intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Địa lí: Phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 18 trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:211

16
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Xác lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng và phát triển hành lang kinh tế ở Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH; vận dụng nghiên cứu hành lang kinh tế QL18 nhằm làm sáng tỏ các điều kiện và yếu tố hình thành HL cũng như các định hướng và đề xuất giải pháp phát triển của hành lang kinh tế QL18 trong tương lai. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết đề tài!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Địa lí: Phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 18 trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

  1. 0 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VŨ ĐÌNH HÒA PHÁT TRIỂN HÀNH LANG KINH TẾ QUỐC LỘ 18 TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM Chuyên ngành: Địa lý học Mã số: 62.31.05.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ ĐỊA LÍ Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lê Thu Hoa HÀ NỘI, 2013
  2. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc hình thành các lãnh thổ trọng điểm giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược tổ chức không gian (TCKG) kinh tế - xã hội. Việc hình thành và phát triển các lãnh thổ trọng điểm sẽ tạo ra các mối liên kết kinh tế - xã hội trở thành động lực phát triển vùng thông qua các tác động lan tỏa lôi kéo các vùng phụ cận cùng phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới chỉ ra rằng các nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) phải có các chiến lược TCKG hợp lý với các lãnh thổ trọng điểm thích hợp nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và tạo cơ sở tích lũy cho sự phát triển kinh tế. Với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình CNH, HĐH, trong đó việc lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội để hình thành lãnh thổ đầu tàu phát triển được coi là một khâu then chốt và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Chủ trương này đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia được thông qua tại Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (từ 12 - 19/01/2011) là “Hình thành và phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực” (mục 4.6). Việc thực hiện mục tiêu chiến lược đã đưa tới việc hình thành nhiều hình thức tổ chức lãnh thổ (TCLT) kinh tế mới ở nước ta, trong đó hành lang kinh tế (HLKT) được xem là một hiện tượng kinh tế - xã hội. HLKT hình thành dựa trên việc giao lưu kinh tế sống động của một tuyến trục giao thông huyết mạch do có sự tập trung các cơ sở công nghiệp và dịch vụ gắn với các đô thị dọc hai bên tuyến trục đó. Việc phát triển tập trung các cơ sở kinh tế, nhờ lợi
  3. 2 dụng triệt để việc vận chuyển thuận lợi nên các hoạt động kinh tế đem lại hiệu quả cao hơn. Ở Việt Nam trong khoảng 10 năm qua đã có nhiều HLKT được hình thành, trong đó tiêu biểu là các hành lang (HL): Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và HL Đông - Tây (Việt Nam). Hiệu quả của việc hình thành và phát triển HLKT ở nước ta đã bước đầu thể hiện là một hình thức TCLT có triển vọng. Các HLKT đóng vai trò to lớn trong việc đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất của các địa phương đi qua; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội; tạo ra mối liên hệ cả theo chiều dọc và chiều ngang thúc đẩy trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh tế, tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trên toàn tuyến trục với các khu vực xung quanh; tăng cường đảm bảo anh ninh - quốc phòng của vùng/ quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển trong thời gian qua của hình thức này cũng bộc lộ không ít hạn chế về hiệu quả liên kết giữa các trung tâm kinh tế và các tác động phân cực đòi hỏi phải nghiên cứu hoàn thiện. Làm thế nào để phát huy được các giá trị thực tiễn của việc