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 05 năm (2013-2018) 106
  7. DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ, BIỂU ĐỒ Trang Sơ đồ 1.1: Khái quát kinh tế biển và các lĩnh vực kinh tế biển 31 Biểu đồ 3.1: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012 - 2018 78 Biểu đồ 3.2: Thu nhập bình quân đầu người ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2005 - 2018 78 Biểu đồ 3.3: Tổng thu du lịch của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2018 83 Biểu đồ 3.4: Sản lượng khai thác thuỷ sản của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2018 93 Biểu đồ 3.5: Cơ cấu nghề khai thác hải sản ở thành phố Đà Nẵng 95 Biểu đồ 3.6: Trình độ lao động trong ngành chế biến thuỷ sản tại Đà Nẵng năm 2018 96 Biểu đồ 3.7: Chất lượng nhân lực Cảng Đà Nẵng năm 2018 102 Biểu đồ 3.8: Số lượng bộ đội biên phòng của thành phố Đà Nẵng năm 2018 108 Biểu đổ 3.9: Trình độ chuyên môn bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng năm 2018 108 Biểu đồ 3.10: Trình độ lý luận chính trị của Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng năm 2018 109
  8. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Mối quan hệ giữa kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đảm bảo quốc phòng, an ninh cơ bản được hình thành từ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhận thấy được tầm quan trọng của bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển gắn với phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn kiện liên quan đến vấn đề này. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 ngày 09/02/2007 đã khẳng định quan điểm, chủ trương, mục tiêu cơ bản là đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đồng thời đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia cũng như chủ quyền biển đảo. Đặc biệt trong những năm gần đây vấn đề biển Đông liên tiếp xảy ra những tranh chấp với những diễn biến mới ngày càng phức tạp nên nhận được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ của cộng đồng quốc tế và khu vực. Tổng kết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, hội nghị Trung ương 8 khoá XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển [3]. Là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển với 6/8 quận, huyện tiếp giáp với biển, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong công cuộc thực hiện mục tiêu giàu mạnh từ biển và hướng ra biển của cả nước. Thành phố có hơn 92 km bờ biển, với 80% dân số đang sinh sống dựa vào kinh tế biển. Biển đã và đang tạo ra vị thế phát triển cho thành phố Đà Nẵng thông qua các lĩnh vực khai thác hải sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển... Trong đó, đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP, AN) vùng biển là bệ đỡ và điểm tựa cho các ngành kinh tế biển phát triển ổn định, vững chắc. Xác định được vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển đảo thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo kết hợp với giữ vững QP, AN và chủ
  9. 2 quyền lãnh thổ, thành phố Đà Nẵng luôn tích cực hợp tác và đấu tranh để thực hiện các cam kết quốc tế về biển. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng quan hệ trao đổi khoa học kỹ thuật, đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hoá trang bị cho QP, AN; tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên trong khu vực và quốc tế... với mục đích cao nhất là ổn định để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; sử dụng biển tương xứng với tầm vóc của nó trong cơ cấu kinh tế cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, thành phố xây dựng chiến lược của riêng mình trong chiến lược tổng thể của quốc gia, trong đó chú trọng những giải pháp và bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước và tranh thủ được vốn, kỹ thuật trong hợp tác quốc tế để vươn ra làm chủ biển khơi, phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế đất nước với tốc độ nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế biển Đà Nẵng nói chung, quan hệ kinh tế biển với đảm bảo QP, AN còn nhiều vấn đề đặt ra như: Đà Nẵng vẫn chưa có một chương trình khai thác và bảo vệ tài nguyên biển một cách toàn diện, tổng hợp. Tình trạng yếu kém về kết cấu hạ tầng, nhân lực vẫn còn phổ biến, chưa tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động bảo vệ biển và chủ quyền biển đảo. Sự thiếu hụt về vốn, công nghệ cho các ngành kinh tế biển còn rất phổ biến. Chưa tạo được sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn, an ninh trong phát triển kinh tế biển như: Bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công an, kiểm ngư... Phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN của thành phố chưa có sự gắn kết với các tỉnh trong vùng cũng như chưa thể hiện được vai trò của trung tâm kinh tế biển miền Trung. Sự kết hợp giữa các lực lượng chuyên trách với doanh nghiệp và người dân trong công tác đảm bảo QP, AN ở từng phân ngành trong phát triển kinh tế biển chưa mang tính bền vững, chuyên nghiệp. Đồng thời, mô hình quản lý nhà nước (QLNN) cấp thành phố về kinh tế biển còn đang lúng túng và thiếu tư duy toàn diện, chưa mang tính thời đại về phát triển kinh tế biển trong bối cảnh cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển v.v… Hiện thực trên cho thấy tính cấp thiết cần có một nghiên cứu có tính hệ thống, căn bản, toàn diện về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN cho thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, vấn đề "Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng" được nghiên cứu sinh chọn làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị.
