intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí tiếng Trung “啊” trong câu trần thuật

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

24
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí tiếng Trung “啊” trong câu trần thuật" tiến hành phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí “啊” đứng cuối câu trần thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng phương pháp học đúng đắn.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí tiếng Trung “啊” trong câu trần thuật

  1. 60 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội PHÂN TÍCH NGỮ NGHĨA CỦA TRỢ TỪ NGỮ KHÍ TIẾNG TRUNG “啊” TRONG CÂU TRẦN THUẬT Phan Linh Chi Trường Đại học Hà Tĩnh Tóm tắt: Trợ từ ngữ khí trong tiếng Trung được sử dụng rộng rãi nhằm tăng ngữ khí và cảm xúc cho câu nói. Với khả năng diễn đạt ngữ khí phong phú, trợ từ ngữ khí trở thành một thử thách cho người học tiếng Trung, bao gồm học sinh Việt Nam. Trong đó, trợ từ ngữ khí “啊” có thể diễn đạt cả 4 loại ngữ khí trần thuật, nghi vấn, cầu khiến và cảm thán, khiến học sinh khó phân biệt ngữ nghĩa cụ thể trong từng văn cảnh. Bài viết này tiến hành phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí “啊” đứng cuối câu trần thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng phương pháp học đúng đắn. Từ khóa: trợ từ ngữ khí “啊”, câu trần thuật, so sánh ngữ nghĩa. Nhận bài ngày 9.4.2023; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 24.4.2023 Liên hệ tác giả: Phan Linh Chi; Email: chi.phanlinh@htu.edu.vn 1. MỞ BÀI Trợ từ ngữ khí là công cụ dùng để biểu đạt ngữ khí của người nói của một số ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung và tiếng Việt. Từ ngữ khí trong tiếng Trung có tần suất sử dụng rất cao, ý nghĩa phong phú, cách dùng rộng, trở thành một trong những điểm khó đối với người học tiếng Trung, bao gồm cả người học ở Việt Nam. Tiếng Trung gồm 6 trợ từ ngữ khí cơ bản là “了”,“的”,“吗”,“啊”,“吧”,“呢”. Trong đó trợ từ ngữ khí “啊” có thể diễn đạt ngữ khí nghi vấn, trần thuật, cầu khiến và cảm thán. Trong bài này, người viết tiến hành phân tích ngữ nghĩa của trợ từ ngữ khí “啊” trong câu trần thuật, từ đó góp phần đưa ra phương pháp giảng dạy hiệu quả. Bắt đầu từ Mã thị văn thông (马氏文通), giới học thuật đã không ngừng nghiên cứu về trợ từ ngữ khí trong tiếng Trung. Trung Quốc văn pháp yếu lược (中国文法要略) của Lữ Thúc Tương (吕叔湘) cho rằng “ngữ khí” theo “nghĩa hẹp” chia thành trần thuật, nghi vấn, thương lượng, cầu khiến, cảm thán. Hoàng Bách Tùng, Liêu Tự Đông (黄伯宋,廖序东) trong quyển Hiện đại Hán ngữ (现代汉语) chỉ ra rằng tác dụng của trợ từ ngữ khí là thể hiện ngữ khí, đồng thời liệt kê 4 loại ngữ khí bao gồm trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.
  2. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 61 Tiếng Trung gồm 6 trợ từ ngữ khí cơ bản “吗”, “吧”, “呢”, “了”, “的”, “啊”, trong đó ngữ khí mà trợ từ “啊” thể hiện là phong phú nhất, có thể diễn tả toàn bộ 4 loại ngữ khí bao gồm trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán. Khi sử dụng trợ từ ngữ khí “啊” diễn tả một loại ngữ khí cụ thể còn tạo ra sự khác biệt nhỏ về mặt sắc thái cảm xúc tùy theo ngữ cảnh trong câu. Chu Thành Chí (储诚志) trong Phân tích ý nghĩa ngữ khí của trợ từ ngữ khí – lấy “啊” làm ví dụ (语气词语气意义的分析问题——以“啊”为例) đã liệt kê 18 cách dùng của ngữ khí từ “啊”. Nhan Na, Quách Hậu Nghiêu (颜娜、郭厚尧) trong Chức năng ngữ dụng của “啊” và cơ chế đạt được chức năng đó (“啊”的语用功能及其获得机制) khái quát các công dụng thường thấy của “啊” gồm có biểu thị khen ngợi, cảm thán; biểu thị khuyên ngăn, cảnh cáo; biểu thị giận dữ; biểu thị cảm xúc nặng nề, bất lực; dùng trong câu trả lời thể hiện ngữ khí hòa hoãn. Có thể thấy, các nghiên cứu về trợ từ ngữ khí “啊” là tương đối nhiều, nhưng mỗi tác giả phân tích và phân loại từ các góc độ khác nhau, cho nên ý nghĩa ngữ khí mà trợ từ này biểu đạt vẫn chưa có một cách phân loại thống nhất. Bài viết tập trung nghiên cứu ngữ nghĩa của ngữ khí từ “啊” đặt ở cuối câu trần thuật. Trợ từ ngữ khí “啊” là một trong số ít các từ có xuất hiện hiện tượng biến âm trong tiếng Trung, cách phát âm của trợ từ ngữ khí “啊” thay đổi dựa theo âm kết thúc của âm tiết đứng liền trước. Tuy nhiên, hiện tượng này không gây ảnh hưởng đến ý nghĩa ngữ khí của “啊”, cho nên bài viết không đi sâu phân tích hiện tượng biến âm nhưng vẫn sẽ khái quát hiện tượng này để tiện sử dụng các câu ví dụ có chứa các trợ từ ngữ khí là biến âm của “啊” (nếu có). Phương pháp nghiên cứu chủ yếu gồm nghiên cứu tổng hợp tài liệu và phân tích so sánh. Bài viết sẽ tổng hợp các tài liệu có liên quan, phân tích trợ từ ngữ khí “啊” trên 2 phương diện ý nghĩa ngữ khí và chức năng trong câu nói. Bài viết lựa chọn các câu ví dụ liên quan từ kho ngữ liệu của người bản xứ và tiến hành phân tích ý nghĩa của trợ từ ngữ khí “啊” trong câu, cũng như so sánh với một số trợ từ ngữ khí có ý nghĩa ngữ khí tương tự mà người học dễ nhầm lẫn khi sử dụng. 2. NỘI DUNG Trợ từ ngữ khí "啊" là một trong những trợ từ ngữ khí phổ biến nhất trong tiếng Trung Quốc hiện đại, có phiên âm là “a" (thanh nhẹ). Nó có thể được sử dụng ở giữa câu để biểu thị sự ngập ngừng, ngắt câu hoặc nó có thể được sử dụng ở cuối câu để tăng thêm hoặc giảm bớt một ngữ khí nào đó. Cách phát âm của "啊" bị ảnh hưởng bởi âm cuối của âm tiết trước đó, cụ thể như sau: Chức năng của câu trần thuật nhìn chung là kể lại sự việc, nhưng trong nhiều trường hợp, sự kết hợp giữa ngữ khí của câu với các trợ từ ngữ khí sẽ làm tăng thêm những sắc thái cảm xúc khác nhau cho câu trần thuật, như: khẳng định, phủ định, quyết định, xác nhận, nhắc nhở, cảnh giác, biện minh,… Các trợ từ ngữ khí thường được sử dụng trong các câu trần thuật bao gồm “了”, “的”, “呢 ”, “吧”, “啊",... và mỗi trợ từ ngữ khí có một chút khác biệt trong cách diễn đạt cảm xúc. Trong số đó, trợ từ ngữ khí “啊” có ý nghĩa ngữ khí phong phú nhất.
