intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

11
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích về vai trò của thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động; trên cơ sở tổng hợp các nguồn tài liệu đánh giá thực trạng nhận thức và hành động của các doanh nghiệp Việt Nam để đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh công bằng khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

  1. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” THỰC HÀNH KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG- XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẤT YẾU CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI ThS. Võ Thị Hoài TÓM TẮT Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đã không còn là khái niệm xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Hội nhập mang lại sự tăng trưởng nhanh nhưng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong mối quan hệ với người lao động. Bài viết phân tích về vai trò của thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động; trên cơ sở tổng hợp các nguồn tài liệu đánh giá thực trạng nhận thức và hành động của các doanh nghiệp Việt Nam để đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh công bằng khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ khóa: trách nhiệm trong lao động; doanh nghiệp Việt Nam; kinh doanh có trách nhiệm ABSTRACT RESPONSIBLE BUSINESS PRACTICES IN LABOR - NEEDED DEVELOPMENT TREND OF VIETNAM BUSINESS IN THE NEW CONTEXT Responsible business practice is no longer a strange concept for Vietnamese enterprises in the integration process. Integration brings rapid growth, but it also means that Vietnamese businesses must ensure responsible business practices, especially in their relationships with employees. The article analyzes the role of responsible business practices in the labor sector; on the basis of synthesizing sources of documents to assess the status of awareness and actions of Vietnamese enterprises to propose some recommendations to promote responsible business practices of Vietnamese enterprises in the context of fair competition when participating in new generation free trade agreements. Keywords: responsibility in labor; Vietnamese company; responsible business 1. MỞ ĐẦU Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mục tiêu nỗ lực trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến thời điểm tháng 01/2022, Việt Nam đã tham gia 15 FTAs, 02 FTA đang đàm phán (Trung tâm WTO và hội nhập, 2022). Trong đó có 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đề cao thương mại bền vững với những tác động tích cực đến quyền con người. Các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những quy định và tiêu chuẩn gắt gao đối các bên tham gia nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các giá trị cốt lõi của sự phát triển bền vững. Chìa khóa cho sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Và đó cũng là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, không phải mọi doanh nghiệp Việt Nam đều có sự hiểu biết và ý thức thực hành việc kinh doanh có trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực lao động nói riêng. Vì vậy việc nghiên cứu và đề xuất các 324
  2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam thực sự hiểu biết về trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo các quyền lợi cho người lao động là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính trên cơ sở nguồn dữ liệu thứ cấp là các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế. Bài viết cũng tham khảo các số liệu hoặc kết luận từ các công trình nghiên cứu đáng tin cậy về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm làm rõ và củng cố thêm quan điểm của tác giả. Phương pháp phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, đánh giá được sử dụng trong quá trình thực hiện để làm rõ các quan điểm và các kiến nghị, giải pháp được nội dung bài viết đặt ra. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Khái quát về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động Nếu như vào những năm 1970, khi nói về trách nhiệm của doanh nghiệp, quan điểm phổ biến cho rằng trách nhiệm của doanh nghiệp chính là trách nhiệm phục vụ cho lợi ích của cổ đông hay các nhà đầu tư vốn nhằm tăng lợi nhuận tối đa cho họ. Ngày nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được mở rộng, tất nhiên không phủ nhận lợi ích của nhà đầu tư nhưng bên canh đó lợi ích của nhiều bên liên quan cũng được chú trọng. Ngày càng có nhiều công ty trong chiến lược kinh doanh đã kết hợp hài hòa và đảm bảo mối liên kết quyền lợi của mình với quyền lợi của những chủ thể liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn (1) trách nhiệm với người tiêu dùng và thị trường; (2) trách nhiệm với cổ đông và người lao động; (3) trách nhiệm với cộng đồng; (4) trách nhiệm với môi trường và việc khai thác các nguồn lực từ môi trường. Hay trong hoạt động kinh doanh của mình họ đã quan tâm đến bổn phận làm tròn trách nhiệm với 3 chữ P cơ bản: Con người (People), Hành tinh (Planet) và Lợi nhuận (Profit). Các hiệp định thương mại gần đây cũng là lồng ghép các trách nhiệm phi thương mại vào như một cam kết của các doanh nghiệp cần thực thi việc kinh doanh trên nền tảng của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm đã không còn là sự tự nguyện của doanh nghiệp mà là xu hướng tất yếu không thể trì hoãn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là các thực hành nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tác động tiêu cực đến con người và trái đất, có khả năng đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững trên phạm vi rộng. ”Tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang lại cơ hội mà còn đi kèm những rủi ro về xã hội và môi trường do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động sản xuất kinh doanh. Những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng tại địa bàn kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tác động tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của cư dân địa phương” (Nhóm nghiên cứu Dự án Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, 2020). Khi doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm pháp lý thì chưa đủ để nói rằng doanh nghiệp đã kinh doanh có trách nhiệm. Hay nói cách khác, quy định pháp luật là phần cứng, doanh nghiệp còn phải thực hiện cả phần mềm là những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp tự cam kết thực hiện vượt ra khỏi và trên các chuẩn mực pháp lý. Nó được coi như một dạng đặc biệt của trách nhiệm pháp lý tích cực, là “cánh tay nối dài” hỗ trợ nhà nước và pháp luật nhằm phục vụ con người và phát triển bền vững (Nguyễn Như Phát, 2018). Việc thực hiện các RBP có thể xem xét trên 3 khía cạnh: Lao động, quản trị, môi trường. Kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động sẽ bao gồm việc doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật lao động, và hơn thế nữa doanh nghiệp có những cam 325
  3. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” kết, những bảo đảm cho người lao động được nhận những lợi ích, những phúc lợi tốt hơn những gì pháp luật yêu cầu. Nội dung của pháp luật lao động Việt Nam hiện nay đã được xây dựng mang tính toàn diện, theo đó, xuất phát từ quan điểm bảo vệ người lao động với tư cách là một chủ thể của quan hệ lao động, là người tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, người lao động được bảo vệ trên mọi khía cạnh liên quan đến việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, danh dự, nhân phẩm, bình đẳng trong mọi cơ hội; quyền phát huy dân chủ tại nơi làm việc, quyền thương lượng tập thể…Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tuân thủ những quy định của pháp luật lao động. Nhưng những tiêu chuẩn lao động mà pháp luật ghi nhận hiện nay mang tính áp dụng bắt buộc cho những quyền lợi tối thiểu hoặc nghĩa vụ tối đa của người lao động, pháp luật lao động luôn khuyến khích người sử dụng lao động đưa những quy định có lợi hơn cho người lao động trong quá trình thương lượng và thỏa thuận giữa hai bên. Ngay tại Khoản 1 Điều 4 của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019), trong chính sách của Nhà nước về lao động, đã quy định: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Đó chính là mong muốn của Nhà nước đối với doanh nghiệp, bên cạnh trách nhiệm pháp lý luôn khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp trong việc đưa ra những cam kết, bảo đảm tốt hơn cho người lao động trong quan hệ lao động. Ví dụ như về thời gian làm việc, pháp luật quy định thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần nhưng “khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” (Điều 105 BLLĐ 2019). Về thời gian nghỉ ngơi, ngoài quy định về thời gian nghỉ trong giờ làm việc ít nhất 30 phút liên tục nếu người lao động (NLĐ) làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, ít nhất 45 phút liên tục nếu làm việc ban đêm thì Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động (NSDLĐ) bố trí cho NLĐ các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động. Đối với quy định về tiền lương, trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ chỉ ban hành mức tiền lương tối thiểu thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, còn doanh nghiệp sẽ trả lương cho NLĐ trên cơ sở thỏa thuận để thực hiện công