tổ chức các HLKT, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước trong thời kì CNH, HĐH là một vấn đề đáng quan tâm cả về lý luận và thực tiễn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Quốc lộ 18 (QL18) là một trong những tuyến giao thông huyết mạch ở phía Bắc Việt Nam. Với những lợi thế về vị trí địa lý, các điểm đầu mút là các cửa vào - ra (sân bay quốc tế Nội Bài, cảng nước sâu Cái Lân, cửa khẩu quốc tế Móng Cái) cùng sự phát triển sôi động của các trung tâm kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) Bắc Bộ đã làm cho QL18 có nhiều tiềm năng phát triển thành HLKT. Việc phát triển HLKT QL18 sẽ tạo ra những tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương có HLKT đi qua và của cả VKTTĐ Bắc Bộ gắn với vùng phía Nam
  4. 3 Trung Quốc. Tuy vậy, thời gian qua sự phát triển và liên kết của các trung tâm kinh tế dọc theo QL18 còn hạn chế; các tác động lan tỏa từ sự phát triển do lợi ích của tuyến trục giao thông huyết mạch trong vùng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vai trò của nó. Vì vậy, việc nghiên cứu để phát triển QL18 trở thành HLKT trở nên cấp bách. Xuất phát từ những lí do nêu trên tác giả chọn vấn đề "Phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 18 trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam" làm đề tài luận án tiến sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 2.1. Mục đích Xác lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng và phát triển HLKT ở Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH; vận dụng nghiên cứu HLKT QL18 nhằm làm sáng tỏ các điều kiện và yếu tố hình thành HL cũng như các định hướng và đề xuất giải pháp phát triển của HLKT QL18 trong tương lai. 2.2. Nhiệm vụ  Tổng quan có chọn lọc và hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển HLKT trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH ở Việt Nam và vận dụng nghiên cứu trường hợp HLKT QL18;  Đánh giá điều kiện hình thành và phát triển HLKT QL18 trong quá trình CNH, HĐH đất nước;  Đề xuất định hướng và giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững HLKT QL18 đến năm 2020 và 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng Đối tượng nghiên cứu của luận án là HLKT QL18, trong đó tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học, các điều kiện hình thành và phát triển HLKT
  5. 4 QL18 trong quá trình CNH, HĐH; hệ thống các giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững HLKT QL18. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học, điều kiện hình thành, định hướng và giải pháp phát triển HLKT QL18. - Phạm vi không gian: Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, sự phát triển theo tuyến trục không phụ thuộc vào lãnh thổ - hành chính mà phụ thuộc vào ảnh hưởng (gồm sức hút và ảnh hưởng lan tỏa) của chính tuyến trục. Tuy nhiên, việc thu thập, xử lý và phân tích số liệu, đặc biệt là các số liệu định lượng trong nghiên cứu của luận án sẽ giới hạn đến các lãnh thổ cấp huyện thỏa mãn điều kiện (i) nằm dọc theo tuyến trục; (ii) toàn bộ hoặc phần lớn diện tích lãnh thổ thuộc phạm vi ảnh hưởng của tuyến trục. Do các lãnh thổ cấp huyện phù hợp với đơn vị kinh tế - hành chính nhỏ nhất ở Việt Nam, việc giới hạn phạm vi lãnh thổ trong nghiên cứu như vậy thể hiện tính khái quát cao nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan đối với sự phát triển HLKT. Như vậy, phạm vi không gian nghiên cứu HLKT QL18 được giới hạn từ sân bay quốc tế Nội Bài tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái cùng với vùng ảnh hưởng giữa HL với hai bên quốc lộ (QL) (được giới hạn theo đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố) có QL18 đi qua thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh bao gồm: Sóc Sơn (Hà Nội); Yên Phong, TP.Bắc Ninh, Quế Võ (Bắc Ninh); TP.Chí Linh (Hải Dương); Đông Triều, TP.Uông Bí, Yên Hưng, TP.Hạ Long, TP.Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, TP.Móng Cái (Quảng Ninh). Luận án có chú ý so sánh với VKTTĐ Bắc Bộ và các lãnh thổ lân cận.
