intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nợ, một lời cảm ơn!

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

112
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thành phố có biển nên quanh co nhiều con hẻm biển, nên ẩm chật nhiều cái xóm biển. Tôi đã được đến chơi, được làm việc, được ở lại và ghé qua hàng bao nhiêu cái xóm biển ở nơi này. Có những nét rất chung chung ở những chỗ như vậy. Một kiểu sinh hoạt, giải trí, yêu đương và gây gổ. Một lối đơn độc và những tụ bạ, một mùi vị và những góc khuất, một tính cách và những phiền lụy, một cách uống, một kiểu chửi và vô vàn những điệu cười. Một nói năng...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nợ, một lời cảm ơn!

  1. Nợ, một lời cảm ơn! TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MỸ NỮ Thành phố có biển nên quanh co nhiều con hẻm biển, nên ẩm chật nhiều cái xóm biển. Tôi đã được đến chơi, được làm việc, được ở lại và ghé qua hàng bao nhiêu cái xóm biển ở nơi này. Có những nét rất chung chung ở những chỗ như vậy. Một kiểu sinh hoạt, giải trí, yêu đương và gây gổ. Một lối đơn độc và những tụ bạ, một mùi vị và những góc khuất, một tính cách và những phiền lụy, một cách uống, một kiểu chửi và vô vàn những điệu cười. Một nói năng hỗn hào hết mực hồn nhiên và và những bán buôn xởi lởi, rất mực đôn hậu… Khó sai! Đó! Dân biển giả. Đúng quá! Đó! Những cư dân ở xóm biển. Tôi cùng những người thân của mình đã từng sống ở một nơi như thế, trước khi bước ra phố lớn. Cả thời thơ ấu của tôi đã được trải qua tại đó cùng bao gắn bó với ghét ít, thương nhiều. Tôi đã ôm cặp đi hết con hẻm quanh co, để, bước ra một cái chợ có tên là chợ Xổm. Phải đi từ cuối chợ sặc tanh mùi cá mắm, lần lên phía trên với những sạp hàng bán đồ khô. Mới bước được ra đường cái và bồn chồn, theo mẹ đến trường lần đầu. Tôi trở thành học sinh lớp một, khi sống tại đó và rời nơi ấy, khi vào lớp cuối của bậc tiểu học. Trong mấy năm ở đây và học tại ngôi trường này, tôi thích nhất năm học lớp ba. Lý do ư? Vì tôi rất thích thầy Thành. Ông thầy này lạ lắm cơ! Nhìn, rất dễ nghĩ đó là một người chơi nhạc, đi đánh đàn ở các bar, club… Thầy Thành rất diện, nhé! Tóc láng mướt chải bồng bềnh. Ăn mặc chải chuốt. Giày kiểu cọ. Mũi nhọn, gót cao và nhỏ. Thầy có tới mấy đôi như vậy với các màu trắng, đen, nâu, vàng đậm… Anh tôi nói là thầy giáo mà mang giày của dân ăn chơi như vậy. Kỳ! Thầy Thành ở phòng mướn, ăn cơm tháng và quần áo bỏ tiệm giặt ủi. Thầy gầy, đi cái xe Solex màu đen, mỏng và cao. Nên trông cứ lênh khênh thế nào! Từ xóm biển của bọn tôi đến trường, xéo vô phía trong một chút, là doanh trại của Mỹ. Hàng bao nhiêu là gian lều dã chiến, những căn nhà tạm bợ được cất lên, ngay khu đất
