intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương từ lý thuyết liên văn bản

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

24
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Nghiên cứu tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương từ lý thuyết liên văn bản nghiên cứu tác phẩm Thoạt kỳ thủy từ lý thuyết liên văn bản. Với lối viết hiện đại, tính liên văn bản được thể hiện ở Thoạt kỳ thủy trên các phương diện: i) ảnh hưởng và pha trộn của các thể loại văn học từ thơ, truyện ngắn đến kịch; ii) sự tiếp biến văn hóa nhân loại và dân tộc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương từ lý thuyết liên văn bản

  1. Nghiên cứu tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương từ lý thuyết liên văn bản Nguyễn Thị Hải Hằng* Nhận ngày 5 tháng 3 năm 2022. Chấp nhận đăng ngày 20 tháng 6 năm 2022. Tóm tắt: Nguyễn Bình Phương là một trong những tác giả tên tuổi của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Bình Phương và các tác phẩm của ông. Bài viết này nghiên cứu tác phẩm Thoạt kỳ thủy từ lý thuyết liên văn bản. Với lối viết hiện đại, tính liên văn bản được thể hiện ở Thoạt kỳ thủy trên các phương diện: i) ảnh hưởng và pha trộn của các thể loại văn học từ thơ, truyện ngắn đến kịch; ii) sự tiếp biến văn hóa nhân loại và dân tộc. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Bình Phương đã chú ý tạo nên những mạng lưới văn bản chằng chịt với sự ảnh hưởng, pha trộn của nhiều thể loại văn học và phi văn học. Sự pha trộn này không những giúp nhà văn thành công trong khám phá về con người và cuộc sống đương đại, mà còn nâng tầm cách viết lên một tầm cao mới. Từ khóa: Thoạt kỳ thủy, liên văn bản, Nguyễn Bình Phương. Phân loại ngành: Văn học Abstract: Nguyễn Bình Phương is one of the famous authors of modern Vietnamese novels. There have been many studies on Nguyễn Bình Phương and his works. This article studies the work Thoạt kỳ thủy from the Intertextual Theory. With modern writing style, the intertextuality is shown in the Thoạt kỳ thủy in the following aspects: i) the influence and mixing of literary genres from poetry, short stories to drama; ii) human and national acculturation. In his work, Nguyễn Bình Phương has paid attention to create interlaced text networks with influences and mixtures of many literary and non-literary genres. This blend not only helps the writer succeed in exploring people and contemporary life, but also elevates writing to a new level. Keywords: Thoạt kỳ thủy, intertextuality, Nguyễn Bình Phương. Subject classfication: Literature 1. Mở đầu Chính thức ra đời vào khoảng năm 1967 gắn với tên tuổi của nhà nghiên cứu Julia Kristeva, thuật ngữ “liên văn bản” đã có lịch sử tồn tại hơn nửa thế kỷ. Ngay từ khi ra đời, lý thuyết liên văn bản đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học trên thế giới. Là một hướng đi khả dụng, phù hợp với tâm thế tiếp nhận của thời đại, lý thuyết liên văn bản đã được nhiều nhà lập thuyết có tên tuổi như Barthes, Genette, Riffaterre, Bloom... nghiên cứu, phát triển và mở rộng. Với những cách thức cũng như xu hướng tiếp cận khác nhau đối với vấn đề tính liên văn bản, những công trình nghiên cứu của các nhà lập thuyết trên đã khởi đầu cho một xu hướng nghiên cứu mới trong văn học. Từ đây, liên văn bản trở thành một vấn đề thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu khác khi họ không ngừng truy tìm về nguồn gốc của nó. Ở Việt Nam, lý thuyết liên văn bản cũng đã thâm nhập sâu vào đời sống văn học, thể hiện rõ nhất trên các phương diện sáng tác, tiếp nhận và nghiên cứu. Sự xuất hiện của lý thuyết liên văn bản đã có tác dụng lôi kéo nhà văn và độc giả cùng tham gia vào trò chơi ngôn từ. Tiếp cận * Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Email: haihang9911@gmail.com 119
  2. Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2022 tác phẩm văn học theo tinh thần liên văn bản sẽ thấy được sự sinh thành của mỗi văn bản thực chất là một quá trình đối thoại (bên trong và bên ngoài). Đây là hướng đi khả dụng, kích thích quá trình tìm tòi và đồng sáng tạo của độc giả. Đối với những độc giả trong nước, cái tên Nguyễn Bình Phương không còn xa lạ. Trải qua một chặng đường dài với hơn 30 năm bén duyên cùng văn chương nghệ thuật, cho đến nay Nguyễn Bình Phương đã có được những thành công đáng ghi nhận. Với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, Nguyễn Bình Phương đã dần xác lập được chỗ đứng chắc chắn trong nền văn học Việt Nam nói chung và nhất là trong lòng độc giả, kể cả những độc giả đương đại khó tính nhất. Trong suốt quá trình lao động nghệ thuật, Nguyễn Bình Phương đã nhận về mình không