intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Kinh tế: Tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:64

17
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dựa vào những bài nghiên cứu của các tác giả trên thế giới về vấn đề tác động của thâm hụt kép lên nợ nước ngoài, luận văn tiến hành thu thập bộ dữ liệu từ Ngân hàng thế giới (World bank), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Tổng cục thống kê Việt Nam… để tiến hành thống kê mô tả đơn giản, tìm ra thực tế tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Kinh tế: Tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ THU TRANG TÁC ĐỘNG CỦA THÂM HỤT KÉP LÊN NỢ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ . TP.HỒ CHÍ MINH – NĂM 2012
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ THU TRANG TÁC ĐỘNG CỦA THÂM HỤT KÉP LÊN NỢ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH : KINH TẾ TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG MÃ SỐ : 60.31.12 LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : PGS.TS NGUYỄN THỊ NGỌC TRANG TP.HỒ CHÍ MINH – NĂM 2012
  3. i MỤC LỤC …………………………………………………………………………………………………………………………… Trang GIỚI THIỆU CHUNG 1. Lý do chọn đề tài………………………………………………………….. 1 2. Mục tiêu nghiên cứu………………………………………………………. 3 3. Đối tượng nghiên cứu……………………………………………………... 3 4. Phương pháp nghiên cứu………………………………………………….. 3 5. Dữ liệu nghiên cứu………………………………………………………... 4 6. Đóng góp của luận văn……………………………………………………. 4 7. Bố cục của luận văn………………………………………………………. 5 CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ NỢ NƯỚC NGOÀI, THÂM HỤT NGÂN SÁCH VÀ THÂM HỤT TÀI KHOẢN VÃNG LAI Ở VIỆT NAM. 1.1 Mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài………………………………………………………….................... 6 1.2 Những nghiên cứu thực nghiệm……………………………………………. 13 1.2.1 Tóm lược những quan điểm của nhà kinh tế học trên thế giới về tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài…………………………….. 13 1.2.2 Nhận xét chung về các quan điểm…………………………………… 17 CHƯƠNG II: NGHIÊN CỨU ĐỊNH LƯỢNG TÁC ĐỘNG THÂM HỤT KÉP ĐỐI VỚI NỢ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM 2.1 Mô hình nghiên cứu………………………………………………………… 19 2.2 Dữ liệu nghiên cứu và phương pháp thực nghiệm…………………………. 20 2.3 Kết quả thực nghiệm………………………………………………………... 25 2.4 Kết luận………………………………………………………....................... 34 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………37 PHỤ LỤC 1, 2…………………………………………………………………. 39
  4. ii DANH MỤC BẢNG BIỂU …………………………………………………………………………………………………………………………… Trang Bảng 2.1. Dữ liệu FD, GFCF, tính toán CAI của tác giả………………………. 21 Bảng 2.2. Dữ liệu thu, chi ngân sách và tính toán thâm hụt ngân sách của tác giả………………………………………………………………………………. 22 Bảng 2.3. Dữ liệu đầu vào..……………………………………………………. 23 Bảng 2.4. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy biến FD dừng ở phương sai bậc 1……………...……………………………………………………………...24 Bảng 2.5. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy biến BD dừng ở phương sai bậc 1……………………………………………………………………………..25 Bảng 2.6. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy biến CAI dừng ở phương sai bậc 1………………………………………………………………………… 26 Bảng 2.7. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy biến GFCF dừng ở phương sai bậc 3………………………………………………………………………… 27 Bảng 2.8: Kiểm định nghiệm đơn vị theo phương pháp ADF..…………………28 Bảng 2.9: Kiểm định nghiệm đơn vị theo phương pháp Phillips-Perron……….28 Bảng 2.10: Kết quả kiểm định đồng liên kết……………….…………………... 28 Bảng 2.11. Kết quả hệ số ước lượng…………………………………………… 29 Bảng 2.12. Kết quả phân tích phương sai các biến…………………………….. 49 DANH MỤC ĐỒ THỊ …………………………………………………………………………………………………………………………… Trang Hình 2.13. Biểu đồ biểu diến khả năng giải thích sự thay đổi phương sai của FD và các yếu tố qua các giai đoạn………………………………………………… 33
  5. 1 GIỚI THIỆU CHUNG 1. Lý do chọn đề tài Sau 25 năm đổi mới và mở cửa kinh tế, Việt Nam đã từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng và từng bước thiết lập các cân bằng kinh tế vĩ mô. Việt Nam đã từng bước dịch chuyển từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế với công nghiệp và dịch vụ. Công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải huy động rất nhiều nguồn lực, trong khi đó Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác có tỷ lệ tiết kiệm trong nước thấp và nhu cầu đầu tư cao nên nguồn vốn trong nước là không đủ để đất nước phát triển. Vì vậy, sự hỗ trợ từ nguồn vốn bên ngoài là vô cùng cần thiết. Trong những năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn vốn, tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao đã làm cho sự tăng trưởng này chưa bền vững từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những biến động tiêu cực gần đây của kinh tế thế giới đã làm bộc lộ nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước như tăng trưởng kinh tế đã liên tục suy giảm từ mức trên 8.2% trong giai đoạn 2004-2007, xuống còn xấp xỉ 6% trong giai đoạn 2008-2011. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức cao trung bình lên tới hơn 14% trong vòng năm năm qua. Thâm hụt thương mại trầm trọng, thâm hụt ngân sách tăng cao, nợ công và nợ nước ngoài liên tục gia tăng. Bức tranh tổng thể về tài khóa cho thấy Việt Nam đã và đang theo đuổi những chính sách có định hướng thâm hụt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài ở Việt Nam đang là vấn đề đáng báo động vì thâm hụt ngân sách có tác động đến nền kinh tế vĩ mô trên nhiều phương diện khác nhau kể cả trực tiếp và gián tiếp. Về cơ bản tác động của thâm hụt ngân sách đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô được phản ánh thông qua hai kênh chính. Kênh thứ nhất là thông qua cách thức sử dụng nguồn thâm hụt và kênh thứ hai là thông qua hình thức bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Theo kênh thứ nhất, thâm hụt ngân sách có thể tác động đến các biến số như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lãi suất, tỷ giá và
  6. 2 thâm hụt thương mại. Theo kênh thứ hai, thâm hụt ngân sách sẽ tác động đến các vấn đề như lãi suất trên thị trường và tỷ giá, nợ công, trong đó có việc thâm hụt ngân sách kéo dài sẽ dẫn đến sự gia tăng về nợ công. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thâm hụt cán cân thương mại. Là một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, việc cán cân thương mại luôn ở trạng thái nhập siêu trong thời kỳ đầu có thể được xem là cần thiết. Tuy nhiên nhập siêu sẽ trở thành vấn đề đáng quan ngại khi kéo dài quá lâu và liên tục tăng nhanh. Cán cân thương mại thâm hụt ngày càng lớn trong khi cán cân thu nhập dịch vụ, chuyển giao ròng không đủ bù đắp đã tất yếu dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai. Để đối phó với tình trạng thâm hụt kép kéo dài, nguồn lực trong nước không đủ bù đắp cho nhu cầu vốn đầu tư ngày càng gia tăng, việc huy động nguồn lực bên ngoài thông qua việc đi vay nợ là điều cần thiết. Thời gian gần đây, khi nợ vay nước ngoài tại Việt Nam liên tục gia tăng vừa có ảnh hưởng tích cực như : tăng tiềm lực tài chính, tăng nguồn thu ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lại vừa tạo ra những tác động tiêu cực như tăng gánh nặng nợ nần, tăng nguy cơ khủng hoảng, hoạt động quản lý và kiểm soát luồng vốn nhất là luồng ngoại tệ ra-vào quốc gia phức tạp hơn, vấn đề hạn chế tình trạng đô la hóa cũng trở nên khó khăn hơn, nguồn ODA mang đặc trưng yếu tố chính trị sâu sắc chứa đựng tính ưu đãi cho các nước tiếp nhận và lợi ích của các nước viện trợ…Mặc dù theo các tiêu chí đánh giá của tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới mức nợ của Việt Nam hiện nay chưa tới giới hạn nguy hiểm tuy nhiên nếu không được sử dụng có hiệu quả, nợ nước ngoài sẽ có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển, để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ mai sau. Thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ nước ngoài, nợ công tăng nhanh, biến động lạm phát, tỷ giá lãi suất là những vấn đề kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang phải đối mặt. Một số câu hỏi quan trọng được đưa ra là những nguyên nhân nào gây ra tình trạng thâm hụt kép ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ảnh hưởng của tình trạng
  7. 3 thâm hụt kép là gì? Liệu tình trạng thâm hụt kép trong thời gian qua có phải là một trong những nguyên nhân làm gia tăng trình trạng nợ nước ngoài ở Việt Nam. Để có được câu trả lời cho những giả thuyết nêu trên, bài viết đã tiến hành tìm hiểu sự tác động của thâm hụt kép lên nợ nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở một số bài nghiên cứu của các tác giả trên thế giới để từ đó đưa ra một số các khuyến nghị thích hợp giảm bớt tình trạng thâm hụt kép, sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực bên ngoài đặc biệt là nợ vay nước ngoài góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nguồn tiết kiệm dồi dào, thu hẹp chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm, kết quả là giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, tăng khả năng tự chủ tài chính của Việt Nam trong tương lai. Đây cũng chính là lý do tác giả mạnh dạn thực hiện đề tài: “TÁC ĐỘNG CỦA THÂM HỤT KÉP ĐỐI VỚI NỢ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM” 2. Mục tiêu nghiên cứu Nghiên cứu tác động của thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam. 3. Đối tượng nghiên cứu Thâm hụt ngân sách ở Việt Nam Thâm hụt tài khoản vãng lai ở Việt Nam Nợ nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1990-2011. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp thu thập thông tin, tổng hợp và phân tích số liệu từ Internet, các bài báo, các bài nghiên cứu trong và ngoài nước. Phương pháp phân tích kinh tế lượng: sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị phương pháp ADF, Phillip-Perron để kiểm tra tính dừng của các biến, phân
  8. 4 tích đồng liên kết Johansen Co và phân tích phương sai…để kiểm định mối quan hệ giữa thâm hụt kép và nợ nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1990-2011. Đề tài nghiên cứu nhằm đạt được những mục tiêu sau: Dựa vào những bài nghiên cứu của các tác giả trên thế giới về vấn đề tác động của thâm hụt kép lên nợ nước ngoài, bài viết cũng tiến hành thu thập bộ dữ liệu từ Ngân hàng thế giới (World bank), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Tổng cục thống kê Việt Nam… để tiến hành thống kê mô tả đơn giản, tìm ra thực tế tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam. Dựa trên mô hình hồi quy tuyến tính trong bài nghiên cứu của Majed Bader, Đại học Hashemite, Jordan (2006) “The effect of twin deficits on the foreign debt in Jordan” để tìm hiểu tác động của thâm hụt kép lên nợ nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1990-2011, đây là khoảng thời gian Việt Nam trải qua những thay đổi đáng kể về mặt kinh tế lẫn xã hội, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập, toàn cầu hóa nền kinh tế. 5. Dữ liệu nghiên cứu Sử dụng số liệu được thống kê trong:  “ Key Economic Indicators for Asia and the Pacific 2011” trên trang web của Ngân hàng phát triển Châu Á: [Ngày truy cập: 30/05/2012].  Số liệu được tham khảo từ ấn phẩm “Tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam 10 năm 1990-2000” của Tổng cục thống kê do nhà xuất bản thống kê xuất bản ở Hà Nội tháng 2/2001 và Quyết toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2001-2011 trên trang web của Bộ Tài chính: [Ngày truy cập: 30/05/2012].
  9. 5 6. Đóng góp của luận văn Luận văn khi đạt được những mục tiêu nghiên cứu sẽ đưa ra góc nhìn tổng quát và có hệ thống về thực trạng thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ nước ngoài. Đưa ra những khuyến nghị để giảm bớt tình trạng thâm hụt kép, tăng cường hiệu quả sử dụng và quản lý nợ vay nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Các khuyến nghị trong luận văn tuy không mới nhưng nếu thực hiện đồng bộ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm, thay đối hình ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục các tài liệu tham khảo, luận văn chia làm 2 chương: Chương I: Lý thuyết về mối quan hệ thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ nước ngoài ở Việt Nam. Chương II: Phân tích định lượng tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1990-2011.
  10. 6 CHƯƠNG I TỔNG QUAN MỐI QUAN HỆ THÂM HỤT NGÂN SÁCH, THÂM HỤT TÀI KHOẢN VÃNG LAI, NỢ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM 1.1 Mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ nước ngoài Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động lớn và điều này làm ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển, mục tiêu ổn định ở hầu hết các quốc gia. Trong một giai đoạn mà khủng hoảng nợ được ví như là “bóng ma” ám ảnh nền kinh tế toàn cầu, các nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng nợ được xem xét kỹ lưỡng. Trong phạm vi của bài luận văn này, chỉ tập trung phân tích là thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai có ảnh hưởng đến nợ như thế nào? Dường như tồn tại các mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai, thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài, thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài cần được kiểm chứng. Các nhà kinh tế học vẫn không ngừng nghiên cứu bản chất của sự thâm hụt và họ đã tìm thấy một mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại (một bộ phận chính của tài khoản vãng lai) ở nhiều nước trên thế giới. Cơ sở lý giải cho mối quan hệ trên được giải thích thông