  6. 5 - Phạm vi thời gian: Việc phân tích, đánh giá điều kiện hình thành và phát triển của HLKT QL18 được thực hiện cho giai đoạn chủ yếu từ năm 2000 đến 2010; dự báo định hướng phát triển và đề xuất giải pháp thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020 và 2025, tầm nhìn đến năm 2030. - Phạm vi về số liệu: các số liệu được tác giả sử dụng trong nghiên cứu, phân tích tới cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh). Trong một số trường hợp do hạn chế về thống kê, tác giả sử dụng các số liệu ở cấp tỉnh để minh họa cho các nhận định trong luận án. 4. Những đóng góp mới của luận án - Về mặt lý luận: Luận án đã làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận về HLKT và khẳng định HLKT là một hiện tượng khách quan, được phát triển dựa trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc. Luận án cũng đề xuất quy trình tiếp cận nghiên cứu và các tiêu chí đánh giá điều kiện hình thành và phát triển các HLKT. - Về mặt thực tiễn:  Luận án đã phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan và khoa học các điều kiện dẫn đến sự hình thành và phát triển lãnh thổ dọc QL18 thành HLKT ở phía Bắc.  Luận án đã đề xuất định hướng phát triển HLKT QL18 và kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm phát triển và phát huy vai trò của HLKT này trong quá trình CNH, HĐH đất nước.  Luận án cung cấp các căn cứ khoa học cho các địa phương dọc theo QL18 để cùng phối hợp, liên kết hành động phát huy vai trò của QL18 và các thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.  Luận án cung cấp thông tin và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định và thực thi chính sách trong lĩnh vực tổ chức không gian kinh tế - xã hội đồng thời là tài
  7. 6 liệu tham khảo tốt cho nghiên cứu và đào tạo đại học/ sau đại học khối ngành địa lý kinh tế - xã hội. 5. Cấu trúc của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, luận án được cấu trúc thành 4 chương chính: Chương 1. Tổng quan các công trình và phương pháp nghiên cứu về hành lang kinh tế Chương 2. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển hành lang kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Chương 3. Điều kiện hình thành và phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 18 Chương 4. Định hướng và giải pháp phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 18 trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  8. 7 Chương 1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH LANG KINH TẾ 1.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH LANG KINH TẾ 1.1.1. Các công trình nghiên cứu trên thế giới Phát triển HLKT ở nhiều quốc gia trên thế giới được xem là một xu thế tất yếu không chỉ trong nội bộ một vùng, một quốc gia mà đã mở rộng trên phạm vi liên quốc gia, quốc tế. Sự hình thành và phát triển các HLKT là yêu cầu khách quan nội tại của các quốc gia, các địa phương có tuyến giao thông huyết mạch kết nối các cực phát triển, các điểm mút vào - ra nhằm tận dụng những lợi thế của tuyến trục để hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, thực hiện giảm tỷ lệ đói nghèo, tạo các điều kiện để hoà nhập vào xu thế phát triển chung của quốc gia và quốc tế. Hình thức tổ chức HLKT xuất hiện đầu tiên ở các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều nghiên cứu cho rằng, ý tưởng về HLKT được xuất phát từ ý tưởng cải cách của Abraham Lincoln trong giai đoạn 1861 - 1876, khi cho xây dựng các tuyến đường sắt xuyên lục địa của nước Mỹ gắn với phát triển các thành phố, các trung tâm công nghiệp, văn hóa, chính trị dọc theo tuyến đường. Lincoln đã xác định mối quan hệ giữa hệ thống đường sắt xuyên lục địa và việc phát triển kinh tế tại các khu vực phụ cận có tuyến đường sắt ngang qua. Trong khi đó, theo nhiều học giả nghiên cứu ở châu Á, ý tưởng manh nha về HLKT xuất phát từ con đường tơ lụa nối giữa Trung Quốc và các quốc gia Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. Các thương nhân trên con đường này đã vận chuyển buôn bán hương liệu từ Trung Quốc tới các vùng và vận chuyển