việc trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử. Về vấn đề bảo đảm việc làm cho NLĐ, ngoài việc quy định chặt chẽ những trường hợp vì lý do chính đáng NSDLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì Nhà nước cũng rất mong muốn doanh nghiệp có thái độ tích cực trong vấn đề đảm bảo duy trì được việc làm cho người lao động, bằng các quy định như “Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động” hay quy định nhằm bảo vệ việc làm cho lao động nữ khi có sự gián đoạn vì lý do mang thai, nuôi con nhỏ: “Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao đông mới”. Quy định về đối thoại tại nơi làm việc, nhằm phát huy dân chủ tại nơi làm việc, ngoài việc quy định về các trường hợp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Nhà nước cũng mong muốn “Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định” (Khoản 3 Điều 63 BLLĐ 2019). Quy định về nội dung thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể: “Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật” (Khoản 2 Điều 75 BLLĐ 2019); đối với doanh nghiệp chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể: “Khuyến khích doanh nghiệp chưa tham 326
  4. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” gia thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thực hiện nội dung có lợi hơn cho người lao động của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp” (Khoản 3 Điều 81 BLLĐ 2019). Những quy định trong Bộ luật lao động cho thấy, ngoài việc xây dựng các quy phạm pháp luật bảo đảm quyền lợi cho người lao động trên nguyên tắc bảo vệ người lao động nhưng có sự bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của cả hai phía, Nhà nước luôn mong muốn doanh nghiệp với tư cách là bên nắm giữ quyền quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình lao động, sử dụng, khai thác sức lao động và trả lương cho giá cả sức lao động của người lao động nên phát huy tinh thần kinh doanh có trách nhiệm của mình để dành cho người lao động những điều kiện lao động, phúc lợi xã hội và môi trường lao động ngày càng tốt hơn. Trong quá trình kinh doanh của mình, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp cần bỏ ra các chi phí hợp lý để đảm bảo các chế độ phúc lợi cho người lao động, bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm đảm bảo công bằng trong cơ hội việc làm cho mọi đối tượng người lao động, đặc biệt là các đối tượng người lao động yếu thế dễ bị tổn thương; phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn để người lao động yên tâm làm việc; đảm bảo người lao động được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ để có cơ hội được làm những vị trí việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn...Các tiêu chuẩn lao động ngày càng phải được nâng cao, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia mà phải tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tận dụng đươc các ưu đãi từ các lợi thế do các hiệp định FTA mang lại. 3.2. Thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực lao động Không thể phủ nhận rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình trong kinh doanh với mục tiêu hướng đến sự bền vững và đảm bảo tốt nhất các quyền con người. Nếu xem xét đến trách nhiệm của doanh nghiệp ở 3 khía cạnh: lao động, quản trị và môi trường thì có thể nói lĩnh vực lao động được các doanh nghiệp chú trọng và thực hiện tốt nhất. Khảo sát của UNDP cho thấy, 82% doanhg nghiệp (DN) được hỏi khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về lao động. Trong khi đó, trách nhiệm về quản trị kết quả là 71% và trách nhiệm đối với môi trường là 66%. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ tuân thủ ở từng nhóm nghĩa vụ trong lĩnh vực lao động có sự khác nhau, trong đó mức RBP về điều kiện làm việc (vệ sinh an toàn lao động; bình đẳng giới; bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân; công bố nội quy làm việc) có mức độ thực hiện cao nhất. Nhóm cơ chế đãi ngộ đối với NLĐ (bảo hiểm xã hội, thưởng, phúc lợi) có mức độ tuân thủ cao thứ hai; nhóm các RBP khuyến khích đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và cơ chế phản hồi ý kiến có mức độ thực hiện thấp nhất. Trong đó, nếu xét riêng lẻ từng thực hành RBP, mức độ thực hiện cao nhất là “Bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ” với mức 88% doanh nghiệp cho biết tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trong đó 27% DN không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, mà còn áp dụng bổ sung các tiêu chuẩn quốc tế (Ngọc Thảo, 2021). Ngoài việc tuân thủ pháp luật lao động thì nhiều doanh nghiệp còn quan tâm dành cho người lao động những phúc lợi tốt hơn so với những gì pháp luật đã quy định. Chẳng hạn như 10 doanh nghiệp thuộc ngành du lịch tại Đà Nẵng đã ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng với 13 điều khoản có lợi hơn quy định pháp luật cho người lao động như: tiền lương thử việc tối thiểu 90%; chênh lệch bậc lương liền kề ít nhất 6%; đảm bảo cho người lao động các khoản 327