qua mô hình Mundell- Fleming cho nền kinh tế mở. Dựa theo mô hình này thì sự gia tăng về thâm hụt ngân sách sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại tăng. Thâm hụt ngân sách xảy ra khi chi tiêu Chính phủ vượt quá nguồn thu. Việc chi tiêu chính phủ quá tay sẽ dẫn đến nguồn tiết kiệm quốc gia bị suy giảm tức nguồn cung ứng vốn cho đầu tư suy giảm. Nhu cầu vốn không đổi sẽ dẫn đến lãi suất trong nền kinh tế tăng, tỷ giá hối đoái giảm. Kết quả là hạn chế xuất khẩu khuyến khích nhập khẩu và là nguyên nhân của thâm hụt thương mại. Tuy nhiên có một số lý thuyết lại không ủng hộ quan điểm trên, theo trường phái Ricardo thâm hụt ngân sách sẽ không có tác động đến tiết kiệm và đầu tư. Khi thâm hụt ngân
  11. 7 sách tăng do giảm thuế thì thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, hơn nữa người dân ý thức rằng cắt giảm thuế trong hiện tại sẽ dẫn đến tăng thuế trong tương lai, do vậy họ sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Trong khi đó, tiết kiệm khu vực nhà nước suy giảm, kết quả là tiết kiệm quốc gia bao gồm tiết kiệm khu vực tư nhân và nhà nước không đổi. Do vậy thâm hụt ngân sách sẽ không tác động đến tiết kiệm, đầu tư, tăng trưởng từ đó không ảnh hưởng đến thâm hụt thương mại. Lý thuyết Ricardo đã phủ nhận quan điểm cho rằng thâm hụt ngân sách có tác động đến thâm hụt thương mại. Lý thuyết của Keynes về thâm hụt kép cho rằng sự gia tăng chi tiêu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng ngân sách và làm suy giảm tiết kiệm quốc gia. Để tài trợ cho ngân sách thâm hụt, Chính phủ thực thi chính sách lãi suất cao hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và điều này dẫn đến việc đồng nội tệ bị đánh giá cao. Kết quả là hạn chế xuất khẩu khuyến khích nhập khẩu dẫn đến thâm hụt thương mại. Dựa trên lý thuyết này đã có một loạt các nghiên cứu về mối quan hệ giữa thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách được tóm tắt trong bài nghiên cứu “An Empirical Investigation of twin deficits hypothesis for six Emerging countries” của hai tác giả Sadullah Celik and Pinar Deniz (2007) như: “Islam (1998) khi nghiên cứu mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại ở Brazil giai đoạn 1973-1991 thông qua việc sử dụng kiểm định nhân quả Granger đã kết luận là có mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại; Piersanti (2000) khi nghiên cứu mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại ở các nước OECD đã đưa ra kết luận rằng thâm hụt thương mại cao có liên quan đến thâm hụt ngân sách cao bằng cách sử dụng kiểm định nhân quả. Nghiên cứu của Pahlavani & Saleh (2009) cho Philipine giai đoạn 1970-2005 cho rằng có mối quan hệ chặt chẽ hai chiều giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai.” Theo cẩm nang thống kê tài chính Chính phủ GFS, thâm hụt ngân sách được xác định bằng mức chênh lệch giữa tổng số vay mới và số chi trả nợ gốc của
  12. 8 NSNN trong năm. Ở góc độ này có thể thấy quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và nợ công là rõ nét nhất. Thâm hụt ngân sách tăng cũng đồng nghĩa với sự gia tăng trong nợ công thông qua vay nợ trong nước hoặc vay nợ nước ngoài trừ trường hợp Chính phủ in thêm tiền. Tuy nhiên, việc trang trải thâm hụt ngân sách bằng vay trong nước hay nước ngoài đều có những ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế vĩ mô. Ở các nước đang phát triển, thâm hụt ngân sách thường được tài trợ bằng một giải pháp hỗn hợp giữa vay trong nước và vay nước ngoài. Khi thâm hụt ngân sách được tài trợ bằng vốn vay trong nước, một phần nguồn lực tài chính của nền kinh tế sẽ được chuyển dịch từ khu vực tư nhân sang khu vực nhà nước thông qua kênh trái phiếu chính phủ. Việc huy động này sẽ tác động đến thị trường vốn, làm tăng cầu tín dụng, đẩy lãi suất lên cao. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu tư, giảm nhu cầu đầu tư của nền kinh tế, có thể dẫn đến “hiệu ứng chèn lấn đầu tư” (crowding-out effect). Nếu vay nước ngoài để tài trợ thâm hụt ngân sách, tác động chèn lấn đầu tư có thể được hạn chế và làm giảm bớt căng thẳng trên thị trường tín dụng trong nước, qua đó giảm nhẹ các yếu tố bất ổn trong nền kinh tế nhưng vay nước ngoài lại có những tác động khác nguy hại đến nền kinh tế. Theo đánh giá của Ayadi (1999) và Ayadi et. Al. (2003) được trích dẫn trong bài nghiên cứu: “The impact of external debt on economic growth: a comparative study of Nigeria and South Africa” của hai tác giả Folorunso S.Ayadi, Felix O Ayadi (2008), Texas Southern University cho rằng “Gánh nặng nợ nước ngoài đã giới hạn sự tham gia của các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế toàn cầu và kèm theo đó là những nghĩa vụ nợ đã gây trở ngại đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thời gian đầu, một dòng ngoại tệ lớn chảy vào trong nước sẽ làm giảm sức ép cân đối ngoại tệ. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, việc chính phủ phải cân đối nguồn ngoại tệ trả nợ gốc và lãi sẽ đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng cao, làm giảm giá đồng nội tệ, tăng chi phí nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu, tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, dẫn tới các nguy cơ lạm phát”
  13. 9 Theo quan điểm của Cohen (1993) và Clements et al (2003) được đề cập trong bài nghiên cứu số 1237 “ The impact of high and growing goverment debt on economic development” của Ngân hàng Châu Âu tháng 8/2010 được thực hiện bởi hai tác giả Cristina Checherita và Philipp Rother cho rằng “Tác động tiêu cực của nợ lên tăng trưởng không chỉ thông qua sự tồn đọng của nợ mà còn thông qua dòng chi trả nợ, điều này giống như giảm bớt chi tiêu cho đầu tư của Chính phủ khi ngân sách nhà nước bị thu hẹp, trong khi chi tiêu Chính phủ được xem là yếu tố quyết định chủ yếu cho các hoạt động kinh tế”. Xét về mặt này, vay trong nước an toàn hơn vay nước ngoài, vì chính phủ vẫn còn một phương sách cuối cùng là phát hành tiền để trang trải các khoản nợ và chấp nhận các rủi ro về tăng lạm phát, trong khi không thể làm như vậy đối với các khoản nợ nước ngoài. Riêng về mối quan hệ giữa nợ nước ngoài và thâm hụt tài khoản vãng lai có thể giải thích là sự gia tăng của nợ nước ngoài do thâm hụt thương mại (một bộ phận chính của tài khoản vãng lai) được thể hiện bằng mô hình “thâm hụt kép” chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu (M-X) và chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm (I-S). Nếu thâm hụt (M-X) lớn hơn (I-S) thì cần có những khoản vay nước ngoài để bù vào khoản thiếu hụt ngoại tệ. Còn theo mô hình hai lỗ hổng (two-gap model), thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và kéo dài phản ánh tỷ lệ đầu tư quá mức so với tiết kiệm trong nước, sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư được tài trợ bằng các khoản vay mượn (nợ) từ nước ngoài. Do vậy, dựa trên lý thuyết này, khi nguồn lực trong nước thiếu hụt không đủ bù đắp cho tình trạng thâm hụt, vay nợ nước ngoài là một trong những giải pháp được lựa chọn. Vay nợ nước ngoài bao gồm vay nợ dưới hình thức vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có tính chất ưu đãi và vay thương mại theo các điều kiện thị trường. Chính nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài đã giúp nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam khắc phục tình trạng chậm phát triển và chuyển sang phát triển bền vững. Vì vậy, nợ nước ngoài là nguồn vốn bổ sung cực kỳ quan trọng cho quá trình phát
  14. 10 triển kinh tế ở các quốc gia, tài trợ cho thâm hụt ngân sách, bù đắp khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Một vấn đề đặt ra là thâm hụt ngân sách có tác động tích cực hay tiêu cực đến nền kinh tế. Rõ ràng chúng ta thông thường ủng hộ quan điểm thâm hụt sẽ gây ra tác động tiêu cực. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy, khi thâm hụt ngân sách là do chi đầu tư phát triển, Nhà nước dựa vào nhiều nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI để đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu thì trạng thái thâm hụt đó là tốt, vì đó là động thái chủ động của Chính phủ dựa vào nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế nước nhà. Ngược lại, nếu thâm hụt ngân sách là do không đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên, hoặc chi đầu tư vào những dự án không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực quốc gia thì trạng thái này không tốt, kết quả là Chính phủ phải đi vay nợ nước ngoài, từ đó làm gia tăng gánh nặng nợ nước ngoài và không có nguồn thu trong tương lai để trang trải cho khoản nợ này. Do đó, xét về mặt bản chất vấn đề thâm hụt ngân sách chính phủ không hoàn toàn tốt hay xấu. Thâm hụt ngân sách tăng cao chỉ thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng khi theo sau đó là các cuộc khủng hoảng thanh toán, khủng hoảng tiền tệ hay thậm chí là khủng hoảng nợ công. Về phía Tài khoản vãng lai, nếu xét một cách tổng quát thì tài khoản vãng lai bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, thu nhập yếu tố ròng