intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Những nẻo đường tâm thức trong Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

44
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thoạt kỳ thủy – cái tên đọc lên nghe mờ ảo và huyền hoặc, tựa như cõi khởi thủy của loài người. Qủa đúng như vậy, đến với tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, ta dường như trở lại với khung cảnh của một Linh Sơn u ám và nguyên thủy. Dường như những nhân vật mà Nguyễn Bình Phương xây dựng trong tác phẩm đều mang trong mình những bản năng nguyên sơ hơn là sự thoát tục của tâm hồn, và họ đều thường trực những tâm thức bản nguyên của nhân loại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Những nẻo đường tâm thức trong Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương

  1. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÂM THỨC TRONG THOẠT KỲ THỦY CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG LÊ KHẮC BẢO LONG Khoa Ngữ văn Tóm tắt: Thoạt kỳ thủy – cái tên đọc lên nghe mờ ảo và huyền hoặc, tựa như cõi khởi thủy của loài người. Qủa đúng như vậy, đến với tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, ta dường như trở lại với khung cảnh của một Linh Sơn u ám và nguyên thủy. Dường như những nhân vật mà Nguyễn Bình Phương xây dựng trong tác phẩm đều mang trong mình những bản năng nguyên sơ hơn là sự thoát tục của tâm hồn, và họ đều thường trực những tâm thức bản nguyên của nhân loại. Đi khám phá những nẻo đường tâm thức trong Thoạt kỳ thủy cũng là đi giải mã tác phẩm qua con đường vô thức thâm u của nhân vật, để rồi mở ra một ngã rẽ nhân bản mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc. Từ khóa: Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương, bản năng, tâm thức, tính 1. MỞ ĐẦU Nguyễn Bình Phương là nhà văn Việt Nam hiện đại, tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như Lam chướng, Những đứa trẻ chết già, Ngồi,... Ông là người mà theo Phạm Xuân Thạch, “là một trong số nhiều nhà văn Việt Nam đương đại có ý thức trong việc sáng tạo cấu trúc tiểu thuyết”. Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy là một trong số đó, một tác phẩm ngắn, chỉ chưa đầy 150 trang giấy nhưng ẩn chứa trong nó một cấu trúc hết sức phức tạp, một sự mờ hòa văn bản hoàn toàn. Nhưng đọc Thoạt kỳ thủy, người ta không chỉ chú ý đến cấu trúc đặc biệt của tác phẩm mà còn thấy rõ trong những trang giấy của Nguyễn Bình Phương, ông đã giải phẫu nhâm tâm của các nhân vật, lục tìm từ cõi vô thức bản nguyên sơ khai của con người để khai sáng giá trị nhân bản trong mỗi sinh thể thâm u đó. Với Thoạt kỳ thủy, thế giới của cõi vô thức như sự hiện tồn thường trực ở làng Linh Sơn kia, đời sống bản năng của con người được khơi dậy đầy sự ám ảnh và u uất. Tất cả đều vẻ ra những ngả rẽ trên con đường tâm thức của nhân vật. Đi tìm kiếm những nẻo đường tâm thức nguyên sơ trong tác phẩm cũng là đi khám phá đời sống đầy bản năng, cõi vô thức sâu thẳm trong từng bản thể nguyên vẹn, qua những hành động phi lí trí, phi nhân tính để nghe được hồi chuông cảnh tỉnh của tác giả về tình người, về nguy cơ hủy diệt và giá trị của giáo dục đối với đời sống của mỗi con người. 2. BA NẺO ĐƯỜNG TÂM THỨC CỦA NHỮNG BẢN THỂ 2.1. Tâm thức tính dục và bản năng hủy diệt, bạo lực Tác giả Phùng Gia Thế đã nhận định rằng: “Nguyễn Bình Phương có lẽ là nhà văn ở ta sử dụng triệt để các yếu tố bản năng vô thức và tính dục để giải phẩu cõi nhân tâm con Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2015-2016 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2015, tr: 166-172
