intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh

Chia sẻ: ViJichoo _ViJichoo | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

90
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết sẽ phân tích các ý nghĩa và quá trình phát triển nghĩa của từ “đẹp” bằng phương pháp phân tích ngữ cảnh, phân tích nghĩa tố trong ngôn ngữ học truyền thống kết hợp với khái niệm khung ngữ nghĩa của Ngôn ngữ học tri nhận. Từ đó, bài viết xác định những đơn vị biểu hiện ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh nhằm giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa của từ “đẹp”.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) NGỮ NGHĨA CỦA TỪ “ĐẸP” TRONG TIẾNG VIỆT VÀ NHỮNG ĐƠN VỊ DIỄN ĐẠT Ý NGHĨA TƯƠNG ĐƯƠNG TRONG TIẾNG ANH Lê Lâm Thi Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế Email: lelamthi82@gmail.com Ngày nhận bài: 14/10/2020; ngày hoàn thành phản biện: 19/10/2020; ngày duyệt đăng: 02/12/2020 TÓM TẮT Từ “đẹp’ là một từ được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Việt. Trong các tác phẩm văn học, trên các phương tiện truyền thông cũng như trong giao tiếp hằng ngày, từ “đẹp” đều xuất hiện với tần số khá cao. Từ một tính từ được dùng để chỉ sự vật có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm, từ “đẹp” đã có nhiều nghĩa chuyển hết sức đa dạng. Bài viết sẽ phân tích các ý nghĩa và quá trình phát triển nghĩa của từ “đẹp” bằng phương pháp phân tích ngữ cảnh, phân tích nghĩa tố trong ngôn ngữ học truyền thống kết hợp với khái niệm khung ngữ nghĩa của Ngôn ngữ học tri nhận. Từ đó, bài viết xác định những đơn vị biểu hiện ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh nhằm giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa của từ “đẹp”. Từ khóa: đẹp, ngữ nghĩa, tiếng Anh, tiếng Việt, tương đương 1. MỞ ĐẦU Nghĩa của từ từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ học nói chung và Ngữ nghĩa học nói riêng. Nghĩa của từ cũng là một khái niệm có nội hàm rất phức tạp. Từ trước đến nay đã có rất nhiều quan niệm về nghĩa của từ như “nghĩa của từ về bản chất là một thực thể tinh thần được mã hóa, được kí hiệu trong từ”. [1, tr.61], “nghĩa của từ là toàn bộ nội dung tinh thần xuất hiện trong suy nghĩ của một người bản ngữ khi người đó tiếp xúc (tạo lập hoặc lĩnh hội) với một hình thức âm thanh ngôn ngữ nhất định” [3, tr.38]; “Nghĩa của từ, mặt quan trọng mà ta đang nói đến có chức năng phản ánh, biểu đạt, ánh xạ thực tại, tư duy,… Ngôn ngữ của từ ngữ, xét trong thể toàn vẹn là hệ thống kí hiệu đặc biệt, là công cụ trọng yếu của giao tiếp, của tư duy” [6, tr.61].... Tuy nhiên, xét cho cùng nghiên cứu nghĩa của từ được xem là chìa khóa để giải mã các lớp ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về ngữ nghĩa của từ trong tiếng Việt tiếp cận theo nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu nghĩa của từ 9
  2. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … theo hướng ngữ nghĩa học truyền thống có thể kể đến các công trình Đặc trưng ngữ nghĩa của các đơn vị đơn tiết Hán Việt của Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Hoàng Anh (2017), Đặc điểm ngữ nghĩa trong ca dao tình yêu của người Việt của Vũ Thị Tuyết (2018)… Nghiên cứu theo hướng tri nhận có các công trình Luận giải sự phát triển nghĩa của động từ "chạy" theo hướng tri nhận của Lâm Quang Đông (2017), Sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận của Nguyễn Thị Hiền (2017)… Theo hướng so sánh đối chiếu, ta có các nghiên cứu So sánh đối chiếu đặc điểm ngữ nghĩa các từ chỉ vị trí trong không gian của tiếng Trung và tiếng Việt của Nguyễn Đình Bá (2009); Ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ mùi vị trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh) Nguyễn Thị Huyền (2018),… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về ngữ nghĩa của từ “đẹp”, một từ được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Việt. Bài viết này sẽ phân tích những ý nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt bằng phương pháp phân tích ngữ cảnh trong ngôn ngữ học truyền thống kết hợp với khái niệm khung ngữ nghĩa của Ngôn ngữ học tri nhận. Từ đó, bài viết xác định những đơn vị biểu hiện ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh nhằm giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa của từ “đẹp”. 2. NỘI DUNG 2.1. Một số cách tiếp cận nghiên cứu ngữ nghĩa của từ Nghiên cứu về nghĩa của từ có nhiều hướng tiếp cận. Người ta đã từng đưa ra nhiều phương pháp phân tích nghĩa của từ nhưng thường gặp và dễ dùng nhất là phương pháp sử dụng ngữ cảnh. Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến (2007): “Ngữ cảnh của một từ là chuỗi từ kết hợp với nó hoặc bao xung quanh nó, đủ để làm cho nó được cụ thể hoá và hoàn toàn xác định về nghĩa.” Nhóm tác giả cũng đã đề xuất phương pháp phân tích nghĩa qua ngữ cảnh cho từ tiếng Việt qua ba bước như sau: Bước 1: Phân tích ngữ cảnh. Đây là bước là xác định được các ngữ cảnh (có chứa từ mà ta cần phân tích) trong các loại văn bản thành văn thuộc các loại hình phong cách chức năng khác nhau, sau đó trích các ngữ cảnh đó ra và tập hợp lại. Bước 2: Phân loại ngữ cảnh. Sau khi đã tập hợp đủ ngữ cảnh thì tiến hành phân loại ngữ cảnh. Những ngữ cảnh nào cùng làm hiện thực hoá một nghĩa của từ (tức là trong những ngữ cảnh đó, từ xuất hiện với cùng một nghĩa), thì được xếp vào một nhóm gọi là nhóm ngữ cảnh cùng loại. Nếu việc phân loại ngữ cảnh làm càng chuẩn xác thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tách nghĩa của từ đa nghĩa, bởi vì, từ càng đa nghĩa thì càng phức tạp, càng khó xử lí. Bước 3: Phân tích nghĩa. Đối với từ đa nghĩa, vấn đề sẽ phức tạp hơn. Cùng với việc so sánh, phát hiện các nghĩa tố cần yếu của từng nghĩa, thì việc tách ra bao nhiêu 10
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) nghĩa trong toàn bộ cơ cấu nghĩa từ phải được tiến hành trước một bước. Trong bước này cần thực hiện các thao tác như xác định nghĩa gốc của từ (trong thế tương quan lưỡng phân nghĩa gốc – nghĩa phái sinh), xác định nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh) nếu có, để loại trừ khỏi phạm vi mà chúng ta đang quan tâm. Như vậy, chỉ những nghĩa thường trực mới được đưa vào phân tích xử lý. Ngay trong khi phân loại ngữ cảnh, thực chất là đã bao hàm việc tách nghĩa từ trong đó rồi. Vì vậy, nếu phân loại ngữ cảnh mà chuẩn xác thì số nhóm ngữ cảnh cùng loại nói chung là ứng với số nghĩa khác nhau của từ [7, tr. 178 – 182]. Khác với cách tiếp cận nghiên cứu nghĩa của từ theo ngôn ngữ học truyền thống, các lý thuyết ngữ nghĩa tri nhận thường được xây dựng trên lập luận rằng ý nghĩa của từ là ý niệm. Nghĩa là ý nghĩa không nhất thiết phải tham chiếu đến thực thể hoặc mối quan hệ trong thế giới thực. Thay vào đó, ý nghĩa tương ứng với một ý niệm được lưu giữ trong tâm trí dựa trên sự hiểu biết cá nhân. Ngữ nghĩa học tri nhận còn thừa nhận rằng ý nghĩa không phải là cố định mà là vấn đề diễn đạt và quy ước. Các nhà ngôn ngữ học lập luận rằng các quá trình diễn giải ngôn ngữ là các quá trình tâm lý giống nhau liên quan đến việc xử lý tri thức bách khoa và nhận thức. Theo đó, bản thân các từ không có nghĩa mà chúng có "các hằng số mặc định", thực sự chỉ là những cách sử dụng từ. Một trong những cách tiếp cận nghiên cứu ngữ nghĩa của từ theo lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận là phân tích nghĩa của từ theo “khung ngữ nghĩa”. “Khung ngữ nghĩa” được phát triển bởi Charles J. Fillmore đã cố gắng giải thích về mối quan hệ giữa nghĩa của từ với sự hiểu biết chung. Fillmore giải thích ý nghĩa nói chung và ý nghĩa của từ nói riêng có liên hệ chặt chẽ với khái niệm "khung". Có nghĩa là bất kỳ khái niệm nào chỉ có thể được hiểu nếu một hệ thống khái niệm lớn hơn được hiểu. Khung ngữ nghĩa dần dần được củng cố bời nhiều bằng chứng trong ngôn ngữ. Đầu tiên, người ta đã lưu ý rằng nghĩa của từ là một phần mở rộng của trải nghiệm cơ thể và văn hóa của chúng ta. Ví dụ, khái niệm “nhà hàng” được liên kết với một loạt các khái niệm như thức ăn, dịch vụ, người phục vụ, bàn và ăn uống. Những liên tưởng phong phú nhưng phức tạp này không thể nắm bắt được bằng một phân tích về điều kiện cần và đủ, nhưng chúng dường như vẫn liên quan mật thiết đến sự hiểu biết của chúng ta về "nhà hàng". Khung ngữ nghĩa là một trong các thuật ngữ quan trọng được xác lập trong khung lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận. “Khung” được hiểu là tri thức nền cần thiết để hiểu nghĩa của từ [2, tr. 24]. Về nguyên tắc mọi tri thức của người nói về thế giới đều có tiềm năng trở thành khung của một từ nhất định. Khung là khái niệm có tính đa chiều kích, vừa mang chiều kích ý niệm vừa mang chiều kích văn hoá. Phương diện ý niệm giúp xác định nghĩa của từ trong sự đối lập với các từ khác trong cùng một khung. Phương diện văn hoá của khung gắn với các ý nghĩa liên hội phức tạp làm nền cho việc hiểu nghĩa của từ. Khái niệm khung gắn bó chặt chẽ với hiện tượng biến đổi ngôn ngữ. “Khi những khung mới xuất hiện, những từ đang tồn tại thường được 11
