intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

23
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội" tập trung phân tích thực trạng rác thải, thực trạng thu gom và xử lý rác thải từ bao bì thuốc BVTV và phân bón vô cơ (sau đây gọi tắt là rác thải vô cơ), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý loại rác thải này ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

  1. Quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội Nguyễn Phượng Lê1, Bùi Văn Trang2, Trần Thị Ngọc Lan3 (1) Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2) Huyện ủy huyện Đan Phượng (3) Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố HCM 1. Đặt vấn đề Xử lý rác thải là một vấn đề cấp thiết ở Việt Nam và thế giới từ nhiều năm qua. Rác thải được sinh ra từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người, từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại- dịch vụ… Vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý rác thải nói chung, rác thải trong sản xuất trồng trọt nói riêng ngày càng được nhà nước, xã hội và cộng đồng quan tâm. Ước tính mỗi năm tại khu vực nông thôn phát sinh hơn 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian và phương thức bón cho cây trồng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại và phần lớn không thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng (Thu Nga, 2017). Theo kết quả thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có đến gần 70% chất thải sau trồng trọt chưa qua xử lý (Hoàng Thế Phong, 2015); nhất là hiện tượng bao bì, chai lọ sau khi dùng xong để lại ngoài đồng ruộng, rơm rạ tràn lan trên kênh mương, bờ ruộng hoặc bị đốt khói mù mịt, hay xác rau, hoa không được thu gom sau thu hoạch xảy ra rất phổ biến. Theo kết quả báo cáo của Tổng cục Môi trường, mỗi năm tại khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh hơn 14.000 tấn bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón các loại có hàm lượng độc chất cao và khó tái chế, sử dụng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015). Đan Phượng là huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20km, có tổng diện tích tự nhiên 77,35 km2. Huyện Đan Phượng có tốc độ phát triển kinh tế khá, là huyện đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới năm 2015, là huyện ngoại thành được Thành phố quan tâm đầu tư sản xuất nông sản, nhất là rau, hoa, quả phục vụ, cung cấp cho thị trường thủ đô Hà Nội. Cùng với việc phát triển đó là sự gia tăng rác thải trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trồng trọt ngày càng nhiều; rác thải chủ yếu là rơm rạ, thân lá cây còn lại sau thu hoạch, vỏ, bao bì, chai, lọ các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trước thực trạng đó nếu không quản lý rác thải trên đồng ruộng kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới chất lượng sinh sống của nhân dân tại địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải trong nông nghiệp nói chung, quản lý rác thải trên đồng ruộng nói riêng, đặc biệt là rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV và phân bón
