intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ năm 1996 đến năm 2015

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:201

54
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án đánh giá quá trình lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, cung cấp thêm cơ sở thực tiễn giúp Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ năm 1996 đến năm 2015

  1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HOÀNG THỊ TRANG ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2015 LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HÀ NỘI - 2020
  2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HOÀNG THỊ TRANG ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2015 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÀNH: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Mã số: 9 22 90 15 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC 2. TS. PHẠM VĂN HỒ HÀ NỘI - 2020
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Hoàng Thị Trang
  4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 6 1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 6 1.2. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình liên quan đến đề tài luận án và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu 25 Chương 2: ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC (1996-2005) 28 2.1. Các yếu tố tác động đến quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc 28 2.2. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về thực hiện đại đoàn kết dân tộc (1996-2005) 45 Chương 3: ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC (2005-2015) 71 3.1. Những yếu tố mới tác động đến quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về đại đoàn kết toàn dân tộc 71 3.2. Chủ trương và chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về đẩy mạnh thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc (2005-2015) 82 Chương 4: NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM 111 4.1. Một số nhận xét 111 4.2. Một số kinh nghiệm 133 KẾT LUẬN 150 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 153 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 154 PHỤ LỤC 172
  5. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN CCB Cựu chiến binh CNH, HĐH Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CSDT Chính sách dân tộc DTTS Dân tộc thiểu số ĐĐKDT Đại đoàn kết dân tộc ĐĐKTDT Đại đoàn kết toàn dân tộc HĐND Hội đồng nhân dân HTCT Hệ thống chính trị MTTQ Mặt trận Tổ quốc QCDC Quy chế dân chủ UBND Ủy ban nhân dân XHCN Xã hội chủ nghĩa
  6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài luận án Đại đoàn kết dân tộc (ĐĐKDT) là vấn đề chiến lược, chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, chú trọng xây dựng, củng cố khối ĐĐKDT thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và dựa trên nền tảng là khối liên minh công nông vững chắc. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết chuyên đề về đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT); đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; các nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh (CCB), các chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài... Những chủ trương, chính sách nêu trên là cơ sở quan trọng để thực hiện ĐĐKTDT trong cả nước. Tuy nhiên “Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật; hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; giữa chủ trương và tổ chức thực hiện còn cách biệt…” [74, tr.171]. Tuyên Quang là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ mới. Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt quan điểm và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về ĐĐKDT, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tổ chức triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chương trình hành động thực hiện nghị quyết của huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, chi, đảng bộ cơ sở đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp với tình hình địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện ĐĐKDT ở
  7. 2 Tuyên Quang giai đoạn (1996-2015) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phù hợp với từng đối tượng; cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ về vị trí, vai trò của ĐĐKDT; thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết nhân dân; bám sát nhiệm vụ chính trị, các chương trình trọng tâm của tỉnh; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình thực hiện ĐĐKDT ở Tuyên Quang vẫn còn những bất cập, hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng chưa sâu, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa kiên quyết và đồng bộ. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự coi trọng công tác dân vận, công tác mặt trận và đoàn thể, chính sách dân tộc, tôn giáo… vì vậy, chưa phát huy được hết sức mạnh ĐĐKDT trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở tỉnh. Vì vậy, đã hơn 30 năm đổi mới nhưng “Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế nhỏ, phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với cả nước còn cao; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp... Đời sống một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Trật tự, an toàn xã hội, an ninh dân tộc, tôn giáo ở một số địa bàn vẫn tiềm ẩn phức tạp, dễ gây mất ổn định [12, tr.31]. Đánh giá một cách khách quan những kết quả đạt được, cũng như nhận rõ những hạn chế, rút ra những kinh nghiệm thực hiện ĐĐKDT, nghiên cứu sinh chọn vấn đề: “Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ năm 1996 đến năm 2015” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