  10. 3 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Xây dựng khung lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở địa bàn cấp tỉnh (thành phố) trong bối cảnh mới. Kết hợp với khảo sát thực tiễn tình hình ở thành phố Đà Nẵng. Luận án phân tích, đánh giá dựa vào các nội dung, tiêu chí, điều kiện và phương thức kết hợp... để làm rõ kết quả đạt được, những khó khăn, bất cập và nguyên nhân. Từ đó, đề ra mục tiêu, phương hướng và đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển đặt trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tiếp theo. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung vào các nhiệm vụ sau: - Hệ thống hoá, kế thừa có bổ sung để hoàn thiện và phát triển các vấn đề lý luận cơ bản về kinh tế biển đặt trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN cấp tỉnh, nơi có điều kiện thuận lợi về biển và kinh tế biển cũng như đóng góp tỉ lệ cao cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. - Phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở một số nước và một số thành phố của Việt Nam. Từ đó, rút ra bài học cho thành phố Đà Nẵng để phát triển kinh tế biển bền vững trong những năm tới. - Dựa vào khung lý luận đã được xây dựng để phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu. - Căn cứ vào dự báo về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến kinh tế biển và vấn đề QP, AN vùng biển, luận án đề xuất mục tiêu, phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án Tổng hợp các quan hệ kinh tế liên quan đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN cấp tỉnh (thành phố), tiếp cận theo góc độ của chuyên ngành kinh tế chính trị. Trong đó, khía cạnh kinh tế biển được xác định là trọng tâm của sự phát triển.
  11. 4 Luận án tiếp cận theo đối tượng của kinh tế chính trị: Nghiên cứu QHSX trong mối liên hệ với LLSX và KTTT. Về quan hệ sản xuất: Thứ nhất, nghiên cứu mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện các nhiệm vụ chính của kinh tế biển. Trong đó, chính quyền thành phố là trọng tâm, thông qua các cấp chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố, doanh nghiệp, người dân và các chủ thể phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP, AN (các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách) của thành phố. Thứ hai, nghiên cứu hình thức triển khai kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN theo phân ngành: Đánh bắt và chế biến hải sản, du lịch biển, vận tải biển, cảng biển, công nghiệp cơ khí và chế biến. Thứ ba, nghiên cứu các phương thức thực hiện mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN của chính quyền nhà nước các cấp và của các chủ thể tham gia phát triển kinh tế biển, theo cơ chế thực hiện dựa trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên. Về lực lượng sản xuất: Nghiên cứu các nguồn lực, điều kiện để thực hiện phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN gồm: Vốn; con người; cơ sở vật chất kỹ thuật và khoa học công nghệ. Về kiến trúc thượng tầng: Vai trò và năng lực, quyền hạn của chính quyền nhà nước các cấp và các chủ thể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN. 3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án + Phạm vi về nội dung: Kinh tế biển bao gồm nhiều phân ngành, vì vậy để phù hợp với mục tiêu và dung lượng của luận án cũng như hướng vào mối quan hệ với đảm bảo QP, AN, luận án tập trung vào một số phân ngành cụ thể là: Đánh bắt và chế biến hải sản, dịch vụ, du lịch biển, vận tải biển, cảng biển. + Phạm vi về không gian: Luận án nghiên cứu kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng - một trong những trung tâm kinh tế biển lớn nhất cả nước. + Phạm vi về thời gian: Thời gian khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN trong giai đoạn 2010-2018. Phạm vi đề xuất phương hướng và giải pháp được xác định cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2030.
