intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao năng suất lao động nhân tố cốt lõi để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

7
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nâng cao năng suất lao động nhân tố cốt lõi để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững ở Việt Nam" phân tích thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam; nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tăng năng suất lao động nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững ở Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao năng suất lao động nhân tố cốt lõi để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững ở Việt Nam

  1. NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG NHÂN TỐ CỐT LÕI ĐỂ XÂY DỰNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM Đàm Thanh Tú* 1 TÓM TẮT: Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng đánh giá trình độ phát triển của nền kinh tế của mỗi quốc gia, là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Trong vài năm gần đây, tuy năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng, đã thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực nhưng vẫn còn khá thấp. Bài viết sau phân tích thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam; nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tăng năng suất lao động nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững ở Việt Nam. Từ khóa: Lao động Việt Nam, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Abstract: Labour productivity is an important indicator of the level of economic development of each country. In recent years, although Vietnam’s labour productivity has been rising and narrowed the gap with other countries in the region but remained relatively low. Vietnam’s development potential is still great, we are still in the golden population structure period, but the biggest challenge for us is to exploit the advantages of a country with more than 90 million hard-working and creative people. This paper analyzes the current situation of labour productivity in Vietnam; causes and propose solutions to increase labor productivity to build national competitiveness and sustainable development in Vietnam. Keywords: Labour productivity, national competitiveness, sustainable development, Vietnamese labour . 1. GIỚI THIỆU Năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Ở cấp độ quốc gia, trong điều kiện hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, NSLĐ xã hội là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế. Theo đánh giá của nhiều tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng. Năm 2017, GDP của Việt Nam tăng 6,81%, quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 220 tỷ USD NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm [7], [8]. Tuy NSLĐ của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm nhưng NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương * Học viện Tài chính, 58 Lê Văn Hiến, Hà Nội, Việt Nam, Tác giả nhận phản hồi: Đàm Thanh Tú, Tel.: +84912426326. E-mail address: dtt.hvtc@gmail.com
  2. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1229 đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đặc biệt, một xu hướng đáng lo ngại là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tiềm năng phát triển của Việt Nam hiện nay còn rất lớn, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song thách thức đặt ra với nước ta là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả các tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển khoa học-công nghệ và nâng cao nang suất lao động thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn, khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng. Vì thế, việc tăng năng suất và cải thiện môi trường làm việc đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện cho Việt Nam. 2. THỰC TRẠNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM Thông thường, NSLĐ xã hội được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Như vậy, cùng số lao động đang làm việc, nếu GDP càng lớn thì NSLĐ xã hội càng cao và ngược lại. Quy mô của GDP nói chung phụ thuộc vào các nhân tố sản xuất là lao động, vốn và công nghệ. Sự kết hợp của các nhân tố lao động, vốn và công nghệ có hiệu quả hay không tùy thuộc vào môi trường thể chế, mô hình tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế và một số nhân tố khác. NSLĐ là một trong các chỉ tiêu thể hiện rõ ràng nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Theo báo cáo công bố ngày 19 tháng 8 năm 2014 của ILO và Ngân hàng thế giới về NSLĐ của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam như sau: Bảng 1: Năng suất lao động thời kỳ 2007-2013 (USD, PPP2005)   Tốc độ 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 tăng BQ (%) Brunei 104,964 100,995 97,758 98,831 99,362 100,051 100,015 -0.53 Cambodia 3,333 3,427 3,334 3,460 3,619 3,797 3,989 2.99 Indonesia 7,952 8,253 8,439 8,763 9,130 9,486 9,848 3.63 Lao PDR 4,029 4,216 4,399 4,636 4,865 5,115 5,396 4.99 Malaysia 31,907 32,868 31,899 33,344 34,056 35,018 35,751 1.92 Myanmar 2,229 2,282 2,364 2,454 2,560 2,683 2,828 4.07 Philippines 8,841 8,920 8,795 9,152 9,168 9,571 10,026 2.02 Singapore 92,260 90,987 88,751 97,151 98,775 96,573 98,072 1.47 Thailand 12,994 13,205 12,922 13,813 13,666 14,446 14,754 2.23 Vietnam 4,322 4,516 4,669 4,896 5,082 5,239 5,440 3.90 China 9,227 10,119 11,008 12,092 13,093 14,003 14,985 8.48 India 6,746 7,021 7,596 8,359 8,832 9,073 9,307 5.99 Japan 63,245 62,746 60,055 62,681 63,018 64,351 65,511 0.73 South Korea 52,314 53,226 53,514 56,106 57,129 57,262 58,298 1.93 Nguồn: ILO: Trends Econometric Models, 2014; World Bank: World Development Indicators, 2014.