  9. 8 hàng hóa từ các vùng về Trung Quốc, hình thành nên con đường buôn bán sầm uất trong nhiều thập kỷ. Theo tìm hiểu của tác giả, trên thế giới vấn đề HLKT thường được đề cập trong các nghiên cứu chung về TCKG kinh tế và một số công trình nghiên cứu cụ thể. Tổng hợp các tài liệu được công bố của các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực liên quan, tác giả đúc rút được từ một số công trình nghiên cứu về HLKT tiêu biểu như sau: - Chính sách phát triển vùng: trường hợp nghiên cứu tại Venezuela của tác giả J.Friedmann (1966) [64]. Trong nghiên cứu này Friedmann đã đưa ra những quan niệm cơ sở về HLKT. Ông cho rằng HLKT là một khu vực hẹp dọc theo tuyến đường quan trọng kết nối giữa hai cửa "vào - ra" của tuyến trục. HLKT là một dải đất liên tục rộng khoảng 100km, trung tâm là một tuyến đường giao thông chính (chẳng hạn như một tuyến đường sắt, hoặc tuyến đường ô tô), với các hệ thống cơ sở hạ tầng phụ cận bao gồm đường dây điện, đường ống dẫn nhiên liệu, cáp quang, đường cung cấp nước (xem hình 1.1) Hình 1.1. Sơ đồ mô phỏng cấu trúc một hành lang kinh tế theo J.Friedmann
  10. 9 Tuy nhiên, các vấn đề lý thuyết về HLKT do J.Friedmann đưa ra mới chỉ dừng ở mức khái quát về quan niệm và một số điều kiện hình thành của HLKT, chưa nghiên cứu cụ thể về vai trò và đặc điểm của việc tổ chức phát triển HLKT. - Trong nghiên cứu Quan niệm và phân loại về trục phát triển, Geyer, H.S (1988) [66] đã đề cập đến khái niệm trục phát triển - một khái niệm tương đương đương với HLKT theo cách hiểu hiện nay. Theo Geyer điều kiện tiên quyết để hình thành trục phát triển là dựa trên một tuyến trục giao thông có sẵn, và các điểm mút "vào - ra" - các trung tâm kinh tế của tuyến trục, tạo nên các lực hút cho sự phát triển của toàn tuyến. Các trung tâm kinh tế trên toàn tuyến trục trải qua ba giai đoạn sơ khai, tập trung - phát triển, bão hòa và suy thoái. - Nghiên cứu Hướng tới một lý thuyết chung về sự phát triển HL ở Nam Phi của các tác giả Brian Marrian, Freeman, Ziv (2001) [60]. Các tác giả đã xác định HLKT là một khu vực lãnh thổ nhất định dọc theo một tuyến trục giao thông nối các hạt nhân với nhau. Sự liên kết giữa các trung tâm (hạt nhân) tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế theo chiều lan tỏa từ trung tâm hạt nhân ra các khu vực liền kề. Không gian của HLKT được xác định là khu vực rộng khoảng 2 km về mỗi bên của tuyến trục giao thông chính. Tuyến trục này phát triển kết nối các mạng lưới giao thông trong toàn bộ khu vực. Hoạt động của HL tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và đời sống của cư dân vùng phụ cận. HLKT kết nối các nút hoạt động đi qua các đô thị xung quanh một trục giao thông chính có khả năng tiếp cận với các vùng phụ cận có mật độ dân số cao và nguồn cung cấp nguyên liệu lớn. Nhìn chung, công trình này đã chỉ ra được các yếu tố cần và đủ cho việc hình thành và phát triển HLKT đó là các tuyến trục giao thông chính liên kết các điểm dân cư
  11. 10 và các khu vực kinh tế. Nghiên cứu này cũng đề cập một số nhân tố ảnh hưởng cơ bản trong việc hình thành và phát triển của HLKT. Tuy vậy, nghiên cứu chưa đề cập đến vai trò của các điểm “vào”, “ra” và chỉ giới hạn mức độ tác động của HL trong khoảng 2 km từ tuyến trục trung tâm. - Nghiên cứu của hai tác giả Campbell MM và Meades EE về Khả năng tồn tại của HLPT giữa Bloemfontein và Welkom (2005) [61] đã đề cập đến thuật ngữ HLPT trong nghiên cứu về HLKT. Theo Campbell và Meades , HLPT là một tuyến trục đáp ứng được bốn yêu cầu sau đây: (1) Hai đầu mối giao thông phải được liên kết của một trục giao thông; (2) Các trung tâm phải phụ thuộc lẫn nhau; (3) Sự tương tác phải đòi hỏi tiềm năng để phát triển hơn nữa; (4) Trục phải tăng trưởng về kinh tế và nội lực. - Nghiên cứu của Campbell, Johan Maritz, Hauptfleisch; Jordan, (2009) [62], Tác động của HL Maputo đối với lĩnh vực dịch vụ. Các tác giả đã đề cập đến quan niệm, vai trò của việc hình thành và phát triển HLKT nói chung và đối với khu vực Nam Phi nói riêng, trong đó nhấn mạnh tác động lan tỏa mạnh mẽ của sự phát triển HL Maputo tới khu vực phụ cận thông qua việc tăng cường liên kết các trung tâm phát triển, cơ sở hạ tầng. Thông qua các số liệu thực nghiệm định lượng, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc phát triển HLKT đã thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương thuộc khu vực HL cao và nhanh hơn các khu vực phụ cận ở xa phạm vi tác động của HL. - Trong hai nghiên cứu thảo luận: Hiệu quả và các thách thức của ba HLKT tiểu vùng sông Mê Kông, (2005) [69] và Vùng kinh tế đặc biệt và HLKT, (2009) [70] của Masami Ishida, tác giả đã đề cập đến vai trò của các HLKT trong phát triển kinh tế của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông
  12. 11 với dự án HLKT của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Masami Ishida đã cho rằng phát triển HLKT tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc; tạo cơ hội thuận lợi cho việc trao đổi lao động, phát triển thông thương, du lịch giữa các quốc gia, giúp tăng cường thu nhập cải thiện đời sống dân cư, đặc biệt là tại các vùng biên giới giữa các nước còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh các học giả nghiên cứu trực tiếp về HLKT như đã nêu trên, một số học giả khác khi nghiên cứu về tổ chức không gian và quy hoạch vùng cũng đã đề cập ít nhiều đến các nội dung về lý luận cũng như thực tiễn nghiên cứu HLKT. Có thể kể đến như sau: - Glasson, (1978), Giới thiệu về quy hoạch vùng: khái niệm, lý thuyết và thực hành (An introduction to regional planning: concepts, theory and pracice) ấn bản thứ hai, London. Trong công trình này, Glasson đã đề cập đến HLKT như là một hình thức TCLT cần được xem xét trong quá trình lập và phát triển quy hoạch vùng. - Chapman, Pratt, Larkam & Dickins, (2003), Quan điểm và định nghĩa về HL: bằng chứng từ vùng trung du nước Anh (Concept and definitions of corridors: Evidence from England's Midland's), Tạp chí Địa lý Giao thông vận tải (Journal of Transport Geography). Các tác giả đã đề cập đến quan niệm về HLKT và phân tích các lợi ích của việc phát triển HLKT ở miền trung nước Anh. - Romein, Trip & Vries, (2003), Tính phức tạp của quy hoạch cơ sở hạ tầng: bằng chứng từ HL châu Âu Hà Lan - Phần Lan (The multi-scalar complexity of infrastructure planning: evidence from the Dutch-
  13. 12 Flemish eurocorridor), Tạp chí Địa lý Giao thông vận tải (Journal of Transport Geography). - Hess & Rodrigue, (2006), Mạng lưới sản xuất toàn cầu và vai trò của hậu cần và giao thông vận tải (Global production networks and the role of logistics and transportation); - Nathan Associates, (2008), Perkins, (2009), Báo cáo tóm tắt về vành đai Maputo (Maputo corridor summary report) USAID; Chương trình chính thức về sáng kiến phát triển không gian, Ngân hàng phát triển Nam Phi (Offcial of the Regional Spatial Development initiative Programe Unit of the Development Bank of South Africa). Báo cáo đã khẳng định thành công của việc phát triển HLKT Maputo trên các phương diện: (i) về mặt kinh tế: giảm chi phí công trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm sự lãng phí tài nguyên của các vùng lãnh thổ lân cận; giảm chi phí giao thông cho cộng đồng dân cư nghèo; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, tăng cơ hội phát triển kinh tế; tăng hiệu suất sử dụng trục giao thông; (ii) về mặt xã hội: giảm tỉ lệ đói nghèo, tăng cơ hội việc làm cho cộng đồng; phát triển các dịch vụ công cộng; (iii) về tổ chức đô thị: tái cấu trúc sự phân bố đô thị; phát triển thêm nhiều đô thị mới dọc HLKT; (iv) về mặt môi trường: giảm ô nhiễm môi trường phát thải từ các phương tiện giao thông; hạn chế rác thải... Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất các định hướng phát triển về cơ sở hạ tầng, mạng lưới logicstic và cơ chế chính sách để hành lang Maputo có thể phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo; - Nghiên cứu về phát triển logistics của HLKT Bắc - Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông: tóm tắt, ADB, Manila, Philippines, Ruth Banomyong (Logistics development study of the GMS North - South economic corridor: summary, ADB, Manila, Philippines; Ruth Banomyong) (2008);
