intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam: Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới

Chia sẻ: Cỏ Xanh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:144

44
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn gồm có 3 chương được trình bày cụ thể như sau: Những vấn đề chung về tiếp nhận văn học và Nguyễn Du – Truyện Kiều. Truyện Kiều trong sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu và phê bình ở Châu Á. Truyện Kiều trong sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu và phê bình ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam: Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Lê Thanh Duy VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TRÊN THẾ GIỚI LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh – 2019
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Lê Thanh Duy VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU TRÊN THẾ GIỚI Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã ngành : 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh – 2019
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan những luận điểm được trình bày trong Luận văn này là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu của tôi. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về những luận điểm khoa học mà tôi nêu ra trong Luận văn này. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 03 năm 2019 Người thực hiện Lê Thanh Duy
  4. LỜI CẢM ƠN Luận văn này là kết quả sau thời gian học tập và nghiên cứu của tôi tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Để hoàn thành luận văn này, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Phòng Sau đại học, các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn đã giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu tại trường. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cô – PGS.TS. Lê Thu Yến, người đã hết lòng giúp đỡ, động viên và hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 03 năm 2019 Người thực hiện Lê Thanh Duy
  5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1 Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU – TRUYỆN KIỀU ..................................... 8 1.1. Khái lược về lí thuyết tiếp nhận văn học................................................. 8 1.1.1. Sự ra đời của lý thuyết tiếp nhận văn học ......................................... 8 1.1.2. Những quan điểm về tiếp nhận văn học trên thế giới ..................... 15 1.1.3. Những đặc trưng của tiếp nhận văn học.......................................... 18 1.1.4. Tình hình nghiên cứu tiếp nhận văn học ở Việt Nam ..................... 20 1.2. Về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều .................................. 26 1.2.1. Đôi nét về tác giả Nguyễn Du ......................................................... 26 1.2.2. Về tác phẩm Truyện Kiều ................................................................ 35 1.3. Khái quát tình hình tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới ....................... 37 Tiểu kết Chương 1 ......................................................................................... 40 Chương 2. TRUYỆN KIỀU TRONG SỰ TIẾP NHẬN CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH Ở CHÂU Á................. 41 2.1. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều ở khu vực Đông Bắc Á......................... 41 2.1.1. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Trung Quốc ................................................................... 41 2.1.2. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Đài Loan ....................................................................... 70 2.1.3. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Nhật Bản ....................................................................... 74
  6. 2.1.4. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Hàn Quốc ...................................................................... 80 2.2. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều ở Đông Nam Á ..................................... 83 Tiểu kết Chương 2 ......................................................................................... 85 Chương 3. TRUYỆN KIỀU TRONG SỰ TIẾP NHẬN CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH Ở CHÂU ÂU, CHÂU MỸ VÀ CHÂU ÚC ....................................................... 86 3.1. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều ở châu Âu ............................................. 86 3.1.1. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở khu vực Tây Âu ............................................................ 86 3.1.2. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở khu vực Đông Âu ......................................................... 98 3.2. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều ở châu Mỹ........................................... 106 3.2.1. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Mỹ ............................................................................... 106 3.2.2. Truyện Kiều trong tiếp nhận của giới nghiên cứu và phê bình văn học ở Cuba ............................................................................ 111 3.3. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều ở châu Úc ........................................... 112 Tiểu kết Chương 3 ....................................................................................... 115 KẾT LUẬN................................................................................................... 117 TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................... 121 PHỤ LỤC
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Vấn đề tiếp nhận văn học đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới trong thời gian gần đây. Theo đó việc khẳng định vai trò của người đọc trong việc đề xuất các kiến giải nghĩa cho tác phẩm đã trở thành một luận điểm được đề cao và nhấn mạnh. Sáng tác và tiếp nhận là hai vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ trong đời sống văn học. Nếu không có sáng tác sẽ không có đối tượng của tiếp nhận, và ngược lại, nếu một tác phẩm không thu hút được nhiều sự tiếp nhận thì chứng tỏ tác phẩm không đủ sức hấp dẫn dài lâu. Khi mới xuất hiện, nghiên cứu tiếp nhận đã gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội; tuy nhiên cho đến nay hướng nghiên cứu này đã dần khẳng định vị trí và vai trò của mình. Và ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã dần bắt kịp được xu thế nghiên cứu ấy. Những nhà lí luận văn học như Hoàng Trinh, Nguyễn Văn Hạnh, Mai Quốc Liên, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Huỳnh Văn Vân, Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Huỳnh Như Phương, hay gần đây là Hoàng Phong Tuấn,...đã mang lí thuyết tiếp nhận của thế giới về Việt Nam, đề cập đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu tiếp nhận văn học, mối quan hệ giữa sáng tác và tiếp nhận, giữa tác phẩm và người đọc, vai trò của tiếp nhận đối với sự phát triển của văn học và số phận của tác phẩm, đồng thời áp dụng vào những tác phẩm cụ thể của nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, việc áp dụng lí thuyết tiếp nhận vào các tác phẩm cụ thể ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng. Từ những khoảng trống trong nghiên cứu này đã thôi thúc chúng tôi quan tâm đến việc nghiên cứu tiếp nhận văn học, cụ thể là vấn đề tiếp nhận một tác phẩm cụ thể trong một phạm vi địa lý. Chúng tôi muốn mở rộng không gian địa lý này để không chỉ dừng lại trong biên giới của một quốc gia sinh ra tác phẩm đó mà còn là các quốc gia khác đối với cùng một tác phẩm.
