intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Xuất khẩu gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:196

36
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về xuất khẩu hàng hóa (XKHH) nói chung, XKG nói riêng, luận án đánh giá thực trạng hoạt động XKG của ĐBSCL trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh XKG ở vùng này trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) giai đoạn 2014 - 2020.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Xuất khẩu gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO

  1. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Lúa/gạo được xác định là cây lương thực thứ hai sau lúa mì trên thế giới, với tỷ trọng khoảng 85% được sản xuất ở các nước châu Á. Ngày nay, do sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng (nhất là ở châu Phi và một số nước ở châu Á), trong khi diện tích đất dành cho canh tác lúa ngày càng bị thu hẹp, nên nhu cầu về lương thực, đặc biệt là gạo ngày càng tăng đối với nhiều quốc gia. “Theo đánh giá của các chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp quốc (Food and Agriculture Organization - FAO), nhu cầu lương thực thế giới tăng 64% vào năm 2020, trong đó nhu cầu của các nước đang phát triển tăng gấp đôi, còn Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 200 triệu tấn lương thực vào năm 2030”. Ở Việt Nam, kể từ năm 1989, sản xuất lúa gạo không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, mà còn bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng sản xuất lúa gạo cao và ổn định, khả năng xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - ĐBSCL) tăng dần qua các năm - tính đến hết năm 2013, Việt Nam đã cung ứng khoảng 110 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới. Xuất khẩu gạo (XKG) tăng cao về khối lượng và kim ngạch, đã đưa mặt hàng gạo trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, không những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thúc đẩy phát triển triển kinh tế - xã hội… mà còn dần khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường gạo thế giới: thị trường XKG của Việt Nam đã mở rộng tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở tất cả các châu lục. Tháng 10, năm 2012 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 1 về khối lượng gạo xuất khẩu (GXK) (trên Thái Lan và Ấn Độ). Tuy vậy, hiện nay trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Organization - WTO) vào ngày 11-01-2007, xuất
  2. 2 khẩu gạo của nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn, như: thị trường không ổn định, cạnh tranh của các nước mới XKG (Ấn Độ, Pakistan…) ngày càng gay gắt; hơn nữa GXK của nước ta kém lợi thế trong cạnh tranh do chất lượng thấp, chưa có thương hiệu, nên giá GXK của Việt Nam nhìn chung là thấp hơn của Thái Lan. Bên cạnh đó, lợi ích của người nông dân sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu không được đảm bảo, thường bị thua thiệt, nông dân sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu còn nghèo… Điều đó khiến cho hiệu quả XKG của Việt Nam còn thấp, thiếu tính bền vững. Mặt khác, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất gạo trong nước có nhiều khó khăn vì thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, do bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nước biển xâm nhập sâu do hạn hán, bão, lũ, thiên tai ngày càng nhiều. Tình hình đó tác động không nhỏ đến hoạt động XKG của ĐBSCL. Vì thế, việc nghiên cứu để tìm ra phương hướng, biện pháp nhằm đẩy mạnh XKG của ĐBSCL cũng như của Việt Nam sau khi Việt Nam là thành viên của WTO là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Xuất phát từ những vấn đề trên, tác giả chọn vấn đề: "Xuất khẩu gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO" làm đề tài luận án tiến sĩ kinh tế của mình. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về xuất khẩu hàng hóa (XKHH) nói chung, XKG nói riêng, luận án đánh giá thực trạng hoạt động XKG của ĐBSCL trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh XKG ở vùng này trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) giai đoạn 2014 - 2020. 2.2. Nhiệm vụ (1) Trình bày các vấn đề lý luận về xuất khẩu gạo trong điều kiện thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO.
  3. 3 (2) Phân tích những thuận lợi và khó khăn; thời cơ và thách thức đối với XKG khi Việt Nam gia nhập WTO. (3) Đánh giá tình hình XKG của ĐBSCL từ 2007 - 2013. Chỉ rõ những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của hạn chế. (4) Trình bày bối cảnh mới ảnh hưởng đến đẩy mạnh XKG ở ĐBSCL, những phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh XKG của ĐBSCL trong bối cảnh HNKTQT, và biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 – 2020. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là xuất khẩu gạo ở ĐBSCL – tức là bán gạo cho người nước ngoài trong điều kiện thực hiện các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO (mở cửa thị trường nông sản, không áp dụng trợ cấp xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh...) dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu tình hình XKG ở ĐBSCL trong điều kiện thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO của Việt Nam. Và nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy XKG ở ĐBSCL một cách có hiệu quả trong bối cảnh mới của hội nhập kinh tế quốc tế và sự biến đổi khí hậu. - Về không gian nghiên cứu: là vùng ĐBSCL. - Thời gian nghiên cứu: Luận án lấy mốc thời gian từ 2007 - 2014 để thu thập số liệu, lựa chọn, phân tích, đánh giá thực trạng XKG ở ĐBSCL và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2014 - 2020. 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận, thực tiễn của luận án - Cơ sở lý luận của luận án: Lý luận kinh tế chính trị Mác - Lênin; quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung, về quan hệ kinh tế đối ngoại, HNKTQT và XKHH... của Đảng và Nhà nước Việt Nam và một số lý thuyết kinh tế khác liên quan đến đề tài luận án.