  2. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÂM THỨC TRONG THOẠT KỲ THỦY… 167 người. Tiểu thuyết của anh có rất nhiều ám ảnh, giấc mơ, mộng mị”. Với Thoạt kỳ thủy, có thể dễ dàng nhận ra điều đó, nhân vật mà Nguyễn Bình Phương xây dựng trong tác phẩm phần lớn mang trong mình những bản năng tính dục nguyên sơ và bản năng hủy diệt. Thế giới nhân vật ấy hiện lên như những sinh thể thuần túy. Theo Freud, tính dục là cốt lõi của vô thức, tính dục không phụ thuộc vào những phương thức biểu hiện mà người ta vốn quan niệm. Nhân vật trong Thoạt kỳ thủy là một thế giới sinh thể đầy bản năng tính dục. Ông Phước đã bao năm thèm rượu, không có rượu chỉ biết gặm đít chén cho đỡ nhớ, từ khi Tính sinh ra, ông cũng chẳng quan tâm gì đến Liên – vợ mình, thế mà đến khi cưới Hiền cho Tính, ông nhìn Hiền khỏa thân tự ngắm mình thì người ông “như can rượu không đậy nắp”. Ông Phùng cũng tìm đến Hiền để giải tỏa bản năng vô thức trong mình khi bao nhiêu năm chỉ ở một mình làm nghề viết văn, xem tướng, “Ông Phùng lại nâng cằm Hiền lên soi mặt mình vào mặt Hiền. Hiền run lên, nhắm lại. Ông Phùng lần tay đến ngực, không thấy Hiền chống cự, bèn dằn xuống...” [4, tr. 63], thế rồi, khi bị Hiền từ chối lại than vãn “tôi già rồi”. Đến cả Nam, Hưng sau này cũng quấn quýt trong niềm say mê tính dục với Thương, Hiền. “Đêm nào Hưng cũng mơ thấy Hiền cởi truồng ngồi lên mũi mình. Tỉnh dậy, hai cánh mũi Hưng đau nhức, tẩy đỏ” [4, tr. 67]. Sự say mê dục tính (ertic passion) của các nhân vật nam trong tác phẩm là biểu dương cho sự hiện hữu libido, “năng lượng gần như cố định, có ở tất cả các cá nhân, liên hệ chủ yếu và căn bản với bản năng tính dục của họ” [1, tr. 37]. Năng lực tính dục như chiếm đoạt phần hữu thức trong mỗi Nam, Hưng, Phùng ở Linh Sơn kia. Họ sinh ra, mỗi người một thân phận, người từ chiến trường ra, người chuẩn bị nhập ngũ, người làm nghề viết văn, xem tướng. Nhưng chung quy, họ dường như thiếu vắng tình yêu của những người đàn bà ở đây. Thoạt kỳ thủy như vẻ ra một khung cảnh u mê, ám muội đầy sinh khí bản năng của những con người nơi Linh Sơn này. Tâm thức tính dục hay bản năng tính dục cũng đã khiến những người đàn bà như Hiền, Liên phải giải tỏa ân ức đã dồn nén bấy lâu nay trong mình. Bà Hiền không nhận được quan tâm của ông Phước, đã bao đêm ông ta cũng chỉ càu nhàu, quay lưng ngủ tiếp, “bà Hiền thở dài, vắt tay lên trán, răng nghiến lại nhìn trân trân mạng nhện góc nhà. Nhiều đêm bà vùng dậy tắm. Ở bãi đá, bà Liên tranh mặt chú Mười. Nếu gặp, cũng làm mặt cau có khó chịu”. Đời sống bản năng ở các nhân vật mà Nguyễn Bình Phương xây dựng như một cõi trần tục và đầy ám ảnh. Những con người nơi đây luôn thường trực những tâm thức bản năng, ở nơi Linh Sơn kia đã cách xa xã hội văn minh loài người. Cùng với bản năng tính dục, Thoạt kỳ thủy từ đầu tác phẩm đã khơi dậy trong thâm sâu bản thể các nhân vật tâm thức về sự hủy diêt và bạo lực. Tính từ khi