  8. 2 Đến với Truyện Kiều, một tác phẩm chưa bao giờ mất đi sức thu hút đối với các nhà nghiên cứu và bạn đọc bao thế hệ, việc nghiên cứu vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới sẽ góp phần giúp ta hiểu hơn về giá trị lớn lao của tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới nước ta. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều hiện nay đa phần chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia. Điều này để lại một khoảng trống lớn trong việc nghiên cứu. Đó cũng chính là sức hấp dẫn của việc tìm hiểu nhằm khỏa lấp khoảng trống này. Vì thế trong luận văn này, chúng tôi mong muốn đem đến một cái nhìn khái quát về vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới nhằm đóng góp thêm một mảnh ghép vào bức tranh đời sống sinh động của một kiệt tác văn chương đã trở thành một trong những di sản của nhân loại. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát những công trình nghiên cứu đã được công bố rộng rãi của các tác giả trên thế giới đã được công bố và dịch sang tiếng Việt. Với tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được tập trung chủ yếu ở các nước như Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Tiệp Khắc, Rumani, Lào, Thái Lan, chúng tôi hy vọng sẽ hệ thống lại và khái quát được phần nào về vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới ở khía cạnh tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình. Vấn đề dịch thuật và tiếp nhận của bộ phận người đọc đại chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu tiếp nhận một tác phẩm ở các nước khác nhưng do vấn đề này rất rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nên người nghiên cứu chưa thể đi sâu vào phân tích, đánh giá. Đây cũng là một cánh cửa khác nhiều tiềm năng để đi sâu vào khám phá thế giới muôn màu của vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới. 3. Lịch sử vấn đề Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hiện nay chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế
  9. 3 giới mà chủ yếu tập trung vào hai hướng chính đó là điểm qua về tình hình dịch thuật cũng như nghiên cứu Truyện Kiều trên thế giới chứ chưa có công trình nào đánh giá, phân tích cụ thể; hướng thứ hai là chỉ khái quát tình hình dịch thuật, nghiên cứu Truyện Kiều ở một quốc gia cụ thể hoặc một trường hợp tiếp nhận của một đối tượng. Đầu tiên có thể kể đến bài viết “Truyện Kiều với người ngoại quốc” (1958) của Vũ Đức Trinh. Tác giả của bài viết chỉ phân loại người đọc Truyện Kiều trên thế giới thành ba hạng người: 1) hạng người biết vừa rộng vừa sâu; 2) hạng người biết khá giỏi; 3) hạng người biết sơ sài. Và ở mỗi hạng người, tác giả chỉ điểm qua một vài nhân vật chứa chưa đi sâu vào lí giải và đánh giá. Bài viết “Nhân dân thế giới kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta” nhân kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du của Nguyễn Văn Hoàn vào năm 1965. Trong bài viết này, tác giả đã khái quát quá trình dịch thuật và nghiên cứu Truyện Kiều ở các nước cho đến năm 1965 và các sự kiện chào mừng kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du ở các nước. Tác giả chỉ điểm qua một số công trình nghiên cứu đến năm 1965 mà không có phân tích cụ thể. Bài viết “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản” (1999) của tác giả Đoàn Lê Giang. Trong bài viết này, tác giả chia thành hai phần: phần một, tác giả khảo sát tình hình dịch thuật Truyện Kiều ở Nhật Bản, và ở phần hai, tác giả tiến hành so sánh hai tác phẩm của Việt Nam và Nhật Bản: Kim Kiều truyện và Kim Ngư truyện. Với công trình “Tổng thuật tình hình nghiên cứu Truyện Kiều tại Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2007” (2007) của Nguyễn Thị Mai Phương, tác giả đã tập trung nghiên cứu tình hình tiếp nhận Truyện Kiều trong phạm vi một nước và trong một giai đoạn cụ thể. Công trình nghiên cứu tiếp theo là “Nguyễn Du và Truyện Kiều ở nước ngoài” (2009) của Từ Thị Loan. Ở công trình này, tác giả đã khái quát về tình hình dịch thuật và nghiên cứu Truyện Kiều ở các nước như: Pháp, Trung Quốc,