  3. 62 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Vần hoặc âm cuối của âm Cách viết khác của “啊” Phát âm của “啊” đứng trước khi thay đổi âm đọc a,e,i,o, ü a – ia 呀 u,ao,ou a – ua 哇 -n a – na 哪 -ng a – nga zhi,chi,shi,ri a – ra 2.1. Trợ từ ngữ khí “啊” dùng để hô ứng, trả lời Tiếng Trung có một loại câu trần thuật đặc biệt, dùng để trả lời câu hỏi, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của người khác hoặc nhận lời mời của người khác. Có thể liệt kê một số cách diễn đạt phổ biến nhất như: “对”, “对啊”, “是”, “是啊”, “好 ”, “好啊”, “行”, “行啊” (đều mang nghĩa “đúng vậy”, “được”). Trong mẫu câu này, “啊” có chức năng gia tăng hoặc giảm bớt ngữ khí. Ví dụ: (1)- 妈,你不觉得真山先生和惠子姐挺像的吗 - 脸像? - 对啊 。 (川端康成,《风中之路》) Dịch nghĩa: - Mẹ, mẹ không thấy ngài Mayama và chị Keiko khá giống nhau à? - Mặt giống nhau? - Đúng vậy. (2)- 我想开一个生日宴会。- 她突然说。 - 好啊 !你想请谁呢? Dịch nghĩa: - Con muốn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật. – Cô ấy đột nhiên nói. - Được đấy! Con muốn mời ai nào? Ví dụ (1), khi người mẹ dùng câu nghi vấn để giải thích cụ thể hơn "Có phải ngài Mayama và chị Keiko có khuôn mặt giống nhau không", người nói trả lời "Đúng vậy" để xác nhận câu hỏi đầu tiên mà anh ta nêu ra. Ví dụ (2) là đoạn đối thoại giữa người cha và con gái, trong đó cô con gái bày tỏ mong muốn tổ chức tiệc sinh nhật, người cha nói "Được đấy" để đồng ý và chấp nhận yêu cầu của con gái, đây là một kiểu trả lời hô ứng. Trợ từ ngữ khí cuối câu “啊” trong hai ví dụ trên giúp câu nói uyển chuyển hơn, vì vậy, giọng điệu xác nhận và đồng tình cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Câu ví dụ (2) còn thể hiện được thái độ vui vẻ đồng thuận.
  4. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 63 2.2. Trợ từ ngữ khí “啊” dùng để xác nhận thông tin Trợ từ ngữ khí "啊" xuất hiện ở cuối câu khẳng định có thể dùng để xác nhận thông tin với ngữ khí khẳng định chắc chắn. Thêm trợ từ ngữ khí "啊" nhấn mạnh rằng người nói đồng ý hoặc xác nhận điều gì đó. (3) 对对对,我是啸天啊!(王火,《战争和人》) Dịch nghĩa:Đúng đúng đúng, em là Khiếu Thiên đây! (4)“韩大搜,领导上不惜一切代价,也要把老韩的伤治好,他是国宝 啊!” (霍达,《穆斯林的葬礼》) Dịch nghĩa:Chị Hàn, lãnh đạo bằng bất kì giá nào cũng phải chữa khỏi vết thương của cụ Hàn, cụ ấy là quốc bảo đấy! (5) “只是,神甫先生,我有老婆孩子,要是有人告发,他们会把我撤职的;我 全靠这职位生活啊 。” (司汤达,《红与黑》) Dịch nghĩa:Chỉ là, thưa Đức cha, tôi có vợ con, nếu như có người tố giác, bọn họ sẽ miễn chức tôi mất; tôi chỉ dựa vào chức vụ này để sống đấy.” Ba ví dụ nêu trên trợ từ ngữ khí “啊” đều dùng để xác nhận lại một thông tin, tăng thêm ngữ khí khẳng định. Nếu không sử dụng trợ từ ngữ khí “啊”, ngữ khí khẳng định của câu nói cũng bớt tha thiết hơn. 2.3. Trợ từ ngữ khí “啊” dùng để đưa ra dự đoán Đôi khi, người nói xác nhận hoặc thông báo cho người nghe về một số sự việc do chính họ suy đoán. Trong trường hợp này, trợ từ ngữ khí "啊" sẽ chứa ý nghĩa suy đoán và làm dịu đi ngữ khí khẳng định. Trợ từ ngữ khí trong tiếng Việt "đấy (đó)" cũng có nghĩa tương tự. (5)“铃子要是结婚, 师傅会很寂寞的啊。”(川端康成,《花的圆舞曲》 Dịch nghĩa:Nếu Reiko kết hôn, bác ấy sẽ rất cô đơn đấy. (6) 就照你这样说,你也是个有心人啊。(张恨水,《春明外史》) Dịch nghĩa:Như cậu nói thì, cậu cũng là người có tâm đấy (đó). Ở hai ví dụ trên, nếu không thêm “啊” vào cuối câu, ngữ nghĩa sẽ thay đổi, không còn là suy đoán dựa trên thực tế mà trở thành khẳng định chắc chắn. Nếu thay trợ từ “啊” thành trợ từ “吧”, ý nghĩa suy đoán sẽ nhiều hơn, thể hiện sự do dự hoặc nghi ngờ nhiều hơn. (5a)“铃子要是结婚,师傅会很寂寞的吧。” (6a)就照你这样说,你也是个有心人吧。 2.4. Trợ từ ngữ khí “啊” kết hợp với “应该” để biểu thị “lẽ tất nhiên” Ý nghĩa ngữ khí được thể hiện bởi trợ từ ngữ khí "啊" ở cuối câu trần thuật cũng bị ảnh hưởng bởi một số từ hoặc cấu trúc nhất định trong câu. Nếu trong câu xuất hiện trợ động từ "应该" (nên) thì trợ từ ngữ khí "啊" sẽ làm tăng ý nghĩa của từ "应该", cho thấy những sự việc được đề cập trong câu diễn ra theo lẽ thường. Cách dùng này không chỉ có nghĩa là sự
  5. 64 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội việc tất nhiên sẽ xảy ra mà còn mang giọng điệu oán trách, đổ lỗi cho người thực hiện sự việc đã không hành động theo lẽ thường tình. (7) ……, 她载过什么,她应该记得啊。(严歌苓,《陆犯焉识》) Dịch nghĩa……, cô ấy đeo cái gì, cô ấy phải nhớ chứ. (8)可是,老爷每天到些什么地方,你总应该知道啊!(茅盾,《锻炼》) Dịch nghĩa:Nhưng mà, lão gia mỗi ngày đến những nơi nào, cậu hẳn phải biết chứ! 2.5. Trợ từ ngữ khí “啊” thể hiện “rõ ràng, dễ thấy” Đôi khi người nói sử dụng câu trần thuật để chỉ ra một sự thật hiển nhiên cho người nghe. Thực tế này là hiển nhiên, nhưng dường như bị người nghe bỏ qua. Lúc này trợ từ ngữ khí “啊” đóng vai trò nhấn mạnh. Ý nghĩa ngữ khí được thể hiện qua trợ từ tình thái "啊" cũng giống như ý nghĩa của trợ từ tình thái "mà" trong tiếng Việt. (9)虽说成事在天,可孩子们毕竟被托付给了我啊。 (特威西格耶·杰克逊·卡古瑞,《那卡的曙光》) Dịch nghĩa: Mặc dù thành sự tại thiên, nhưng lũ trẻ dù sao cũng được phó thác cho tôi mà. (10)“在楼下,奶奶,我说过了啊。” (奥尔罕·帕慕克,《寂静的房子》) Dịch nghĩa: Ở dưới tầng, bà ơi, cháu nói rồi mà. 2.6. Trợ từ ngữ khí “啊” kết hợp với hình thức câu phủ định Các câu phủ định được người nói sử dụng để phủ nhận một sự thật hoặc một ý tưởng nhất định của người nghe và việc thêm trợ từ ngữ khí "啊" vào cuối câu có thể tăng cường ngữ điệu phủ định đó. Ngoài ra, trợ từ ngữ khí “啊” cuối câu phủ định cũng khiến câu nói uyển chuyển và khiến người nghe dễ tiếp thu hơn. (11)“我只是穿上而已,并不代表什么啊!” (渡边淳一,《不分手的理由》) Dịch nghĩa:“Tôi chỉ mặc vào thôi, chứ (không) có ý gì đâu!” (12)因为想找到喜欢的职位可没那么简单啊。 (村上春树,《1Q84BOOK2》) Dịch nghĩa: Bởi vì muốn tìm được vị trí (công việc) ưa thích không/có dễ dàng vậy đâu. 2.7. Trợ từ ngữ khí “啊” dùng để an ủi người khác: tương đương với từ “nhé” Đôi khi, người nói muốn thông báo cho người nghe về một số sự thật khó chấp nhận. Sau đó, sự xuất hiện của trợ từ ngữ khí "啊" trong một câu như vậy sẽ xoa dịu và thoải mái tâm trạng cho người nghe. Ý nghĩa tương tự được diễn đạt bằng trợ từ ngữ khí "nhé" trong tiếng Việt. (13)“娘,人家叫唤了,我们走了啊。”(阎连科,《受活》)
  6. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 65 Dịch nghĩa:“Mẹ, người ta gọi rồi, bọn con đi đã nhé.” (14)“就算组织上掏钱让他来西北玩一趟,啊。” Dịch nghĩa: “Cứ coi như là tổ chức bỏ tiền cho anh ta đi Tây Bắc chơi một chuyến, nhé.” 3. KẾT LUẬN Trợ từ ngữ khí "啊" là trợ từ ngữ khí được sử dụng rộng rãi nhất trong số sáu trợ từ ngữ khí thường được sử dụng trong tiếng Trung. Nó có thể diễn đạt nhiều trạng thái cảm xúc, với nhiều ý nghĩa và màu sắc cảm xúc khác nhau. Tiếng Việt có số lượng lớn các trợ từ ngữ khí và cách sử dụng khá linh hoạt, biểu thị một tâm trạng nhất định cũng có thể được chia thành nhiều nghĩa khác nhau, có thể diễn tả ý nghĩa tương đương với trợ từ ngữ khí “啊” trong những ngữ cảnh phù hợp. Khi giải thích trợ từ ngữ khí “啊”, nếu chỉ dùng phương pháp dịch trực tiếp thì không thể diễn tả hết được trợ từ ngữ khí này, sẽ làm học sinh hiểu sai lệch. Vì vậy, qua việc phân tích trợ từ ngữ khí “啊” với các ý nghĩa ngữ khí được liệt kê ở trên, giáo viên có thể phân biệt rõ hơn các ngữ nghĩa khác nhau của trợ từ ngữ khí “啊” và có thể lựa chọn cách giải thích phù hợp hơn để nâng cao hiệu quả dạy học. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Bách Tùng, Liêu Tự Đông (2010). Hán ngữ hiện đại. Nxb. Giáo dục cao đẳng. 2. Tôn Nhữ Kiến (2005). Bốn chức năng ngữ dụng của trợ từ ngữ khí cuối câu. Báo Đại học Nam Thông (Bản Khoa học Xã hội), 2005(02), 76-80. 3. Trương Ngạn (2006). Phân tích thực nghiệm ngữ khí trần thuật của trợ từ ngữ khí. Ứng dụng văn tự ngôn ngữ, 2006(04), 37-44. 4. Võ Thị Minh Hà (2012). Nghiên cứu so sánh trợ từ ngữ khí Hán – Việt. Đại học Sư phạm Hoa Đông. 5. Nguyễn Chí Thanh (2012). Phân tích so sánh trợ từ ngữ khí trần thuật trong tiếng Hán và tiếng Việt. Đại học Sư phạm Hồ Nam. 6. Trần Quang Huy (2015). Phân tích so sánh trợ từ ngữ khí trong tiếng Hán và tiếng Việt hiện đại. Đại học Sư phạm Phúc Kiến. ANALYSIS OF THE MEANINGS OF CHILDREN FROM CHINESE QUIET "啊" IN THE STORY Abstract: Chinese modal particles are widely used as sentences turns out more meaningful. However its usage becomes one of the challenges for Chinese learners, including Vietnamese learners. The modal word "a" can be added to these four types of sentences which includes: interrogative sentences, imperatives sentences, exclamatory sentences and declarative sentences. Its usage is quite complex making it difficult for foreign learners to master. This study analyses the modal particle “a” which is placed at the end of imperatives sentences, in order to make an effective lesson planning. Keywords: modal particles “A”, imperatives sentences, semantic comparative analysis.
  7. 66 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Đỗ Như Hiến(1), Nguyễn Thị Mái(2), Nguyễn Văn Thuyên(3) (1),(2) Học viện Phòng Không-Không Quân, (3)Học viện Chính trị Tóm tắt: Ở Việt Nam, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để phát huy hơn nữa sức mạnh và tiềm lực của đội ngũ trí thức, xây dựng một hệ giá trị là tiêu chuẩn và động lực để trí thức phấn đấu, hoàn thiện năng lực, phẩm chất đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Theo chúng tôi, những phẩm chất quan trọng và cốt lõi mà người trí thức cần có là sáng tạo, trung thực, độc lập trong hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn nghề nghiệp. Từ khóa: Đội ngũ trí thức, hệ giá trị, giá trị, phẩm chất, xây dựng. Nhận bài ngày 29.3.2023; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 24.4.2023 Liên hệ tác giả: Nguyễn Văn Thuyên; Email: cglvkthh@gmail.com 1. MỞ ĐẦU Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những biến đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống, đội ngũ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với đặc trưng là lao động trí óc, đội ngũ trí thức đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng sản phẩm sáng tạo là những tri thức khoa học mới, tạo nên sự thay đổi căn bản theo chiều hướng đi lên của xã hội. Đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, đội ngũ trí thức cần hình thành những phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới. Việc xây dựng một hệ giá trị là tiêu chuẩn và động lực để trí thức phấn đấu, hoàn thiện năng lực, phẩm chất đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng hệ giá trị của đội ngũ trí thức không nằm ngoài những chuẩn mực về hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại mới. Khi nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị cho đội ngũ trí thức, chúng tôi xuất phát từ việc tìm hiểu những giá trị và hệ giá trị của con người Việt Nam. 2. NỘI DUNG 2.1. Một số công trình nghiên cứu có liên quan Nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh đã chỉ ra một số những phẩm chất đặc thù của người Việt như: Thông minh nhưng ít người có trí
