intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo

Chia sẻ: Trọng Tử | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

95
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 08/09/2008) Nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam), Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, Nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất,

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo

  1. Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 08/09/2008) Nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam), Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, Nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác. Đặc biệt ông được Nhà nước Việt Nam tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về Nghệ thuật quân sự. Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (25 tháng 10 năm 1921 - 8 tháng 9 năm 2008) là một nhà lý luận quân sự củaQuân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy có nhiều năm trực tiếp chỉ huy quân đội, nhưng người ta thường biết đến ông như một nhà nghiên cứu khoa học quân sự. Quá trình tham gia cách mạng Ông tên thật là Tạ Thái An, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, con ông Tạ Quang Khai và bà Nguyễn Thị Tành. Cha ông là một tiểu chủ yêu nước làm nghề thợ may, do tham gia phong trào yêu nước nên bị Pháp lùng bắt, vì vậy đã đưa gia đình lên sinh sống tại vùng Tràng Định - Thất Khê (Lạng Sơn). Tuổi thơ ông lớn lên tại vùng rừng núi này. Sau khi hoàn thành lớp nhất (tương đương với lớp 5 hiện nay), ông được cha gửi xuống Hà Nội ở nhờ ông Mai Phúc Tường (hiệu Quảng Thái) ở 29 Hàng Bồ để học tiếp bậc trung học tại trường tư thục Thăng Long[1]. Sau này khi ông Hoàng Minh Thảo hoạt động cách mạng đã được gia đình ông Mai Phúc Tường che giấu hoạt động. Cũng trong quãng thời gian này, trong những lần về Lạng Sơn nghỉ hè, ông giác ngộ cách mạng qua những đợt tham gia buổi tuyên truyền của Đảng. Năm 1937, Tạ Thái An được xếp vào danh sách cảm tình Đảng tại cơ sở Đảng ở Lạng Sơn và tham gia Đoàn thanh niên dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lấy bí danh hoạt động là Tạ Quang. Năm 1941, ông tham gia Việt Minh, rồi được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Cuối năm 1944, ông tham gia gây dựng cơ sở chính trị và xây dựng lực lượng du kích ở vùng biên giới Lạng Sơn. Sau khi về nước, ngày 7 tháng 1 năm 1945, tham gia Ban phụ trách công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Ngày 3 tháng 3 năm 1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền ở Lạng Sơn. Cái tên Hoàng Minh Thảo ra đời trong thời gian này và gắn bó với ông cho đến tận cuối đời. Chỉ huy quân đội
  2. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ tháng 8 năm 1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, Khu trưởng Chiến khu III, Phó tư lệnh Liên khu III. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội Quốc gia Việt Nam trong đợt phong hàm đầu tiên. Từ 1949-1950, ông làm Tư lệnh Liên khu 4. Sau Chiến dịch Biên giới 1950, các đại đoàn quân chính quy được thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954). Tham gia giảng dạy Sau năm 1954, ông được phân công công tác đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng Học viện Quân sự. Ông giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự liên tục từ 1954 đến 1966 (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Năm 1962, ông nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh. Sau này có học bổ túc quân sự ở Liên Xô (cũ). Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung quốc. Trở lại chiến trường Từ tháng 11 năm 1966, ông được điều vào Nam giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Chính qua trận đụng độ giữa Quân giải phóng Miền Nam và quân Mỹ tại Iađrăng mà ông đã ghi nhận lại được những nguyên tắc quan trọng giúp Quân giải phóng Miền Nam giành được một số lợi thế khi giao chiến với một đối phương có ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và cơ động. Năm 1968, ông là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 8 năm 1974, ông giữ chức Phó tư lệnh Quân khu V; tháng 3 năm 1975, là Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau ngày thống nhất đất nước Sau 1975, từ tháng 5 năm 1976 đến 1989, ông trở lại giữ chức Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt (1976-1977), Viện trưởng Học viện Quân sự Cấp cao(1977-1989, nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam), năm 1987, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ quốc phòng. Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu (1995). Ông qua đời lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9 năm 2008 Công lao đóng góp Ngoài nắm giữ các chức vụ Tư lệnh các chiến dịch quan trọng, quản lý các Học viện quân sự, ông còn là một người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội, một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và lý luận quân sự xuất sắc ở tầm chiến lược. Ông được phong Giáo sư ngành Khoa học quân sự năm 1986, Nhà giáo nhân dân năm 1988. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1959, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1984. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam.