  10. 4 Đài Loan, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Tiệp Khắc. Đây cũng là một công trình rất công phu tuy nhiên chỉ dừng lại ở việc giới thiệu khái quát. Năm 2012, Trịnh Thị Thanh Huyền đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ “Một số đặc điểm của Truyện Kiều dưới cái nhìn của một người Pháp: Qua bài viết “Truyện Kiều và xã hội Á Đông” của René Crayssac”. Với luận văn này, tác giả đã tiến hành nghiên cứu so sánh tác phẩm theo hướng liên văn hóa, văn học Đông - Tây để giải mã một số vấn đề của Truyện Kiều và văn học trung đại Việt Nam nói chung. Công trình này chủ yếu tập trung vào một hiện tượng tiếp nhận cụ thể, làm rõ những kiến giải của họ rồi từ đó khái quát về một hướng tiếp nhận mới đó là nghiên cứu đặc trưng thi pháp theo hướng so sánh Đông- Tây. Cùng hướng nghiên cứu cách tiếp nhận của một trường hợp cụ thể với Trịnh Thị Thanh Huyền đó là công trình của Nguyễn Thị Diệu Linh và Nguyễn Thanh Tùng: “Đọc “Kim Vân Kiều truyện: Dịch thuật và nghiên cứu” của Triệu Ngọc Lan” (2015) được in trong Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, các tác giả cũng tập trung phân tích, nhận xét về cách tiếp nhận Truyện Kiều cụ thể là Triệu Ngọc Lan, người đã có công dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung và có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm của Nguyễn Du. Bên cạnh đó, còn công trình “Nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du tại Trung Quốc, hiện trạng và triển vọng” (2015) của Lưu Chí Cường (TS Văn học Đại học Bắc Kinh, GS Đại học Dân tộc Quảng Tây - Trung Quốc). Đây là một nhà nghiên cứu ở Trung Quốc nên có thể nói công trình của ông đã có đóng góp rất lớn trong việc phản ánh tình hình thực tế nghiên cứu Truyện Kiều ở Trung Quốc. Bài viết “Hành trình Nguyễn Du đến với thế giới” (2015) của tác giả Lê Thu Yến. Ở bài viết này, tác giả đã nhìn lại tình hình dịch thuật, nghiên cứu Truyện Kiều bao quát hơn. Gồm có các nước: Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, giới thiệu một vài công trình ở Tiệp Khắc,
  11. 5 Rumani, Cu ba, Lào, Thái Lan. Bài viết còn cung cấp thêm về các hình thức tiếp nhận Truyện Kiều khác như lẫy Kiều của các chính khách nước ngoài, Truyện Kiều trong cảm hứng sáng tác của các tác giả nước ngoài, ... Công trình “Các bản dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản: đa dạng người dịch, đa dạng phong cách” (2015) của tác giả Đoàn Lê Giang đã cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về tình hình dịch thuật Truyện Kiều ở Nhật Bản trong khoảng thời gian hơn 60 năm. Gần đây là công trình “Nghiên cứu của học giả Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan về Truyện Kiều trong mười năm trở lại đây” (2015) của tác giả Phan Thu Vân. Tác giả đã tổng kết quá trình nghiên cứu Truyện Kiều ở Trung Quốc và Đài Loan trong giai đoạn 2006 – 2015 và rút ra những thành tựu cơ bản của giai đoạn này. Bên cạnh đó, tác giả cũng làm rõ một số quan điểm nổi bật của các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Đài Loan giai đoạn này. Công trình “Tình hình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) và Truyện Kiều (Nguyễn Du) của giới học thuật Trung Quốc” (2015) của Bùi Thị Thúy Phương và Nguyễn Thị Diệu Linh đã trình bày tương đối chi tiết về trào lưu nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện tại Trung Quốc bắt nguồn từ sự nổi tiếng của Truyện Kiều ở Việt Nam. Phần sau của công trình các tác giả tập trung giới thiệu các công trình nghiên cứu theo hướng so sánh hai tác phẩm. Như vậy với công trình này, các tác giả cũng chưa khát quát toàn bộ quá trình nghiên cứu Truyện Kiều ở Trung Quốc. Công trình “Tìm hiểu việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh” (2016) của tác giả Trần Lê Hoa Tranh trên Tạp chí Văn học số 1 năm 2016 đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về tình hình dịch thuật Truyện Kiều sang tiếng Anh. Bên cạnh đó, tác giả cũng cung cấp một số công trình nghiên cứu mới có liên quan đến Truyện Kiều trên thế giới như: quyển sách của George Dutton “Voices of Southeast Asia: 2014: Essential Readings from Antiquity to the Present”; bài viết “Confucian and Buddhist values in Nguyen Du's the Tale of Kieu” của Sheidon Mary F. nghiên cứu về tư tưởng Nho giáo và Phật giáo