  4. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … chuyển vào miền mới, do đó mà có những biến đổi nào đó về nghĩa” [2, tr. 27]. Như vậy, nghĩa của từ là một sẽ được hiểu tùy thuộc vào “khung”. Hay nói cách khác, nghĩa một từ chủ yếu phụ thuộc vào cái khung liên quan đến những từ mà từ đó kết hợp cùng chứ không phải chỉ trong bản thân nó. Khi một từ có sự thay đổi về khung tức là mở rộng mạng lưới ngữ nghĩa. 2.2. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt Từ “đẹp’ là một từ được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Việt. Theo từ điển tần số xuất hiện của các từ trong tiếng Việt của nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ “đẹp” có tần số xuất hiện cao đứng thứ 408 trong tổng số 36.163 từ tiếng Việt được thống kê. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, trong các tác phẩm văn học, trên các phương tiện truyền thông cũng như trong giao tiếp hằng ngày, từ “đẹp” được sử dụng rất nhiều với nhiều nghĩa khác nhau. Người Việt dường như rất quen thuộc với những câu thành ngữ, tục ngữ như Đẹp người, đẹp nết, Cái nết đánh chết cái đẹp, Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân hay những câu thơ Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi! / Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt. (Tố Hữu) ; Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm / Đem gởi hương cho gió phụ phàng! (Xuân Diệu). Những kiểu diễn đạt như Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng chơi đẹp nhất mùa giải V-league 2019; Mọi người đều tấm tắc khen họ đẹp đôi... cũng thường xuất hiện trên phương tiện truyền thông cũng như trong giao tiếp hằng ngày. Người Việt thường dùng từ “đẹp” để đánh giá con người, sự vật, hiện tượng đem lại cho họ sự hứng thú đặc biệt, làm cho họ thích thú khi nhìn ngắm và chiêm nghiệm. Một cô gái được xem là đẹp người đẹp nết phải là cô gái có ngoại hình ưa nhìn và nét đẹp tâm hồn, là nét đẹp đức hạnh làm cho người khác cảm thấy thích nhìn, thích tiếp xúc. Trải qua quá trình sử dụng, nghĩa của từ “đẹp” đã mở rộng hơn nhiều. Từ một tính từ được dùng để chỉ sự vật có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm, từ “đẹp” đã chuyển nghĩa thành có sự hài hòa tương xứng đẹp đôi, đẹp duyên và có cảm giác thích thú đẹp lòng, đẹp ý, đẹp mặt (4, tr.102). Ngoài ra trong thực tế sử dụng, “đẹp” còn có thể kết hợp với một số động từ như chơi đẹp, sống đẹp, chém đẹp, xử đẹp… hình thành nên những từ ghép hoặc những tổ hợp hết sức đa dạng, thể hiện những ý nghĩa cũng hết sức đa dạng. Tiếp cận theo hướng phân tích nghĩa của từ theo ngữ cảnh, bài viết đã khảo sát 300 mẫu ngữ liệu có chứa từ “đẹp” trong khối ngữ liệu thu thập từ các trang web, các tác phẩm văn học, trong giao tiếp hàng ngày. Kết quả thu được các nghĩa của từ “đẹp” như sau: Bảng 1. Nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt Stt Nghĩa của từ “đẹp” Số lần xuất hiện Ví dụ 1 Có hình thức hoặc phẩm chất 182 (60,7%) Cô gái này rất đẹp. đem lại sự hứng thú đặc biệt, 12
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể 2 Có sự hài hòa, tương xứng 12 (4%) Họ thật đẹp đôi. 3 Có cảm giác thích thú, hài 9 (3%) Cuộc hôn nhân của họ lòng làm đẹp lòng hai họ. 4 Có ý nghĩa 34 (11.3%) Chúng ta cần sống đẹp để hạnh phúc 5 Thuận lợi, có khả năng mang 27 (9%) Tôi chọn ngày đẹp để lại nhiều điều hay mở cửa hàng. 6 Nhanh gọn, dứt khoát, chính 16 (5,3%) Juventus xử đẹp xác Genoa 7 Mạnh hơn mức bình thường 20 (6.7%) Nhiều nhà hàng ở Hà Nội “chém đẹp” khách du lịch. Tổng 300 (100%) Kết quả thống kê đã cho thấy, nếu phân tích theo ngữ cảnh, từ “đẹp” có 7 nghĩa tương ứng với 7 nhóm ngữ cảnh khác nhau, trong đó từ đẹp với nghĩa có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể xuất hiện nhiều nhất 182 lần (60,7%) và từ “đẹp” với nghĩa có cảm giác thích thú, hài lòng xuất hiện ít nhất 9 lần (3%). Kết quả thống kê cũng cho ta thấy từ “đẹp” trong tiếng Việt là một từ đa nghĩa có phạm vị hoạt động rất rộng. Các ý nghĩa của từ đẹp sẽ được phân tích trong phần dưới đây. Từ việc phân tích ngữ cảnh từ nguồn ngữ liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy từ “đẹp” có những nghĩa sau: Nghĩa 1: Có hình thức hoặc phẩm chất hài hòa, tương xứng đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể. Đây là nghĩa gốc, nghĩa ban đầu của từ đẹp. Nếu phân tích kỹ hơn ta thấy nghĩa này bao gồm các nét nghĩa sau: + Có hình thức hoặc phẩm chất hài hòa, tương xứng (i) + Đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người khác thích (ii) + Tích cực (iii) Như vậy, với nghĩa gốc ban đầu từ “đẹp” thường dùng để miêu tả, đánh giá hay bày tỏ cảm xúc trước những sự vật hiện tượng “có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt” cho người sử dụng phát ngôn. Có thể lấy ví dụ những phát ngôn sau: - Chúng tôi đã có một tình yêu đẹp. - Cô ấy có đôi mắt đẹp mê hồn. - Phía trước căn nhà người ta đã trồng một khu vườn rất đẹp. 13
