intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tác động của chuyển đổi số đến việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

18
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Bài viết này khẳng định chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, phân tích những cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo khi thực hiện chuyển đổi số. Từ những thách thức đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện chuyển đổi số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tác động của chuyển đổi số đến việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học Việt Nam

  1. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 03. TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM ThS. Nguyễn Thị Kim Hằng* Tóm tắt Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Bài viết này khẳng định chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, phân tích những cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo khi thực hiện chuyển đổi số. Từ những thách thức đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện chuyển đổi số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Từ khóa: Tác động; chuyển đổi số; chất lượng đào tạo 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chất lượng đào tạo của các trường đại học luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Dù đã có nhiều đổi mới nhưng giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: chỉ chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, việc dạy và học không gắn chặt với thực tiễn, không quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn phương pháp tự học cho sinh viên… Chất lượng đào tạo tại một số trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với những thành tựu to lớn đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Hàn Quốc… đã ứng dụng công nghệ số để tạo nên bước nhảy vọt về chất trong hệ thống giáo dục, tạo khoảng cách phát triển ngày càng lớn về chất lượng đào tạo (Gapsalamov và nnk., 2020). Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo càng trở nên bức thiết. Trong bài viết này, tác giả phân tích chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, tạo nên những cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giáo * Trường Đại học Khánh Hòa 31
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA dục đại học. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với Nhà nước, các trường đại học, giảng viên và sinh viên nhằm phát huy cơ hội, khắc phục những thách thức khi thực hiện chuyển đổi số. 2. NỘI DUNG 2.1. Chuyển đối số trong giáo dục là xu thế tất yếu Cuộc CMCN 4.0 với những thành tựu to lớn đã tạo ra những thay đổi mang tính chất đột phá trên phạm vi toàn thế giới. Chuyển đổi số - một trong những trụ cột của cuộc cách mạng đang lan tỏa và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. “Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” (Nguyễn Mạnh Hùng, 2021). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phấn đấu được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số. Tác động của chuyển đổi số đem lại cơ hội bứt phá cho đất nước, cho người dân một môi trường sống hiện đại, văn minh, được tiếp cận nhanh chóng với tất cả các dịch vụ của xã hội. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số gặp nhiều thách thức, trong đó có nguồn nhân lực số chất lượng cao còn thiếu; kỹ năng số cơ bản của lực lượng lao động thấp, khả năng thích ứng môi trường số chưa cao. Để giải quyết bài toán về nhân lực, lĩnh vực giáo dục là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được xác định là: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa”. Đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều trường học trên thế giới và Việt Nam đã lựa chọn dạy học trực tuyến để vừa đảm bảo sự an toàn vừa không trì hoãn tiến độ học tập của người học. Như vậy, trước những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong và ngoài nước, việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đại học trở thành xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. 32
