intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

11
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích trình bày khảo sát các tác phẩm thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích sẽ tập trung chỉ ra được những đặc điểm xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình, không gian tống biệt, tính kỷ sự, ngôn ngữ và thể loại thơ tống biệt của ông.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích

  1. 16 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI THƠ TỐNG BIỆT NGUYỄN QUANG BÍCH Hán Thị Thu Hiền Trường Đại học Hùng Vương Tóm tắt: Nguyễn Quang Bích có 7 bài thơ tống biệt. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ tống biệt của ông vừa mang ý thức con người phận vị nhưng vừa mang cảm xúc của con người cá nhân với những nỗi buồn thương lưu luyến khi chia biệt. Không gian trong thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích là không gian thực của núi rừng Tây Bắc buồn, hoang vắng và ẩn chứa nhiều bất trắc. Thơ tống biệt của ông còn thể hiện tính kỷ sự rõ nét qua hệ thống lời dẫn và chú. Điển cố sử dụng ít nhưng linh hoạt phản ánh được những vấn đề mang tính thời sự. Thể thơ đa dạng, ngoài thơ bát cú có cả thơ ngũ ngôn tứ tuyệt và bài luật. Từ khóa: Thơ tống biệt, Nguyễn Quang Bích, Ngư Phong thi tập. Nhận bài ngày 28.1.2022; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 25.3.2022 Liên hệ tác giả: Hán Thị Thu Hiền; Email: hienhan@hvu.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Thơ tống biệt là một thể tài tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Nếu như giai đoạn thế kỷ X – XVII phần lớn là những bài thơ tiễn tặng sứ giả thì giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX chủ yếu là những bài thơ tống biệt bạn bè, trong đó nửa cuối thế kỷ XIX, mảng sáng tác này mang màu sắc đặc biệt bởi gắn liền với nhiều cuộc tiễn biệt liên quan đến các phong trào yêu nước chống Pháp như thơ tống biệt Phạm Văn Nghị [1], Đào Tấn [2], Lã Xuân Oai [3]… trong đó thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích là một ví dụ tiêu biểu. Khảo sát 97 bài thơ của ông trong hai cuốn Thơ văn Nguyễn Quang Bích [4] và Đình Nguyên Hoàng Giáp Ngư Phong Nguyễn Quang Bích [5] chúng tôi thống kê được 7 bài thơ tống biệt. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng những tác phẩm mang dấu ấn riêng khá đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những nghiên cứu về thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích rất khiêm tốn, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở một số nhận xét lẻ tẻ. Bài viết của chúng tôi trên cơ sở thống kê khảo sát các tác phẩm thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích sẽ tập trung chỉ ra được những đặc điểm xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình, không gian tống biệt, tính kỷ sự, ngôn ngữ và thể loại thơ tống biệt của ông. 2. NỘI DUNG Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890) là một trong những nhà thơ yêu nước tiêu biểu của giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Ông họ Ngô, hiệu Ngư Phong, quê quán làng Trình Phổ, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương (tỉnh Nam Định cũ), nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh Tiền Hải, Thái Bình. Ông đỗ tú tài năm 1858, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp năm 1869. Ông giữ
