intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Văn xuôi Linh Nga Niê Kdam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:111

21
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn này nghiên cứu làm rõ những đặc điểm cơ bản về nội dung, nghệ thuật trong sáng tác văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam và chỉ ra những đóng góp của nhà văn với văn học Tây Nguyên nói riêng, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Văn xuôi Linh Nga Niê Kdam

  1. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VŨ THANH LOAN VĂN XUÔI LINH NGA NIÊ KDAM LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM THÁI NGUYÊN - 2017
  2. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VŨ THANH LOAN VĂN XUÔI LINH NGA NIÊ KDAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã ngành: 60.22.01.21 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TRẦN THỊ VIỆT TRUNG THÁI NGUYÊN - 2017
  3. i LỜI CẢM ƠN Sau một thời gian học tập và nghiên cứu, đến nay tôi đã hoàn thành Luận văn Thạc sĩ khoa học với đề tài: Văn xuôi Linh Nga Niê Kdam (H’Linh Niê). Với tình cảm chân thành, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với PGS.TS. Trần Thị Việt Trung - người đã tận tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành Luận văn. Tôi xin cảm ơn nhà văn Linh Nga Niê Kdam đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi về tư liệu để tôi hoàn thành phần nghiên cứu của mình. Tôi xin cảm ơn Ban giám hiệu, Phòng Quản lý khoa học, khoa Sau đại học, khoa Ngữ văn, các thầy cô trong tổ Văn học Việt Nam - Trường Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên, các thầy cô công tác tại Viện Văn học đã giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu. Tôi cũng xin cảm ơn Ban giám hiệu Trường THPT Vũ Văn Hiếu, các đồng nghiệp, gia đình và bạn bè đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tôi hoàn thành tốt khóa học này. Thái Nguyên, tháng 05 năm 2017 Tác giả luận văn Vũ Thanh Loan
  4. ii MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN ............................................................................................................. i MỤC LỤC ..................................................................................................................ii MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ..................................................................................................... 2 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ..................................................................... 8 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu ............................................................... 8 5. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................ 9 6. Cấu trúc của luận văn.......................................................................................... 9 7. Đóng góp mới của luận văn .......................................................................... 9 Chương 1. VÀI NÉT VỀ VĂN XUÔI TÂY NGUYÊN THỜI KÌ HIỆN ĐẠI VÀ NỮ NHÀ VĂN LINH NGA NIÊ KDAM ......................... 10 1.1. Vài nét về văn xuôi Tây Nguyên thời kì hiện đại .......................................... 10 1.1.1. Văn xuôi Tây Nguyên trước Đổi Mới (1986) ........................................ 10 1.1.2. Văn xuôi Tây Nguyên sau Đổi Mới (1986) ........................................... 14 1.2. Nhà văn nữ Linh Nga Niê Kdam ................................................................... 17 1.2.1. Vài nét về tiểu sử .................................................................................... 17 1.2.2. Linh Nga Niê Kdam - người con luôn hướng về nguồn cội .................. 20 Tiểu kết chương 1...................................................................................................... 22 Chương 2. CẢM HỨNG VỀ CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI TÂY NGUYÊN ... 24 2.1. Tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất, con người Tây Nguyên ........................ 24 2.1.1. Một vùng đất hùng vĩ, lãng mạn............................................................. 24 2.1.2. Một cộng đồng dân tộc giàu bản sắc văn hoá ........................................ 34 2.1.3. Những con người dũng cảm, tài hoa và khát khao đổi thay cuộc sống ...... 47 2.2. Nỗi niềm cùng những dự cảm về cuộc sống, con người và bản sắc văn hóa quê hương .............................................................................................................. 53 2.2.1. Những khó khăn, thách thức của cuộc sống thời kì hiện đại .......................... 53 2.2.2. Sự tha hoá của con người bản địa........................................................... 60
  5. iii 2.2.3. Sự phai nhạt bản sắc văn hoá, sự tổn thương môi trường sinh thái Tây Nguyên ...................................................................................................... 66 Tiểu kết chương 2...................................................................................................... 73 Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT ........................................ 74 3.1. Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất Tây Nguyên ................................................. 74 3.1.1. Ngôn ngữ nghệ thuật đậm dấu ấn dân tộc .............................................. 74 3.1.2. Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất trữ tình .................................................. 84 3.2. Cốt truyện, tình huống truyện giàu kịch tính, mang màu sắc hiện đại .......... 92 Tiểu kết chương 3.................................................................................................... 100 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 101 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 104