ít những ý kiến đánh giá trái chiều. Song với quan niệm viết văn là để trải lòng, để suy ngẫm về những mảnh đời, những phận người, mỗi sáng tác của Nguyễn Bình Phương khi ra đời đều có sức mời gọi đối với người đọc. Bắt đầu viết tiểu thuyết khi lý thuyết liên văn bản đã có lịch sử hơn 20 năm, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên một lối đi riêng khi vận dụng kỹ thuật liên văn bản, nhất là với Thoạt kỳ thủy. Trong tiểu thuyết này, Nguyễn Bình Phương chú ý tạo nên những mạng lưới văn bản chằng chịt với sự ảnh hưởng, pha trộn của nhiều thể loại văn học và phi văn học. Nghiên cứu Thoạt kỳ thủy, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, qua đó khái quát thành những luận điểm lớn để thấy rõ tính liên văn bản trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Sự pha trộn những thể loại khác nhau không chỉ là một phương cách hữu dụng để nhà văn thể hiện những khám phá về con người và cuộc sống đương đại, mà còn là nhân tố quan trọng để đa dạng hóa, sinh động hóa nghệ thuật trần thuật. 2. Lý thuyết liên văn bản Liên văn bản là một phát hiện quan trọng trong tư duy văn học thế kỷ XX và là một trong số những cánh cửa mở ra một bước ngoặt lớn của thời đại. Chính nó đã tạo nên những nhận thức hoàn toàn mới mẻ về việc tồn tại, vận động của bản chất sự sống, của hành vi sử dụng và thực hành ngôn ngữ. Cùng với phi tâm hóa, liên văn bản là từ khóa cốt yếu của khuynh hướng giải cấu trúc, một dòng chảy mạnh mẽ trong trào lưu hậu hiện đại. Xuất phát từ việc nghiên cứu công trình Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ (1924) của Bakhtin, nhà phê bình chủ nghĩa nữ quyền người Pháp gốc Bulgaria là Julia Kristeva đã đề xuất thuật ngữ liên văn bản (intertextuality). Chính bà là người có công lớn trong việc đưa những tư tưởng của Bakhtin đến với giới nghiên cứu văn học phương Tây lúc bấy giờ. Đồng thời, bà cũng là người đã tiếp thu có sáng tạo những lý thuyết về nguyên tắc đối thoại của Bakhtin. Trong buổi seminar về Bakhtin do Roland Barthes chủ trì vào năm 1967, Kristeva đã tham dự với bài tiểu luận Bakhtin, từ, đối thoại và tiểu thuyết, đánh dấu sự ra đời chính thức của thuật ngữ liên văn bản. Trong bài tiểu luận này, Kristeva đề cập đến quan niệm của Bakhtin về tính đối thoại trong hành vi sử dụng ngôn ngữ của con người. Theo Bakhtin và các nhà hình thức Nga, bản chất của ngôn ngữ là có tính đối thoại: “Những từ mà chúng ta dùng ngày hôm nay đều chứa đựng tiếng nói của những người khác; trong văn chương, đó là “tính đối thoại” (tiếng Pháp: dialogisme) - mỗi văn bản đều “đối thoại” với văn bản khác” (Đỗ Đức Hiểu và cộng sự, 2004, tr.1740). Vì vậy, tác phẩm văn chương, với tư cách là những sáng tác ngôn từ, tồn tại như một kiểu lời nói, tất yếu sẽ có quan hệ đối thoại với những tác phẩm khác ra đời trước và sau nó. Đây chính 120
  3. Nguyễn Thị Hải Hằng là bản chất đối thoại của ngôn ngữ và cũng là bản chất của tồn tại xã hội. Nếu coi mỗi sáng tác là tiếng nói của mỗi chủ thể phát ngôn khác nhau thì, khi sáng tác, nhà văn phải đứng trước vô vàn những tiếng nói khác nhau ấy. Hơn thế nữa, mỗi tiếng nói lại không chỉ bị chi phối bởi những yếu tố thuộc về chủ thể phát ngôn như giới tính, địa vị, nghề nghiệp, tâm lý, lứa tuổi, trình độ..., mà còn chịu ảnh hưởng từ những yếu tố nằm ngoài chủ thể như hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội... Nhiệm vụ của các nhà văn là phải quy tụ, liên kết các tiếng nói đó lại để đưa vào tác phẩm của mình, nhằm tạo ra một tiếng nói mới mà ở đó sẽ có những đối thoại của những chủ thể diễn ngôn. Những đối thoại đó cũng không chỉ đơn thuần là của những chủ thể diễn ngôn trong tác phẩm, mà còn là đối thoại giữa các chủ thể diễn ngôn trong tác phẩm này với những chủ thể diễn ngôn trong tác phẩm khác và giữa chủ thể diễn ngôn trong tác phẩm với các chủ thể diễn ngôn bên ngoài tác phẩm, như hiện thực xã hội, bối cảnh văn hóa. Đó chính là tính chủ thể và tính liên chủ thể trong hành vi sử dụng ngôn ngữ của con người. Từ nguyên tắc đối thoại này trong giao tiếp ngôn ngữ của Bakhtin, Kristeva đã liên hệ tới sự “đối thoại” giữa các văn bản trong một văn bản. Và Kristeva đã dùng thuật ngữ “liên văn bản” để thay thế cho tính đối thoại/tính liên chủ thể của Bakhtin. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là sự thay thế đơn thuần về tên gọi. Bởi trên thực tế, nội hàm khái niệm “liên văn bản” do Kristeva đề xuất có sự khác biệt với nguyên tắc đối thoại của Bakhtin. Nếu như nguyên tắc đối thoại của Bakhtin chú trọng sự đối thoại của các chủ thể, thì quan niệm liên văn bản của Kristeva lại quan tâm đến sự đối thoại của các kiểu viết khác nhau. Đồng thời, Kristeva cũng khẳng định: “Ngoài cái thực tồn tại bên cạnh nhà nghệ sĩ, anh ta còn có quan hệ với văn học trước đó và văn học cùng thời với mình, văn học mà anh ta luôn cùng nó đối thoại, và cuộc “đối thoại” này được hiểu như cuộc đấu tranh của nhà văn với những hình thức văn học hiện tồn” (Đào Tuấn Ảnh và cộng sự, 2003, tr.422). Điều đó cũng có nghĩa là không có văn bản nào tồn tại một cách đơn lập, riêng lẻ, một mình một cõi, mà trái lại, mỗi văn bản luôn chịu sự tác động của văn bản văn hóa và chứa đựng ít nhiều những cấu trúc ý thức hệ thể hiện qua các diễn ngôn khác nhau. Kết quả là bất kì từ hay văn bản nào cũng là một giao điểm với ít nhất là một từ hay một văn bản khác. Lý thuyết liên văn bản có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Trong sự nghiệp của mình, mỗi nhà lý luận đều có những quan niệm riêng và đưa ra những lý thuyết riêng về vấn đề này. Xoay quanh vấn đề liên văn bản, các nhà lập thuyết đưa ra những quan niệm của mình về văn bản, đặc trưng của người viết và đặc trưng của người đọc. Các quan điểm này, có khi đồng nhất và phát triển theo sự kế thừa, tiếp nối, song có khi lại không thống nhất, thậm chí, đôi chỗ còn trái chiều nhau. 3. Tính liên văn bản trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy 3.1. Ảnh hưởng và pha trộn thể loại văn học Sự thâm nhập của thơ: Với một trữ lượng lớn về trăng và máu, Thoạt kỳ thủy Nguyễn Bình Phương đưa người đọc đến với thế giới Thơ điên của Hàn Mặc Tử. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, trăng và máu là hai hình tượng nghệ thuật xuất hiện nhiều, và ám ảnh nhất là trong Thoạt kỳ thủy. Theo Đoàn Cẩm Thi (2005), Thoạt kỳ thủy là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của thơ Hàn Mặc Tử đối với tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương trên cả hai bình diện là xây dựng hình tượng nghệ thuật và tổ chức kết cấu ngôn từ. Ở bình diện xây dựng hình tượng, cũng giống như trăng trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói chung và Thoạt kỳ 121
  4. Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2022 thủy nói riêng gợi lên nhiều liên tưởng dữ dội. Đó không chỉ là trăng mà còn là trăng đen, đó không chỉ là vầng trăng chao đảo với ánh vàng hoang hoải mà còn là vầng trăng dẫn dụ về cái chết. Cả trăng trong thơ Hàn Mặc Tử và trăng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đều hiện lên với vẻ ma quái, rờn rợn. Cùng với trăng, máu cũng là một hình tượng nghệ thuật trở đi trở lại nhiều trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, nhất là ở Thoạt kỳ thủy. Nếu như Thơ điên là thế giới của những sự diễn đạt phi logic, bất chấp quy luật thì ở Thoạt kỳ thủy cũng vậy. Người đọc thật khó có thể tìm được một trật tự nào trong cách diễn đạt của Nguyễn Bình Phương. Bởi vậy, đọc những diễn ngôn về trăng và máu trong thơ Hàn Mặc Tử và trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, người đọc chỉ có thể tiệm cận tới dự cảm, khó có thể thấu triệt tường tận, hay cắt nghĩa và lý giải rõ ràng. Có thể thấy, ở đây, không chỉ đơn thuần là sự “hỗn đồng” về thể loại mà còn là sự pha trộn có ý thức, có chủ đích của nhà văn, thể hiện một tư duy thơ thấm đẫm trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trước khi đến với tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã là một nhà thơ có tiếng. Khác với cách kiến tạo câu văn xuôi thông thường, trong Thoạt kỳ thủy, nhiều câu văn có số lượng âm tiết ít, có độ dài chỉ chiếm khoảng 1/3 dòng của trang in. Hơn nữa, mỗi câu văn cực ngắn ấy lại không phải là đơn vị tham gia tổ chức ngữ đoạn mà bản thân chúng chính là ngữ đoạn. Cứ thế, nhiều trang văn của Nguyễn Bình Phương được tổ chức như những trang thơ với những câu văn ngắn xuống dòng liên tục. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong Thoạt kỳ thủy. Thêm vào đó là việc sử dụng một ngôn ngữ giàu chất thơ với những hình ảnh trùng điệp, có giá trị tạo hình cao. Hiện thực hoang hoải, phân rã với bi kịch tự hủy diệt trong thế giới Thoạt kỳ thủy được biểu đạt bằng những câu văn ngắn với những dồn nén về cảm xúc của người kể chuyện. Một biểu hiện khác cho thấy sự thâm nhập của thơ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là việc đan xen của nhiều bài thơ trong cấu trúc tác phẩm. Ở đây, lời thơ hòa vào trong lời nhân vật và lời người kể chuyện. Chính sự dung nhận thể loại thơ vào trong cấu trúc tiểu thuyết đã đem lại chất trữ tình sâu lắng cho thể loại này. Đây là một dụng công của Nguyễn Bình Phương cho thấy những nỗ lực không ngừng nhằm làm mới thể loại tiểu thuyết. Ở Thoạt kỳ thủy, lời thơ xuất hiện trong tiếng hát của ông Phùng, thể hiện tâm trạng đầy cô đơn, khắc khoải của nhân vật. Đó