intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mùa này mía chẳng trổ bông

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

67
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Không hiểu sao hồi trước tết tía tôi không chịu bán mía để bây giờ quá lứa lại trổ bông. Mà mía trổ bông bán sẽ bị mất giá vì trong ruột mía bọng, xốp, ép không có đường, cân cũng mất ký. Tôi thấy xót lòng hối tía thì ông nói: "Khi nào con chịu lấy chồng thì tía bán mía!". Tôi nghe tía nói câu này đã nhiều lần, hình như bao giờ cũng chờ tôi nhắc tới chuyện bán mía là nó vọt ra khỏi miệng tía. Tôi thừa biết không phải sợ tía sợ tôi xin...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mùa này mía chẳng trổ bông

  1. Mùa này mía chẳng trổ bông TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ KIÊN GIANG Không hiểu sao hồi trước tết tía tôi không chịu bán mía để bây giờ quá lứa lại trổ bông. Mà mía trổ bông bán sẽ bị mất giá vì trong ruột mía bọng, xốp, ép không có đường, cân cũng mất ký. Tôi thấy xót lòng hối tía thì ông nói: "Khi nào con chịu lấy chồng thì tía bán mía!". Tôi nghe tía nói câu này đã nhiều lần, hình như bao giờ cũng chờ tôi nhắc tới chuyện bán mía là nó vọt ra khỏi miệng tía. Tôi thừa biết không phải sợ tía sợ tôi xin tiền. Chuyện chồng con tía gợi ý với tôi từ năm trước, lúc tôi tròn mười sáu tuổi. Có lần tôi hỏi má: "Lấy chồng để làm gì?". Má tôi trừng mắt: "Để hầu hạ, làm mọi cho mày. Con với cái!". "Con chưa yêu ai mà má?". "Thì lấy rồi yêu. Tao với tía mày hồi lấy nhau có yêu đâu". "Nhưng con muốn học may?". "Khéo bày đặt. May vá thời buổi này cạp đất mà ăn con ạ!". Và bao giờ cũng vậy, để chấm dứt câu chuyện, má luôn gằn giọng: "Con gái lớn nuôi trong nhà như hủ mắm treo đầu giàn đó!". Phận làm con tôi không dám trách tía hay giận má, mà tôi chỉ buồn! Tôi luôn tự hỏi mà không trả lời được là tại sao gia đình cứ bắt tôi lấy chồng lúc tôi còn quá ngu ngơ khờ khạo, sao cứ bắt buộc tôi phải bắt chước theo tía má??? Lần đầu tiên khi biết tôi có biểu hiện người lớn, má lo kiếm rể khắp nơi. Đi đám tiệc ở đâu, gặp ai thấy được là má hứa làm sui. Má khen tôi đẹp người đẹp nết hết lời. Thiệt ra, nếu đem sáu đứa trong xóm so sánh với nhau thì tôi chỉ đứng hàng thứ ba, sau chị Hạnh con bác Tám và con Thủy con chú Hai. Nhiều lúc tôi thèm được tâm sự với má những chuyện thầm kín của con gái, nhưng má lại gạt đi: "Sách báo toàn dóc láo, tin làm gì!". Trong nhà có bốn người thì tôi bị biệt lập một thế giới riêng, một "kiểu sống khác người" mà má tôi thường nói. Những suy nghĩ, trăn trở của tôi không thể nói với tía, má thì vô tình quay lưng, chỉ có hai người bạn cùng tuổi tôi thì họ đã lần lượt lấy chồng.