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 58/2022 17 nhiều chức vụ như tri phủ Diên Khánh, tri phủ Lâm Thao,… Trong giai đoạn cuối của thế kỷ XIX, khi rất nhiều quan lại chủ hòa, Nguyễn Quang Bích cùng một số chiến hữu vẫn tập hợp lực lượng đứng lên chống Pháp. Ông từng được vua Hàm Nghi giao toàn quyền tổ chức lực lượng kháng Pháp ở miền Bắc. Ông đã xây dựng căn cứ địa tại Nghĩa Lộ. Ban đầu nghĩa quân rất mạnh nhưng do sự càn quét của Pháp nên yếu dần và phải lui vào trú ẩn trong rừng sâu. Nguyễn Quang Bích sức khỏe giảm sút và mất khi đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn. Sáng tác của ông được sưu tầm lại trong Ngư Phong thi tập. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm gồm có ba phần nhưng hai phần đầu đã thất lạc [5, 13]. Phần còn lại hiện nay chủ yếu được Nguyễn Quang Bích sáng tác khi ông cùng nghĩa quân trú ở Tây Bắc (khoảng từ 1885 – 1889). Theo PGS.TS. Vũ Thanh [6] nội dung tập thơ có thể chia làm bốn phần trong đó có một phần là những bài thơ tặng tiễn. Trong 7 bài thơ tống biệt của Nguyễn Quang Bích mà chúng tôi khảo sát được, đối tượng đưa tiễn đều là bạn bè. Có 2/7 bài tống biệt không rõ tên nhân vật đưa tiễn là bài Tống quy nhân, Tống quy nhân cảm tác. 5/7 bài còn lại tương đối rõ về đối tượng tiễn, lý do đưa tiễn. Bài Tiễn Chu Thiết Nhai và Họa Thiết Nhai lưu giản nguyên vận Nguyễn Quang Bích dành tiễn một người bạn thân của mình, người tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tên là Chu Thiết Nhai – người đã giúp đỡ nhiều cho phong trào Cần Vương. Bài Tiễn Nguyễn Tốn Hoàng tiễn ông Nguyễn Tốn Hoàng, tri huyện Thanh Sơn (người Hà Tĩnh) theo ông đánh Pháp, sau đó xin về quê vì có mẹ già. Bài Tiễn Ninh Bình Nguyễn tán tương hồi Nam tiễn ông Nguyễn Tử Ngôn, người Gia Viễn, Ninh Bình. Nguyễn Quang Bích cử ông trở về quê để tập hợp lực lượng ở Nam Định và Ninh Bình. Bài Tiễn Nguyễn Tán Tương Khê Ông như Vân Nam khất sư tiễn ông Nguyễn Hội, người Sơn Tây, một trong những người phụng mệnh theo Nguyễn Quang Bích đi sứ. Đặc điểm thơ tống biệt của Nguyễn Quang Bích thể hiện trên một số phương diện nổi bật trong cách xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình, trong nghệ thuật thể hiện như không gian tống biệt, tính kỷ sự, cách sử dụng ngôn ngữ, thể loại. 2.1. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích Nhân vật trữ tình trong thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích biểu hiện trên hai khía cạnh con người chức năng, phận vị và con người cá nhân. Là một trong những người thuộc phe chủ chiến, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để tiêu diệt kẻ thù. Việc ông quyết tâm tập hợp lực lượng tham gia khởi nghĩa khi cuộc chiến đã ở giai đoạn thoái trào cũng như cả khi sức lực suy yếu vẫn lên kế hoạch tấn công giặc là minh chứng rõ nét cho ý thức về phận vị của nhà nho chân chính. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã từng nhận xét về Nguyễn Quang Bích: “Ông chiến đấu dường như trước hết là vì phận sự của một bề tôi đối với vua, là danh dự của một nho sĩ trước thiên hạ. Chống giặc là để tỏ rõ khí tiết không sợ giặc của mình” [7, 704]. Một số bài thơ tống biệt của ông thể hiện rất rõ ý chí đó. Trong bài Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán Tương hồi Nam ông viết: Như kim ý khí tương kỳ xứ Quỷ ác hoàn tu tận lực trừ (Ngày nay ý khí ước hẹn nhau ở chỗ
