intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề lý luận chung về án lệ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

32
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung phân tích những nội dung sau: Thứ nhất, khái niệm, đặc trưng và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật thông luật và dân luật; Thứ hai, thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án ở Việt Nam. Thứ ba, quy trình lựa chọn án lệ và điều kiện áp dụng án lệ ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề lý luận chung về án lệ

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ ÁN LỆ Nguyễn Thanh Quyên Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. HCM. Nguyễn Phan Vân Anh Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Tóm tắt Trong khoa học luật quốc tế, án lệ đóng vai trò hết sức quan trọng, chúng không những là sự tổng kết của quá trình vận dụng pháp luật vào hoạt động xét xử của các thẩm phán quốc tế mà còn là phương tiện quan trọng để xác định các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế và là cơ sở vật chất cho quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế. Tương tự như vậy, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, án lệ không còn là một thuật ngữ quá xa lạ. Đặc biệt là trong những năm gần đây, với sự phát triển một cách nhanh chóng của kinh tế-xã hội đã làm thay đổi, phát sinh các quan hệ xã hội. Do vậy, nghiên cứu về án lệ là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Bài viết tập trung phân tích những nội dung sau: Thứ nhất, khái niệm, đặc trưng và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật thông luật và dân luật; Thứ hai, thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án ở Việt Nam. Thứ ba, quy trình lựa chọn án lệ và điều kiện áp dụng án lệ ở Việt Nam. Từ khóa: án lệ, thông luật, dân luật 1. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật thông luật và dân luật Khái niệm án lệ “Precedent” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ án lệ trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là tiền lệ. Nói một cách cụ thể án lệ được xem là các giải pháp pháp lý của các Toà án trước đã từng xét xử và phán quyết đó sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Hay có thể hiểu, thuật ngữ án lệ còn có thể được hiểu là tiền lệ tư pháp – “judicial precendent” hay còn có thể được gọi là “judical opinions” – “các quan điểm tư pháp” vì án lệ được hình thành bằng con đường toà án do chính các thẩm phán tạo nên. Thuật ngữ “án lệ” theo từ điển Black’s Law được giải thích theo hai hướng sau đây: 1) Án lệ là việc làm luật của Toà án trong việc công nhận và áp dụng các quy tắc mới nhằm thực thi công lý; 2) Vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này.442 Với ý nghĩa đầu tiên, án lệ còn được xem là nguyên tắc hoạt động của Toà án (doctrine of stare decisis) và với nghĩa thứ hai, án lệ được xem như là loại nguồn của pháp luật làm cơ sở để áp dụng cho vụ việc tương tự về sau. Như vậy, có thể thấy “án lệ” ngày nay được sử dụng phổ biến ở 442 Bryan A. Garner: Black’s Law Dictionary, West Group. 1999, Precedent: 1) The making of law by a court in recognizing and apply new rules while administering justice; 2) A decide case that furnishes a basic for determining later cases involving similar facts or issues. 263
  2. các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia có truyền thống pháp luật khác nhau lại có những định nghĩa khác nhau về vấn đề này. Cụ thể: (1) Đối với các nước thông luật, án lệ còn được gọi là “case law” – “luật được hình thành theo vụ việc” và đây được xem là một nguồn chính thức trong hệ thống pháp luật. (2) Đối với các nước theo truyền thống dân luật lại không thừa nhận án lệ là một nguồn chính thức bắt buộc nên án lệ có thể được hiểu là những bản án, quyết định của Toà án bao gồm cách giải quyết vấn đề pháp lý mới và có giá trị tham khảo để giải quyết những vụ việc tương tự về sau. Chẳng hạn như định nghĩa án lệ ở Pháp có thể được hiểu như sau: “Án lệ là một quyết định được áp dụng để giải quyết cho các trường hợp hoặc vụ việc tương tự.”443 (3) Với Việt Nam kể từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, vai trò của thực tiễn xét xử ở Việt Nam có thể nhận thấy rõ qua nội hàm của nó mà trước hết chính là việc bắt đầu xây dựng án lệ. Mặc dù trong thập kỷ trước đó, 03 nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến các lĩnh vực thuộc quyền tư pháp như: - Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; - Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; - Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở các mức độ khác nhau cũng đã có đề cập việc xây dựng án lệ nhưng công việc này vẫn hầu như chưa thực sự được tiến