intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20 dựa vào nguồn tài liệu báo chí Phật giáo và tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp, giới thiệu ngắn gọn về Ni sư Huệ Tâm cũng như phân tích quan niệm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20 của bà.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu quan niệm của ni sư Huệ Tâm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20

  1. Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 – 2019 89 NINH THỊ SINH* TÌM HIỂU QUAN NIỆM CỦA NI SƯ HUỆ TÂM VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ 201 Tóm tắt: Ni sư Huệ Tâm là người trẻ tuổi, tài năng, nhiệt thành với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nhưng vì những lý do cá nhân, bà đã kết thúc cuộc đời mình khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong bài viết này, chúng tôi, dựa vào nguồn tài liệu báo chí Phật giáo và tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp, giới thiệu ngắn gọn về Ni sư Huệ Tâm cũng như phân tích quan niệm về Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20 của bà. Từ khóa: Huệ Tâm; Phật giáo; chấn hưng; Bắc Kỳ. 1. Khái quát thân thế và sự tu học của Ni sư Huệ Tâm Ni sư Huệ Tâm, thế danh là Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1911 tại Hưng Yên trong một gia đình thuộc về dòng “danh gia thế phiệt”, cha là ông Tham Cảnh (chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đến ông). Thuở nhỏ, Ni sư được đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 13 tuổi theo gia đình sang Trung Quốc hai năm, đến năm 15 tuổi trở về quê hương. Năm 16 tuổi, vì gia cảnh “thương tâm”, Ni sư phát tâm xuất gia học đạo. Năm 19 tuổi, thọ giới Thức xoa ma na và tập học Luật thọ giới Tì kheo ni, thầy truyền cho pháp danh Huệ Tâm. Năm 20 tuổi, kiết trường hạ 3 tháng, năm 21 tuổi tiếp tục kiết trường hạ 3 tháng. Như vậy đến khoảng năm 1932, Ni sư đã được 2 tuổi đạo. Năm 1933, Ni sư vào Nam học đạo. Ni sư gặp được Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Linh Sơn, Ngài có biên thứ giới thiệu Ni sư tới chùa Viên Giác (Bến Tre), kết bạn với Sa di ni Diệu Hường. Kể từ đó, Ni sư Huệ Tâm và Ni sư Diệu Hường trở thành tri âm, tình đồng môn càng thêm khăng khít. * Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ngày nhận bài: 21/02/2019; Ngày biên tập: 10/4/2019; Duyệt đăng: 25/4/2019.
  2. 90 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 Trong thời gian lưu trú tại Nam Kỳ, Ni sư Huệ Tâm cùng với Ni sư Diệu Hường qua chùa Tiên Linh học đạo với Hòa thượng Lê Khánh Hòa trong thời gian một tháng. Kế đó, theo học Hòa thượng Huệ Quang khi Ngài mở trường gia giáo tại chùa Long Hòa, Tiểu Cần (Trà Vinh), chùa Thiên Phước ở Trà Ôn (Cần Thơ), chùa Viên Giác (Bến Tre). Ngày 20/11/1933 bãi trường gia giáo, Ni sư Huệ Tâm và Ni sư Diệu Hường cùng lưu lại chùa Viên Giác. Sang đầu năm 1934, theo học Kinh Lăng Nghiêm với Hòa thượng Lê Khánh Hòa tại chùa Tiên Linh. Trong thời gian này, Hòa thượng Lê Khánh Hòa có trù tính việc in Kinh Pháp Hoa nên thầy trò lên chùa Viên Giác để lo việc in kinh và dạy học. Nhưng công việc dang dở do Hòa thượng chùa Huy Linh quy tịch, Hòa thượng Lê Khánh Hòa phải trở về chùa Huy Linh để lo cuộc tống tang. Ni sư Huệ Tâm và Ni sư Diệu Hường cùng nhau xuống chùa Long Phước (Ba Tri) ở học. Tháng 1/1935, Ni sư Huệ Tâm trở ra Bắc. Thời điểm này ở Bắc Kỳ, Hội Phật giáo đã được thành lập, lãnh trách nhiệm chấn hưng Phật giáo, Ni sư Huệ Tâm có đăng đàn thuyết pháp. Bài diễn giảng có