  2. Năm ngoái, bác Tám gả chị Hạnh về tận Vĩnh Tuy. Đi đưa dâu bằng vỏ lãi chạy máy BS- 9 mà hơn một buổi mới tới. Nhà chồng chị cách chợ hàng chục cây số, ngoằn ngoèo trong kênh rạch nhỏ xíu, hai bên dừa nước gie ra nối nhau như cầu vồng. Gia đình chồng chị là nông dân rặc, mỗi mùa lúa thu hoạch tới cả ngàn giạ, lại đông con. Chồng chị thứ hai, hơn chị một tuổi, nhưng nhỏ con, được cái là hiền. Dòm chị Hạnh vụng về trong trang phục cô dâu mà tôi không thể cầm lòng. Thương chị quá! Hôm nay, con Thủy con chú Hai theo chồng về xóm dưới. Cưới xong nhà chồng cho ở riêng, không phải làm dâu. Vợ chồng Thủy bằng tuổi. Chồng Thủy lớn con, vai u thịt bắp, nhưng chỉ được mỗi nghề nuôi vịt. Cũng nhờ thạo nghề nuôi vịt mà ba năm qua bên nhà chồng nó phất lên, sắm đủ bông vàng cưới vợ cho con. Chồng nó không chơi bời, nhậu nhẹt, vậy mà một chữ bẻ đôi cũng chịu! Tổ ấm của vợ chồng Thủy là một căn nhà lá che thêm cái bếp nằm thoi loi giữa đồng, ngày đêm chỉ nghe tiếng vịt kêu. Ôi! Nếu mai này họ ra đường, chắc thấy con gà cũng tưởng là công! Bạn bè đưa Thủy về nhà chồng chỉ có bốn cặp. Tôi và anh Khánh là người cùng xóm, còn sáu người kia đều ở chợ huyện, nghe đâu là bà con họ hàng gì với gia đình Thủy. Tôi thấy các chị mặc quần áo đẹp hoa hậu: nào đầm dài, nào váy ngắn, hoa văn rất lạ. Các chị biết tô hồng má, kẻ môi trái tim, vẽ mày lá liễu, viền mắt kim tuyến, long lanh lóng lánh rất duyên. Bàn tay trắng nõn chìa ra những ngón thon dài sơn hồng sơn đỏ. Đẹp lắm! Các chị còn nói về những chuyện xã hội rất hay, cứ kể ra vanh vách nghe lạ tai như chuyện viễn tưởng. Tôi nghe chăm chú như học trò nghe giảng bài, lòng thầm phục các chị. Lúc đầu tôi cứ nghĩ các chị chắc bằng tuổi tôi, hỏi ra thì họ đã ngoài hai mươi. Vậy mà họ vẫn chưa lấy chồng(?). Tôi không dám so sánh với các chị bởi tôi chẳng có gì ngang tầm để đem ra cân - đong - đo - đếm. Tôi thầm mơ mình có được một phần sự hiểu biết của các chị là sung sướng lắm rồi, mãn nguyện lắm rồi!!! Dòm lại mình với bộ cánh kiểu đơn giản, tôi lạc lỏng như con vịt đẹt ngơ ngác kiếm bầy, còn các chị như ngỗng trời săn sàng vỗ cánh. Bỗng dưng, tôi thấy thương tôi hơn bao giờ hết!
  3. Nghe Khánh kêu, tôi bước ra ngoài. Trời chưa sáng nhưng khách tới rất đông. Ai cũng tất bật dọn dẹp mâm bàn, bánh trái để chuẩn bị đón đàng trai. - Đi đâu vậy Khánh? - Dìa nhà tôi lấy đồ mặc. - Thôi, vậy được rồi. - Đi đưa dâu ai mặc đồ bộ. Họ cữ! Khánh nắm tay tôi kéo đi. Lòng tôi bồn chồn. Từ xưa tới nay con gái xóm tôi đi đưa dâu vẫn mặc vậy, có nghe ai nói cữ kiên bao giờ đâu! Hay Khánh ra tỉnh học mấy năm, thi rớt đại học, buồn quá nên… "chập mạch"? Nhà Khánh đốt đèn măng-sông sáng trưng. Chị dâu Khánh vừa ủi đồ xong, chị kêu tôi vô buồn: - Em thay bộ này nè, Lài. - Trời! Từ nhỏ tới giờ em chưa mặt áo dài lần nào, ngại lắm! - Ngại gì? Mặc từ từ cho quen. Chị nghe chú Khánh nói bên đó có mấy cô đi đưa dâu ăn mặc đẹp, em cũng phải làm cho ra vẻ không thua sút người ta. Tôi gài nút áo, thấy sao nó cứ chật chật. Lại mang đôi giày da, tôi cảm giác ngộp ngộp cái giò, không thoải mái bằng đi dép. Chị thoa kem, đánh phấn rồi xịt keo thắt tóc tôi thành hai bím, thật điệu nghệ và bài bản. "Đúng là nghề của chị mà!". Khánh mặc quần tây xanh, áo sơ-mi trắng, "đóng thùng" cẩn thận, cổ thắt cà-vạt, đi giày đen, đứng đợi tôi ngay cửa. Thấy tôi, Khánh khen: - Bữa nay, công nhận Lài đẹp thiệt! Tôi gượng cười: - Kỳ quá Khánh ơi! - Cứ tự nhiên, coi như bình thường.