  3. 18 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Cần đem hết sức mình diệt loài quỷ ác). Ông ý thức đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, lên trên sinh mạng của chính mình. Ông hay nói tới cái nợ của kẻ sĩ đối với đất nước, khẳng định và nhấn mạnh ý thức về ơn nước, nghĩa vụ báo đền với đất nước: Vị hữu quyên ai năng báo quốc Khả kham bôn thoán cận toàn thân (Ơn nước báo đền chưa được mảy may Sao đành lẩn lút để bảo toàn riêng lấy thân mình) (Tống quy nhân, cảm tác) Quyên ai vị bảo gia hà hữu (Nợ nước chưa báo đền mảy may, nói gì đến nhà). (Tống quy nhân). Bên cạnh ý thức về phận vị của kẻ sĩ, thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích còn cho thấy hình ảnh nhân vật trữ tình với những xúc cảm riêng tư, cá nhân. Nguyễn Lộc cho rằng Nguyễn Quang Bích là người thích nói về những nỗi buồn hơn là niềm vui, đặc biệt khi “…về sau phong trào thất bại nhiều, nhà thơ đau ốm liên miên thì cái buồn, cái bi quan lại càng nặng nề, ảm đạm. Nhà thơ đắm say trong nỗi buồn, nỗi mộng, thiếu sự tin tưởng ở cuộc chiến đấu, mơ ước một sự an nhàn và tin vào số mệnh” [7, 702]. Những bài thơ tống biệt của Nguyễn Quang Bích có lẽ phần lớn được sáng tác trong những khoảng thời gian cuối của cuộc kháng chiến nên trong nhiều cuộc tống biệt, bên cạnh nỗi buồn tiễn biệt còn chất chứa cả nỗi buồn vì sự cuộc ngổn ngang. Vì thế nhân vật trữ tình trong nhiều bài thơ tống biệt của ông luôn thể hiện tâm trạng buồn bã, chán nản. Tiễn ông Tán Tương họ Nguyễn, nhớ những ngày cùng nhau trải qua những gian nan rau cháo cùng nhau khiến ông không khỏi nghẹn ngào mà bày tỏ nỗi niềm độc thê như (lòng ta riêng buồn): Ly câu tạm xướng độc thê như. (Tạm xướng khúc ly ca, khiến lòng ta riêng buồn). (Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán Tương hồi Nam). Nhiều khi nỗi buồn thẳm sâu, tăng lên gấp bội, trải rộng khắp không gian núi rùng Tây Bắc ngút ngàn. Hình ảnh ông đứng một mình trong rừng chiều cùng với tiếng chim cuốc kêu khắc khoải gợi cảm giác con người đơn độc đến tột cùng: Quy nhân dao tống sầu thiêm bội Độc lập tà dương thính đỗ quyên (Xa tiễn người về, mối sầu tăng gấp bội Đứng một mình trong ánh chiều nghe chim cuốc kêu). (Tống quy nhân) Nhân vật trữ tình trong thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích còn thể hiện những cảm xúc chân thành, xúc động đối với những người bạn đồng tâm thân thiết. Như trên đã khảo sát,
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 58/2022 19 phần lớn thơ tống biệt của Nguyễn Quang Bích dành tiễn những người bạn đã đồng cam cộng khổ cùng ông trong sự nghiệp cứu quốc. Có lẽ vì thế tình cảm khi chia biệt khiến người ở lại vô cùng bịn rịn, lưu luyến. Ông thể hiện trực diện cảm xúc nhớ thương với người ra đi: Ly gia kỷ tải bội tư thân Khiển quyển quy lai tự tống nhân (Lìa nhà mấy năm càng thêm nhớ người thân Khi tiễn người về, tình quyến luyến không nỡ rời). (Tống quy nhân, cảm tác) PGS.TS Vũ Thanh còn nhận ra điểm rất đặc biệt trong nhiều cuộc tiễn biệt của Nguyễn Quang Bích đó là có những cuộc chia ly đầy thương nhớ luôn biết trước sẽ không có ngày gặp lại [6, 65]. Tống biệt nhưng thực ra là vĩnh biệt, là rời xa mãi mãi. Vì thế xúc cảm chia ly mang ý vị vô cùng đặc biệt. Nó ám ảnh và day dứt khôn nguôi với người ở lại vì biết rằng trong suốt cuộc đời còn lại sẽ không còn được gặp nhau. Cuộc chia tay với ông Nguyễn Tán Tương là một trong những cuộc chia ly như vậy. Một thời gian sau cuộc tống tiễn, Nguyễn Tán Tương mất. Là người trong cuộc, có lẽ Nguyễn Quang Bích hiểu hơn bao giờ hết tình cảnh thực tế của mình và chiến hữu. Vì thế, cuộc chia ly không phải chỉ làm con người buồn thương tiếc nhớ mà trở thành nỗi đau sâu thẳm tâm can: Trường đoạn linh nhân nhật kỷ hồi. (Khiến người ngày mấy lần ruột đau như cắt). (Tiễn Nguyễn Tán Tương khê ông như Vân Nam khất sư). 