nhan đề Chúng ta nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín. Lưu lại Bắc Kỳ trong một thời gian ngắn, rồi không rõ vì lý do gì Ni sư Huệ Tâm vào Nam lần thứ hai. Lần này Ni sư đi thẳng xuống Ba Tri ở tại chùa Long Phước cùng Ni sư Diệu Hường. Sau đó Ni sư có gặp Hòa thượng Lê Khánh Hòa, khi đó đang làm Đốc Học sư của Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Việc gặp lại Ni sư Huệ Tâm lần này khiến cho Hòa thượng không khỏi ngỡ ngàng về duyên cớ vào Nam. Bởi lẽ, thời điểm đó ở Bắc Kỳ cũng có những điều kiện thuận lợi để Ni sư có thể yên ổn tu hành. Sau đó, Hòa thượng giới thiệu Ni sư đến chùa Phước Hòa và khuyên Ni sư nên tìm lấy vài ni sư nữa làm bạn. Nhưng chưa kịp thực hiện lời thầy hướng dẫn thì ngày 17 tháng 11 năm 1935 Ni sư trẫm mình xuống bãi Ngao Châu. Linh cữu Ni sư được an táng tại nghĩa địa chùa Long Phước. Qua những nét khái lược về cuộc đời Ni sư Huệ Tâm, chúng tôi thấy rằng, Ni sư xuất gia cầu đạo trên cơ sở một nền học vấn tốt, thông thạo chữ quốc ngữ, chữ Pháp, và có thời gian sinh sống ở Trung Quốc.
  3. Ninh Thị Sinh. Tìm hiểu quan niệm của Ni sư Huệ Tâm… 91 Trong thời gian tu học, ngoài việc theo học các khóa an cư kiết hạ, Ni sư còn cầu đạo và học đạo ở phương Nam với những vị cao tăng thời bấy giờ, như: Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang. Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), thế danh là Lê Văn Hiệp, quê ở làng Phú Lễ, tổng Bảo Trì, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài là một trong những người đầu tiên và có công lớn nhất trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Ngài là người sáng lập ra tờ Pháp Âm, tờ tạp chí Phật học đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, là Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học - tổ chức Hội đầu tiên (1931) trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo. Đặc biệt, trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, Ngài rất coi trọng công tác đào tạo tăng tài. Khi chí nguyện thành lập Phật học đường không thực hiện được, Ngài đã từ chức Hội trưởng Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học và Chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm, lui về Trà Vinh để hợp tác với các thiền sư Huệ Quang, Khánh Anh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935) và mở Thích học đường để đào tạo tăng tài2. Hòa thượng Huệ Quang, thế danh là Nguyễn Văn Ân, trụ trì chùa Long Hòa, làng Hưng Hòa, tỉnh Trà Vinh. Ngài là Chủ nhiệm tạp chí Duy Tâm Phật học, cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên. Tờ tạp chí này được cấp giấy phép xuất bản ngày 5 tháng 7 năm 1935 theo Quyết định của Toàn quyền Đông Dương3. Tấm gương học đạo của Ni sư Huệ Tâm đặt trong bối cảnh những năm đầu của Phong trào Chấn hưng Phật giáo quả thực rất hiếm. 2. Quan niệm của Ni sư Huệ Tâm về Phật giáo đầu thế kỷ 20 Cuộc đời tu học ngắn ngủi của Ni sư chỉ để lại hai bài viết với nhan đề Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín4 và Các hội Phật học nên hiệp nhất5, nhưng qua hai bài viết này, chúng tôi nhận thấy đó là một vị Ni sư tài năng, nhiệt thành với tiền đồ Phật pháp. Bài thứ nhất, chính là bài diễn giảng của bà tại chi hội Phật giáo ở chùa Đồng Quang, Hà Đông, được báo Đông Pháp đăng trên số 2966. Sau đó, Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội Annam Phật học6 vì “khâm phục biên tài vô ngại của bà Huệ Tâm” nên đăng nguyên văn “để cống hiến độc giả” trên số 13. Bài thứ hai được đăng trên báo Viên Âm số 17.