  4. Tôi và Khánh trở lại nhà Thủy thì đàng trai đã qua, đang làm lễ rước dâu. Mọi người hướng về phía tôi, trầm trồ. Tôi biết mình hôm nay khác hơn thường ngày rất nhiều. Chút tự hào bất chợt dâng lên trong tôi, lòng thầm cảm ơn Khánh, chị dâu của Khánh! *** Khánh nhập ngũ. Vậy là cái xóm đông đúc này chỉ còn lại mình tôi, bạn bè cùng trang lứa tứ tán. Trai thì ra tỉnh học tiếp, có đứa vô bộ đội, nếu ở quê thì lấy vợ. Gái thì lần lượt vu quy. Làng xóm dòm tôi áy ngại. Tệ hơn có người còn trề môi: "Con Lài pê-đê mà!", "Thúi rồi, ai thèm cưới!"… Lớp đàn em lớn lên, tôi càng cô đơn nên đâm ra ít nói. Từ đó, tôi cảm thấy mình là "cái gai nhọn" trong mắt tía má. Người chỉ muốn tôi lấy chồng như bao đứa con gái trong xóm để tránh tiếng dèm pha chướng tai của bà con. Mỗi lần có đám tới mai mối, ngỏ lời là tía má lại vui mừng hy vọng tôi gật đầu, nhưng rồi cuối cùng đều thất vọng. Tía dọa: "Mày không ưng tao cũng gả!". "Con tự tử!". Bốp. "Mất dạy! Con cái dám cãi cha mẹ". Lâu lắm rồi tía mới đánh tôi mạnh như vậy. Mắt tôi hoa lên. Tôi gục xuống bàn tức tửi khóc. Má tôi nói tỉnh queo: "Đó, con ông đó, giỏi thì dạy đi. Cứng đầu, cứng cổ". Má kêu tôi sắc mỡ heo để rán. Sàn nước trơn, tôi vô ý trượt chân té làm văng xuống sông một ít mỡ. Má mắng: "Trời ơi! Đồ ăn hại. Lớn tồng ngồng không chịu lấy chồng. Ăn cho mập thây rồi báo cha báo mẹ nè trời!". Thấy nước mắt tôi ứa ra, má càng bực tức: "Nói không đúng sao mà còn đứng đó khóc hả con quỷ? Thằng cùi đui sứt mẻ nào tới coi tao tống mày đi cho khuất mắt". Ngày còn đi học, tôi hay nhõng nhẽo đòi bánh với tía má khi tôi được điểm mười, điểm tám hoặc nhận giấy khen cuối năm. Tôi thích thú khi tía bồng tôi: "Con gái tía giỏi lắm!". Tôi sung sướng dụi đầu vô lòng má mà ngủ, mà mơ gặp bà Tiên, cô Tấm… Bây giờ tôi thấy sợ tía má kinh khủng. Tôi sợ cái tát nổ lửa của tía lúc nào cũng có thể giáng vô mặt tôi. Sợ những tiếng chì chiết, mắng nhiết của má. Tôi không dám gần tía má, không dám gợi chuyện với tía má cả trong những bữa cơm gia
  5. đình! Và tôi chợt thấy tôi đã biến thành cái bóng, một cái bóng đáng sợ luôn ám ảnh tía má. Những đêm trăng suông như vầy tôi vẫn thường ngồi một mình trên sàn nước, lặng lẽ đối diện với chính tôi. Xét cho cùng, tôi có đòi hỏi điều gì cao cả, to lớn lắm đâu. Ngày xưa, tôi mơ ước được vô đại học sư phạm, sau đó ra trường về dạy ở quê tôi. Nhưng ước mơ không vượt qua lũy tre đầu xóm, rặng trâm bầu cuối làng, lời của tía chở nỗi buồn về đầy ắp trong tôi. Ngày nay, tôi khao khát được hưởng một chút tuổi xuân thôi. Mà tuổi xuân là gì? Đó là sự rảnh rang vô lo của