intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số ý kiến về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

33
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ phân tích những quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) năm 2017)) về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và nêu lên ý kiến về sự cần thiết của việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số ý kiến về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Đậu Anh Khoa, Nguyễn Đức Thịnh, Trương Hải Hào Quang, Nguyễn Đức Tín* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Hà Thị Hồng Thắm TÓM TẮT Các vấn đề thuộc lĩnh vực hình sự, là những vấn đề nan giải của các quốc gia trên toàn thế giới, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ những vấn đề thuộc lĩnh vực hình sự chủ yếu xoay quanh các đối tượng về tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến an ninh xã hội của một quốc gia, mà còn gián tiếp liên quan đến nhiều mặt khác trong xã hội như giáo dục, văn hóa, đạo đức,… của xã hội. Cho nên các quốc gia luôn giành những sự quan tâm đặc biệt đối với những đối tượng thuộc nhóm này. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển theo chuẩn 4.0 của thế giới, thì tội phạm cũng phát triển và biến tướng theo với một mức độ lớn, tinh vi và xảo quyệt hơn. Do đó, không ít những trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên đang bị ảnh hưởng trầm trọng về nhận thức và đạo đức. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ phân tích những quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) năm 2017)) về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và nêu lên ý kiến về sự cần thiết của việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Từ khóa: biện pháp quản lý, chưa thành niên, độ tuổi, kinh tế xã hội, trách nhiệm hình sự. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Có thể nói, trẻ em chính là tương lai của cả một đất nước. Bởi vì đây là thế hệ trực tiếp, chịu trách nhiệm xây dựng nước nhà trong tương lai. Do đó, việc nâng cao về ý thức đạo đức, kiến thức xã hội hay cải thiện trình độ chuyên môn của các thế hệ chính là vấn đề quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Một quốc gia có được xem là văn minh hay không, điều đó được thể hiện trực tiếp thông qua những hành vi của thế hệ trẻ biểu hiện ra bên ngoài xã hội, qua đó chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá được tình hình xã hội ở mỗi quốc gia. Trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, Bộ luật Hình sự được ra đời nhằm quy định các vấn đề về xã hội đặc biệt là những hành vi vi phạm nghiêm trọng về đạo đức con người hay còn được gọi là tội phạm và bên cạnh đó là quy định các hình phạt áp dụng cho từng loại tội phạm có liên quan. Hiện nay, việc trẻ em vi phạm pháp luật về hình sự đang có dấu hiệu gia tăng. Đây là nhóm đối tượng cần nhận được sự quan tâm và chú ý đặc biệt của nhà nước, bởi lẽ pháp luật quy định chỉ có một số ít các lỗi mà trẻ em chưa vị thành niên phải chịu trách nhiệm và bên cạnh đó còn có những điều kiện đặc biệt đi kèm về độ tuổi. Theo tài liệu Tổng kết dự án Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên[5], số người chưa thành niên vi phạm trong giai đoạn 2006-2010 dao động trong khoảng 12.878 đến 16.444 người/năm, tổng số tăng khoảng 6,70% so với giai đoạn 05 năm trước đó. Và số liệu trong năm 2011 là 13.600 người, tăng 5,60% so với 1866
  2. số người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2010[7]. Bình quân trên cả nước, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật chiếm 20% tổng số người vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội. Số liệu của dự án cũng xác định được rằng, trong giai đoạn 2006-2011, có 24.452 người, chiếm khoảng 30% tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong giai đoạn 2000-2005 tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự là 18%[7]. Bên cạnh đó, theo thống kê gần nhất của Bộ Công an trong năm 2019, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðặc biệt, tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn[2]. Theo như số liệu nêu trên, chúng ta thấy được tính chất nghiêm trọng của việc tội phạm đang được “trẻ hóa”. Hơn thế, đây chính là dấu hiệu cho một sự thoái hóa mạnh mẽ trong tương lai. Do đó cần có những quy định đặc biệt của pháp luật hình sự dành cho đối tượng chưa thành niên phạm tội, nhằm mục đích giáo dục, răn đe và đẩy lùi sự thoái hóa về đạo đức con người đang diễn ra trong xã hội. 2 QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017) VỀ ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Chủ thể của tội phạm theo quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng lại không có quy định về năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. BLHS có 02 Điều luật liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự, điều luật về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017)) quy định chỉ được kiểm tra có tính cá biệt khi có nghi ngờ chủ thể mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội. Thông thường khi áp dụng Bộ luật hình sự, chủ thể áp dụng chỉ cần kiểm tra tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội (Theo Điều 12 của BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017)). Do vậy, có thể nói Điều 12 của BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là điều luật quan trọng, và trong trường hợp bình thường có ý nghĩa trong việc xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể. Việc kiểm tra độ tuổi là cần thiết trong mọi trường hợp[8]. Đối với độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì luật hình sự các nước đều có quy định, nhưng không phải nước nào cũng giống nhau, tùy vào sự phát triển tâm sinh lý mà mỗi nước quy định khác nhau về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như: ở Anh từ 8 tuổi, ở Mỹ từ 7 tuổi, ở Thụy Điển từ 15 tuổi, ở Nga từ 14 tuổi, ở Pháp từ 13 tuổi[9]. Còn ở Việt Nam, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, và có sự tham khảo luật hình sự ở các nước trên thế giới và trong khu vực, BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) quy định tại Điều 12 về mức chịu trách nhiệm hình sự như sau: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 1867
  3. 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”. Vậy người chưa đủ 14 tuổi tại sao lại không chịu trách nhiệm hình sự với bất kỳ tội danh nào, đó là bởi khoa học hình sự đã xác định độ tuổi dựa vào tiêu chuẩn về sự phát triển tâm sinh lý của con người và chủ yếu là sự phát triển về quá trình nhận thức và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm của con người. Người chưa đủ 14 tuổi về mặt sinh lý trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả nặng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. Một hành vi được coi là không có lỗi cũng tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự). So với BLHS năm 1999 thì phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đã được thu hẹp đáng kể. Cụ thể trong BLHS năm 1999 thì chỉ có quy định: “Người từ đủ tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” nhưng không liệt kê cụ thể là bao nhiêu tội nên phạm vì chịu trách nhiệm hình sự là toàn bộ các tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng (kể cả tội phạm do vô ý). Vì thấy rõ những thiếu sót trong BLHS năm 1999 nên BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi là đã liệt kê ra những quy định về những tội danh theo từng độ tuổi mà BLHS quy định[10]. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm theo quy định của pháp luật chứ không chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm. Xuất phát từ sự phát triển tâm, sinh lý của cá nhân cũng như căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà trong từng giai đoạn khác nhau, quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng khác nhau mà các cơ quan làm luật đã có những sửa đổi BLHS năm 2015 phù hợp với thực tế thông qua BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) như sau: theo quy định tại BLHS năm 2015 quy định người từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 07 tội danh (tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) trong tất cả các trường hợp, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng còn trong BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) không còn quy định nội dung trên nữa, nghĩa là người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 07 tội danh trên nếu tội đó là "tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng". Một thay đổi khác trong BLHS năm 2015 đó là số lượng tội danh của người từ 14 đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 22 tội danh; đối với BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tội danh, không còn quy định trách nhiệm hình sự đối với tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” quy định tại Điều 285, bởi vì khung hình phạt cao nhất của tội này chỉ đến 07 năm tù. Trong BLHS năm 2015 quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 04 tội danh gồm: tội giết người; tội cố ý gây thương tích; tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn trong BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) thì chỉ quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 02 tội danh gồm: tội giết người và tội cướp tài sản. 1868