  5. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” trợ cấp khó khăn, tiền thăm hỏi, tiền thưởng, hỗ trợ ăn trưa... (Thỏa ước lao động nhóm doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, 2018) . Tiếp nối từ đây, nhiều thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đã được ký kết với số lượng doanh nghiệp tham gia khá đông tại nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, với hơn 279 doanh nghiệp và trên 185,000 người lao động. Các thỏa ước này đều dành những quy định có lợi hơn cho người lao động (Đỗ Quỳnh Chi, 2021) Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã xác định được trách nhiệm của mình trong lĩnh vực lao động với thái độ nghiêm túc và tự giác thực thi có hiệu quả các quyền lợi cho người lao động thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật. Theo kết quả thống kê vào năm 2019, thanh tra ngành lao động thương binh và xã hội đã triển khai 7.472 cuộc thanh tra, qua thanh tra đã ban hành 43.081 kiến nghị, 1.497 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 47,246 tỷ đồng (Bộ Lao động – Thương binh xã hội, 2020). Về việc sử dụng lao động trẻ em: Theo điều tra đã công bố kết quả lần thứ 2 năm 2020 của ILO, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA) và Tổng cục Thống kê (GSO), cho thấy tại Việt Nam có 44.597 lao động trẻ em trong ngành dệt may, chiếm 5% tổng số lao động trẻ em ở Việt Nam. Trong số 44.597 trường hợp, có 19,8% là trẻ dưới 15 tuổi. Đáng chú ý, cuộc khảo sát cho thấy khoảng 42.801 trẻ em làm việc trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và 6.156 trẻ em làm việc trong lĩnh vực da giày có liên quan đến công việc nguy hiểm. Về việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động: Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 5.797 vụ tai nạn lao động làm 5.910 người bị nạn trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 574 vụ; Số người chết: 602 người; Số người bị thương nặng: 1.226 người; Trong đó nguyên nhân của tai nạn lao động do lỗi từ phía người sử dụng lao động chiếm 40,69% tổng số vụ TNLĐ và 41,87% tổng số người chết. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động xuất phát từ lý do: Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 23,89% tổng số vụ và 25,64% tổng số người chết; Do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 6,19% tổng số vụ và 5,98% tổng số người chết; Do thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 6,19% tổng số vụ và 5,98% tổng số người chết; Do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 4,42% tổng số vụ và 4,27% tổng số người chết (Bộ Lao động thương binh xã hội, 2022) Về vấn đề phân biệt đối xử và bình đẳng giới: Theo kết quả đánh giá các nhà máy tham gia chương trình Better Work của ILO tại Việt Nam (331 nhà máy trong khoảng thời gian từ 1 tháng 1 năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2018) cũng cho thấy một số nhà máy đối xử phân biệt với người lao động đang mang thai, bao gồm những hình thức như: thử thai khi tuyển dụng để loại bỏ nữ công nhân đang mang thai; không cho các bà mẹ mới trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản được hưởng đầy đủ chế độ lương thưởng; yêu cầu người lao động ký cam kết điều khoản không mang thai như một điều kiện để được gia hạn hợp đồng lao động… (Ủy ban nhân quyền Úc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2021). Trong một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Tổ chức ILO Việt Nam hợp tác với NavigosSearch rà soát 12.300 quảng cáo việc làm đăng trên bốn cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam (VietnamWorks, JobStreet,CareerBuilder và CareerLink) trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 cho thấy một phần năm số quảng cáo đăng tuyển có đề cập đến yêu cầu về giới 328