  4. 4 - Cơ sở thực tiễn của luận án: Kinh nghiệm XKG của một số nước và thực trạng XKG ĐBSCL trong thời gian từ năm 2007-2014. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở vận dụng lý luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống của khoa học kinh tế chính trị là phương pháp trừu tượng hóa khoa học thực sự duy vật biện chứng. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể là: - Phân tích và tổng hợp - Kết hợp chặt chẽ giữa lôgích với lịch sử. - Diễn dịch và quy nạp - Phương pháp thống kê, so sánh. Mô tả bằng các bảng, biểu, sơ đồ... - Tổng kết thực tiễn - Thu thập xử lý thông tin: Nguồn số liệu sử dụng trong luận án chủ yếu là nguồn số liệu thứ cấp: số liệu của Tổng cụ thống kê và Cục thống kê các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; số liệu của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ khác liên quan; số liệu điều tra khảo sát của các Viện nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu có liên quan và các kết quả nghiên cứu đã công bố tại các cuộc hội thảo, các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành. 5. Những đóng góp mới của luận án + Về mặt lý luận: . Luận án xây dựng các tiêu chí đẩy mạnh XKG và các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động XKG trong điều kiện thực hiện các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. . Luận án chỉ rõ những đặc điểm của XKG, đó là: (i) gạo là mặt hàng mang tính chính trị, ngoại giao, nhân văn và có tính cạnh tranh cao, do đó cần có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động XKG; (ii) XKG có đặc điểm riêng: mang tính thời vụ, thường tập trung vào mùa khô, nên các dịch vụ vận
  5. 5 tải, bốc xếp cũng gia tăng vào thời điểm này; (iii) đặc điểm của thị trường gạo thế giới: mang “tính thời vụ”, buôn bán giữa các chính phủ là phương thức chủ yếu, chủ thể xuất khẩu và nhập khẩu gạo không ổn định; trên thị trường, chủng loại gạo phong phú, đa dạng và có sự khác biệt về thị hiếu ở mỗi nước. + Về mặt thực tiễn: . Luận án đánh giá thực trạng XKG ở ĐBSCL một cách toàn diện, sát với thực tế, trung thực... làm cơ sở cho việc tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian 2014-2020. . Nghiên cứu những xu hướng mới của thị trường gạo thế giới và dự báo về thương mại gạo thế giới giai đoạn 2014 - 2020. Xác định phương hướng, và đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy XKG ở ĐBSCL trong bối cảnh mới của HNKTQT và sự biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương, 9 tiết.
  6. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế (TMQT), trước hết là hoạt động xuất nhập khẩu, là một trong các chủ đề được các nhà nghiên cứu lý luận trong và ngoài nước nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau và đạt được những kết quả nhất định. 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI CỦA CÁC TÁC GIẢ NGOÀI NƯỚC VÀ TRONG NƯỚC 1.1.1. Các nghiên cứu liên quan đến lợi thế trong quan hệ thương mại quốc tế 1.1.1.1. Các quan niệm về lợi thế Lợi thế xuất khẩu nông sản nói riêng là một trong những hình thức của lợi thế nói chung. Lợi thế có nhiều cấp độ khác nhau và các mức độ khác nhau, như lợi thế tuyệt đối, lợi thế tương đối (lợi thế so sánh), lợi thế cạnh tranh, lợi thế tự nhiên ... Lợi thế tự nhiên: là lợi thế do những điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi cho tiến hành sản xuất và đạt được các chỉ tiêu như: tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, vị trí địa lý (gần thị trường tiêu thụ, gần nguồn nguyên vật liệu)... Lợi thế tuyệt đối, là khái niệm để chỉ sự trội hơn về lượng tuyệt đối của nước này so với nước khác về một loại sản phẩm nào đó dựa trên các chỉ số như: giá thành sản xuất thấp hơn, năng suất lao động cao hơn hay chất lượng của các nhân tố đầu vào của sản xuất tốt hơn. Quan niệm này được các nhà kinh tế học cổ điển đưa ra từ cuối thế kỷ XVIII. Adam Smith (1723-1790) – Nhà kinh tế học cổ điển, người Scotland đã chỉ ra rằng: “Thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho các quốc gia bắt nguồn từ nguyên tắc phân công lao động”. Theo ông, các quốc gia nên chuyên môn hóa sản xuất những sản phẩm