  14. 13 - Chuẩn hoạt động hậu cần cho phát triển HL kinh tế: Quan sát hoạt động biên giới tiểu vùng sông Mê Kông (Benchmarking economic corridor logistics performance: a GMS boder crossing observation) (2008). Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới đã đề cập đến vấn đề phát triển HLKT và coi nó như là một hình thức TCLT quan trọng trong TCKG kinh tế - xã hội. Về cơ bản có thể rút ra một số luận điểm chung từ các công trình nghiên cứu này như sau: (i) HLKT là một khu vực lãnh thổ dọc hai bên tuyến trục giao thông huyết mạch có độ rộng khác nhau, dao động từ 2 km tới 50 km, thậm chí tới 100 km có mật độ các hoạt động kinh tế dày đặc, với các hạt nhân kinh tế tạo nên sự thịnh vượng chung. (ii) Điều kiện hình thành một HLKT phải đảm bảo có một tuyến trục giao thông huyết mạch (đường sắt, đường ô tô), kết nối các cực phát triển. (iii) HLKT có vai trò to lớn đối trên các mặt kinh tế - xã hội và môi trường thông qua việc tăng cường liên kết giữa các lãnh thổ, giảm chi phí và thời gian vận chuyển, tạo cơ hội việc làm, trao đổi lao động và tài nguyên, phát triển và mở rộng các đô thị. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam Tại Việt Nam, thời gian qua đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn phát triển đối với hình thức TCLT HLKT: Các công trình nghiên cứu về lý thuyết HLKT tiêu biểu có thể kể đến là: - “Bàn về phát triển kinh tế - Nghiên cứu con đường dẫn tới giàu sang” (2005) và “Tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội: một số vấn đề lý luận và ứng dụng” (2006) [41, 43] do PGS.TS Ngô Doãn Vịnh chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành. Trong hai công trình này tác giả đã đề cập tới nội dung và các hình thức cơ bản của TCKG kinh tế - xã hội, trong đó có đề cập tới HLKT (tr 422 - 425). Theo quan niệm của tác giả
  15. 14 “HLKT là kết quả một tuyến trục giao thông gắn với sự phân bố tập trung các hoạt động kinh tế (có sự phối hợp chặt chẽ) dọc tuyến. Nhờ sự phát triển và phân bố như vậy đã tạo ra các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển toàn tuyến, làm cho các hoạt động kinh tế của tuyến trở thành đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung”. Đồng thời tác giả cũng đề cập đến các yếu tố cấu thành một HLKT bao gồm tuyến giao thông huyết mạch, các cơ sở kinh tế và các điểm dân cư, các khu vực sản xuất bổ trợ. - Trong bài viết “Hai HL và một vành đai kinh tế: từ ý tưởng đến hiện thực” (2006) [17] của PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, tác giả đã nêu khái niệm về HLKT (là một tuyến nối liền các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia nhằm mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa - kinh tế nằm trên cùng một dải theo trục giao thông thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa và liên kết kinh tế giữa các vùng bên trong, cũng như các vùng cận kề với hành lang); và vành đai kinh tế (là một tuyến nối liền các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia nhằm mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa - kinh tế nằm trên cùng một dải bao quanh một khu vực (thành phố, vịnh, v.v..). Xây dựng vành đai kinh tế không những phát triển được kinh tế của những vùng nằm trên vành đai mà còn góp phần phát triển cả những vùng xung quanh qua việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông); Tác giả Nguyễn Văn Lịch đồng thời phân tích, so sánh điểm giống và khác nhau giữa HLKT và vành đai kinh tế: Điểm giống nhau cùng là sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia nhằm mục đích khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh. Điểm khác nhau là ở chỗ HLKT là tuyến liên kết theo trục giao thông, thường nối giữa các điểm - đầu cuối và giữa
  16. 15 của sự liên kết kinh tế. Động lực của hợp tác HL là các điểm nhấn (tỉnh, thành phố) nằm theo trục giao thông; còn vành đai kinh tế là tuyến liên kết theo hình vòng cung hoặc vòng tròn bao quanh một khu vực. Bài viết cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết, nội dung và định hướng của việc xây dựng hai HL, một vành đai kinh tế ở Việt Nam. - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện “Vị trí, vai trò của các HLKT đối với phát triển kinh tế Việt Nam" (2009) do PGS.TS Ngô Doãn Vịnh (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì [47]. Có thể nói đây là một công trình thể hiện tương đối đầy đủ các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn bước đầu về nghiên cứu HLKT ở Việt Nam. Đề tài đã đề cập đến các nội dung: quan niệm về HLKT; đặc điểm và vai trò của HLKT (dưới góc độ lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội); các điều kiện hình thành (bao gồm mức độ thuận lợi về trục giao thông; các lãnh thổ tập trung hoạt động kinh tế; sự phối hợp của các đầu mút; sự thừa nhận của nhà quản lý và sự ủng hộ của dân chúng); các nhân tố ảnh hưởng (bao gồm các nhân tố về địa lý tự nhiên: địa hình, khí hậu, khoáng sản, sinh vật, du lịch; và các nhân tố kinh tế - xã hội: dân cư - nguồn lao động, cơ sở vật chất, kĩ thuật hạ tầng, đường lối chính sách, nguồn vốn đầu tư, thị trường và các yếu tố liên kết vùng). Tuy vậy, đề tài chưa đi sâu phân tích vai trò của HLKT đối với từng lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng cũng như xác định các điều kiện hình thành, phát triển và các tiêu chí định lượng để đánh giá, xem xét vai trò của HLKT. - Trong giáo trình “Tổ chức lãnh thổ kinh tế” của tác giả Ngô Thúy Quỳnh (Học viện Chính sách và Phát triển), Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2010 [27], tác giả đã đề cập đến hình thức tổ chức HLKT khi trình bày về nội dung các hình thức TCLT trên thế giới và Việt Nam
  17. 16 (trang 143 - 146). Kế thừa các công trình nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về HLKT, tác giả đã xác định các yếu tố then chốt để hình thành một HLKT bao gồm: tuyến giao thông huyết mạch kết nối các cực phát triển hay trung tâm đô thị gắn với các khu công nghiệp hoặc các khu kinh tế; các cơ sở kinh tế, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp, du lịch, thương mại hàng hóa, bán xăng dầu, dịch vụ thông tin, hội chợ và triển lãm… phối hợp với nhau tạo nên tiềm lực kinh tế chung cho tuyến hành lang. Các doanh nghiệp đó được lợi do có được điều kiện thuận lợi về giao thông; các điểm dân cư và những khu vực sản xuất nông - lâm nghiệp bổ trợ dọc tuyến được hỗ trợ phát triển. Tuy vậy, các khía cạnh khác về HLKT như vai trò, những tác động tích cực, tiêu cực của việc hình thành HLKT hay các tiêu chí để xác định vai trò của HLKT chưa được tác giả đề cập đến. Bên cạnh các công trình nghiên cứu về lý thuyết, các công trình nghiên cứu thực tiễn cũng như quy hoạch về phát triển HLKT có thể kể đến là: - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Một số giải pháp phát triển thương mại trên HLKT Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh” (2002) [51] và “Nghiên cứu phát triển thương mại khu vực HLKT Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh trong bối cảnh hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc” (2004) [52] của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Thương mại nay là Bộ Công Thương). Đề tài đã làm rõ những luận cứ khoa học của việc xây dựng HLKT Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Phân tích những tác động của HLKT đối với việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; Dự báo những tác động của việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ACFTA) đối với phát triển thương mại trên HL; Đề xuất các giải pháp
  18. 17 thúc đẩy phát triển thương mại trên HL trong bối cảnh hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Bên cạnh những kết quả như đã trình bày, do đề tài nghiên cứu về lĩnh vực thương mại trên HLKT nên quan niệm và vai trò của HLKT mới chủ yếu nghiên cứu và phân tích dưới góc độ của hoạt động thương mại trong bối cảnh tự do hóa thương mại như việc phát triển các liên kết theo HLKT làm giảm chi phí lưu thông hàng hóa nội địa và xuất khẩu; thúc đẩy trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh tế trong vùng cũng như giữa vùng trên HL với các vùng khác và quốc tế... do đó, đề tài chưa xác định đầy đủ vai trò và các điều kiện, yếu tố tác động đến việc hình thành và phát triển HLKT trong điều kiện CNH, HĐH ở Việt Nam. - Báo cáo khoa học“HLKT Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng” của PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (2006) [29]. Tác giả đã đề cập đến quan niệm về HLKT cũng như một số nhân tố quan trọng trong việc hình thành HLKT đó là tuyến trục giao thông huyết mạch, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. - Báo cáo tổng hợp“Quy hoạch phát triển HLKT Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh trong chương trình hợp tác phát triển HLKT Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến năm 2020” (2006) [2] và“Quy hoạch phát triển HLKT Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh trong chương trình hợp tác phát triển HLKT Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng đến năm 2020” (2007) [4] do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Cả hai báo cáo quy hoạch đã trình bày quan niệm về HLKT tuy chưa đề cập chi tiết các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện hình thành hay đề cập đến vai trò của HLKT trong quá trình CNH, HĐH đất nước nhưng cả hai đề tài là những công trình nghiên cứu về thực tiễn phát triển của HLKT rất có