  8. 3 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Làm rõ quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT từ năm 1996 đến năm 2015, trên cơ sở đó luận án đúc kết một số kinh nghiệm để thực hiện tốt chiến lược ĐĐKDT ở Tuyên Quang trong thời gian tới. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án - Luận giải những yếu tố tác động đến quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT từ năm 1996 đến năm 2015. - Hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về chiến lược ĐĐKDT. - Làm rõ chủ trương, sự vận dụng và chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về thực hiện ĐĐKDT từ năm 1996 đến năm 2015. - Đánh giá những ưu điểm, hạn chế từ quá trình lãnh đạo thực hiện chiến lược ĐĐKDT; từ đó, đúc kết một số kinh nghiệm để góp phần thực hiện tốt ĐĐKDT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (chủ trương và sự chỉ đạo) về thực hiện ĐĐKDT từ năm 1996 đến năm 2015. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung nghiên cứu: ĐĐKDT có nội dung rất rộng, trong giới hạn nghiên cứu, Luận án tập trung nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo phát huy sức mạnh ĐĐKDT. Cụ thể ở các nội dung: phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng. - Về không gian: nghiên cứu quá trình thực hiện ĐĐKDT trong toàn tỉnh, bao gồm 1 thành phố và 6 huyện. - Về thời gian: Luận án nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT từ năm 1996 đến năm 2015. Năm 1996, là năm diễn
  9. 4 ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XII, đến năm 2015 là năm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV. Để đảm bảo tính hệ thống và có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn, nghiên cứu sinh sử dụng một số tài liệu, tư liệu liên quan trước năm 1996 và sau năm 2015. 4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu 4.1. Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vấn đề ĐĐKDT. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng hai phương pháp lịch sử và logic là chủ yếu. Trong đó phương pháp lịch sử để thu thập và phản ánh nội dung nghiên cứu của các nguồn tài liệu liên quan đến đề tài luận án, các dữ liệu lịch sử. Sử dụng phương pháp lôgíc để khái quát, tổng hợp quan điểm, đánh giá; làm rõ nội hàm các khái niệm và kinh nghiệm lãnh đạo. Đồng thời, sử dụng các phương pháp khác như: phân tích, so sánh, thống kê... để làm nổi bật thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ĐĐKDT của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1996-2015). 4.3. Nguồn tài liệu Luận án sử dụng các nguồn tài liệu: - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ năm 1996 đến năm 2015; một số văn bản của Nhà nước, MTTQ Việt Nam có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, các văn bản lãnh đạo, các báo cáo, nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ủy ban nhân dân (UBND); Hội đồng nhân dân (HĐND); số liệu thống kê của cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các cơ quan chức năng có liên quan, khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh.
  10. 5 - Các công trình nghiên cứu của các cá nhân, tập thể đã được công bố liên quan đến đề tài luận án. 5. Những đóng góp mới của luận án - Cung cấp thêm nguồn tư liệu, nhất là tư liệu của địa phương về công tác lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. - Góp phần làm sáng tỏ tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh ĐĐKDT trong sự nghiệp đổi mới qua thực tế địa bàn tỉnh Tuyên Quang. - Đánh giá quá trình lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, cung cấp thêm cơ sở thực tiễn giúp Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ĐĐKDT. - Những kết quả nghiên cứu của luận án, nhất là những kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo thực hiện ĐĐKDT của Tuyên Quang, có thể tham khảo vận dụng ở các địa phương miền núi, nhất là khu vực miền núi phía Bắc. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình khoa học của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án bao gồm 4 chương, 8 tiết.
  11. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề ĐĐKDT trong tiến trình cách mạng Việt Nam, ĐĐKDT đã được các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận khác nhau viết về ĐĐKDT nói chung và địa phương nói riêng. Có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến ĐĐKDT công bố dưới các hình thức như: sách, bài viết trên tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học, đề tài cấp bộ, luận án tiến sỹ,… Có thể chia các công trình nghiên cứu thành các nhóm chủ yếu: 1.1.1. Các công trình nghiên cứu chung về đại đoàn kết dân tộc Cuốn sách Đại đoàn kết dân tộc phát huy nội lực nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tác giả Vũ Oanh (1998) [120] đã khái quát truyền thống ĐĐKDT, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trên cơ sở khối liên minh công-nông-trí dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng cuộc sống xã hội có văn hóa, đạo đức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đề cập đến Tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKDT và vai trò của mặt trận trong ĐĐKDT, cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và mặt trận đoàn kết dân tộc của Nguyễn Bích Hạnh và Nguyễn Văn Khoan (1999) [103] gồm hai phần. Phần thứ nhất, các tác giả làm rõ quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và chỉ rõ đoàn kết, đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết trên nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin và qua thực tiễn của Việt Nam; tư tưởng đại đoàn kết rộng rãi giữa các dân tộc, các tôn giáo, các giai cấp… Phần thứ hai, các tác giả đi sâu nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận đoàn kết dân tộc và hoạt động xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc của chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến năm 1969.