  8. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 67 tuệ lỗi lạc phi thường; giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn lý luận; Có tính ham học nhưng thích văn chương phù hoa hơn là thực học; Chịu khó, chịu khổ, nhẫn nhục; Hơi nông nổi, hay khoe khoang, ưa hư danh; Chuộng hòa bình; Bắt chước, thích ứng, dung hòa; Trọng lễ giáo [1, tr.20]. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng khái quát giá trị tiêu biểu của con người Việt Nam: Yêu nước, cần cù, anh dũng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa [2]. Trong cuốn sách “Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nêu ra hệ giá trị tổng quát của Việt Nam là: chủ nghĩa yêu nước - tính cộng đồng (làng, xóm, vùng miền, dân tộc) - cần cù, chịu khó - hiếu học, khát vọng học - gắn bó huyết thống (gia đình) và làng bản - tính khoan dung, uyển chuyển trong ứng xử,... [2, tr.286]. Giáo sư Phạm Minh Hạc kết luận về các giá trị truyền thống như sau: tinh thần yêu nước, ý chí tự lập tự cường, truyền thống đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tính thích nghi và hội nhập, lối ứng xử mềm mỏng, truyền thống hiếu học, trọng học vấn, trọng nghĩa khí, tính cộng đồng và tinh thần nhân ái, khoan dung,... [4, tr.331]. Tác giả cho rằng các giá trị, chuẩn mực đạo đức trên tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam, có vai trò to lớn đối với sự thành bại, hưng vong của đất nước. Tác giả Lương Đình Hải trong bài viết: “Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đưa ra bảng 10 giá trị Việt: 1) Tinh thần yêu nước Việt Nam; 2) Tinh thần nhân ái; 3) Anh hùng, dũng cảm; 4) Biết chấp nhận (nhẫn), tiếp thu; 5) Hiếu học; 6) Sáng tạo; 7) Cần cù; 8) Lạc quan; 9) Trọng đạo lý; 10) Ưa ổn định [5]. Theo tác giả, dù có những biến động nhưng các giá trị này không thể biến mất mà đang được tiếp tục củng cố, có những hình thức biểu hiện mới với những mức độ khác nhau. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, bản sắc dân tộc được thể hiện qua những giá trị bền vững như: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống [6]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định để đất nước phát triển nhanh và bền vững thì cần dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, “Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” [7, tr.143] là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam từ đó nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Có thể thấy, các công trình trên đã chỉ ra được một số giá trị cơ bản và hệ giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, dũng cảm, hiếu học, cần cù, thông minh... Những chuẩn mực và giá trị trên đã khắc họa được hình ảnh và phẩm chất của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, theo chúng tôi, bên cạnh những chuẩn mực và giá trị chung, cần có sự nhấn mạnh những phẩm chất căn bản, đặc trưng cho từng giai cấp, tầng lớp. Đội ngũ trí thức là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu xã hội - giai cấp ở Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng được thể hiện rõ nét cùng với sự phát triển của đất nước trên tất cả
  9. 68 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội các lĩnh vực. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một số giá trị đặc trưng của đội ngũ trí thức là sáng tạo, trung thực, độc lập. Qua đó lý giải sự cần thiết và ý nghĩa của những giá trị đó với việc phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Quan niệm về trí thức Trong các xã hội có giai cấp, bên cạnh các giai cấp đối kháng thì đều tồn tại một tầng lớp có vai trò vô cùng quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đó là tầng lớp trí thức. Hiện nay, có khá nhiều định nghĩa về tầng lớp trí thức, mỗi định nghĩa đều có góc tiếp cận khác nhau, nhấn mạnh đến một đặc trưng nào đó của đội ngũ này. Theo C. Mác, trí thức là “những bác sĩ, kỹ sư, nhà hóa học, nhà nông học và các chuyên gia” [8, tr.552]. V.I. Lênin thì nhận định: “trí thức bao hàm không chỉ các nhà trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những nghề tự do nói chung, các đại biểu của những người lao động trí óc” [9, tr.372]. Những định nghĩa trên đã chỉ ra đặc trưng cơ bản của đội ngũ trí thức: là những người có học thức, được đào tạo theo những chương trình giáo dục bậc cao. Theo quan điểm của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, đội ngũ trí thức xuất hiện trong cả những ngành sản xuất vật chất và phi vật chất. “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa: “trí thức là người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình” [10, tr.1015]. Khái niệm này chỉ ra hai dấu hiệu đặc trưng của trí thức: là lao động trí óc; có trình độ chuyên môn gắn với nghề nghiệp của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về đội ngũ trí thức có nhấn mạnh: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song, y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào trong thực tế” [11, tr.275]. Theo quan điểm của Bác, giáo dục đại học chỉ là dấu hiệu nhận biết, yêu cầu đầu tiên của người được gọi là trí thức. Điều quan trọng để khẳng định họ thực sự là trí thức là phải biết vận dụng những tri thức đã được học vào trong thực tiễn. Đối với đội ngũ trí thức trong xã hội mới, Người còn đặt ra yêu cầu về đạo đức: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” [12, tr.400]. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chuẩn mực cho người trí thức: có học thức, có kinh nghiệm thực tiễn, có đạo đức cách mạng. Đây là những yêu cầu rất cần thiết đối với lực lượng có vai trò đặc biệt trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ ra: “Trí thức là những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội” [13, tr.81]. Bên cạnh những đặc trưng như: là lao động trí óc, có trình độ chuyên môn thì định nghĩa này nhấn mạnh thêm kết quả trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ trí thức là phải mang lại giá trị cho xã hội. Qua các định nghĩa và quan điểm trên đây, có thể nhận định trí thức có một số đặc trưng cơ bản như: là những người lao động trí óc, quá trình lao động mang tính sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao; có năng lực tư duy độc lập, có chính kiến; có những đóng góp nhất định
  10. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 69 về vật chất và tinh thần cho sự phát triển của xã hội. 2.3. Đặc điểm của trí thức Việt Nam hiện nay Trí thức là một tập hợp mở và đa dạng nên đặc điểm của tầng lớp này cũng rất phong phú. Trí thức Việt Nam mang trong mình những hệ giá trị chung của con người Việt Nam: cần cù, chịu khó, nhân ái, nhân nghĩa, khoan dung,… và có những phẩm chất riêng do nghề nghiệp quy định. Trí thức nói chung rất ham học, ham đọc. Nhờ ham học, ham đọc mà người trí thức luôn luôn tiếp cận được cái mới, do đó trình độ lý luận không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, sự ham học, ham đọc, ham lý luận quá mức có thể dẫn đến tình trạng sách vở, kinh viện, xa rời thực tiễn. Đó là nhược điểm mà người trí thức cần đề phòng. Trí thức là người luôn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; ít khi chịu rập khuôn theo công thức sẵn có. Thông qua đặc thù này mà trí thức đóng vai trò nhân tố quan trọng thúc đẩy khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, xã hội cũng dễ nhìn nhận những sáng tạo quá đà, nhất là trong phong cách sống, là lập dị. Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề. Vì vậy, trí thức thường hay có ý kiến phản biện. Trong xã hội cũng như trong mỗi đơn vị, những ý kiến phản biện mang tính xây dựng đều có giá trị, ít nhất cũng giúp người được phản biện cân nhắc hoặc bổ sung, hoàn thiện chủ kiến của mình. Nhưng ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến quá thẳng thắn, dễ gây phản ứng tiêu cực. Vì vậy, người phản biện cũng cần chọn cách nói, thời điểm nói thích hợp để tính thuyết phục của ý kiến mình được cao hơn. 2.4. Những đặc trưng cơ bản trong hệ giá trị của đội ngũ trí thức 2.4.1. Phẩm chất sáng tạo Theo chúng tôi, sáng tạo là phẩm chất tiên quyết đối với trí thức. Như định nghĩa trên chúng tôi đã chỉ ra, khác với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, phương thức lao động chủ yếu của trí thức là lao động trí óc, bằng năng lực của mình, trí thức có khả năng tạo ra các giá trị, sản phẩm, các công trình mới, đi đầu và tiên phong trong việc định hướng và phát triển xã hội. Trong mọi mặt của đời sống xã hội, trí thức là đội ngũ đi đầu trong quá trình đổi mới, sáng tạo. Trước hết là sự sáng tạo của trí thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Có thể nói, đối với mỗi quốc gia, khoa học công nghệ là điều kiện quan trọng để phát triển đất nước. Cách đây gần 2 thế kỷ, C. Mác đã nhận định: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp” [15, tr.372-373]. Dưới tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nguồn lực trước đây là các tư liệu sản xuất đã chuyển sang nguồn lực vô hình là tri thức của loài người, trí tuệ của con người, trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại,... Nhận thức tầm quan trọng của khoa học công nghệ, Đảng và Nhà nước luôn có các định hướng và sự chỉ đạo tăng cường đúng đắn về các hoạt động của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Văn kiện Đại hội XIII xác định nội dung, mục tiêu của khoa học - công nghệ phục vụ cho yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo - một động lực hàng đầu, đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới [7, tr.46]. Đội ngũ trí thức không chỉ là những người có hiểu biết về kho tàng tri thức rộng lớn của khoa học hiện đại mà còn cần tạo ra được những thành