hành. Chỉ đến khi bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI thì chúng ta mới có Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt đề án phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, đối với Việt Nam, theo quy định hiện hành khái niệm án lệ được quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP như sau: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.” Có thể thấy, khái niệm án lệ theo pháp luật Việt Nam như sau: Thứ nhất, án lệ là những lập luận, phán quyết trong các bản án quyết định chứ không hẳn là các bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới làm để áp dụng cho các vụ việc tương tự. Thứ hai, để trở thành án lệ những lập luận phán quyết đó phải được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố. Đối với các quốc gia khác, hoạt động tạo lập án lệ không tách rời khỏi hoạt động xét xử và việc công bố án lệ nhằm đưa thông tin để 443 Michel Troper, Christophe Grzegorczyk: “Precedent in France”, Interperting Precedents, Edited by D.Neil Mac Comrick, Ashgate Publishing company, 1997, tr.111. 264
  3. công chúng nắm bắt không phải nhằm mục đích công nhận hiệu lực pháp lý của các án lệ như ở Việt Nam.444 Đặc trưng của án lệ Dựa trên các khái niệm trên, có thể thấy, án lệ có những đặc trưng sau đây: Thứ nhất, bản chất của án lệ có thể được xem là hình mẫu, là một loại tiền lệ được tạo ra bởi Toà án. Tuy nhiên, án lệ không chỉ dừng lại ở hình mẫu mà còn phải chứa đựng các giải pháp pháp lý có giá trị áp dụng trong thực tiễn xét xử. Như vậy, án lệ có thể được hiểu đó chính là việc các toà án trước đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề pháp lý mới và sau đó bản án này được các toà án sau áp dụng trong các trường hợp tương tự. Thứ hai, án lệ được tồn tại dưới hình thức là các bản án, các phán quyết của Toà án. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa án lệ khác với các bản án, phán quyết của Toà án là án lệ có giá trị áp dụng cho các vụ việc về sau còn các bản án, quyết định của Toà án chỉ có giá trị giải quyết một vụ việc cụ thể mà không có giá trị áp dụng về sau. Thứ ba, án lệ phải chứa đựng các giải pháp pháp lý mới làm khuôn mẫu hay chuẩn mực để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Những quốc gia khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau để án lệ được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Chẳng hạn, đối với các nước thông luật, yếu tố tiên quyết để một bản án, quyết định trở thành án lệ đó là lý do dẫn chiếu (ratio decidenci). Nghĩa là toà án khi áp dụng án lệ phải đưa ra được lý do vì sao lại dẫn chiếu đến án lệ trước đó để giải quyết một vụ việc tương tự ngay tại thời điểm toà án thụ lý và giải quyết vụ án. Đối với các quốc gia dân luật, lý do dẫn chiếu án lệ thường tồn tại dưới hình thức một quy phạm mang tính khái quát (court ruling) nằm trong phần lập luận của bản án, quyết định445. Theo nhóm tác giả về bản chất pháp lý của án lệ ở Việt Nam thì đây là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và khi trở thành án lệ thì có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể; án lệ được ban hành khi chưa có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà thông qua việc xét xử vụ án cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lập luận về một vấn đề chưa được hướng dẫn và đưa ra cách giải quyết về vụ án và là nguồn cung cấp để pháp điển hóa thành văn bản hướng dẫn hoặc có thể là nguồn để đề nghị sửa đổi về một quy phạm pháp luật cụ thể có liên quan, có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật thông luật và dân luật 444 Đỗ Thanh Trung (2020), “Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của Toà án Việt Nam hiện nay”, NXB Chính trị quốc gia sự thật. 445 Ở nhiều nước trên thế giới, việc công bố bản án được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng rãi bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trên hệ thông Internet. Đối với các nước theo hệ thống luật chung Anh-Mỹ (Common Law), những bản án mẫu được tuyển chọn, đăng tải trong các báo cáo tổng hợp án lệ (Law Report) và trở thành án lệ (Case Law) là nguồn của pháp luật. Riêng ở Mỹ, khi xét xử các hành vi vi phạm pháp luật và các tranh chấp nảy sinh, các tòa án cần phải diễn giải luật bằng các bản án trước đó của Tòa án cùng cấp hoặc Tòa án cấp cao hơn. Đây được gọi là nguyên tắc theo quyết định trước hay đơn giản gọi là án lệ, tiền lệ pháp. 265