  6. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … - Thời tiết hôm nay đẹp quá. - Bộ quần áo mới của cô ấy đẹp hết ý. - Thời thơ ấu của tôi rất đẹp. Có thể nhận thấy những đối tượng có thể được miêu tả bằng tính từ “đẹp” rất đa dạng và phong phú. Đó có thể là con người (cô gái), không gian (khu vườn), thời gian (thời thơ ấu), đồ vật (bộ quần áo), hiện tượng tự nhiên (thời tiết), tình cảm (tình yêu) … Nghĩa 2: Có sự cân xứng, hài hòa (thường dùng để chỉ lứa đôi). Từ nghĩa gốc ban đầu, từ “đẹp” có thêm nghĩa thứ 2 để chỉ đối lứa có sự cân xứng, hài hòa. Chúng ta hãy cùng xem xét các ví dụ sau: - Anh và cô ấy thật đẹp đôi. - Trai anh hùng, gái thuyền quyên, Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng (Truyện Kiều). Phân tích các nét nghĩa trong nghĩa này của từ “đẹp” chúng ta nhận thấy vẫn có những nét nghĩa của nghĩa gốc nhưng nét nghĩa (i) đã được nhấn mạnh, trở thành nét nghĩa chính. Trong trường hợp này, “đẹp” có nghĩa là sự kết hợp cân xứng, hài hòa của hai đối tượng, hai người trong mối quan hệ yêu đương hoặc vợ chồng. Như vậy có thể diễn giải, người con gái và người con trai khi đứng một mình có thể đẹp hoặc không đẹp nhưng khi họ trở thành một cặp thì lại rất cân xứng, hài hòa và chính sự hòa hợp đó tạo nên cảm giác thích thú cho người khác. Nghĩa 3: Có cảm giác thích thú, hài lòng. Ở nghĩa này thì dường như nét nghĩa (i) về hình thức, phẩm chất hài hòa hầu như không còn nữa và nét nghĩa (ii) đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người khác thích thì lại rất nổi bật. - Đây là một cuộc hôn nhân đẹp ý hai họ. - Cửa hàng chúng tôi luôn cố gắng làm đẹp lòng khách hàng. Nghĩa 4: Có ý nghĩa, phù hợp với chuẩn đạo đức, văn hóa. Đối với trường hợp này, “đẹp” luôn đi liền với những động từ như “sống”, “cư xử”, “hành xử” … hoặc các danh từ như “hành động”, “hành vi”, “cử chỉ”… để miêu tả, đánh giá với lối sống trong xã hội của con người. - Chúng ta cần sống đẹp để có được hạnh phúc. - Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp là những nét đẹp học đường. Nghĩa 5: Thuận lợi, có khả năng mang lại nhiều điều hay. Ở nghĩa này, nét nghĩa (iii) là nét nghĩa chính. Nghĩa này giống với nghĩa của từ “tốt”. Chúng ta hoàn toàn có thể thay thế từ “đẹp” bằng từ “tốt” trong những ví dụ sau: 14
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) - Bộ Công thương chọn 'ngày đẹp' để chuyển giao Bia Sài Gòn. - Tuổi Hợi sinh vào giờ nào thì đẹp? Nghĩa 6: Nhanh gọn, dứt khoát, chính xác. Thường từ “đẹp” trong trường hợp này sẽ kết hợp với động từ chỉ hoạt động ở phía trước mà kết quả của hành động đó làm cho người khác thích thú, hả hê. Nghĩa này bao hàm đến sự đánh giá của người nói đối với một hành động cụ thể, thường dùng trong văn phong thân mật. - Juventus xử đẹp Genoa. - Xử đẹp đồng nghiệp chuyên đi mách lẻo, lan tin đồn xấu. Nghĩa 7: Mạnh hơn mức bình thường. Nghĩa cuối cùng của từ “đẹp” mà chúng tôi rút ra được từ ngữ cảnh đó là mạnh hơn mức bình thường. Chẳng hạn như những ví dụ về “chém đẹp”, “chặt đẹp” trong những câu sau: - Bất ngờ lý do nhà hàng ở Nha Trang "chém đẹp" du khách Malaysia. - Cảnh báo quán cháo gà ta “chặt đẹp” du khách ở chợ đêm Đà Lạt. Đây là một nghĩa rất đặc biệt của từ “đẹp”. Hầu như các nét nghĩa ở nghĩa gốc không còn rõ nữa. Nếu như ở các nghĩa từ 1 đến 6 ở trên đều xuất hiện nét nghĩa (dù trực tiếp hay gián tiếp) là làm cho người khác hứng thú, thích thú thi, sử dụng với nghĩa tích cực thì ở nghĩa này, những nét nghĩa đó không còn nữa. Rõ ràng hành động “chém đẹp”, “chặt đẹp” không thể tạo ra hứng thú cho người tạp ra phát ngôn hay dối tượng mà phát ngôn hướng đến được. “Đẹp” ở đây chỉ có nghĩa nhấn mạnh cho hành động “chém” trước đó, nhưng vì “chém” vốn nghĩa tiêu cực nên “đẹp” cũng mất nét nghĩa tích cực. Như vậy, chúng ta có thể thấy từ “đẹp” trong tiếng Việt từ thực tế sử dụng đã có một sự chuyển nghĩa khá phong phú so với các nghĩa trong từ điển. Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2018) chỉ nêu ba nghĩa của từ đẹp là có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể; có sự hài hòa, tương xứn;, có cảm giác thích thú, hài lòng, còn những nghĩa có ý nghĩa; thuận lợi, có khả năng mang lại nhiều điều hay; nhanh gọn, dứt khoát, chính xác; mạnh hơn mức bình thường chưa được từ điển đề cập đến. Như vậy, có thể nói những nghĩa của từ “đẹp” được nêu ra trong từ điển chưa phản ánh được thực tiễn sử dụng sinh động của từ này. Để phân tích sâu hơn ý nghĩa của từ “đẹp”, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận nghiên cứu ngữ nghĩa của ngữ nghĩa học tri nhận. Chúng tôi sẽ tiến hành phân tích các khung ngữ nghĩa khác nhau của từ “đẹp”. Đầu tiên, chúng ta cùng xét nghĩa của từ đẹp trong khung “tự nhiên”. Đối với người Việt, tiêu chuẩn để đánh giá con người về mặt sinh học hay một hiện tượng tự nhiên nào đó là đẹp là phải có sự hài hòa. Hài hòa của các sự vật, hiện tượng trong tư nhiên là sự thống nhất hữu cơ giữa các yếu tố, giữa các bộ phận với cái toàn thể, giữa 15
  8. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … vẻ bên ngoài với phẩm chất bên trong. Sự hài hòa đặc biệt được biểu lộ rõ nhất ở con người. Chẳng hạn, khi chúng ta khen một người nào đó đẹp thì những bộ phận trên khuôn mặt và hình thể của họ phải có sự cân đối, dễ nhìn. Sự hài hòa thường được bộc lộ ra bên ngoài, tác động mạnh vào các giác quan của con người, đem lại cho chúng ta cảm giác thích thú. Hoặc khi chúng ta đứng trước một cảnh vật và thốt lên “ôi đẹp quá” thì cảnh vật đó cũng phải có sự hài hòa trong bố cục, màu sắc, ánh sáng, vật thể… Sụ hài hòa có thể là vẻ cân xứng hoặc không cân xứng nhưng bao giờ cũng thống nhất với nhau trong một chỉnh thế. Chính vì vậy, cái đẹp trong khung “tự nhiên” thường được cảm nhận nhờ thị giác và đó là cái đẹp cụ thể, hữu hình được tạo nên từ sự hài hòa của các yếu tố. Thứ hai, nghĩa của từ đẹp được thể hiện rõ trong khung “xã hội”. Khi đặt vào khung “xã hội” nghĩa của từ đẹp đã có sự phát triển khác với nghĩa trong khung “tự nhiên”. Trong khung “xã hội”, từ “đẹp” thường dùng để đánh giá về tính chất các hành động, các hiện tượng nên hành động, hiện tượng được cho là đẹp không chỉ đơn giản được cảm nhận bằng thị giác như cái đẹp ở khung tự nhiên mà phải được cảm nhận từ sự chiêm nghiệm dựa vào những chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy đinh. Chẳng hạn như cụm từ “sống đẹp” có thể được hiểu đối với người Việt là sống có lý tưởng, sống văn minh, sống khoan dung, yêu thương và quan tâm mọi người xung quanh, sống đúng với lương tâm của mình, không đi ngược đạo lí làm người, sống lạc quan, yêu đời… Như vậy, khi đánh giá ai đó sống đẹp thì cần có sự chiêm nghiệm trong một thời gian dài chứ không thể mới nhìn qua mà đánh giá được. Tương tự, khi chúng ta nói “một hành động đẹp”, “một cách ứng xử đẹp”, “một nghĩa cử cao đẹp”… thì nghĩa của từ đẹp ở đây là phù hợp với chuẩn mực đạo đức, với hoàn cảnh, với đối tượng, đem lại sự hài lòng cho nhiều người trong xã hội. Vì được cảm nhận bằng sự chiêm nghiệm và bị chi phối bởi chuẩn mực xã hội nên sự vật, hiện tượng được cho là “đẹp” trong khung xã hội có tính khách quan nhiều hơn so với khung “tự nhiên”. Những tiêu chí đánh giá cái đẹp trong khung “xã hội” vốn dĩ đã tồn tại trong tâm trí của những người sống trong một cộng đồng nên hiếm có trường hợp một hành động, một cách cư xử người này cho là đẹp còn người khác lại không. Tiếp đến, ta có thể xem xét nghĩa của từ “đẹp” trong khung “văn hóa”. Để hiểu nghĩa của từ “đẹp” trong các cụm từ “đẹp duyên”, “đẹp đôi” cần có những tri thức về văn hóa Việt, đặc biệt là quan niệm về hôn nhân của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, thuyết tương đối âm dương vẫn gắn bó mật thiết và sâu sắc với văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nó được biểu hiện cụ thể, chân phương từ nhiều góc độ trong đời sống. Đối với tình yêu và hôn nhân người Việt đặc biệt coi trọng đến tính tương xứng của người nam và người nữ (tượng trưng cho dương và âm). Âm và dương có hòa hợp thì kết cục hôn nhân mới viên mãn. Từ xưa, người Việt dùng thành ngữ “trai tài, gái sắc” để nói đến một cuộc phối hợp xứng đôi, xứng đáng, may mắn, có ý nghĩa, làm vừa lòng cả nhà, và hai họ. Người Việt còn quan niệm hôn nhân là sự hòa hợp cao 16
