intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tình huống tương tự, tình huống hướng dẫn - “án lệ mang màu sắc Trung Quốc” và góc nhìn so sánh với Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

24
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung bối cảnh ra đời, nội hàm, đặc trưng và cách thức vận hành của Hệ thống phán quyết tương tự cho tình huống tương tự (The System Of “Similar Judgments For Similar Cases”) tại Trung Quốc. Trong đó, Tình huống tương tự (similar cases) hay Tình huống hướng dẫn (Guiding Cases) được xem như án lệ hiện đại, “án lệ mang màu sắc Trung Quốc”.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tình huống tương tự, tình huống hướng dẫn - “án lệ mang màu sắc Trung Quốc” và góc nhìn so sánh với Việt Nam

  1. TÌNH HUỐNG TƯƠNG TỰ, TÌNH HUỐNG HƯỚNG DẪN - “ÁN LỆ MANG MÀU SẮC TRUNG QUỐC” VÀ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI VIỆT NAM Lưu Minh Sang454 Nguyễn Ngọc Phương Hồng455 Tóm tắt Bài viết tập trung bối cảnh ra đời, nội hàm, đặc trưng và cách thức vận hành của Hệ thống phán quyết tương tự cho tình huống tương tự (The System Of “Similar Judgments For Similar Cases”) tại Trung Quốc. Trong đó, Tình huống tương tự (similar cases) hay Tình huống hướng dẫn (Guiding Cases) được xem như án lệ hiện đại, “án lệ mang màu sắc Trung Quốc”. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra những so sánh về sự tương đồng và khác biệt giữa án lệ tại Việt Nam và án lệ mang màu sắc Trung Quốc kèm theo những gợi mở cho quá trình phát triển hệ thống án lệ nói riêng và quá trình cải cách tư pháp nói chung ở Việt Nam. Từ khóa: Án lệ, Tình huống tương tự, Trung Quốc, màu sắc Trung Quốc. 1. Đặt vấn đề Quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho những hệ thống pháp luật của các khu vực, các quốc gia khác nhau trở nên hài hòa hơn. Minh chứng điển hình là sự tiếp thu có chọn lọc tư tưởng về án lệ của các quốc gia theo trường phái luật thực định. Nếu các quốc gia theo truyền thống Thông Luật (common law) xem án lệ là một nguồn luật chủ yếu thì các quốc gia theo truyền thống Dân Luật (civil law) có những mức độ thừa nhận khác nhau về giá trị án lệ trong hệ thống pháp luật của mình. Có lẽ vì vậy mà án lệ cũng chính là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của giới học giả, nghiên cứu luật học. Tuy vậy, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào việc phân tích án lệ tại các quốc gia Thông Luật hay những quốc gia Dân Luật điển hình như Pháp, Đức, Nhật,… Trong khi đó, một trong những hiện tượng đáng chú ý đó là cách tiếp cận của các quốc gia với hệ thống pháp luật Xã hội Chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam hay Lào lại chưa thật sự được chú ý. Chắc có lẽ bởi vì các chủ thuyết pháp lý nền tảng và truyền thống của hệ thống pháp luật các quốc gia này không tồn tại không gian cho việc thừa nhận án lệ. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa với đặc trưng là được xây dựng dựa trên nền tảng của học thuyết kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và chịu ảnh hưởng của pháp luật Xô Viết. Cách tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, định hướng theo đuổi nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên tính độc lập giữa các nhánh quyền lực của nhà nước có những nét đặc thù riêng. Vì vậy, việc tiếp cận và tiếp thu án lệ được diễn ra khá thận trọng và mang những đặc thù riêng biệt so với với nhiều quốc gia theo truyền thống pháp luật thực định khác. 454 Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM 455 Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM 273
  2. Điển hình như Lào đã trao quyền cho Tòa án Nhân dân tối cao để xây dựng các án lệ. Luật Tòa án nhân dân nước này đã quy định rằng quyết định trong các bản án của tòa án tối cao về bất kỳ vấn đề nào trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mai, gia đình mà pháp luật không quy định hoặc quy định không rõ ràng sẽ là án lệ mà tất cả các tòa án cấp dưới phải tuân theo khi xét xử cho đến khi có quy định pháp luật rõ ràng456. Tại Việt Nam, Án lệ cũng đã được chính thức gọi tên và thừa nhận là một nguồn của pháp luật kể từ năm 2015 kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 và Tòa án tối cao ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ được ban hành. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có động thái tiếp nhận những giá trị của án lệ đối với hoạt động tư pháp và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nhưng theo một cách riêng, mang đậm màu sắc Trung Quốc. Bằng việc ban hành những Tình huống hướng dẫn (Guiding Cases) bởi Tòa án Nhân dân Tối cao và gần đây là Tình huống tương tự (Similar Cases), Trung Quốc đã và đang trong tiến trình xây dựng một loại án lệ mới – “án lệ mang màu sắc Trung Quốc”457. Nhận thấy tại Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều học giả quan tâm đến việc nghiên cứu bối cảnh, quá trình, cách thức tiếp nhận án lệ của các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa nên chúng tôi đã chọn chủ đề nay để nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung phân tích những diễn tiến thú vị của quá trình xây dựng hệ thống “án lệ” của Trung Quốc. Trong đó nhấn mạnh vào việc phân tích cách thức sử dụng các Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự (gọi chung là “Tình huống tương tự”) thông qua hệ thống “phán quyết tương tự cho tình huống tương tự” trong việc xét xử của các thẩm phán tại Trung Quốc. 2. Bối cảnh ra đời của hệ thống “phán quyết tương tự cho tình huống tương tự” và khái niệm về Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự 2.1. Bối cảnh ra đời Trước khi làn sóng cải cách tư pháp được Chính phủ coi trọng, ở Trung Quốc, một thẩm phán trước khi đưa ra phán quyết cho một vụ án phải trải qua quá trình xem xét và phê duyệt của cấp trên (thông thường là các thủ trưởng, hoặc Chánh án khi cần thiết). Những người này mặc dù không tham gia xét xử vụ án nhưng có quyền xem xét các sự kiện, bằng chứng, luật áp dụng, kết quả xét xử và cách diễn đạt trong bản dự thảo phán quyết, có quyền sửa đổi những gì họ cho là sai hoặc không phù hợp, hoặc yêu cầu thẩm phán viết lại bản án và có quyền quyết định liệu tài liệu đó có thể được dùng như một phán quyết chính thức cho các bên hay không. Chỉ sau khi hoàn tất thủ tục xem xét và phê duyệt nói trên, dự thảo mới được ban hành như một bản án hoặc phán quyết chính thức và được tống đạt cho các bên. 456 Art 12, Law on the People’s Court No. 9/2009 (Laos). 457 CCP Central Committee Decision concerning Several Major Issues in Comprehensively Advancing Governance According to Law, passed on 23 October at the 4th Plenary Session of the 18th Central Committee of the Chinese Communist Party, (CHINALAWTRANSLATE (Oct. 28, 2014) accessed 2 September 2017. – Dẫn theo Bùi Ngọc Sơn, tlđd, tr.47. 274