  4. 92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 Bài thứ nhất, dài 15 trang, hướng tới cả hai đối tượng tăng ni và thiện tín. Nội dung bài viết làm sáng tỏ những giá trị tinh thần tốt đẹp của Phật giáo, bác bỏ luận điểm cho rằng tín ngưỡng Phật giáo là mê tín. Không chỉ vậy, để làm sáng tỏ nội dung trình bày, Ni sư Huệ Tâm trích dẫn lời Phật trong các sách kinh, như: Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Tăng Nhật tập, Kinh Nhân Quả, sách Tịnh độ luận, v.v… Trong bài viết, tác giả đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của Phật giáo, như: thực trạng Phật giáo, bổn phận của tăng ni, tình hình Phật giáo thế giới, cách thức để tham dự vào cuộc học Phật. Trước hết, tác giả đã thẳng thắn nói lên thực trạng “bơ phờ tiều tụy” của Phật giáo. Vì đâu Phật giáo nên nỗi bơ phờ ? Là bởi vì đa số tăng chúng lấy việc “ở chùa, ăn chay, niệm Phật, đúc chuông, làm chùa, xây tháp, làm đám” làm bổn phận của mình. Chính vì vậy mà ở trong nước “làng nào cũng thấy có chùa, có tượng, có sư, có vãi mà rút lại thì chuyên về hình thức”7. Còn thiện tín, “đi lễ Phật thì chỉ biết tin bằng hình thức… vào chùa dâng hương, thế là người có lòng, có đạo, chớ không hề suy nghĩ tới tinh thần đạo Phật ra sao, và chùa chiền có ích lợi những gì ?”8. Theo Huệ Tâm, những việc làm trên mới chỉ là cái hình thức nhỏ hẹp của Phật pháp. Bà chỉ ra ý nghĩa sâu xa “mục đích của việc làm chùa là mong cho dân chúng hấp thụ được cái tinh hoa thuần túy của Phật pháp”9, và nhà chùa dường như chưa làm tỏa sáng được cái tinh thần của Phật giáo. Để Phật giáo rơi vào tình trạng đó, có phần trách nhiệm của tăng ni, do vậy bà đã nêu và nhấn mạnh vào hai bổn phận của tăng ni, những người đứng trung gian của Phật pháp. Đó là “ … Đối với Phật pháp phải lo chuyên tu giới luật cho tinh nghiêm”, đồng thời “phải phô diễn chính pháp cho thấu hiểu mọi sự nhiệm màu, để đáp lòng thành thực của tín giáo”. Việc bà đăng đàn thuyết pháp chính là đang thực hiện trách nhiệm mà bà đã chỉ ra phía trên. Mục đích của bài diễn giảng là để giúp tín đồ có chính tín “…tin Phật pháp cho đúng chân lý”, và “ … am hiểu đến một nền triết lý rất uyên thâm cao thâm cao minh”10. Bà phê phán hai nhận thức sai lầm về Phật giáo hiện tồn. Nhận thức thứ nhất cho rằng, Phật giáo là một đạo “mơ hồ huyễn hoặc” và nhận thức thứ
  5. Ninh Thị Sinh. Tìm hiểu quan niệm của Ni sư Huệ Tâm… 93 hai, coi “đạo Phật là một thứ tôn giáo ỷ lại ở thần quyền, nên chỉ thiên về cúng tế, thờ phụng, để hễ động có việc gì quan hệ đến tính mạng, tài sản, thì cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi” 11. Biện giải vấn đề, Ni sư Huệ Tâm đã chỉ ra những “giá trị” tinh thần tốt đẹp của Phật giáo. Thứ nhất, Phật giáo bao hàm cái nghĩa “bình đẳng rất rộng”. Nếu như khoa học có ích cho đời về thực tế và về vật chất, thì Phật giáo bổ ích cho đời về tinh thần. Phật pháp “cứu cánh là trí tuệ, là giải thoát, là từ bi bác ái”. Để thực chứng cho lời nói của mình, Ni sư Huệ Tâm có trích dẫn câu nói nổi tiếng của Đức Phật “Nhất thế chúng sinh đều có tính sáng suốt như Phật” và “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”12. Điều ấy có nghĩa là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể trở thành Phật một cách bình đẳng như nhau. Luận điểm này của Ni