2.2. Nghệ thuật thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích Không gian tống biệt Nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định Nguyễn Quang Bích là một trong những tác giả đầu tiên sống, chiến đấu và sáng tác giữa núi rừng Tây Bắc. Không gian Tây Bắc trong thơ ông được thể hiện với sự “…phá vỡ tính quy phạm trong việc lựa chọn thi liệu của thơ ca trung đại, hình thành những biểu tượng nghệ thuật mới, thể hiện sự gắn bó thật sự với cuộc sống, rút dần khoảng cách giữa thi ca và cuộc đời” [6, 59]. Nguyễn Quang Bích cũng là người đầu tiên mang đến cho thơ ca tống biệt trung đại Việt Nam một không gian tống biệt đậm chất hiện thực và rất riêng. Đó không phải là kiểu không gian chia tay truyền thống trên những bến sông, dòng sông hay không gian chia biệt ở những trường đình, đoản đình mang dấu ấn văn hóa thời trung đại. Đó cũng không phải là không gian tưởng tượng của người đi kẻ tiễn mà là miền không gian chân thực của núi rừng Tây Bắc. Trong bài Tống quy nhân cảm tác Nguyễn Quang Bích bằng một vài nét chấm phá đã giúp người đọc hình dung rõ nét khung cảnh núi rừng cũng như hoàn cảnh riêng của nhà thơ trong những tháng ngày lui về Tây Bắc bảo toàn lực lượng và bày mưu tính kế đánh giặc. Bài thơ được ông sáng tác khi đang rút quân về đóng tại Quế Sơn. Ở đây ông đã dựng một gian nhà con và cùng ở với vài người tùy tùng [4, 139]. Không gian núi rừng Tây Bắc hiện lên với âm thanh tiếng dế kêu trong đêm mùa xuân lạnh lẽo. Bản thân nhà thơ sống lẩn lút và cô lẻ với vài người tùy tùng.
  5. 20 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Con người nhỏ bé, như hòa lẫn giữa núi rừng: Thê lương xuân dạ trùng thanh náo Nê nính hành tung điểu đạo trần Kết ốc cận dung tam ngũ bộc Nhất sàng thê tức dữ sơn lân (Đêm xuân lạnh, tiếng dế kêu rền rĩ Dấu chân kẻ chinh phu lầy bùn mà lối chim bay mờ bặt Dựng căn nhà, chỉ vừa ở được dăm ba người tùy tùng Một giường nằm nghỉ, liền kề với non xanh). Miền không gian tống biệt trong thơ ông còn được hiện lên với sự vắng vẻ, tịch mịch thậm chí ẩn dấu nhiều nguy hiểm, bất trắc. Bao bọc xung quanh con người chỉ là khói sương mù mịt và hơi độc của núi rừng. Không gian như rộng mãi thêm làm cho thời gian kéo dài lê thê. Một ngày mà dài tựa năm. Đặc biệt trong xúc cảm tiễn biệt, người ở lại càng cảm nhận rõ hơn sự rợn ngợp của không gian núi rừng: Tịch mịch sơn đầu chướng hựu yên Mưu sinh vô kế nhật như niên. (Trên đỉnh núi vắng ngắt, chỉ có khói và hơi lam chướng Không có cách mưu sinh nên ngày dài như năm). (Tống quy nhân) Không chỉ đem đến cảm giác vắng vẻ tịch mịch của vùng rừng thiêng nước độc, không gian tống biệt trong thơ ông còn thật buồn. Có âm thanh của tiếng gà rừng nhưng chỉ là “nhất kê”. Âm thanh ấy hòa lẫn cùng tiếng mưa tí tách càng làm cho lòng người đưa tiễn thêm ủ ê, não nùng. Xúc cảm li biệt vốn đã buồn, li biệt trong ngày mưa càng làm xúc cảm thêm chan chứa. Cảm xúc của người ở lại dường như nhuộm buồn cả không gian chia biệt: Nhất kê lâm dạ xướng Phong vũ lậu thanh trì ((Thêm) một tiếng gà rừng gáy trong núi Lại tiếng mưa gió ủ ê). (Tiễn Nguyễn Tốn Hoàng) Tính kỷ sự Ngư Phong thi tập được đánh giá là một