  3. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 2.2. Những cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số Nâng cao chất lượng đào tạo đại học là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các trường đại học trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giảng viên, sinh viên, chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, học liệu, công tác quản lý đào tạo... Dưới tác động của chuyển đổi số, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trên đều có cơ hội để phát triển, nâng cao hiệu quả. Đầu tiên, chuyển đổi số tác động đến sự phát triển của học liệu số, thư viện số. So với học liệu truyền thống, học liệu số có nhiều lợi thế như lợi thế về âm thanh, hình ảnh sinh động trực quan, về chia sẻ dễ dàng rộng khắp, về lưu trữ, tìm kiếm, sắp xếp nhanh chóng, tức thời lượng thông tin đang bùng nổ trên toàn cầu. Dưới tác động của chuyển đổi số và sự quan tâm đầu tư của các trường đại học, học liệu số ở các thư viện số ngày càng đa dạng, phong phú gồm có: giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm ảo… Học liệu số, thư viện số tạo nên sự đột phá trong việc cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu, điều chỉnh chương trình đào tạo, cập nhật những nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới. Trước đây, ở các trường đại học, do diện tích thư viện chật hẹp, thời gian mượn sách theo giờ hành chính, số lượng bản sách ít, chỉ được mượn đọc trong thời gian ngắn nên chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Ngày nay, học liệu số đã vượt qua những giới hạn của không gian, thời gian, vị trí địa lý, cho phép nhiều sinh viên có thể truy cập tài liệu ở cùng một thời điểm ở bất cứ đâu. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 không thể đến thư viện trường để mượn tài liệu, học liệu số giúp sinh viên có được giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ việc học. Các học liệu số được chia sẻ với các cơ sở đào tạo đại học giải quyết được khó khăn của sinh viên và giảng viên trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu trong và ngoài nước, tạo điều kiện mở rộng tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học. Học liệu số giúp nâng cao “năng lực số” cho giảng viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả.  Thứ hai, chuyển đổi số tạo điều kiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực của người học. Các trường đại học Việt Nam đã ứng dụng chuyển đổi số để dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược, dạy học phân hóa, dạy học thực tế ảo... “Flipped classroom” (lớp học đảo ngược) là mô hình dạy học sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ giảng dạy, nhằm thúc đẩy quá trình học tập “ở bên ngoài lớp học”. Khác với mô hình lớp học truyền thống “học ở lớp, làm bài tập ở nhà”, ở mô hình lớp học đảo ngược, những nội dung của bài học sẽ được sinh viên tìm hiểu, đọc, xem trước ở nhà qua video bài giảng, sách tham khảo, bài báo khoa học, nghiên cứu qua Internet… và khi đến lớp sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do giảng viên đặt ra. Theo Marks, “thực hiện mô hình lớp học đảo ngược có nhiều lợi ích: tạo cơ hội bình đẳng cho người học, cá nhân hóa việc học, giải quyết tình trạng nghỉ học” (Marks, 2015). Ở lớp học truyền thống, do thời gian trên lớp bị giới hạn nên giảng viên chỉ có thể hướng dẫn người học các nội dung ở ba mức độ đầu của nhận thức theo thang cấp độ tư duy của Bloom (đã được cải tiến) là: ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến ba mức độ cao hơn như phân tích, đánh giá, sáng tạo, người học phải nỗ lực tự học tập, nghiên cứu ở nhà và đó là một trở ngại lớn với đa số các em sinh viên. “Với mô hình lớp học đảo ngược thì ba mức độ đầu được người học thực hiện 33
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ở nhà, thời gian ở lớp dành tối đa cho giảng viên và sinh viên cùng làm việc để đạt được tư duy bậc cao (ba bậc sau của thang đo nhận thức)” (Đỗ Tùng và Hoàng Công Kiên, 2020). Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược phù hợp với sự phát triển tư duy của người học, giúp người học chủ động trong học tập, nâng cao năng lực phát hiện - giải quyết vấn đề và rèn luyện các kỹ năng cho người học (kỹ năng sử dụng CNTT, thuyết trình, nghiên cứu tài liệu...). Chuyển đổi số đem đến cơ hội học tập cá nhân hóa cho sinh viên và thúc đẩy dạy học phân hóa của giảng viên. Với dạy học truyền thống, một bộ phận sinh viên có thể gặp áp lực vì không theo kịp bài giảng trong khi một số khác lại thấy nhàm chán vì cảm thấy nhiều bài quá dễ. Ngoài ra, không phải mọi sinh viên đều phù hợp với cùng một phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giảng viên. Chuyển đổi số giúp sinh viên được tự do lựa chọn lộ trình học, tốc độ học, cách học cho riêng mình. Họ hoàn toàn có thể học bài giảng tiếp theo hoặc tua lại bài học cũ cho tới khi nắm bắt chắc chắn được kiến thức. Sự kết hợp của các bài giảng video, bài đọc kiến thức và tương tác với giảng viên khi cần hỗ trợ giúp tối ưu hóa năng lực tiếp thu của sinh viên, hạn chế cảm giác nhàm chán khi học. Các đánh giá kỹ thuật số với ngân hàng câu hỏi phong phú, có đáp án cung cấp kết quả tức thì và phản hồi được cá nhân hóa giúp sinh viên có thể đánh giá được khả năng hoàn thành của mình, giảng viên có thể đánh giá được hiệu quả giảng dạy nhanh chóng. Điều này giúp giải phóng thời gian để tập trung vào các bước phân tích tiếp theo, từ đó sinh viên có thể điều chỉnh cách học cho phù hợp với năng lực bản thân; giảng viên có thể điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu, trình độ và sự hứng thú học tập của sinh viên. Dạy học phân hóa giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học (Scottish Government, 2016). Chuyển đổi số khắc phục một trong những hạn chế lâu dài của giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng, đó là dạy học nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, chưa chú trọng năng lực. Công nghệ thực tế ảo trong chuyển đổi số tạo ra một thế giới nhân tạo cung cấp cho sinh viên cơ hội “thực nghiệm” những kiến thức mà họ đã học trước khi chuyển sang ứng dụng trong thế giới thực. Các trường đại học lớn như: Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học PHENIKAA, Đại học Quốc gia Hà Nội… đã sử dụng công nghệ thực tế ảo trong giảng dạy. Ví dụ, trong ngành công nghiệp khách sạn (Hospitality industry), sinh viên có thể tận mắt chứng kiến các môi trường làm việc tiềm năng khác nhau khiến sinh viên cảm thấy họ đang ở trong những tình huống phục vụ khách hàng thực sự. Thực tế ảo sẽ giúp sinh viên có những kinh nghiệm thực tế mà không cần phải rời khỏi lớp học. Điều này đặc biệt có ích khi đào tạo vào những thời điểm sinh viên không thể đi thực tế, thực tập vì dịch bệnh. Những trải nghiệm thực tế ảo giúp sinh viên cảm thấy tự tin hơn, thêm hứng thú trong học tập và nỗ lực hoàn thành chương trình học của mình. Thứ ba, chuyển đổi số hỗ trợ quá trình quản lý đào tạo được thuận lợi và hiệu quả hơn. Đơn cử như các trường: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong quy định về giảng dạy và học tập trực tuyến đã xác định việc sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS; hệ thống quản lý nội dung học tập LCMS. “Hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) là hệ thống phần mềm cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động đào tạo trực tuyến từ lúc nhập học đến khi sinh viên hoàn thành khóa học trực tuyến. Đồng thời, hệ thống giúp trường 34
  5. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ theo dõi và quản lý quá trình học tập của sinh viên, tạo ra môi trường dạy và học ảo, giúp giảng viên giao tiếp với sinh viên trong việc giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp sinh viên có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học trực tuyến, kết nối với giáo viên và các học viên khác để trao đổi bài. Ngoài ra, Hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) giúp quản lý kho nội dung học tập trực tuyến, cho phép tổ chức lưu trữ và truyền tải các nội dung học tập tới người học” (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 2020). Thứ tư, chuyển đổi số thúc đẩy cơ hội liên kết, hợp tác, trao đổi học thuật giữa sinh viên, giảng viên trong và ngoài trường, trong nước và quốc tế, giữa các trường đại học và đơn vị sử dụng lao động. Công nghệ số và nền tảng trực tuyến cho phép phá bỏ rào cản địa lý, giúp đẩy nhanh quá trình cập nhật và truyền tải thông tin giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau, giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Sinh viên có thể truy cập các video trực tuyến và tham gia vào các hội nghị, hội thảo với giảng viên ở trong hay ngoài nước. “Chuyển đổi số mở rộng cơ hội cho sự phát triển chuyên môn của giảng viên, cho phép các giảng viên mới vào nghề nhận được sự cố vấn từ các giảng viên bậc thầy ở bất kể khoảng cách nào” (Nguyễn Cao Trí, 2020). Từ đó, năng lực hội nhập quốc tế của các trường đại học, của giảng viên và sinh viên Việt Nam sẽ có bước tiến đáng kể. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức cho giáo dục đại học như sau: Thứ nhất là thách thức về mặt nhận thức của cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên và sinh viên. Thói quen ngại thay đổi trong cách quản lý, trong phương pháp dạy học, sợ khó, sợ khổ là rào cản lớn khi thực hiện chuyển đổi số. Thực tế cho thấy một bộ phận đội ngũ các nhà quản lý có biểu hiện tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại, không dám làm nên chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Một số giảng viên, chủ yếu ở các trường đại học địa phương quy mô nhỏ cho rằng, dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh nên không đầu tư thích đáng cho việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Sinh viên đã quen với cách học truyền thống, cho rằng học online thiếu hiệu quả, không có thái độ hợp tác thì dù giảng viên có cố gắng đến đâu, sinh viên vẫn sẽ rất khó tìm thấy hứng thú ở những giờ học online. Thứ hai là thách thức về tài chính, đây là bài toán muôn thuở của các trường đại học Việt Nam. Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho sinh viên, giảng viên, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, mua phần mềm quản lý đào tạo, học liệu số, xây dựng phòng thực tế ảo, bồi dưỡng, tập huấn cho giảng viên và sinh viên… tốn rất nhiều kinh phí của nhà trường. Khối lượng công việc của giảng viên, cán bộ, nhân viên quản lý đào tạo nhiều hơn khi thực hiện chuyển đổi số cũng đòi hỏi tài chính để tăng lương, tăng chế độ chính sách hỗ trợ. Thứ ba là thách thức về nhân lực. Chuyển đổi số không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc quản lý đào tạo, việc dạy học không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy kỹ năng sử dụng công nghệ cho mục đích học tập của sinh viên chưa cao, nhất là với những sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ. Ở phía còn lại, không phải tất cả các giảng viên đều có năng lực và sự tự tin trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ công tác giảng dạy (Bùi Thị Nga và nnk, 2020). Với sự phát triển 35
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA của khoa học dữ liệu, các dữ liệu về kết quả đào tạo dễ dàng được thu thập và xử lý. Thách thức ở đây là các nhà quản lý, giảng viên có đủ năng lực phân tích, khai thác dữ liệu để tạo ra những tác động như nâng cao hiệu quả giảng dạy, tỷ lệ sinh viên được tuyển dụng, từ đó tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho trường đại học. Thứ tư là thách thức về điều kiện của người học. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi triển khai học trực tuyến, một bộ phận sinh viên gặp khó khăn do không có máy tính hoặc điện thoại kết nối Internet, do sự cố đường truyền Internet. Nhiều sinh viên không có phòng riêng để học nên bị chi phối bởi môi trường xung quanh, dẫn đến thiếu tập trung, làm việc riêng nhiều khi học trực tuyến. Điều kiện học tập của sinh viên không đảm bảo, chất lượng đào tạo không thể nâng cao cho dù có sự nỗ lực của các nhà quản lý, giảng viên và các hoạt động hỗ trợ người học. Thứ năm là thách thức về độ bảo mật, an ninh, bản quyền khi thực hiện chuyển đổi số. Dữ liệu thông tin cá nhân của sinh viên như ngày/tháng/năm sinh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại, điểm số, kết quả học tập khi “rò rỉ” ra ngoài có thể bị sử dụng cho mục đích xấu như lừa đảo về tài chính, gọi điện làm phiền... Khi dạy học trực tuyến đã xuất hiện tình trạng kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng trong quản lý lớp học, tham gia vào lớp với mục đích phá đám, gây rối, đe dọa… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Nhiều học liệu số được chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến vi phạm bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa có sự rốt ráo kiểm soát và mạnh tay xử lý từ các cơ quan có thẩm quyền. 2.3. Một số khuyến nghị Trước những tác động của chuyển đổi số đến việc nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để phát huy những cơ hội và hạn chế những thách thức kể trên, từ đó đẩy nhanh tốc độ thực hiện chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số và thực hành tốt về công nghệ. Đối với Nhà nước - Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số như: quy định công nhận kết quả học và thi trực tuyến, quy định bản quyền và sở hữu trí tuệ trong số hóa học liệu, quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng, quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy - học trên mạng, kiểm định chất lượng dạy - học trực tuyến… (Vũ Văn Hà, 2021). - Hỗ trợ tài chính, cơ chế cho các trường tiên phong chuyển đổi số. Các trường này thành công sẽ là hình mẫu thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số chung trong giáo dục đại học của cả nước. Đối với các trường đại học - Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong đào tạo đại học cho toàn thể lãnh đạo trường, giảng viên, sinh viên, nhân viên. - Khai thác các dữ liệu từ việc đánh giá kết quả đào tạo, phản hồi của sinh viên, nhu cầu thị trường lao động… để đưa ra những quyết định, hướng dẫn đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo. 36