  3. Ông nghỉ hưu vào năm 1995, nhưng vẫn tham gia công tác nghiên cứu về khoa học quân sự. Do công lao của ông, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Quân công hạng nhất, huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 2005, ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Hoàng Minh Thảo - vị tướng của thế, lực và thời cơ Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (1921 - 2008) tên thật là Tạ Thái An, quê tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động.Cuộc đời binh nghiệp của tướng Hoàng Minh Thảo kéo dài suốt nửa cuối thế kỉ XX, đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu với quy mô lớn nhỏ. Năm 1941, ông tham gia Việt Minh, và là một trong năm người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Cuối năm 1944, ông tham gia gây dựng cơ sở chính trị và xây dựng lực lượng du kích ở vùng biên giới Lạng Sơn. Tháng 1/1945, ông tham gia Ban phụ trách công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, và tháng 5/1945 đảm nhận chức Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Từ tháng 8/1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, giữ chức Khu trưởng Chiến khu III – là vị Khu trưởng trẻ tuổi nhất, Phó Tư lệnh Liên khu III. Năm 1948, trong đợt phong quân hàm đầu tiên, ông được phong quân hàm Đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1949, ông được đề bạt làm Tư lệnh Liên khu IV. Năm 1950, Đại đoàn 304 Anh hùng (Đoàn Vinh Quang) được thành lập tại Thanh Hóa, ông được cử làm Tư lệnh của
  4. Đại đoàn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đòan do ông chỉ huy là một trong năm Đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch lịch sử này. Từ tháng 11/1966, ông đảm đương trọng trách Mặt trận Tây Nguyên Chiến dịch Tây Nguyên với trận Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt, mở đầu của chiến dịch tiến công Tây Nguyên năm 1975; đồng thời là trận đánh mở màn, đòn điểm huyệt chính dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975) chỉ trong 55 ngày. Khi viết cuốn sách “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc” năm 1971 ngay tại chiến trường Tây Nguyên, Giáo sư – Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã sớm nhận ra chỗ yếu và hiểm yếu của chiến trường Tây Nguyên. Đến năm 1973, khi ra Bắc họp ông đã đề nghị với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột, chi tiết lịch sử này đã được ghi lại trong cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng – trang 126: “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành. Sau này ý kiến đó của ông được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đồng tình chấp nhận". Sự gian khổ, ác liệt của chiến trường Tây nguyên đã rèn đúc tâm hồn và tính cách của một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán, táo bạo, mưu trí. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, ông là tư lệnh chiến dịch Tây nguyên. Sự nổi tiếng về tài nghi binh lừa địch, tập trung lực lượng ưu thế hơn kẻ thù trong trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã gắn liền với tên tuổi của ông. Ông được mệnh danh là vị tướng của thế, lực và thời cơ, có nghĩa là phép dùng binh của ông không chỉ dựa vào sự áp đảo về quân số, về trang bị, về hỏa lực mà còn phải dựa vào mưu trí, vào cách đánh sáng tạo, bất ngờ. Là một vị tướng có tri thức uyên thâm về khoa học quân sự mà nguồn gốc của tri thức này được đúc kết từ thực tiễn mấy chục năm cầm quân của ông trong hai cuộc kháng chiến. Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