sư Huệ Tâm khiến chúng tôi liên tưởng tới nhận định của Nguyễn Trọng Thuật trong bài “Nghĩa bình đẳng của đạo Phật” khi ông so sánh nghĩa bình đẳng của Phật giáo với tư tưởng bình đẳng của thời đại “ … ta thấy cái phạm vi nghĩa bình đẳng trong đạo Phật bao hàm rất rộng rãi, rất cứu cánh hơn nhiều, là nghĩa bình đẳng của hiện thế chỉ chú trọng về nhân loại mà nghĩa bình đẳng của đạo Phật thì bao quát cả loài người, loài vật”13. Thứ hai, Ni sư Huệ Tâm đề cập đến tinh thần tự do của Phật giáo. Bởi vì “đạo Phật không bắt buộc chúng ta phải tin nhảm theo càn”. Để biện giải cho nội dung này, Ni sư trích dẫn lời Phật dạy trong Kinh Tăng Nhật tập: “chớ nên tin những sự gì mơ hồ nhảm nhí”, điều ấy có nghĩa là trước khi tin vào một điều gì cần phải có sự kiểm chứng. Nội dung này không chỉ thể hiện tinh thần tự do của Phật giáo mà chính là đã chỉ ra một phương pháp tư duy và phản biện. Thứ ba, Phật dạy người ta “chú trọng cái tâm”, bởi vì trong Kinh Hoa Nghiêm có viết rằng, “hết thảy mọi việc đều bởi lòng tâm làm ra”14 mà “cái tâm con người bao hàm cả thế giới”, tâm lại bao gồm chân tâm và vọng tâm, “hễ chân tâm mở sáng, thì thế giới quang minh, mà vọng tâm lừng lẫy thì nhân sinh hắc ám”. Để giải thoát cần loại bỏ vọng tâm. Bởi vì “hễ tâm sáng suốt là thánh, mà tâm tăm tối là phàm, tâm giải thoát là Nát Bàn mà tâm mê muội là chúng sinh”15.
  6. 94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 Mượn lời trong sách Tịnh độ luận, bà kết luận: “Thiên đường là tự lòng tạo ra, địa ngục cũng tự lòng gây lấy”16. Luận điểm này liên quan mật thiết tới luận điểm thứ tư khi bà đề cập tới Nhân quả trong Phật giáo. Theo bà, Nhân quả chính là kim chỉ nam để “chúng sinh tự sửa mình”17. Phật đã dạy rằng: “Tất cả mọi sự lành dữ, tốt xấu ở trong đời đều bởi nhân quả mà ra, nhân quả không sai, như bóng theo hình, hình ngay bóng thẳng, hình lệch bóng chênh”. Đi xa hơn, bà nhấn mạnh “nhân quả chỉ ở trong lòng mình ra”. Do vậy, muốn được hưởng quả giàu sang phú quý, thì nên chú ý đến việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân cho thập phần toàn thiện chứ đừng cầu cạnh ở sự cứu khổ bên ngoài như giết gà lợn để cầu cúng hay đốt vàng bạc để gửi quỷ thần. Luận điểm này cho thấy chính con người chứ không phải một thế lực nào khác có thể tự độ cho mình nếu tin và hành động theo Nhân quả. Từ những giá trị của Phật giáo nêu trên, bà đi đến một nhận định chung rằng, Phật pháp không chỉ dành riêng cho “mấy hạng tăng ni” và những “người có óc tín ngưỡng”, mà nó là cái gia tài của cả nhân loại. Minh chứng cho lời nói của mình, bà cho biết rằng, Phật giáo ngày nay không chỉ có ở châu Á, mà đã được phổ cập ở châu Âu, châu Mỹ. Bằng chứng là tại Paris, kinh đô nước Pháp, đã thành lập những hội khảo cứu Phật giáo, như: Société Belge d’Etudes Orientales, Les Amis du Bouddhisme. Hay như Nhật Bản đang trù tính lập một cảnh chùa ở Paris với một khoản kinh phí rất lớn. Ở luận điểm này, Ni sư Huệ Tâm thể hiện là người rất cập nhật với tình hình Phật giáo thế giới. Bà cũng nhấn mạnh, “việc học hay không, xin tùy tài lực” và chỉ ra cách thức để có thể tham dự vào công cuộc học Phật. Đối với những người không có thời giờ để tâm vào việc nghiên cứu, sưu tầm thì có thể giúp sức cho Hội Phật giáo, giúp về ý tưởng hay giúp về tiền tài để truyền bá đạo lý chân chính trong dân chúng, đào tạo nhân tài để làm việc ích lợi chung cho quần chúng, giữ vững lấy nền học thuyết cho xã hội ta. Với tư cách là tăng ni một phần tử của xã hội, về phần mình, bà tỏ rõ quan điểm của mình đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo do Hội Phật giáo Bắc Kỳ tiến hành: “chúng tôi hết sức nhiệt thành, hợp nhất với hội Phật giáo để mong từ thời kỳ phôi thai này, dần dần