  6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Tây Nguyên là một vùng địa - văn hóa đặc biệt: vùng cao nguyên đất đỏ Bazan với những cánh rừng bạt ngàn xanh bất tận, những thác nước vừa dữ dội vừa rất đỗi nên thơ, những mặt hồ trên cao, những dòng sông, con suối luôn ầm ào cuồn cuộn chảy… Vùng cao nguyên đó còn có những buôn làng với mái nhà Rông cao vút và những nhà dài, những dàn cồng chiêng, những hũ rượu cần luôn luôn đầy ắp…, đặc biệt là những người cư dân khỏe mạnh, dũng cảm, tài hoa; rất ưa nhảy múa, ưa nghe già làng kể chuyện… Nơi đây, chứa đựng bao huyền thoại, huyền tích, bao câu chuyện cổ và bao pho sử thi đồ sộ của các dân tộc Tây Nguyên đã có tự ngàn đời. Nói một cách khác: Tây Nguyên chính là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và có một kho tàng văn học dân gian phong phú vào loại bậc nhất trong các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam. Hai yếu tố này là cội nguồn, là nền tảng vững chắc cho văn học Tây Nguyên thời kì hiện đại hình thành và phát triển. Văn học Tây Nguyên thời kì hiện đại đã có hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay cũng đã có những thành tựu nhất định đáng được ghi nhận. Trên mảnh đất cao nguyên rộng lớn ấy, các thế hệ nhà văn Tây Nguyên đã nối tiếp nhau cầm bút viết về quê hương; về cuộc sống, con người… của một vùng núi non hùng vĩ, thơ mộng và khắc nghiệt. Nhưng việc nghiên cứu văn học Tây Nguyên và nghiên cứu từng tác giả là người DTTS viết văn ở nơi đây còn hết sức khiêm tốn. Vì vậy, mảng văn học Tây Nguyên vẫn rất cần được nhiều người chú ý, tìm hiểu, nghiên cứu để thấy được những nét đặc sắc, đặc trưng cùng những đóng góp quan trọng của bộ phận văn học này trong việc làm phong phú hơn, đa sắc màu hơn đối với văn học DTTS Việt Nam nói riêng và đối với văn học Việt Nam nói chung. Trong các nhà văn Tây Nguyên thời kì hiện đại, Linh Nga Niê Kdam (tên bút danh: H’Linh Niê) là một nhà văn có sức viết dồi dào, viết nhiều thể loại (sáng tác, nghiên cứu sưu tầm, phê bình văn học - nghệ thuật) và thể loại nào chị cũng có những thành công nhất định. Nổi bật nhất, có nhiều đóng góp nhất là lĩnh vực sáng tác văn xuôi. Chị đã xuất bản 3 tập truyện ngắn và 5 tập bút ký. Văn xuôi của chị có màu sắc riêng biệt, mang đậm chất Tây Nguyên và chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Với những sáng tác văn xuôi của mình, Linh Nga Niê Kdam được đánh giá là một trong “Bốn cây Knia” văn học - nghệ thuật của vùng đất đỏ Tây Nguyên giàu bản sắc. Tuy nhiên, cho đến nay việc nghiên cứu một cách hệ thống, thấu đáo về nữ nhà văn Linh Nga Niê Kdam còn rất hạn chế. Vì vậy, rất cần có một công
  7. 2 trình nghiên cứu cụ thể, hệ thống và đầy đủ về trường hợp nhà văn Tây Nguyên tiêu biểu này. Bởi nghiên cứu về nhà văn Linh Nga Niê Kdam có nghĩa là đã nghiên cứu một trường hợp nhà văn tiêu biểu của văn học Tây Nguyên thời kì hiện đại; là chỉ ra được những thành công (cũng như hạn chế) của văn học khu vực này. Đồng thời phác họa rõ nét bức chân dung của một cây bút văn xuôi tiêu biểu cùng những đóng góp của chị đối với văn học Tây Nguyên nói riêng và văn học DTTS Việt Nam hiện đại nói chung. Chính vì các lý do trên, tôi đã lựa chọn đề tài: “Văn xuôi Linh Nga Niê Kdam” làm đề tài Luận văn Thạc sỹ của mình. 2. Lịch sử vấn đề Linh Nga Niê Kdam là một hiện tượng văn xuôi nổi trội của văn học Tây Nguyên thời kì hiện đại, đặc biệt là những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Chị đã có một số lượng tác phẩm văn xuôi đáng kể trong đó có những tác phẩm được đánh giá cao như: Con rắn màu xanh da trời, Gió đỏ, Pơ Thi mênh mang mùa gió, Trăng Xí Thoại, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai ?... Chị từng được nhận Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chị trở thành một trong “Bốn cây Knia” của đời sống văn học - nghệ thuật Tây Nguyên. Chính vì vậy, những sáng tác của chị, những cống hiến của chị đã được khá nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn nhắc tới. Theo khảo sát của chúng tôi, đã có hàng chục bài báo, cuốn sách có viết về chị (hoặc có nhắc đến chị với những nhận xét đánh giá cụ thể). Chị được coi là một nhà văn Tây Nguyên tiêu biểu, một trí thức, một nhà văn hóa có uy tín của dải đất cao nguyên rộng lớn này. Trong các công trình, các tuyển tập nghiên cứu và giới thiệu về văn học DTTS Việt Nam của các nhà nghiên cứu, phê bình, các nhà văn, trong đó có nhiều nhà văn là người DTTS như: Lâm Tiến, Hoàng An, Hoàng Triều Ân, Mai Liễu, Lò Ngân Sủn, Vương Trung, Phạm Quang Trung, Trần Thị Việt Trung, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Đức Hạnh, Đào Thuỷ Nguyên, Cao Thị Hảo… và của Hội Văn học DTTS Việt Nam hay trong các Tuyển tập, các Kỷ yếu Hội thảo về văn học DTTS, ta đều thấy xuất hiện tên của nữ nhà văn Linh Nga Niê Kdam. Có thể kể tên một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Lâm Tiến), Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam (PGS.TS. Đào Thủy Nguyên (chủ biên) - TS. Dương Thu Hằng), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - Truyền thống và hiện đại (PGS.TS Trần Thị Việt Trung và PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh đồng chủ biên), Văn học dân tộc thiểu