  12. 6 trong Truyện Kiều. Bài phân tích một bộ phim của Trịnh Thị Minh Hà dựa theo mô típ Truyện Kiều có tên A Tale of Love (giống như A Tale of Kiều), bài viết có tên: “Creating New Spaces in Third Cinema: Trinh T. Minh Ha Rewrites the Narrative of Nationalism with Love của Loran Marsan, một NCS của trường Đại học UCLA. Như vậy, với những công trình trên, chúng ta có thể thấy các nhà nghiên cứu tập trung khảo sát tình hình dịch thuật hoặc tình hình nghiên cứu Truyện Kiều ở một phạm vi lãnh thổ nhất định (Pháp, Nga, Trung Quốc, Đài Loan) hoặc một trường hợp tiếp nhận cụ thể (René Crayssac, Triệu Ngọc Lan) hay chỉ điểm qua tình hình nghiên cứu Truyện Kiều trên thế giới mà chưa có một công trình nào tổng kết và phân tích tình hình tiếp nhận Truyện Kiều trên phạm vi rộng hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp bước những người đi trước để góp phần cập nhật tình hình tiếp nhận tác phẩm kinh điển của nền văn học nước nhà trên thế giới, đồng thời giúp người Việt Nam có thể tự hào hơn nền thơ ca của dân tộc. 4. Đóng góp của đề tài Đối với vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới, chúng tôi nhận thấy đã có một số công trình đề cập đến nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, điểm qua hoặc chỉ nghiên cứu tình hình tiếp nhận ở một khu vực, một quốc gia hay một trường hợp tiếp nhận cụ thể mà chưa có sự đi sâu và hệ thống. Vì thế, chúng tôi mong muốn khái quát tình hình tiếp nhận đặc biệt là của đối tượng nhà nghiên cứu, phê bình văn học trên thế giới thông qua những công trình nghiên cứu tiêu biểu đồng thời hệ thống thành các xu hướng tiếp nhận cơ bản đối với tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam - Truyện Kiều. Chúng tôi hy vọng sẽ góp thêm một mảnh ghép vào bức tranh đời sống vốn đã rất sinh động của Truyện Kiều. Thông qua đó, một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như sức ảnh hưởng của Truyện Kiều đã không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn vươn ra thế giới.
  13. 7 5. Phương pháp nghiên cứu Đối với đề tài này, chúng tôi xin sử dụng kết hợp các phương pháp sau: Phương pháp hệ thống: Chúng tôi đã hệ thống lại quá trình tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới vào hệ thống nghiên cứu Truyện Kiều ở các nước và hệ thống nghiên cứu Truyện Kiều ở các châu lục. Phương pháp thực chứng - lịch sử: Chúng tôi dựa vào ngữ cảnh lịch sử, mục tiêu văn hóa để có cái nhìn tổng quan về quá trình tiếp nhận Truyện Kiều trên thế giới. Phương pháp so sánh: Với phương pháp này, chúng tôi sẽ ứng dụng trong việc nhận xét mối tương quan giữa các công trình nghiên cứu, sự tương đồng và khác nhau trong các quan điểm tiếp nhận Truyện Kiều. Phương pháp thống kê: Phương pháp này giúp chúng tôi thống kê số lượng bản dịch cũng như thống kê các công trình nghiên cứu Truyện Kiều ở các nước để có đặt vào hệ thống tiếp nhận ở các châu lục. Phương pháp mỹ học tiếp nhận: Đây là phương pháp được chúng tôi vận dụng để lí giải các quan điểm tiếp nhận hay sự khác nhau trong việc tiếp nhận Truyện Kiều ở các khu vực, các châu lục. Phương pháp tiếp cận văn hóa học: Luận văn đặt vấn đề tìm hiểu ý kiến của nhà phê bình trên thế giới trong ngữ cảnh giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước. 6. Bố cục luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận văn gồm có 3 chương: Chương 1: Những vấn đề chung về tiếp nhận văn học và Nguyễn Du – Truyện Kiều. Chương 2: Truyện Kiều trong sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu và phê bình ở Châu Á. Chương 3: Truyện Kiều trong sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu và phê bình ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc.