  12. 7 Luận án Quá trình thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm 1976-1994 của Hoàng Thị Điều (1999) [78] đã trình bày một cách có hệ thống, khách quan tương đối toàn diện việc thực hiện chiến lược ĐĐKDT của Đảng ở thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Luận án làm rõ mối quan hệ giữa chủ trương, đường lối của Đảng và quá trình thực hiện chiến lược ĐĐKDT. Luận án chỉ ra những thành công và hạn chế rút ra những kinh nghiệm của Đảng trong quá trình thực hiện chiến lược ĐĐKDT của Đảng từ năm 1976 đến năm 1994. Cuốn sách Một số kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Nguyễn Trọng Phúc (2000) [122] đã đề cập đến kinh nghiệm về “tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp đổi mới”. Tác giả đã làm rõ chiến lược ĐĐKDT của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và ĐĐKDT-kết quả và sức mạnh thực hiện CNH, HĐH đất nước. Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKDT trong thời kỳ mới, cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết với vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới của tập thể tác giả (2004) [88] đã tập trung phân tích cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKDT; quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKDT. Đặc biệt là sự vận dụng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trên cơ sở đó, các tác giả khẳng định những chủ trương lớn của Đảng qua các kỳ đại hội và hội nghị trung ương nhằm không ngừng củng cố khối ĐĐKDT trong thời kỳ đổi mới; khái quát những chính sách của Nhà nước đối với các giai tầng xã hội nhằm phát huy sức mạnh toàn dân để tranh thủ ngoại lực. Cuốn sách cũng đưa ra giải pháp nhằm phát huy sức mạnh ĐĐKDT trong thời kỳ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đề tài cấp bộ Kế thừa và phát triển truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay của Nguyễn Quốc Bảo (2004) [34], đề tài làm rõ 3 nội dung lớn: cơ sở hình thành truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; Sức mạnh của truyền thống đại đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam;
  13. 8 Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới hiện nay. Đề tài gồm 11 chuyên đề, các chuyền đề đều đề cập đến vai trò của đại đoàn kết và sự vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; chủ trương của Đảng về xây dựng khối ĐĐKDT… Cuốn sách Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết các dân tộc của Lê Ngọc Thắng (2005) [140] đã nêu một cách đầy đủ, khái quát cơ sở hình thành cũng như những nội dung cơ bản của vấn đề đoàn kết đồng bào dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó làm sáng tỏ tư tưởng đoàn kết nói chung và đoàn kết các dân tộc nói riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tác giả làm rõ quá trình vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hiện đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Nghiên cứu chủ trương của Đảng về ĐĐKDT, cuốn sách Về đại đoàn kết dân tộc (2005) [62] đã trình bày rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng ĐĐKTDT trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng; Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 17/11/1993 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2003). Đây là tài liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để nghiên cứu về đường lối và chính sách ĐĐKTDT của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Cuốn sách Những tìm tòi và đổi mới trên con đường lên Chủ nghĩa xã hội (1986-2006) của Doãn Hùng, Nguyễn Ngọc Hà, Đoàn Minh Huấn (2007) [94] đã khái quát sự hình thành và phát triển tư duy lý luận của Đảng trên những lĩnh vực trọng yếu từ 1986 đến 2006, mỗi chuyên đề đã thể hiện rõ sự chuyển biến tư duy lý luận của Đảng trên từng lĩnh vực trong đó có chuyên đề: “Đường lối của Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nhân dân trong thời kỳ đổi mới”. Cuốn sách Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước của tập thể tác giả (2008) [89] bao gồm những chuyên luận, bài viết đã được công bố trên Tạp chí Lịch sử Đảng. Trong đó có bài viết “Củng cố khối liên minh công-nông-trí theo tư tưởng Hồ Chí Minh-một điều kiện đảm bảo
  14. 9 cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của tác giả Mạch Quang Thắng, tác giả khẳng định: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân có nghĩa là để xây dựng thắng lợi khối liên minh công-nông- trí, điều đó có ý nghĩa cốt tử để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bài viết “Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số” của K’sor Phước (2009) [128], tác giả đã chỉ ra từ khi ra đời, Đảng đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khối ĐĐKDT, quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đường lối đoàn kết dân tộc với nhiều chính sách cụ thể, phù hợp với các giai đoạn mà đất nước đã đạt được những thành tựu lớn. Bài viết đưa ra những giải pháp lớn để vùng đồng bào các DTTS phát triển bền vững, hội nhập với cả nước. Đề cập đến các chính sách dân tộc (CSDT) của Đảng