  19. 18 giá trị thông qua việc đánh giá các nguồn lực, hiện trạng phát triển kinh tế của các địa phương dọc theo tuyến, đồng thời xác định các định hướng và giải pháp phát triển đến năm 2020 cho toàn bộ tuyến HL. - Trong đề án “Quy hoạch phát triển HL Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài” do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2010 và 2011 [48]. Đây là công trình này có giá trị cao về thực tiễn nghiên cứu HLKT trong điều kiện ở Việt Nam. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố, điều kiện để hình thành HLKT Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; định hướng phát triển và ý tưởng thiết kế tuyến hành lang kinh tế đến năm 2020 và kiến nghị giải pháp đảm bảo sự phát triển của HLKT. Bên cạnh các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên, ở Việt Nam còn một số học giả cũng đã bước đầu nghiên cứu về HLKT trong các bài báo, các tham luận có thể kể đến như: PGS.TS Lê Văn Sang (Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) - Vai trò của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng trong quá trình phát triển kinh tế miền Tây Bắc (Việt Nam) và miền Tây Nam (Trung Quốc); ngoài ra còn một số bài báo của TSKH Trần Khánh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) - Tình hình phát triển HLKT Côn Minh - Hải Phòng và tác động của nó đến quan hệ kinh tế Việt - Trung; TS. Nguyễn Trần Quế (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) - Xây dựng HLKT Côn Minh - Hải Phòng: những thuận lợi, khó khăn và giải pháp… Hầu hết các tác giả này đều khẳng định việc phát triển HLKT sẽ mang lại những lợi ích to lớn trong việc tăng cường liên kết, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến trục giao thông huyết mạch đi qua. 1.1.3. Các công trình nghiên cứu về quốc lộ 18 Đối với đối tượng nghiên cứu là QL18, đã có một số công trình nghiên cứu, chủ yếu tập trung vào các vấn đề về TCLT du lịch và công nghiệp, giao thông vận tải. Đáng lưu ý và có giá trị nhất trong các công trình nghiên cứu về
  20. 19 HLKT QL18 là công trình "Quy hoạch phát triển bền vững tuyến HL đường 18" thuộc dự án VIE/96/001do Viện Chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành dưới sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) (1997). Báo cáo "Quy hoạch phát triển bền vững tuyến HL đường 18" đã phân tích hiện trạng; làm rõ các mục tiêu phát triển, các chiến lược và phương án phát triển tuyến HL đường 18; trên cơ sở đó đã xác định sơ bộ các khu vực ưu tiên đầu tư. Đây là công trình nghiên cứu đầy đủ và chi tiết nhất về HLKT QL18 tính đến thời điểm hiện tại. Tuy vậy, trong công trình nghiên cứu này các chuyên gia mới chủ yếu đề cập đến các vấn đề về phát triển công nghiệp (công nghiệp nặng) và hướng phát triển đô thị trên tuyến HL. Tuy nhiên, do thực hiện cách đây 16 năm nên một số vấn đề kinh tế mới chưa đề cập cụ thể trong bối cảnh mới của đất nước như việc phát triển du lịch mạnh mẽ trên HLKT khi vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, dân ca Quan họ Kinh Bắc được công nhận là Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại; thêm vào đó các điểm mút vào - ra tại thời điểm đó cũng chưa hình thành rõ rệt do cửa khẩu quốc tế Móng Cái còn rất sơ khai, chưa hình thành KKT cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân và việc xác định HLKT được tính từ Bắc Ninh chưa tính đến sự ảnh hưởng của trung tâm kinh tế thủ đô Hà Nội. Trong báo cáo, quy trình nghiên cứu HLKT được các tác giả áp dụng bao gồm 03 bước: (1) xác định đặc điểm tiềm năng thế mạnh về tự nhiên, kinh tế - xã hội theo các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, trong một số trường hợp đưa thêm các yếu tố về quan hệ quốc tế; (2) nghiên cứu thực trạng (tình hình) phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên HLKT đặc biệt nhấn mạnh đến vận tải, du lịch và công nghiệp dọc theo tuyến
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2