  3. Đây là truyền thống áp dụng Hệ thống xem xét và chấp thuận (Review and Approval of Judgement System), đã tồn tại kể từ khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa thành lập, cho đến khi Tòa án Nhân dân Tối cao nước này (China’s Supreme People’s Court - SPC) tiến hành các động thái cải cách tư pháp.458 Sở dĩ Hệ thống xem xét và chấp thuận tồn tại trong một khoảng thời gian lâu như vậy là vì theo Hiến pháp CHND Trung Hoa, tính độc lập trong tư pháp của Trung Quốc đề cập đến tính độc lập xét xử của tòa án, chứ không phải là tính độc lập xét xử của thẩm phán.459 Đồng thời, trong một thời gian dài sau khi thành lập CHND Trung Hoa, năng lực chuyên môn và đạo đức của các thẩm phán Trung Quốc vẫn chưa đạt yêu cầu mà nhà nước và xã hội đề ra. Do đó, việc xem xét lại bản án của cấp trên có kinh nghiệm nhằm làm giảm hoặc ngăn chặn việc thẩm phán đưa ra các bản án sai hoặc không công bằng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và năng lực của đội ngũ thẩm phán, thực tế áp dụng đã nêu lên các lo ngại về tính độc lập và khách quan của các thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng. Ngoài ra, không có luật pháp hay quy tắc nào ở Trung Quốc quy định rõ ràng về cách làm này, đây không phải là một thủ tục tố tụng mà chỉ là một thói quen, một truyền thống bất thành văn trong hoạt động xét xử. Là người không tham gia xét xử, chỉ tiếp cận trên văn bản và thậm chí không phải chịu trách nhiệm hay ký tên lên bản án, dường như sự can thiệp của các cấp trên vào phán quyết cuối cùng của thẩm phán ngày càng trở nên vô lý và lạc hậu. Do đó, trong Các ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình tư pháp và cải tiến cơ chế quản lý, giám sát việc xét xử (để thực hiện xét xử) ban hành năm 2017,460 SPC đã chính thức hủy bỏ Hệ Thống Xem Xét Và Chấp Thuận và thay thế bằng Hệ Thống Trách Nhiệm Giải Trình Pháp Lý (Judicial Accountability System) nhấn mạnh vào tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của người xét xử. Dù vậy, hệ thống mới này cũng đặt ra các lo ngại liên quan đến sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn trong tiêu chí xét xử, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết tương tự nhau. Các lo ngại nói trên trong bối cảnh quốc gia chưa công nhận án lệ và tiền lệ đã đặt SPC vào tình huống phải có giải pháp thay thế, dẫn đến sự ra đời của Các Tình Huống Hướng Dẫn (Guiding Cases) cũng như Các Tình Huống Tương Tự (Similar Cases). Khác với các tình huống hướng dẫn đã được phát triển từ năm 2010, quy chế pháp lý về các tình huống tương tự mặc dù đã được đề cập từ văn bản cải cách tư pháp trong các năm 2015, 2017, 2019 dưới tên gọi Hệ Thống Phán Quyết Tương Tự Cho Tình Huống Tương Tự (The System Of “Similar Judgments For Similar Cases”) nhưng cũng chỉ mới được hoàn thiện gần đây. Theo đó, mỗi tòa án Trung Quốc phải thống nhất các tiêu chí xét xử 458 Guodong Du, Meng Yu, Chinese Judges Shall Undergo Review and Approval Before Rendering Judgments, 2018, https://www.chinajusticeobserver.com/insights/chinese-judges-shall-undergo-review-and-approval-before- rendering-judgments.html, truy cập ngày 18/11/2021 459 Peerenboom, Randall. "Judicial independence in China: common myths and unfounded assumptions." La Trobe Law School Legal Studies Research Paper 2008/11 (2008). 460 Opinions of the Supreme People's Court on Implementing the Judicial Accountability System and Improving the Trial Supervision and Management Mechanism (for Trial Implementation), xem toàn văn tại: http://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=23800&lib=law, truy cập ngày 18/11/2021 275