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) đẹp của tinh thần, hoà hợp của tình cảm giữa trai gái. Đôi vợ chồng không thể sống chung nhau trong dị biệt về tư tưởng, về mỹ quan, v.v... “Màn hoa lại trải chiếu hoa, / Bát ngọc đũa ngà thì phải mâm son” (cao dao). Còn trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả sự hoà hợp về tâm hồn của Thuý Kiều và Từ Hải bằng một hình ảnh rất đẹp: “Trai anh hùng gái thuyền quyên / Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.”. Như vậy, nghĩa của từ “đẹp” trong các cụm từ “đẹp đôi”. “đẹp duyên” là sự hòa hợp, sự tương xứng về ngoại hình, về tính cách, về tâm hồn, về hoàn cảnh xã hội… của người nam và người nữ. Cũng đặt trong khung ngữ nghĩa “văn hóa” ta mới hiểu được ý nghĩa của từ “đẹp” trong các cụm từ “ngày đẹp”, “giờ đẹp”. Quan niệm về ngày đẹp (ngày tốt), ngày xấu đã hình thành trong suy nghĩ của người dân ở nhiều quốc gia khác nhau. Đối với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam quan niệm này thể hiện khá rõ nét trong đời sống. Người Việt quan niệm trước khi bắt đầu một công việc quan trọng nào đó như động thổ, xây nhà, dọn về nhà mới (nhập trạch), khai trương, cưới hỏi, mai táng, xuất hành đầu năm…, người ta thường phải xem ngày đó tốt hay xấu. Lịch sử của quá trình chọn ngày đã có từ rất lâu đời. Công việc này thường được các nhà thiên văn, các viên quan coi việc tế tự, lễ nghi trong cung đình, các học giả, hay các thầy số trong dân gian. Như vậy, “ngày đẹp”, “giờ đẹp” phải được hiểu là những ngày, những giờ mà thiên can, địa chi, âm dương, ngũ hành, các ngôi sao trong vũ trụ mang lại may mắn, tốt lành và cát khí cho con người. Ngoài ra, nếu xem xét nghĩa của từ “đẹp” theo khung nghĩa “tình thái” thì ta sẽ thấy có sự phát triển ý nghĩa khá đặc biệt. Những trường hợp “chém đẹp”, “chặt đẹp” trong tiếng Việt có thể hiểu là “lợi dụng tình thế của người mua để bán với giá quá đắt, giá cắt cổ” với ý nhấn mạnh đến hành động đó và hậu quả mà người bị tác động phải gánh chịu. Như vậy trong những trường hợp này “đẹp” chỉ mang nghĩa nhấn mạnh hành động “lợi dụng để nâng giá” đi cùng với thái độ mỉa mai của người nói. 2.3. Những đơn vị biểu hiện ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh Từ “đẹp” trong tiếng Việt là một từ đa nghĩa nên việc chuyển dịch những ý nghĩa phong phú của nó sang một một ngôn ngữ khác cũng là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Trong quá trình sử dụng tiếng Anh và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi nhận thấy từ “đẹp” trong tiếng Việt có sự tương đương với nhiều đơn vị trong tiếng Anh về mặt ngữ nghĩa. Từ nguồn ngữ liệu song ngữ Việt – Anh chúng tôi thu thập được, chúng tôi tổng hợp những đơn vị trong tiếng Anh biểu đạt ý nghĩa tương đương từ “đẹp” trong tiếng Việt trong bảng đối chiếu sau: 17
  10. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … Bảng 2. Những đơn vị trong tiếng Anh biểu đạt ý nghĩa tương đương từ “đẹp” trong tiếng Việt Nghĩa của từ “đẹp” Ví dụ Đơn vị biểu đạt ý nghĩa tương trong tiếng Việt đương trong tiếng Anh Có hình thức hoặc Người đẹp (ngoại hình) beautiful / handsome / pretty, phẩm chất đem lại sự good – looking/ lovely/ nice, hứng thú đặc biệt, làm gorgeous / attractive person… cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể Người đẹp (tính cách) kind/ nice/ kindhearted/ good – hearted person… Cảnh đẹp beautiful / fine / picturesque / dramatic / magnificent landscape … Có sự hài hòa, tương Đẹp đôi nice / sweet / beautiful / great / xứng lovely / charming / cute couple ... Có cảm giác thích thú, Đẹp lòng pleasant, satisfying… hài lòng Có ý nghĩa Sống đẹp behave well, live a meaningful life, live really fife, live life to the fullest… Thuận lợi, có khả năng Giờ đẹp propitious hour, advantageous mang lại nhiều điều hour, auspicious hour, lucky hay hour… Nhanh gọn, dứt khoát, Xử đẹp punish, get even with, retaliate chính xác against… Mạnh hơn mức bình Chém đẹp sell goods at such an exorbitant thường price… Đối với vẻ đẹp ngoại hình, để biểu hiện ý nghĩa của từ “đẹp”, tiếng Anh có thể dùng beautiful, handsome, pretty, good – looking, lovely, nice, gorgeous, attractive… Những từ này mặc dù có nét nghĩa tương đồng về mặt ngữ nghĩa nhưng ngữ cảnh sử dụng có đôi chút khác biệt. Tính từ pretty, tuy mang nghĩa ưa nhìn, xinh xắn tương tự beautiful nhưng đối tượng dùng có khác nhau. Nếu như beautiful có thể dùng chung cho cả những cô gái và phụ nữ thì pretty thường dùng cho các cô gái. Nếu ta dùng pretty để mô tả người phụ nữ thì có nghĩa là ta muốn nói người đó trẻ như một cô gái. Tính từ good-looking có thể dùng để mô tả vẻ ưa nhìn, sáng sủa của cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa good-looking với beautiful, pretty. Tính từ lovely lại thiên về nét đẹp đáng yêu, làm cho người khác cảm thấy yêu mến, thích gần gũi. Khi dùng lovely để nói về ai đó tức là muốn nhấn mạnh rằng người đó cho ta xúc cảm mạnh mẽ. Từ gorgeous lại mang hàm ý chỉ vẻ lôi cuốn, rất đẹp nhưng tính từ này thường dùng với mục đích mang tính gợi dục là nhiều. Vì vậy, gorgeous mang tính không trang trọng và khác biệt nhiều so với beautiful, pretty, good-looking. Tính từ 18
