intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc huy động vốn - Nghiên cứu thông qua lý thuyết thị trường hiệu quả

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

9
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc điểm quan trọng là sự phát triển vượt bậc của công nghệ số có những tác động nhất định đến thị trường chứng khoán. Bài viết phân tích những tác động đó thông qua lý thuyết thị trường hiệu quả. Bên cạnh đó, bài viết cũng đánh giá một số tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc huy động vốn - Nghiên cứu thông qua lý thuyết thị trường hiệu quả

  1. TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN VIỆC HUY ĐỘNG VỐN– NGHIÊN CỨU THÔNG QUA LÝ THUYẾT THỊ TRƯỜNG HIỆU QUẢ ThS. Nguyễn Thị Thùy Giang Trường Đại học Quy Nhơn Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc điểm quan trọng là sự phát triển vượt bậc của công nghệ số có những tác động nhất định đến thị trường chứng khoán. Bài viết phân tích những tác động đó thông qua lý thuyết thị trường hiệu quả. Bên cạnh đó, bài viết cũng đánh giá một số tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường chứng khoán Việt Nam Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, lý thuyết thị trường hiệu quả, thị trường chứng khoán, thị trường vốn 2. Đặt vấn đề Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay đang ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Xuất phát từ báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người thì cụm từ “ Công nghiệp 4.0” ra đời và ngày càng được nhắc tới nhiều trên các diễn đàn kinh tế thế giới. “Công nghiệp 4.0” đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Diễn biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia trên thế giới. Để không bị tụt hậu thì mỗi quốc gia cần đầu tư một cách mạnh mẽ để phát triển một nền công nghệ hiện đại, tiên tiến. Điều này khiến cho nhu cầu về vốn đầu tư tăng cao. Bên cạnh đó, sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện đại khiến cho thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết và đi kèm với nó là sự kết nối, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi và trên phạm vi toàn cầu. Sự kết nối thông tin có nhiều thay đổi cũng sẽ khiến cho việc huy động vốn trên thị trường có nhiều thay đổi nhất định. Bài viết này tập trung phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc huy động vốn theo cơ chế thị trường thông qua Lý thuyết thị trường hiệu quả. 3. Cơ sở lý thuyết về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến huy động vốn trên thị trường vốn 3.1. Huy động vốn trên thị trường vốn Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính mà tại đó diễn ra các hoạt động mua bán các công cụ tài chính trung và dài hạn (Phạm Văn Hùng, 2008). Thị trường vốn bao gồm ba thị trường chính: thị trường thuê mua (leasing market), thị trường thế chấp (mortgage market) và thị trường chứng khoán (securities market). Trong ba dạng thị trường trên thì thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng nhất và ngày càng trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời đây cũng là thị trường đóng vai trò như phong vũ biểu phản ánh tình hình nền kinh tế của một quốc gia, một doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chủ yếu đề cập đến tác động của cuộc các mạng công ngiệp 4.0 đến khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Các điều kiện để huy động vốn trên thị trường chứng khoán Để một nền kinh tế có thể huy động vốn một cách hiệu quả trên thị trường chứng khoán thì cần đạt được những điều kiện sau: , 293