từ nước ngoài và chuyển nhượng ròng nhưng phần lớn thâm hụt tài khoản vãng lai là do thâm hụt thương mại gây ra, tình trạng này xuất hiện khi xuất khẩu bé hơn nhập khẩu. Khi xuất hiện thâm hụt tài khoản vãng lai, điều này cho thấy rằng quốc gia đó đang tiêu dùng nhiều hơn một lượng của cải vượt quá khả năng sản xuất và để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, quốc gia này nhất thiết phải tìm ra nguồn tài trợ để bù đắp cho phần thâm hụt trong tài khoản vãng lai. Một trong các nguồn tài trợ thường xuyên nhất cho thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai là nguồn thặng dư từ cán cân tài khoản vốn do sự chảy vào của các nguồn vốn như nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI, nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII), nguồn kiều hối, vay ngắn hạn, vay dài hạn nước ngoài và nguồn tài trợ ODA. Nếu
  15. 11 trường hợp các nguồn tài trợ này không đủ bù đắp cho sự tăng lên trong thâm hụt tài khoản vãng lai hoặc thâm hụt cán cân thương mại, cụ thể là quốc gia đó không có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán cho các khoản nhập khẩu, các quốc này phải sử dụng đến quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp. Chính điều này là nguyên nhân trực tiếp làm suy yếu quỹ dự trữ ngoại hối của các quốc gia và là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các cuộc khủng hoảng tiền tệ khi quỹ dự ngoại hối của quốc gia không đủ để giữ vững mức tỉ giá hối đoái hiện hành, buộc phải thả nổi đồng nội tệ khi xuất hiện các cuộc tấn công tiền tệ của các nhà đầu cơ. Thâm hụt tài khoản vãng lai kết hợp với một số nguy cơ tiềm ẩn khác trong nền kinh tế như tỷ giá hối đoái thực tăng cao, vay nợ nước ngoài không kiểm soát và không có cơ chế phòng ngừa, tỉ lệ nợ ngắn hạn trên GDP cao, hiệu quả đầu tư của khu vực công thấp và thực hiện tự do hóa dòng vốn, có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ. Vậy vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai là tốt hay là xấu? Câu trả lời là tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như phụ thuộc vào tình hình tài khoản vốn. Có một điểm cần nhấn mạnh là bản thân việc thâm hụt tài khoản vãng lai về nguyên tắc là không tốt và cũng không xấu. Để đưa ra một nhận xét về mức độ thâm hụt tài khoản vãng lai của một quốc gia, chúng ta cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể, không thể chỉ nhìn vào con số thâm hụt/thặng dư thương mại (hay thâm hụt/thặng dư Tài khoản vãng lai) để rồi cho rằng thâm hụt đó là xấu hay là tốt. Bên cạnh vai trò nợ nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, việc lạm dụng và phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn này đã tạo ra một số hệ lụy, nền kinh tế sẽ dễ tổn thương khi tăng trưởng của một quốc gia dựa quá nhiều vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khủng hoảng tiền tệ luôn đe dọa các nền kinh tế, việc vay nợ nước ngoài luôn gắn với các rủi ro tài chính qua các yếu tố tỷ giá, chi phí sử dụng nợ, lạm phát,… đây là vấn đề mà nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo. Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao, giá trị đồng nội tệ ngày càng suy
  16. 12 giảm so với ngoại tệ vay nợ thì quy mô nợ và gánh nặng trả nợ ngày càng lớn. Thực tế các nước cho thấy, việc vay nợ và sử dụng nợ kém hiệu quả đã dẫn nhiều nước đến tình trạng “vạ nợ”, chìm đắm trong khủng hoảng nợ. Đã có một số bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng gia tăng nợ nước ngoài sẽ dẫn đến suy giảm trong tăng trưởng kinh tế, lý do được đưa ra là gia tăng nợ nước ngoài sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần của các quốc gia. Khi nghĩa vụ trả nợ có xu hướng gia tăng, sẽ có ít cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế. Tại sao việc gia tăng nợ quá cao lại có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn? Điều này có thể được giải thích dựa vào lý thuyết “debt overhang”. Lý thuyết “debt overhang” được đưa ra trong bài nghiên cứu “Maket based debt reduction schemes” của Krugman tháng 5/1988 cho rằng nếu như nợ trong tương lai vượt quá khả năng trả nợ của một nước thì các chi phí dự tính chi trả cho các khoản nợ sẽ kìm hãm đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, từ đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Ở mức nợ hợp lý, vay nợ tăng lên sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng. Ngược lại, tổng nợ tích lũy lớn sẽ dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả cản trở tăng trưởng. Lý thuyết” debt overhang” còn đi đến một kết quả rộng hơn, đó là mức nợ nước ngoài quá cao sẽ làm giảm các ưu đãi của chính phủ cho các cải tổ cơ cấu và tài khóa do việc củng cố tình hình tài khóa quốc gia có thể làm gia tăng áp lực trả nợ cho nước ngoài, tạo gánh nặng nợ cho các thế hệ tương lai. Đặc biệt, một khối lượng lớn nợ nước ngoài không chỉ làm tăng những chi phí dịch vụ nợ mà còn làm giảm tiết kiệm quốc gia, không cải thiện được tài khoản vãng lai. Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự mở rộng đầu tư, trong đó đầu tư công và đầu tư qua các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò căn bản. Tốc độ tăng trưởng của đầu tư luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của tiết kiệm, do đó lỗ hổng tiết kiệm – đầu tư ở Việt Nam vẫn ở mức cao khoảng 9% GDP. Do hiệu quả đầu tư không cao, chất lượng đầu tư công thấp là nguyên nhân khiến khoảng cách tiết kiệm-đầu tư của nền kinh tế ngày càng mở rộng mà cốt lõi là khoảng cách tiết kiệm-đầu tư trong
  17. 13 khu vực công (thâm hụt ngân sách). Điều này tất yếu đi liền với thâm hụt cán cân vãng lai, dẫn đến hiện tượng thâm hụt kép kinh niên, đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo thường niên (2011) “Nền kinh tế trước ngã ba đường” của nhóm tác giả trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tình trạng thâm hụt kép ảnh hưởng như thế nào đến việc vay nợ nước ngoài của Việt Nam? Mối quan hệ giữa tình trạng thâm hụt kép và nợ nước ngoài dường như là mối quan hệ hai chiều: khi thâm hụt kép xuất hiện, nợ nước ngoài sẽ là nguồn vốn bổ sung cho khoảng chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm. Ở chiều ngược lại, việc sử dụng nợ nước ngoài có hiệu quả, mức vay nợ hợp lý sẽ có tác động tích cực đến hoạt động đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm quốc gia cũng sẽ gia tăng, giảm bớt tình trạng thâm hụt kép. 1.2 Những nghiên cứu thực nghiệm 1.2.1 Tóm lược những quan điểm của nhà kinh tế học trên thế giới về tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài. Có nhiều nghiên cứu khác nhau đo lường tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài, nhưng kết quả của dường như không nhất quán, các nghiên cứu này mang tính định tính, rất ít nghiên cứu phân tích định lượng nghiên cứu tác động của thâm hụt kép đối với nợ nước ngoài. Dưới đây tác giả tóm lược một vài nghiên cứu điển hình về mối quan hệ thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài của một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở nền tảng nghiên cứu thực nghiệm cho trường hợp của Việt Nam. Các quan điểm đã được trích dẫn trong bài nghiên cứu“ The effect of the twin deficits on the foreign debt in Jordan: An econometrical study” (2006) của Majed Bader như sau:  Theo Edgmand (1983), cho rằng tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành nợ chính phủ sẽ dẫn đến sự gia tăng lãi suất từ đó tác dụng thu hẹp đầu tư.
  18. 14  Sachs và Larrain (1993), chỉ ra vai trò của thâm hụt tài khoản vãng lai trong việc gia tăng nợ công. Họ nói rằng “thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 1980 đã làm thay đổi Hoa Kỳ từ một quốc gia chủ nợ quốc tế lớn trở thành con nợ lớn nhất thế giới”.  Alshara et al. (1991), phân tích độ lớn và thành phần của nợ nước ngoài và xem xét nó có thể ảnh hưởng đến các biến kinh tế cụ thể như: chi tiêu tư nhân, chi tiêu công, tổng đầu tư, tổng thu thuế, doanh thu thuế trực tiếp, doanh thu thuế gián tiếp, nhập khẩu, tổng sản phẩm quốc gia (GNP) như thế nào? Ông cho rằng vay nợ nước ngoài ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu, đầu tư, nhập khẩu và GNP. Almomani (1995) cho rằng sự gia tăng của nợ nước ngoài ở Jordan trong giai đoạn 1970 – 1990 đến khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước, sự gia tăng lãi suất, giảm thời gian ân hạn, thâm hụt kinh niên trong cán cân thương mại và sự gia tăng của giá dầu trong nửa đầu của năm 1970. Nợ nước ngoài tác động tiêu cực xuất khẩu và thu nhập quốc gia thay vì kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng tiết kiệm trong nước và giảm thâm hụt cán cân thương mại.  Colander và Gamber (2002), đã tìm thấy một liên kết mạnh mẽ giữa thâm hụt ngân sách tăng cao và nhanh chóng tăng trong các khoản nợ công tại Mỹ trong những năm 1980. Dornbusch và Fisher (1990:593- 594), khẳng định vai trò quan trọng của thâm hụt ngân sách trong tích lũy nợ công.  Trong bài nghiên cứu của Baharumshah et al (2004:2) và các cộng sự nghiên cứu 4 nước Asean: Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, họ chọn 4 nước này vì thâm hụt kép có liên quan đến nền kinh tế của 4 nước này và tài trợ cho đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài. Tất cả 4 nước đều chịu tác động của khủng hoảng tài chính 1997 và có một số điều chỉnh sau khủng hoảng, kết quả nghiên cứu cho thấy: thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn ở các nước này, khi