  4. Như vậy, ở Việt Nam sau khi BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) có hiệu lực thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có vài thay đổi, đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu tránh nhiệm với tất cả tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng với 28 tội danh (khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017), 02 tội danh về hành vi chuẩn bị phạm tội giết người và tội cướp tài sản (khoản 3, Điều 14, BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017)) so với BLHS năm 2015 thì ta có thể thấy đã có một số thay đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự, các nhà làm luật đã từng bước điều chỉnh và cố gắng hoàn thiện BLHS hơn để phù hợp với từng giai đoạn của đất nước cũng như phù hợp với quốc tế hơn trong thời kì hội nhập toàn cầu. 3 SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC GIẢM ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Tình hình tội phạm ở nước ta trong những năm gần đây có gia tăng về số lượng, số vụ với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao, cũng như sự xuất hiện nhiều loại tội phạm mới trong điều kiện nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa khu vực và thế giới. Tội phạm xảy ra do các chủ thể trải dài với nhiều biên độ kéo dài từ thấp đến cao của độ tuổi, nhiều vùng miền khác nhau và ở những người có trình độ văn hoá khác nhau. Đặc biệt, tội phạm do lứa tuổi chưa thành viên thực hiện (nói cách khác là hiện tượng “trẻ hóa tội phạm”) trong xã hội ngày một gia tăng, độ tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội ngày càng giảm và ở mức thấp trung bình từ 14 đến 18 tuổi, thậm chí dưới độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) với các hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh, hung bạo và tàn ác, cũng như mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với những đối tượng vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, như vụ Lê Văn Luyện tàn sát cả 1 gia đình (giết 3 người và gây thương tích cho 1 người), cướp số tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng của tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang; vụ Lý Nguyễn Chung giết người, cướp tài sản cũng ở Bắc Giang (chính vụ án này đã gây ra nỗi oan 10 năm tù cho ông Nguyễn Thanh Chấn). Khủng khiếp hơn là những vụ cháu giết ông bà, con giết cha hay giết mẹ… Và càng khủng khiếp hơn nữa là càng ngày, số tội phạm vị thành niên càng trẻ hóa. Trong tổng số 94.300 tội phạm vị thành niên nói trên, số trẻ dưới 14 tuổi phạm tội chiếm tới 13%, trẻ từ 14 đến 16 tuổi phạm tội chiếm tới 34,7%. Nếu như Lê Văn Luyện lạnh lùng vung dao đoạt mạng liền một lúc 3 người khi chỉ còn kém vài tháng nữa là đầy 18 tuổi, thì sau đó Võ Nhật Trường ở thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ, Bình Định, giết bà nội mình là cụ Trần Thị Vân (83 tuổi) để cướp 700 ngàn khi Trường chưa đầy 16 tuổi. Nông Văn Công ở xã Ngọc Đường, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang giết mẹ đẻ là bà Lưu Thị Linh để cướp 2,8 triệu đồng và một sợi dây chuyền bạc khi hắn đang là học sinh lớp 9 của trường phổ thông THCS xã Ngọc Đường. Mông Thế Xương ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã vung dao giết người để cướp tài sản khi Xương mới 14 tuổi 7 tháng[3]. Những vụ án nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều các vụ án có thủ phạm là những thanh, thiếu niên, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm trẻ hóa. ThS. Khuất Văn Nga (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cho rằng, cần thiết phải cân nhắc, xem xét để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sắp tới theo hướng nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội. Hoặc xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội đặc 1869
  5. biệt nghiêm trọng để nâng cao tác dụng trừng phạt, răn đe. Chẳng hạn, những trường hợp sát thủ giết người hàng loạt, phạm liên tiếp nhiều tội thì cần phải “đặc cách” áp dụng hình phạt nghiêm minh hơn[4]. Từ quan điểm của ThS. Khuất Văn Nga (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) nhóm tác giả có quan điểm đồng ý với ý kiến trên. Vì căn cứ vào những nguyên nhân và thực trạng hiện tại của xã hội sau đây: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung và cướp tài sản nói riêng, trong đó đáng kể nhất là mặt trái của kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, làm tha hóa biến chất, trong một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích ăn chơi, hưởng thụ, lệch chuẩn đạo đức, lối sống. Một số thanh, thiếu niên sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi lên thành phố kiếm sống, bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những băng nhóm cướp để có tiền tiêu xài. Bên cạnh đó, sự tan vỡ gia đình cững là nguyên nhân dẫn đến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên dễ rơi vào con đường tội lỗi. Việc dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa khi thông tin về các vụ án, mô tả chi tiết tội ác chiều theo thị hiếu tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người đọc, cũng góp phần “vẽ đường cho hươu chạy” làm lệch lạc thêm nhận thức, hành vi của những thanh, thiếu niên hư hỏng, dễ đẩy các em thành tội phạm. Từ thực tế có thể thấy cho dù là BLHS hiện hành đã quy định rất cụ thể và chi tiết về hình thức xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng trước thực trạng người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, đã nói lên nhưng quy định đó chưa thực sự hiệu quả. Từ đó xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống là từ đủ 13 tuổi thay vì từ đủ 14 tuổi như pháp luật quy định, để nâng cao tác dụng phòng ngừa. Bởi thực tế, nhiều em nhỏ khi đã được hỏi về động cơ và nhận thức của mình thì đã trả lời: “Vì biết pháp luật không xử lý hình sự đối với người dưới 14 tuổi nên đã phạm tội”. Như vậy, các em có thể nhận thức hoặc dễ dàng bị lôi kéo, lợi dụng để thực hiện tội phạm. Từ đó, sửa đổi, bổ sung BLHS tới đây cần nên cân nhắc, xem xét tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam để giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội hoặc xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để nâng cao tác dụng trừng phạt, răn đe. Tuy nhiên, bên cạnh đó đại đa số các quan điểm cho rằng, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, ngoài trừng trị tội phạm thì mục đích chủ yếu của chính sách hình sự này là cảm hóa giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bởi vậy, nhà trường, gia đình và xã hội phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân nói chung và trẻ em nói riêng. Phải thừa nhận rằng, xã hội càng phát triển kéo theo mặt trái của nó là tội phạm ngày càng trẻ hóa và gia tăng. Không chỉ những thiếu niên sống trong môi trường gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mới phạm tội mà ngay cả những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, được ăn học đầy đủ cũng vẫn sa vào tội phạm nếu tự bản thân họ không biết rèn luyện tu dưỡng, cũng như cha mẹ buông lỏng quản lý, giáo dục. Bởi vậy, biện pháp hữu hiệu nhất là cần phải đề cao vai trò phòng chống tội phạm ngay từ trong gia đình, đây cũng chính là biện pháp phòng chống tội phạm hiệu quả nhất. 1870
  6. 4 KẾT LUẬN Nhìn vào sự phân tích phía trên, thật không thể phủ nhận, việc đặt ra những quy định để quản lý người chưa vị thành niên là điều hết sức cần thiết. Bởi vì đây là nhóm đối tượng mang những tính chất đặc biệt, cụ thể là trẻ em đang trong giai đoạn chưa thành niên. Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng này, điều quan trọng hàng đầu là sự quản lý chặt chẽ đến từ gia đình và nhà trường, bởi lẽ đây là nơi định hình nền tảng đạo đức cho trẻ em. Như vậy, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, Nhà nước cần xem xét và đưa ra những định hướng phù hợp để giảm thiểu tình trạng đáng báo động này. Phải có những biện pháp răn đe nghiêm khắc hơn được áp dụng đối với những đối tượng chưa thành niên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). [2] Theo Lê Tú, báo Nhân dân. https://bom.to/24CxaiMFBG1AI. Truy cập ngày 24/04/2021 [3] Theo Vũ Hữu Sự, báo Nông nghiệp https://bom.to/Mk3iZAnZYNLKm”. Truy cập ngày 24/04/2021. [4] Theo Nguyễn Lê, báo Người đưa tin. https://bom.to/wufFo984vas5d. Truy cập ngày 25/04/2021. [5] Đề án IV trong Chương trình phòng chống tội phạm (Chương trình 138/CP), các giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2012, xem: Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng chống tội phạm. [6] Ban chủ nhiệm đề án IV – Ban Chỉ đạo 138/CP (2012). Tổng kết thực hiện Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và Tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2006-2010. [7] Cục Cảnh sát hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (2012). Kết quả thực hiện đề án IV-CT138/CP năm 2011. [8] Nguyễn Ngọc Hòa (2017). Bình luận khoa học BLHS năm 2015 được (sửa đổi, bổ sung 2017), NXB. Tư pháp, Tr.79. [9] Nguyễn Ngọc Hòa (2017). Bình luận khoa học BLHS năm 2015 được (sửa đổi, bổ sung 2017). NXB. Tư Pháp, Tr.73. [10] Đinh Văn Quế (2020). Bình luận Bộ luật Hình sự 2015. NXB. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, Tr.75,76. 1871
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2