  7. Ninh Thị Sinh. Tìm hiểu quan niệm của Ni sư Huệ Tâm… 95 sẽ lập nên những cái quy củ hoàn toàn thiện mỹ”18 vì bà nhận thấy đó là một “cơ hội ít có” để hoàn thành việc lớn “khai đại ngộ, thoát mê tình, đắc đại Bồ Đề, chứng đại Nát Bàn”. Không chỉ kêu gọi mọi người ủng hộ sự nghiệp chấn hưng Phật giáo do Hội Phật giáo tiến hành, ở một bài viết khác đăng trên Viên Âm, bà còn mạnh dạn đề xuất các hội Phật học nên hiệp nhất. Bởi lẽ theo bà, các hội Phật học ra đời đều nhằm 2 mục đích Chỉnh đốn tăng già và Hoằng dương chánh pháp, vì vậy để mau chóng đạt cho được mục đích ấy thì nên hiệp nhất. Không dừng lại ở việc kêu gọi, bà còn đề ra kế hoạch hợp nhất và chương trình hành động sau khi các hội Phật học trong cả nước hợp nhất. Chương trình của bà gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thống nhất về mặt tổ chức. Để làm được điều này thì “các hội Phật học và các sơn môn trong 3 kỳ cử đại biểu của mình, các đại biểu này sẽ liên hiệp với nhau trong một “đại tùng lâm”. Đại tùng lâm sẽ họp 3 năm một lần hoặc 1 năm một lần để cùng nhau thảo luận và bàn định chương trình hoằng pháp của mỗi xứ cho thích hợp với trình độ dân chúng”19. Dễ dàng nhận thấy mô hình “đại biểu liên hiệp trong một đại tùng lâm” thể hiện được phần nào yêu cầu thống nhất về mặt tổ chức đang tồn tại trong Phật giáo Việt Nam khi đó. Mặc dù vẫn còn khái lược nhưng đã cho thấy nếu theo mô hình này thì Phật giáo ba kỳ sẽ có một cơ quan chung để lãnh đạo Phật giáo trong cả nước. Sau khi thống nhất về mặt tổ chức, sẽ bắt tay vào việc thực hiện chấn hưng Phật giáo. Việc chấn hưng sẽ tập trung vào 4 nội dung sau: phân biệt Phật giáo với ngoại đạo, chỉnh đốn tăng già, quy định hình thức và bổn phận tín đồ, kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo. Nội dung thứ nhất, bà đề nghị phải soạn thảo ra một “qui củ nhất định và tuyên bố cho tất cả tín đồ Phật giáo” trên cơ sở nghiên cứu kinh điển Phật giáo và làm rõ các nội dung về vũ trụ quan, nhân sinh quan, giáo pháp, chân lý, diệu hạnh, thánh quả. Nội dung thứ hai, chấn chỉnh tăng già được thể hiện ở những điểm sau: trước hết phân định rõ giới tướng của hạng xuất gia. Làm thành biên bản bằng chữ Nho và chữ quốc ngữ. Nếu vị nào không giữ được giới thì phải xả giới hoàn tục. Đối với chức pháp sư, cần phải tổ chức thi hạch, ai qua thì được
  8. 96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 công nhận Pháp sư. Từ Pháp sư lên tới Yết Ma, Hòa thượng cần phải kiết đủ 13 hạ. Để nâng cao phẩm hạnh của tăng già cần chú ý đến phương diện đào tạo. Vì vậy bà đề nghị “lập trường Phật học, đào tạo Tăng già đạo Phật theo một chương trình nhất định”. Theo bà, đây là một việc trọng yếu có can hệ đến tiền đồ của Phật giáo. Nội dung thứ ba, đối với các bậc tại gia. Trước khi quy y trở thành đệ tử của Phật, cần phải “học cho biết Phật, Pháp, Tăng”. Bổn