  8. 3 số Việt Nam thời kì hiện đại - Một số đặc điểm (PGS.TS. Trần Thị Việt Trung - PGS.TS. Cao Thị Hảo đồng chủ biên)… Trong công trình nghiên cứu Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam (PGS.TS. Đào Thủy Nguyên (chủ biên) - TS. Dương Thu Hằng), các tác giả đã chỉ ra khá rõ nét đặc điểm văn chương của nhà văn Linh Nga Niê Kdam (H’Linh Niê): “Trong các sáng tác H’Linh Niê, người đọc được sống với không khí âm nhạc của con người và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ bởi âm thanh cồng chiêng, bởi những đêm kể Khan truyền thống, bởi lời ca tiếng hát luôn ngập tràn bất tận trong cuộc sống con người Tây Nguyên” [29, tr.100-101]; ở đó, “Những ngôi nhà sàn, nhà gác bị bán đổ, bán tháo để theo kịp trào lưu xây nhà gạch, nhà ngói, nhà tầng hiện đại; những lễ hội truyền thống bị thương mại hóa đến trở thành nhạt nhẽo, trơ trẽn trước mắt mọi người; sự lấn chiếm ghê gớm của văn minh đô thị đối với đời sống miền núi vốn yên ả, thanh bình… Những thực tế đau lòng đó đang là “báo động đỏ” trên những trang văn của các nhà văn DTTS. Đặc biệt là trong sáng tác của Cao Duy Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Inrasara, H’Linh Niê” [29, tr.151]. Cũng trong công trình nghiên cứu này, các tác giả nêu bật đặc điểm nội dung của tập bút ký Trăng Xí Thoại: “Trăng Xí Thoại của H’Linh Niê vừa ca ngợi sự chuyển mình của những thành phố ở Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum; sự đổi dời của người Dao Cư Suê, của các dân tộc ở làng Hà Giăng, ở buôn Yung, ở Pa Sao huyện Chư Pah… vừa trăn trở trước thực trạng Tây Nguyên trong thời kì mới. Cái xấu, cái lạc hậu chưa gột rửa hết và cái tốt đẹp, cái bản sắc văn hóa tộc người cũng đang có nguy cơ mất mát, mai một dần” [29, tr.59]. Còn nhận định về nghệ thuật viết truyện ngắn của chị, các tác giả viết: “Với tinh thần tìm tòi thể nghiệm, gần đây trên văn đàn đã thấp thoáng xuất hiện một số hình thức cốt truyện mới lạ mang hơi hướng hậu hiện đại. Đó là kiểu kết truyện huyễn ảo (đan xen các yếu tố hoang đường với các yếu tố hiện thực) như Nước soi bóng ai, Dòng sông tóc, Hoa Pơ Lang của H’Linh Niê” [29, tr.183]. Trong công trình nghiên cứu Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại - Một số đặc điểm (PGS.TS Trần Thị Việt Trung và PGS.TS Cao Thị Hảo đồng chủ biên), các tác giả đã có những nhìn nhận, đánh giá thấu đáo về những nét đặc sắc trong văn xuôi của nữ nhà văn DTTS Linh Nga Niê Kdam như: “H’Linh Niê đã biết kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chất huyền thoại và sử thi khi viết về con người, cuộc sống ở Tây Nguyên. Tác giả giới thiệu kho tàng folklore độc đáo với những ngôi nhà Rông, những hình hoa văn, chim thú được lưu giữ trên nóc các nhà mồ, về nghệ thuật ẩm thực xứ Tây Nguyên…, miêu tả sắc nét lễ hội đâm trâu, lễ hội
  9. 4 cồng chiêng, những nét hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên phối hợp hài hòa giữa các gam: xanh, vàng, đỏ để làm nổi bật hai màu chủ đạo: đen và trắng (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên, Trăng Xí Thoại). Tác giả ngợi ca cuộc sống mới đang chuyển mình của dân tộc Tây Nguyên trong thời đại mới. Một bộ phận người dân đã vươn lên trong làm kinh tế, thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn nghèo khổ, được hưởng thụ cuộc sống mới, văn minh, có điện, có tiện nghi (Du xuân Tây Nguyên, Làng mặt trời, Bình Minh người Dao Cư Suê, Buôn Yung mùa hoa trắng…). Người con của núi rừng Tây Nguyên này không chỉ trăn trở trước những luật tục lạc hậu vẫn tồn tại mà còn đau đớn, xót xa trước những di sản văn hóa đang bị mai một dần” [52, tr.63]. Các tác giả cũng đưa ra những nhận xét rất sâu sắc và tinh tế về nghệ thuật văn xuôi của nhà văn Tây Nguyên này: “Văn xuôi H’Linh Niê lại mang màu sắc sử thi Tây Nguyên với chất huyền thoại khi đậm đặc lúc mờ nhạt, đan cài nhuần nhuyễn trong hình tượng nhân vật, cốt truyện hay các chi tiết sự kiện thực mà như ảo. Đặc biệt ngôn ngữ giàu hình ảnh, giầu nhịp điệu, phép so sánh và phóng đại được sử dụng có hiệu quả rất rõ rệt, đó là chất lãng mạn và sự bay bổng của lời văn, câu văn. Điều này cho thấy, nguồn cội văn hóa dân gian trực tiếp tác động sâu sắc tới tác giả chính là: kho tàng sử thi đồ sộ của các dân tộc Êđê, Bana” [52, tr.125]. Không chỉ đánh giá về mặt nghệ thuật trong sáng tác của chị, các tác giả còn cho chúng ta thấy thêm cả vẻ đẹp nội dung ẩn sâu trong từng sáng tác đó: “Trong Dòng sông tóc, tác giả đã miêu tả đồng hiện đan cài giữa câu chuyện thần thoại của con trai thần sông Srêpôk và hai người con gái của Đất và Rừng là Rinh và Rao - trong một câu chuyện có thực về mối tình không lời của một cô gái thời hiện đại. Qua tác phẩm này, thông điệp mà tác giả muốn gửi tới người đọc là: Tình yêu ở thời nào cũng vậy - nó có một sức mạnh diệu kì - làm cho người con trai và người con gái đẹp rực rỡ trong mắt nhau; vì thế nếu không còn tình yêu nữa con người sẽ trở nên khô cằn và đầy thù hận. Chính tình yêu đã nuôi dưỡng những trái tim nhân hậu, làm sống lại những tâm hồn sỏi đá” [52, tr.84-85]. Qua các công trình nghiên cứu đó, ta đều thấy cái tên Linh Nga Niê Kdam được nhắc đến như một nhà văn nữ Tây Nguyên tiêu biểu; nội dung và nghệ thuật văn xuôi của chị luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn tính truyền thống và hiện đại. Chị là một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Tây Nguyên nói riêng và văn học DTTS Việt Nam thời kì hiện đại nói chung. Bên cạnh các công trình nghiên cứu kể trên, còn có một số bài báo, bài giới thiệu, nhận xét, đánh giá, bình luận của một số nhà phê bình, nhà văn viết trực tiếp về Linh Nga Niê Kdam và các sáng tác của chị. Có thể kể đến bài bút ký Thư ngỏ