chưa được sinh ra đã sống trong sự bạo hành của người cha trên thân xác người mẹ, “Liên hạ mâm, toan quay lại nhặt mảnh vở, bị Phước đạp thốc vào bụng. Liên cắn răng ôm bụng ngồi bậc cửa, đầu tùy lên cánh tay. Bụng Hiền to, vồng tròn” [4, tr. 11]. Thế cũng chưa đủ, bản năng hủy diệt của ông Phước còn ghê sợ hơn khi nghe Liên nhắc nhở đạp chết con thì sao, ông tợp chén, cười và đáp “Chết thì đền... Thiếu đếch gì, còn khối” . Có thể thấy, từ khi sinh ra Tính đã sống trong bạo lực và nguy cơ hủy diệt. Không những sự hủy diệt
  3. 168 LÊ KHẮC BẢO LONG từ trong bụng mẹ mà với Tính, vầng trăng là một nỗi ám ảnh từ khi hắn mới lọt lòng, “vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại” [4, tr. 14]. Nỗi ám ảnh bởi hình ảnh Trăng đối với Tính là một sự xâm hại ghê gớm, tiềm tàng nguy cơ hủy diệt cao độ. Tính sợ trăng đến nỗi, ân ức ấy đã đi vào giấc mơ từng đêm của Tính. Tính từ khi sinh ra đã bị ám ảnh bởi Trăng, trăng đi vào giấc mơ, trăng rọi thẳng vào tâm can của Tính. Trăng đã là nỗi sợ, nhưng còn là trăng vàng, và hình ảnh mắt chó lập đi lập lại liên tục đã tạo ra một mặc cảm lo sợ ghê gớm trong Tính, “Nó đấy. Lạnh. Mắt chó vàng như trăng. Lại sáng...”. Hình ảnh “mắt chó vàng như trăng” lập đi lập lại nhiều lần trong tác phẩm, cũng như trong giấc mơ của Tính, như là một sự giản nén bản thể của Tính, Tính sợ để rồi tìm vào giấc mơ, trong mơ lại sợ, trở lại hiện thực. Cứ quanh đi quẩn lại, nỗi sợ mãi ám ảnh một thằng điên như Tính. “Biểu tượng của giấc mơ cố gắng bù lại sự mất mát quan trọng, và tiết lộ bản chất nguyên thủy của ta, bản năng của ta và cách thức suy luận đặc biệt của cái bản năng ấy” [1, tr. 197]. Phải chăng bản năng thực sự của Tính đã hiện rõ trong giấc mơ, bản năng hủy diệt của thú vật, là hình ảnh mắt chó vàng như trăng – một sự thèm khát đầy chất bản năng. Vào đầu tác phẩm, tác giả đã miêu tả Tính như hình hài một con thú: “tai dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu. Không biết chữ” [4, tr. 8]. Rõ ràng, tác giả đã “thú hóa” nhân vật của mình, sự thú hóa ấy thể hiện bản năng nguyên thủy của loài vật (Tính). Phải chăng từ sự tiếp nhận bạo lực lúc vừa mới ra đời mà Tính đã dần trở thành một con thú thực sự của làng Linh Sơn này. Vật mà Tính tiếp nhận đầu tiên khi còn ấu thơ là con dao mổ lợn của ông Điện, “Tính nhìn dao, nuốt nước bọt”, “Tính thích cảnh chọc tiết lợn với vẻ ham muốn đáng nghi. Mắt Tính càng lớn càng vằn lên”. Khi nghe Hưng nói về chuyện cắn cổ Mỹ, nói về cảnh đốt trại tù bình, “Tính nghe, mồm há hốc... Tính nhìn Hưng chằm chằm”. Tính đã dần dần trở thành thú vật khi bản năng hủy diệt, bạo lực trong hắn trổi dậy. Bản năng ấy như con đường vô thức lần mò tận thâm sâu con người Tính. Bản năng hủy diệt của Tính bắt đầu từ những động vật bé nhỏ nhất, “Tính dành thời gian giết công cống, bắt được con nào cũng trân trọng đặt lên bàn tay, rồi bất thần đập tay kia xuống. Công cống chết nát bét. Tính cười mĩm, mặt rực lên” [4, tr. 20]. Mỗi lúc hủy diệt được một sinh thể, mắt Tính lại sáng lên, như những con thú khát máu, “Tính giết sạch một ổ kiến dưới gốc sung”. Sự hủy diệt trong Tính như một bản năng thú vật, đặc biệt Tính thích cầm con dao để thọc sâu vảo cổ lớn, thấy máu, mắt Tính lại càng sáng hơn, một nỗi thèm khát bản năng. Tính được tác giả thú hóa bản chất để trờ thành một con thú hơn là một con người. Tính hủy diệt và sát sinh không chỉ là con vật, mà đến cả người trong làng Linh Sơn cũng chết dưới tay Tính. Tính giết ông Điện bằng ngọn lửa bốc cao căm hờn, bốc từ bẹn bốc lên... Tính dùng kéo thọc sâu vào cổ một thằng bé điên để được nhìn thấy máu,