phận của các bậc tại gia là sau khi quy y Phật rồi thì không được theo thánh, thần, ma quỉ ngoại đạo cùng những tà thuyết dị đoan. Bên cạnh đó, tùy theo địa vị, căn tri mà tham học giáo lý, trau dồi đức hạnh, hộ trì chánh pháp, cúng dường Tam bảo để ngoại hộ Phật pháp. Nội dung thứ tư, về việc kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo. Theo bà, trước hết phải thành lập một Hội đồng để kiểm soát những tờ nguyệt san hiện đang tồn tại. Hội đồng này sẽ bao gồm những ông chủ bút, chủ nhiệm tạp chí Phật giáo đã trải qua kỳ sát hạch về Phật pháp. Hội đồng cũng cần định rõ phạm vi của từng tờ báo trong lối hoằng pháp. Tuy vậy theo ý bà chỉ nên “tổ chức một tờ tạp chí cho toàn thể tín đồ” mà thôi. Có thể nói đây là một chủ trương rất táo bạo của một vị ni sư trẻ tuổi. Ý tưởng hợp nhất các hội Phật học của bà khiến cho chúng tôi liên tưởng tới chủ trương thành lập Phật giáo Tổng hội trên báo Duy Tâm trong những năm 1937-194120. Nếu đem so với chủ trương thành lập Phật giáo Tổng hội thì tư tưởng liên hiệp, thống nhất về mặt lãnh đạo Phật giáo của bà xuất hiện sớm (1935) và chương trình cụ thể hơn. Chỉ có điều đáng tiếc bà đã “họa” mà không có người “xướng”. Mãi đến năm 1937, Duy Tâm mới bắt đầu đề cập đến vấn đề này, trải qua 4 năm ròng vẫn chưa mang lại kết quả. Để hiểu rõ hơn tâm huyết của bà, thiết nghĩ cần phải điểm lại đôi nét về tình hình chấn hưng Phật giáo cũng như hiện trạng ni giới Bắc Kỳ trong thời gian này. Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX trên báo chí quốc ngữ. Sau khoảng 10 năm thì Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học ra đời vào năm 1931, đánh dấu phong trào đạt được địa vị hợp pháp. Sự ra đời của hội này đã cổ vũ phong trào ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các hội Phật học/Phật giáo khác lần lượt được thành lập ở cả ba kỳ. Ở Bắc Kỳ, Hội Phật giáo ra
  9. Ninh Thị Sinh. Tìm hiểu quan niệm của Ni sư Huệ Tâm… 97 đời ngày 6/11/1934, do ông Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, 73 phố Richaud, Hà Nội, là trụ cột của phong trào chấn hưng ở xứ Bắc. Sau khi thành lập, Hội bắt tay vào các việc tổ chức trước khi tiến hành các hoạt động chấn hưng Phật giáo cả về hình thức và tinh thần. Trong số những hoạt động chấn hưng về tinh thần thì việc diễn giảng (cư sĩ) và thuyết pháp (tăng sĩ) được đặc biệt coi trọng. Đối với cư sĩ, Hội tổ chức ra Ban Khảo cứu do ông Trần Trọng Kim làm trưởng ban để đảm bảo chất lượng của các bài diễn giảng. Còn đối với việc thuyết pháp của tăng sĩ, nội dung bài viết phải trình ban Chứng minh đạo sư, gồm những vị uyên thâm Phật pháp để phê chuẩn trước khi thuyết pháp. Điều đó cho thấy, chất lượng của các bài diễn giảng và thuyết pháp được đảm bảo và rất đáng tin cậy. Một vị ni sư trẻ tuổi như Huệ Tâm đăng đàn thuyết pháp phần nào cho thấy trình độ Phật học uyên thâm của bà. Liên quan đến ni giới Bắc Kỳ, chúng tôi tìm thấy một hồ sơ lưu trữ của chính quyền thuộc địa tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp21 gồm hơn 500 trang, là kết quả của một cuộc điều tra “chuyên sâu” và “bí mật” về trụ trì các chùa trong các tỉnh Bắc Kỳ, thực hiện vào năm 1943. Cuộc điều tra này cung cấp nhiều thông tin cụ thể và quý giá về tăng ni, như: họ tên, tuổi, địa chỉ, trình độ, mức độ ảnh hưởng đối với tín đồ, có tham gia Hội Phật giáo hay không. Có tất cả 92 ni sư được điều tra trong tổng số 360 vị tăng ni, chiếm 25,55%. Trong số 92 vị đó, có 66 vị ni sư tham gia Hội Phật giáo Bắc Kỳ, chiếm 71,7%. Tìm hiểu các vị ni sư là hội viên hội Phật giáo, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới trình độ học vấn của họ. Phân tích các số liệu, chúng tôi được biết chỉ có 3/66 sư ni biết cả chữ quốc ngữ và chữ Hán chiếm 4,5%; 36/66 sư ni chỉ biết chữ Hán chiếm 54,5%; và 14/66 sư ni không biết chữ, chiếm 21,2%, còn lại 13 vị không có thông tin. Nếu như đặt Ni sư Huệ Tâm vào trong một phông chung về trình độ của ni sư miền Bắc: được đi học, biết chữ quốc ngữ, chữ Tây, “Hán văn khá, có thể nghiên cứu”, lại có 2 năm theo gia đình sang Trung Quốc sinh sống thì rõ ràng Ni sư Huệ Tâm là một trường hợp hiếm có trong ni giới miền Bắc, là người có điểm xuất phát cao. Riêng về trình độ Phật học, kết quả điều tra cũng cho thấy, số ni giới được đánh giá là uyên thâm Phật pháp rất
  10. 98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 hạn chế (4/66), còn lại là ở mức độ sơ đẳng, thậm chí có người chỉ biết các khoa cúng, hay biết tụng kinh do học thuộc lòng. Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu trong bài viết Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ - Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945)22, không tìm thấy thêm một ni sư nào đăng đàn thuyết pháp sau Ni sư Huệ Tâm. Lác đác có một số bài viết của một số vị đăng trên Đuốc Tuệ, cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo. Điều đó có nghĩa là Ni sư Huệ Tâm là trường hợp duy nhất tham gia vào việc thuyết pháp. 3. Kết luận Có thể thấy, Ni sư Huệ Tâm là một người trẻ tuổi, tài năng, có hoài bão, có chí lớn, nhiệt thành với tiền đồ Phật giáo nước nhà. Chỉ tiếc rằng bà đã không vượt qua được những oan nghiệt của cuộc đời khi kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 24 sau hơn 8 năm làm con của Đức Phật23. Cùng thời với Ni sư Huệ Tâm, ở Nam Kỳ có Ni sư Như Thanh - hai vị danh ni ở hai miền Nam, Bắc sinh cùng năm, cùng xuất thân trong gia đình “danh gia thế phiệt”, đến với Phật giáo trên cơ sở trình độ học vấn căn bản, có chí hướng cầu học, người vào Nam, vị ra Trung, ra Bắc. Hai cuộc đời, hai số phận. Về sau, Ni sư Như Thanh trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời ni giới Việt Nam. Lịch sử Phật giáo ghi nhận Ni sư Huệ Tâm - một người con Phật, có nhiều tâm huyết với Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. /. CHÚ THÍCH: 1 Bài viết này là kết quả nghiên cứu của đề tài mang mã số B.2018-SP2-15, được tài trợ từ nguồn kinh phí đề tài cấp Bộ, kinh phí KHCN của Trường ĐHSP Hà Nội 2. 2 Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2017), Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 119-136. 3 Tạp chí Duy tâm Phật học, số 1, ngày 1 tháng 10 năm 1935. 4 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín”, Viên Âm, số 13, tr. 17-31. 5 Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Viên Âm, số 17, tr. 4-11. 6 Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế. 7 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín”, Viên Âm, số 13, tr. 21. 8 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, …”, bđd, tr. 19.