  10. 5 gửi nữ nhà văn H’Linh Niê (in trong cuốn Trăng Xí Thoại xuất bản năm 1999), tác giả Y Hoan Drai Êban viết: “Trăng Xí Thoại không giống trăng trung thu, không phải trăng rằm vằng vặc. Càng không phải thứ trăng suông nhạt nhẽo. Nó là bức họa nhân tình của người viết, ánh lên ý tưởng của văn, của người” [7, tr.252]; “Đọc Trăng Xí Thoại càng quý thứ văn không mời gọi bạn đọc theo mình. Bằng những hình ảnh, hình tượng ở những khách thể quanh mình, dường như tác giả chỉ cốt ghi lại cho chính mình. Song người đọc lại tìm ra ý tưởng văn chương - nhiệm vụ văn học - ý tưởng của người cầm bút luôn hướng tới việc của quê hương” [7, tr.252]. Cũng nhận xét về tập bút ký Trăng Xí Thoại nhưng trong bài Số phận của Folklore Tây Nguyên và cái tâm của một nhà văn nữ Êđê (in trong cuốn Tiểu luận - Phê bình văn chương Hồn cây sắc núi, NXB Hội Nhà văn 2010), tác giả Phạm Quang Trung lại nhìn thấy: dù có rất nhiều vấn đề ngổn ngang đang đặt ra ở Tây Nguyên nhưng H’Linh Niê chọn riêng vấn đề folklore để viết vì nó phù hợp với sở trường của chị và nó thể hiện được sự hiểu biết, niềm tin cũng như tiếng gọi thiết tha của chị về việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên. Ông viết: “H’Linh Niê đã thực sự nhập vào văn hóa các tộc người Tây Nguyên để mỗi lời chị thốt ra như lôi kéo, như mời gọi bạn đọc, khó mà cưỡng lại nổi sức lôi cuốn của những lời như vậy! Xem ra, không ai có đủ thẩm quyền như H’Linh Niê - đứa con ruột rà của núi rừng Cao nguyên - khi làm cái công việc rất khó khăn mà cũng thật ý nghĩa là giới thiệu nền văn hóa dân gian Tây Nguyên lạ lẫm và độc đáo để thế giới tinh thần của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam giàu có thêm lên” [48, tr.158-159]. Trên Báo điện tử Toquoc.vn năm 2010, tác giả Phạm Duy Nghĩa trong bài Văn xuôi về dân tộc và miền núi từ 1986 đến nay, đã nhận xét riêng về ký của H’Linh Niê: “Ký của H’Linh Niê sắc sảo, tâm huyết, đào sâu vào các mặt đời sống của các dân tộc Tây Nguyên làm rạng lên những nét riêng độc đáo trong lễ hội, nhà cửa, folklore, thổ cẩm ... đậm bản sắc; chỉ ra cái xấu chưa lụi tàn, cái tốt đang khởi sắc và cả cái đẹp đang mai một. Nhiều bài kí của nữ nhà văn - nhạc sĩ này là những thông điệp SOS trước hiện tượng mất mát từng ngày của văn hoá truyền thống ở Tây Nguyên” [26]. Khái quát hơn, nhà lý luận phê bình văn học DTTS Lâm Tiến trong bài Gian nan về với cội nguồn (in trên báo Văn nghệ năm 2011) đã chỉ ra những nét riêng đặc sắc của cả hai thể loại văn xuôi: truyện và ký Linh Nga Niê Kdam như: “Đọc truyện, ký của H'Linh Niê, người đọc như được ngắm một bức tranh toàn cảnh về văn hóa, con người, cuộc sống Tây Nguyên từ xa xưa cho tới nay, từ cái chung cho tới cái riêng độc đáo, cụ thể, hấp dẫn. Sức hấp dẫn của các truyện ký H'Linh Niê không phải chỉ ở nội dung, con người, cuộc sống thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng, nguyên sơ của nó mà còn ở
  11. 6 cách viết. Một cách viết vừa giống vừa khác với các nhà văn dân tộc thiểu số miền Bắc. Cái khác của H'Linh Niê là bắt đầu từ nguồn gốc của dân tộc mình, từ văn hóa Êđê. Đó là chất huyền thoại sử thi mà các nhà văn miền Bắc không thể nào có được” [46]. Tác giả Vương Tâm trong bài báo Có một người Hà Nội ở Ban Mê (in trên báo Người Hà Nội năm 2013), đã chỉ ra một phong cách riêng của nhà văn Tây Nguyên này: “Với một phong cách lịch lãm và lãng mạn, đậm chất Hà Nội, Linh Nga sáng tác ca khúc hay viết truyện ngắn, với bút danh H’Linh Niê, đều chất chứa cảm xúc da diết trong một cấu trúc hiện đại. Với những tập truyện ngắn như Gió đỏ hay Con rắn màu xanh da trời hoặc hàng chục bài hát về cao nguyên, người đọc có thể nhận biết ở Linh Nga, chính là một cô gái Hà Nội say đắm với quê hương của mình đến như thế nào” [40]. Trong bài viết Hiểu đúng mới bảo tồn được văn hóa Tây Nguyên (in trên báo Lao động năm 2013), tác giả Đặng Bá Tiến vừa đánh giá về Linh Nga Niê Kdam vừa bày tỏ sự yêu thích với một số đặc điểm văn chương của chị: “Tôi đã sống ở Tây Nguyên 20 năm, nên biết khá nhiều về chị. Đó là một người đàn bà đa cảm, đa tài: Đã tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc & Đại học Sáng tác âm nhạc, từng là giọng đơn ca chính của Đoàn Ca múa Tây Nguyên, nhưng sau đó "nhảy" cả vào văn chương, báo chí và nghiên cứu... Đọc văn chị, tôi rất thích lối viết dân dã, bộc trực, đầy hình ảnh kiểu như thế này “Rượu chưa uống, bụng kiến đã bò. Rượu chưa thử, ruột lửa đã cháy” (Gió vẫn thổi từ rừng) và thích sự mượt mà, tinh tế, đầy ắp cảm xúc: “Đêm choàng nhanh chiếc áo đen lên vạn vật, nhưng trăng mười sáu vẫn trong trẻo xanh giữa trời... Có phải trăng là nhân chứng duy nhất hàng ngàn đời nay đồng hành cùng mọi lễ, hội Tây Nguyên? Ôi, nếu không còn những đêm như thế này, những câu hát tuyệt vời thế kia còn không, nhịp chiêng náo nức ấy còn không, và bàn tay dịu mềm của em, của chị, của bao người phụ nữ Tây Nguyên có còn được bay lên như cánh chim Ch’rao...?” (Trăng Xí Thoại). Có thể gọi, chị là “người đàn bà không bao giờ chịu ngồi yên, không bao giờ chịu rảnh rang” [45] ... Còn nhà thơ, nhà nghiên cứu Lò Ngân Sủn trong bài Có phải H’Linh Niê là tình yêu (in lại trong cuốn Phái đẹp, cuộc đời và cây bút, NXB Hội Nhà Văn Việt Nam 2015) lại có những phát hiện rất thú vị sau khi đọc xong Tập truyện ngắn Con Rắn màu xanh da trời của H’Linh Niê: “H’Linh Niê không những tả tình rất giỏi, các đoạn tả tình của chị rất cụ thể, chi li mà không bị sa vào phàm tục, gian dâm … mà còn tả người đẹp, cảnh đẹp cũng hay, cũng hấp dẫn” [39, tr.374-376]. Tác giả Lò Ngân Sủn còn phát hiện ra cái hay trong truyện của chị: “Tác giả đã khắc họa được các nhân vật, cốt truyện có hình hài, đường nét, được thể hiện trong một cấu tứ, bố cục hợp lý, ngôn ngữ uyển chuyển, hài hòa, tỏa hương. Đặc biệt, tác giả hòa
  12. 7 lẫn, pha trộn được cái chất cổ tích, dân ca, tục ngữ, thành ngữ cũng như phong tục tập quán Tây Nguyên trong nội dung, cốt truyện hiện đại” [39, tr.377]. Nhà văn Linh Nga Niê Kdam không chỉ được các tác giả nhắc đến trong các bài viết, chị còn được giới thiệu trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi giới thiệu về chị (trên Đài tiếng nói Việt Nam năm 2012), trong bài Niềm hạnh phúc đáng trân trọng, tác giả Võ Thị Hà viết: “Linh Nga Niê Kdam luôn đau đáu về sự mất mát theo tháng, theo ngày những vẻ đẹp tinh khiết, nguyên sơ, hoang dã mà riêng biệt của không gian văn hóa Tây Nguyên. Linh Nga Niê Kdăm đã dành trọn cuộc đời mình cho những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên biệt về Tây Nguyên. Những gì mà Linh Nga Niê Kdam đã sáng tạo, gìn giữ, quảng bá cho văn hóa Tây Nguyên thực sự là những cống hiến hết sức thầm lặng và có ý nghĩa to lớn” [15]. Một số Luận án, Luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ Ngữ văn, Khóa luận tốt nghiệp Đại học nghiên cứu về văn xuôi DTTS cũng có nhắc đến cây bút Linh Nga Niê Kdam. Trong Luận án Tiến sĩ: Văn hóa và con người Tây Nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945 - 2000 (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), tác giả Đặng Văn Vũ nhắc tới Linh Nga Niê Kdam như một đại diện tiêu biểu của văn xuôi Tây Nguyên giai đoạn này. Khóa luận tốt nghiệp Đại học: Truyện ngắn H’Linh Niê của Chu Thị Dạ Thảo (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu trực tiếp về truyện ngắn của nhà văn Linh Nga Niê Kdam và đưa ra những nhận xét khá xác đáng như: “Được khơi nguồn cảm hứng từ tình yêu tha thiết đối với mảnh đất và con người Tây Nguyên, truyện ngắn của H’Linh Niê tập trung thể hiện những đề tài chính như : tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, cộng đồng của những con người trong buôn làng. Ở mỗi mảng đề tài, tác giả lại đi vào khám phá những khía cạnh tinh tế nhất, đặc sắc nhất, từ đó khái quát nên tính nhân văn cao cả hoặc rút ra bài học kinh nghiệm quý báu” [41] … Không chỉ có các nhà phê bình, các nhà văn, các tác giả Luận án, Luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ Ngữ văn, Khóa luận tốt nghiệp Đại học tìm hiểu về văn xuôi DTTS nhắc đến cây bút Linh Nga Niê Kdam hoặc nghiên cứu trực tiếp về văn xuôi của chị mà ngay cả những sinh viên Đại học cũng đã tìm đến và rất yêu thích văn xuôi H’Linh Niê. Trong bài Đọc truyện ngắn Gió trên đỉnh Ngok Linh, YDu La Niê (sinh viên Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012) đã có nhận xét khá tinh tế: “Ngôn ngữ truyện giản dị, trong sáng, mang dáng dấp ngôn ngữ vùng Tây Nguyên. Ở câu chữ thể hiện một cái gì đó chất phác, đơn giản. Câu chữ không đặt nặng vấn đề biểu trưng nhiều. Phù hợp với phong cách vùng miền. Một phong cách miêu tả riêng với sự so sánh đặc biệt… Xét trên góc độ
  13. 8 văn học, có thể thấy tác phẩm được tác giả miêu tả một cách chân thực. Tình tiết được xây dựng một cách xuyên suốt, không có sự trùng lặp; mang lại cho độc giả một cái nhìn mới cho nội dung tác phẩm” [60]… Qua khảo sát bước đầu những bài nghiên cứu, bài viết, những nhận xét về tác giả Linh Nga Niê Kdam cùng những sáng tác của chị, chúng tôi nhận thấy: Tuy là một nhà văn nữ Tây Nguyên tiêu biểu nhưng việc nghiên cứu về tác giả nói chung cũng như nghiên cứu về văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam nói riêng hiện vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, chưa xứng với tầm vóc và những đóng góp của chị. Vì vậy, rất cần thiết phải có một công trình nghiên cứu hệ thống, tương đối đầy đủ về những sáng tác của cây bút văn xuôi Tây Nguyên này. Thứ nhất là: để góp phần phác hoạ bức chân dung nhà văn nữ Linh Nga Niê Kdam; thứ hai là: chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong văn xuôi của nhà văn để thấy được những nét riêng, những sáng tạo cũng như thấy được những đóng góp đáng ghi nhận của chị trong đời sống văn học Tây Nguyên nói riêng, văn học các DTTS Việt Nam hiện đại nói chung. 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: những tác phẩm văn xuôi của nhà văn Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam, bao gồm: 03 tập truyện ngắn (Con rắn màu xanh da trời, Gió đỏ, Pơ Thi mênh mang mùa gió) và 05 tập bút ký (Trăng Xí Thoại, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai ?, Chân dung văn nghệ sĩ Tây Nguyên, Tại gió mà nhớ) - Bên cạnh đó, chúng tôi khảo sát một số tác phẩm văn xuôi của một số cây bút DTTS Tây Nguyên khác để có cái nhìn tổng thể về văn học Tây Nguyên và để so sánh đối chiếu với văn xuôi của tác giả Linh Nga Niê Kdam (ví dụ như các sáng của các nhà văn: Y Điêng, Kim Nhất, Niê Thanh Mai …) 3.2. Mục tiêu nghiên cứu Luận văn cố gắng làm rõ những đặc điểm cơ bản về nội dung, nghệ thuật trong sáng tác văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam và chỉ ra những đóng góp của nhà văn với văn học Tây Nguyên nói riêng, văn học DTTS Việt Nam nói chung. 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện đề tài Luận văn, chúng tôi xác định những nhiệm vụ cần phải giải quyết là: - Nêu những đặc điểm khái quát về văn xuôi Tây Nguyên thời kì hiện đại (làm cơ sở thực tiễn để giới thiệu cây bút văn xuôi Linh Nga Niê Kdam).
  14. 9 - Nêu những đặc điểm cơ bản trong văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam và làm sáng tỏ các đặc điểm đó ở cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật (cả thành tựu và hạn chế - nếu có). - Chỉ ra những nét đặc sắc, những đóng góp đáng trân trọng của nữ nhà văn Tây Nguyên này đối với văn học Tây Nguyên nói riêng và đối với văn học DTTS Việt Nam hiện đại nói chung. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau: - Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm (theo đặc trưng thể loại). - Phương pháp phân tích tổng hợp. - Phương pháp so sánh đối chiếu. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành (Văn học với Văn hoá học, Lịch sử và Dân tộc học). - Vận dụng Lý thuyết Phê bình sinh thái. 5. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam, cụ thể là trong 8 cuốn văn xuôi (3 tập truyện ngắn và 5 tập bút ký đã đề cập ở trên). 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, phần Nội dung chính của đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Vài nét về văn xuôi Tây Nguyên thời kì hiện đại và nữ nhà văn Linh Nga Niê Kdam. Chương 2: Cảm hứng về cuộc sống và con người Tây Nguyên. Chương 3: Một số đặc điểm về nghệ thuật. 7. Đóng góp mới của luận văn - Phác hoạ chân dung về nhà văn nữ Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam. - Chỉ ra những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác văn xuôi của Linh Nga Niê Kdam. - Khẳng định những giá trị và đóng góp đáng trân trọng của nữ nhà văn Tây Nguyên này đối với văn học các DTTS Việt Nam thời kì hiện đại.