  6. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” tính. Trong số các việc làm đăng tuyển có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới trong khi chỉ có 30% mong muốn ứng viên nữ nộp hồ sơ. Trong đó các công việc mang tính chất kỹ thuật, chuyên sâu và đòi hỏi kỹ năng cao hoặc các công việc yêu cầu di chuyển nhiều hơn, thường chỉ tuyển nam giới, như kiến trúc sư (100% đăng tuyển có đề cập về giới đều yêu cầu nam giới), lái xe (100%), kỹ sư (99%) và công nghệ thông tin (97%) (ILO, 2015). Về vấn đề đóng, nộp các chế độ bảo hiểm: Theo thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2021 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gia tăng tới 2.313 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,9% so với số phải thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 2021). Thực tiễn từ khảo sát nghiên cứu do UNDP thực hiện với gần 300 DN tại 30 tỉnh/thành phố cho thấy, mức độ nhận thức về RBP của các doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, sự hiểu biết về RBP có sự phân hóa thành hai khu vực, khu vực các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia thì mức độ hiểu biết là áp dụng RBP cao hơn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ. Về mức độ nhận thức và hiểu biết về RBP, khảo sát cho thấy khoảng 56% DN nhận thức đầy đủ về khái niệm này, 35,7% DN coi RBP đơn thuần là tuân thủ các quy định pháp luật, 6,8% đánh đồng với trách nhiệm xã hội của DN. Về mức độ thực hành RBP thì hầu hết DN mới đáp ứng các quy định pháp luật trong nước với tỷ lệ là 62%; chỉ 11% DN đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; 27% DN không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam (Sở Tư pháp tỉnh Nam Định, 2021) Đây chính là những dẫn chứng cho thấy khung pháp lý đầy đủ không phải là yếu tố duy nhất nói rằng chúng ta đã thực hiện đúng cam kết quốc tế, mà cần hơn hết là ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật với tinh thần tự giác và tích cực. 3.3. Một số kiến nghị đề xuất nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động. Áp dụng thực hành RBP bao gồm 2 nội dung: xây dựng cơ chế chính sách và biện pháp thực tế thực hiện thì kết quả khảo sát cũng cho thấy mới chỉ 11% doanh nghiệp đưa vào các biện pháp thực tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia hội nhập sâu rộng. Vì vậy để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, việc quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, bổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và thực hành có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc gia và quốc tế. Khi xây dựng cơ chế thực hành kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp cần xác định những nội dung như: Xác định các chủ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh của mình; Các biện pháp cần thực hiện để giải quyết các tác động và rủi ro về quyền con người; Quyền con người phải là quyền trung tâm chứ không phải là một phần bổ sung trong chiến lược kinh doanh; Cần nâng cao nhận thức và kiến thức về quyền con người trong doanh nghiệp, bao gồm cả nhận thức về các tác động tiềm ẩn của nó, là bước quan trọng đầu tiên để xây dựng văn hóa tôn trọng quyền. Cần đẩy mạnh các kênh kết nối và lắng nghe người lao động thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đối thoại và thương lượng thực chất. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm của mình khi thực hiện các cam kết đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nên có nhiều hơn các Bộ hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho doanh nghiệp trong từng nhóm ngành nghề để doanh nghiệp nhận biết sự vi phạm của mình. Bởi không đơn giản như trách nhiệm pháp lý, thường tác động lên hành vi “gây ra” tác động 329
  7. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” bất lợi cho quyền con người của doanh nghiệp; kinh doanh có trách nhiệm còn cần xem xét cả hành vi “góp phần gây ra” hay “liên quan trực tiếp” của doanh nghiệp, chẳng hạn như việc ép giá hợp đồng khiến doanh nghiệp đối tác phải giảm lương hoặc cắt các chế độ phúc lợi của người lao động; việc yêu cầu hoàn thành thời gian gấp dẫn đến đối tác phải ép thời gian lên người lao động bằng cách làm thêm giờ để hoàn thành thời hạn hợp đồng… Vì vậy, có thể nhiều doanh nghiệp không nhận thức được hết trách nhiệm của mình nên vô tình vi phạm. Song song với đó cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác; Hướng các doanh nghiệp áp dụng đồng thời các hệ thống tiêu chuẩn như ISO 9001:2000, OSHAS 18.000, SA 8000… Đặc biệt các doanh nghiệp nên xây dựng các cơ chế giải quyết khiếu nại ở doanh nghiệp một cách minh bạch. Khi xây dựng được bộ phận tiếp nhận thông tin và giải quyết khiếu nại trong nội bộ doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong việc xác định được các hành vi vi phạm đến quyền con người tồn tại mang tính hệ thống trong quan hệ lao động, từ đó sớm phát hiện và giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, đồng thời có chính sách hợp lý để điều chỉnh lại cho phù hợp. Cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cần rõ ràng, minh bạch và dứt điểm trong đó phải xây dựng được quy trình từ khi tiếp nhận đơn, xác minh đến xử lý khiếu nại và thông báo công khai về kết quả xử lý. Có như vậy mới có thể giám