cuốn Nhật ký kháng chiến [7, 716]. Và điều đặc biệt là nó chỉ viết về những điều nhà thơ chứng kiến. Tác phẩm cũng được khẳng định “…rất gần với lối thơ kỷ sự của các nhà nho Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX nhưng lại rất khác với các nhà thơ khác ở sự tươi mới với thứ ngôn từ tả thực trực tiếp từ những sự kiện và sự việc của đời sống hàng ngày” [6, 60]. Thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích cũng thể hiện rõ nét tính kỷ sự ở hệ thống lời dẫn và nguyên chú. 5/7 bài thơ của ông có chú, trong đó 1 bài có 2 chú (bài Tiễn Nguyễn Tán Tương Khê Ông như Vân Nam khất sư), 1 bài có cả lời dẫn
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 58/2022 21 và chú (bài Tiễn Chu Thiết Nhai). Số lượng chú, lời dẫn như vậy là khá lớn. Chú và nguyên dẫn trong thơ Nguyễn Quang Bích có những ý nghĩa khác nhau. Chú có khi làm rõ cho hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Chú trong bài Họa Thiết Nhai lưu giản nguyên vận giúp người đọc hiểu được tác giả sáng tác bài thơ là do người đi có thơ tặng nên người ở lại họa thơ để tống biệt: Chuyến đi này tiên sinh lại có thơ gửi tôi. Tôi họa lại để tiễn ông [5, 188]. Cũng có một số chú giới thiệu rõ hơn về nhân vật được đưa tiễn. Bài Tiễn Chu Thiết Nhai tác giả chú về Chu Thiết Nhai như sau: Ông họ Chu húy là Lăng Thục, tên chữ là Chu Thiết Nhai, hiệu là Ngọa Hổ, người tỉnh Hồ Nam. Mùa đông năm ngoái, ông đến ở cùng tôi. Tuổi ngoài 30 là người có học thức, thơ văn rất hay. Ông chú tâm nghiên cứu môn học kỳ môn độn giáp (quân sự học), lại có chí kinh luân. Ngài Tán Ông (Tán Tương Nguyễn Hội, hiệu Khê Ông) trong chuyến đi này muốn cùng ông dốc sức giúp công. Nhưng tới Chiêu Tấn thì tắc đường không đi được [5, 186]. Nhân vật người được tiễn (ông Nguyễn Tán Tương) trong bài Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán Tương hồi Nam cũng được chú rất cụ thể về họ, tên húy, gia đình…: Tán Tương họ Nguyễn, húy là Tử Ngôn, vốn là con trai ông Án sát sứ Quảng Yên. Ông Án sát sứ mất sớm nên ông Tử Ngôn thay cha phụng dưỡng bà nội. Nên chiếu chỉ nhà vua gọi ông là bậc cháu hiền (Thuận tôn) [5, 251]. Một số nguyên chú giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung câu thơ. Hai câu cuối trong bài Tống quy nhân cảm tác tác giả có viết: Kết ốc cận dung tam ngũ bộc/ Nhất sàng thê tức dữ sơn lân (Dựng căn nhà, chỉ vừa ở được dăm ba người tùy tùng/ Một giường nằm nghỉ, liền kề với non xanh). Để làm rõ hơn cho ý thơ, ông đã ghi chú: Hôm ấy tôi lui về ở Quế Sơn, không ở chung với nhà dân mà tạm làm một căn nhà nhỏ để ở [5, 204]… Những lời dẫn và nguyên chú trong thơ Nguyễn Quang Bích còn có thêm một ý nghĩa rất đặc biệt đó là giúp định hướng để độc giả cảm nhận rõ hơn cảm xúc chủ đạo của tác giả. Chú trong bài Tiễn Chu Thiết Nhai: Đội ơn Tiên sinh đã không bỏ rơi tôi khi hoạn nạn mà lại lấy lễ tiếp đãi tôi. Nay lại còn xót thương tôi chìm đắm mà đưa tay giúp đỡ. Chuyến đi này, sự sống chết của bản thân cũng như sự tồn vong của quốc gia tôi hoàn toàn nằm trong tay của Tiên sinh. Tình nghĩa thắm thiết không thể không nói ra lời. Mấy câu không dám gọi là thơ chỉ để tiêu khiển lúc đi đường mà thôi. Từ nguyên chú này có thể hiểu bài thơ tiễn như là sự dồn nén của cảm xúc, như cách tác giả diễn đạt là “không thể không nói ra lời” [5, 186]. Cảm xúc ấy vừa là sự xúc động, vừa là lòng biết ơn vì sự tiếp đãi, giúp đỡ của người bạn ngoại quốc. Một đoạn chú trong