  4. của thẩm phán bằng cách viện dẫn các trường hợp tương tự.461 Nếu một thẩm phán đưa ra một phán quyết mâu thuẫn với phán quyết của một vụ án tương tự đã được các tòa án liên quan hoặc tòa án cấp cao hơn đưa ra, thì các cơ chế giám sát sẽ được áp dụng và thẩm phán sẽ phải tự chịu trách nhiệm về sự mâu thuẫn này. 2.2. Khái niệm về Tính huống hướng dẫn, Tình huống tương tự Mặc dù được đề cập lần đầu tiên từ các văn bản cải cách tư pháp năm 2015, đến ngày 27/7/2020, SPC mới ban hành Các ý kiến hướng dẫn về việc thống nhất áp dụng pháp luật và tăng cường tìm kiếm các tình huống tương tự (trong thực hiện xét xử),462 văn bản có hiệu lực từ ngày 31/7/2020 (Sau đây gọi là Các Ý Kiến Hướng Dẫn Năm 2020). Tại tiểu mục đầu tiên, SPC lần đầu giải thích khái niệm Tình Huống Tương Tự như là một tình huống đã được tòa án nhân dân các cấp xét xử và đã có hiệu lực (binding cases), có nét tương đồng với trường hợp đang chờ xử lý về các khía cạnh khác nhau, bao gồm các sự kiện cơ bản (basic facts), điểm mẫu chốt (focal points) của tranh chấp hoặc các vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật (issues regarding the application of law). Như đã đề cập ở trên, giải pháp để đảm bảo được tính thống nhất trong xét xử, cũng như áp dụng pháp luật mà SPC tạo ra bao gồm hai hệ thống, Hệ Thống Các Tình Huống Hướng Dẫn và Hệ Thống Các Tình Huống Tương Tự.463 Khác với tình huống tương tự, hệ thống các tình huống hướng dẫn đã được phát triển từ đầu những năm 2010, với các quy tắc triển khai chi tiết được đề cập trong văn bản về các công việc liên quan trong hướng dẫn vụ việc ban hành bởi SPC năm 2015.464 Mặc dù cả hai hệ thống đều là nguồn các tình huống để thẩm phán tham khảo giải quyết vụ việc, sự khác biệt cơ bản nằm ở các khía cạnh như sau: (1) Về nguồn, trong khi hệ thống tình huống hướng dẫn chỉ bao gồm các bản án được SPC lựa chọn và ban hành (khoảng 139 tình huống cho đến nay), hệ thống các tình huống tương tự bao gồm tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật, (2) Về phạm vi so sánh, hệ thống truy vấn tình huống tương tự yêu cầu các thẩm phán đọc toàn bộ nội dung của các vụ việc tương tự và so sánh chúng với toàn bộ vụ việc đang chờ xử lý, còn hệ thống tình huống hướng dẫn chỉ yêu cầu các thẩm phán đọc phiên bản ngắn gọn được tổng hợp kèm ý kiến của SPC và so sánh, (3) Về trích dẫn căn cứ, trong khi hệ thống tình huống tương tự yêu cầu phải tóm tắt tình huống tương tự được dẫn chiếu, thẩm phán chỉ cần tham khảo và trích dẫn các quy định pháp lý mà SPC đã trích xuất trước trong các tình huống hướng dẫn. Bù lại, bản án phải được dẫn chiếu cụ thể tới các văn bản ban hành tình huống dẫn chiếu của SPC trong căn cứ đưa ra phán quyết.465 461 Finder, Susan. "Soft Law of the Supreme People's Court." Available at SSRN (2020). 462 Guiding Opinions on Unifying the Application of Law and Strengthening the Search for Similar Cases (Trial Implementation), xem toàn văn tại: https://cgc.law.stanford.edu/sgg-on-prc-guiding-opinions-search-similar-cases/, truy cập ngày 18/11/2021 463 Jia, Mark. "Chinese common law? Guiding cases and judicial reform." Harvard Law Review 129.8 (2016): 2213. 464 Provisions of the Supreme People’s Court Concerning Work on Case Guidance, 2015, xem toàn văn tại: https://perma.cc/832U-EZTG, truy cập ngày 18/11/2021 465 Guodong Du, Similar Case Retrieving: Does China Move Towards Case Law? - Guiding Cases & Similar Cases Series, 2021, https://www.chinajusticeobserver.com/a/similar-case-retrieving-does-china-move-towards-case-law, truy cập ngày 18/11/2021 276