  4. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÂM THỨC TRONG THOẠT KỲ THỦY… 169 “thằng bé điên ôm yết hầu, máu phun thành tia. Đám người điên bu quanh reo hò ầm ĩ. Tính chống tay vào hông, ngửa mặt cười ằng ặc”. Sau khi đã xử lý hàng loạt ruồi, muỗi, kiến, công cống, lợn... Tính thử nghiệm trên những người khác, khi thành khi bại, cuối cùng Tính thử nghiệm việc chọc tiết trên chính mình. Tính sinh ra trong nguy cơ hủy diệt và bạo lực và chết đi cũng trong chính sự hủy diệt của bản thân. Người tạo ra bạo lực, người dồn nhau trong bạo lực, người sống trong bạo lực [5]. Một vòng quy luật của nhân quả. Tính mạng con người đơn giản và nhỏ bé chỉ bằng những công cống, những kiến, những lợn mà Tính sát sinh. Có thể thấy tâm thức bạo lực và hủy diệt ẩn tàng trong mỗi con người, nó hiện diện và có thể trổi dậy khi có thể, nếu mỗi người dễ dàng để mình mất đi nhân tính trong thâm sâu bản thể. Tâm thức hủy diệt và bạo lực trong Thoạt kỳ thủy không chỉ thấy được giữa người với người mà còn đối với cả cỏ đá cũng bị bạo hành, hủy diệt : Núi Hột “bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”, “Không ai nói chuyện, chỉ tiếng sắt va đá vang lên triền miên, ong ong”. “Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”. Bản năng hủy diệt và xâm hại của con người là bất tận, nhưng điều cốt lõi là sự hủy diệt mang niềm trực cảm vô thức thì đều nguy hiểm và đáng sợ. Tính từ nhỏ không được học hành, chỉ tiếp xúc với bạo lực, lớn lên trở thành một con thú khát máu thực sự. Đó cũng chính là bản chất của cuộc đời. Đừng bao giờ không khỏi đề phòng trước bản tính con người, hãy dành cho nhau những đồng cảm và sẽ chia để bản năng mãi chỉ là tầng ngầm êm dịu trong mỗi người. 2.2. Tâm thức cộng đồng, bầy đàn Thế giới Thoạt kỳ thủy là thế giới của một cộng đồng nhiều thân phận người đầy thâm u và nguyên sơ trong bản tính của họ. Trong thế giới ấy, làn sóng tâm thức cộng đồng dồn nén và tràn qua những con chữ của Nguyễn Bình Phương. Đi kèm với hình ảnh của cú, của bạo lực xuất hiện đầu tác phẩm là hình ảnh của người điên, “Linh Sơn nhiều người điên, họ hay tụ tập ở cột số múa hát í a. Đợt máy bay đánh, chết mất một phần ba. Sau, lại có người ở các nơi lân cận đến nhập, thành ra càng đông hơn” [4, tr. 16]. Đám người điên trong tác phẩm là sự biểu dương cho tâm thức cộng đồng những bản thể nhiễu tâm (hystérie), trong đó Tính nổi lên như là bản thể điển hình của cộng đồng đó, “Tính không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Tính thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm” [4, tr. 15]. Hình ảnh đám người điên và Tính xuất hiện như là một thế giới vô thức thứ hai sau tâm thức bản năng tính dục, bạo lực ở nơi đây. Để rồi tạo ra một Linh Sơn với đời sống đầy bản năng u ám và sơ khai. Tính sinh ra đã điên loạn, nơi có thể chấp nhận anh là thế giới của những người điên kia. Trong thế giới ấy, có đủ thứ để Tính thỏa mãn bản thể nhiễu tâm của mình. Tính chơi với người điên, ngủ ngoài đường với người điên. Khi đã hòa nhập vào làm một, thế giới điên loạn ấy như sống lại với chính bản năng của họ, “Tính nhập vào cánh điên, nhìn sát vào mặt từng người, cười nói hỉ hả. Cánh điên thích lắm, cứ sấn lại, vỗ lưng, choàng vai Tính... Tính nằm ra đường, ngủ giữa những người điên, giấc ngủ mỏng