  7. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ - Đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT và cơ sở vật chất đồng bộ cho các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học và quản lý quá trình đào tạo. - Chú trọng đầu tư cho công tác học liệu vì sự phát triển lâu dài, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Tăng cường liên kết giữa các trường đại học trong xây dựng kho học liệu số để tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính. - Đồng hành với các công ty công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng và cơ sở đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động. - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ vào dạy học cho giảng viên và sinh viên. “Phát triển các kỹ năng và sự tự tin của các nhà giáo dục trong việc sử dụng phù hợp và hiệu quả công nghệ kỹ thuật số hỗ trợ học tập và giảng dạy. Cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số cho tất cả người học” (Scottish Government, 2016). Đối với giảng viên - Có thái độ tích cực đối với sự thay đổi, tự học, tự bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. - Sẵn sàng sử dụng các công cụ và công nghệ mới, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực của sinh viên, trong đó có năng lực chuyển đổi số. Giảng viên chuyển vai trò từ cung cấp kiến thức sang xúc tác, điều phối; hướng dẫn sinh viên tìm kiếm, khai thác, chủ động tiếp thu nguồn thông tin; hướng dẫn cho sinh viên các phương pháp tự học, phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề. - Góp phần xây dựng kho học liệu số, tạo mối liên kết giữa các trường đại học, giữa trường và đơn vị sử dụng lao động. Đối với sinh viên - Có thái độ học tập đúng đắn, tập trung lắng nghe giảng viên, tích cực tham gia các hoạt động học tập, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với tiến độ của bản thân và khắc phục những khó khăn về điều kiện học tập. - Đề cao ý thức cảnh giác, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản học tập của mình. 3. KẾT LUẬN Chuyển đổi số đã và đang tạo nên những cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo và những thách thức to lớn về nhận thức, tài chính, nhân lực… đối với giáo dục thế giới nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng. Phát huy những cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công chuyển đổi số, giáo dục đại học Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực có năng lực số. Với ý nghĩa quan trọng đó, chuyển đổi số trong giáo dục đại học có tác động rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. 37
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thị Nga, Lê Vũ Toàn và Lưu Đức Long (2020), “Giáo dục đại học: Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số”, Tạp chí Thông tin & Truyền thông, số 5 + 6/2020, tr. 26 - 31. 2. Đỗ Tùng và Hoàng Công Kiên (2020), “Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến tại Trường Đại học Hùng Vương”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương, số 2/2020, tr. 37 - 45. 3. Gapsalamov, A. R. ; Bochkareva, T. N. & Akhmetshin, E. M. (2020), “Digital Era”: Impact on the Economy and the Education System (Country Analysis), Utopia y Praxis Latinoamericana, 25, 170-189. DOI: 10.5281/zenodo.4155437 4. Marks, D. B. (2015), Flipping the Classroom: Turning an Instructional Methods Course Upside Down. Journal of College Teaching and Learning, 12 (4), pp. 241 - 248. 5. Nguyễn Cao Trí (2020), “Chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục đại học: Cách tiếp cận mới và kinh nghiệm từ Trường Đại học Văn Lang”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng, 2021, tr.103 - 110. 6. Nguyễn Mạnh Hùng (2021), “Chuyển đổi số và cơ hội của đất nước trong thời kỳ mới”. Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, 2021. 7. Scottish Government (2016), Enhancing Learning and Teaching Through the Use of Digital Technology: A digital learning and teaching strategy for Scotland. Scotland. 8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 9. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Quyết định số 992/ĐHL về việc ban hành Quy định về giảng dạy và học tập trực tuyến. Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Vũ Văn Hà (2021), Chuyển đổi số trong đào tạo bậc đại học. Truy cập 10/10/2021, từ http:// dainam.edu.vn/vi/vien-sau-dai-hoc/tin-tuc/chuyen-doi-so-trong-dao-tao-bac-dai-hoc 38
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0