  12. 5 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Cơ sở lý luận Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN trong bối cảnh toàn thế giới đang đồng loạt tiến ra biển và khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức ngày càng hiện đại. Đặc biệt, quan điểm của Đảng ta trước những diễn biến phức tạp về biển Đông. Ngoài ra, luận án còn kế thừa có chọn lọc và phát triển những quan điểm lý luận của các nhà khoa học trong nước và thế giới về những nội dung liên quan tới đề tài luận án. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp trừu tượng hoá khoa học: Với phương pháp nghiên cứu này, luận án tạm thời gạt bỏ những yếu tố ngoại vi liên quan đến đối tượng nghiên cứu để định hướng chuyên sâu cho những vấn đề cơ bản nhất cũng như thể hiện bản chất của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 1 và chương 2 của luận án. - Phương pháp hệ thống hóa để tiếp cận liên vùng, liên ngành... để nghiên cứu tổng thể chủ đề dưới góc độ của khoa học Kinh tế chính trị. Góp phần làm rõ mối quan hệ nhiều chiều, phức tạp của việc phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở cấp địa phương. - Phương pháp phân tích - tổng hợp (sử dụng chủ yếu ở chương 2 và chương 3 của luận án): Tác giả đi sâu phân tích các khái niệm mang tính tổng hợp như: kinh tế biển, đảm bảo QP, AN; phát triển kinh tế, kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN... trên cơ sở đó làm rõ nội hàm chuyên sâu về những vấn đề nghiên cứu chính của luận án (kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN), lấy đó làm căn cứ để phân tích những đặc tính riêng của các nội dung nghiên cứu, tạo thành một hệ thống tổng thể và hoàn chỉnh phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của vấn đề nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế chính trị. - Phương pháp nghiên cứu thống kê, so sánh và kết hợp logic với lịch sử: Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu kinh tế hiện đại. Luận án sử dụng phương pháp thống kê để thu thập số liệu về thực trạng phát triển kinh tế
  13. 6 biển ở thành Phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2018 để làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng. Tác giả tiến hành so sánh, đối chiếu hệ thống các số liệu dựa trên các tiêu chí đánh giá để rút ra sự khác nhau giữa những số liệu thống kê. Đây là căn cứ để đánh giá khoa học khách quan tình hình thực tiễn. Từ đó, rút ra được những kết luận quan trọng về kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra và nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề đặt ra này. Đồng thời, thông qua kết hợp logic và lịch sử, suy luận để dự báo tình hình trong nước và thế giới liên quan đến đối tượng nghiên cứu, nhằm định hướng phát triển và căn cứ vào mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để đề xuất các giải pháp thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3 và chương 4 của luận án. Trong từng chương, tiết và tiểu tiết của luận án có kết hợp trình bày các biểu, bảng, sơ đồ, đồ thị để thể hiện rõ các số liệu thực tiễn gắn với kết quả nghiên cứu một cách tường minh. 5. Đóng góp mới của luận án 5.1. Về lý luận Trên cơ sở hệ thống hoá và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài, luận án bổ sung nhằm hoàn thiện để xây dựng khung lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở địa bàn cấp tỉnh (thành phố) trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, khi chiến lược hướng ra biển đang ngày càng bùng nổ cũng như các tranh chấp về chủ quyền biển, đảo ngày càng diễn biến phức tạp 5.2. Về thực tiễn - Từ khung lý luận được xây dựng làm căn cứ để đi sâu tìm hiểu và phân tích mối quan hệ giữa các phân ngành kinh tế biển, làm rõ đặc điểm, vị trí, vai trò, các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện và phương thức hoạt động... khác nhau trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố trực thuộc Trung ương. - Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và một số tỉnh, thành phố trong nước trên phương diện tiếp cận theo mục tiêu, nhiệm vụ của luận án đặt ra về chủ thể, các nguồn lực và phương thức thực hiện... có kết quả cao trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh.