  14. 8 Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC VÀ NGUYỄN DU – TRUYỆN KIỀU 1.1. Khái lược về lí thuyết tiếp nhận văn học Những năm gần đây, vấn đề tiếp nhận văn học bắt đầu được các nhà nghiên cứu quan tâm và dành nhiều công sức khai thác. Trong xu thế mới, vấn đề tiếp nhận văn học diễn ra theo nhiều hướng và việc nghiên cứu đi từ nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn tiếp nhận văn học từ góc nhìn thi pháp học, ngôn ngữ học, đặc trưng thể loại hay từ văn hóa học, xã hội học, mĩ học… Mỗi một cách tiếp nhận khai thác từng phương diện, soi sáng từ nhiều khía cạnh để làm nổi bật giá trị cũng như chân lí nghệ thuật của tác phẩm. Chính vì vai trò to lớn của việc tiếp nhận đối với dòng chảy của văn học đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu hệ thống những quan điểm liên quan đến vấn đề tiếp nhận văn học thành một lý thuyết mới với những nguyên tắc và phương pháp riêng. Vì giới hạn của luận văn nên chúng tôi chỉ xin trình bày khái quát những vấn đề chính của lý thuyết tiếp nhận văn học như sự ra đời của lý thuyết tiếp nhận, những quan điểm về tiếp nhận văn học trên thế giới và tình hình nghiên cứu tiếp nhận văn học ở Việt Nam. 1.1.1. Sự ra đời của lý thuyết tiếp nhận văn học Văn học từ lúc sinh ra phải luôn được đặt trong mối quan hệ hiện thực - nhà văn - tác phẩm - người đọc. Tuy nhiên ở từng giai đoạn của lịch sử thì có khi mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm, tác phẩm và hiện thực được chú trọng. Lí luận văn học từ trước tới nay chủ yếu tập trung nghiên cứu khâu sáng tác, hoặc xem xét sáng tác tách rời với các quy luật tiếp nhận, hầu như không ai chú ý hay ít chú trọng đến khâu tiếp nhận văn học. Theo Bùi Thanh Hiền, nếu như lí luận văn học với tư cách là một khoa học ra đời vào buổi giao thời thế kỉ XVIII - XIX, thì phải đến nửa cuối thế kỉ XX lí luận tiếp nhận văn học mới được chú ý (Bùi Thanh Hiền, 2013).
  15. 9 Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng lịch sử tiếp nhận văn học đã bắt đầu ngay từ khi văn học ra đời. Nhưng đến nửa đầu thế kỷ XIX ở phương Tây, phê bình văn học mới xuất hiện với tư cách là một bộ môn của khoa học văn học. Kể từ đây, tác phẩm văn học đã trở thành đối tượng được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau với nhiều phương pháp đa dạng như phương pháp tiểu sử, phương pháp so sánh... Việc phê bình văn học cũng từ đó mà phân chia thành nhiều trường phái khác nhau. Nổi bật trong số đó là một số trường phái có sức ảnh hưởng lớn như trường phái văn hóa - lịch sử, trường phái hình thức Nga, trường phái văn học so sánh... Khoảng đầu thế kỷ XX, trường phái phê bình theo phản ứng của bạn đọc (reader – reponsecriticism) ra đời ở Hoa Kỳ. Theo Phương Lựu, khuynh hướng phê bình theo phản ứng của người đọc (reader – reponsecriticism) cho rằng: “mặc dù ý nghĩa nằm trong hệ thống phù hiệu ngôn ngữ của văn bản, nhưng không tồn tại độc lập, mà phải dựa vào bạn đọc. Ý nghĩa, do đó là kết quả phản ứng của bạn đọc đối với tác phẩm” (Phương Lựu, 2002). John Dewey đã từng khẳng định rằng chỉ khi nào được công chúng thưởng thức, tiếp nhận thì sáng tác của nhà văn mới trở thành tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm không có ý nghĩa cố định, mà phụ thuộc vào sự giao thoa diễn biến giữa các điểm nhìn trong lịch sử. Công trình “Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học” (1970) của Hans Robert Jauss được xem như công trình đầu tiên đề cập đến việc đề cao vai trò của người tiếp nhận. Mỹ học tiếp nhận đã chuyển giao vị trí trung tâm từ văn bản sang người đọc và lịch sử văn học, do đó, không phải là lịch sử của tác giả với những tác phẩm, mà là lịch sử tiếp nhận của người đọc (Phương Lựu, 2002). Cứ như thế, lý thuyết tiếp nhận dần trở thành một bản tuyên ngôn học thuật và được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Ban đầu giới nghiên cứu đặt ra một nhiệm vụ dành cho lý thuyết tiếp nhận đó là “xem xét lại quá khứ và tìm kiếm một con đường mới” (Vũ Thị Huế, 2013). Lý thuyết tiếp nhận đã góp phần vào việc đánh giá lại và thu hút sự quan