bài Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán Tương hồi Nam cũng giúp người đọc cảm nhận rõ hơn sự lưu luyến, bịn rịn của người tiễn bởi người đi và người tiễn đã ở cùng nhau lâu, mối thâm tình gắn bó sâu sắc. Đặc biệt hơn, trong hoàn cảnh long đong bôn ba của thời cuộc, cảm xúc này lại càng sâu sắc: …Ở lâu mà từ biệt, từ biệt nhau thì nhớ lâu. Tình cảm nảy sinh lẽ nào không nói ra. Huống hồ trong cảnh long đong bôn ba đây đó, nhìn quang cảnh sông núi mây trăng, lẽ nào cầm lòng khi cảnh đẹp, khơi gợi trong lòng người. Nhân vậy tôi làm ra mấy câu quê mùa trình ông và ông Tán lý Phạm An Hòa đại nhân [5, 251]. Như vậy những nguyên chú và lời dẫn trong thơ Nguyễn Quang Bích vừa giúp giải thích rõ hơn về nhân vật đưa tiễn hoàn cảnh sáng tác tác phẩm vừa giúp độc giả định hướng cảm xúc chủ đạo của tác giả khi sáng tác bài thơ. Đây là những chìa khóa quan trọng giúp
  7. 22 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI cho việc đọc hiểu và phân tích tác phẩm chính xác, sáng rõ. Bên cạnh đó các nguyên chú và lời dẫn còn có giá trị lịch sử sâu sắc. Nó là minh chứng khẳng định những cuộc tống tiễn của Nguyễn Quang Bích là có thật, gắn liền với một số sự kiện lịch sử giai đoạn bấy giờ. Ngôn ngữ và thể loại Về ngôn ngữ, đáng chú ý nhất là cách sử dụng điển cố. Thơ Nguyễn Quang Bích nói chung không thường dùng điển cố. Thơ tống biệt của ông về cơ bản cũng ít sử dụng điển cố. Tuy nhiên nét đặc biệt trong cách sử dụng điển cố trong thơ tống biệt của ông đó là vận dụng điển linh hoạt để phản ánh được những vấn đề thời sự chân thật và nóng hổi giai đoạn lúc bấy giờ. Hai câu luận trong bài Tống quy nhân ông dùng điển chẩm qua miên. Điển này nói về việc Ngũ Hồ đánh chiếm Trung Quốc, tướng nhà Tấn là Lưu Côn kê đầu lên ngọn giáo suốt đêm không ngủ đợi trời sáng để ra đánh giặc. Sách chữ Hán có câu Chẩm qua đãi đán có nghĩa là kê đầu lên ngọn giáo đợi trời sáng. Tác giả dùng điển này để thể hiện hoàn cảnh đầy cam go của cuộc chiến đấu cũng như cách duy nhất ông có thể làm lúc này là ẩn nấp và chờ đợi thời cơ: Thân thế dĩ cam tùy hóa chuyển, Nghĩa sư do thị chẩm qua miên (Thân thế đã đành theo con tạo chuyển vần, Nghĩa quân gối giáo đợi đêm qua). Về thể loại, các bài thơ tống biệt của Nguyễn Quang Bích đều được sáng tác theo thể thơ Đường luật. Trong đó 5/7 bài thất ngôn bát cú, 1/7 bài ngũ ngôn tứ tuyệt, 1/7 bài Đường luật trường thiên. Thơ thất ngôn bát cú vốn là loại thơ phổ biến nhất của thơ Đường. 5 bài thơ tống biệt theo thể thất ngôn bát cú của Nguyễn Quang Bích về cơ bản theo kết cấu và mạch nội dung cảm xúc thông thường. Đáng chú ý hơn là bài thơ sáng tác theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt và Đường luật trường thiên. Thơ tứ tuyệt dung lượng ngắn nên sự cô đúc câu chữ khá chọn lọc, cảm xúc cũng theo đó mà dồn nén một cách mạnh mẽ. Cảm xúc tống biệt vốn dạt dào lại phải cô đúc câu chữ nên tạo thành chiều sâu cảm xúc. Bài Tiễn Nguyễn Tốn Hoàng được sáng tác theo thể thơ này: Cửu xử nan vi biệt Trung tình nhược hữu tư Nhất kê lâm dạ xướng Phong vũ lậu thanh trì (Đã ở bên nhau lâu, lúc chia tay khó rời Phải xa nhau, lòng đầy thương nhớ (Thêm) một tiếng gà rừng gáy trong núi Lại tiếng mưa gió ủ ê). (Tiễn Nguyễn Tốn Hoàng) Ông Nguyễn Tốn Hoàng khi đang tạm cai quản Hưng Hóa đã trốn ra chiến khu theo Nguyễn Quang Bích nhưng nửa chừng xin về quê, vì có mẹ già. Nguyễn Quang Bích không can ngăn một người đã theo nghĩa quân bỏ cuộc nhưng “…hẳn sau này Tốn Hoàng đọc được bức thư này chắc không khỏi suy ngẫm” [5, 255]. Tiễn Nguyễn Tốn Hoàng, với vai trò một vị thủ lĩnh, Nguyễn Quang Bích không hề trách móc với sự lựa chọn của bạn hữu. Ngược lại, ông nhấn mạnh sự gắn bó khăng khít bên nhau đã lâu để khẳng định cuộc chia tay thật