thời con gái ngắn ngủi! Tôi mong gia đình tôi hạnh phúc, vui vẻ như hồi tôi còn nhỏ và tôi được toại nguyện khát vọng, được làm người lớn trước khi theo chồng. Tôi sợ ngày cưới, tôi sẽ giống chị Hạnh không ý tứ giữ lớp son môi trong lúc ăn, để nó nhòe ra như ngoại tôi nhai trầu. Hoặc tôi sẽ giống con Thủy vô tư, để mồ hôi trôi tuột lớp phấn hồng trên má, lồ lộ nước da rám nắng, vừa xấu vừa ghê! Trăng đậu trên ngọn cây bần già khằng. Lâu lâu, một trái bần chín rụng tỏm xuống sông làm tôi giật mình. Cũng bến nước này, cũng trái bần chín kia tôi vớt lên ăn với Khánh trước ngày Khánh đi bộ đội. - Nè, Lài ăn đi! - Khánh lựa trái bự nhất mời tôi. - Thôi, chua lắm! - Chua ăn mới… đã. Sao? Chừng nào Lài cho tôi ăn " cù lao" đây? - Nán lại mốt hãy đi. Mai tôi đi chợ mua thịt dìa nấu đãi Khánh. - Không phải. Ý tôi nói "cù lao" đám cưới kìa! - Mười năm nữa! - Thiệt không đó? - Nói vậy chớ tía má luôn bắt tôi lấy chồng. Mà tôi thì còn khờ lắm, sợ khổ như mấy đứa bạn. - Sao Lài không xin đi học nghề, gia đình dư sức lo mà! - Tôi có hỏi nhưng tía má không cho.
  6. Khánh gật gật đầu. Tôi biết Khánh thừa hiểu hoàn cảnh tôi hiện giờ, tâm trạng tôi lúc này. Nhà Khánh cũng vậy. Cả xóm này cũng vậy, đều có một khuôn khổ áp đặt trai gái trong chuyện dựng vợ gả chồng. Nếu không phải vì lý do nào đó mà đi xa, còn ở với cha mẹ thì phải lập gia đình trước mười tám tuổi! Từ trên nhà, tiếng má kêu oang oang làm tôi sực tỉnh: - Con Lài mày đi ngủ chưa? Hay chờ thân già này xuống mời mày mới chịu hả? *** Mùa bông mía lại tới. Hai công mía sau nhà tôi trổ bông gần hết mà tía tôi vẫn không chịu bán. Phía trên phần xanh của lá, bông mía trắng như bông lau, điểm xuyết lũ ve nâu bằng hột mè trông từa tựa bông sậy, kéo một dãy dài dập dềnh trong gió xuân. Những cây mía trổ bông trước không còn sức nuôi bông, cây héo dần, khô queo rồi chết. Tôi thương bông mía, dù nó không đem lại cho tôi lợi ích gì, ngược lại đôi khi làm gia đình tôi lỗ vốn vì bán không được. Nhưng tôi thích sức sống mãnh liệt của nó. Có đám mía chưa đủ tuổi, đủ năm đã vội đốn bán đi, nghĩa là khi sự sống của bông mía đã hình thành trong đọt và bắt đầu phát triển. Có đám bông vừa nhú lên búp búp chưa kịp nở thì bị chặt đi. Cũng có những bông mía được sống trọn mùa nhưng quá ngắn ngủi, vì nó hút hết chất dinh dưỡng từ cây mía rồi. - Lài ơi! Lài… - Đây nè!… Tôi bỏ con dao xuống, chạy ra khỏi hộc mía, giơ nón lá vẫy vẫy. - Ủa, chị Hạnh! - Tôi kéo chị Hạnh ngồi xuống đám lá mía - Lâu quá chị không dìa chơi? - Mần suốt đâu có ở không. - Sao chị đen mà ốm dữ vậy? - Đẻ khó nên mổ