sát có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong nội bộ doanh nghiệp. Đa dạng và phong phú các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khi họ thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới. Thay vì chỉ nhận các chính sách hỗ trợ về thuế, Nhà nước nên có thêm các kênh hỗ trợ quảng cáo cho doanh nghiệp thông qua các chương trình biểu dương doanh nhân…nhằm giới thiệu và lan tỏa giá trị doanh nghiệp cho phía người sử dụng lao động trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương. Tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng có các quy định mang tính cụ thể,thực chất, đồng bộ để quyền lợi của người lao động được thực thi có hiệu quả, đặc biệt là đối với những đối tượng người lao động yếu thế dễ bị tổn thương như: lao động là người khuyết tật, lao động nữ đặc biệt là thời điểm mang thai và nuôi con nhỏ và phụ nữ sau 35 tuổi, lao động chưa thành niên.. 4. KẾT LUẬN Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, nếu doanh nghiệp không thực hành kinh doanh có trách nhiệm thì sẽ không thể nào tiếp cận được với thị trường thế giới. Sự trừng phạt của thị trường và xã hội sẽ nghiêm khắc hơn rất nhiều so với sức mạnh chế tài của pháp luật nếu doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện các trách nhiệm của mình. Các thương hiệu toàn cầu ngày càng được kỳ vọng áp dụng quy trình thẩm định đối với những vấn đề như đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, quản lý rủi ro về uy tín và nâng cao tính minh bạch và các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải xác định đó là công việc mình phải làm như một sự tất yếu trong trào lưu phát triển của nền kinh tế hiện đại. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi DN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Và đó là công 330
  8. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” việc mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khi xây dựng các chiến lược kinh doanh của mình trong bối cảnh mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội. 2019. Bộ luật số 45/2019/QH14: Bộ luật Lao động năm 2019 2. Bộ Lao động – Thương binh xã hội (2020). Thanh tra Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020. http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222175 3. Bộ Lao động-Thương binh xã hội (2022). Thông báo số 843/TB-LĐTBXH ngày 22/3/2022 về tình hình tai nạn lao động năm 2021 4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2021). https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat- dong-bhxh-viet-nam.aspx?ItemID=17754&CateID=52 5. Đỗ Quỳnh Chi (2021). Dự án Khung khổ Quan hệ Lao động mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) -Thỏa ước lao động tập thể Nhóm Doanh nghiệp Hướng tới cách tiếp cận bền vững https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo- hanoi/documents/projectdocumentation/wcms_747752.pdf 6. ILO (2020). Bình đẳng và phân biệt đối xử. https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/equality-and-discrimination/lang--vi/index.htm 7. ILO (2015). Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam. Truy cập ngày 12/11/2021. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo- hanoi/documents/publication/wcms_349673.pdf 8. Ngọc Thảo (2021). Thực hành kinh doanh có trách nhiệm: DN mới dừng ở “nghĩa vụ”? 9. http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-dn-moi- dung-o-nghia-vu-63870.html 10. Nguyễn Như Phát (2018). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam dưới góc độ pháp lý. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Pháp luật kinh doanh và dân sự hiện đại của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức”. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018 11. ILO (2018). Thỏa ước lao động nhóm doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng 2018 https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo- hanoi/documents/publication/wcms_704340.pdf 12. Trung tâm WTO và hội nhập (2022). Tổng hợp các WTO của Việt Nam tính đến tháng 01/2022. https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den- thang-112018 13. Sở Tư pháp tỉnh Nam Định - Cổng thông tin điện tử (2021). Thực hành kinh doanh có trách nhiệm – Nhìn từ thực tiễn thi hành pháp luật. https://sotuphap.namdinh.gov.vn/tin-hoat- dong-pbpl/thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-nhin-tu-thuc-tien-thi-hanh-phap-luat- 185023 --- Thông tin tác giả Th.s Võ Thị Hoài; Đơn vị công tác: Khoa Luật, Đại học Sài Gòn, 273 An Dương Vương, Quận 5, TP.HCM Email: vthoai@sgu.edu.vn Điện thoại: 0963.414045 Lĩnh vực nghiên cứu: Luật Lao động, Luật Thương mại 331
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1