  4. Hiện nay, hầu hết các nước có nền luật pháp tiên tiến đều có sự vận dụng án lệ trong xét xử ở hệ thống Tòa án, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xét xử, với nguyên tắc Tòa án không được quyền từ chối thụ lý bất cứ yêu cầu khởi kiện nào của công dân và đồng thời cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của các nước, do vậy, hai hệ thống luật pháp Anglo-Saxon và Continental, kể cả hệ thống pháp luật của những nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, có thể thấy án lệ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực tiễn xét xử của Toà án, tuy nhiên vai trò của án lệ ở các quốc gia theo thông luật và dân luật có những điểm khác biệt đáng kể. (1) Thông luật: án lệ trong hệ thống thông luật (common law) có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện ở chỗ chúng được coi là nguồn luật không thành văn áp dụng để giải quyết các vấn đề tương tự và là cơ sở để đảm bảo sự nhất quán trong hoạt động xét xử. Án lệ có được xem là một nguồn của pháp luật hay không hay chỉ là hình thức chứa đựng các nguyên tắc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh. Ở các quốc gia thông luật và dân luật lại có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Đối với các quốc gia thông luật, án lệ là một nguồn luật tồn tại độc lập song song với các văn bản pháp luật và có giá trị bắt buộc được thừa nhận trong thực tiễn xét xử Toà án.446 Án lệ đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn xét xử của các quốc gia thông luật, có thể được viện dẫn làm cơ sở pháp lý độc lập để Toà án đưa ra phán quyết. Thêm vào đó, án lệ cũng có thể được xem là cơ sở kháng cáo lên Toà án có thẩm quyền cao hơn. Tuy nhiên, án lệ lại có vị trí thấp hơn các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia. Cụ thể, hệ thống pháp luật của Anh có các loại nguồn luật sau đây: Đạo luật của Nghị viện (Acts of Parliament); văn bản dưới luật gồm: văn bản pháp luật giải thích (Statutory Interpretation) và Văn bản uỷ quyền lập pháp (Delegated legislation); các luật của Liên minh châu Âu (European law); Án lệ (Case law); Tập quán (Custom); Hiệp ước (Treaties).447 Đối với quy định này, các văn bản pháp luật có thể thay đổi nội dung của án lệ nhưng án lệ không thể thay đổi nội dung của các văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật chỉ có thể được bãi bỏ bởi các văn bản pháp luật ban hành sau. Quy định này đã khẳng định quyền năng cao nhất của Nghị viện trong việc ban hành các văn bản pháp luật. (2) Dân luật: đối với các quốc gia thông luật, ở các quốc gia dân luật, án lệ không được coi là nguồn luật mang tính chất bắt buộc.448 Vậy nên, án lệ không thể được sử dụng như là một cơ sở pháp lý độc lập để đưa ra phán quyết. Cụ thể, theo quy định tại Điều 455 Bộ luật tố tụng dân sự Pháp: “Một quyết định phải mô tả một cách ngắn gọn yêu cầu của các bên và các lý lẽ của họ phải được dựa trên cơ sở pháp lý.” 449 Quy định này đã lý giải lý do vì sao án lệ không thể được viện dẫn để đưa ra quyết định của Toà án ngay cả đối với những quyết định của Toà phá án. Tương tự đối với các quốc gia thông luật, ở các quốc gia dân luật, án lệ cũng có vị trí thấp hơn các văn bản pháp luật. 2. Thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án ở Việt Nam 446 Trương Hoà Bình: “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu cấp bộ của Toà án nhân dân tối cao, 2013, tr.48. 447 Cartherine Elliott, Francis Quinn: English Legal System, tenth edition, Pearon Longman Press, 2009, tr.11-126. 448 Trương Hoà Bình: “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Việt Nam”, Tlđd, tr.58 449 Michel Troper, Christophe Grzegorczyk: “Precedent in France”. 266
  5. Giai đoạn từ năm 1975 đến trước năm 2005, thẩm quyền tạo lập án lệ của Toà án ít được quan tâm ở Việt Nam. Xuất phát từ lý do giai đoạn này lý luận và thực tiễn pháp lý của pháp luật Việt Nam bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi nền tảng lý luận Xô viết chẳng hạn như nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tập trung dân chủ và quyền làm chủ tập thể. Vậy nên, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của những nguyên tắc này, Toà án cần phải tuân theo pháp luật một cách tuyệt đối. Mà pháp luật ở thời điểm này có thể được hiểu chỉ là những văn bản pháp luật bởi theo quan điểm của các học giả Xô viết không thừa nhận nguồn luật là án lệ và tập quán. Ở thời điểm này, khái niệm án lệ chỉ được nhắc đến trong các nghiên cứu học thuật hay các sách, báo về lĩnh vực pháp lý chứ không được sử dụng một cách chính thức.450 Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay, đã có những sự thay đổi nhất định trong việc cải cách tư pháp nhằm xây dựng mục tiêu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 2013 đã thay thế nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa bằng nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.451 Nghĩa là, khi Toà án thực hiện chức năng xét xử hoặc ban hành các bản án, quyết định của mình các bản án đó bên cạnh đảm bảo yêu cầu về tính phù hợp với