và Nhà nước tác phẩm Nhận thức, thái độ, hành vi của của cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước trong giai đoạn hiện nay - Thực trạng và giải pháp của Nguyễn Đình Tấn, Trần Thị Bích Hằng (2010) [84], đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về dân tộc và bình đẳng dân tộc; các chính sách dân tộc như: 134, 135,… Làm rõ thực trạng, sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng DTTS đối với CSDT của Đảng và Nhà nước. Khái quát các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của cộng đồng các DTTS, nhằm thực hiện tốt hơn các CSDT của Đảng và Nhà nước. Bài viết “Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc - một phương thức thực hành dân chủ tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc” của Phạm Xuân Hằng (2010) [84], bài viết chỉ rõ ĐĐKTDT là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong chiều dài lịch sử đấu tranh, giữ nước và dựng nước; việc tập hợp sức mạnh ĐĐKTDT là của MTTQ Việt Nam; giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phản ánh được nguyện vọng, ý chí, lợi ích và quyền làm chủ của đông đảo nhân dân; theo tác giả bài viết thông qua phản biện xã hội của MTTQ góp phần phát huy quyền làm
  15. 10 chủ của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng các quyết sách của Đảng và chính quyền nhân dân. Công trình Đảng Cộng sản Việt Nam trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử của Hội đồng Lý luận Trung ương (2011) [91], đã tập trung nhiều bài viết của nhiều nhà khoa học trong đó có bài viết của tác giả Đức Lượng “Đoàn kết, thống nhất, sức mạnh vô địch của Đảng ta”. Bài viết khái quát truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng và một số biểu hiện mất đoàn kết. Bài viết đưa ra một số giải pháp bước đầu nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tác giả khẳng định: Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng các tổ chức quần chúng rộng khắp hoạt động năng động, có hiệu quả là một biện pháp cơ bản để củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Cuốn sách Tư Tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề cơ bản trong quốc phòng, quân sự và đại đoàn kết của Hà Huy Thông (2011) [145], gồm có 2 phần, phần thứ nhất, tác giả nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng và quân sự; phần thứ hai, tác giả đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề cơ bản trong xây dựng quân đội và đại đoàn kết; sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐKDT vào xây dựng, phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT trong thời kỳ mới. Liên quan đến vai trò của MTTQ trong thời kỳ đổi mới đất nước, cuốn sách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng sự đồng thuận xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước của Nguyễn Thị Lan (2012) [107], cuốn sách xác định xây dựng sự đồng thuận xã hội là yêu cầu khách quan trong công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó xác định những vấn đề đặt ra và các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng sự đồng thuận xã hội. Khẳng định MTTQ Việt Nam không chỉ là biểu tượng của khối ĐĐKDT mà còn là tổ chức tập hợp đông đảo, rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo… Bài viết “Xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong tình hình hiện nay” của tác giả Hoàng Xuân Lương (2012) [109] đã khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán CSDT bình đẳng,
  16. 11 đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi như: nhóm chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực; chính sách đặc thù đối với một số DTTS rất ít người. Tác giả đã khẳng định nhờ những chính sách đúng đắn đó, vùng DTTS, miền núi đã từng bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Từ đó tác giả đưa ra chỉ ra một số hạn chế và đưa ra các giải pháp xây dựng, củng cố vững chắc khối ĐĐKTDT Việt Nam. Tác phẩm Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc của Giàng Seo Phử (2013) [127] đã đi sâu nghiên cứu tập hợp các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Phần thứ nhất, tập hợp các văn kiện của Đảng về vấn đề dân tộc. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiến hành CNH, HĐH đất nước. Trong mối quan hệ dân tộc và đại đoàn kết, Đảng luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Phần thứ hai, tập hợp những bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp theo thứ tự thời gian, về cơ bản là giữ nguyên toàn văn như đã xuất bản trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập. Đề cập đến vai trò của ĐĐKTDT thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, bài viết “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới” của Huỳnh Đảm (2013) [52] đã chỉ rõ trong thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đạt được thành tựu quan trọng, bên cạnh đó bài viết cũng chỉ ra những hạn chế trong phong trào thi đua yêu nước cần khắc phục. Để tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tầng lớp nhân dân cần thực hiện tốt các nội dung đề ra.