  5. GS, NGND Hoàng Minh Thảo với trung tâm Toán – Máy Tính Quân Đội Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo qua đời hôm 8/9/2008. Ông là người có công với CNTT Quân Đội. GS, TS Nguyễn Lãm vừa có bài viết tưởng nhớ ông. Thượng tướng, giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo là người có tầm nhìn chiến lược, nhiệt thành với những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT trong xây dựng, phát triển lực lượng bảo vệ tổ quốc. Đưa CNTT vào các hoạt động của Quân Đội Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 8/9/2008). Sự nghiệp tin học hoá các hoạt động trong Quân Đội không bình lặng, trôi chảy. Nhiều cơ quan, đơn vị, quân binh chủng hưởng ứng nhưng cũng không ít người hoài nghi cho là viển vông thậm chí có vị tướng còn nói: dân ta đang khổ cực, đang kéo xe bò mà ta lại nói đến dùng máy tính điện tử!... Nhưng cũng có những vị tướng hết lòng ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho cán bộ trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội xâm nhập vào các đơn vị, cùng cán bộ các đơn vị phân tích thiết kế hệ thống, hình thành những nội dung xử lý trên máy tính. Trong số đó, trước hết cần nhắc đến thượng tướng Hoàng Minh Thảo, giám đốc Học Viện Quốc Phòng. Khi chúng tôi đưa máy tính vào các hoạt động của Quân Đội, có một đề xuất được Bộ Quốc Phòng chấp thuận là “Áp dụng toán học, điều khiển học, khoa học xử lý thông tin vào các hoạt động quân sự (theo hướng tự động hóa chỉ huy)”, mang mã số 66.02.12. Nói đến tự động hoá chỉ huy là nói đến một khái niệm còn mơ hồ, có thể mỗi người hiểu một cách. Cũng vì thế mà không phải dễ dàng thuyết phục, không dễ được sự đồng tình, ủng hộ. Nhưng ở đây, lúc bấy giờ chúng tôi hiểu tự động hoá chỉ huy là việc chỉ huy có áp dụng công nghệ tin học, toán học, khoa học điều khiển, giúp người chỉ huy ra quyết
  6. định. Tự động hoá chỉ huy không có nghĩa là biến người chỉ huy thành một cỗ máy, thành một vật vô tri vô giác. Con người vẫn là yếu tố quyết định trong chỉ huy. Tri thức chỉ huy của con người được tích tụ trong những thiết bị tự động hoá... Ngày nay, những hệ IC4I (Integrated Command Control Communication Computing Intelligence) quy mô toàn cầu, với những công nghệ hiên đại của CNTT (từ cơ sở dữ liệu suy diễn đến cơ sở tri thức,lập trình hướng đối tượng (OOP), những hệ thông tin địa lý (GIS)…) của quân đội các nước tiền tiến đã khẳng định được điều đó. Nói một cách khái quát thì hệ tự động hoá chỉ huy là một hệ thống tổ hợp người - máy mà người là người được huấn luyện đào tạo có kỹ năng thực hiện những chức năng xác định trong hệ thống, còn máy là những hệ thống thiết bị có thể là cơ khí, điện tử, công nghệ vật lý, công nghệ cao rất hiện đại nào đó; là thiết bị thu thập thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin phát triển theo sự tiến bộ của công nghệ (cả phần cứng cũng như phần mềm). Thật may mắn cho chúng tôi là đã được những người đứng đầu các nhà trường đào tạo sĩ quan cao cấp và trung cấp trong quân đội ủng hộ. Đó là thượng tướng Hoàng Minh Thảo, giám đốc Học Viện Quân Sự Cấp Cao (nay là Học Viện Quốc Phòng) và thượng tướng Vũ Lăng, giám đốc Học Viện Quân Sự Đà Lạt. Những đặc điểm của công tác chỉ huy bộ đội hiện đại như chỉ huy liên tục, tập trung hoá chỉ huy, mềm dẻo, linh hoạt, kiên quyết và nhanh chóng, đánh giặc bằng mưu kế đã được thể hiện trong cuộc đời binh