các quy định của pháp luật còn phải đảm bảo các yêu cầu về tính hợp lý cụ thể là bổ sung các thiếu sót trong văn bản pháp luật hoặc tăng tính linh hoạt cho các quy định của văn bản pháp luật. Sau quy định của Hiến pháp năm 2013 một số văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm ghi nhận thẩm quyền sáng tạo pháp luật hay tạo lập án lệ của Toà án chẳng hạn như Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hay Nghị quyết 04/2019/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Cụ thể hiện nay, thẩm quyền tạo lập án lệ được ghi nhận tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Thêm vào đó, tại Khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 cũng đề cập đến quyền hạn, nhiệm vụ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong việc tổng kết phát triển và công bố án lệ. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã cụ thể hoá thẩm quyền ban hành quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua tại khoản 1 Điều 7. Như vậy, về thẩm quyền ban hành án lệ, Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành án lệ, và có quyền giám sát các Tòa án cấp dưới trong việc tham khảo, viện dẫn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật trong xét xử. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã chính thức ghi nhận về mặt pháp lý một trong các chức năng, nhiệm vụ củaTòa án nhân dân tối cao là: “Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” (khoản 3 Điều 20); 2) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tô'i cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng 450 Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao. 451 Trần Ngọc Đường, “Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, ngày 02/12/2020 trong Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao. 267
  6. kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (điểm c khoản 2 Điều 22) và; 3) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là: ”Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tôi cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ” (khoản 5 Điều 27). Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, thẩm quyền tạo lập án lệ của Toà án Việt nam có một số điểm khác biệt với các quốc gia trên thế giới. Cụ thể: (1) Thẩm quyền tạo lập án lệ của Toà án Việt Nam được quy định cụ thể trong một văn bản pháp luật. Trong khi đó, ở các nước theo hệ thống thông luật và dân luật thường không có văn bản pháp luật quy định thẩm quyền tạo lập án lệ của Toà án mà được điều chỉnh bởi các quy phạm tập quán. (2) Ở Việt Nam có sự khác biệt giữa Toà án có thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ (tạo ra giải pháp pháp lý mới) với Toà án thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ. Cụ thể, đối với thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ tất cả các Toà án các cấp đề có thẩm quyền này, tuy nhiên đối với thẩm quyền thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ chỉ thuộc về thẩm quyền duy nhất của Toà án nhân dân tối cao. Ở đây, cần có sự phân biệt cụ thể về nguồn của án lệ và án lệ. Đối với nguồn của án lệ có thể được hiểu là những bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án các cấp ban hành để giải quyết một vụ việc cụ thể hay các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Đối với án lệ, đây là những bản án, quyết định được lựa chọn từ nguồn của án lệ dựa trên các tiêu chí quy định tại Điều 2 Nghị định số 04/2019/NQ-HĐTP, qua đó Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua sau đó sẽ được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố làm án lệ. Đối với các nước theo hệ thống dân luật và thông luật thẩm quyền tạo lập án lệ thường gắn liền với chức năng xét xử giải quyết các vụ việc cụ thể nên thẩm quyền tạo lập án lệ được xác định dựa vào thứ bậc của hệ thống toà án và giá trị áp dụng của án lệ. Thêm nữa, một điểm khác biệt đặc trưng giữa pháp luật Việt Nam với các quốc gia khác liên quan đến quy định thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao trong việc xác định hiệu lực pháp lý của án lệ. Quy định này cũng mang lại những ưu điểm nhất định. Thứ nhất, pháp luật đã có quy định cụ thể về hiệu lực pháp lý của án lệ khi được sự công nhận của Toà án nhân dân tối cao. Quy định này nhằm khẳng định chất lượng của các án lệ khi được sự công nhận của Toà án nhân dân tối cao. Hơn nữa, quy định này đã khẳng định hiện nay Việt Nam có thừa nhận án lệ và xoá bỏ những tranh cãi liên quan đến việc các thẩm phán chỉ ngầm hiểu với nhau khi áp dụng án lệ vào xét xử mà không có một viện dẫn thoả đáng nào.452 Thứ hai, việc pháp luật quy định thẩm quyền tạo lập án lệ thuộc về Toà án nhân dân tối cao sẽ đảm bảo được chất lượng của án lệ bởi các bản án này đã được xem xét và đảm bảo các tiêu chí được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Hơn nữa, trước khi án lệ được công bố cũng đã có sự tư vấn và tham gia góp ý của các nhà khoa học pháp lý, luật sư,..điều này đã tạo ra sự an tâm và chắc chắn hơn khi có sự “tham 452 “Án lệ ngầm ở Việt Nam”, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/01/2013. 268