là một bài thơ nằm trong Và cỏ, một tập truyện của nhân vật nhà văn Phùng, được đặt ở phần C - Phụ chú của Thoạt kỳ thủy. Không chỉ tham gia vào việc kể chuyện, thơ còn biểu đạt chiều sâu tâm trạng nhân vật. Đó là những cảm xúc da diết, những suy tư mênh mang… Những nỗi niềm ấy không chỉ được biểu đạt bằng những câu thơ vắt dòng thông thường với sự nhảy dòng của các từ, mà còn là sự nhảy dòng của những chữ cái cấu tạo nên từ. Không thực hiện chức năng triết lý như trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, song cũng giống như trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, nhiều bài thơ trong Thoạt kỳ thủy hoàn toàn có thể tách riêng để tạo nên những bài thơ độc lập. Nó giống như những bài thơ siêu thực, rất mơ hồ và khó nắm bắt về nghĩa. Sự thâm nhập của truyện ngắn: Ở Thoạt kỳ thủy còn có sự thâm nhập của truyện ngắn vào trong cấu trúc nội tại của thể loại tiểu thuyết. Nhờ khả năng phối kết, thu hút nhiều thể loại, trong đó có truyện ngắn, mà tiểu thuyết trở thành một thể loại giàu tiềm năng trong việc khai thác và khám phá hiện thực. Trong quan niệm truyền thống, tiểu thuyết phải có dung lượng lớn, có số lượng và tuyến nhân vật phong phú, có khối lượng sự kiện đa dạng... Tuy nhiên, tiểu thuyết đương đại Việt Nam lại xuất hiện khá nhiều những tiểu thuyết ngắn, có dung lượng trên dưới một trăm trang. Nghĩa là các nhà văn đương đại có xu hướng “chơi thể loại” bằng cách tạo nên nhiều tiểu thuyết có hình hài 122
  5. Nguyễn Thị Hải Hằng lệch chuẩn so với truyền thống. Thoạt kỳ thủy cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Đó là một biểu hiện cho thấy, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương có sự thâm nhập của thể loại truyện ngắn. Có thể nói, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã thu gọn cái “hình hài” vốn bề thế của nó để tiến gần hơn đến thể loại truyện ngắn. Khác với tiểu thuyết truyền thống, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rất ít nhân vật và sự kiện. Xu hướng thu hẹp bề ngang để đào sâu chiều dọc, đi vào thế giới nội tâm nhân vật để giải phẫu, phanh phui, phơi bày mọi khía cạnh gai góc nhất, mọi góc tối khó thấy nhất mà con người cố tình che đậy cũng là điều mà Nguyễn Bình Phương hướng tới. Mọi đứt gãy nhân sinh và bi kịch của đời sống con người đều được dồn nén trong một cuộc đời bình thường. Hiện tượng truyện lồng trong truyện, văn bản lồng trong văn bản cũng xuất hiện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Truyện lồng trong truyện là một thủ pháp cốt truyện, một kỹ thuật viết biểu hiện của tính liên văn bản. Đây là cách đưa một hoặc nhiều truyện ngắn vào tiểu thuyết tạo nên hiện tượng truyện ngắn trong tiểu thuyết. Các truyện này có thể là của chính tác giả, của một tác giả khác hoặc của một nhân vật trong tiểu thuyết. Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương cũng là một trường hợp tiêu biểu. Ở đây, Nguyễn Bình Phương đã lồng vào tiểu thuyết một truyện ngắn của nhân vật ông Phùng có tên Và cỏ. Đây là một truyện ngắn độc lập được nhà văn đưa vào phần Phụ chú, tách hẳn với phần Chuyện. Ở đó, có lời dẫn giải rất rõ ràng, trang trọng: “I. Tác phẩm của ông Phùng (Lưu ý: ngoài những tác phẩm gửi dự thi đã được in, ông Phùng còn có 6 truyện chưa hề in, nhưng rất tiếc là đã thất lạc hết. Truyện còn lại duy nhất này in nguyên theo bản nháp tìm được ở gầm phản của ông Phùng. Người cung cấp là cô Nhai)” (Nguyễn Bình Phương, 2005, tr.140). Nhìn bề mặt tác phẩm, việc lồng truyện này có vẻ như rời rạc, thiếu tính logic. Tuy nhiên, đi sâu vào mạch ngầm của văn bản, có thể thấy mối liên hệ chặt chẽ của lát cắt này với cấu trúc chỉnh thể của Thoạt kỳ thủy. Điều đặc biệt có thể thấy là, cả Thoạt kỳ thủy và Và cỏ đều có sự trở đi trở lại của hình tượng trăng cùng với trạng thái mơ và điên. Đáng chú ý là sự xuất hiện của một bài ca ngắn về cỏ trắng và chim nâu. Điều đó cho thấy, truyện ngắn Và cỏ của ông Phùng là một phiên bản thu nhỏ, rút gọn của Thoạt kỳ thủy. Từ đó, thêm một lần nữa thể hiện những suy ngẫm của Nguyễn Bình Phương về mối quan hệ giữa sáng tạo với trạng thái mơ và điên trong văn học. Sự thâm nhập của kịch: Thoạt kỳ thủy tiêu biểu cho sự thâm nhập của thể loại kịch vào tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Tính chất kịch được thể hiện khá rõ từ việc giới thiệu nhân vật cho đến cách tổ chức thời gian nghệ thuật. Tiểu thuyết được chia làm ba phần với tiêu đề rất cụ thể, gồm: phần A - Tiểu sử, phần B - Chuyện và phần C - Phụ chú. Trong phần A, nhà văn dành gần ba trang sách để giới thiệu về các nhân vật. Đó là thông tin về mười tám nhân vật sẽ xuất hiện trong phần B - Chuyện. Các thông tin này rất