  2. trống cận kề đó. Và, bao tệ nạn đã diễn ra, suốt ngày đêm. Còn nhỏ, rất hay tò mò nên bọn con gái cũng có rủ rê nhau dòm ngó chút đỉnh. Những thằng con trai đâu chịu dừng lại ở đó. Mấy chuyện bọn nó làm, tưởng không có ai hay. Té ra thầy Thành biết hết và đem tất cả vào những tiết giảng của mình với những lời nhắc nhở, răn đe: “Nếu họ cho một cách tử tế, các em cứ mạnh dạn nhận và cảm ơn đàng hoàng. Còn đi theo lải nhải xin xỏ ư? Trời ơi! Sao mà nhục! Còn cho như bố thí, hả? Thì, thà chịu thèm. Hiểu chưa? Chứ sao còn có thể đá đập nhau, mắng chửi nhau để giành giật từng lon đồ hộp, bịch kẹo. Các em vậy họ đâu chỉ khinh các em, còn khinh cả cha mẹ, thầy cô các em. Còn khinh cả dân mình. Hiểu chưa?”. Thầy không hề giống bất cứ một thầy, cô nào khác với những cách dạy như vậy và với những tiết học như thế. Những thầy cô chỉn chu, an phận nơi ngôi trường tiểu học vùng ven đô, những năm ấy. Đó, là điều mãi sau này khi đã lớn thêm tôi mới nhận ra. Cùng lúc nhận ra thầy lập dị, tôi mới hiểu được lý do vì sao mà trông thầy rất cô đơn. Khi nào cũng đi về một mình. Một mình trên cái xe Solex đen tuyền. Nhìn vô phòng họp, cũng thấy thầy ngồi ở cuối cùng: một mình. Giờ chào cờ đầu tuần khi mà tất cả giáo viên cùng đứng bên nhau, thấy thầy lảng ra và tìm một chỗ nào đó để đứng một mình. Dáng lêu khêu, khuôn mặt nhiều khắc khổ của thầy, vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Rất khó để quên thầy với mái đầu chúi chúi, vai mảnh, ngực gầy tay thọc sâu túi quần lủi thủi qua lại dãy hành lang. Khi giảng bài, thầy say mê nên thấy gần gũi. Hồi hết giảng thầy lạnh lùng, ngó thật cách xa. Thầy rất nóng và chẳng hiền, một chút nào. Càng dữ hơn nếu biết một đứa nào mò vô gần doanh trại Mỹ hay la cà quanh mấy khu vực gái gú, dòm ngó và xin xỏ. Tôi đã tận mắt thấy thầy la học trò mình ngay giữa đường phố. Thầy thắng xe, giật giọng kêu lại, mắt quắt lên giận dữ và từng tiếng, từng chữ gầm gừ trong miệng thầy trước khi bật ra. Nhiều đứa trong lớp không thương quí thầy nhưng tôi, ngược lại. Có ý nghĩ tôi cảm được nỗi lẻ loi của thầy, nỗi buồn của thầy, những đau đáu trong thầy, dẫu không nhiều. Sau này lớn thêm tôi biết: mỗi người có một cách bày tỏ và thể hiện những yêu thương và cái cách của thầy là thế. Thầy đâu sai, khi sống đúng với con người của mình. Và cớ gì thầy lại bị ghét?
  3. *** Chuyện thầy tát tai thằng Hùng địa ở chợ Xổm không ngờ lại gây rắc rối đến vậy. Nhà thằng Hùng địa, tụi tôi biết rất rõ. Phức tạp lắm kìa! Ba nó có ghe mành nhưng đâu chịu đi biển. Anh trai nó cũng đâu chịu đi làm. ở nhà phụ má nó mở động điếm. Anh nó vừa làm gác dan cho sở Mỹ vừa làm gác dan ở nhà. Đeo cái kính có chút xíu, để râu dài, thường cởi trần khoe mấy cái hình xăm ngoằn ngoèo, quái dị. Dây nịt quần rất to, có khoen bằng sắt thép gì đó nên đụng vô là kêu loảng xoảng… Thấy bắt ghê! Mới học lớp ba mà ra đường, ở nhà lúc nào Hùng địa cũng phì phèo điếu thuốc. Nó nói còn biết uống bia. Mở miệng ra là no, yes, ok… trong khi hàm trên, hàm dưới mắc nhai kẹo cao su bóp bép. Có mấy đứa trong lớp hay hùa theo, nịnh bợ để được nó bố thí cho lon coca, thỏi chocolate… Một điều anh Hùng, hai điều anh Hùng… Quen thói ngang ngược ở nhà và trong xóm, Hùng địa cũng ngông nghênh như vậy khi tới trường. Hùng bị thầy phạt lần thứ nhất khi nó hỗn với bác cai trường bởi đi học trễ. Lần thứ hai khi nó quăng mấy đồng xu Mỹ xuống dưới đất và