  3. 1230 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Như vậy, dựa vào kết quả công bố trên ta thấy, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 quy đổi theo giá cố định 2005 PPP đạt 5440 USD/lao động, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc, bằng 1/12 NSLĐ của Nhật Bản, bằng 1/10 NSLĐ của Hàn Quốc và bằng 1/18 NSLĐ của Singapore. Trong khu vực ASEAN, hiện tại NSLĐ Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Cambodia và đang xấp xỉ với Lào [8],[9]. Tuy nhiên, trong cả giai đoạn 2000-2017, tốc độ NSLĐ của Việt Nam tăng khá ổn định. Do những ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2010 đã dẫn đến sự suy giảm của tốc độ tăng NSLĐ bình quân còn 3,3%/năm, thấp hơn tốc độ tăng của giai đoạn 2001-2005. Giai đoạn 2011-2016, NSLĐ đã phục hồi tốc độ tăng với mức tăng bình quân là 4,6%/năm. Năm 2017, NSLĐ Việt Nam là 93,2 triệu đồng/ lao động theo giá hiện hành, tương đương khoảng 4.159 USD/lao động, tăng 7,8 lần so với năm 2000. Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ đạt 60,7 triệu đồng, bình quân tăng 6%/năm trong giai đoạn 2016-2017 và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2017 đạt 4,1%/năm [4]. Biểu đồ 1: Tốc độ tăng suất lao động của Việt Nam Nguồn: Tổng cục thống kê, 2018. NSLĐ của Việt Nam tăng trong thời gian qua chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, bắt đầu bằng khai thác các tài nguyên tự nhiên, gia công, trình độ chuyên môn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, chưa gia tăng giá trị sáng tạo, hàm lượng chất xám, công nghệ ... Với khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động hàng năm, NSLĐ thấp đang là một rào cản lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, đồng thời cũng làm giảm sức cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực. Đóng góp của lao động trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Theo dự báo của các nhà dân số học, tốc độ tăng của lực lượng lao động Việt Nam sẽ chậm lại do xu hướng già hóa dân số. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có thể đạt được dựa vào tốc độ tăng NSLĐ và khi đó nền kinh tế chuyển dần sang tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu đó thì Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để có thể giữ vững và tăng tốc độ tăng NSLĐ trong thời gian tới, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng tốc độ tăng NSLĐ trên 5,5%/năm như tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam khoá XII [1].