cụ thể, bao gồm: chiều cao, cân nặng, ngoại hình, xuất thân, quê quán, sở trường, chức vụ... Cách giới thiệu nhân vật ở đây rất giống với thể loại kịch. Ở phần B - Chuyện, gồm hai mạch truyện chạy xoắn kép vào nhau, đó là mạch truyện về con cú và mạch truyện về cuộc sống của người dân xóm Soi. Hai mạch truyện này giống như hai phân cảnh chính của một vở kịch, trong đó mỗi phân cảnh bao gồm nhiều màn, nhiều lớp khác nhau. Tính chất kịch còn được thể hiện ở sự ngưng trệ, dồn nén về thời gian, giống như thời gian trên sân khấu. Màn kịch mở ra với hình ảnh con cú bị bắn rớt xuống sông lúc 11 giờ 15 phút và kết thúc vào lúc 12 giờ khi nó cất cánh bay lên ở cuối tiểu thuyết. Trong khoảng thời gian 45 phút, tương ứng với thời gian của một vở kịch, có biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra với cuộc đời con người, tương ứng với khoảng 20 năm có dư, kể từ lúc Tính được sinh ra, lớn lên cho đến khi 123
  6. Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2022 chết đi. Cách thức tổ chức thời gian nghệ thuật và cốt truyện như vậy trong Thoạt kỳ thủy rất giống với thể loại kịch. Đặc biệt, tính chất kịch còn được thể hiện ở chỗ, trong nhiều trang tiểu thuyết, có những trang chỉ toàn là ngôn ngữ đối thoại. Điều này cho thấy những dụng công của Nguyễn Bình Phương trong việc đổi mới kỹ thuật viết. Ở những đoạn như thế này, nhà văn dường như loại bỏ hết mọi giải thích, xóa bỏ tất cả liên lạc giữa những diễn biến xảy ra và phi tang hoàn toàn mọi hình thức kể. Sự tiết chế câu chữ như vậy giúp nhà văn có thể sáng tạo nên những tiểu thuyết ngắn hàm súc có giá trị cao trong việc biểu hiện nghĩa. Những hình thức liên văn bản trong Thoạt kỳ thủy cũng chi phối không nhỏ ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Nếu như việc đưa vào tiểu thuyết những tri thức xã hội đã tạo nên những trang tiểu thuyết với lớp ngôn ngữ trần trụi, thô ráp thì với sự ảnh hưởng của thơ Hàn Mặc Tử, sự thâm nhập của thơ trong Thoạt kỳ thủy lại tạo nên chất thơ bay bổng cho ngôn ngữ trần thuật. Nhiều bài thơ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương với cách tổ chức ngôn ngữ trần thuật độc đáo đã tạo nên những khoảng trắng ngôn từ, tựa như những khoảng lặng của suy tư, cảm xúc. Nó cũng có thể là một cách thức để nhà văn thể hiện những đứt gãy nhân sinh trong cuộc sống hiện tồn. Lối tổ chức ngôn từ độc đáo này đã đem lại chất thơ bàng bạc cho ngôn ngữ người kể chuyện, làm nên nét riêng trong văn phong Nguyễn Bình Phương. Sự pha trộn của thể loại kịch trong Thoạt kỳ thủy tạo nên giọng điệu vô âm sắc. Giọng điệu này được tạo nên bởi người kể chuyện cố ý bẻ vụn câu văn, kìm nén âm giọng, tạo thành những câu văn trần thuật ngắn gọn, rời rạc, thiếu sự liên kết. Ngoài ra, còn bởi người kể chuyện hoàn toàn không tham gia vào chỉ dẫn khi kể lại các đoạn thoại của nhân vật, các chi tiết được giản lược đến mức tối đa, thậm chí cả chủ thể phát ngôn và đối tượng được kể. 3.2. Tiếp biến văn hoá nhân loại và dân tộc Sự tiếp biến văn hóa nhân loại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được thể hiện ở việc kiến tạo các biểu tượng văn hóa trong tâm thức loài người nói chung. Trong tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã tiếp biến khá nhiều biểu tượng văn hóa của nhân loại, một biểu hiện của sự dung hợp văn hóa Đông Tây, cho thấy sự ảnh hưởng, tác động của vô thức tập thể đối với quá trình sáng tác của cá nhân. Không chỉ sử dụng nguyên nghĩa biểu đạt vốn có của biểu tượng, Nguyễn Bình Phương còn đem đến cho thế giới biểu tượng những nét nghĩa mới. Ở đó, các biểu tượng cũng không chỉ được sử dụng một cách độc lập, mà còn được Nguyễn Bình Phương đặt trong mối tương quan với nhau nhằm chuyên chở những thông điệp về cuộc đời và con người. Các biểu tượng xuất hiện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không chỉ là phương tiện, mà còn là một thành tố quan trọng trong tư duy nghệ thuật. Việc kiến tạo hệ thống các biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cho thấy, trong tác phẩm của mình, nhà văn vẫn tuân theo vô thức tập thể bằng cách sử dụng lại những nét nghĩa vốn có của biểu tượng nhằm đảm bảo tính liên tục của truyền thống, tính liên văn hóa trong sáng tác văn học. Song, mặt khác, nhà văn cũng chống lại vô thức bằng cách đem đến cho hệ thống các biểu tượng những nét nghĩa mới. Điều đó không chỉ tạo nên những đứt đoạn, giúp nhà văn có được sự sáng tạo cá nhân, mà còn thể hiện bản lĩnh cũng như khẳng định phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính việc kiến tạo thế giới biểu tượng đã góp phần làm nên độ sâu, sức ngân của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Biểu tượng trăng và trăng đen. Theo Chevalier and Gheerbrant (2016), trăng là một biểu tượng của sự phụ thuộc và bản nguyên nữ. Ý nghĩa biểu tượng của trăng hiện ra trong tương quan với mặt trời. Trăng biểu tượng của các nhịp điệu sinh học, của thời gian trôi đi, của cái chết 124