  5. 170 LÊ KHẮC BẢO LONG manh, nhè nhẹ. Đám điên ngồi quanh Tính, trợn mắt nhìn nhau, và cũng ngáy”. Khi một người điên chết, “Tính cầm hương lẽo đẽo ra tận bãi tha ma”, tối về ngủ, tự dưng vùng dây ôm mặt “khóc bạn”. Chỉ có người đồng loại mới thấu hiểu nhau, đâu đó trong đám người điên vẫn có tình thương lẫn nhau. Hình ảnh người điên xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, đi kèm với đó là sự hiện hữu của Tính mỗi lúc có người điên. Bản năng hủy diệt và cơn khát máu của Tính mỗi khi chưa được thực hiện lại dồn én vào tầng vô thức trong thâm tâm của hắn, để rồi tìm đến cổ đứa bé điên mà thọc sâu chiếc kéo vào. Chính bản năng thú tính đã dẫn Tính đến con đường hủy diệt đồng loại, tâm thức bầy đàn và sự đoàn kết cộng đồng tưởng chừng như rạn nứt nhưng với những kẻ tâm thần như Tính và người điên thì điều đó lại như là một trò chơi. Một sự thỏa mãn thú tính tràn ngập, lấp đầy bản ngã hữu thức của bọn họ. Sự xuất hiện của cộng đồng những người điên với lối sống bầy đàn trong tác phẩm như đã phủ lên một lớp sơn nhuốm màu điên loạn hoàn toàn trong bản tính của những con người nơi đây. Cùng với sự biểu dương tâm thức cộng đồng, bầy đàn của những người điên. Sự xuất hiện của những người đàn bà như Hiền, Liên, Thương cũng là sự biểu dương của tâm thức cộng đồng, tâm thức bầy đàn của sự chịu trận. Bà Liên và Hiền là những phận đàn bà thuộc tầng lớp dưới trong cái thế giới Linh Sơn kia, họ muốn yên thì phải kìm nén, chịu nhục. Bà Hiền sống với người chồng bạo lực, nghiện ngập, muốn yên ổn qua ngày cũng phải nhịn chồng. Cú đạp mạnh của Phước vào bụng bà khi mang thai là đòn bạo lực đầu tiên mà bà phải kìm nén, “Liên trùm chiếc khăn xanh thẫm lên đầu, quấn một vòng từ sau gáy chẹn qua sống mũi, chỉ hở hai con mắt. Hai con mắt đen láy, mênh mông lướt qua mặt chồng” [4, tr. 12]. Bà dồn nén ẩn ức ấy để đồi tìm đến với nghề đạp đá ở núi Hột như là sự giải tỏa ẩn ức của sự hủy diệt kia. “Khi đập, bà Liên lẩm bẩm: “Chết cha mày, chết cha mày. Thằng già khốn kiếp!”. Đá vỡ đều hơn, chắc hơn”. Bà cũng than lên thành tiếng “chồng với chả con. Sao tôi lại đâm đầu vào ông cơ chứ”. Còn Hiền từ khi sinh ra đã là đứa con gái trong tầm ngắm của những trai làng, kể cả ông Phước, ông Bôi cũng muốn cưới về cho con trai mình. Khi trở thành vợ của Tính, Hiền vẫn sống cuộc cam chịu, không nhận được quan tâm đời sống vật chất, tinh thần từ chồng, sự yêu thương hay đời sống nhục thể cũng không có, Hiền từ đó nhận được sự đồng cảm của bà Liên, hai mẹ con là hai thân phận biểu dương tâm thức cộng đồng chịu tủi nhục, “mày khổ quá, con ạ!”, “ngày lấy chồng, tao cũng buồn như thế”, số mẹ khổ từ bé. Tao lấy bố mày cũng vì tình vì nghĩa giữa hai gia đình”. Hai mẹ con như nương tựa vào nhau để thoát khỏi những đòn đánh trực cảm của bạo lực, của tính dục. Đời sống của Hiền, Liên và sự biểu dương tâm thức cộng đồng, tâm thức chịu trận, chịu nhục cũng như chính sự chịu trận của núi Hột, bãi Nghiền Sàng. Cái âm thanh đập đá càng làm cho cái hoang sơ, man dã, ma quái, trống trơ tình người tăng thêm. “Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”. Một thế giới vô thức triền miên thiếu vắng tính người, một thế giới với những bản