  16. 10 tâm của công chúng đối với những tác phẩm kinh điển đã bị những lý thuyết cũ lãng quên. Như Jauss đã từng nhận định rằng: “Lý thuyết tiếp nhận được coi là giải pháp cho cuộc khủng hoảng phương pháp luận văn học” và “đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại” (Vũ Thị Huế, 2013). Tuy nhiên, từ những quan điểm đề cao vai trò của người đọc, đã có một khoảng thời gian, các nhà nghiên cứu đã làm mất đi sự cân bằng trong mối quan hệ giữa hiện thực với nhà văn và người đọc. Những năm gần đây, những nhà phê bình văn học đương đại đã nhận ra được sự mất cân bằng ấy và dung hòa lại mối quan hệ giữa các yếu tố. Họ nhận ra rằng “ngay khi sáng tác thì nhà văn đã có sự đối thoại với bạn đọc trong tưởng tượng” hay “trong tiếp nhận, có sáng tạo của người đọc, nhưng không thể tùy tiện” và “tác giả không thể không xuất hiện với tư cách là người đọc đầu tiên của tác phẩm của mình” (Phương Lựu, 2002). Theo Từ điển thuật ngữ văn học năm 1996 của nhà xuất bản Giáo dục : “Tiếp nhận văn học là hoạt động chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của tác phẩm văn học, bắt đầu từ sự cảm thụ văn bản ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, tư tưởng, cảm hứng, quan niệm nghệ thuật, tài nghệ tác giả cho đến sản phẩm sau khi đọc: cách hiểu, ấn tượng trong trí nhớ, ảnh hưởng trong hoạt động sáng tạo, bản dịch, chuyển thể, ...” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 1996). Việc tiếp nhận giúp tác phẩm văn học được hiện thực hóa về mặt thẩm mĩ và trở thành đối tượng thẩm mĩ trong ý thức của người đọc. Giá trị của một tác phẩm là những đại lượng biến đổi theo thời gian bởi vì những tiêu chí, chuẩn mực đánh giá của sự lĩnh hội thẩm mĩ luôn thay đổi theo từng giai đoạn, từng thời điểm, từng đối tượng. Do đó, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phải luôn theo sát quá trình tồn tại của các tác phẩm văn học mới có thể có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn nhất về giá trị của chúng. Nhà nghiên cứu văn học được xem như những “người đọc đặc biệt” của văn học bởi vì họ mang trong mình trọng trách lớn lao đó là không chỉ hiểu được cái hay cái dở của tác
  17. 11 phẩm mà họ còn phải thật tỉnh táo để phân tích cặn kẽ bằng những kiến thức chuyên môn để đánh giá một cách đúng đắn nhất. Đôi khi họ sẽ là người giúp tác giả giải đáp cho người đọc đại chúng những câu hỏi trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Việc phê bình văn học sẽ làm nảy sinh những đòi hỏi đối với việc sáng tạo văn học và những tác phẩm phê bình trở thành những nguồn tài liệu phong phú cho việc ra đời những tác phẩm mới. Đỗ Lai Thúy cho rằng văn hóa hậu hiện đại cho phép người đọc (nhà phê bình) hiểu và giải thích một cách tự do và sáng tạo mọi văn bản: “Phê bình vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật... Tác phẩm phê bình là một diễn giải độc đáo sáng tác của nhà văn và bằng sự kiến tạo nghĩa mới này gia tăng chiều kích tác phẩm” (Đỗ Lai Thúy, 2010). Nguyễn Hưng Quốc cũng khẳng định: “Một điều mà nhà phê bình văn học cần làm hơn chính là tranh đấu cho một trật tự mới, cái trật tự vừa mới chớm, chưa được nhiều người thấy và chưa được ủng hộ” (Nguyễn Hưng Quốc, 2015). Bakhtin từng khẳng