  7. mưu” của những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc quyết định một bản án, quyết định có thể trở thành án lệ hay không. Thứ ba, việc quy định thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao trong việc thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ sẽ đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng cũng như mang lại sự công bằng và bình đẳng cho các chủ thể. Chẳng hạn trong trường hợp gặp một vấn đề pháp lý mới phát sinh nhưng chưa có pháp luật quy định, các Toà án khác nhau sẽ có thể có những giải pháp pháp lý khác nhau để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trong trường hợp để giải quyết các vấn đề pháp lý mới đó, các Toà án đồng nhất sử dụng các án lệ được công nhận bởi Toà án nhân dân tối cao sẽ đưa đến một giải pháp pháp lý đồng nhất để giải quyết vấn đề pháp lý mới453. Từ đó, có thể đảm bảo được sự công bằng cho tất cả các chủ thể trong xã hội. 3. Quy trình lựa chọn án lệ và điều kiện áp dụng án lệ ở Việt Nam Quy trình lựa chọn án lệ Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Án lệ được hình thành theo quy trình sau: Bước 1: Đề xuất quyết định, bản án để phát triển thành án lệ Cá nhân, tổ chức, cơ quan có thể gửi đề xuất cho Tòa án nhân dân tối cao những quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà có chứa đựng những lập luận, phán quyết đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ để TAND tối cao xem xét, phát triển thành án lệ. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức phát hiện, rà soát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình. Bản án, quyết định chứa đựng phán quyết, lập luận đáp ứng các tiêu chí để lựa chọn án lệ. Sau đó, gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để thực hiện xem xét, phát triển thành án lệ. Bước 2: Lấy ý kiến đối với quyết định, bản án được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ Quyết định, bản án được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là dự thảo án lệ, án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để cho các Tòa án, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tham gia đóng góp ý kiến trong thời hạn 30 ngày. Đối với các trường hợp quyết định, bản án do Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất làm án lệ hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn làm án lệ khi xét xử tái thẩm, giám đốc thẩm thì việc lấy ý kiến là không bắt buộc. Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các quyết định, bản án 453 Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Tòa chuyên trách thuộc nó chỉ được gọi là án lệ khi nó có đủ 03 điều kiện sau: - Nó phải là quyết định chứa đựng sự giải thích, lập luận cho 01 hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật (hoặc văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật) về một vấn đề pháp lý đặt ra chưa được văn bản hưóng dẫn áp dụng pháp luật đề cập (hoặc đề cập còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc có mâu thuẫn); - Nó phải được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các Thẩm phán viện dẫn làm căn cứ trong phần lập luận, quyết định của bản án, quyết định về vụ án cụ thể; - Nó phải là Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao sau cùng về vấn đề pháp lý đó được các Toà án khác vận dụng giải quyết vụ việc có nội dung tương tự. 269
  8. được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là dự thảo án lệ, án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện xem xét và quyết định về việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập bao gồm có ít nhất là 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ là Chủ tịch của Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao. Một Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch của Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao. Các thành viên khác là đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các chuyên gia về pháp luật, đại diện tổ chức, cơ quan có liên quan và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học của Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng). Trong trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bước 4: Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Hội đồng tư vấn án lệ sau khi được thành lập có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các quyết định, bản án