  15. 10 Chương 1 VÀI NÉT VỀ VĂN XUÔI TÂY NGUYÊN THỜI KÌ HIỆN ĐẠI VÀ NỮ NHÀ VĂN LINH NGA NIÊ KDAM 1.1. Vài nét về văn xuôi Tây Nguyên thời kì hiện đại 1.1.1. Văn xuôi Tây Nguyên trước Đổi Mới (1986) Mảnh đất Tây Nguyên là một bình nguyên trên cao rộng lớn, tươi đẹp. Nói như nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà văn Linh Nga Niê Kdam thì: Từ cực Bắc là cụm núi Atouat với đỉnh Ngok Linh cao 2598m của người Sê Đăng giỏi rèn giáo mác đến cực Nam là dãy Chư Yang Sin cao 2402m (đỉnh cao nguyên Lang Biang) đậm chất văn hóa K’ho, qua xứ sở của điệu chinh arap Jrai đắm đuối nhịp vòng xoang, qua quê hương Đăm San lắng nghe điệu arei Êđê rạo rực, qua những cánh đồng rập rờn xanh sóng cỏ của đất Mnông, qua cả chân núi Hà Giăng của người Chăm Hroaih đấu trống… đâu đâu ta cũng thấy dấu ấn của một bản sắc văn hóa đậm đà tính dân tộc. Để có những buôn, bon, kon, plei trầm bổng tiếng ching chiêng, Tây Nguyên đã phải trải qua nhiều cuộc xung đột và di cư của nhiều bộ tộc. Đời sống kinh tế của con người trên mảnh đất này trước đây phụ thuộc vào nương rẫy nên họ vừa gần gũi vừa lệ thuộc vào thiên nhiên và rất coi trọng mối quan hệ cộng đồng. Do cuộc sống khó khăn, trình độ khoa học kĩ thuật chưa phát triển nên đời sống văn hóa tín ngưỡng của họ phong phú và duy trì được nhiều dấu ấn văn hóa cổ. Bên cạnh đó, người Tây Nguyên còn có năng khiếu nghệ thuật, ưa thích ca hát nhảy múa, họ lại gìn giữ được khối lượng truyện cổ và thần thoại rất độc đáo. Tất cả những yếu tố trên là mạch nguồn góp phần hình thành và nuôi dưỡng những nhà văn Tây Nguyên thời kì hiện đại cùng các tác phẩm đậm bản sắc văn hoá bản địa. Như chúng ta đã biết, văn học dân gian Tây Nguyên có một thành tựu vô cùng rực rỡ. Nhà văn Linh Nga Niê Kdam cũng từng khẳng định: Văn học dân gian Tây Nguyên, đặc biệt là sử thi “phong phú về giai điệu, giàu có về nội dung, đồ sộ về khối lượng, độc đáo về hình thức trình diễn”, từng đạt đến đỉnh cao không kém bất cứ một dân tộc nào thậm chí ngang bằng văn học cổ phương Tây. Từ những năm 20 của thế kỉ XX, khi Sabatier (một công sứ người Pháp) lần đầu tiên công bố sử thi Đăm San bằng tiếng Pháp, đến nay chúng ta đã tìm ra và công bố thêm nhiều tác phẩm sử thi khác. Theo kết quả điều tra sưu tầm của Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản Kho tàng sử thi Tây Nguyên (2001 - 2007), một
  16. 11 số lượng lớn tác phẩm sử thi Tây Nguyên đã được sưu tầm và giới thiệu: Đăm Di, Kinh Dú, Đăm Droăn, Mơ Hiêng, Y Prao, Chi Gri, Mrong Đăm, Hdung Y Thu, Đăm Thía, Đăm San, Hơbia Mơtao Grăn Mđrông (dân tộc Êđê); Đăm Noi, Giông nghèo tám vợ, Tre vắt nghen nghét Giông, Sử thi Bana Kriêm, Grăn Hơlăn xấu bụng (dân tộc Ba Na); Đăm Duông bị bắt làm tôi tớ/ Đăm Duông cứu nàng Bar Ma, Dăm Duông hóa cọp, Dăm Duông trong lốt ông già (dân tộc Xơ Đăng); Udai Ujàc, Amã Chisa, Ama Cuvau Vong Cơi, Sa Ea, Awơi Nãi Tilơr (dân tộc Ra Glai); Đêva Mưnô, Intra Patra, Pram Dit - Pram Lak, Ưm Mưrup (dân tộc Chăm); Chi Bri - Chibrit, Tiếng cồng của ông bà Hbia Lơ Đă (dân tộc Chăm Hơroi); H’Điêu, Xinh Nhã, Chi Lơ Khôngk (dân tộc Gia Rai); Cướp chiêng cổ Bon Tiăng, Lêng nghịch đá thần của Yang, Bắt con lươn ở suối Dak Husch, Thuốc cá ở hồ Bầu Trời - Mặt Trăng (dân tộc M’Nông) [53, tr.288] … Tên những tác phẩm đã công bố trên còn ít hơn nhiều so với số lượng sưu tầm được và ít hơn nhiều so với thực tế. Trong cuốn Giáo trình Văn học dân gian (GS.TS. Vũ Anh Tuấn chủ biên), các tác giả khẳng định: “Đặc biệt chúng ta còn phát hiện ra ba bộ sử thi liên hoàn đồ sộ là Ót ndrông của người M’Nông, Đăm Giông của người Ba Na và Dông của người Xê Đăng; mỗi bộ trên dưới một trăm tác phẩm. Điều này khiến cho các bộ sử thi nói trên đứng vào loại các bộ sử thi có độ dài nhất thế giới như Ramayana của Ấn Độ, Cách Tát Nhĩ của Tây Tạng, Giang Cách Nhĩ của Nội Mông…” [53, tr.287]. Như vậy, Sử thi Tây Nguyên đã minh chứng được đầy đủ sức sáng tạo của con người Tây Nguyên, sức sống của một “vùng thể loại sử thi” và sự phát triển vượt bậc của văn học DTTS Việt Nam ở miền đất Bazan nóng bỏng. Nghiên cứu về văn hóa dân gian Tây Nguyên, nhà văn Linh Nga Niê Kdam cũng từng nói: Đã một thời, trường ca Tây Nguyên khiến “hàng ngàn người vui, buồn, hồi hộp cùng người hát - kể lể về tâm trạng yêu thương, hờn dỗi, căm giận… của hàng trăm nhân vật là dũng sĩ, người đẹp, thần linh, kẻ ác hay quái thú”; “Người nghe càng chăm chú, người kể càng thăng hoa, dẫn dắt không chỉ nhân vật của mình, mà cả khán thính giả, bay lượn khắp ba tầng trời, đất và dưới đất, dưới nước” [25]. Có thể khẳng định: Văn học dân gian Tây Nguyên được coi là giàu có, phong phú, đồ sộ và hấp dẫn nhất trong văn học dân gian DTTS Việt Nam. Bộ sử thi Trường ca Tây Nguyên đã được công nhận là: Di sản văn hóa Quốc gia. Mặc dù văn học dân gian Tây Nguyên phát triển phong phú như vậy nhưng văn học hiện đại ở Tây Nguyên đến trước năm 1986 lại chưa phát triển mạnh, chưa tương xứng với nền văn học truyền thống. Giai đoạn này, văn học Tây Nguyên