định: “Tác phẩm sống và có ý nghĩa trong thế giới - cái thế giới cũng sống động và cũng nặng trĩu những giá trị nhận thức, xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo” (Phạm Vĩnh Cư, 2012). Chính vì thế, công việc của nhà nghiên cứu chính là vận dụng những phương pháp để khám phá đến tận cùng cái thế giới ấy một cách đa diện nhiều chiều. Tuy nhiên, Hồ Thế Hà đã đưa ra những lưu ý đối với giới nghiên cứu văn học rằng việc sáng tạo trong nghiên cứu phải phù hợp với giới hạn cho phép mà tác phẩm “gợi mở, vẫy gọi”. (Hồ Thế Hà, 2014). Như vậy, việc phê bình văn học tuy mang tính chất tự do, sáng tạo nhưng phải đặt trên những cơ sở, những giới hạn nhất định. Hiện nay, bên cạnh việc nghiên cứu những tác phẩm đương đại thì xu hướng nghiên cứu những tác phẩm trong quá khứ là vấn đề đang thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Bởi lẽ, những tác phẩm đã trở thành kinh điển trong quá khứ vẫn luôn có một sức hấp dẫn thôi thúc những nhà nghiên cứu ở những giai đoạn sau khai thác. Khi đó tác phẩm trong quá khứ đã trở thành những tác động, động lực và đặt ra những câu hỏi lớn đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải lí
  18. 12 giải để góp phần giúp cho dòng chảy của văn học được tiếp nối. Tuy vậy, hướng nghiên cứu này cũng có rất nhiều thách thức đối với các nhà nghiên cứu bởi vì nhũng tác phẩm ấy không phải là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá mà đã được cày xới rất nhiều lần qua thời gian. Nhưng sở dĩ lịch sử tác động có thể thực hiện vai trò của nó là do sự nảy sinh những góc nhìn mới từ hiện tại, từ nhu cầu bức thiết phải thoát ra khỏi những cái bóng lớn có từ truyền thống. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Hoàng Phong Tuấn khi ông cho rằng: Chính những góc nhìn “viễn tượng” mới nảy sinh từ hiện tại đã soi rọi lại những tác phẩm trong quá khứ, diễn giải lại tính lịch sử và tính thẩm mĩ của nó, thúc đẩy những sáng tạo mới vượt qua nó, tạo thành những liên kết văn học theo nhãn quan lịch sử mới (Hoàng Phong Tuấn, 2017). Cũng theo nhà nghiên cứu, “một tác phẩm được xem là cổ điển trở thành chuẩn mực tất yếu, vượt qua tất cả những quan điểm phê bình khác nhau về nó trong lịch sử và do đó, là một mẫu mực cho mọi sáng tạo sau này” (Hoàng Phong Tuấn, 2017). Trong bài viết “Mục tiêu của phê bình”, Nguyễn Hưng Quốc cũng khẳng định: sự khám phá của các nhà phê bình văn học sẽ khiến chúng ta “thay đổi cách đọc cũng như cách chúng ta nhìn về văn học” từ đó những tác phẩm trong quá khứ sẽ “xuất hiện dưới một diện mạo khác” (Nguyễn Hưng Quốc, 2015). Theo quan điểm của Jauss, “người đọc trong hiện tại không phải là một ý thức thụ động đón nhận tất cả di sản của quá khứ, mà là một ý thức chủ động, chọn lựa, trả lời câu hỏi”. Từ đó ông cũng khẳng định vai trò của người đọc đó là “sáng tạo những cách hiểu mới, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo những tác phẩm mới, làm cho truyền thống có thể tiến đến tương lai bằng bước chân của hiện tại”. Chúng ta rất dễ dàng kể tên rất nhiều những điển hình như thế trong suốt chiều dài lịch sử văn học thế giới như: Những người khốn khổ, Romeo và Juliet hay Hamlet... trong suốt quá trình từ lúc chào đời đến nay, những tác phẩm ấy đã được tiếp nhận từ rất nhiều phương diện và