  19. 15 thêm hai biến tỷ giá và lãi suất vào thì thâm hụt kép tương quan 2 chiều. Kết quả cũng đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả gián tiếp mà từ thâm hụt ngân sách đến lãi suất cao hơn và lãi suất cao hơn dẫn đến sự đánh giá cao tỷ giá hối đoái và chính điều này đã mở rộng thâm hụt tài khoản vãng lai “, cuối cùng có nghĩa là nợ nước ngoài cao hơn.  Một nghiên cứu thực nghiệm ở các nước đang phát triển cho thấy những năm cuối thập niên 70, để tài trợ cho chi tiêu chính phủ dẫn đến thâm hụt ngân sách nặng nề. Biện pháp bù đắp thâm hụt của các nước này là vay nợ nước ngoài. Việc gia tăng thâm hụt ngân sách đã kéo theo thâm hụt tài khoản vãng lai và tích lũy nợ nước ngoài. Nhiều quốc gia đã rất khó khăn để hoàn trả gốc và lãi và lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đó là lý do dẫn đến khủng hoảng nợ vào đầu thập niên 80, mặt khác việc dòng vốn nước ngoài đổ vào dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai tăng. Tuy nhiên đó là điều cần thiết cho một nước chấp nhận tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai để tài trợ được cho các khoản đầu tư trong một thời gian nhất định.  Alfaidi (2002) chỉ ra rằng gia tăng nợ nước ngoài tại các nước đang phát triển là do các yếu tố bên trong và bên ngoài. Xu hướng đầu tư để kích thích phát triển kinh tế và xã hội, sử dụng vốn vay không hiệu quả, di chuyển vốn, và thâm hụt cán cân thanh toán là những yếu tố nội bộ chính. Các yếu tố bên ngoài bao gồm lãi suất cao, và giảm của giá dầu và các nguyên liệu khác. Ông cũng cho rằng gia tăng nợ nước ngoài ở Ai Cập để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.  Tarawneh và Abdalrazaq (2002) trong nghiên cứu của họ mục đích để xác định xu hướng tương lai của nợ nước ngoài và ước tính thời gian cần thiết để dựa nguồn lực tự có để thanh toán các dịch vụ nợ đã tìm thấy rằng nợ nước ngoài có xu hướng được tăng lên do tiết kiệm trong nước giảm và việc sử dụng vốn không hiệu quả.
  20. 16  Gordon (2003:36-37) xác nhận rằng thâm hụt ngân sách ở Mỹ cho giai đoạn (1980-1997) đã hoàn toàn tài trợ bằng vay nước ngoài và đầu tư vượt quá so với tiết kiệm nội địa cũng được tài trợ bởi cùng một cách.  Trong phân tích của ông về mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và nợ công Gartner (2003:95-96) lập luận rằng tỷ lệ thâm hụt (ΔB / Y), trong đó ΔB là thâm hụt ngân sách hoặc thay đổi trong nợ công, và Y là thu nhập, liên quan đến mức độ nợ công. Nói cách khác, ông khẳng định rằng tỷ lệ thâm hụt liên quan đến tỷ lệ nợ (b) và kết luận rằng các tỷ lệ nợ/thu nhập (b) và ΔB / Y được đại diện bởi một đường dốc tích cực khi ΔB / Y trên trục thẳng đứng và (b) trên trục ngang.  Mankiw (2003:414), cho rằng thâm hụt ngân sách có nghĩa là chi tiêu cao hơn và tiết kiệm quốc gia thấp hơn dẫn đến việc tài trợ cho đầu tư bằng cách vay từ nước ngoài dẫn đến thâm hụt thương mại. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách gây ra một sự đánh giá cao đồng nội tệ đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn. Fanek (2005) nhấn mạnh sự tồn tại của một mối quan hệ tích cực và trực tiếp giữa thâm hụt ngân sách và sự gia tăng nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách được chuyển sang nợ, trừ khi có một khoản nợ bị xóa hoặc sử dụng tiền thu tư nhân để trả nợ. Bài nghiên cứu của Majed Bader (2006) về tác động của thâm hụt kép lên nợ nước ngoài ở Jordan giai đoạn 1977-2004 bằng cách sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị ADF và Phillips-Perron, cả hai kiểm định này dều cho kết quả các biến không có cùng trật tự liên kết. Kết quả của kiểm định đồng liên kết Johanson khẳng định mối quan hệ sự tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc. Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy tác động của thâm hụt ngân sách lên nợ nước ngoài cao hơn nhiều so với tác động của thâm hụt tài khoản vãng lai bằng hai cách: Thâm hụt ngân sách có nghĩa là tiết kiệm quốc gia thấp hơn dẫn đến tài trợ đầu tư bằng cách đi vay nước ngoài gây ra thâm hụt tài khoản lớn hơn hiện tại.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2