  7. Tôi ngạc nhiên: - Chị sanh năm một hả? Chị Hạnh gật đầu, thoáng buồn: - Cực lắm! Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ em với con Thủy mà không về được. Chị làm quần quật từ hừng đông. Một nách hai con, vừa phục vụ cha mẹ chồng, sáu đứa em chồng, lại còn bị chồng hành hạ - Chị chợt khóc - Ảnh bây giờ tệ lắm, hay đi chơi với mấy người chưa vợ, nhậu nhẹt rồi cặp bồ cặp bịch tùm lum. Hai năm vợ chồng ảnh không nói thương vợ một tiếng(?!). Mỗi lần ảnh đi nhậu dìa là chị thấy sợ chuyện… mà có khỏi đâu… Chị nói rất nhiều như lâu lắm chị phải im lặng. Chị cần tình yêu của chồng thôi, cần đến cháy bỏng. Đơn giản vậy mà cũng khó! *** Đúng dịp Khánh về phép có đám tới coi mắt tôi mà gia đình không có ai tiếp. Bé Ba đi học ngoài tỉnh, xóm thì không có thành niên, tôi đành chạy qua nhờ Khánh. Khánh cười: - Đám thứ mấy vậy Lài? - Tôi… không nhớ! - Tôi cười theo, mặt nóng bừng - Nghe nói Khánh chuyển đơn vị công tác hả? Dìa đâu vậy? - Dìa Tỉnh đội. - Dìa đó làm gì? - Quân lực. - Quân lực là cái gì? - Thì… là… ghi tên tuổi, quê quán anh em đó mà! Tôi gật đầu như chừng đã hiểu. Ngày còn học, Khánh là học sinh viết chữ đẹp nhất trường. Những dịp lễ tết hay liên hoan, Khánh được thầy cô phân công nhiệm vụ trang trí, kẻ phông màn, dán băng-rôn. Trước khi chia tay năm học lớp chín, mười tám cuốn sổ
  8. cá nhân dồn hết cho Khánh nhờ viết dùm trang đầu. Nào là "Nhật ký học trò", "Lưu bút ngày xanh", "Một thời để nhớ"… bằng chữ nổi, chữ bóng, chữ hoa, chữ in, chữ thường… Chữ đứng hay nghiêng Khánh đều viết đẹp. Đám cưới trong làng tôi đôi khi họ cũng mượn Khánh viết thiệp mời. Khánh mở ba-lô lấy đưa tôi mấy cuốn Văn nghệ quân đội cũ mèm, nhàu nát. Bìa láng nhưng hình không đẹp, in chữ nhỏ hơn loại tiểu thuyết mà thỉnh thoảng tôi hay mua ngoài chợ. - Lài đọc đi, coi có tôi trong đó không? Tôi thè lưỡi, nguýt dài. Chợt nhớ ra điều gì, Khánh hỏi nhỏ: - Nè, Lài có muốn học sư phạm không? - Nhưng… tôi không đủ trình độ?! - Không cần tốt nghiệp mười hai. Chương trình chín cộng ba do Sở Giáo dục - Đào tạo mở. Tôi có đứa em con bà dì ở thị xã, nó đang làm hồ sơ nhập học khóa này. Tôi có nhờ nó mua cho Lài bộ hồ sơ. Nếu Lài học thì ở nhà nó khỏi lo mướn nhà trọ. Nghe Khánh diễn giải một hơi tôi rất thích. - Nhưng… tôi sợ… - Thì Lài cứ làm hồ sơ nộp trước, sau đó thuyết phục tía má. Tôi nghe lời Khánh làm hồ sơ rồi nhờ Khánh ra xã chứng nhận, luôn tiện lên tỉnh đăng ý dùm. Trong bữa cơm chiều, tía hỏi tôi: - Con có ưng thằng Năm không hả Lài? - Dạ… nhà ảnh… xa quá! -Tôi ngập ngừng. - Xa hay gần không quan trọng. -Má tôi vặn lại. - Dạ… con… con không ưng đâu!