  19. 13 quan điểm. Thế nhưng dù ở thời điểm nào đi nữa thì chúng vẫn luôn có sức hấp dẫn với rất nhiều nhà nghiên cứu. Ngày nay, văn học của mỗi quốc gia không còn bị bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia nữa, mà trong xu thế toàn cầu hóa, văn học của mỗi dân tộc đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Văn học là gương mặt của văn hóa và một đặc điểm nổi bật của văn chương đó là nó có khả năng gắn kết con người lại với nhau dù có cách xa nhau về địa lí hay khác biệt nhau về văn hóa. Vì thế, các nhà nghiên cứu ngày càng có xu hướng mở rộng mảnh đất cày xới ra ngoài biên giới của quốc gia mình. Việc quốc gia này nghiên cứu văn học của quốc gia khác trở thành một việc làm phổ biến. Vấn đề này đã xuất hiện từ nhiều thế kỉ trước, tuy nhiên sự giao lưu chỉ giới hạn trong phạm vi những quốc gia có mối quan hệ ngoại giao thân thiết trong một khu vực hoặc giữa các nước có ảnh hưởng với nhau về văn hóa như Việt Nam – Trung Quốc, Nhật Bản – Trung Quốc… Trong sự giao lưu ấy, các tác phẩm tiêu biểu của một quốc gia sẽ được mang ra làm “gương mặt đại diện” cho nền văn học của quốc gia ấy. Khi một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới quê hương mình để vươn đến những vùng đất mới thì số phận của nó đã hoàn toàn thay đổi. Như ông bà ta thường nói: “nhập gia tùy tục”, tác phẩm văn học cũng vậy, ở mỗi quốc gia sẽ có những chuẩn mực đánh giá khác nhau về văn học nên sự tiếp nhận ở mỗi nơi mỗi khác, tác phẩm văn học cũng sẽ được nhìn nhận bằng những lăng kính khác nhau. Theo Rainer Warning, “tiếng vang” mà một tác phẩm tạo ra ở giới độc giả và phê bình ở môi trường xa lạ thường hoàn toàn khác với “tiếng vang” trong môi trường quê hương của nó do có sự cách biệt về văn hóa (Huỳnh Vân, 2016). Theo Steven Mailloux: Mỗi ngữ cảnh lịch sử xã hội có các chiến lược tu từ văn hóa hình thành nên các diễn ngôn chi phối hoạt động giao tiếp, truyền thông, đặc biệt là hoạt động lý giải và định giá văn bản văn học. Tu từ văn hóa có một quyền lực
  20. 14 đối với các diễn ngôn xã hội: quyền lực tu từ. Không chỉ hoạt động tiếp nhận mà ngay cả hoạt động nghiên cứu tiếp nhận cũng vận động bên trong các chiến lược tu từ và quy ước tu từ, hay nói các khác là nó vận động trong những xu hướng tu từ của cộng đồng diễn giải, những cộng đồng lấy các quy chuẩn nào đó để giải thích và điều chỉnh các thực hành diễn giải trong một ngữ cảnh văn hóa xã hội cụ thể (Hoàng Phong Tuấn. 2017). Vì vậy, những tác phẩm có giá trị thẩm mĩ cao không chỉ có ảnh hưởng ở một phạm vi lãnh thổ mà còn có khả năng lan tỏa, vươn xa cả về không gian lẫn thời gian. Và Truyện Kiều của Việt Nam là một trường hợp như thế. Từ thực trạng trên đã đặt ra một yêu cầu dành cho các nhà nghiên cứu đó là phải luôn dõi theo quá tình tiếp nhận văn học ở một “môi trường văn học xa lạ”. Như vậy, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà nghiên cứu đều có cùng quan điểm trong việc khẳng định tiếp nhận là khâu quan trọng giúp tác phẩm tồn tại, nếu không có tiếp nhận thì văn học sẽ chết. Như Huỳnh Vân nhận định: “Ngay khi một tác phẩm văn học được công bố hay được phổ biến thì nó trở thành tài sản của công chúng, nó được họ tiếp nhận từ quan niệm của sự cảm thụ nghệ thuật hiện tại của họ” (Huỳnh Vân, 2016). Tác phẩm văn học khi nó ra đời dù nó được đón nhận hay phủ nhận, dù nhận được sự đồng tình, tán thưởng hay phản bác, vùi dập thì tác phẩm ấy vẫn đang được mọi người quan tâm đến. Hay nói cách khác, đó chính là tác phẩm đang “sống và tồn tại” trong lòng người đọc. Theo Nguyễn Thanh Tâm, công chúng là “một hợp thể những thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa hết sức đa dạng” (Nguyễn Thanh Tâm, 2012). Vì thế, việc khen chê là điều tất yếu trong cơ chế tiếp nhận của công chúng khi các giá trị không tìm được tiếng nói đồng thuận. Con đường đi lên của văn học phải chấp nhận điều đó như một quy luật. Quy luật của sự hình thành và phát triển. Qua đó cho thấy rằng việc tiếp nhận có ý
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0