  14. 7 - Dựa vào kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế tại thành phố Đà Nẵng, thời gian kiểm chứng các số liệu, tư liệu theo giới hạn cho phép. Luận án đi sâu phân tích, đánh giá khoa học, khách quan theo khung lý thuyết thực trạng các nội dung liên quan đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng. Các kết quả đánh giá, phân tích được trình bày theo cách truyền thống bao gồm: Kết quả đạt được; những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân... - Trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế biển mà trực tiếp là biển Đông trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng thập kỷ tới, luận án đề xuất những mục tiêu, phương hướng và các giải pháp khả thi cả trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo hài hòa các nội dung và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN. Đây sẽ là tài liệu có ý nghĩa thiết thực giúp các cấp chính quyền thành phố và các tổ chức của hệ thống chính trị làm căn cứ hoàn thiện chính sách, biện pháp, thực hiện tốt những nội dung về thúc đẩy phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ hài hòa với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố điển hình về phát triển kinh tế biển của cả nước và khu vực miền Trung nước ta. 6. Kết cấu luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án được kết cấu gồm 4 chương, 10 tiết. Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh Chương 3: Thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng Chương 4: Phương hướng và giải pháp để phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 tầm nhìn 2030
  15. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG NƯỚC LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN Kinh tế biển và phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo QP, AN trên bình diện quốc gia và quốc tế cũng như phạm vi của một địa phương cấp tỉnh, thành phố những năm gần đây được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu quan tâm vì tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, đây là lĩnh vực có sự đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Tới nay, đa số các công trình nghiên cứu đề cập tới các nội dung chủ yếu sau đây: Vai trò của kinh tế biển với đảm bảo QP, AN; các nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế biển; kinh nghiệm phát triển kinh tế biển; phát triển kinh tế biển bền vững; quy hoạch, quản lý kinh tế biển; chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển kinh tế biển; nội dung và các phương thức kết hợp phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN… Để có tầm nhìn chuyên sâu về các nghiên cứu này, có thể tổng quan kết quả nghiên cứu theo các chủ đề và nội dung như sau: 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về kinh tế biển và phát triển kinh tế biển + Công trình ở nước ngoài: Costas Th. Grammenos (2010), The handbook of Maritime economics and business: (Tổng quan về kinh tế hàng hài và thương mại) nhà xuất bản Lloyd's List, London [63]. Cuốn sách trình bày tổng quan về ngành kinh tế hàng hải trên thế giới, qua đó cho thấy một bức tranh về lịch sử phát triển của ngành hàng hải thế giới. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho thấy tình hình phát triển của ngành hàng hải trên thế giới những năm đầu của thế kỷ 21 với sự bùng nổ của ngành đóng tàu. Ngành đóng tàu đã góp phần đưa các ngành vận tải biển, các ngành kinh doanh dịch vụ hàng hải và cảng biển lên một tầm cao mới. Hiện nay tất cả các ngành kinh doanh này đều đang rất phát triển và là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của các quốc gia ven biển. United Nations conference on Trade and Development UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển), The Oceans Economy: Opportunities
  16. 9 and Challenges for Small Island Developing States (Kinh tế đại dương: Những cơ hội và thách thức cho các nước ven biển đang phát triển), New York and Geneva 2014 [79]. Báo cáo đề cập tới khái niệm về kinh tế đại dương, theo đó, kinh tế đại dương bao gồm thương mại theo đường biển; hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển; vận tải biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; việc đánh bắt hải sản cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu; khai thác dầu khí và khí đốt trong thềm lục địa để bảo đảm an ninh năng lượng và cho xuất khẩu; du lịch biển và dịch vụ nghỉ dưỡng cùng các hoạt động phụ trợ như hậu cần, giao nhận vận tải, bảo hiểm, đánh giá kiểm định chất lượng tàu biển, tiếp nhiên liệu tại cảng, đào tạo đội ngũ thuỷ thủ, ngân hàng… Trong đó, thương mại theo đường biển là hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá vận chuyển bằng đường biển giữa các nước trong cùng khu vực hoặc giữa các châu lục; giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất và phát triển dịch vụ của các quốc gia thông qua thực hiện giá trị hàng hoá trong trao đổi. Báo cáo cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức mà các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt trong quá trình muốn phát triển bền vững nền kinh tế đại dương. Qua đó, báo cáo đề xuất một số giải pháp giảm thiểu thách thức trong phát triển kinh tế đại dương như thực thi hiệu quả Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững; phát triển kế hoạch quy hoạch không gian biển và bờ biển; tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển; thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt giữa các đảo quốc nhỏ và các quốc gia ven biển kém phát triển. Orapan Nabangchang, Ocean Economy and Ocean Health in Thailand (Kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển ở Thái Lan), nhà xuất bản trường đại học Sukhothai Thammatirat, Thái Lan, 2017 [71]. Thái Lan luôn gắn phát triển kinh tế biển của với việc bảo vệ môi trường biển và chủ quyền quốc gia. Tác giả phân tích những chính sách phát triển kinh tế biển của Thái Lan gồm 4 điểm về biển: (1)cải thiện hiệu quả quản lý biển; (2) khôi phục và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho việc sử dụng bền vững biển; (3) tăng cường năng lực cạnh tranh trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên biển; (4) kiểm soát ô nhiễm và an toàn hàng hải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn ban hành nhiều văn kiện pháp lý khác nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên biển.