  7. 7 mà họ có lợi thế tuyệt đối, sau đó bán những hàng hóa này sang các nước khác để đổi lấy các sản phẩm mà ở trong nước họ sản xuất kém hơn. Như vậy, quá trình sản xuất dựa vào lợi thế tuyệt đối sẽ có lợi cho các nước. Lợi thế so sánh (Comparative advantage): nếu lợi thế tuyệt đối chỉ sự khác biệt về giá thành sản xuất hay chi phí thực tế trong việc sản xuất ra một sản phẩm nào đó, thì khái niệm lợi thế so sánh chỉ sự khác biệt về chi phí cơ hội. Khái niệm lợi thế so sánh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong học thuyết thương mại hiện đại. Một bên (quốc gia, khu vực, cá nhân) được coi là có lợi thế so sánh hơn bên kia trong việc sản xuất một sản phẩm, nếu họ có thể sản xuất sản phẩm đó với chi phí cơ hội thấp hơn. Người đầu tiên đưa ra khái niệm lợi thế so sánh là Robert Toens vào năm 1815 trong bài viết về trao đổi ngũ cốc giữa Anh và Ba Lan. Ông rút ra kết luận, người Anh vẫn có lợi khi XKHH sang Ba Lan để đổi lấy ngũ cốc, cho dù họ có thể sản xuất ngũ cốc với chi phí thấp hơn Ba Lan. Tuy vậy, người đóng góp lớn nhất cho lý thuyết lợi thế so sánh chính là David Ricardo (1772-1823) - Nhà kinh tế học cổ điển người Anh [56, tr.17-23]. Có nhiều cách tiếp cận lợi thế so sánh. Một số học giả tiếp cận dưới góc độ nguồn lực, theo đó lợi thế so sánh có được là nhờ ưu thế của các nguồn lực, như chi phí lao động rẻ, hoặc dựa vào sự dồi dào tài nguyên. Với lợi thế này, có thể đạt được chi phí sản xuất thấp hơn đối thủ cạnh tranh để giành ưu thế trong cạnh tranh. Theo Cao Duy Hạ, trong Tạp chí Tuyên giáo điện tử, tháng 5/2010 thì: lợi thế so sánh là những điều kiện và khả năng thuận lợi (hoặc khó khăn) của một quốc gia này so với quốc gia khác trong việc sản xuất cùng loại sản phẩm hàng hóa hay kinh doanh, dịch vụ thương mại trong những thời điểm nhất định, nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất cho mỗi quốc gia. Hoặc lợi thế so sánh của một quốc gia có thể được hiểu là một quốc gia có hiệu quả tương đối lớn hơn về yếu tố đầu vào so với các nước khác trên thế giới trong việc sản xuất ra một loại sản phẩm cụ thể nào đó [24, tr.36].
  8. 8 Lợi thế so sánh bao gồm: lợi thế so sánh tĩnh (hay lợi thế so sánh cứng), là lợi thế đang có, những lợi thế có được mà không phải đầu tư lớn về vốn và trí tuệ, ví như, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên: đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết... theo M. Porter đây là loại lợi thế “trời cho”, “lợi thế cấp thấp”. Lợi thế so sánh động (hay lợi thế so sánh mềm): là lợi thế “cấp cao”, lợi thế phải có đầu tư lớn về vốn và tri thức (như đầu tư vào kết cấu hạ tầng tốt, vào khoa học kỹ thuật, đầu tư đào tạo lao động chất lượng cao...) [57, tr.19-20]. Lợi thế cạnh tranh: theo Michael Porter - nhà khoa học về quản trị nổi tiếng ở Mỹ, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, lợi thế cạnh tranh (LTCT) được hiểu là những nguồn lực, lợi thế của ngành, quốc gia, nhờ có chúng mà các doanh nghiệp kinh doanh trên thương trường quốc tế tạo ra một số ưu thế vượt trội hơn, ưu việt hơn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp. LTCT giúp cho nhiều doanh nghiệp có được “quyền lực thị trường” để thành công trong kinh doanh, và trong cạnh tranh. Khi nói đến lợi thế cạnh tranh là nói đến lợi thế của một doanh nghiệp, một quốc gia đang có và có thể có, so với các đối thủ cạnh tranh của họ. Về lợi thế cạnh tranh quốc gia, năm 1990, Michael Porter đã xuất bản cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh quốc gia”, trong đó, ông đưa ra mô hình “Viên kim cương”. Các yếu tố quyết định của mô hình là: - Các điều kiện về các yếu tố sản xuất - Điều kiện về cầu - Các ngành hỗ trợ - Bối cảnh cạnh tranh, chiến lược và cơ cấu doanh nghiệp Ngoài ra, có 2 yếu tố bổ sung là vai trò nhà nước và thời cơ. Theo Porter thì không có quốc gia nào có khả năng cạnh tranh ở tất cả các ngành hoặc hầu hết các ngành. Các quốc gia chỉ có thể thành công trên thương trường quốc tế khi họ có LTCT.