nghiệp của thượng tướng Hoàng Minh Thảo mà nổi bật là các chiến dịch Đắk Tô (1967), Đắk Xiêng (1970), Đắk Tô - Tân Cảnh (1972), chiến dịch Tây Nguyên do ông làm tư lệnh. Ngày nay, những đặc điểm đó đòi hỏi phải được thể hiện trong các hệ tự động hoá chỉ huy. Tính mềm dẻo, linh hoạt, kiên quyết của chỉ huy phải được tích hợp trong một hệ thống người – máy của hệ tự động hoá, còn tính liên tục, tập trung, nhanh chóng thì được thể hiện trong hệ thống tự động hoá đã quá rõ ràng. Cần lưu ý là khái niệm tự động hoá chỉ huy ở đây mà trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội đề cập đến không những chỉ là việc chỉ huy liên quan đến hoạt động ở chiến trường, trực tiếp giữa người chỉ huy, cơ quan chỉ huy với người lính mà còn là một hoạt động liên quan đến cơ quan tham mưu của các cấp thuộc các binh, quân chủng khác nhau, các cơ quan chỉ đạo, điều hành trong quân đội. Thông tin trong hệ tự động hoá này bao gồm thông tin nhiều lĩnh vực liên quan đến con người (chiến sĩ, sĩ quan…), đến trang bị vũ khí, đến đảm bảo hậu cần, đến môi trường quân sự của phía ta và thông tin tình hình của phía địch về tất cả các mặt đó. Hệ thông tin này tuỳ theo yêu cầu có tính chất chiến lược hay chiến thuật,chiến dịch để thiết kế mô hình thích hợp,xây dựng những cơ sở dữ liệu thích hợp. Trong những mô hình chiến đấu cụ thể hiện nay đã xuất hiện những trang bị ,thiết bị tự động hoá chỉ huy cụ thể. Hướng hoạt động chủ yếu và lâu dài của trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội là ứng dụng toán – tin học vào tham mưu chỉ huy. Đây là một việc hoàn toàn mới mẻ. Nếu những hệ thống quản lý còn có những mô hình được thực hiện trong các bộ ngành để học tập thì hệ tham mưu chỉ huy là ta phải tự mầy mò, không học được của ai. Mày mò như thế nào? Thật không đơn giản! Thật may mắn cho chúng tôi là được làm việc với các học viện và được người đứng đầu của học viện hết lòng giúp đỡ. Trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội đã xây dựng một phòng nghiên cứu có tên là phòng Toán Quân Sự với hy vọng phòng này sẽ tìm được
  7. những mô hình toán học xử lý những vấn đề tham mưu chỉ huy trên máy tính điện tử. Cán bộ trung tâm đã bám các học viện, nhà trường, theo các chương trình huấn luyện chiến dịch của Liên Xô (cũ) để hình thành những nội dung xử lý trên máy tính. Quá trình chuẩn bị một chiến dịch có thể thuật toán hoá và hình thành các xử lý từ so sánh tương quan lực lượng, tính toán hành quân, tính toán vượt sông, đến tính toán hoả lực, đảm bảo quân y… và đã lập trình những tính toán đó trên máy minsk-32. Tất nhiên, những tính toán đó đang đơn giản, chưa phải là những mô hình toán học để ra quyết định, nhưng bước đầu tiếp cận đến những tính toán đó là một hướng đi đúng đắn. Những thông tin xử lý sẽ cung cấp cho cơ quan tham mưu, cho chỉ huy ra quyết định. Liên quan đến xử lý tính toán phục vụ cho tham mưu chỉ huy thì phải kể đến Quân Khu 1, Học Viện Quân Sự Cấp Cao, Học Viện Lục Quân Đà Lạt… mà những người tiêu biểu là thượng tướng Đàm Quang Trung, thượng tướng Hoàng Minh Thảo, thượng tướng Vũ Lăng. Không hiểu vì duyên cớ nào mà khi chúng tôi làm việc với các vị tướng này thì cảm thấy gần gũi, thoải mái, cởi mở, thân tình, không rào trước đón sau. Được tiếp xúc nhiều lần với thượng tướng Hoàng Minh Thảo, chúng tôi mới thấy ông có tài thao lược nhưng lại rất khiêm nhường và giản dị. Còn binh lính thì thấy ông là ông tướng bao dung và nhân từ. Các nhà khoa học quân sự đều thừa nhận ông là một người tài năng, đức độ. Sĩ quan học ở ông đức tính liêm khiết, chí công vô tư, hết lòng thương yêu binh lính. Nghiên cứu CNTT ở Học Viện Quân Sự Cấp Cao Có được sự ủng hộ của ông, chúng tôi tiếp xúc với các khoa của Học Viện Quân Sự Cấp Cao như chính đơn vị của mình. Cán bộ các khoa làm việc với chúng tôi một cách cởi mở, chân tình, thoải mái. Để minh họa cho sự ủng hộ việc ứng dụng máy tính vào đào tạo sĩ quan của thượng tướng, chúng tôi xin trích ra đây một vài chi tiết. Ngày 21/4/1987, trung tướng Đỗ Trình thay mặt thượng tướng Hoàng Minh Thảo - viện trưởng Học Viện Quân Sự Cấp Cao, gửi tổng cục Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, trung tâm Toán – Máy Tính về việc sử dụng máy tính điện tử (công văn số74 HV-1) như sau: Theo tinh thần chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu về việc nghiên cứu tự động hoá chỉ huy bộ đội, từ năm 1985, Học Viện Quân Sự Cấp Cao đã hợp tác với trung tâm Toán – Máy Tính và đã được Trung Tâm giúp đỡ có kết quả trong các tính toán chiến dịch phục vụ cho việc hạ quyết tâm chính xác của người chỉ huy. I. Các đề tài đã được tính toán: 1. Hành quân cơ động các lực lượng chiến dịch 2. So sánh lực lượng địch ta trong chiến dịch 3. Tính toán lực lượng và hoả lực pháo binh chiến dịch 4. Tính toán đảm bảo hậu cần chiến dịch 5. Tính toán thông tin chiến dịch về độ tin cậy và khả năng truyền tin… II. Bước đầu đánh giá kết quả: 1. Tinh thần công tác của cán bộ thuộc Trung Tâm: Làm việc có trách nhiệm tốt, tích cực nhiệt tình, ham nghiên cứu trao đổi và học hỏi, thái độ đoàn kết khiêm tốn, được giáo viên tin mến 2. Hiệu quả công tác: Các bài tính tuy còn ở mức độ đơn giản nhưng đều đạt kết quả chính xác, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của chỉ huy. -Về tính toán cơ động lực lượng:
  8. Đã hoàn chỉnh chương trình tính toán lập phương án cơ động lực lượng chiến dịch và đã sử dụng có kết quả tốt trong 2 đợt diễn tập chỉ huy – tham mưu chiến dịch trong các tháng 4 và tháng 7/86. -Về tính toán so sánh lực lượng địch ta: Đã xây dựng được hoàn chỉnh hệ chương trình tính toán so sánh lực lượng địch ta cả về số lượng, chất lượng, phục vụ có kết quả cho việc xây dựng kế hoạch tác chiến trong 2 đợt diễn tập trên. -Về tính toán pháo binh: Đã giải quyết được so sánh lực lượng pháo binh địch ta trên các hướng,mật độ hoả lực trong các giai đoạn chiến dịch phòng ngự, hoả lực bắn chuẩn bị xung phong trong chiến dịch tiến công,số lượng đạn cụ thể cho từng loại pháo cối. -Về tính toán thông tin: Đã giúp người chỉ huy nhanh chóng xác định được độ tin cậy của hệ thống thông tin chiến dịch, sau khi lập kế hoạch biết đánh giá định lượng hệ thống thông tin. Ngoài ra nhờ tính toán nên đã xác lập được một chương trình tối ưu cho bộ môn thông tin của học viện và đang vận dụng từ năm học 1986-1987 trở đi. Kết quả bước đầu như trên thực sự cho thấy việc sử dụng máy tính vào công tác chỉ huy là có kết quả và là hướng cần tập trung nghiên cứu tiếp để khai thác có hiệu quả hơn. 3. Những mặt còn hạn chế. -Tổ chức biên chế trang bị của bộ đội ta chưa đồng bộ thống nhất cả về số lượng, chất lượng và chủng loại, các chỉ số chiến dịch cũng còn trong quá trình hoàn chỉnh, hạn chế vận dụng vào mô hình thuật toán. –Trình độ cán bộ còn hạn chế. Người chỉ huy (giáo viên của học viện) chưa nắm chắc được khả năng của máy tính và các thao tác cơ bản có liên quan; ngược lại cán bộ Trung Tâm tuy có chiều sâu nghiệp vụ nhưng