bảo mấy đứa bạn cúi lượm. Thầy đánh cả đứa quăng lẫn đứa lượm. Đứa quăng vì xấc xược và đứa lượm vì ươn hèn. Lần thứ ba, khi nó trơ tráo chọc ghẹo mấy giáo sinh nữ bên trường Sư phạm, qua thực tập. Nó làm nhiều trò rất tởm và cứ lì lợm làm hoài, dù đã bị chính thầy hiệu trưởng khiển trách dưới cột cờ. Hình phạt của thầy Thành, lần này, mạnh hơn những lần trước nhiều. Đúng là một cái tát tai nảy lửa như người ta thường nói. Lũ chúng tôi nhìn không mà cũng bắt nổ đom đóm mắt. Má thằng Hùng địa hằn đủ những dấu tay của thầy. Nó vừa xoa má vừa chửi thề và vùng chạy ra khỏi trường. Chưa đầy tiếng đồng hồ sau, đã thấy Hùng địa và thằng anh côn đồ xuất hiện. Thầy bị đánh ngay khi vừa rời bục giảng và bước ra khỏi lớp. Sự việc diễn ra quá bất ngờ nên các phòng bên không một ai hay biết. Chỉ đến khi nghe tiếng hét, la khóc lóc của lũ học trò lớp tôi, mọi người mới túa đến. Anh em nhà Hùng lập tức biến ngay và thầy, tức khắc được chuyển đến phòng y tế học đường. Chúng tôi đến thăm thầy sau buổi học hôm ấy. Thầy chỉ bị thương nhẹ nhưng bác cai trường giữ lại để tiện chăm sóc. Thầy ngồi trên cái bục thấp nhất của cột cờ với đám học
  4. trò lau nhau vây quanh. Đó, duy nhất cảnh thầy không cô đơn. Chẳng phải một mình nhưng trông buồn quá! Bởi đó, tôi đã nấn ná ở lại sau khi các bạn ra về hết. Hai thầy trò, hai chỗ ngồi co rút nên, chắc là nhỏ nhoi hơn giữa sân trường rộng thênh. Vài năm sau, tôi mới hay thầy đã nghỉ dạy và cũng không trở về quê ở trong Nam. Thầy làm thông dịch viên cho tổ chức “Anh quốc bảo trợ nhi đồng”, đã lập gia đình và vẫn sống ở đây. Mơ hồ, tôi hiểu lý do thầy không thể tiếp tục làm giáo viên nhưng rất rõ rệt, tôi biết nguyên cớ thầy chọn công việc mới này. Tiếc xen lẫn mừng. Tôi đã ao ước gặp lại thầy biết bao mà sao lạ, nhỉ? Thành phố này có rộng lớn xa lạ gì cho cam. Thoảng khi, nhớ đến thầy và lập tức, tôi mường tượng… Thầy ốm nhom ngồi lỏng khỏng trên cái xe Solex đen tuyền với một phụ nữ rất đẫy đà ở phía sau. Thầy vẫn chẳng khác gì ngày trước, ngoại trừ khuôn mặt rất tươi. Tươi, vì hết khó đăm đăm và đã biết cười. *** Không hề giống các bạn cùng xóm dù, nhà tôi nghèo và tôi rất thèm kẹo, bánh. Tôi luôn biết gật đầu chào lại và: “Thank you” nếu có một người ngoại quốc nào đó cho tôi quà.
  5. Thật ra, điều này cũng không hiếm vì nói chung, mấy người nước ngoài phải sống xa nhà rất nhớ gia đình vợ con. Họ quí bọn nhỏ chúng tôi bằng tình thương dành cho con cháu của mình, ở phương xa. Tôi còn nhớ rất rõ, là: trong túi áo blouse trắng của các bác sĩ Mỹ, Tân Tây Lan… luôn có sẵn những phong chocolate, chewingum.. để tặng cho các bệnh nhân nhi đồng. Trong những sinh hoạt cộng đồng, các anh chị thuộc Đoàn thanh niên chí nguyện quốc tế luôn để sẵn những phần quà và tùy nghi sử dụng. Có khi, để dỗ dành mấy em nhỏ không chịu tham gia các trò chơi. Đôi hồi, để thưởng những đứa trẻ tự tin và hoạt bát như… tôi, chẳng hạn. Những sinh hoạt như thế bọn nhỏ chúng tôi được tham dự đâu phải là ít, nếu muốn. ở sân nhà thờ khi đến mùa Giáng sinh, Phục sinh. ở trường tiểu học khi