  5. Như vậy, có thể thấy về khía cạnh lý luận, các tình huống tương tự và tình huống hướng dẫn của Trung Quốc có dáng dấp và khá giống với án lệ (case law) ở các quốc gia theo hệ thống thông luật. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt cơ bản để những tình huống này không thể được coi là án lệ theo nghĩa truyền thống. Bởi nếu các án lệ được sử dụng như nguồn bắt buộc trong áp dụng pháp luật, mục đích của các thẩm phán Trung Quốc khi tra cứu và trích dẫn các tình huống tương tự và tình huống hướng dẫn chỉ là để tham khảo nghĩa vụ đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật thực định và sử dụng trong các trường hợp đang chờ xử lý, nâng cao tính ổn định và khả năng dự báo của pháp luật.466 Nói cách khác, các tình huống này không phải là nguồn sơ cấp của luật và do đó chúng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Thông qua việc xây dựng hệ thống các tình huống hướng dẫn và tình huống tương tự, có thể thấy một nỗ lực không ngừng nghỉ của Trung Quốc trong việc tiếp cận án lệ, nhưng các tình huống nói trên chỉ là phiên bản hướng dẫn dựa trên thực tế của luật thực định, chứ không phải án lệ theo nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, thay vì ban hành các giải thích trừu tượng và chung chung, thông qua các văn bản hướng dẫn như truyền thống trước đây, việc ban hành các hệ thống tình huống là một giải pháp tương đối thấu đáo, vừa thực hiện được chức năng của tòa án tối cao trong giải thích việc áp dụng pháp luật, vừa tiếp cận được tinh thần của án lệ theo hướng phù hợp với truyền thống luật quốc gia.467 Đồng thời trong bối cảnh tốc độ lựa chọn và ban hành các tình huống hướng dẫn vẫn còn chậm, hệ thống các tình huống tương tự được đặt ra như một bước tiến phù hợp, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả và bao quát. Hoạt động xét xử thông thường của tòa án các cấp có thể cung cấp một lượng lớn các vụ án tham chiếu ổn định với một số lượng lớn các kịch bản đa dạng để các tòa án cùng cấp và các tòa án cấp dưới trong phạm vi quyền hạn của mình có thể tham chiếu để áp dụng cho các vụ việc có tính chất tương tự468. 3. Cơ chế tìm kiếm, báo cáo bắt buộc, áp dụng tình huống tương tự tại Trung Quốc 3.1. Cơ chế tìm kiếm, báo cáo bắt buộc, áp dụng tình huống tương tự Mặc dù không phải là nguồn bắt buộc trong áp dụng pháp luật, Hệ Thống Phán Quyết Tương Tự Cho Tình Huống Tương Tự vẫn đặt ra Cơ Chế Tìm Kiếm Và Báo Cáo Bắt Buộc Với Các Vụ Việc Tương Tự (Compulsory Similar Cases Search and Reporting Mechanism) đối với các thẩm phán.469 Lúc này, việc tra cứu các tình huống và đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật được xem là nghĩa vụ của các thẩm phán vụ việc trước khi đưa ra phán quyết. 466 Zhang, Mo. "Pushing the Envelope: Application of Guiding Cases in Chinese Courts and Development of Case Law in China." Wash. Int'l LJ 26 (2017): 269. 467 Hu Yunteng, Luo Dongchuan, Wang Yanbin, Liu Shaoyang: "The Understanding and Application of the " Pro- visions of the Supreme People’s Court Concerning Work on Case Guidance", People's Justice Journal, issue 3, 2011 468 Liu Shude and Hu Jixian: "Understanding and Application of the " Opinions of the Supreme People's Court on Implementing the Judicial Accountability System and Improving the Trial Supervision and Management Mechanism (for Trial Implementation)", People's Justice Journal, issue 25, 2020 469 Meng Yu và Guodong Du, Why Are Chinese Courts Turning to AI?, 2019, https://thediplomat.com/2019/01/why-are-chinese-courts-turning-to-ai/ , truy cập ngày 18/11/2021 277