  2. - Điều kiện về kinh tế: để nền kinh tế có thể huy động vốn một cách hiệu quả thì trước hết nền kinh tế đó phải theo thể chế kinh tế thị trường với việc nguồn vốn được huy động đúng theo quy luật cung cầu thị trường, đồng thời cần có một môi trường kinh tế ổn định; - Điều kiện về chính trị - văn hóa – xã hội: Một sự biến động hay bất ổn về chính trị, xã hội sẽ tác động đến thị trường vốn. Nhà đầu tư quan tâm tới việc địa phương mà mình đang có ý định đầu tư có điều kiện chính trị, xã hội ổn định hay không, bởi một sự ổn định về điều kiện này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo việc sinh lời cho các khoản đầu tư của họ. Điều kiện về văn hóa cũng được quan tâm. Với một quốc gia có nền văn hóa năng động, nhanh chóng thích nghi với những cái mới thì những cách thức huy động vốn mới mẻ theo cơ chế thị trường sẽ nhanh chóng được áp dụng, nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính quốc tế cũng sẽ mạnh dạn, cởi mở hơn trong việc bỏ vốn. - Điều kiện về luật pháp: Cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế có thể tiếp cận được vốn, xóa bỏ tư tưởng bao cấp về vốn đầu tư, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân bỏ vốn tham gia đầu tư, tạo môi trường bình đẳng cho tất các nguồn vốn đầu tư. Có được những điều này nhà đầu tư mới tin tưởng vào thị trường và yên tâm bỏ vốn vào thị trường, giúp nguồn vốn được huy động và sử dụng một cách có hiệu quả. - Điều kiện về năng lực quản lý và giám sát: Để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế như việc nền kinh tế bị thị trường dẫn dắt, hiện tượng đầu cơ làm méo mó giá trị thị trường của các tài sản hay những gian lận, lừa đảo trong quá trình huy động vốn làm mất lòng tin của nhà đầu tư…thì rất cần năng lực quản lý giám sát của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức tín dụng và ngay cả với mỗi cá nhân. - Điều kiện về công nghệ Việc huy động vốn theo cơ chế thị trường đòi hỏi một trình độ nhất định về công nghệ của quốc gia đó, thể hiện ở những điểm sau:  Công nghệ cung cấp thông tin: chủ thể đang có nhu cầu huy động vốn là thông tin về: lượng vốn, nhu cầu đầu tư, mức độ ưa thích rủi ro… của nhà đầu tư. Với nhà đầu tư là: nhu cầu đầu tư, tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo, khả năng trả nợ… của người vay vốn. Việc nắm bắt thông tin là hết sức quan trọng đối với nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.  Công nghệ cung cấp những công cụ phân tích, dự đoán cho các nhà đầu tư, cho các chuyên gia, các công ty môi giới, các tổ chức tài chính, từ đó hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định đầu tư.  Công nghệ giảm chi phí huy động vốn: giúp tiến hành giao dịch, huy động vốn mọi lúc, mọi nơi (sự hiện đại của các sàn chứng khoán, dịch vụ ngân hàng...) 3.2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến huy động vốn trên thị trường vốn – phân tích thông qua Lý thuyết hiệu quả Từ những phân tích trên đây có thể thấy rằng một trong các điều kiện để huy động vốn trên thị trường vốn một cách hiệu quả đó chính là điều kiện về công nghệ. Công nghệ càng hiện đại thì khả năng cung cấp thông tin cho các chủ thể trong nền kinh tế càng dễ dàng và từ đó tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư trên thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán. Để tìm hiểu mối quan hệ giữa sự phát triển nền công nghiệp 4.0, trong đó có sự đổi mới mạnh mẽ của công nghệ với việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tác giả đề xuất ứng dụng Lý thuyết thị trường hiệu quả để tiến hành phân tích và lập luận. 3.2.1. Lý thuyết thị trường hiệu quả Một trong những lý thuyết quan trọng nhất của tài chính hiện đại đó là Lý thuyết hiệu quả. Có ba phương diện chính xét về hiệu quả của thị trường là hiệu quả về mặt phân phối, hiệu quả về tổ chức hoạt động của thị trường và hiệu quả về mặt thông tin. Lý thuyết thị , 294
  3. trường hiệu quả là lý thuyết dựa trên nghiên cứu phương diện hiệu quả về mặt thông tin của thị trường. Khái niệm thị trường hiệu quả Có nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra cho khaái niệm “thị trường hiệu quả”. Theo Fama, Eugene.F (1970), “ một thị trường được coi là hiệu quả về mặt thông tin khi giá cả của loại hàng hóa giao dịch trên thị trường được phản ánh đầy đủ và tức thời bởi các thông tin có sẵn liên quan” . Theo Robert A. Haugen (1967) thì một cách để biết được thị trường hiệu quả như thế nào là xem xét loại thông tin mà có tác động đến giá chứng khoán được chứa đựng trong thị trường đó. Có ba tập thông tin được xem xét: – Tập thông tin dạng yếu : Tập thông tin chỉ bao hàm các dữ liệu lịch sử về giá các loại chứng khoán. – Tập thông tin dạng bán mạnh: Tập thông tin bao gồm tất cả các dữ liệu phù hợp đã được công bố trong quá khứ và hiện tại như các báo cáo tài chính công khai của doanh nghiệp, các thông báo về thu nhập và cổ tức, chia cổ phần. – Tập thông tin dạng mạnh: Tập thông tin bao gồm tất cả các dữ liệu được biết, kể cả các thông tin nội bộ. Tương ứng ba tập thông tin trên, thị trường hiệu quả được phân chia ra thành ba cấp độ hiệu quả (hay ba dạng hiệu quả), đó là thị trường hiệu quả dạng yếu (weak form), thị trường hiệu quả dạng trung bình (semistrong form) và thị trường hiệu quả dạng mạnh (strong form). Thị trường hiệu quả dạng yếu của lý thuyết này cho rằng: giá chứng khoán phản ánh đầy đủ thông tin đã công bố trong quá khứ, nghĩa là những người có thông tin trong quá khứ không thể thu lợi vượt trội hơn so với trung bình của thị trường. Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng trung bình cho rằng: giá chứng khoán (chứng khoán ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là cổ phiếu) đã chịu tác động đầy đủ của thông tin công bố trong quá khứ cũng như thông tin được vừa công bố công khai. Nhà đầu cơ không thể dựa vào thông tin trong quá khứ cũng như thông tin vừa được công bố để có thể mua rẻ bán đắt chứng khoán, vì ngay khi thông tin được công bố, giá chứng khoán đã thay đổi phản ánh đầy đủ những thông tin đó. Vì vậy, nếu thị trường có hiệu quả dạng trung bình thì những người có thông tin trong quá khứ cũng như thông tin vừa công bố công khai cũng không thể có thu nhập bất thường so với mức trung bình của thị trường. Dạng mạnh của lý thuyết này khẳng định mạnh mẽ hơn nữa về tính hiệu quả của thị trường tài chính, rằng giá của chứng khoán đã phản ánh tất cả thông tin công bố trong quá khứ, hiện tại, cũng như các thông tin nội bộ. Vì vậy, ngay cả những người nắm được những thông tin nội bộ cũng không thể có được thu nhập bất thường so với những nhà đầu tư còn lại. Tầm quan trọng của một thị trường hiệu quả đối với việc huy động vốn Một thị trường hiệu quả sẽ có những tác động nhất định đến việc huy động vốn của nền kinh tế như sau: - Khuyến khích đầu tư vào thị trường vốn: Khi thị trường có hiệu quả, giá cả của các loại chứng khoán đã phản ánh một cách đầy đủ các thông tin ở trên thị trường, vì vậy điều này sẽ tăng thêm lòng tin cho nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhất là những nhà đầu tư không thể có thông tin đầy đủ về thị trường hoặc khả năng phân tích đầu tư còn nhiều hạn chế. - Khuyến khích phân phối vốn hiệu quả từ đó tăng khả năng huy động vốn của nền kinh tế: những quyết định đầu tư của người quản lý dựa trên sự đánh giá các dấu hiệu họ nhận được từ thị trường vốn. Nếu thị trường là hiệu quả, chi phí để có được vốn sẽ phản ánh chính xác triển vọng của hãng. Có nghĩa là những hãng với những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhất sẽ có khả năng có được vốn với giá mà phản ánh tiềm năng thực sự của các doanh nghiệp này. , 295
  4. Phân phối vốn một cách có hiệu quả sẽ giúp tạo ra được tỷ suất sinh lợi từ đồng vốn cao, từ đó tiếp tục kích thích khả năng huy động vốn của nền kinh tế. 3.2.2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến khả năng huy động vốn thông qua việc tăng tính hiệu quả của thị trường Theo Vũ Thị Minh Luận (2010) thì các yếu tố tác động đến tính hiệu quả của thị trường bao gồm: trình độ phát triển của thị trường, hành vi của người đầu tư, khả năng kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường và tính minh bạch của thông tin. Cách mạng công nghiệp 4.0 ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các yếu tố kể trên, từ đó tác động đến khả năng huy động vốn của nền kinh tế. Khi công nghệ ngày càng phát triển, với sự kết nối ngày càng mạnh mẽ của hệ thống máy tính trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo cùng hàng loạt những thay đổi chóng mặt trong lĩnh vực công nghệ sẽ làm cho thông tin trên thị trường được truyền tải một cách nhanh chóng nhất. Tất cả các thông tin diễn biến trên thị trường sẽ được cập nhật một cách liên tục và phản ánh ngay lập tức vào giá của các chứng khoán, điều này thể hiện được thị trường đang dần trở nên hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn, có thể chuyển dần từ hiệu quả dạng yếu sang dạng trung bình, hoặc