tới dịp trung thu hay tết. Tôi đã gặp trong suốt quãng đời trẻ thơ và niên thiếu của mình rất nhiều người ngoại quốc, thật là dễ thương và hết sức ấn tượng. Nhưng, không có nghĩa tất cả đều được như thế. Nên mới cần đến những lời căn dặn, răn đe của thầy Thành. Các bạn tôi đều có hoàn cảnh gia đình, na ná nhau. Với bố đi ghe về là ngồi vào chiếu rượu. Và mẹ, bán hết gánh cá là chiếm chỗ nơi sòng tứ sắc. Tiền bạc trong nhà luôn hụt thiếu nhưng dư những chuyện đập lộn, chửi nhau. Có những hộ gia đình là dân ngụ cư như nhà tôi nhưng cách sống lại quá khác biệt. Họ luôn cặp kè với vũ nữ, gái điếm và thường xuất hiện cùng dân mua hàng P.X, đổi đô, tụi nhỏ đánh giày… Cả một đội quân đông đảo ăn theo lính Mỹ có cách sống rất hoang phí và nhếch nhác. Giữa tất cả những xô bồ nhốn nháo ở đó, gia đình tôi đã chọn cho mình một cách sống rất riêng. Hẳn, đó là một kiểu suy nghĩ nghịch và một lối sống lệch hẳn với mọi người. Bố mẹ tôi vẫn giữ được nếp nhà, khi di cư vào trong này. Ngay từ hồi đó, tôi đã biết mình không thuộc về cái xóm biển ấy dẫu thương yêu gắn bó thật lòng. Tôi không cho phép mình, mon men, lại gần doanh trại Mỹ hay những căn lều dựng tạm nơi khu đất trống cạnh đó. Dù các bạn tôi thường xuyên rủ rê và luôn bảo: “Hay lắm!”. Tôi cũng đã bao lần, lặng lẽ, ngắm bố khẽ nhấc cốc rượu, nhấp từng ngụm nhỏ nhâm nhi và tìm ngay ra điểm rất khác với những người bố ở nơi ấy. Những ông chủ gia đình với hàng bao cuộc uống vô chừng và ồn ĩ. Mái tóc vấn của mẹ của bà nội, lạ hẳn, giữa bao mái tóc búi của những phụ nữ miền
  6. Trung khi ở nhà thờ… Cả xóm biển nơi ấy gọi chúng tôi là “gia đình Bắc kỳ” theo cả hai nghĩa. Với cả ghét cả thương, cả gần gụi và cách biệt. Chúng tôi khác và tôi biết, không phải mãi đến tận giờ. Có một người cũng sống không giống ai, ở đó. Và cũng chẳng hề giống chúng tôi. Đó là cô Tú. Cô mướn riêng một căn hộ giữa hẻm. Nhà có cổng rào với một mái hiên nhỏ đặt mấy chậu cây cảnh. Có thứ cây cho hương rất đậm và có cây cho màu rất đẹp. Qua mấy người hàng xóm, tôi biết, trước đó cô Tú làm gái ở bar “Con bò điên” rồi cặp với tay phi công lái máy bay quân sự. Cuối tuần, cái ông da trắng này mới về. Như vậy rõ ràng là cô Tú làm điếm rồi nhưng cô này khác lắm cơ! Cô không hề giống với rất nhiều cô gái điếm mà bọn chúng tôi vẫn đụng mặt, mỗi ngày. Không quần áo lòe loẹt. Không đùm túm bạn bè, hút thuốc, uống rượu và chửi lộn. Cô đi chợ Xổm trả treo nhẹ nhàng, chào hỏi mọi người và rất hay cười, khi gặp bọn trẻ con. Giáng sinh nào nhà cô Tú cũng làm hang đá, có cây thông treo đầy thiệp với những gói quà nho nhỏ xinh xinh. Mấy ngày trước lễ, cô thường chận mấy đứa nhỏ trong xóm lại để cho kẹo bánh, chocolate. Tôi đã hằng bao lần lén nhìn cái cách cô trao quà cho từng đứa, từng đứa một. Sao mà nâng niu! Sao mà trìu mến! Cô đặt hộp kẹo, gói bánh vào tận lòng bàn tay của người nhận. Và nói ngập ngừng như có lỗi. “Nhận cho cô vui nghe”. Tôi rất thích một hộp kẹo cô Tú cho. Kẹo rất thơm ngon và có một giọt rượu ở trong với lại những thỏi chocolate nhân đậu phộng. Tôi thích