  9. 9 Từ các quan niệm về các loại lợi thế, có thể hiểu lợi thế là một phạm trù kinh tế dùng để chỉ những điều kiện thuận lợi tạo ra những ưu thế của một vùng, tiểu vùng hay của một ngành, doanh nghiệp cụ thể trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường để thu được lợi ích cao hơn đối thủ cạnh tranh [58, tr.22]. 1.1.1.2. Các lý thuyết cơ bản về lợi thế trong thương mại quốc tế Một là, lý thuyết lợi thế của trường phải Cổ điển và Tân cổ điển [1] Đó là: - Lý thuyết về lợi thế của A.Smith (1723-1790) - Lý thuyết về lợi thế so sánh của David Ricardo (1772 - 1823) - Lý thuyết giải thích nguồn gốc thương mại quốc tế thông qua sự khác biệt về tỷ lệ các yếu tố (lao động và vốn), gọi tắt là mô hình Hecksher - Ohlin Hai là, các lý thuyết lợi thế hiện đại (1) Lý thuyết về lợi thế của P.A. Samuelson Khác với D.Ricardo, P.A.Samuelson giả định nền kinh tế không chỉ có 1 nguồn lực duy nhất, mà có nhiều nguồn lực. Trong đó, có nguồn lực chỉ sử dụng trong một ngành (tức là có tính “chuyên nghiệp”) và có nguồn lực được sử dụng trong nhiều ngành (có tính linh động). Theo ông, cầu lao động và mức sử dụng lao động phụ thuộc vào giá tương đối của hàng hóa. Do có sự khác biệt về giá tương đối của hàng hóa đã tạo ra động cơ chuyển dịch nguồn lực một các linh động giữa các ngành và do đó, làm thay đổi khả năng cung ứng sản phẩm của nền kinh tế đó [52]. Từ đó, P.A.Samuelson cho rằng, tỷ lệ sử dụng các yếu tố chuyên biệt trong các ngành của các quốc gia khác nhau đã tạo ra sự cung tương đối của từng quốc gia cũng sẽ khác nhau. Do vậy mà tạo ra sự chênh lệch tương đối của giá cả và đây là lợi thế thu được từ TMQT [52]. “Mô hình Samuelson” đã khắc phục được một số hạn chế của “Mô hình Ricardo”. Samuelson cho rằng cơ sở của TMQT bắt nguồn từ sự khác nhau về
  10. 10 nguồn lực trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Do những điều kiện tự nhiên, khoáng sản, lịch sử… khác nhau, mà mỗi nước sẽ sản xuất những sản phẩm đặc thù rồi mang bán trên thị trường thế giới, rồi dùng tiền thu được để mua những thứ đặc thù của nước khác mà mình không sản xuất được hoặc nếu sản xuất thì chi phí sẽ cao hơn. Qua các hành vi đó mà mỗi nước sẽ thu được lợi ích - lợi ích từ TMQT đem lại. (2) Lý thuyết của Paul Krugman Mô hình TMQT truyền thống tập trung giải thích hoạt động thương mại liên ngành, tức là sự trao đổi hàng hóa thuộc các lĩnh vực hoặc ngành sản xuất khác nhau. Trên thực tế, quan hệ trao đổi thương mại còn diễn ra giữa các mặt hàng liên quan với nhau hoặc những mặt hàng được xếp vào cùng ngành hoặc cùng lĩnh vực sản xuất. TMQT còn diễn ra đồng thời với xuất khẩu lại vừa nhập khẩu một số mặt hàng cơ bản giống nhau, gọi là TMQT 2 chiều hay quan hệ thương mại nội ngành, tức là mua bán hàng hóa trong cùng một ngành hàng hay cùng một ngành sản xuất và diễn ra rất phổ biến giữa các nhóm nước có cùng trình độ phát triển. Ví dụ Mỹ là quốc gia nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản và Châu Âu, và cũng là quốc gia xuất khẩu ôtô sang các thị trường này… Để giải thích cho quan hệ thương mại này, Paul Krugman đã đưa ra lý thuyết mới về TMQT nội ngành có thể được thực hiện dựa trên giả định về lợi thế nhờ quy mô, nghĩa là việc sản xuất trên quy mô lớn sẽ làm giảm chi phí sản xuất: Lý thuyết của P.Krugman còn dựa trên giả định người tiêu dùng quan tâm tới tính đa dạng sản phẩm cũng là một lợi thế trong quan hệ TMQT. Do hai đặc tính - lợi thế nhờ quy mô và sự ưa thích đa dạng nhãn hiệu của người tiêu dùng - mà người sản xuất sẽ trở thành độc quyền với nhãn hiệu sản phẩm của mình [56]. Lý thuyết của P.Krugman đã giải thích được tại sao TMQT vẫn diễn ra giữa những nước có lợi thế tương đối về vốn, công nghệ, nhân tố sản xuất