chưa có hiểu biết cơ bản của người chỉ huy, chưa có kiến thức cần thiết về nghệ thuật chiến dịch. III. Đề nghị: Theo hướng chỉ đạo của trên, công tác tự động hoá chỉ huy là việc nghiên cứu cần thiết và lâu dài, từ nay đến năm 1990, Học Viện có chủ truơng lập một kế hoạch đưa dần máy tính vào chương trình bồi dưỡng giáo viên và học tập của học viên… Đề nghị thủ trưởng Tổng Cục giúp đỡ và có chỉ thị cho trung tâm Toán - Máy Tính tăng cường cộng tác với Học Viện để thực hiện kế hoạch trên. Ngoài công văn trên, Học Viện Quốc Phòng còn có nhiều văn bản khác yêu cầu được phối hợp với trung tâm Toán - Máy Tính nghiên cứu phục vụ huấn luyện như trong công văn số 219/HL ngày 19/12/1986 đại tá Đỗ Văn Phúc, trưởng phòng Huấn Luyện của Học Viện gửi giám đốc trung tâm Toán – Máy Tính có đoạn: “Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ của các đồng chí. Qua đồng chí gửi lời cám ơn tới các nghiên cứu viên thuộc Trung Tâm đã làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm cao như các đồng chí đại uý, PTS Trần Minh Tiến, thượng úy, kỹ sư Lê Trường Tùng, trung úy, kỹ sư Nguyễn Hồng Kỳ, Nguyễn Việt Hải…" Khoa Thông Tin của Học Viện thì có đánh giá của đại tá Hoàng Tài Long,chủ nhiệm khoa gửi cho giám đốc trung tâm Toán – Máy Tính: "Trong năm 1986, khoa Thông Tin đã sử dụng hệ chương trình “thông tin” phục vụ cho việc đánh giá định lượng hệ thống thông tin khi lập kế hoạch thông tin chiến dịch trong 2 cuộc diễn tập của Học Viện. Hệ chương trình này đã giúp cho giảng viên trong khoa cũng như học viên thấy được khả năng vận dụng máy tính điện tử phục vụ cho việc lập kế hoạch thông tin. Nó cũng mở ra một khả năng có thể phối hợp nghiên cứu đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ cho các hoạt động quân sự,trước hết vào công tác đào tạo cán bộ ở Học Viện. Tuy
  9. nhiên, do còn bị hạn chế về nhiều mặt, nhất là hệ thống số liệu gốc chưa được nghiên cứu đầy đủ nên kết quả tính toán còn bị hạn chế, chỉ có tính chất nghiên cứu học tập…". Khoa Hậu Cần Kỹ Thuật thì có văn bản do đại tá Lưu Sỹ Hiệp, phó chủ nhiệm khoa: "…Nhóm đề tài của Trung tâm Toán – Máy Tính gồm các đồng chí Cảnh, Tạo đã công tác cùng với Khoa nghiên cứu đưa vào công tác huấn luyện diễn tập của Khoa về: - tính toán bảo đảm vật chất (quân lương,quân trang,nhiên liệu…); – tính toán đảm bảo vận tải; -tính toán đảm bảo quân y; –tính toán đảm bảo đạn, cứu kéo. Các chương trình tính toán trên đã được đưa vào diễn tập của học viện tháng 4 và tháng 7/1986 đạt kết quả bước đầu trong việc ứng dụng máy tính vào diễn tập. Nhóm đề tài cũng đã giới thiệu một số chương trình trong 2 buổi lên lớp tham quan tại Trung Tâm cho cán bộ, học viên lớp đào tạo 6 của HVQSCC đạt kết quả tốt. Hướng nghiên cứu và giải quyết vấn đề của nhóm đề tài đặt ra là đúng đắn, trong thời gian tới khoa Hậu Cần Kỹ Thuật đề nghị sẽ tiếp tục cộng tác cùng Trung Tâm theo hướng nghiên cứu này. Nhóm đề tài đã làm việc trên tinh thần nghiên cứu, khoa học nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động và có kết quả". Vĩnh biệt thượng tướng, giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo, chúng tôi - những người đã từng làm việc ở trung tâm Toán - Máy Tính Quân Đội vô cùng tiếc thương và mãi biết ơn vị tướng tài năng, đức độ, liêm khiết, giản dị đã ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình xây dựng và phát triển CNTT trong quân đội. GS, TS Nguyễn Lãm
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2