  7. Nguyễn Thị Hải Hằng đầu tiên, của tri thức gián tiếp, thường được gắn với biểu tượng của con chim cú, của tính lười biếng và sự bừa bãi tình dục, của bản nguyên thụ động, của chiêm mộng, của vô thức. Còn trăng đen là hiện thân của nỗi cô đơn, của cái rỗng không tuyệt đối, là biểu tượng của năng lượng cần phải tiêu hủy, bóng tối cần phải xua tan, cái nghiệp cần phải giải trừ, là biểu tượng của sự hủy diệt, của các dục vọng đen tối và bất lương, của các năng lượng thù địch. Trong Thoạt kỳ thủy, trăng xuất hiện với tần số cao - lên tới 50 lần và trăng đen 10 lần, chủ yếu tượng trưng cho bản mệnh chết của Tính. Mỗi lần trăng xuất hiện là mỗi lần Tính cảm thấy lạnh và muốn co người lại: “Tính không ngủ được vì trăng. Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết” (Nguyễn Bình Phương, 2005, tr.25). Nếu như trong tâm thức người Việt, trăng là chị Hằng Nga, được ví như mẹ, thì ở đây, trăng lại gợi lên sự lạnh lẽo đáng sợ và là những ám ảnh thường trực về cái chết và địa ngục. Biểu tượng con cú. Trong tâm thức nhân loại, “cú mèo là biểu tượng của sự buồn phiền, tăm tối, ẩn dật và sầu muộn, bởi lẽ nó không giáp mặt với ánh sáng ban ngày”. Trong tâm thức người Việt, con cú là biểu tượng của sự chết chóc. Gặp chim cú là dấu hiệu của điềm xui, nghe tiếng chim cú là điềm báo về điều dữ sắp xảy ra. Nguyễn Bình Phương đã tái thiết những biểu tượng vốn có trong tâm thức nhân loại và người Việt để kiến tạo nên biểu tượng chim cú trong Thoạt kỳ thủy. Hơn cả sự hủy diệt, hơn cả sự chết chóc, trong Thoạt kỳ thủy, con cú xuất hiện đầy thách thức từ lúc nó rơi xuống sông đến lúc nó cất cánh bay lên. Có thể nói, trong 45 phút xuất hiện, mỗi cử động của con cú đều gắn với những tai họa giáng xuống Linh Sơn, gắn với cái chết của con người. Đó không chỉ là cái chết của một người, mà còn là cái chết của nhiều người, đó cũng không chỉ là cái chết về thể xác mà còn là cái chết về tinh thần. Và điểm trùng hợp là, tất cả cái chết ở làng Phan đều là hậu quả của hành vi bắn giết lẫn nhau như con người đã từng làm với con cú. Thông qua việc xác lập mối tương quan giữa các biểu tượng mang ẩn ức sinh thái, Nguyễn Bình Phương muốn gửi đến một thông điệp vô ngôn về cái chết tự hủy diệt của con người đương đại. Biểu tượng chó. Trong văn hóa Việt Nam, chó cũng là con vật rất được coi trọng; là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa trong Thoạt kỳ thủy. Chó xuất hiện nhiều lần với điệp khúc: “Mắt chó vàng như trăng”. Nếu như trăng là sự ám ảnh về cái chết thì chó đóng vai trò của kẻ dẫn đường cho linh hồn người chết. Hai hình ảnh đó lặp đi lặp lại trong tác phẩm gợi lên một không khí chết chóc u buồn. Đó là cái chết dần, chết mòn về nhân tính trong thế giới của làng Phan. Một thế giới mà ở đó con người dường như sống với bản năng nhiều hơn là lý trí. Cái chết dần, chết mòn về nhân cách là cái chết tự hủy diệt để cuối cùng đi đến sự triệt tiêu hoàn toàn của con người, trong đó có Tính. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, nhiều nét sinh hoạt của cộng đồng làng xã Việt cổ truyền vẫn được gìn giữ. Tính tự trị của văn hóa làng xã được thể hiện qua lối sống khép kín, ít có sự giao lưu, di chuyển giữa các vùng miền. Các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương hầu hết chỉ đi về giữa hai cõi thực và mơ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa vô thức và bản năng, mà ít có sự di chuyển trong không gian. Nếu có thì đó cũng chỉ là sự tìm về làng, tìm về nơi chôn rau cắt rốn của những linh hồn sau khi đã chết. Lối sống khép kín sau lũy tre làng cùng với những sinh hoạt nhà nông được thể hiện rõ trong Thoạt kỳ thủy. Mặc dù có những đổ vỡ, mất niềm tin, nhưng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương vẫn có những nét đẹp của lối sống giàu tình đậm nghĩa của những con người trong một làng quê. Dù cuộc sống mưu sinh vất vả với bộn bề lo toan, nhưng những con người nơi đây vẫn tranh thủ qua lại nhà nhau, quây quần bên chén nước vối, nước trà để 125