  11. Ninh Thị Sinh. Tìm hiểu quan niệm của Ni sư Huệ Tâm… 99 9 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, …”, bđd, tr. 19. 10 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, …”, bđd, tr. 20. 11 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, …”, bđd, tr. 21. 12 Huệ Tâm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, …”, bđd, tr. 23. 13 Nguyễn Trọng Thuật (1937), Nghĩa bình đẳng của đạo Phật, Đuốc Tuệ, số 66, tr. 11. 14 Viên Âm, số 13, tr.23. 15 Viên Âm, số 13, tr.24. 16 Viên Âm, số 13, tr.25. 17 Viên Âm, số 13, tr.26 18 Viên Âm, số 13, tr.29 19 Viên Âm, số 17, tr.5. 20 Ninh Thị Sinh (2017), Vấn đề Phật giáo Tổng hội trên tạp chí Duy Tâm, trong Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 435-445. 21 ANOM, RSTNF, 2405. 22 Ninh Thị Sinh (2016), Le mouvement de rénovation bouddhique au Tonkin. Le cas de l’Association boudhique (1934-1945), Luận án Tiến sĩ Sử học, Đại học Aix-Marseille. 23 Liên quan đến nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà năm 1935, Ni sư Lê Thị Trâm căn cứ vào những dòng thư của bà để lại cho gia đình, bạn bè lý giải “Cô Huệ Tâm chết vì nỗi gia đình bận bịu, đó là điều thứ nhất, còn điều thứ hai nữa, cô là một Tỉ kheo ni có học thức, có tánh cương quyết, gặp chánh tín thì tán thán, gặp mê tín thì cực lực phản đối, vì vậy mà sinh ra có việc bất bình về ý tứ và có trở ngại cho đời tu học của cô nơi quê hương xứ sở”. Lý do gia đình chúng ta có thể hiểu được. Ở độ tuổi lên mười, cha bỏ mẹ theo vợ lẽ, khiến cho bà thân sinh “vì quá ư buồn rầu” mà bỏ nhà đi ở chùa mãi tận trong Huế. Đó cũng chính là lý do khiến bà quyết định gửi thân nơi cửa Phật. Sau đó lại gặp cảnh “cha bỏ con không nuôi”, một mình mẹ buôn bán tảo tần nuôi em trai và em gái ăn học. Chẳng bao lâu cha bà cắt tiền cấp dưỡng và ra điều kiện với ba chị em, nếu muốn được ông cấp dưỡng thì không đượcc nhìn mặt mẹ. Còn lý do thứ hai, không có tài liệu đề cập cụ thể. Chỉ biết rằng, khi vào Nam gặp Hòa thượng Khánh Hòa lần thứ hai, Hòa thượng lấy làm ngạc nhiên vì sự quay trở lại này, và có hỏi nguyên do. Ni sư Huệ Tâm nói rằng: “Vì có sự khó. Các sư cụ bảo đệ tử giảng diễn vấn đề Phật học, mà đệ tử thì việc học còn ít, từ chối không đặng. Vì vậy đệ tử trở vào Nam, kiếm chùa tịch tịnh cho gần Hội, trước nữa nghiên cứu thêm Kinh Luận, sau nữa cho tiện việc tu hành”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ANOM, RSTNF, 2405. 2. Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế. 3. Huệ Tâm (1935), Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín, Viên Âm, số 13. 4. Huệ Tâm (1935), Các hội Phật học nên hiệp nhất, Viên Âm, số 17. 5. Lê Thị Trâm, Sự tích cô Huệ Tâm, Duy Tâm, số 4.
  12. 100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2019 6. Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2017), Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 7. Nguyễn Trọng Thuật, Nghĩa bình đẳng của đạo Phật, Đuốc Tuệ, số 66, 1/8/1937. 8. Ninh Thị Sinh (2016), Le mouvement de rénovation bouddhique au Tonkin. Le cas de l’Association boudhique (1934-1945), Luận án Tiến sĩ Sử học, Đại học Aix-Marseille. 9. Ninh Thị Sinh (2017), Vấn đề Phật giáo Tổng hội trên tạp chí Duy Tâm, trong Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 435-445. Abstract VIEW OF HUỆ TÂM ON VIETNAM BUDDHISM IN THE EARLY TWENTY CENTURY Ninh Thi Sinh Hanoi University of Education II Nun Huệ Tâm, a young, talented person who was a enthusiast for the career of reviving Vietnam Buddhism. However, for personal reasons, she ended her life at a young age. In this article, based on materials of Buddhist press and the French colonial administration’s archives, the author briefly introduces nun Huệ Tâm as well as analyzes her view on Vietnam Buddhism in the early 20th century. Keywords: Huệ Tâm; Buddhism; revive; Tonkin.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2