  6. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÂM THỨC TRONG THOẠT KỲ THỦY… 171 thể vô trách nhiệm. Đó là Linh Sơn, là tâm thức cộng đồng trổi dậy trong cái mù mịt chướng khí của xung năng bản thể. Những Tính, những Hưng, những Nam… đều sống trong cộng đồng ấy, sống mà thiếu vắng tình người, thiếu đi sự giáo dục, thiếu đi sự tiếp xúc bằng nhân cách và đạo đức của nhân loại thì rồi cũng sẽ tự hủy diệt. Nguyễn Bình Phương như truyền đi thông điệp rằng nguy cơ tự hủy diệt và bị hủy diệt trong nhân cách của con người là rất lớn, sự dốt nát và thâm u chỉ có thể thủ tiêu bằng con đường giáo dục, để mỗi bản thể như là sự sơ khai ấy trở về với bản ngã của chính nó với đầy đủ sự tự ý thức về cộng đồng và nhân loại. 2.3. Tâm thức vô thần, vô đạo Trong con đường tâm thức thâm sâu của Thoat kỳ thủy, tâm thức vô thần, vô đạo như một ngã rẽ khác mà Nguyễn Bình Phương đã để cho nhân vật mình tự thể hiện. “Hình ảnh thượng đế trong những tôn giáo nhân bản là một biểu tượng của những năng lực của chính con người” [2, tr. 253], niềm tin vào đấng tối cao là đức tin về tình thương và tìm kiếm sự an ủi, phù trợ. Thiên chúa trong tâm thức của nhiều người là hình ảnh của đấng tối cao, nhưng Hưng trong làng Linh Sơn này lại không xem như thế. Hưng trong mắt mọi người là anh hùng trở về từ chiến trường B, trong con người hắn không phải là một chiến sĩ thực thụ. Hưng nói lên tâm thức vô thần, vô đạo của những người xung quanh khi ngồi với ông Phùng và tượng chúa Jesu trên ngực ông. “Hưng chỉ vào hình Chúa Jesu đúc nổi trên chiếc thánh giá, hỏi ông Khoa: Thằng Mỹ nào mà dạng chân dạng tay ra thế kia?”. Hình ảnh Thiên chúa đối với một số người trong Linh Sơn chỉ là “người chết treo”, là “thằng Mỹ nằm dạng chân dạng tay”, là “một người râu tóc màu vàng cởi trần, đóng khố”. Đời sống tâm linh, thoát tục dường như bị bại hoại trong cái làng này. Dù có cũng chỉ được chấp nhận một cách miễn cưỡng, ông Khoa bảo với Sung “chủ nhật phải đi lễ”, ông Sung cương quyết bắt đi làm, nếu không sẽ cho dân quân rào cổng lại. Vợ ông Khoa run run “lạy chúa”. Ông Sung quát: “Chúa cái con khỉ”. Một lối hành xử vô thần của những con người ở đây, trong tâm thức của họ, đời sống bản thể thuần tùy còn tốt hơn là đời sống tâm linh. Dù có sống trong cảm thức sùng đạo, hữu thần như ông Khoa nhưng với bản năng sát sinh quá lớn của con người thì đến đức tin cũng không thể làm gì được, Chúa nơi chiếc thánh giá lóe sáng ở cổ ông Khoa cũng không thể giúp gì được cho ông – đứa con chiên ngoan đạo hành nghề hoạn lợn của mình tránh được lưỡi dao sắc nhọn của tên điên khát máu – Tính. Đời sống thâm u, bản năng thuần túy như chiếm lĩnh hồn linh của những con người nơi đây, đến cả cảm thức tâm linh, tín ngưỡng cũng bị tâm thức vô thần, vô đạo đạp đổ. Đi xem chiếu bóng về, “qua bãi tha ma, Hưng vạch quần đái ngay lên mộ”, việc làm thất đức như bà Sinh nói nhưng Hưng cũng chỉ xem là một điều phúc đức vì tổ quốc, “Tôi đã từng hi sinh xương máu vì dân vì nước, đức ấy ai sánh được”. Còn Tính, đến cả di ảnh của bố mẹ vợ của mình trên bàn thờ cũng bảo vợ “vứt mẹ nó đi”, một trực cảm vô đạo hay nỗi sợ báo oán, dù là gì thì đời sống u uất, tối tăm trong thâm sơn cùng cốc này đã dựng xây nên vực thẳm vô thức bao lấy những nhân hình nơi đây. Tâm thức vô thần,