  4. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1231 3. CÁC NGUYÊN NHÂN ẢNH HƯỞNG TỚI NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM Có nhiều nguyên nhân dẫn tới NSLĐ của Việt Nam đạt thấp so với các nước trong khu vực. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng do một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Một là, do máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất còn lạc hậu Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta hiện nay chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị tăng thêm kết tinh trong sản phẩm rất thấp. Nếu năm 1989, hệ số giá trị tăng thêm trên giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến khoảng 0,362 thì đến năm 1996 hệ số này là khoảng 0,3 và năm 2007 hệ số này chỉ còn khoảng 0,27. Rõ ràng với quy trình công nghệ như vậy, Việt Nam đang là một trong những “công xưởng” của thế giới nhưng là công xưởng thuộc loại nhỏ bé [3]. Sản xuất công nghiệp Việt Nam chủ yếu có công nghệ sản xuất thấp và trung bình. Năm 2012, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp sản xuất các sản phẩm thuộc công nghệ thấp và trung bình 88%, công nghệ cao chỉ chiếm 12%, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn năm 2000 (12,8%). Giá trị tăng thêm của các ngành thuộc công nghệ cao năm 2012 chỉ chiếm 26,5% so với toàn ngành chế biến, chế tạo, thấp hơn tỷ lệ 29,1% của năm 2000 [2]. Hai là, do chất lượng lao động và cơ cấu lao động chưa hợp lý Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện qua trình độ chuyên môn kỹ thuật, cụ thể là kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý, kinh doanh và các hoạt động nghề nghiệp. Năm 2015, cả nước có hơn 10,5 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chiếm 19,9%. Như vậy, cả nước hiện có trên 42,4 triệu người (chiếm 80,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ nhất giữa khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 36,3%, trong khi ở nông thôn chỉ có 12,6% [2],[3]. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ. Cơ cấu lao động ở Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm và còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. Cụ thể, “tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng tăng tương ứng từ 17,6% lên 22,8%; tỷ trọng lao động trong khu vực dịch vụ tăng từ 27,3% lên 33,2%; tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 55,1% năm 2005 xuống còn 44,0% năm 2017, tương ứng với 23,5 triệu người đang làm việc trong khu vực này…” [2], [4]. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, phần lớn lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp. Ba là, do thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị Nhà nước Cải cách thể chế kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nâng cao NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao, còn chồng chéo, không tương thích với nhau. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là đối với thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản.
  5. 1232 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Bên cạnh cải cách thể chế, vấn đề quản trị Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cũng như tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong thời gian qua, tuy có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, hệ thống pháp luật, trách nhiệm giải trình, quản lý chi tiêu công… nhưng quản trị Nhà nước cải thiện không nhiều. Xếp hạng các chỉ số quản trị toàn cầu (Worldwide Governance Indicators - WGI) các năm gần đây do Ngân hàng thế giới công bố cho thấy Việt Nam chỉ đạt kết quả tốt nhất về ở các chỉ số “ổn định chính trị và không có bạo lực”, tuy nhiên chỉ số “Tiếng nói và trách nhiệm giải trình” vẫn còn ở nhóm thấp. Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam hiện ở vị trí thứ 90/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh, thấp hơn nhiều so với Singapore (vị trí số 1), Malayxia (vị trí 18) và Thái Lan (vị trí 49) [6]. Bốn là, do trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 11,9% cho giai đoạn 2001-2005 và 4,5% giai đoạn 2006-2010; ước tính giai đoạn 2011-2017 đạt khoảng 29%. So với một số nước trong khu vực về đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế cho thấy, trong giai đoạn 2001-2010 Việt Nam đạt mức rất thấp với 4,3%, trong khi Hàn Quốc đạt 51,3%; Malaxia đạt 36,2%; Thái Lan đạt 36,1%, Trung Quốc đạt 35,2%; Ấn Độ đạt 31,1%. Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP phản ánh trình độ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất kinh doanh của lao động Việt Nam còn ở mức thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại [2]. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2001-2017 chủ yếu dựa vào đóng góp của vốn và lao động, trong đó yếu tố vốn đóng góp tới 72,03% và yếu tố lao động đóng góp 23,69%. Việc huy động được nguồn vốn lớn mặc dù đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội nhưng hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp, thể hiện qua hệ số ICOR của Việt Nam ở mức cao và tăng lên qua các thời kỳ: Trong giai đoạn 2001-2005, để tạo ra 1 đồng GDP Việt Nam phải đầu tư 4,88 đồng; giai đoạn 2006-2010 cần 6,96 đồng; giai đoạn 2011- 2017 tiếp tục ở mức 6,91 đồng [4]. Năm là, do chính sách lương tiền lương còn chưa hợp lý Báo cáo tiền lương toàn cầu mới nhất của ILO cho thấy, xu hướng đình trệ tăng lương ở nhiều quốc gia. Trong khi đó Việt Nam được đánh giá tăng trưởng lương có diễn tiến tích cực nhưng vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để bắt kịp với thế giới. Mức lương tối thiểu của Việt Nam mặc dù cao hơn so với Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN. Chính chế độ lương thấp và cào bằng dẫn đến người lao động không có động lực phát triển. ILO chỉ ra rằng, những nước có NSLĐ cao thường là những nước có mức lương cho người lao động cao. Đây là hai yếu tố có quan hệ tỉ lệ thuận với nhau. Khi chế độ trả lương, thưởng ở mỗi vị trí cho người lao động tương xứng với công sức hay thời gian lao động mà họ bỏ ra thì đó sẽ là động lực giúp người lao động làm việc. Và ngược lại thì người lao động sẽ có ít động lực phấn đấu hơn. Khi đó họ sẽ có ý nghĩ làm nhiều hay làm ít, có tăng NSLĐ hay không thì thu nhập cũng không tăng. 4. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG NHẰM XÂY DỰNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM Nghị quyết số 05/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nghị quyết đề ra mục tiêu tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%. Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng
  6. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1233 mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái; chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nghị quyết xác định cải thiện và nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, những giải pháp quản lý, điều hành của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trong việc cải thiện và nâng cao năng suất lao động nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, để nâng cao NSLĐ trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: * Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cải cách thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước đối với phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường vai trò của cơ chế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình hội nhập. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ công. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Thứ ba, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cần nhận thức việc tạo lập chính sách nhằm nâng cao NSLĐ là giải pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Cần có quyết tâm chính trị và cam kết thực hiện các giải pháp nâng cao NSLĐ của Việt Nam. Định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp đề ra để kịp thời có các điều chỉnh phù hợp. * Nhóm giải pháp nâng cao NSLĐ cho khu vực doanh nghiệp Thứ nhất, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Phát huy liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại như đào tạo chuyên sâu, triển khai các mô hình thí điểm… Bên cạnh đó, từng bước nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, tỷ trọng giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo hướng chú trọng vào chất lượng, hiệu quả; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành, lĩnh vực theo định hướng hỗ trợ của Nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản tạo nên NSLĐ. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu phát triển là giải pháp cơ bản để nâng cao NSLĐ. Cần tiến hành rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm kỹ thuật. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. Khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của bản thân, các doanh nghiệp bạn hàng, đối tác, các doanh nghiệp có liên quan khác.
  7. 1234 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Thứ ba, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Trong đó, chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng quản trị hiện đại và chuyên nghiệp, ngoại ngữ, tin học,… Thứ tư, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp. Thứ năm, tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu công nghiệp, tạo điều kiện để người lao động ổn định đời sống, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Nâng dần mức lương tối thiểu vùng để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động theo từng vùng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, gắn tiền lương của người lao động với NSLĐ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng rằng, với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, đặc biệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh kinh tế tư nhân để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao NSLĐ thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ xây dựng được năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực như tinh thần của Nghị quyết số 05/NQ-TW của Ban chấm hành Trung ương Đảng cộng sản khóa XII đã đề ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết số 05-NQ/TW về chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. [2]. Nguyễn Bá Ngọc- Ths. Phạm Minh Thu (2016), Năng suất lao động ở Việt Nam- nhìn từ góc độ cơ cấu lao động và kỹ năng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội. [3]. Nguyễn Văn Bắc (2015), Năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 5 (90), trang 25-30. [4]. Tổng cục thống kê (2018), Báo cáo năng suất lao động Việt Nam. [5]. Vụ Lao động Văn hóa Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Hà Nội, tháng 3-2017. [6]. World Bank, Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh 2016. [7]. Website: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2018/50921/Nang-cao-nang-suat-lao-dong-Yeu-to -quan-trong-de.aspx (cập nhật ngày 22/5/2018). [8]. Website: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2016-10-24/cai-thien-nang-suat-lao-dong-la-chia-khoa -de-hoi-nhap-37105.aspx (cập nhật ngày 22/5/2018). [9]. International Labour Organization (2014), Trends Econometric Models. [10]. World Bank (2014), World Development Indicators.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2