thậm chí là dạng mạnh của lý thuyết thị trường hiệu quả. Bên cạnh đó, khi công nghệ ngày càng phát triển, nhất là đối với trí tuệ nhân tạo, tính minh bạch thông tin của thị trường sẽ ngày càng được thể hiện một cách rõ ràng. Những gian lận tài chính, làm giả sổ sách, bất hợp lý trong danh mục đầu tư hay hiện tượng đầu cơ thao túng giá thị trường đều có thể bị phát hiện một cách nhanh chóng bởi khả năng xử lý thông tin một cách tức thời của trí tuệ nhân tạo. Điều này giúp cho thị trường ngày càng trở nên minh bạch hơn, giúp cho nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn và vì vậy khả năng thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế không ngừng tăng lên. Ngoài những tác động tích cực đến tính hiệu quả của thị trường, từ đó tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư trên thị trường vốn đã nêu trên thì cuộc cách mạng công nghiệp cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút vốn đầu tư của nền kinh tế sau đây: - Phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ phân tích có thể khiến nhà đầu tư ra quyết định sai lầm: công nghệ phát triển thì các công cụ để phân tích diễn biến thị trường cũng ngày càng phát triển, tuy nhiên không phải lúc nào kết quả thu được từ những phân tích cũng đúng hoặc sát với thực tế. Một khi công nghệ đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống thì việc nhà đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ phân tích là điều không thể tránh khỏi. Và điều này có thể khiến cho nhà đầu tư thua lỗ khi các công cụ phân tích hay kể cả trí tuệ nhân tạo không thể lường trước được những diễn biến bất ngờ xảy ra trên thị trường. - Tốc độ thông tin quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường khi xuất hiện “tâm lý bầy đàn” : sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số sẽ khiến cho mọi thông tin trên thị trường đều được cập nhật một cách thường xuyên và liên tục. Điều này cũng có nghĩa là những hành vi hay quyết định sai của một nhà đầu tư, một nhóm nhà đầu tư cũng được cập nhật và phát hiện một cách nhanh chóng. Nếu thị trường tồn tại “tâm lý bầy đàn”, quyết định sai của một nhóm người có thể dẫn đến quyết định sai của một nhóm lớn hơn, dần dần trở thành một hiện tượng chung cho cả thị trường và đẩy giá chứng khoán đi xa giá trị thực của nó. Điều này có thể gây ra hiện tượng “bong bóng chứng khoán” hoặc làm cho giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực của nó và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị phát hành. Dù theo hướng nào đi chăng nữa thì điều này cũng gây hoang mang cho nhà đầu tư ở một khía cạnh nào đó nếu nhà đầu tư không thực sự là những người tỉnh táo trên thị trường. Sự hoang mang đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư quay sang chọn các hình thức ít rủi ro hơn như tích trữ vàng hoặc bất động sản thay vì mua các công cụ trên thị trường vốn. Và điều này khiến cho việc huy động vốn trên thị trường trở nên khó khăn hơn. , 296
  5. 4. Những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc huy động vốn tại thị trường Việt Nam 4.1. Thị trường chứng khoán Việt Nam Theo nghiên cứu của Vũ Thị Minh Luận (2010) với việc sử dụng phương pháp phân tích tham số và phi tham số để nghiên cứu tính hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam ở cả dạng yếu và dạng trung bình đều cho kết quả: cho đến năm 2010 thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả ở cả dạng yếu và dạng trung bình, nghĩa là giá chứng khoán vẫn chưa phản ánh được toàn bộ các thông tin trong quá khứ cũng như các thông tin được công khai. Từ năm 2010 cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những thay đổi nhất định: tính minh bạch của hệ thống thông tin trên thị trường được cải thiện hơn, tính thanh khoản của thị trường tăng lên, quy mô của thị trường cũng có những thay đổi tích cực hơn nhưng nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang những đặc điểm của một thị trường chứng khoán mới thành lập. Thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập và hoạt động từ năm 2000 và có những đặc điểm sau: i) Được đặt trong điều kiện nền kinh tế có những bước tăng trưởng khá tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tương đối ổn định. ii) Hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán còn chưa hoàn thiện iii)Vấn đề minh bạch thông tin còn nhiều hạn chế iv) Hiểu biết của các nhà đầu tư trong nước về thị trường còn nhiều hạn chế, “tâm lý bầy đàn” vẫn còn phổ biến v) Thị trường còn chịu những chi phối nhất định từ phía Nhà nước vi) Điều kiện công nghệ chưa thực sự phát triển 4.2. Những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam 4.2.1. Tác động tích cực - Cải thiện điều kiện về công nghệ của thị trường: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ số sẽ tác động đến điều kiện công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Toàn bộ hệ thống sẽ được kết nối một cách mạnh mẽ, thông tin sẽ được truyền tải một cách nhanh chóng và sự kết nối giữa những người có nhu cầu về vốn và người có nhu cầu cho vay vốn trở nên thuận lợi. - Cải thiện tín hiệu quả của thị trường, từ đó tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán: hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định đạt được hiệu quả dạng yếu, vì vậy khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự tác động vào thị trường chứng khoán thì có thể kì vọng vào sự hoàn thiện hơn của thị trường, từ đó giúp cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn và việc huy động vốn đầu tư trở nên thuận lợi hơn. - Thu hút vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến: Ngoài những tác động tích cực thông qua việc cải thiện tính hiệu quả của thị trường, cách mạng công nghiệp 4.0 còn tác động đến cơ cấu thu hút vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, đó là việc lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ số sẽ trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư và việc thu hút vốn đối với lĩnh vực này sẽ dễ dàng hơn. 4.2.2. Tác động tiêu cực - Thị trường có thể bị ảnh hưởng nhanh chóng khi có những thông tin mới hoặc thông tin sai do “tâm lý bầy đàn” và tốc độ truyền tin tức thời: Đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là tâm lý không ổn định của các nhà đầu tư trên thị trường, một diễn biến tâm lý của một nhóm cổ đông cũng có thể khiến cho các nhà đầu tư khác hoang mang và làm cho giá chứng khoán biến động nhiều. - Khả năng thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng nhân công như dệt may, da dày, gia công… sẽ bị hạn chế: Lao động giá rẻ vẫn thường là một lợi thế của Việt , 297
  6. Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ thì máy móc sẽ dần thay thế sức lao động của con người khiến những ngành công nghiệp thâm dụng lao động của Việt Nam mất vị thế. Điều này cũng khiến cho việc huy động vốn vào những ngành này trở nên hết sức khó khan 5. Kết luận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng, trong đó có những tác động không nhỏ đến việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Điều này được thể hiện thông qua phân tích Lý thuyết thị trường hiệu quả với ý tưởng rằng cuộc cách mạng về công nghệ số sẽ khiến cho thị trường đạt hiệu quả hơn, từ đó làm cho khả năng thu hút vốn đầu tư trên thị trường cao hơn. Những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam của cuộc cách mạng này bao gồm cả hướng tích cực và tiêu cực. Vì vậy, để tận dụng cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức đặt ra trong thời đại mới, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có những bước đi đúng đắn để vẫn đảm bảo được chức năng cung cấp vốn đầu tư cho nền kinh tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Văn Hùng, 2008, Giáo trình Thị trường vốn, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân 2. Fama, Eugene.F , 1970, Efficient capital markets: A review of theory and empirical work, Journal of Finance 3. Robert A. Haugen, Modern Investment Theory, 1986, revised 1990, 1993, 1996, 2001, Prentice Hall, Upper Saddle River, NJ. 4. Vũ Thị Minh Luận, 2010, Ứng dụng lý thuyết thị trường hiệu quả trong phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 5. http://www.plattform-i40.de/I40/Navigation/DE/Home/home.html, truy cập lần cuối ngày 20/10/2017 , 298
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2