  8. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 58/2022 23 khó khăn cho người ở lại và nỗi lòng đầy thương nhớ khi phải chia xa. Sự dồn ép câu chữ của thể thơ có lẽ là một phần giúp tác giả thể hiện thành công và đằm sâu những xúc cảm dành cho người lên đường trong cảnh huống chia tay nhiều đặc biệt. Số lượng thơ tống biệt trung đại Việt Nam sáng tác theo thể bài luật rất ít [8]. Thơ bài luật (còn gọi là Đường luật trường thiên, hay cũng gọi thể hành) là thể cách theo luật (không hạn chế số câu (từ 8 câu trở lên), toàn bài thống nhất số chữ trong câu (ngũ ngôn hoặc thất ngôn, có khi cả lục ngôn). Trừ hai câu đầu và hai câu cuối bài không đối, còn lại một cặp hai câu đối nhau, câu thơ theo luật bằng, trắc. Một bài thơ gồm các bài tứ tuyệt nối tiếp nhau về ý, tình cũng được xem là Đường luật trường thiên. Bài Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán Tương hồi Nam của Nguyễn Quang Bích là một bài thơ theo thể thức cách luật. Tác phẩm gồm 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nối tiếp nhau. Nguyễn Tán Tương (Nguyễn Tử Ngôn) là một trong những thủ cấp rất gắn bó với Nguyễn Quang Bích trong những tháng ngày ở Tây Bắc. Đối với Nguyễn Tử Ngôn thì Nguyễn Quang Bích vừa là thầy vừa là cấp trên nhưng cũng vừa là những cộng sự có cùng chí hướng [9]. Nguyễn Quang Bích giao Nguyễn Tử Ngôn trọng trách về Nam Định, Ninh Bình để mở rộng và phát triển lực lượng. Vì thế bên cạnh xúc cảm bịn rịn, lưu luyến khi chia tay còn là niềm hy vọng, mong ngóng những thành quả mới cho sự phát triển lực lượng của nghĩa quân. Thể thức cách luật gò bó nhưng được kết nối bởi 4 bài thơ tứ tuyệt liên tiếp nhau đã giúp tác giả thể hiện được trọn vẹn tình ý. Ở bài thứ nhất ông bắt đầu bằng việc gợi lại sự gắn bó trong khoảng thời gian vừa qua để lý giải cho xúc cảm bịn rịn, buồn (độc thê như) khi phải chia biệt. Nhưng đứng ở vai trò của một thủ lĩnh, Nguyễn Quang Bích không quên dặn dò người lên đường việc thường xuyên phải giữ được liên lạc để mọi thông tin được cung cấp kịp thời. Bài thứ hai người tiễn thể hiện sự đồng cảm, với người lên đường khi phải gác việc riêng mà lo cho việc chung. Ông cũng khéo léo nhắc đến truyền thống gia phong của gia đình để khơi gợi quyết tâm tiêu diệt quân thù: Quỷ ác hoàn tu tận lực trừ (Cần đem hết sức mình diệt loài quỷ ác). Bài thứ 3, thể thức cách luật gò bó phần nào giúp khẳng định tính chất trang nghiêm của chỉ dụ (Nguyên nhung tín chỉ) từ người chỉ huy. Ông cũng khẳng định khu vực Nam-Ninh là nơi có nhiều nghĩa sĩ. Ông nhắc tới Phạm Công (Phạm Văn Nghị, vừa là người tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp, có lui về ở ẩn tại Gia Viễn, Ninh Bình và cũng là một trong những người có phép dùng binh cần được học hỏi. Bài thứ tư ông tiếp tục khơi gợi mối căm thù đối với giặc bằng cách sử dụng hình ảnh “chỉ phát” được lấy ý từ thành ngữ Hán văn Nộ phát xung quan (Tức giận làm cho tóc dựng dứng đụng mũ đội lên đầu). Từ đó ông khích lệ tinh thần chiến đấu bằng cách khẳng định chủ quyền dân tộc: Ngã Nam thiên định Lạc - Hồng sơ (Cũng nên nhắc nhở nhau rằng đất nước Việt nam sách trời đã định từ thuở Hồng - Lạc). Có thể thấy sự gò bó của thể thức cách luật đã được Nguyễn Quang Bích kết hợp với không khí đầy cam go của thời cuộc để có được một bài thơ vừa có sự bịn rịn buồn thương khi phải chia xa, vừa gửi gắm niềm hy vọng, tin tưởng mong ngóng của người ở lại, vừa có những lời dặn dò ân cần thân thiết lại vừa có sức mạnh của mệnh lệnh từ một người chủ tướng, vừa có nghĩa vừa có tình. 3. KẾT LUẬN