  7. 172 LÊ KHẮC BẢO LONG vô đạo qua những lời cổ súy của những bản thể thuần túy nơi đây thật đáng lưu tâm để thấy rõ một đời sống sơ khai trong từng nhân hình đã mất đi cảm tính lẫn nhân tính. 3. KẾT LUẬN Linh Sơn là cả một thế giới tâm thức bản năng âm u, tối tăm, những giá trị cơ bản của đời sống thượng tầng dường như còn rơi rụng ở một vài bản thể những cũng không toàn vẹn. Tính với đời sống điên loạn, thức dậy trong mình con người của sự thèm khát bản năng những vẫn khóc khi người ta chết; Hiền, Liên với bản năng tính dục chưa được quan tâm của những người đàn ông cũng thấy được thân phận mình, co rúm và than thở về cuộc sống với chồng, con. Ông Phùng, ông Khoa hay Hưng, Nam đều mang trong mình lối sống bản năng tính dục u ám, túng thiếu nhưng cũng sẵn sàng đi chiến trường giết giặc, còn có người sống với đời sống văn chương, phải trở về trong vinh quang khi nhận giải. Nhưng có thể thấy, phần đời sống bản năng và trực cảm vô thức dường như phủ lấp khắp tác phẩm, đó cũng là ý đồ của tác giả. Và ở đây yếu tố vô thức đã được triệt để khai thác nhằm thể hiện quá trình tiệm thoái của cuộc sống [3]. Đời sống bản năng trong những nẻo đường tâm thức của các nhân vật tựu chung lại cũng là đời sống vô thức tập thể, đó là sự hội ngộ chân thực nhất của những “kẻ di trú vĩnh cửu” với thế giới tâm hồn lắm đa đoan của con người [3]. Nguyễn Bình Phương khai thác phần thâm u sâu thẳm đó của con người để tha thiết rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về những giá trị có nguy cơ bị hủy diệt, những lối sống bản năng trổi dậy có lúc cũng sẽ đánh mất đi phần nhân tính của mỗi con người. Sự u mê, ảm đạm trong tâm thức của mỗi bản thể chỉ có thể được tẩy rửa bởi tình thương, sự chia sẻ và đồng cảm của cộng đồng. Và hơn hết, quá trình tiệm thoái ấy sẽ ngược dòng để hòa nhập với văn minh nhân loại khi mỗi một con người biết và hiểu được giá trị giáo dục. Để Thoạt kỳ thủy không phải là từ thuở sơ khai của đời sống bản năng thường trực trổi dậy mà là lúc bắt đầu để thức tỉnh và tôn tạo những giá trị Người tốt đẹp. Hãy bắt đầu để thức tỉnh trước khi quá muộn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Lai Thúy (2003). Phân tâm học và Tình yêu, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội [2] Đỗ Lai Thúy (2002). Phân tâm học và Văn hóa tâm linh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [3] Hoàng Đăng Khoa (2013). Cõi nhân sinh nhàu nát trong Thoạt kỳ thủy, 27.04.2015, nhavantphcm.com.vn [4] Nguyễn Bình Phương (2014). Thoạt kỳ thủy, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh. [5] Thụy Khuê (2004). Thoạt kỳ thủy trong vùng đất Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương, 27.04.2015, thuykhue.free.fr. LÊ KHẮC BẢO LONG SV lớp Văn 4D, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0982 989 481, Email: longzeus94@gmail.com
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2