  2. vô cơ tại địa bàn huyện Đan Phượng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo được việc bảo vệ môi trường. Dựa trên những thông tin thứ cấp và sơ cấp thu thập từ các đối tượng có liên quan, bài viết này tập trung phân tích thực trạng rác thải, thực trạng thu gom và xử lý rác thải từ bao bì thuốc BVTV và phân bón vô cơ (sau đây gọi tắt là rác thải vô cơ), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý loại rác thải này ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. 2. Phương pháp nghiên cứu Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như hoa, rau, cây ăn quả ở huyện Đan Phượng đã khiến cho lượng rác thải đồng ruộng có xu hướng tăng, song việc quản lý rác thải đồng ruộng trong trồng trọt chưa được quan tâm. Chính vì vậy, huyện Đan Phượng được lựa chọn làm điểm nghiên cứu. Bốn xã đại diện cho 4 vùng sản xuất nông nghiệp được lựa chọn để khảo sát chuyên sâu gồm: (1) Hạ Mỗ đại diện cho vùng cây ăn quả, rau và hoa; (2) Hồng Hà đại diện cho vùng cây màu; (3) Thọ An đại diện cho vùng cây lương thực; và (4) Đan Phượng đại diện cho vùng rau, hoa và cây màu sản xuất theo hướng an toàn và hữu cơ. Thông tin thứ cấp được thu thập từ các báo cáo đã công bố của huyện Đan Phượng, trong khi đó thông tin sơ cấp được thu thập qua điều tra 120 nông dân trực tiếp tham gia sản xuất trồng trọt ở 4 xã (30 người/xã) và phỏng vấn sâu 25 cán bộ cấp huyện và xã. Phương pháp thống kê mô tả và so sánh được áp dụng trong phân tích thông tin. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1 Thực trạng rác thải vô cơ trên đồng ruộng huyện Đan Phượng Rác thải rắn đồng ruộng phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chủ yếu từ hoạt động trồng trọt. Thành phần rác thải đồng ruộng gồm nhiều loại khác nhau, chủ yếu là các chất hữu cơ dễ phân hủy như các phế phụ phẩm trong trồng trọt (rơm rạ, thân, rễ, lá của các cây trồng như ngô, đỗ tương, thân cây rau, hoa); và các chất thải khó phân hủy và độc hại như vỏ chai lọ thuốc BVTV, thuốc thú y, bao bì phân bón vô cơ…. Kết quả điều tra cho thấy, số lượng và chủng loại thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày càng tăng (khoảng 300 loại thuốc BVTV khác nhau). Trong 04 xã điều tra, lượng thuốc BVTV sử dụng nhiều nhất tại xã Hạ Mỗ do xã tập trung trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa Ly, hoa Hồng, hoa Cúc, hoa Đồng tiền, xã Đan Phượng sử dụng lượng thuốc BVTV thấp nhất. Theo đó, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV phát sinh là nhiều nhất tại xã Hạ Mỗ (430kg/năm), thấp nhất ở xã Đan Phượng (55kg/năm). Bảng 2. Khối lượng thuốc BVTV sử dụng và bao bì thuốc BVTV thải ra tại các xã điều tra Lượng thuốc Ước tính lượng bao Diện tích đất Đơn vị BVTV sử dụng bì thuốc BVTV phát nông nghiệp (ha) (tấn) thải (tấn)
  3. Xã Đan Phượng 172,89 0,55 0,055 Xã Thọ An 287,42 0,96 0,096 Xã Hồng Hà 201,88 1,44 0,144 Xã Hạ Mỗ 239,44 4,30 0,430 Tổng cộng 901,63 7,25 0,725 Nguồn: Số liệu điều tra, 2017 Huyện Đan Phượng có tổng diện tích đất nông nghiệp là 3.309,03 ha nên lượng thuốc BVTV phải dùng hàng năm khá lớn. Theo báo cáo của trạm BVTV, lượng thuốc BVTV năm 2017 toàn huyện sử dụng khoảng 14,5 tấn. Theo ước tính, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV thường chiếm 10% tổng lượng thuốc tiêu thụ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015), như vậy hàng năm huyện Đan Phượng có khoảng 1,43- 1,45 tấn vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV thải ra môi trường. Ngoài ra lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ cũng cần được quan tâm. Theo tính toán của Cục bảo vệ thực vật thì trong mỗi bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ sâu dùng trong sản xuất nông nghiệp trung bình có khoảng 1,8% lượng thuốc dính vào bao bì (dẫn theo Nhật Nam, 2017); như vậy trong quá trình trồng trọt của huyện