  11. 11 tương tự nhau. Ví dụ, Mỹ và Châu Âu cùng có lợi thế tương đối về vốn và công nghệ, nhưng Mỹ vẫn xuất khẩu xe ô tô Ford và nhập khẩu xe BMW từ Châu Âu. Sự ưa thích tính đa dạng nhãn hiệu của người tiêu dùng cũng nảy sinh ra lợi thế cho phép hãng xe hơi Ford và BMW đều sản xuất ra 1 loại sản phẩm mà vẫn có lợi thế nhờ những nhãn hiệu của mình. Lý thuyết TMQT mới của P.Krugman đã trở thành lý thuyết chính của TMQT bổ sung cho lý thuyết lợi thế so sánh của D.Ricardo và Heckscher – Ohlin. Trên cơ sở nội dung cơ bản của các lý thuyết này, các nhà kinh tế học đã mở rộng và phát triển lý thuyết về lợi thế so sánh. 1.1.2. Các nghiên cứu liên quan đến sự tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến hoạt động xuất khẩu Từ cam kết và thực hiện cam kết trong quá trình thực hiện Hiệp định về nông nghiệp của WTO, có thể nhận thấy sự tác động của việc gia nhập WTO đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản nước ta như sau: - Đảm bảo cho hàng nông nghiệp Việt Nam có thị trường rộng mở và ổn định. Việc chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa đã chứng minh tầm quan trọng quyết định của nhân tố thị trường tiêu thụ. Trước đổi mới, Việt Nam đã có xuất khẩu nông sản sang các nước khối Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) nhưng với khối lượng ít và không thực sự vận hành theo cơ chế thị trường. Trong những năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản một cách tòan diện, đặc biệt là từ khi Việt Nam là thành viên của WTO thì thị trường tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng ngày càng được mở rộng hơn. - Hạn chế tình trạng phân biệt đối xử trong thương mại nông sản. Gia nhập WTO chúng ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp. Khi đã vào WTO
  12. 12 thì hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ ít bị o ép so với trước khi vào WTO. Hàng hóa của chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng với hàng hóa của các nước khác cùng trong tổ chức. - Tác động thúc đẩy nâng cao giá trị hàng nông sản. Gia nhập WTO nông dân sẽ được tiếp cận thị trường nhiều hơn do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trên thế giới. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ đem lại cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nông sản, từ đó mà nâng cao được năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Dưới sức ép của luồng hàng nhập khẩu mạnh mẽ, các doanh nghiệp chế biến hàng nông, lâm, thủy sản buộc phải phấn đấu vươn lên để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cũng như mọi thành phần xã hội khác, người nông dân cũng sẽ được tự do lựa chọn rất nhiều mặt hàng phong phú và có chất lượng cao của toàn thế giới. - Việc tăng giá nông sản tất yếu sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. - Tác động đến an ninh lương thực. Trong quá khứ trước đây hoặc những năm gần đây, khủng hoảng lương thực là ít khi xẩy ra hoặc xẩy ra trên phạm vi hẹp, nhưng trong tương lai khủng hoảng lương thực rất có thể xẩy ra khá thường xuyên hơn. Điều này có thể là do sự gia tăng giá nhiên liệu dẫn đến ảnh hưởng sản xuất lúa gạo. Hơn nữa, nông dân gieo trồng những cây trồng khác thay thế để chuyển vào sản xuất năng lượng nhiều hơn, bởi vì sản xuất những cây trồng đó làm cho nông dân thu nhập cao hơn lúa. Vì thế sự ổn định sản xuất lương thực để nuôi sống hơn 6 tỷ người trên trái đất, đặc biệt việc sản xuất lúa gạo là một trong những việc quan trọng mà mọi người trên thế giới phải tập trung vào nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên tòan thế giới. Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu về sản xuất lúa gạo XK, và hiển nhiên cũng là một quốc gia tham gia vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho tòan cầu.