cái cách cô mở lòng bàn tay mình ra và đặt quà rồi siết nhẹ. Tay cô mềm và ấm lạ lùng. Thích câu cô nói với một giọng Nam bộ, nhỏ nhẹ và ân cần. Thích một lần, được nắm lại bàn tay cô. Đúng rồi nắm lại cái siết tay của cô Tú ấy mà. Một cử chỉ thay cho lời cảm ơn của tôi. Là: “Thank you”. Cái sự ưa thích ấy, ước muốn ấy chợt bùng lên và ngay tức thì, tan biến. Có một cái gì đó, rất mạnh và dữ đã đồng thời bật dậy trong con người tôi, lên tiếng cản ngăn. Thế là tôi không thể. Không thể, cho một điều rất đơn giản và bé nhỏ như vậy sao! Tay cô đang siết lấy tay tôi đây mà. Sao tôi lại duỗi ra? Sao tôi lại ơ thờ và có vẻ chống đối? Nhờ có cô, Giáng sinh với cái đám nhóc tụi tôi như lung linh hơn ngon ngọt hơn. Chẳng trách, bọn bạn tôi luôn mong muốn một năm có đến mấy lần Giáng sinh. Riêng tôi, chỉ
  7. thầm thì cầu nguyện với Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ. Tôi xin Ngài cho tôi biết cảm ơn cô Tú, theo cái cách của mình ở mùa Giáng sinh sau. Nhất định phải là mùa Giáng sinh sắp đến. Đâu ngờ, chỉ là một lời hẹn bâng quơ. Bởi, chưa qua hết quãng đời trẻ con, tôi đã rời xóm. Đây là lần thứ tư gia đình tôi chuyển chỗ ở, tính từ lúc tôi có mặt ở trên đời. Đầu tiên là ở một trại định cư với sự chu cấp rất đầy đủ của chính quyền ông Diệm. Tôi sinh ra tại cái chỗ này đây. Tại Quảng Ngãi. Bố mẹ tôi đưa cả nhà ra ngoài vì, không thể sống nhờ vào viện trợ mãi. Đó, lần quyết tâm thứ nhất và cứ mỗi lần như vậy cộng với sự cật lực làm việc, tính căn cơ của cả gia đình, là chúng tôi lại đổi chỗ ở. Ngay khi vừa mua đất, cất lên hai gian nhà tềnh toàng ở xóm biển. Bố mẹ tôi đã tính đến một ngày, sẽ đưa được các con ra khỏi cái nơi hỗn tạp và nhiều cám dỗ, như là nơi ấy. Sẽ lên phố. Tôi không vui và chẳng buồn khi ngày đó tới. Bởi, vừa thích được sống ở một chỗ mới vừa không thích, xa mái trường có thầy Thành và xa hẳn xóm biển thiết thân. *** Tôi đã có nhiều lần quay lại, nơi ấy. Lần đầu, là vào một chiều của tháng mười hai khi tôi đang học lớp đệ lục*. Đó là một mùa đông lạnh nhất mà tôi biết. Phố tràn ngập không khí Giáng sinh. Bước chân rời nhà, ra đường và như có ai đó dẫn dắt, tôi quay lại chợ Xổm, đi qua mấy con hẻm nhỏ, bẩn chật và đứng rất lâu trước ngôi nhà đó. Căn hộ vẫn như cũ với màu vôi vàng nhạt, mấy chậu cây cảnh và thêm vào một giàn bông giấy, với màu tím và màu trắng đan xen. Tôi nhìn vào bên trong, thấy bóng hai người lớn đang lúi húi trang hoàng hang đá rồi tiếng khóc của trẻ con và giọng dỗ dành của phụ nữ. Tim tôi thót lại. Đúng rồi. Là giọng cô Tú đây mà. Một giọng Nam bộ rất đặc biệt, sao tôi có thể quên. Nghe cách xưng hô, tôi biết, đứa bé đó là con của cô nhưng thoắt lo: Chẳng rõ là Mỹ đen hay trắng? Đại Hàn hay Phi? Hình như vì cái điều thoắt nghĩ đến mà lòng tôi có sững lại và chân tôi, lựng chựng ngay bậc thềm. Nhưng, nỗi ao ước được gặp lại cô. Được nắm lấy bàn tay cô, ấm sực. Nắm tay cô, không phải là điều tôi đã luôn mong muốn sao! Nhất định tôi sẽ nắm tay cô như một cách bày tỏ tình thương, sự trìu mến, như một lời cám ơn. Lời cảm ơn tôi nợ cô hằng bao
  8. mùa Giáng sinh trẻ nhỏ. Cuối cùng, thứ tình cảm nén đè bỗng chốc bật dậy trong tôi, đã thắng. Vào nhà, tôi thấy cô ngồi bế con, vừa cười vừa chả chớt nựng nịu. Còn người đàn ông đứng bên hang đá và đang loay hoay với chùm đèn. Là một người, không cách gì tôi có thể hiểu nổi, khi tầm mắt xoay về hướng đó. Tôi chạy vội ra khỏi căn nhà cô Tú. Ra khỏi mấy con hẻm cát lún. Ra khỏi chợ và băng băng vụt ra đường cái, lao nhanh về phố… Sau đó, gần như năm nào tôi cũng trở lại và thường, là vào mùa Giáng sinh. Nhưng, chỉ ngập ngừng và nấn ná ở đầu chợ. Rồi quay lưng. Một lần quay lưng lại nơi ấy là một lần tôi đau khổ thêm, day dứt thêm. Có lần, tôi khóc nức nở suốt chặng về. Có lần, mắt tôi ráo hoảnh và môi tôi mím chặt. Giận mình và cả nữa, khinh mình. Giả như cô Tú không làm điếm? Và, giả như cô Tú không là vợ của thầy Thành. Mà cô Tú, trời ạ! Bàn tay cô ấm sực đến thế! Giọng cô ân cần đến thế! Và những Giáng sinh của tôi và lũ bạn, nhờ có cô đã lung linh và ngon ngọt đến dường ấy cơ mà. Tôi cũng không thôi trăn trở khi nghĩ nhớ đến thầy Thành. Có thể thầy như thế này, thế khác? Có thể thầy có nhiều tật xấu và thói hư? Có thể và có thể… Nhưng, bất kể tôi khi còn trẻ nhỏ, tôi là thiếu nữ, tôi đã trung niên. Bất kể nơi đâu và bất kể thời gian nào. Tôi vẫn rất hãnh diện để nói rằng: thầy. Chính thầy Thành là người đầu tiên gieo vào tâm hồn non nớt của tôi tính tự trọng dân tộc. Giáng sinh 1975, sau quá nhiều biến cố đến với chính mình và gia đình. Tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đã có sự thấu hiểu và biết cảm thông. Đã đủ bình tâm và đã rất sẵn sàng, tôi mới chịu quay lại nơi ấy. Vẫn chợ Xổm nhếch nhác sặc tanh mùi cá mắm. Vẫn những con hẻm cát lún mà sao bước chân tôi nhanh nhẹn, thẳng thớm. Đến nơi, thấy cổng đóng và cửa đóng. Giàn hoa giấy không còn. Mấy chậu cảnh lăn lóc trên khoảng hè bụi bặm. Tôi sang nhà sát cạnh hỏi thăm và được biết, gia đình thầy đã di tản “trước khi mấy ông đây vô”. Ông hàng xóm chậc lưỡi: “Biết mấy ổng ra sao mà dám ở lại chứ!”. Cũng qua cặp chủ nhà này, tôi mới biết thầy Thành đã có ba đứa con, cô Tú có cái sạp bán đồ khô ngay tại chợ Xổm. Tính cô thương người, điềm đạm mà cởi mở lắm! Còn thầy, công chuyện lu bu và cũng có hồi vắng nhà. Nhưng, đi thì thôi! Về, là gom hết lũ nhỏ hoang
  9. hư trong xóm lại, dạy chữ. Tính nóng và cộc chứ mà tốt bụng. Bọn thanh niên bợm bãi ở đây nhờ có thầy rèn, đỡ nhiều. *** Đâu hay! Tôi còn có thể gặp lại họ. Gặp, rất thường xuyên. Thầy vẫn chẳng mập thêm và cô Tú vẫn dáng thon thả. Hai người chở nhau trên cái xe Solex đen tuyền, nhẹ bẫng băng qua phố mùa đông. Sao vẫn là Solex, nhỉ? Kiểu người thầy thì chẳng thể là Air Blade, SH… rồi. Nhưng phải là Wave, Jupiter… gì đấy chứ! Một câu hỏi cũ chợt lóe lên và một giấc mơ đẹp bỗng dừng lại. Không thể tiếp tục nữa rồi. Bởi, tiếng loa phường chỉa vào tận phòng ngủ. Đúng 5h. Một ngày mới lại bắt đầu bằng một, hai, ba… vươn thở. Một hai, ba… tay giơ cao. Một hai ba… chân bước tới. Bước…
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2