Đan Phượng, hàng năm sẽ có khoảng 0,257 đến 0,261 tấn thuốc BVTV phát thải theo chai lọ, bao bì thuốc BVTV ra môi trường. Lượng thuốc BVTV dư thừa này sẽ làm ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đối với môi trường sống, nhất là hệ sinh thái đồng ruộng. Bảng 3. Khối lượng phân bón vô cơ sử dụng và khối lượng bao bì, chai lọ từ phân bón vô cơ thải ra tại các xã điều tra Lượng phân bón Ước tính khối lượng Diện tích đất Đơn vị vô cơ sử dụng bao bì, chai lọ phân nông nghiệp (ha) (tấn) bón (tấn) Xã Đan Phượng 172,89 18,6 0,094 Xã Thọ An 287,42 41,7 0,175 Xã Hồng Hà 201,88 55,5 0,215 Xã Hạ Mỗ 239,44 78,9 0,327 Tổng cộng 901,63 194,7 0,811 Nguồn: Số liệu điều tra, 2017 Căn cứ kết quả điều tra lượng phân bón được sử dụng tại 04 xã trên, chúng ta thấy lượng phân bón vô cơ sử dụng tại 4 xã trong 1 năm vào khoảng 194 tấn, cao nhất tại xã Hạ Mỗ với 78,9 tấn, thấp nhất ở xã Đan Phượng với 18,6 tấn, xã Hạ Mỗ trồng hoa nên với diện tích lớn, thâm canh cao, lượng phân bón vô cơ cao nhất; cùng với đó là lượng bao bì phân bón vô cơ phát sinh
  4. sau quá trình sử dụng phân bón cũng khá lớn, xã Hạ Mỗ phát sinh 327kg, thấp nhất là xã Đan Phượng với 94kg vỏ bao bì phân bón. Theo báo cáo của Trạm bảo vệ thực vật huyện, lượng phân bón vô cơ được sử dụng hàng năm là khoảng 780 tấn. Ước tính theo báo cáo của Trạm bảo vệ thực vật huyện, trong giai đoạn 2015-2017, mỗi năm lượng vỏ bao bì phân bón phát sinh khoảng 3,65 đến 3,67 tấn. 3.2 Thực trạng thu gom và xử lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng huyện Đan Phượng Sau khi sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ, một lượng lớn vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón vô cơ phát sinh ra môi trường đồng ruộng; việc tự thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc BVTV của người dân hiện nay đã được thực hiện theo cách đem bao bì, chai lọ thuốc bỏ vào thùng chứa, bể chứa được các hợp tác xã đặt tại các bờ vùng, đầu đường giao thông nội đồng (hoặc được người lao động, công nhân do hợp tác xã nông nghiệp thuê thực hiện việc thu gom rác thải vào các bể chứa); sau đó định kỳ hàng tháng được thu gom về bãi tập kết rác thải đồng ruộng, vận chuyển đưa đi xử lý. Bảng 4. Số lượng thùng rác, bể chứa rác thải nguy hại trên đồng ruộng tại các xã điều tra Số lượng Diện tích đất Mật độ STT Đơn vị thùng rác nông nghiệp (ha) (thùng/ha) (thùng) 1 Xã Đan Phượng 172,89 48 0,28 2 Xã Thọ An 287,42 30 0,11 3 Xã Hồng Hà 201,88 47 0,23 4 Xã Hạ Mỗ 239,44 95 0,40 Tính chung 901,63 220 0,24 Nguồn: Số liệu điều tra, 2017 Bảng 4 cho thấy xã Hạ Mỗ được trang bị số lượng thùng rác nhiều nhất (95 thùng), với mật độ cao nhất (0,40 thùng/ha), xã Thọ An có số lượng thùng rác ít nhất (30 thùng) mật độ thấp nhất (0,11 thùng/ha). Theo Thông tư 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 thì tối thiểu cứ 3 ha đất trồng cây hàng năm phải có một bể chứa bao bì thuốc BVTV và phân bón vô cơ. Như vậy, lượng thùng, bể chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV ở huyện Đan Phượng chưa đáp ứng quy định. Ngoài thiếu về số lượng, chất lượng của các thùng chứa, bể chứa cũng chưa đáp ứng yêu cầu mà nguyên nhân cơ bản là do: (1) 31% số bể xây lâu ngày đã bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa; (ii) 58% số thùng chứa rác thải mất nắp đậy, dẫn đến khi có mưa chất độc từ thuốc BVTV phát tán ra môi trường; (iii) 11% số bể chứa bị mất chữ và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm.