  11. 70 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tựu mang tính đột phá, làm giàu thêm cho ngành khoa học ấy. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, các nhà trí thức càng trở thành một lực lượng không thể thiếu trong việc tiến hành các hoạt động liên quan tới sáng chế và đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, đội ngũ trí thức Việt Nam đã cho thấy vai trò trụ cột của mình đối với việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Họ chính là lực lượng chủ đạo không ngừng sáng tạo, đổi mới làm chủ và làm giàu thêm những tri thức khoa học công nghệ mang tầm thế giới. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, Đảng luôn nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng” [6]. Đại hội XIII nhấn mạnh việc phát triển con người và xây dựng nền văn hóa là khâu đột phá chiến lược với nội dung: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật” [7, tr.221-222]. Trí thức là những người có trình độ cao, có hiểu biết sâu sắc về thực tiễn đất nước, có nhận thức cao về chính trị và đặc biệt nhạy cảm trước những đổi thay của xã hội, của con người. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, họ không chỉ đóng vai trò là người kế thừa, gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc mà còn góp phần làm giàu có hơn, nâng tầm vốn văn hóa ấy trở thành tài sản chung của nhân loại. Thông qua việc tạo ra những những tác phẩm tinh thần phản ánh thực tiễn, trí thức có khả năng nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân phong phú, mang đậm dấu ấn dân tộc và hơi thở thời đại. Đội ngũ trí thức cũng là những người tiên phong trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. 2.4.2. Phẩm chất trung thực Trung thực là một trong những giá trị quan trọng trong nhân cách mỗi con người. “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa trung thực: “Ngay thẳng, thật thà; Đúng với sự thật, không làm sai lạc đi” [15, tr.1694]. Trung thực là tôn trọng sự thật, lễ phải, ngay thẳng từ trong lời nói và hành động. Người trí thức trong hoạt động của mình phải xuất phát từ sự thật, trung thực với những kết quả và nghiên cứu của bản thân, dám can đảm đưa ra những phản biện xã hội cần thiết, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên quan điểm và lập trường của mình, không a dua, hùa theo đám đông. Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần có một đội ngũ trí thức đông đảo, có năng lực dựa trên nền tảng là sự trung thực. Trí thức là những người có học vấn cao, có điều kiện và thời gian để nghiên cứu nên họ có sự hiểu sâu sắc các quy luật của tự nhiên và xã hội, hiểu rõ những bài học của quá khứ để cung cấp những luận cứ khoa học và những phản biện khách quan để xây dựng, hoàn thiện đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm vừa qua, đội ngũ trí thức đã tích cực hoàn thành trách nhiệm xã hội thể hiện qua việc cung cấp những luận cứ khoa học cũng như những phản biện đúng đắn để hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Điều này đã được
  12. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 71 khẳng định và đánh giá cao: “Nhiều năm qua, đội ngũ trí thức đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới” [13, tr.83]. Nhiệm vụ này cần được đội ngũ trí thức nhận thức và tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, đội ngũ trí thức còn tham gia tư vấn, phản biện, giám định các chương trình, đề án phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Để hoàn thành được trách nhiệm này, trí thức cần có cách nhìn trung thực, thẳng thắn đối với hiện thực, chỉ ra những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, thậm chí là những sai lầm trong cách thức tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Đây chính là thái độ tích cực và cần thiết, cũng là đóng góp to lớn của tầng lớp này đối với các vấn đề được xã hội đặt ra. Có thể nói, sự trung thực của trí thức là nền tảng thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Thái độ khách quan, trung thành với sự thật là điều kiện cần thiết để trí thức đưa ra những phản biện xã hội cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tiêu cực của xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển nhanh chóng và bền vững. Để trí thức có thể thể hiện sự trung thực, cần có môi trường học thuật lành mạnh, có cơ chế thích hợp khuyến khích trí thức dũng cảm đưa ra quan điểm của bản thân, coi trọng ý kiến đóng góp của trí thức đồng thời phải có tinh thần bao dung, tránh định kiến, hẹp hòi, đố kỵ. 2.4.3. Khả năng nghiên cứu làm việc độc lập Độc lập về trí tuệ là giá trị quan trọng để phân biệt trí thức với các giai cấp, tầng lớp khác. Việc có điều kiện và cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao chỉ là điểm khởi đầu để một cá nhân trở thành người trí thức. Học vấn không phải là cứ đọc nhiều sách hay sở hữu nhiều bằng cấp mà có được, mà phải thông qua quá trình giáo dục kết hợp với quá trình thực hành một cách bài bản; người học cần có đầu óc tư duy độc lập và biết đặt ra sự hoài nghi đối với mọi vấn đề mình tiếp nhận thì những tri thức được tiếp nhận đó mới có giá trị. Người trí thức không chỉ là người tổng hợp các tri thức mà còn phải độc lập trong nghiên cứu và làm việc để có thể tự mình đưa ra được những tri thức mới làm giàu thêm cho vốn hiểu biết của nhân loại. Để đào tạo một lực lượng trí thức lớn mạnh, có dũng khí, tư cách và khả năng tư duy độc lập thì trước hết phải xuất phát từ giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Một nền giáo dục dựa trên thực học, dựa trên việc huy năng lực của mỗi cá nhân cần phải được thay thế cho nền giáo dục nhồi nhét kiến thức, coi trọng bằng cấp vốn đã ăn sau bén rễ trong quá trình giáo dục ở nước ta hiện nay. Đổi mới giáo dục là yêu cầu cấp thiết để phát triển con người toàn diện, nhất là năng lực tư duy, khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra phương hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ
  13. 72 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế” [7, tr.232-233]. Thông qua việc đổi mới phương pháp và nội dung giáo dục, người học có thể có được năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát huy năng lực độc lập về tri thức để có những đóng góp tích cực và mạnh mẽ cho đời sống xã hội. 2.4.4. Phẩm chất liêm chính khoa học Liêm chính trong khoa học là một trong những nội dung cơ bản của liêm chính học thuật, với giá trị cốt lõi là sự trung thực, ngay thẳng trong các hoạt động học thuật, như khoa học, giảng dạy, học tập... Có thể khẳng định liêm chính là một phẩm chất đạo đức vô cùng quan trọng và cần thiết trong khoa học nói riêng và trong các hoạt động học thuật nói chung Khoa học chân chính sẽ không thể phát triển nếu bản thân đội ngũ trí thức không trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm đối với những nghiên cứu của mình. Trung thực, ngay thẳng trong nghiên cứu là những giá trị nền tảng để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có thể tìm tòi, khám phá ra những tri thức mới phục vụ cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại nói chung. Nếu thiếu đi những phẩm chất này, khoa học sẽ “giậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi khi nó chỉ dừng lại ở sự sao chép, “đạo văn”, “đạo ý tưởng”, bịa đặt,... Đó cũng là những biểu hiện của sự vi phạm nghiêm trọng tính liêm chính trong khoa học nói riêng và liêm chính học thuật nói chung 2.4.5. Năng lực tư duy trừu tượng cao Mục đích của nền giáo dục hiện đại là hướng đến xây dựng những công dân toàn cầu có khả năng làm chủ nói chung và đội ngũ trí thức có năng lực tư duy nói riêng để thích ứng và giải quyết những vấn đề mới của thời đại. Tư duy trừu tượng cao là năng lực lập luận để tìm kiếm chân lý trong quá trình tư duy và ra quyết định. Nó là sự tổng hợp của các khả năng tư duy như: đặt câu hỏi, cái nhìn đa chiều, toàn diện, phân tích, đánh giá, khái quát. Năng lực tư duy trừu tượng cao được thể hiện thông qua sự vận dụng thành thục các kĩ năng trong việc giải quyết vấn đề và ra quyết định. Nó bao gồm các bước để tiến hành quá trình lập luận nhằm xem xét, đánh giá, giải quyết vấn đề và ra quyết định bao gồm: đặt các tri thức, niềm tin, vấn đề dưới sự xem xét, đưa ra các lập luận và đặt câu hỏi, phân tích các thành phần cấu thành lập luận, đưa ra các giải pháp khác nhau, phân tích, đánh giá, tìm các lỗi lập luận nếu có, xác định chân lý và ra quyết định. Mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể được xem xét trên tinh thần tư duy trừu tượng cao, đó là cách để chúng ta giải quyết một cách hợp lý, có thuyết phục, hiệu quả đối với các vấn đề đặt ra, cũng là cách để chúng ta tiến xa hơn, nhìn rộng hơn và có khả năng đưa ra cái nhìn mới, giải pháp mới cho những vấn đề đó. Tư duy trừu tượng cao không chỉ giúp trí thức nhận thức đúng và ra quyết định đúng, mà còn là cơ sở cho sáng tạo, đổi mới hướng đến một thế giới thay đổi tốt đẹp hơn. 2.4.6. Khả năng hội nhập quốc tế trong xu thế hiện nay Trí thức Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước, nhất là trong hội nhập quốc tế trong xu thế hiện nay. Họ có đặc điểm nổi bật, ý thức đầy đủ hơn và tích cực tham gia vào xây dựng xã hội học tập; nhiều trí thức sẽ thực hiện phương châm: ở đâu, làm gì, thời gian nào, cũng học tập và học tập thường
  14. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 73 xuyên, suốt đời. Số trí thức đi du học nước ngoài tăng nhanh, nhất là trí thức đi du học tự túc, qua đó họ tiếp cận với các giá trị mới, công nghệ tiên tiến từ thế giới tốt hơn, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam tốt hơn; số trí thức tự tìm kiếm học bổng đi du học nước ngoài tăng lên đáng kể. Trí thức mong muốn Nhà nước có các chính sách khuyến khích trí thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề; mong muốn được đào tạo trong môi trường học tập thân thiện và chất lượng đào tạo cao. Khả năng trí tuệ của thanh niên, năng lực tự chủ và tính năng động của trí thức có bước phát triển đáng kể. Nhìn chung, khả năng thích ứng của trí thức đối với đòi hỏi sự cạnh tranh về nhân lực trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế tốt hơn. Một bộ phận trí thức có năng lực, phẩm chất sẽ có điều kiện vươn lên trước. Những tài năng trẻ sẽ xuất hiện nhiều hơn đặc biệt là trong những ngành khoa học, công nghệ, chuyên môn, nghề nghiệp của trí thức được nâng lên là một yếu tố quan trọng giúp trí thức đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. 2.5. Ý nghĩa của hệ giá trị đối với trí thức hiện nay Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những biến đổi không ngừng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đông đảo, có năng lực và phẩm chất là yêu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Để trí thức phát huy vai trò to lớn của mình, việc xây dựng hệ giá trị của trí thức với các chuẩn mực cốt lõi như. sáng tạo, trung thực, độc lập có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, việc đưa ra một hệ giá trị giúp trí thức có được định hướng rõ nét về những phẩm chất và yêu cầu trong việc hoàn thiện năng lực và nhân cách. Hệ giá trị tạo ra điểm tựa tinh thần, tạo ra môi trường văn hóa, có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, định hướng suy nghĩ và hành động của người trí thức. Bên cạnh những giá trị truyền thống của người Việt Nam, trí