  9. Tía đang và cơm dằn mạnh cái chén xuống bàn, cơm canh văng tung tóe. Tôi cúi gầm mặt. Thằng Bé Ba nói: -Con xin tía bớt giận. Chuyện chồng con để chị Hai con tự quyết định, đi tía. -Còn mày nữa? Cho mày ra tỉnh ăn học rồi dìa dạy khôn tía mày hả? Hứ! Dứt lời, tía bước lên nhà trên, người tía run run. Má cũng đứng dậy đi theo. Từ trong mắt má, một sự hờn giận to lớn phủ trùm lên tôi. Cổ tôi nghẹn lại. Tôi chạy ra hè bưng mặt khóc. Tôi khóc thật lâu. Đã nhiều lúc chán chường tôi muốn la toáng lên cho ước mơ tiềm ẩn trong tôi vỡ tung ra, muốn nhảy xuống dòng sông xanh mát này để gội rửa đi những nét tàn tạ về thể xác, kiệt quệ về tâm hồn. Càng nghĩ tôi càng khóc thiệt nhiều. Khóc cho riêng tôi để mong vơi đi nỗi buồn. Khóc tiễn những ước mơ lần lượt đến với tôi rồi bỗng dưng tan biến đột ngột! Nếu như tôi bị mù như cô gái trong truyện ngắn "Hương khúc nếp cuối mùa" thì có lẽ tía má sẽ ân cần với tôi, bà con làng xóm sẽ thương hại mà không khinh miệt tôi. Được vậy, tôi sẽ hạnh phúc hơn bây giờ nhiều, vì lòng tôi không bị xáo trộn và thanh thản, rất thanh thản!!! *** Tía đang ngồi ở cái bàn giữa nhà uống nước dòm ra ngoài sân. Má từ ngoài cầm đèn pin đi xăm xăm vô ngồi đối diện với tía: - Ông hay chuyện gì chưa? - Chuyện gì? - Con Thủy bị chồng nó đánh hư thai, đưa ra nhà thương mổ mới chở dìa. - Sao bà biết? - Thì tôi ở bển mới dìa. Chú thím Hai làm dữ lắm, đòi bắt con Thủy lại. - Bắt lại là phải. Ai đời đàn ông gì mà tàn nhẫn vậy. Con nó chớ con ai? Chồng con Lài mà kiểu đó thì tôi vác dao chém thiệt à! Mà sao nó khùng dữ vậy hả?
  10. - Khùng gì? Tỉnh như sáo chớ. Nó kêu con Thủy đưa tiền nó đi nhậu, con nhỏ nói hết tiền. Nó đòi lột đôi bông cưới đi bán, con nhỏ không cho. Nó đánh. Mèn ơi, thân nó bự như trâu mà đá thình thịch làm sao con nhỏ chịu nổi. May có mấy người đi mần gần đó chạy vô can, không thì dám chừng con nhỏ chết lắm! - Tôi nhớ chồng nó đâu biết nhậu? - Hồi đó không uống được, bây giờ uống được thì ghiền, khoái. Lại sinh tật đánh vợ, đánh con. Không biết từ lúc nào, nước mắt tôi chảy xuống miệng mằn mặn. Tôi khóc cho Thủy hay vì biết tình thương của tía má mà lâu nay tôi vẫn ngờ ngợ. Có lẽ cả hai! Tôi định bước ra ngoài mấy lần để hỏi tía má một câu. Một câu thôi nhưng tôi vẫn sợ. Lại ngồi xuống giường, với tay lấy mấy cuốn sách Khánh đưa hôm kia. Những dòng chữ cứ nhảy múa trước ánh đèn chân vịt. Không đọc nổi, tôi mạnh dạn bước ra, đứng sớ rớ sau lưng tía. Chợt tía hỏi làm tôi giật mình càng run: - Dạ… con… con định thưa với tía má… Tía kêu tôi ngồi xuống. Bộ ngựa gõ trống trơn, rộng rinh, tôi chỉ ghé ngồi một góc nhỏ xíu. - Dạ… con… xin tía má cho con… đi học sư phạm?! Má dòm tía, tía nín thinh. Tim tôi đập như trống dồn. Tôi không dám mường tượng chuyện lành hay dữ sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn chấp nhận chờ quyết định của tía. Tía quay qua tôi, hỏi đột ngột: - Con thương thằng Khánh hả Lài? - Dạ… dạ… không… không có đâu tía. - Sao nó hỏi xin tía cho con đi học?! Tôi hoàn toàn bất ngờ. Khánh đã bạo gan hỏi xin tía dùm tôi, dù như vậy thì Khánh cũng phải cho tôi biết chứ. Đằng này…
  11. - Bữa nay ngày mấy rồi hả Lài? - Dạ… hai mươi lăm rồi tía. - Hai mươi lăm?… Thôi, con thu xếp đồ đạc ngày mai má con đưa con ra trường. Tôi như rớt xuống đất, chới với. Muốn ôm chầm tía. Muốn chạy qua nhà chú Hai nói cho con Thủy biết, đốt đuốc đi khắp lành để báo cho mọi người hay là ngày mai tôi được ra tỉnh học làm cô giáo. Tôi muốn hét lên, gào lên thiệt lớn cho nỗi vui mừng và sung sướng tột cùng này… Vậy mà không hiểu sao tôi chỉ cười, vội vã đi vô buồn xếp quần áo rất nhanh như sợ tía đổi ý. Cây đèn dầu lụn tim sắp tắt đỏ lòm như cục than tàn mà tôi thấy nó vẫn sáng, sáng hơn cả đèn sân khấu của các đoàn hát lâu lâu về xã diễn tuồng. *** Tôi nhận được tin vui là điểm toàn khóa của tôi xếp loại giỏi, là một trong ba giáo sinh được ưu tiên chọn trường dạy. Tất nhiên, tôi sẽ chọn quê tôi, bởi vì xã tôi còn lạc hậu lắm, bây giờ vẫn chưa có lộ xe nối xuống huyện, chưa có dòng điện Trị An. Tôi hy vọng những giáo viên như tôi ít nhiều làm thay đổi diện mạo văn hóa ở vùng quê xa xôi này. Đang loay hoay xếp quần áo thì Khánh đạp xe từ Tỉnh đội xuống, hớt hơ hớt hãi chào dì rồi đi thẳng vô phòng tôi và chị Lan. Mồ hôi trên mặt Khánh đọng thành giọt rớt xuống quân hàm binh nhất bạc màu. Thấy tôi, Khánh kêu lên: - Lài! Khánh thi đậu trường sĩ quan lục quân rồi! Như con nít, hai đứa nắm tay nhau quay tròn. Lúc sực tỉnh, nhận ra mình đã lớn, tôi mắc cỡ không dám dòm Khánh. Khánh cười khì khì: - Lài về quê dạy hả? Tôi gật đầu. Bỗng dưng Khánh cầm tay tôi. Định rút tay lại nhưng sợ mất hơi nóng từ Khánh lan sang nên tôi cứ để yên như vậy. - Lài! Em chờ anh hén. Năm năm!
  12. Lần đầu tiên, Khánh kêu "em" và xưng "anh" với tôi, ấp ám như gió xuân, thoáng qua làm tim tôi đập rộn lên. Tôi bối rối trước cái nhìn đắm đuối của Khánh. Bất chợt hai ngón tay trỏ giơ lên, ngoéo chặt. - Em là một bông mía kỳ lạ nhất, không sống trên cây mía mà tỏa hương thơm ngọt ngào. Lời Khánh làm tôi nhớ tới hai công mía sau nhà. Từ ngày đi học, tôi không còn thấy bông mía dập dềnh một dãy, vì tía tôi đã đốn bán trước kỳ mía trổ bông.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2