  8. Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2022 cùng nhau trò chuyện. Mối quan hệ xóm làng thân mật với những quan tâm, chia sẻ thân tình ấy được thể hiện xúc động qua nhiều trang tiểu thuyết. Từ cách xưng hô dân dã, suồng sã, đến cái xoa vai vỗ về, an ủi, đều là những biểu hiện cho thấy sự quan tâm giữa người với người. Đặc biệt, khi trong làng ngoài xóm có người đau ốm, bệnh tật, chẳng ai bảo ai, mỗi người đều tự giác đến thăm hỏi, sẻ chia, coi đó là một phần trách nhiệm, là bổn phận của mình đối với những người xung quanh. Tình làng nghĩa xóm ấm áp ân tình ấy lại được thể hiện trong thế giới Thoạt kỳ thủy. Khi nghe tin ông Điện ốm nặng, hàng xóm láng giềng mỗi người giúp đỡ một tay - cô Liên cân gạo, ông Phùng ít tiền, để giúp đỡ cô Nheo vơi đi một phần khó khăn, chật vật khi tai ương ập đến. Khi nhà cô Nheo bị cháy, tình nghĩa xóm làng lại được biểu hiện xúc động hơn bao giờ hết. Người ta tất tả như chính công việc của mình, phụ giúp cô Nheo dọn dẹp đồ đạc và dựng cho cô một căn nhà mới. Đến khi ông Điện, cô Nheo qua đời, cũng chính những người hàng xóm láng giềng ấy lại cưu mang Hiền và che chở cho cô. Tình làng nghĩa xóm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống người Việt và được Nguyễn Bình Phương nâng niu trên từng trang viết. Cùng với tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục là một bộ phận cấu thành nên chỉnh thể văn hóa. Cùng với cưới xin, tang ma, lễ tết cũng là nét phong tục truyền thống được nhắc đến nhiều trong Thoạt kỳ thủy. Ở đây, ngày tết cổ truyền được miêu tả khá chi tiết, cụ thể với nhiều nét đặc trưng vốn có. Nhiều hoạt động trước và trong ngày tết cổ truyền được tái hiện sinh động như: gói bánh chưng, đụng thịt lợn, mua sắm quần áo mới, dọn dẹp nhà cửa, cúng tất niên, đón giao thừa, đốt pháo, chúc tết, mừng tuổi... Nguyễn Bình Phương dành nhiều trang viết về ngày tết cổ truyền của dân tộc qua hình ảnh ăn tết của người dân làng Phan. Những ngày giáp tết, không khí mua sắm đã rục rịch khắp làng trên xóm dưới. Cả xã Linh Sơn đổ xô, đua nhau đi sắm tết. Nhà nhà, người người cùng nhau gói bánh chưng, đụng thịt lợn. Tục chúc tết, mừng tuổi vào ngày đầu năm mới đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền, được Nguyễn Bình Phương tái hiện trong Thoạt kỳ thủy: “Sáng mùng một. Pháo lại nổ ran. Hiền mặc áo mới, chải đầu cùng chồng sang nhà bố mẹ. Bà Liên mang tiền mới ra mừng tuổi cho mọi người trong gia đình. Hiền cũng mừng lại ông Phước, bà Liên” (Nguyễn Bình Phương, 2005, tr.108). Ông Sung, mặc dù có những lúc gây mâu thuẫn với những người xung quanh, nhưng khi tết đến cũng không quên dành những lời chúc tốt đẹp cho bà con lối xóm. Trong bộ kaki Tàu phẳng phiu, đeo súng lục trễ hông, ông xênh xang đến chúc tết các nhà. Phong tục ngày tết trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt được Nguyễn Bình Phương thể hiện đặc sắc trên nhiều trang viết của mình. Dung hợp văn hóa truyền thống, thông qua những trang viết về phong tục, Nguyễn Bình Phương khẳng định vai trò của phong tục trong việc nâng đỡ tâm hồn, nhân cách con người. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, giữa lúc nhân tính của con người đang trở nên méo mó, mối quan hệ giữa người và người bị rạn nứt nghiêm trọng và việc gắn kết tình thân trở thành một điều xa xỉ, sự xuất hiện của văn hóa truyền thống đóng một vai trò rất quan trọng. Có thể nói, việc tổ chức các phong tục tang ma, cưới xin, lễ tết đã trở thành cầu nối đưa con người xích lại gần nhau hơn. Trong thế giới Thoạt kỳ thủy, giữa cái vô thức, bản năng và điên loạn, vẫn có những phút giây hạnh phúc khi các thành viên trong gia đình được quây quần bên mâm cơm ngày tết. Trong bữa cơm cúng tất niên, mọi người trong gia đình cùng nhau uống rượu, cùng nhau chúc phúc, cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng. Cũng như sự ảnh hưởng và pha trộn thể loại, sự dung hợp nhiều vỉa tầng văn hóa khác nhau trong Thoạt kỳ thủy không chỉ thực hiện chức năng chuyên chở những thông điệp vô ngôn về đời sống đương đại, mà còn tạo nên sợi dây bền chặt kết nối truyền thống và hiện đại, dân tộc với nhân 126
  9. Nguyễn Thị Hải Hằng loại, thúc đẩy sự vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết. Bằng việc dung hợp văn hóa, tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương đã mở ra những chiều đối thoại sâu sắc với không chỉ lịch sử, văn hóa, mà còn với cả những vấn đề tôn giáo, tâm linh. Đến với những trang văn dung hợp các yếu tố văn hóa, người đọc thấy bóng dáng của một triết gia với những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống và con người. Ở đó, đằng sau một hiện thực ngổn ngang, hỗn độn, người ta thấy nổi lên một mạch ngầm vẫn âm thầm chảy qua những khúc quanh co của văn bản, ấy chính là mạch luận lý với những lý giải về thực trạng, nguyên nhân, hệ quả và cả những cách thức để giải quyết cho những vấn đề văn hóa, xã hội đang diễn ra trong đời sống đương đại. Chỉ điều đó thôi cũng đủ cho thấy, đằng sau vẻ ngoài ít nói, đằng sau những trang viết tưởng như lạnh lùng đến gai người ấy