  17. 12 thiếu vắng những tên tuổi và những sáng tác của các nhà văn - dù họ là chủ nhân của kho tàng văn học dân gian đồ sộ này. Văn học các DTTS ở Tây Nguyên dường như còn “chậm chân” hơn so với những dân tộc khác ở miền núi phía Bắc nước ta. Vì sao lại như vậy? Trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên 1975 - 2010, tác giả Linh Nga Niê Kdam và một số tác giả khác cho rằng: có 6 nguyên nhân lí giải cho điều đó: Thứ nhất, trong thời Pháp thuộc, thanh thiếu niên Tây Nguyên theo học tại các trường Tiểu học (Pháp - Êđê, Pháp - Jrai, Pháp - K’Ho…) mở tại Buôn Ma Thuột, Plei Ku, Đà Lạt … chỉ được học tiếng Pháp và tiếng dân tộc chứ không được học tiếng Việt. Trước năm 1975, hệ thống các trường Phổ thông ở Tây Nguyên rất ít, cả thị xã Buôn Ma Thuột thời chính quyền cũ chỉ có một trường Phổ thông Trung học và một trường Sư phạm tương đương Trung cấp đào tạo giáo viên ra dạy cấp Tiểu học. Thứ hai, sau năm 1975, môi trường diễn xướng các loại hình văn học truyền miệng độc đáo như trường ca, sử thi ở ngay tại các bản làng trên khắp Trường Sơn - Tây Nguyên có một thời gian khá dài bị đứt gãy do bị đánh đồng cùng các lễ nghi, lễ hội truyền thống dân gian, với phong trào bài trừ mê tín dị đoan. Điều này khiến cho sự tiếp nối truyền thống bị gián đoạn, đồng nghĩa với sự phát triển năng khiếu sáng tạo văn vần và nghệ thuật diễn xướng cũng bị chặn đứt. Thứ ba, việc tôn trọng và giáo dục văn học truyền thống bản địa của vùng DTTS không được các cơ quan chức năng thật sự coi trọng. Lượng tri thức thanh thiếu niên các DTTS, đặc biệt ở Tây Nguyên tiếp thu trong suốt 12 năm học ở trường Phổ thông thiếu hẳn một “phần mềm” cần thiết, nên càng dẫn tâm hồn, năng khiếu lớp người này xa rời với kho tàng văn học truyền thống phong phú và đậm đà bản sắc vốn có của mình; chỉ để tiếp thu gần như hoàn toàn văn hóa miền xuôi, thậm chí là văn học nước ngoài. Thứ tư, sự giao lưu văn hóa với các vùng miền được mở rộng một cách tự phát theo những đợt sóng di dân và xây dựng vùng kinh tế mới; cùng với sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát của các tín ngưỡng thờ phụng mới, thay thế cho tín ngưỡng đa thần cổ truyền, khiến cho một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, một cách vô thức, quay lưng lại với sinh hoạt văn hóa truyền thống của tộc người. Thứ năm, nhiều thập niên trước đây, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương lẫn Hội Văn nghệ địa phương chưa quan tâm tích cực đến việc bồi dưỡng đào tạo đội ngũ tác giả người DTTS. Những tác giả đã và đang cầm bút
  18. 13 từ những năm 1985 trở về trước, hầu hết đều khởi đầu tự phát rồi mới được đón nhận và tập hợp lại. Việc bồi dưỡng lực lượng sáng tác người DTTS chỉ mới thực sự được quan tâm từ sau khi Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam ra đời. Thứ sáu, đời sống kinh tế các vùng đồng bào dân tộc còn nhiều thiếu thốn, khiến ngay cả những trí thức, học sinh, sinh viên người dân tộc rất có năng khiếu cũng không muốn chọn sự gắn bó với văn chương làm con đường chính đi suốt cuộc đời mình. Như vậy, theo cách lí giải của tác giả Linh Nga Niê Kdam và một số tác giả như trên, chúng ta có thể hiểu hơn lý do vì sao đội ngũ sáng tạo văn học khu vực các DTTS bản địa Tây Nguyên lại phát triển chậm và ít như vậy. Văn học Tây Nguyên nói chung trước năm 1975 gần như không có gì nhiều. Đội ngũ sáng tác viết về đề tài DTTS Tây Nguyên chỉ có vài ba tác giả. Hầu hết các tác giả viết trực tiếp về Tây Nguyên đều là người miền xuôi như: nhà văn Nguyên Ngọc với tác phẩm Đất nước đứng lên, nhà thơ Thu Bồn với trường ca Bài ca chim Chrao, nhà văn Vũ Hạnh với tiểu thuyết Lửa rừng, nhà văn Phạm Kim Anh với Lãng đãng mây ngàn và một số tác phẩm khác. Người đầu tiên viết về đồng tộc mình lúc bấy giờ chỉ có Y Điêng Kpă Hô Dí (dân tộc Êđê) với truyện ngắn có dấu ấn là Em chờ bộ đội Wa Hồ. Tiếp đến là Mlô Y Choi (cũng là người dân tộc Êđê, tên bút danh là Mlô Y Cla Vi) với bài thơ Cô gái vót chông (đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc trở thành một ca khúc xanh mãi với thời gian). Cuối cùng là cây bút làm thơ nghiệp dư Kpă Y Lăng (La Mai Chửng) vốn là một nhạc sĩ người dân tộc Bahnar Chăm với bài thơ đậm nét dân ca Jrai Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (được nhạc sĩ Lê Lôi phổ nhạc thành ca khúc cùng tên). Văn xuôi Tây Nguyên đặt trong sự phát triển chung của văn học Tây Nguyên như đã nói trên cũng có thể khẳng định là chưa có nhiều thành tựu. Người viết văn xuôi dân tộc đầu tiên ở Tây Nguyên là Y Điêng Kpă Hô Dí (sinh năm 1928 tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Bản thân Y Điêng là người sớm tham gia cách mạng và cống hiến trọn đời cho cách mạng. Năm 1962, sau khi đi học lớp Viết văn khóa I tại Quảng Bá, ông mới bắt đầu sự nghiệp văn học với tác phẩm Em chờ bộ đội Wa Hồ. Mặc dù ngay sau khi ra đời, truyện ngắn này đã được trao Giải ba Cuộc thi Truyện ngắn do báo Thống Nhất tổ chức nhưng thành tựu của nó cũng chưa thể thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào của Y Điêng cũng như của các nhà văn DTTS khác ở Tây Nguyên. Hai năm sau (năm 1964), ông cho ra đời tác phẩm Ông già Krao. Mười năm sau (1974), ông mới cho ra đời thêm tác phẩm Như