  5. Bảng 5. Hình thức thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón của các hộ dân Xã Đan Tính Xã Thọ An Xã Hồng Hà Xã Hạ Mỗ chung Phượng Hình thức xử lý Số Số Số Số Số Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ lượng lượng lượng lượng lượng (%) (%) (%) (%) (%) ý kiến ý kiến ý kiến ý kiến ý kiến Thu gom vào 17 56,7 14 46,7 16 53,4 19 63,3 66 55,0 thùng, bể chứa Vứt bừa bãi 4 13,3 9 30,0 6 20,0 2 6,7 21 17,5 Đốt tự phát 6 20,0 5 16,6 4 13,3 7 23,3 22 18,3 Chôn lấp 1 3,3 - - 2 6,7 - - 3 2,5 Vứt chung vào rác 2 6,7 - - 1 3,3 2 6,7 5 4,2 sinh hoạt Tái sử dụng hoặc - - 2 6,7 1 3,3 - - 3 2,5 bán phế liệu Nguồn: Số liệu điều tra, 2017 Kết quả điều tra cho thấy người dân đã bắt đầu có ý thức tự thu gom chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV vào bể chứa (55% số người được phỏng vấn). Tỷ lệ người thực hiện tự thu gom cao nhất ở xã Hạ Mỗ (63,3%) và thấp nhất ở xã Thọ An (46,7%). Ngoài ra, người dân còn xử lý rác thải vô cơ bằng cách chôn lấp, đốt, bỏ vào rác sinh hoạt, tái sử dụng hoặc bán phế liệu. Đây là các giải pháp mang tính tạm thời vì nó có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Ngoài việc tự thu gom của người sản xuất nông nghiệp, công tác thu gom rác thải đồng ruộng được UBND các xã chỉ đạo giao cho hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với cán bộ phụ trách môi trường, cán bộ phụ trách BVTV xã tổ chức thực hiện công tác thu gom rác thải đồng ruộng là các chai lọ, bao bì thuốc BVTV, vỏ bao bì phân bón vô cơ. Công tác thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV, bao bì phân bón vô cơ được thực hiện theo các bước thu gom rác thải do người nông dân bỏ lại tại đồng ruộng đến các thùng chứa, bể chứa và thu gom từ các thùng chứa, bể chứa đến điểm tập kết để vận chuyển đi xử lý. Theo cán bộ hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ phụ trách BVTV, trong năm 2017, công tác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV, bao bì phân bón vô cơ, các chất thải nguy hại ngoài đồng ruộng được các xã thực hiện khá tốt, đạt trên 60% tổng lượng rác phát thải. Bên cạnh công tác thu gom rác thải đồng ruộng, việc vận chuyển các loại rác thải được UBND các xã, thị trấn chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp vận chuyển đến các điểm tập kết rác thải để xử lý, nhất là đối với các loại chai lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón vô cơ. Khi đến điểm tập
  6. kết rác thải, định kỳ 6 tháng một lần phòng Kinh tế huyện phối hợp với đơn vị vận chuyển và xử lý rác thải vận chuyển đến nơi xử lý rác thải nguy hại theo quy định. Công tác vận chuyển, xử lý rác thải là chai lọ, bao bì thuốc BVTV, bao bì phân bón, rác thải nguy hại trên đồng ruộng hiện nay tại huyện Đan Phượng được UBND huyện giao cho phòng Kinh tế chủ trì. Phòng Kinh tế định kỳ 6 tháng một lần tổ chức việc thu gom rác thải từ các xã, thị trấn để vận chuyển đi xử lý. Phòng Kinh tế ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển rác thải vô cơ từ các điểm tập kết đến nhà máy tại Khu công nghiệp Nam Sách - tỉnh Hải Dương để xử lý. Kinh phí hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón sau sử dụng được UBND huyện bố trí từ nguồn ngân sách cho sự nghiệp nông nghiệp, được giao dự toán hàng năm cho phòng Kinh tế thực hiện. Như đã chỉ ra ở trên, lượng rác thải vô cơ trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 5,0- 5,1 tấn, thu gom vào các thùng chứa, bể chứa được khoảng 3,5 tấn nhưng lượng rác được vận chuyển đi xử lý mới chỉ là 2,2 tấn (chiếm khoảng 60% tổng lượng rác thải phát sinh). Nguyên nhân là do nguồn kinh phí dành cho việc xử lý rác thải đồng ruộng, nhất là xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV còn hạn chế trong khi nhà máy xử lý rác thải ở quá xa khiến cho chi phí vận chuyển tăng. 3.3 Yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng huyện Đan Phượng - Năng lực của độ ngũ cán bộ quản lý Năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý là yếu tố quan trọng trong hoạt động quản lý rác thải đồng ruộng. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách công tác quản lý rác thải đồng ruộng từ cấp huyện đến cấp xã ở Đan Phượng chủ yếu là kiêm nhiệm, kiến thức về quản lý môi trường còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác quản lý rác thải đồng ruộng nhóm nguy hại còn quả, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các loại vi phạm về môi trường đồng ruộng. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải đồng ruộng được UBND các xã, thị trấn chỉ đạo hợp tác xã thực hiện song không có nhân viên chuyên trách mà chủ yếu qua thuê khoán bằng các hợp đồng lao động thời vụ nên hiệu quả thu gom, mức độ làm việc cũng còn có phần hạn chế. - Nguồn lực tài chính và trang thiết bị Việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại nói chung và chất thải nguy hại đồng ruộng nói riêng cần được đầu tư thỏa đáng về kinh phí, song trên thực tế nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý rác thải ở huyện Đan Phượng còn chưa được đầu tư đúng mức. Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý rác thải đều do ngân sách nhà nước cấp, nguồn kinh phí này còn chưa đáp ứng với nhu cầu hiện nay, việc xã hội hoá còn ở mức độ thấp (phí thu từ người sản xuất thấp), chưa thu hút được nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp; chưa có kinh phí riêng cho cán bộ chuyên trách về quản lý rác thải đồng ruộng. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác quản lý còn thấp. - Tính thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp
  7. Sản xuất nông nghiệp tập trung thâm canh nhiều hơn, chọn lựa các cây trồng giá trị kinh tế cao, chủ yếu là hoa, rau thay vì sản xuất lúa, ngô, các cây trồng này cần lượng phân bón nhiều hơn, lượng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại nhiều hơn, do đó sẽ làm tăng việc phát sinh rác thải đồng ruộng là bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón. Trái lại, việc áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì sẽ hạn chế hơn lượng phân bón, thuốc BVTV, do đó cũng làm giảm đi lượng rác thải phát sinh. Về đánh giá tình hình, hiện nay huyện Đan Phượng tập trung phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung nên lượng thuốc BVTV, phân bón sẽ tăng lên, khiến cho lượng rác thải từ chai lọ, bao bì thuốc BVTV và phân bón cũng tăng. - Nhận thức của người sản xuất Người dân sản xuất trên đồng ruộng trực tiếp ảnh hưởng tới việc quản lý rác thải trên đồng ruộng. Người dân không ý thức được tác hại của việc xả rác thải đồng ruộng nhóm nguy hại ra môi trường xung quanh, việc đốt rơm rạ bừa bãi, việc để phế phụ phẩm phân hủy tại đồng ruộng như ở trên đã nói dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, làm thiệt hại về mặt kinh tế, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Trình độ, hiểu biết của người dân còn thấp, người dân thiếu hiểu biết kiến thức về xử lý rác thải đồng ruộng để đạt hiệu quả cao như ủ rơm rạ làm phân bón, tìm nguồn thu mua phế phụ phẩm trong nông nghiệp trong trồng trọt phục vụ sản xuất chăn nuôi, phục vụ một số ngành khác. Vai trò của người dân trong quản lý rác thải đồng ruộng là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của quản lý rác thải đồng ruộng hiện nay. Quản lý rác thải đồng ruộng phải có sự tham gia của chính người dân trực tiếp sản xuất trồng trọt. Cần có các chương trình, kế hoạch của chính quyền, các đoàn thể tham gia vận động tuyên truyền để thực hiện tốt việc sử dụng thuốc BVTV đúng quy định, thu gom, xử lý rác thải nguy hại hiệu quả, đúng quy định của nhà nước; xử lý các phế phụ phẩm đảm bảo hiệu quả, khoa học, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế. Nâng cao ý thức của người dân về xử lý rác thải trồng trọt thông thường, hỗ trợ nông dân trong việc xử lý rác thải đó. 3.4 Giải pháp quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng huyện Đan Phượng 3.4.1 Giải pháp về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng Ngoài việc sử dụng thuốc đúng chủng loại, liều lượng và thời điểm, sau khi sử dụng cần thu gom bao bì, chai lọ về các vị trí được quy định của địa phương, tuyệt đối không được vứt bừa bãi trên đồng ruộng. Các địa phương cần có các quy định địa điểm thu gom và định kỳ đưa đi xử lý theo quy định. Các loại bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp cần được thu gom, xử lý riêng; có thể áp dụng quy trình thu gom, xử lý rác thải nguy hại đồng ruộng đối với địa bàn huyện Đan Phượng như sau: - Thu gom: Để thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng, cần xây dựng các bể chứa bằng bê tông cốt thép hoặc trang bị các thùng nhựa theo tiêu chuẩn đặt tại các vị trí thích hợp trên từng cánh