  17. 10 + Công trình ở trong nước: Tô Thị Bích Phượng, Những giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững và có hiệu quả kinh tế biển Đà Nẵng, báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp thành phố, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Đà Nẵng [36]. Tác giả phân tích những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, từ đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong việc góp phần vào quá trình phát triển kinh tế biển của cả nước. Tác giả đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển như: Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với bảo đảm QP, AN, hợp tác quốc tế. Thứ hai, cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Thứ ba, hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như: du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Thứ tư, tổ chức phát triển hợp lý không gian KT-XH vùng biển và ven biển. Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Thứ sáu, tổ chức tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản không chỉ với cư dân biển, đảo mà còn với toàn xã hội. Nguyễn Bá Diến (2006), Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội), Dự án "Các nguyên tắc trong thực tiễn quản lý biển và đới bờ" (Principles in Practice: Ocean and Coastal Governance) giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Dalhousie (Canada) và Trường Đại học Visayas (Philippines) dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA) [17]. Cuốn sách này trình bày chính sách, pháp luật về biển và nguyên tắc phát triển bền vững; phân tích thực trạng và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách biển của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế; giới thiệu về một số hoạt động hợp tác quốc tế trong khai thác, quản lý biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cuốn sách còn cung cấp những kiến thức, thông tin cơ bản, toàn diện và hệ thống về biển của Việt Nam, về chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực biển, tổng quan về chính sách và thực trạng, yêu cầu và một số giải
  18. 11 pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý biển và hàng hải của Việt Nam. Cuốn sách cũng bước đầu giới thiệu kinh nghiệm quản lý biển của một số nước, đặc biệt là Canada, Philippines là những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về biển. Hà Tất Thắng (2007), ''Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam'', [44]. Tác giả phân tích hiện trạng kinh tế biển Việt Nam, làm rõ những khó khăn, hạn chế của hoạt động phát triển kinh tế biển. Từ đó, tác giả đề xuất chiến lược phát triển mới dựa trên việc kết hợp khai thác lợi thế địa chiến lược của Việt Nam với các chính sách tự do hoá về kinh tế, thương mại trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Nguyễn Quang Thái (2010), Vấn đề phát triển các khu kinh tế mở hiện đại vùng ven biển Việt Nam 2010 [43]. Cuốn sách là tập hợp nội dung của các vấn đề như bài học về sự phát triển của các khu kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có các khu kinh tế ven biển từ trước tới nay, tác giả cũng làm rõ các vấn đề tồn tại kéo dài trong hoạt động của các ngành kinh tế ven biển và nêu ra một số giải pháp, chính sách khắc phục các vấn đề này trong mối liên hệ với bối cảnh, điều kiện của từng địa phương, từng vùng kết hợp với các quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước. Nguyễn Thu Hạnh (2011), Hiện trạng và các giải pháp phát triển các khu du lịch biển quốc gia tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ [28]. Phát triển du lịch biển là một nội dung của phát triển kinh tế biển và là lĩnh vực quan trọng của phát triển kinh tế biển. Trên cơ sở nhận định giá trị to lớn mà du lịch biển mang lại cho các vùng và địa phương ven biển, đề tài phân tích hiện trạng phát triển ngành du lịch ở khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, tác giả đã đưa ra các nhóm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành du lịch biển vùng Bắc Trung Bộ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển của khu vực này. Phạm Xuân Hậu (2011), ''Vấn đề phát triển kinh tế biển - đảo, ven biển Việt Nam thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập'' [29]. Bài viết phân tích giá trị của biển Đông: Biển Đông có diện tích 3.537.000 km2 theo bách khoa toàn thư Địa lý Xô Viết là biển lớn thứ 4 trong 61 biển quan trọng trên thế giới. Vùng biển Đông của Việt Nam có tiềm năng lớn về kinh tế, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước. Bờ biển kéo dài 3.260 km, lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 24 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, nước