  17. 12 Cuốn sách Xây dựng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam trong điều kiện mới của Nguyễn Thế Thắng chủ biên (2015) [141] đã làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của tăng cường liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ mới; tổng kết, đánh giá liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam qua 30 năm đổi mới; điều kiện mới, quan điểm của Đảng và những giải pháp tăng cường liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam. Cuốn sách làm rõ vấn đề để tập hợp lực lượng rộng rãi quần chúng nhân dân trong khối ĐĐKTDT phải lấy liên minh công-nông-trí làm nòng cốt. Khi đề cập đến quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về đoàn kết dân tộc bài viết “Quan điểm của Ph.Ăngghen về đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc” của Vũ Thị Xuân Mai (2015) [111] đã làm rõ quan điểm của C.Mác và Ph. Ăngghen về mối quan hệ giữa lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động; lợi ích dân tộc; mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa vấn đề giai cấp và dân tộc; khẳng định đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc phải dựa trên sự thống nhất lợi ích chính đáng, sự bình đẳng giữa các dân tộc. Bài viết cũng làm rõ quá trình Đảng vận dụng sáng tạo quan điểm đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc của C.Mác và Ph.Ăngghen trong thời kỳ đổi mới đất nước. Nghiên cứu sâu về đại đoàn kết và vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam trong phát huy khối ĐĐKTDT, cuốn sách Đoàn kết dân tộc ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Đình Minh (2016) [118] đã luận giải những giá trị truyền thống của đoàn kết dân tộc; cơ sở lý luận, thực tiễn của đường lối, chính sách đoàn kết dân tộc và những thành tựu, bài học kinh nghiệm về xây dựng khối ĐĐKTDT của Đảng Cộng sản Việt Nam; quan điểm, phương hướng, giải pháp xây dựng khối ĐĐKTDT hiện nay; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối ĐĐKTDT và định hướng giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn phá hoại khối ĐĐKTDT Việt Nam của các thế lực thù địch; đồng thời làm rõ vai trò và xác
  18. 13 định các giải pháp phát huy vai trò của Quân đội nhân dân trong tăng cường khối ĐĐKTDT Việt Nam hiện nay. Béatrice Boufoy-Bastick (2012), Preserving National Unity: Culturometric Rapid Appraisals of Ethnic Inequalities (Giữ gìn đoàn kết dân tộc: Đánh giá nhanh về sự bất bình đẳng dân tộc) của các tác giả: Beatrice Boufoy-Bastick (Đại học Tây Ấn, Khoa Nghiên cứu Tự do) [199], cuốn sách gồm 3 phần, 9 chương. Một số chương đi sâu nghiên cứu làm rõ vai trò của đoàn kết dân tộc và bình đẳng dân tộc trong xây dựng nền quốc gia dân chủ; đánh giá nhanh về đoàn kết dân tộc và bình đẳng dân tộc; đánh giá đoàn kết dân tộc và bình đẳng dân tộc. Cuốn sách cho rằng các quốc gia đang phát triển đa văn hóa đã khẳng định vị thế của họ là nền dân chủ tiến bộ, đã ban hành các chính sách về sự gắn kết công dân nhằm củng cố công bằng dân tộc trong một khối thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, cuốn sách cho rằng những gì được ban hành thông qua các tuyên bố sứ mệnh của chính phủ, các bài phát biểu công khai có thể không phù hợp với thực tế, sự quan tâm của công dân. Cuốn sách giới thiệu một ứng dụng để đánh giá những tuyên bố trên để chế độ dân chủ trong các nước phát triển đa văn hóa tiến bộ hơn. Một số cuốn sách nước ngoài đề cập đến ĐĐKDT như: Garth Stevenson (2009), Unfulfilled Union, 5th Edition: Canadian Federalism and National Unity (Liên minh chưa hoàn thành, Phiên bản thứ 5: Chủ nghĩa liên bang và đoàn kết quốc gia Canada); Francis Mading Deng (2010), Self-determination and National Unity: A Challenge for Africa (Quyền tự quyết và đoàn kết dân tộc: Thách thức cho châu Phi)… Các công trình, đề tài và bài viết của các các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học nghiên cứu và chủ trì, ở phạm vi, góc độ khác nhau đều trình bày những quan điểm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về ĐĐKTDT, thời cơ, vận hội và những thách thức của đất nước khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; nhu cầu bức thiết phải phát huy sức mạnh ĐĐKTDT. Các tác giả đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của