được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là dự thảo án lệ, án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ phải được thực hiện bằng văn bản hoặc thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định về phương thức lấy ý kiến của các thành viên trong Hội đồng. Sau đó, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về kết quả tư vấn. Bước 5: Thông qua án lệ Sau khi các quyết định, bản án được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ được lấy ý kiến theo đúng hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết số 04/2019/NQ- HĐTP, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp có toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thực hiện thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ. Trường hợp án lệ được phát triển từ quyết định, bản án do Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn làm án lệ khi xét xử tái thẩm, giám đốc thẩm, thì quy trình lựa chọn và thông qua án lệ được rút gọn theo hướng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện xem xét và thông qua án lệ mà không nhất thiết phải qua đầy đủ các bước lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá một phần hai tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện công bố án lệ. Bước 6: Công bố án lệ 270
  9. Trên cơ sở kết quả biểu quyết về việc thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ thực hiện công bố án lệ. Nội dung của án lệ được công bố bao gồm: Số, tên của án lệ; số, tên của quyết định, bản án của Tòa án mà có chứa đựng nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống và giải pháp pháp lý của án lệ; từ khoá về những tình huống và giải pháp pháp lý trong án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; các tình tiết trong phán quyết và vụ án của Tòa án có liên quan đến án lệ; nội dung của án lệ. Điều kiện để áp dụng án lệ Để có thể áp dụng thì án lệ này phải đáp ứng đủ ba điều kiện sau: Thứ nhất, án lệ mang tính thực tiễn cao. Dựa vào thực tiễn, án lệ sẽ tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế. Mà không phải là giải quyết vấn đề bằng các lý thuyết chung chung và trừu tượng. Thứ hai, án lệ có khả năng khắc phục được những lỗ hổng pháp luật một cách kịp thời và nhanh chóng. Đời sống xã hội luôn luôn phát triển, vận động. Tuy nhiên các quy phạm pháp luật lại mang tính ổn định. Vì vậy, dẫn đến hệ quả là luật pháp có thể thiếu hụt hay có thể lạc hậu để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhằm khắc phục tình trạng này, các luật gia đã tìm đến những nguồn bổ trợ khác như sử dụng án lệ hoặc áp dụng tập quán. Tuy nhiên, để có thể giải quyết vụ việc bằng những cách thức này thì đòi hỏi thẩm phán phải là người có kiến thức sâu rộng và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học pháp lý. Thứ ba, án lệ thể hiện tính công bằng và khách quan. Kết luận trong án lệ là kết quả của quá trình đưa ra tranh luận và những lý lẽ lâu dài giữa các thẩm phán trong hội đồng xét xử, giữa các bên trong vụ việc, giữa các thẩm phán sau với các thẩm phán trước đó một cách công bằng và khách quan. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bryan A. Garner: Black’s Law Dictionary, West Group. 1999, Precedent: 2. Cartherine Elliott, Francis Quinn: English Legal System, tenth edition, Pearon Longman Press, 2009. 3. Michel Troper, Christophe Grzegorczyk: “Precedent in France”, Interperting Precedents, Edited by D. Neil Mac Comrick, Ashgate Publishing company, 1997. 4. Nguyễn Hoàng Anh, Tư duy pháp lý trong hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới, in trong: Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh (Đồng chủ biên), Giáo trình Tư duy pháp lý, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. 5. Trương Hòa Bình (Chủ nhiệm), Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ của Toà án nhân dân tối cao, 2012. 6. Trần Ngọc Đường, “Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, ngày 271
  10. 02/12/2020 trong Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao. 7. Huỳnh Thị Nam Hải, Bình luận một số quy định liên quan đến việc lựa chọn, ban hành và bãi bỏ án lệ tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21 (Kỳ I tháng 11/2019). 8. Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, 2012. 9. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam,1995. 10. Đậu Công Hiệp, Hà Thị Phương Trà, Quy định về án lệ trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 – nhìn từ góc độ bản chất của án lệ, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 2016. 11. Đỗ Thanh Trung, Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của Toà án Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2020. 272
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2