  13. 13 - Tuy nhiên GXK của Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn (nhất là các doanh nghiệp), bởi vì, năm 2011 thị trường gạo của Việt Nam phải mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia theo đúng lộ trình cam kết khi gia nhập WTO. Những vấn đề nêu trên được đề cập đến trong các công trình khoa học, dưới đây: 1. Nguyễn Từ (2010), Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. PGS, TS Bùi Tất Thắng (2006), WTO thường thức, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 3. PGS, TS Ngô Quang Minh - TS Bùi Văn Huyền (Đồng chủ biên, 2008), Kinh tế Việt Nam sau một năm gia nhập WTO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.135-180. Ở đây, các tác giả những cuốn sách đã đề cập đến các cam kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp khi gia nhập WTO: cắt giảm trợ cấp, mở cửa thị trường nông sản. Các tác giả cũng đã đề cập đến những tác động trong việc thực thi Hiệp định về nông nghiệp của WTO: Đảm bảo cho hàng nông sản Việt Nam có thị trường ổn định; hạn chế tình trạng phân biệt đối xử trong thương mại nông sản; thúc đẩy nâng cao giá trị hàng nông sản; tăng giá trị nông sản trên thế giới tác động đến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, tác động đến an ninh lương thực. Các tác giả cũng đã đề cập đến 3 tác động tiêu cực và các tác động tích cực của việc gia nhập WTO đối với nông nghiệp Việt Nam. 4. Nguyễn Văn Thanh (2007), Thành viên WTO thứ 150 - Bài học từ các nước đi trước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  14. 14 5. Trần Hoa Phượng (2006), Tác động của việc gia nhập WTO đến nền nông nghiệp Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 6. Chu Tiến Quang (2011), Nông nghiệp Việt Nam sau 4 năm thực hiện cam kết WTO, Tạp chí Cộng sản, số 824 (6-2011). 7. Bùi Xuân Lưu (2004): Bảo hộ hợp lý nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội. Tác giả Bùi Xuân Lưu đã phân tích xu hướng bảo hộ nông nghiệp và tình hình áp dụng các rào cản thương mại nông sản của các nước thành viên WTO trên các nội dung: tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong nước, trợ cấp xuất khẩu, một số chính sách bảo hộ nông nghiệp của các nước điển hình như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Thái Lan, thực trạng sản xuất, xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản cũng như các chính sách, biện pháp bảo hộ đối với nông nghiệp. Tác giả đánh giá những tác động của chính sách và biện pháp đó, đề xuất những giải pháp bảo hộ hợp lý nông nghiệp trong quá trình hội nhập [44]. 8. Trong cuốn sách Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ một số nông sản ở Việt Nam: qua nghiên cứu chè, cà phê, điều, Nxb Lý luận chính trị 2006. Nghiên cứu này đi sâu phân tích cơ hội và thách thức đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam, đề cập một số nguyên tắc cơ bản của WTO và một số nhận xét về tiến trình chuẩn bị của Việt Nam để HNKTQT. Trên cơ sở phân tích thực trạng sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, hạt điều và đánh giá những tác động của HNKTQT đến các tác nhân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ những mặt hàng nông sản nói trên. Các tác giả cuốn sách đã đưa ra các giải pháp phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của HNKTQT tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm này [62].
  15. 15 1.1.3. Những nghiên cứu liên quan đến lợi thế trong xuất khẩu nông sản Dưới tác động của HNKTQT, ở Việt Nam một số nông sản như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều… đã có vị trí quan trọng trên thị trường thế giới. Nhưng mặt khác, cạnh tranh về giá cả và chất lượng nông sản xuất khẩu cũng đặt Việt Nam vào thế tương đối bất lợi so với các nước khác cùng xuất khẩu loại nông sản đó. Nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập khá sâu lợi thế so sánh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam (gạo, cà phê, chè, cao su, thủy sản…). Phát huy lợi thế so sánh nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trong điều kiện HNKTQT mà thực chất và chủ yếu là tự do hóa thương mại và đầu tư. Một số công trình khoa học đã nghiên cứu về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam (trong đó có chính sách, cơ chế xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam). Vai trò của Nhà nước ta đối với hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu hàng nông sản chủ lực nói riêng, như: tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và công bằng, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thông thoáng; chính sách hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu, như: chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, quĩ hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu về tài chính – tín dụng thông qua các công cụ, biện pháp kinh tế; thuế xuất khẩu, quĩ hỗ trợ xuất khẩu, quĩ bảo hiểm xuất khẩu, quĩ hỗ trợ xúc tiến thương mại… Nhà nước đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu… Có thể nêu ra những công trình nghiên cứu có tính chất tiêu biểu như sau: (1) PTS Nguyễn Đình Long - PTS Nguyễn Văn Mạnh - Nguyễn Võ Định (1999), Phát huy lợi thế nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. Các tác giả đã đề cập nhiều nội dung khác nhau liên quan đến vấn đề lợi thế của nông sản xuất khẩu Việt Nam như: Một số vấn đề lý luận và sự vận dụng vào phân tích lợi thế của Việt