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) attractive mang nghĩa thu hút, lôi cuốn, tức là nó có thể nhấn mạnh đến vẻ đẹp hoặc không của con người, tuy nhiên ý chính muốn nhấn mạnh ở đây là việc lôi cuốn, thu hút của đối tượng. Trường hợp của “đẹp lão” thì phải dịch bằng một cụm từ tương đương nghĩa là hale and hearty (At eighty, he still looks hale and hearty. / Ở tuổi tám mươi ông ấy vẫn trông rất đẹp lão). Đối với vẻ đẹp của tính cách, một người “đẹp nết” có thể dịch thành rất nhiều cụm từ trong tiếng Anh như a kind person, a nice person, a kindhearted person, a good – hearted person… Đối với cảnh đẹp tự nhiên, trong tiếng Anh chúng ta có thể sử dụng các từ có nghĩa tương đương từ “đẹp” như beautiful (a beautiful scenary), fine (a fine view), picturesque (picturesque landscape), dramatic (dramatic landscape), magnificent (magnificent mountains)… Cụm từ “sống đẹp”, trong tiếng Việt khi chuyển dịch qua tiếng Anh có thể được dịch bằng những cụm từ như behave well, live a meaningful life, live really fife, live life to the fullest… - We need to behave well to be happy. (Chúng ta cần phải sống đẹp để hạnh phúc). Các cụm từ “cư xử đẹp”, “hành vi đẹp” có thể dịch theo nhiều cách khác nhau như to be kind, to have good behavior trong những ngữ cảnh khác nhau: - Finally, he can learn to be kind in dealing with his friends. (Cuối cùng nó đã học được cách cư xử đẹp với bạn bè của nó). - He always has good behaviours in public places. (Anh ta luôn có những hành vi đẹp ở những nơi công cộng). Có nhiều cách để dịch từ “đẹp đôi”, “đẹp duyên” sang tiếng Anh trong đó phổ biến nhất ta thường gặp là “nice couple”. Ngoài ra, ta cũng có thể sử dụng một số cụm từ có nghĩa tương đương như sweet couple, beautiful couple, great couple, lovely couple, charming couple, cute couple, born to meet as husband and wife… - You are such a nice couple. (Các bạn thật đẹp đôi). - You are born to meet as husband and wife. (Các bạn rất đẹp duyên). “Ngày đẹp”, “giờ đẹp” trong tiếng Việt có thể dịch sang tiếng Anh với cụm từ tương đương là “propitious date / hour”, advantageous date / hour, auspicious date / hour hoặc đơn giản hơn là lucky date/ hour. - I have to choose the propitious date and hour to open the shop. (Tôi phải chọn ngày giờ đẹp để mở cửa hàng). Cuối cùng, với trường hợp “xử đẹp”, “chém đẹp”, “chặt đẹp” vốn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ thì khi chuyển dịch sang tiếng Anh, chúng ta phải dùng một cụm từ để 19
  12. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … diễn giải nghĩa ẩn dụ đó ra thì người bản ngữ mới hiểu được vì tiếng Anh không có cụm từ mang nghĩa ẩn dụ tương đương. - How to punish those who intentionally suppress other people in order to enhance their own value. (Cách xử đẹp những kẻ cố tình dìm người khác để nâng cao bản thân). - Many restaurants in Ha Noi sell goods at such an exorbitant price in tourists. (Nhiều nhà hàng ở Hà Nội chặt chém khách du lịch). Như vậy, ta có thể thấy từ “đẹp” trong tiếng Việt khi chuyển dịch sang tiếng Anh có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Đó có thể là một từ tương đương như beautiful, nice, fine, great, good, kind, lovely, propitious… hoặc không có từ tương đương mà chúng ta phải sử dụng một ngữ giải thích như trong trường hợp của chém đẹp, chặt đẹp… Tùy vào từng ngữ cảnh ta phải dùng từ ngữ tương đương dịch cho phù hợp. Việc nghiên cứu ngữ nghĩa của từ đẹp trong tiếng Việt và những đơn vị biểu hiện ý nghĩa tương đương trong tiếng Anh sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từ “đẹp” từ đó có những ứng dụng vào quá trình giảng dạy tiếng Anh cho người Việt và tiếng Việt cho người nói tiếng Anh. 3. KẾT LUẬN Qua việc phân tích ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy qua qua trình sử dụng nghĩa của từ “đẹp” đã biến đổi rất nhiều. Bằng phương pháp phân tích ngữ cảnh bài viết đã xác định