  8. đồng để người nông dân dễ dàng đem các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV bỏ vào các thùng, bể chứa. Quy cách bể chứa rác thải nguy hại trên đồng ruộng phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật (vững chắc nhằm tránh tình trạng bể vỡ, hư hỏng, lũ lụt cuốn trôi; không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; không bị nước mưa tràn vào,...). - Vận chuyển, xử lý: UBND huyện giao cho các phòng chuyên môn thuộc huyện (phòng Tài nguyên- Môi trường hoặc phòng Kinh tế) chủ động hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại để đến thu gom các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV từ các thùng rác đi xử lý theo đúng quy trình theo thời vụ tùy vào khối lượng; Huyện cũng cần chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết (đối với những nơi có khối lượng chất thải nguy hại đồng ruộng phát sinh không đáng kể và khó bố trí thùng chứa, bể chứa rác thải nguy hại cần linh động lựa chọn giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và đề xuất lên cấp trên để xét duyệt và triển khai thực hiện). 3.4.2 Giải pháp về quản lý nhà nước - Kiện toàn bộ máy quản lý, hạn chế chồng chéo trong phân công, phân nhiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra Thành lập, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, nhất là cán bộ cấp huyện, cấp xã; đề xuất cơ chế phối hợp giữa các loại hình dịch vụ, phục vụ giữa các cấp trong quản lý rác thải đồng ruộng; nâng cao năng lực quản lý của từng địa phương; thực hiện phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cấp trong quản lý rác thải đồng ruộng. Tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quản lý rác thải đồng ruộng. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương trong kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý rác thải, các điểm tập kết rác thải đồng ruộng, việc vận chuyển chất thải nguy hại liên tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đồng ruộng để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm... - Giải pháp về đầu tư tài chính và thu hút công nghệ mới cho xử lý rác thải đồng ruộng Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải đồng ruộng, mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình đầu tư, dự án tái chế, tái sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ rác thải đồng ruộng; đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đồng ruộng; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải đồng ruộng. Xây dựng các dự án sản
  9. xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để giảm thiểu phát sinh rác thải đồng ruộng gắn với bảo vệ môi trường. Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ của các nước phát triển vào quản lý rác thải đồng ruộng, nhất là các công nghệ về xử lý rác thải nguy hại, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn. Tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, nhà máy phục vụ quản lý, xử lý rác thải nói chung, rác thải đồng ruộng nói riêng. Tiếp nhận, đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo trong hoạt động tái chế, tái sử dụng thu hồi năng lượng từ rác thải đồng ruộng. 