  16. 16 Nam. Trong đó, các tác giả đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự vận dụng lý thuyết lợi thế so sánh. Vấn đề lợi thế cạnh tranh là nội dung chủ yếu của cuốn sách trong đó những vấn đề được các tác giả làm rõ: Khái niệm, đặc điểm và chỉ tiêu về lợi thế cạnh tranh đối với hàng nông sản xuất khẩu, biểu hiện trên các nội dung: chất lượng sản phẩm, khối lượng sản phẩm, kiểu dáng mẫu mã, uy tín của sản phẩm, môi trường kinh tế vĩ mô và giá thành sản phẩm. Từ đó, phân tích lợi thế và khả năng cạnh tranh của một số nông sản xuất khẩu chủ yếu là: lúa gạo, cà phê, cao su, chè, điều... và kiến nghị một số giải pháp nhằm phát huy lợi thế của nông sản xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu mới dừng lại ở năm 1999 [42]. (2) PGS, TS Nguyễn Đình Long (2001), Báo cáo khoa học về Nghiên cứu những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy lợi thế nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản trong thời gian tới: cà phê, gạo, cao su, chè, điều. Tác giả đã nêu ra những khái niệm cơ bản về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, phân tích những đặc điểm cơ bản về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, phân tích những đặc điểm và đưa ra những chỉ tiêu về lợi thế cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu (gạo, cà phê, cao su, chè và hạt điều), bao gồm các chỉ tiêu về định tính như: chất lượng và độ an toàn trong sử dụng; quy mô và khối lượng; kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm, phù hợp của thị hiếu và tập quán tiêu dùng, giá thành v.v... và các chỉ tiêu định lượng như: mức lợi thế so sánh (RCA), chi phí nguồn lực nội địa (DRC). Dựa trên những tiêu chí đó, đề tài đi sâu phân tích các mặt hàng lúa gạo, cà phê, cao su và điều về lợi thế cạnh tranh trên các tiêu chí trong sản xuất, chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Trong đó, các số liệu và phương pháp phân tích được sử dụng để làm nổi bật lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng này (có so sánh với một số nước). Qua đó, đề tài cũng chỉ ra những yếu tố hạn chế lợi thế cạnh tranh của nhóm mặt hàng này và đề xuất các giải pháp. Số liệu nghiên cứu mới dừng lại ở năm 2000 [41].
  17. 17 (3) Luận án tiến sĩ của Lê Hữu Thành (2009), bảo vệ tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại. Tác giả đi sâu phân tích thực trạng sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian qua. Tác giả phân tích sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam [67]. Cùng với chủ đề này có luận văn thạc sĩ kinh tế, của Nguyễn Thị Miền (2008), Sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại, bảo vệ tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. (4) Trung tâm TMQT và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (2005) Đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu đánh giá tiềm năng xuất khẩu của 40 ngành hàng tại Việt Nam, báo cáo gồm các sản phẩm thủy sản, nông sản, sản phẩm công nghiệp... Báo cáo phân tích chuyên sâu về nhiều ngành hàng riêng biệt trong đó có đánh giá điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, xác định những lĩnh vực chính cần có sự can thiệp và những chính sách liên quan đến xúc tiến phát triển xuất khẩu trong tương lai. Báo cáo đồng thời cũng xác định những thị trường mục tiêu có khả năng thâm nhập nhằm đa dạng hóa thị trường cho từng ngành hàng [87]. (5) PGS, TS Võ Văn Đức (2004), Phát huy lợi thế so sánh để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tác giả tập trung phân tích các lợi thế của Việt Nam và đề xuất những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đề cập đến vấn đề này, trước hết tác giả hệ thống hóa các lý thuyết về lợi thế so sánh như lý thuyết lợi thế tuyệt đối, lý thuyết H-O và một số lý thuyết TMQT hiện đại... phân tích những lợi thế của Việt Nam trong xuất khẩu bao gồm: lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên, nguồn lao động, và bất lợi
  18. 18 thế, thách thức của Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu. Những kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu và những giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam [24]. (6) GS, TS Chu Văn Cấp (CB, 2003), Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tác giả cuốn sách đã đề cập đến các vấn đề: (i) Khái niệm cạnh tranh, sức cạnh tranh, cạnh tranh kinh tế quốc tế; (ii) Sự cần thiết phải nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình HNKTQT; (iii) Đánh giá thực trạng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, các ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của nền kinh tế, trong đó có khả năng cạnh tranh của mặt hàng gạo XK [13, tr.123-130] với nội dung: khái quát về tình hình mậu dịch gạo, “cung-cầu” trên thị trường; khả năng cạnh tranh trong sản xuất và giá gạo XK; về lợi thế cạnh tranh trong thị trường tiêu thụ và những nhân tố làm hạn chế XKG; (iv) Phân