được bảy ý nghĩa của từ đẹp trong thực tế sử dụng. Điều này cũng có nghĩa là những ý nghĩa của từ “đẹp” trong từ điển tiếng Việt hiện nay dường như vẫn chưa bao quát hết tất cả các ý nghĩa của từ này. Không những thế, bài viết còn phân tích nghĩa của từ “đẹp” qua những khung ngữ nghĩa. Theo đó, trong các khung ngữ nghĩa “tự nhiên”, “xã hội”, “văn hóa”, “tình thái”, nghĩa của từ đẹp được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo nên sự đa dạng về ngữ nghĩa khá thú vị. Việc xác định những đơn vị trong tiếng Anh biểu đạt ý nghĩa tương đương với ý nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt càng làm sáng tỏ những ý nghĩa của từ “đẹp” trong thực tế sử dụng. Tuy nhiên, “đẹp” lại là một tính từ có phạm vi sử dụng rất rộng nên ngữ nghĩa của nó còn cần nhiều nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn nữa. 20
  13. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 17, Số 3 (2020) TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bùi Khánh Thế (1995). Nhập môn Ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2]. David Lee (2001). Dẫn luận ngôn ngữ học tri nhận. Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hoàng Anh dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [3]. Đỗ Việt Hùng (2014). Ngữ nghĩa học từ bình diện hệ thống đến hoạt động, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. [4]. Hoàng Phê (2018). Từ điển tiếng Việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [5]. Lâm Quang Đông (2017). Luận giải sự phát triển nghĩa của động từ "chạy" theo hướng tri nhận, Website: https://www.researchgate.net/publication/320948909 [6]. Lê Quang Thiêm (2004). Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội [7]. Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997). Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [8]. Nguyễn Đình Bá (2009). “So sánh đối chiếu đặc điểm ngữ nghĩancác từ chỉ vị trí trong không giancủa tiếng Trung và tiếng Việt”, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. [9]. Nguyễn Thị Hiền (2017). “Sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận”, Luận án tiến sĩ, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Học viên Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. [10]. Nguyễn Thị Huyền (2018). “Ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ mùi vị trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh)”, Luận án tiến sĩ, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Học viên Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. [11]. Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Hoàng Anh (2017). Đặc trưng ngữ nghĩa của các đơn vị đơn tiết Hán Việt, Website: https://www.researchgate.net/publication/320951243 [12]. Vũ Thị Tuyết (2018). “Đặc điểm ngữ nghĩa trong ca dao tình yêu của người Việt”, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 21
  14. Ngữ nghĩa của từ “đẹp” trong tiếng Việt và những đơn vị diễn đạt ý nghĩa tương đương … MEANINGS OF THE WORD "ĐẸP" IN VIETNAMESE LANGUAGE AND EXPRESSIONS WITH EQUIVALENT MEANINGS IN ENGLISH Le Lam Thi Vietnamese studies Department, University of Foreign languages, Hue University Email: lelamthi82@gmail.com ABSTRACT "Đẹp" is a word that is quite commonly used in Vietnamese language. In literary works, in the media as well as in daily communication, this word appears at a quite high frequency. From an adjective used to indicate things possessing forms or qualities that give great pleasure or satisfaction to see, the word "đẹp" has many diverse developed meanings. The article will analyze the meanings and the meaning development process of the word "đẹp" with the method of context analysis, sememe analysis in traditional linguistics combined with the semantic framework concept of cognitive linguistics. From that, the article identifies equivalent units of its meaning in English to help readers have a profound understanding of the meaning of the word "đẹp". Keywords: “đẹp”, English, equivalent, meaning, Vietnamese. Lê Lâm Thi sinh ngày 12/09/1982 tại Thừa Thiên Huế. Năm 2004, bà tốt nghiệp cử nhân Sư phạm tiếng Pháp tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Năm 2008, bà tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học và năm 2018, bà nhận bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Từ năm 2005, bà là giảng viên tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Ngôn ngữ học. 22
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0