thức cần không ngừng hoàn thiện những phẩm chất đặc thù gắn với nghề nghiệp và tính chất của đội ngũ mình. Với những đặc thù trong quá trình lao động, trí thức cần không ngừng sáng tạo để tạo ra các giá trị mới cho xã hội. Những sáng tạo này phải dựa trên cơ sở của sự trung thực và độc lập trong nghiên cứu để những sản phẩm của trí thức mang lại những giá trị thực sự, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, hệ giá trị của trí thức là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ đóng góp của cá nhân trong các lĩnh vực, ngành nghề. Trong những năm qua, bên cạnh những trí thức có trách nhiệm, sáng tạo trong nghiên cứu và thực nghiệm thì cũng có không ít những trí thức chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của bản thân, chưa thể hiện được vai trò tiên phong, sáng tạo của trí thức trong các hoạt động. Một hệ giá trị là cần thiết để làm căn cứ đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của trí thức trong các lĩnh vực, ngành nghề. Thứ ba, hệ giá trị là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ thể chế, thiết chế để hình thành và phát triển các giá trị của trí thức, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy trí thức phát huy được năng lực trong quá trình lao động. Để có thể thể hiện được năng lực và có những đóng góp cho xã hội, đội ngũ trí thức cần có một môi trường làm việc thuận lợi, dân chủ cùng với những chính sách khuyến khích trí thức phát huy tính sáng tạo, trung thực và độc lập trong hoạt động thực tiễn. Trí thức cần được đáp ứng đầy
  15. 74 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đủ các điều kiện để có thể hoạt động sáng tạo với lương tâm nghề nghiệp tạo ra năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. 3. KẾT LUẬN Trong suốt lịch sử phát triển của dân tộc, đội ngũ trí thức luôn có vai trò to lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “... Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” [11, tr.156]. Trong chiến tranh, trí thức đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với nhân dân trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đội ngũ trí thức là lực lượng có tiềm năng trí tuệ to lớn, có khả năng học hỏi, lĩnh hội những tri thức, những thành tựu mới. Phát huy sức mạnh và tiềm lực của đội ngũ trí thức là yêu cầu quan trọng để phát huy nguồn lực con người trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đội ngũ trí thức phải là những người có tính độc lập, sáng tạo, trung thực trong hoạt động thực tiễn. Người trí thức không lệ thuộc vào những hiểu biết cũ, giáo điều mà còn vượt lên cái cũ để sáng tạo nên những tri thức mới, tiên tiến. Đồng thời, người trí thức cần có sự trung thực, dũng cảm, luôn dấn thân vì tiến bộ xã hội. Họ cũng mang trong mình năng lực độc lập về tri thức, có khả năng tự nghiên cứu, tự học hỏi để sáng tạo ra những tri thức mới phục vụ cho sự phát triển của xã hội tiến bộ. Theo chúng tôi, đây là những giá trị tiêu biểu, cốt lõi của đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2014). Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.20. 2. Trần Văn Giàu (2011). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. 3. Ngô Đức Thịnh (2010). Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập. Nxb. Khoa học xã hội, tr. 286. 4. Phạm Minh Hạc (2012). Giá trị học - Cơ sở lý luận góp phần đúc kết, xây dựng giá trị chung của người Việt Nam thời nay. Nxb. Dân trí, tr. 331. 5. Lương Đình Hải (2015). Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Con người (2015). số 1 (76), trang 8-17. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội. 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 143, tr. 46, tr.221- 222, tr.232- 233. 8. C. Mác và Ph. Ăngghen (2006). Tuyển tập, Tập 6. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 522. 9. VI. Lênin (1978). Toàn tập, Tập 8. Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 372. 10. Hoàng Phê (chủ biên) (2005). Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng, tr.1015. 11. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, Tập 5. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.275, tr.156. 12. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, Tập 14. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.400. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.81, tr.83.
  16. Tạp chí Khoa học – Số 71/Tháng 4(2023) 75 14. C. Mác và Ph. Ăng-ghen (2000). Toàn tập, Tập 46. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.372 - 373. 15. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (2000). Từ điển Tiếng Việt. Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 1694. BUILDING THE VALUE SYSTEM OF INTELLECTUALS IN THE CURENT PERIOD Abstract: In Vietnam, intellectuals have an important role in the construction and development of the country. In order to further promote the strength and potential of the intellectuals, building a value system is the standard and motivation for intellectuals to strive, improve their capacity and qualities to meet the needs of integration and development. In our opinion, important qualities that intellectuals need are creativity, honesty, independence in scientific research and professional practice. Keywords: Intellectual team, value system, values, qualities, construction.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2