  9. 24 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Mặc dù số lượng thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích không nhiều nhưng những dấu ấn mà ông để lại qua những thi phẩm tống biệt thật sắc nét. Qua những cuộc tiễn biệt tác giả đã hóa thân, đồng nhất vào hình tượng nhân vật trữ tình để thể hiện hình ảnh con người vừa mang ý thức sâu sắc về trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng mang những nỗi niềm tâm sự riêng tư, nỗi buồn vì hoàn cảnh riêng của cá nhân và cả nỗi buồn ly biệt. Nguyễn Quang Bích lần đầu tiên mang tới cho thơ tống biệt một không gian tống tiễn rất riêng, không gian thực âm u, vắng lặng của đại ngàn Tây Bắc. Hệ thống chú và nguyên chú giúp thơ tống biệt của ông thể hiện tính kỷ sự sắc nét. Cách sử dụng điển cố gợi dẫn được sự kiện tiêu biểu của hiện thực cũng như cách sử dụng đa dạng thể thơ từ thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt đến bài luật đã mang đến cho thơ tống biệt Nguyễn Quang Bích những dấu nét riêng nổi bật. Có thể khẳng định Nguyễn Quang Bích xứng đáng là một đại diện tiêu biểu trong số những tác giả sáng tác thơ tống biệt giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Ông đã đóng góp một phần quan trọng hoàn thiện thể tài tống biệt trung đại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thơ văn Phạm Văn Nghị (1979), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Tổng tập văn học Việt Nam (tập 17) (1993), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Lã Xuân Oai - Côn Đảo thi tập (2005), Nxb. Lao Động. 4. Thơ văn Nguyễn Quang Bích (1973), Nxb. Văn học, Hà Nội. 5. Đình Nguyên Hoàng Giáp Ngư Phong Nguyễn Quang Bích (2013) (nhiều tác giả), Nxb. Văn học, Hà Nội. 6. Vũ Thanh (2017), “Nguyễn Quang Bích – nhà thơ lớn, người anh hùng của núi rừng Tây Bắc qua Ngư phong thi văn tập”, Tạp chí Hán Nôm, số 5. 7. Nguyễn Lộc (2001), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 8. Hán Thị Thu Hiền (2021), “Thơ tống biệt trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX”, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội. POEMS OF FAREWELL BY NGUYEN QUANG BICH Abstract: Nguyen Quang Bich has 7 poems of farewell. The image of a lyrical character in his farewell poems carries both a sense of human dignity and personal feelings of sadness and sorrow in a day of leave-taking. The space in Nguyen Quang Bich's farewell poems is the real space of the mountains and forests of the Vietnamese northwest regions contains many dangers and sadness. His farewell poetry also shows a clear self-discipline through the system of quotations and notes. The case is used occasionally but flexibly to reflect urgent issues. Poetry form is diverse, including Lüshi (an eight-line poem with seven words in each line), jueju (a four-line poem with five words in each line), and pailü (an expansion of the forms listed above with more than eight lines). Keywords: Farewell poetry, Nguyen Quang Bich, Ngu Phong poem collection
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2