3.4.3 Nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác quản lý rác thải đồng ruộng Đẩy mạnh việc tuyên truyền và tổ chức các khoá tập huấn cho người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch hơn, tập huấn kỹ thuật IPM rộng rãi cho nông dân địa phương với nội dung đa dạng để nâng cao trình độ cho nông dân nhằm sản xuất đạt hiệu quả cao nhất (giảm chi phí, tăng lợi nhuận); Tuyên truyền giáo dục nhân dân về mức độ độc hại của thuốc BVTV và dư lượng của nó trên nông sản, từ đó hướng nông dân đến sử dụng thuốc BVTV cho phù hợp; Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc BVTV ít độc hoặc dễ phân hủy, nhất là các loại thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các hoạt động này sẽ góp phần giảm thiểu phát sinh rác thải vô cơ trên đồng ruộng. Các xã cần phối hợp với Trạm khuyến nông và Hội nông dân huyện triển khai mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện xử lý rơm rạ, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp ủ phân hữu cơ. Phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên phát động các chương trình thu gom rác thải là bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón vô cơ trên các cánh đồng. Xây dựng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải đồng ruộng là một trong những giải pháp quan trọng trong quản lý rác thải đồng ruộng. Nếu mô hình được xây dựng hiệu quả sẽ dễ phát huy và nhân rộng trong cộng đồng làng xã. Đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương (Mặt trận Tổ quốc, hội Nông dân, hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, hội Cựu chiến binh...) trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý rác thải đồng ruộng. 4. Kết luận Có thể khẳng định rằng rác thải nông nghiệp là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật hiện nay phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, độc hại về môi trường. Hàng năm, sản xuất trồng trọt ở huyện Đan Phượng phát sinh trên 5 tấn rác thải là chai lọ, bao bì thuốc BVTV và phân bón vô cơ. Công tác thu gom và xử lý loại rác thải này trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhưng còn có mặt hạn chế. Về cơ sở vật chất, việc bố trí các thùng, bể chứa rác thải đồng ruộng còn ít, còn chưa bảo đảm chất lượng, nguồn nhân lực phục vụ thu gom không nhiều, kinh phí đầu tư cho thu gom, xử lý còn hạn chế, mới đạt khoảng trên 60% lượng rác thải từ vỏ
  10. bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón; công tác xử lý còn thiếu về kinh phí, xử lý chưa kịp thời, còn lưu trữ rác thải tại điểm tập kết lâu dài dẫn đến ô nhiễm môi trường. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý rác thải vô cơ trên đồng ruộng huyện Đan Phượng gồm: (1) Năng lực của bộ làm công tác quản lý nhà nước về rác thải đồng ruộng; (3) Nguồn lực tài chính và trang thiết bị phục vụ thu gom và xử lý rác thải; (3) Tính thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương hiện nay; và (4) Nhận thức của người sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý rác thải đồng ruộng trên địa bàn huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội nhằm bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trồng trọt, tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì cần những nhóm giải pháp chủ yếu là: Giải pháp về kỹ thuật; giải pháp về quản lý nhà nước; giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, quản lý rác thải đồng ruộng; giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng công tác quản lý rác thải đồng ruộng…và một số giải pháp liên quan khác. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011- 2015. Nhà máy in Bản đồ: Hà Nội. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, 29/09/2015. Nhật Nam (2017). Tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi còn phổ biến. Truy cập từ http://mtnt.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1101/56471/tinh-trang-vut-bao-bi-thuoc-bao-ve- thuc-vat-bua-bai-con-pho-bien. Ngày 20 tháng 7 năm 2018. Thu Nga (2017). Giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Truy cập từ http://mtnt.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1101/52755/giai-phap-bao-ve-moi-truong-trong- san-xuat-nong-nghiep. Ngày 22 tháng 7 năm 2018. Hoàng Thế Phong (2015). Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong trồng trọt. Truy cập từ http://khpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/tin-tuc-phap-luat-bao-ve-moi-truong.aspx?ItemID=156. Ngày 21 tháng 7 năm 2018. View publication stats
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2