là cả một tấm lòng luôn nặng trĩu ưu tư với đời, với người, là những khắc khoải, lo âu của nhà văn về một hiện thực cuộc sống còn nhiều hỗn độn và bất trắc. Dễ hiểu vì sao người đọc không thể rời trang văn của Nguyễn Bình Phương mà không thôi cật vấn và suy ngẫm về những điều mà nhà văn đặt ra. Đó chính là dư ba, là sức ngân vang, là khả năng mời gọi đến vô cùng của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, một hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt của lối viết liên văn bản. 4. Kết luận Qua nghiên cứu Thoạt kỳ thủy từ lý thuyết liên văn bản của Nguyễn Bình Phương, có thể thấy sự pha trộn đa dạng về thể loại trong tác phẩm. Điều đó đã chứng minh một tinh thần lao động nghiêm túc, không ngừng tìm kiếm một lối đi riêng biệt của tác giả. Trong Thoạt kỳ thủy, tính liên văn bản thể hiện ở sự liên thể loại từ thơ, truyện ngắn, kịch đan xen vào nhau tạo nên lối hành văn đặc biệt. Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh việc đem lại những hiệu quả thẩm mỹ, tính liên văn bản trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương cũng ít nhiều bộc lộ những hạn chế nhất định. Rõ thấy nhất chính là sự gây khó dễ đối với độc giả truyền thống vốn đã quen với những cách đọc thông thường, bởi cách viết có phần cầu kỳ. Trên thực tế, không ít độc giả hoang mang bởi không biết bắt đầu đọc tiểu thuyết của ông từ đâu khi mà gấp trang sách lại vẫn chưa thể hình dung những gì ông viết. Có nhiều độc giả vượt qua được sự khó khăn ấy, song cũng không hiếm độc giả đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Và ngay cả khi đã nắm được chìa khóa để khai mở cấu trúc tiểu thuyết của ông thì việc giải mã ý nghĩa của nó cũng không phải là điều dễ dàng. Vậy nên người tiếp nhận luôn rơi vào trạng huống nặng đầu, phải vật lộn với sự đọc bởi “độ căng” của lối viết. Với những độc giả khó tính, tính liên văn bản trong Thoạt Kỳ Thủy có thể gây nhiễu tầm đón đọc của độc giả. Nhưng khi vượt qua được những thử thách đó, người đọc sẽ cảm nhận được độ sâu, độ sáng tạo và tài hoa của người nghệ sĩ. Ở Nguyễn Bình Phương, mỗi trang văn là một trang đời, mỗi phận người với bao nỗi niềm xót xa, cay đắng. Đọng lại trên mỗi trang viết của nhà văn là nỗi trăn trở khôn nguôi về thân phận con người cũng như cuộc vật lộn để được làm người của họ. Dễ hiểu vì sao, những trang viết của Nguyễn Bình Phương, dù được coi là kén độc giả, song lại có không ít độc giả luôn đón đợi nhiệt thành đến như vậy. Tài liệu tham khảo 1. Thái Phan Vàng Anh (2017), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI lạ hóa một cuộc chơi, Nxb Đại học Huế, Huế. 2. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Hoài Thanh (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. 127
  10. Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2022 3. Chevalier, J. and Gheerbrant, A. (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 4. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 5. Nguyễn Thị Phương Diệp (2010), Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Luận văn thạc sĩ Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. Nguyễn Thị Giang (2016), Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhìn từ góc độ thể loại, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. 7. Nguyễn Diệu Hạnh (2011), Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 8. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu và Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội. 9. Nguyễn Bình Phương (2005), Thoạt kỳ thủy, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 10. Vũ Thị Phương (2008), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 11. Nguyễn Văn Thuấn (2013a), Liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội. 12. Thuỵ Khuê (2004), “Thoạt kỳ thủy trong vùng đất Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương”, http://thuykhue.free.fr/tk04/thoatkythuy.html, truy cập ngày 27/02/2018. 13. Nguyễn Minh Quân (2012), “Liên văn bản - sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học”, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=792, truy cập ngày 12/01/2018. 14. Đoàn Cẩm Thi (2005), “Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên (Đọc “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương)”, https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/sang-tao-van-hoc-giua-mo-va-dien-doc-thoat-ky-thuy-cua- nguyen-binh-phuong-2140778.html, truy cập ngày 23/02/2018. 15. Nguyễn Văn Thuấn (2013b), “Dẫn luận ngắn về lý thuyết liên văn bản”, https://phebinhvanhoc.com.vn/dan-luan-ngan-ve-ly-thuyet -lien-van-ban/, truy cập 12/01/2018. 128
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2