  19. 14 cánh chim Kway. Nhìn chung, sáng tác văn chương của Y Điêng đến năm 1975 vẫn còn thưa thớt. Năm 1972, văn xuôi Tây Nguyên xuất hiện thêm một gương mặt mới, đó là Nay Nô. Nay Nô (tên khai sinh là Rchom Dray, dân tộc Jrai, sinh năm 1948, quê ở xã Ia Tun, A Yun Pa, Gia Lai) nguyên là Phóng viên chiến trường Quân khu 5 thời kháng chiến chống Mĩ, sau đó công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai. Giai đoạn đến năm 1975, Nay Nô cũng cho ra đời ba tác phẩm: một phóng sự Dưới chân núi Ngọc Tụ (1972) và hai bút ký: Ta-man Rơh (1973), Mùa xuân sôi động (1975). Có thể thấy, văn xuôi Tây Nguyên giai đoạn này, vì nhiều lý do, các tác giả đều ít sáng tác và ít công bố tác phẩm. Giai đoạn sau 1975 đến trước năm 1986, Y Điêng nhận thấy: “Nhà văn người DTTS ít lắm, trong khi đó vốn văn hóa buôn làng sẽ dần mất đi nếu không kịp viết lại, nhiều chuyện còn trong bụng của người già phải chép lại cho bà con bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Êđê” nên ông đã tích cực viết và cho ra đời hai tác phẩm được bạn đọc quan tâm, chú ý: tập truyện dài H’Giang (1978 - viết bằng hai thứ tiếng Việt và Êđê được Ủy ban Dân tộc Trung ương và Hội nhà văn Việt Nam tặng Giải thưởng) và tập bút ký Drai Hlinh đi về phía sáng (1985). Còn Nay Nô, giai đoạn này, ông hoàn toàn im lặng, không công bố tác phẩm. Tóm lại, giai đoạn từ 1975 đến trước Đổi Mới, văn xuôi Tây Nguyên tuy đã có một số tác phẩm xuất hiện nhưng thực sự chưa để lại dấu ấn đáng kể. Đúng như cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên 1975 - 2010 khẳng định: “Bức tranh văn học khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên giai đoạn này mới chỉ là những đường nét phác họa mảnh mai và thật sự chưa có gì nổi bật”. 1.1.2. Văn xuôi Tây Nguyên sau Đổi Mới (1986) Từ năm 1986, được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam được thành lập. Đặc biệt, năm 1990 Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk ra đời, văn học Tây Nguyên mới từng bước được khởi sắc, số lượng tác giả và tác phẩm tăng lên nhanh chóng. Mở đầu cho sự sôi động của văn học Tây Nguyên giai đoạn này là sự xuất hiện của nhà văn Kim Nhất. Nhà văn Kim Nhất (sinh năm 1945) nguyên là một nữ diễn viên, người dân tộc Bahnar (xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định). Sau khi theo chồng về sống tại Buôn Ma Thuột, bà sáng tác truyện ngắn đầu tay: Mụ Xoặi (1994). Từ khi tác phẩm Mụ Xoặi xuất hiện, đời sống văn học dân tộc ở Tây Nguyên như được tăng thêm nhuệ khí để phát triển. Cụ thể: nhà văn Y Điêng sau một thời gian im lặng đã tiếp tục cầm bút,
  20. 15 Kpă Y Lăng (dân tộc Bahnar Chăm) quay lại làm thơ, Ka Sô Liễng (dân tộc Chăm Hroaih) ngoài đạo diễn sân khấu đã bắt đầu quan tâm đến sáng tác, Mlô Y Cla Vi (dân tộc Êđê) âm thầm lặng lẽ sáng tạo, H’Linh Niê (dân tộc Êđê) xuất hiện; tiếp đó là sự ra đời và tích cực, hồ hởi sáng tác của các tác giả: Đinh Xăng Hiền, Nga Ri Vê (dân tộc Hrê), Hồ Chư (dân tộc Vân Kiều), Niê Thanh Mai (dân tộc Êđê), Hoàng Thanh Hương (dân tộc Mường sống ở Tây Nguyên). Từ năm 2000 trở đi, văn học Tây Nguyên “nở rộ”. Bên cạnh các tác giả thực sự đã định hình, văn đàn Tây Nguyên có thêm nhiều gương mặt mới: K’Ra Zan Plin (dân tộc K’Ho), H’Trem Knul (dân tộc Êđê), Đinh Su Giang (dân tộc Ka Dong), Ksor Bi Tô (dân tộc Jrai), Hoàng Nhật Rlayang (dân tộc M’nông), Y Việt Sa (dân tộc Bahnar Rngao), H’Lứt Mlô (dân tộc Êđê), H’Siêu Buôn Yă (dân tộc Êđê), H’Xíu H’Mok (dân tộc Êđê), Y Du La Niê (dân tộc Êđê)… Trong số các tác giả mới đó, Tây Nguyên tự hào đón nhận hai cô gái Êđê: H’Phi La Niê và H’Wê Ra là hai nhà văn DTTS Tây Nguyên được đào tạo chuyên nghiệp. Nhìn lại các thế hệ nhà văn Tây Nguyên, ta thấy hầu như họ đều là các trí thức. Đội ngũ những người viết văn DTTS vùng Tây Nguyên ngày càng được bổ sung đông đảo. Dù họ có thể còn chưa thực sự được độc giả cả nước biết đến nhưng họ đều đã chính thức gia nhập vào làng văn Tây Nguyên, góp phần làm nên diện mạo văn học một vùng quê hương luôn vang tiếng suối reo, gió hát và thấm đẫm âm hưởng cồng chiêng. Nằm trong không khí sôi động của sự phát triển văn chương ở Tây Nguyên, văn xuôi Tây Nguyên cũng bắt đầu trở nên phong phú kể từ khi Tạp chí Cư Yang Sin của Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk ra số đầu tiên năm 1986 (số có in truyện ngắn Mụ Xoặi của Kim Nhất). Từ đó, Kim Nhất liên tục gây bất ngờ với văn xuôi Tây Nguyên bằng hàng loạt các tác phẩm liên tiếp ra đời. Có thể kể đến những tác phẩm là Truyện ngắn: Ly hôn (1998), Động rừng (1999), Hồn ma núi (2003), Huyền thoại Bok Kron (2005); Tiểu thuyết: Chuyện lạ (2007), Luật của rừng (2009), Hoa đại ngàn (2010), Truyện cổ và Truyện viết cho thiếu nhi: Truyện cổ Bahnar (1991), Truyện cổ Bahnar 2 (2000), Y Sanh và Y Rá (2002), Chúa sơn lâm mắc bẫy (2003), Người chăn dê (2005), Tôi được gặp Bác Hồ (2008) và các bài Bút ký khác, tiêu biểu nhất là Bút ký Về với Ban Mê (1996). Dù sáng tác của Kim Nhất có người nhận xét là: “Phần lớn chủ yếu ghi chép lại người thật, việc thật; ít chú ý đến nghệ thuật thể hiện” nhưng cũng có người nhận xét: “Truyện viết về buôn làng và truyện kì quái của Kim Nhất là hay nhất” và Kim Nhất cũng đã khẳng định được sự có mặt của mình trong đời sống văn học Tây Nguyên với lối viết đậm chất dân tộc từ nội dung tác phẩm đến các yếu tố nghệ thuật.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2