  19. 14 Đảng, tầm quan trọng của Mặt trận với khối ĐĐKTDT, các công trình cũng xác định tầm quan trọng của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo thực hiện. Làm rõ cơ sở khối liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, định hướng giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn phá hoại khối ĐĐKTDT góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về đại đoàn kết dân tộc ở các vùng miền trong cả nước Tác giả Chamaléa Điêu với bài viết “Ninh thuận với việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của (2002) [77], tác giả cho rằng, để thực hiện tốt chính sách ĐĐKDT, tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện sơ kết-tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước và đạt được những thành quả trong việc thực hiện chính sách ĐĐKDT: tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm thường xuyên đến công tác khuyến nông, khuyến lâm đối với đồng bào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng an ninh, hệ thống tổ chức của mặt trận và các đoàn thể luôn được củng cố; vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác trước âm mưu của kẻ địch trong việc chống phá cách mạng. Đề tài cấp bộ Một số đặc điểm tâm lý chủ yếu của tộc người H’Mông ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và sự ảnh hưởng của chúng đến việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc hiện nay của Lê Hữu Xanh (2005) [196], đề tài đã khái quát cơ sở xây dựng khối ĐĐKDT, lịch sử hình thành và đặc điểm tâm lý chủ yếu của người Mông ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam; làm rõ ảnh hưởng của tâm lý người Mông trong đời sống chính trị-xã hội hiện nay ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của đặc điểm tâm lý dân tộc Mông để tăng cường khối ĐĐKDT trong giai đoạn mới. Công trình nghiên cứu cấp bộ Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới của Trương Minh Dục (2008) [76] đã đánh giá quá
  20. 15 trình lãnh đạo thực hiện xây dựng khối ĐĐKDT ở Tây Nguyên trong những năm đổi mới, rút ra những kinh nghiệm để góp phần hoàn thiện các chủ trương, biện pháp, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, nhằm củng cố và tăng cường khối ĐĐKDT ở Tây Nguyên. Cuốn sách Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên của Trương Minh Dục (2008) [47], nội dung cuốn sách tập trung phân tích và làm rõ truyền thống đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên qua các thời kỳ lịch sử, quá trình củng cố và xây dựng khối ĐĐKDT ở Tây Nguyên trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng CNXH, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Cuốn sách đồng thời phân tích những xu hướng xuất hiện trong quan hệ dân tộc, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các chủ trương, bổ sung các chính sách đối với vấn đề DTTS, xây dựng và củng cố khối ĐĐKDT ở Tây Nguyên. Bài viết “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Phú Thọ thành tỉnh giàu mạnh, xứng đáng là quê hương đất tổ” của Ngô Đức Vượng (2008) [194], bài viết đã khẳng định các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương bảy (khóa IX), tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước; động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, chi đoàn, chi hội thu hút thêm đoàn viên, hội viên để xây dựng khối ĐĐKDT vững bền, tạo sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH trên quê hương đất tổ. Bên cạnh việc triển khai, thực hiện nghị quyết Trung ương bảy (khóa IX) tác giả cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Xây dựng, củng cố và phát triển khối đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay” (2009) [89], cuốn kỷ yếu gồm 22 bài viết của các nhà khoa học, các bài viết đã đánh giá thực trạng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong cả nước; phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến việc củng cố, tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc ở
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2