tích những giải pháp chủ yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. (7) Trần Hoa Phượng (2013), Lợi thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi nhập WTO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Cuốn sách gồm 3 chương: . Chương 1, tác giả cuốn sách đã trình bày: các lý luận về lợi thế trong quan hệ TMQT; những quy định của WTO về nông sản xuất khẩu (thương mại nông sản, quy định về các rào cản thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu và về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản xuất khẩu) và kinh nghiệm phát huy lợi thế trong xuất khẩu nông sản sau khi gia nhập WTO của một số nước. . Chương 2, tác giả cuốn sách đã đề cập đến 3 nội dung: (i) Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi thế hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam (điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, vốn, cơ cấu chính sách); (ii) Thực trạng phát triển lợi thế của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản sau khi
  19. 19 gia nhập WTO (về sản lượng, năng suất; chi phí sản xuất và giá xuất khẩu; thị phần xuất khẩu và thị trường tiêu thụ; chất lượng nông sản, lợi thế cạnh tranh); (iii) Đánh giá lợi thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam sau khi gia nhập WTO (những điểm mạnh, những điểm yếu, cơ hội và thách thức, nguyên nhân). . Chương 3, tác giả cuốn sách đã nêu ra: (1) Các dự báo về xu hướng phát triển một số mặt hàng nông sản chủ yếu và quan điểm cơ bản về phát huy lợi thế trong xuất khẩu nông sản sau khi gia nhập WTO; (2) Những giải pháp chủ yếu để phát huy lợi thế của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản sau khi gia nhập WTO (khoa học-kỹ thuật và công nghệ; các chính sách: đất đai, tín dụng, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch ngành hàng nông sản và hợp tác quốc tế trong xuất khẩu nông sản) [56]. Đây là cuốn sách rất bổ ích cho nghiên cứu sinh tham khảo, kế thừa trong quá trình thực thi đề tài luận án của mình. 1.1.4. Các nghiên cứu liên quan đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án tiến sĩ kinh tế nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về sản xuất và XKG ở Việt Nam, vùng ĐBSCL, dưới góc độ khác nhau. Điển hình là các công trình dưới đây: (1) Phạm Văn Bính (2007), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau 20 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội [5]. Tác giả đã đề cập đến những thành tựu của Việt Nam về XKG như là một trong những thành quả quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 20 năm đổi mới, đồng thời chỉ ra những thuận lợi, khó khăn của phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có vấn đề sản xuất và XKG. (2) Lê Quang Phi (2007), Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội [55]. Tác giả đã phân tích nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và những biện pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh quá trình
  20. 20 này trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có vấn đề hội nhập các thị trường nông nghiệp nói chung, thị trường gạo quốc tế nói riêng. (3) Phan Sĩ Mẫn, Chính sách và giải pháp đối với sản xuất lúa gạo của hộ nông dân, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 7 (386) tháng 7, năm 2010 [46]. Bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh sản xuất lúa gạo của hộ nông dân Viêt Nam. Đó là những kiến nghị tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách và giải pháp về đất đai, chính sách tín dụng và đầu tư cho sản xuất lúa gạo, giải pháp thị trường (nội địa và quốc tế), phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các loại hình kinh tế hợp tác và liên kết. (4) Nguyễn Văn Luật và Nguyễn Đức Lộc, Hoạt động sản xuất lúa gạo hàng hóa hướng vào lợi ích của nông dân, Tạp chí Khoa học phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam số 1, tháng 6 năm 2012 [43]. Trong bài viết này, các tác giả đề cập đến một số vấn đề trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, các tác nhân tham gia sản xuất kinh doanh lúa gạo, lưu thông phân phối trong hoạt động XKG. (5) Nguyễn Trần Trọng (2009), Để Việt Nam giữ vững vị trí nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 3 (370), tháng 3/2009. Trong bài viết này tác giả đã nghiên cứu tổng quan tình hình xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam trong lịch sử, đưa ra một số đề xuất giải pháp chủ yếu để Việt Nam giữ vững vị trí XKG lớn trên thế giới [81]. (6) ThS Lê Xuân Tạo - GS, TS Chu Văn Cấp (2013), Xuất khẩu gạo Việt Nam: hướng tới sự hài hòa về mặt kinh tế và xã hội, Tạp chí Khoa học chính trị, số 4/2013. Bài viết đã đánh giá tổng quát 22 năm hoạt động XKG của Việt Nam (chủ yếu là của ĐBSCL) dưới góc độ kinh tế và xã hội, trên các mặt: Thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế. Trên cơ sở đó, các tác giả đã nêu ra định hướng, giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa về mặt kinh tế và xã hội trong hoạt động XKG, bao gồm: (i) Ổn định quỹ đất trồng lúa, bảo đảm lợi ích của vùng trồng lúa và nông dân trồng lúa; (ii) Đổi mới
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2