  19. 12 ta đang sở hữu nguồn tài nguyên lớn về sinh vật và tài nguyên đặc biệt, nhưng hiệu quả khai thác chưa cao. Vì vậy, tác giả cho rằng việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế biển - đảo và bờ biển cần được quan tâm đặc biệt. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn ý nghĩa bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Chu Đức Dũng (2012), Chiến lược phát triển kinh tế biển Đông của một số nước Đông Á ­ Tác động và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam [18]. Đây là Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đi sâu nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế biển của một số quốc gia khu vực Đông Á. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thân Trọng Thụy, Phạm Xuân Hậu (2012), ''Phát triển các khu kinh tế ven biển - bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam'' [49]. Quy hoạch không gian phát triển 15 khu kinh tế ven biển Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt và quyết định thành lập dựa trên những ưu thế về vị trí địa lý, tiềm năng và chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, vùng và địa phương. Các tác giả khẳng định: Các khu kinh tế ven biển đang dần khẳng định vai trò hạt nhân phát triển KT-XH vùng và địa phương. Trong tương lai, những hạt nhân này sẽ là động lực tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ. Lại Lâm Anh (2013), Quản lý kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam [1]. Luận án trình bày các khái niệm về kinh tế biển, quản lý kinh tế biển, vai trò của quản lý kinh tế biển cũng như các quan điểm và cách tiếp cận về quản lý kinh tế biển. Bên cạnh đó luận án nghiên cứu các trường hợp phát triển kinh tế biển của Trung Quốc, Malaysia và Singapore, từ đó nghiên cứu vận dụng bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Lưu Ngọc Trịnh và Cao Tường Huy (2013), Phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam, thực trạng và một số bài học [52]. Bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển các Khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, nhất là ba KKT ven biển Chu Lai, Dung Quất và Phú Quốc - Nam An Thới. Từ sự phát triển của các KKT ven biển, bài nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Cần xây dựng các KKT tại những địa điểm thuận lợi, nằm trên các trục giao thông chính, gồm cả đường biển, đường bộ và đường không; cần điều tra khảo sát kỹ trước khi phát triển, cần
  20. 13 tạo dựng được sự liên kết chặt chẽ các KKT ven biển với các vùng lân cận; chính quyền địa phương (Ban quản lý KKT) cần có mức độ độc lập, tự chủ hơn nữa để phát huy các sáng kiến và thí nghiệm của mình; cần tập trung nguồn lực xây dựng dứt điểm những KKT đã được điều tra, khảo sát kỹ và phù hợp quy hoạch chung; cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, tránh bị chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của địa phương và ngành. Nguyễn Hoàng Hà (2014), Định hướng phát triển kinh tế biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [27]. Tác giả đưa ra những nội dung mang tính định hướng cho phát triển kinh tế biển, đảo của vùng Bắc Trung Bộ một cách hợp lý, bài viết đi sâu nghiên cứu, tiếp cận, đánh giá và phân tích vấn đề theo "3 cấp độ không gian": (i) Việt Nam trong khu vực; (ii) Miền Trung trong Việt Nam; (iii) Bắc Trung Bộ trong miền Trung. Lê Anh Tuấn (2015), Giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long [53]. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông - ngư nghiệp tập trung có quy mô lớn nhất nước ta, đây là khu vực có hai mặt giáp với Biển Đông và vịnh Thái Lan với tổng chiều dài đường ven biển hơn 700 km và nhiều đảo lớn nhỏ rải rác quanh thềm lục địa khu vực Vịnh Thái Lan. Tuy vùng Đồng bằng có nhiều thuận lợi về mặt địa lý, có một hệ sinh thái vùng cửa sông - ven biển rất đặc trưng và đa dạng nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi đang phải đối phó nhiều thách thức lớn do hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến hệ quả biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc tăng cường các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến kinh tế biển có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bằng Nam Bộ. Để có cơ sở khoa học cho vấn đề phát triển kinh tế biển bền vững trong bối cảnh có nhiều biến động về thời tiết và các hiện tượng thiên tai cực đoan, việc đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn trong tổ chức thực hiện các kế về phát triển kinh tế biển có ý nghĩa cấp thiết. Nghiên cứu này rà soát và phân tích những vấn đề liên quan cho phương hướng phát triển các loại hình sinh kế và kinh doanh theo hướng khai thác và bảo tồn tài nguyên biển, đồng thời cũng là một phần của chiến lược bảo vệ không gian lãnh thổ quốc gia. Ngô Bình Thuận (2016), ''Một số giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững'' [46]. Bài viết chủ yếu tập trung vào các giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Một số giải pháp chính mà tác giả đưa ra gồm: thực hiện tái cơ
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2