  6. Theo quy định tại Các Ý Kiến Hướng Dẫn Năm 2020, Tòa án thụ lý một vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây nên tiến hành tìm kiếm các trường hợp tương tự: (1) Vụ việc đã được đệ trình lên cuộc họp chuyên môn của thẩm phán hoặc ủy ban xét xử để thảo luận, (2) Thiếu quy tắc xét xử rõ ràng hoặc chưa hình thành quy tắc xét xử thống nhất, (3) Thủ trưởng hoặc Chánh án một bộ phận của tòa án, dựa trên quyền hạn trong giám sát và quản lý việc xét xử, yêu cầu phải tiến hành tìm kiếm những trường hợp tương tự, (4) Các trường hợp khác mà theo đó cần tiến hành tìm kiếm các trường hợp tương tự. Về dữ liệu tìm kiếm, thẩm phán vụ việc sẽ dựa vào (1) Cơ sở dữ liệu của về bản án trực tuyến470, (2) Cơ sở dữ liệu điện tử về các vụ án đã xét xử của Trung Quốc471 và phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả. Về phạm vi tìm kiếm, các thẩm phán có thể tìm trong (1) Các tình huống hướng dẫn do SPC ban hành; (2) Các vụ án điển hình hoặc các vụ việc đã được SPC xét xử và có hiệu lực pháp luật, (3) các bản án do tòa án nhân dân cấp cao cùng tỉnh (hoặc khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) đã xét xử và có hiệu lực, và (4) Các vụ án đã được xét xử bởi toà án nhân dân ở cấp trên trực tiếp và đã có hiệu lực pháp luật. Ngoại trừ các tình huống hướng dẫn ban hành bởi SPC, nên ưu tiên tham chiếu các vụ việc trong vòng 03 năm gần nhất. Các thẩm phán tiến hành tra cứu theo thứ tự các nguồn nêu trên và nếu đã tìm được tình huống tương tự ở nguồn nào thì không cần tra cứu các nguồn sau nữa. Việc tìm kiếm phải được báo cáo ở cuộc họp hội đồng thẩm phán hoặc các cuộc họp chuyên môn thường kỳ của tòa án, được công bố công khai và lưu trữ lại. Các trường hợp tương tự đã được truy xuất có thể được tòa án nhân dân sử dụng làm tài liệu tham khảo để đưa ra phán quyết hoặc bản án về sau này. Trong quá trình tra cứu, nếu phát hiện có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật trong các vụ việc tương tự trước đó, cơ chế giải quyết mâu thuẫn áp dụng pháp luật được ban hành bởi SPC theo Các biện pháp về thiết lập cơ chế giải quyết sự khác biệt trong áp dụng pháp luật vào tháng 10/2019472 sẽ được thực hiện. Cụ thể, các vụ việc giống nhau được quyết định khác nhau hoặc có sự khác biệt trong việc áp dụng pháp luật tại bản án với các nguyên tắc, tiêu chuẩn áp dụng pháp luật đã được xác định trong các quyết định có hiệu lực của SPC đều phải được báo cáo lên SPC để thực hiện xem xét lại và đưa ra quyết định thống nhất cuối cùng. Ngoài ra, trong trường hợp các tình huống tương tự khác được đệ trình như là căn cứ để khởi tố, tranh tụng hoặc bào chữa bởi các bên, thẩm phán phải có phản hồi thông qua phần lập luận của bản án hoặc một số cách khác để giải thích và làm rõ. Như vậy, các thẩm phán sẽ phải có cái nhìn tương đối bao quát về vụ việc, để xem xét một cách toàn diện các tình tiết cần thiết của các vụ án. Tuy nhiên như đã đề cập, SPC cũng không đưa ra các tiêu chí định lượng cụ thể nào để xác định các tình huống như thế nào được coi là tương tự với nhau. Trên thực tế, sẽ rất hiếm và gần như không có các vụ việc giống nhau hoàn toàn. Lúc này các thẩm phán sẽ phải phát huy khả năng so sánh, 470 Tại địa chỉ http://wenshu.court.gov.cn, truy cập ngày 18/11/2021 471 Tại địa chỉ http: // www.chncase.cn/case , truy cập ngày 18/11/2021 472 Implementing Measures on Establishing a Mechanism for Resolving Differences in the Application of Law, xem toàn văn tại: http://gongbao.court.gov.cn/Details/4924157b9185d524be43df620dc2eb.html, truy cập ngày 18/11/2021 278
  7. đánh giá của mình, thông qua việc lựa chọn ra các tình tiết cơ bản, mấu chốt, đưa vào bối cảnh vụ việc và xem xét các khía cạnh chẳng hạn như quan hệ pháp luật được phản ánh trong vụ án, mục đích tranh tụng đằng sau vụ án, cơ sở lý luận của bản án, môi trường xã hội vào thời điểm đó, các tác động xã hội của phán quyết cũ, các phân tích khoa học pháp lý liên quan, v.v. để đưa ra quyết định cuối cùng.473 Nhìn chung, việc lựa chọn phán quyết nào làm tình huống tương tự để áp dụng là quyết định tương đối chủ quan của thẩm phán vụ việc. Vì tính tự chịu trách nhiệm và tính bắt buộc trong việc tra cứu, đây sẽ là một thách thức mới cho đội ngũ thẩm phán Trung Quốc trong thời gian tới. 3.2. Áp dụng công nghệ mới hỗ trợ cho phán quyết tương tự Trong bối cảnh bắt buộc phải tra cứu về tình huống tương tự, theo hướng dẫn của SPC các thẩm phán vụ việc có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm tìm kiếm từ khóa, tìm kiếm các quy tắc pháp lý liên quan và các tình tiết liên quan. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ quen thuộc với các thẩm phán ở Trung Quốc nói riêng và ở các nước theo hệ thống Dân luật nói chung. Văn hóa xét xử chủ yếu dựa vào luật thực định và thiếu vắng hình bóng của án lệ đã dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm của các thẩm phán trong việc sử dụng phương pháp loại suy, so sánh, việc xác định và định lượng tính tương tự để tham chiếu của các vụ việc cũng là một vấn đề khá nan giải với họ.474 Do đó, AI và Big Data được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết được vấn đề này. Trong Các Ý Kiến Hướng Dẫn Năm 2020, SPC cũng nêu rõ, nhiệm vụ của mỗi tòa án là tích cực đẩy mạnh công tác tìm kiếm các vụ án tương tự, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ có liên quan, đào tạo về ứng dụng công nghệ, đồng thời nâng cao mức độ thông minh và độ chính xác của công nghệ tìm kiếm. Các Tòa án nhân dân cấp cao cần thiết lập cơ sở dữ liệu về các vụ án đã xét xử, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất về các vụ án đã xét xử. Nhìn chung, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để tra cứu của Trung Quốc tới nay đã được hoàn thiện. Trong một báo cáo của mình vào cuối năm 2019 về các kết quả nghiên cứu đầu tiên liên quan đến Quy tắc xét xử và thực trạng áp dụng các tình huống tương tự của tòa án Trung Quốc, SPC đã giới thiệu hệ thống truy xuất cho các trường hợp tương tự do Viện Luật học Ứng dụng Trung Quốc (China Institute of Applied Jurisprudence – CIAJ) thiết kế, với tên gọi "Hệ thống dịch vụ kỹ thuật số luật học ứng dụng của Trung Quốc" (中国应用法学数字化服务系统). Theo đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nền tảng truy xuất dữ liệu lớn “Alpha” để tạo báo cáo dữ liệu lớn về các trường hợp tương tự. Với lệnh tìm kiếm, hệ thống sẽ thông qua rà soát từ khóa, bảng tóm tắt các tình tiết, các quy tắc áp dụng pháp luật trong cơ sở dư liệu để tiến hành các thuật toán và đưa ra kết quả chính xác 473 Guodong Du, Why China Establishes Guiding Case System and Similar Case Retrieval System? –Guiding Cases & Similar Cases Series, 2020, https://www.chinajusticeobserver.com/a/why-china-establishes-guiding-case-system- and-similar-case-retrieval-system, truy cập ngày 18/11/2021 474 Finder, Susan. "China's Evolving Case Law System in Practice." Tsinghua China L. Rev. 9 (2016): 245. 279
  8. nhất.475 Hiện nay, ngoài CIAJ, các tòa án ở địa phương với sự trợ giúp của các công ty công nghệ cũng đã tham gia vào nghiên cứu và phát triển mảng này dẫn đến những sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Đây là một dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng một vấn đề cần lưu ý trong việc thống nhất sử dụng để tránh mâu thuẫn kết quả tìm kiếm của các nền tảng trong tương lai. Một hệ thống dữ liệu lớn và sự trợ giúp của AI được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm các vụ việc tương tự, nâng cao tính chính xác, đồng thời cảnh báo kịp thời các bất thường, các trường hợp mâu thuẫn trong bản án được ban hành. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI và các nền tảng truy xuất dữ liệu cũng đặt ra một vài vấn đề đáng lo ngại bao gồm khả năng chi phối của bên cung cấp dịch vụ (vendor) trong cơ sở dữ liệu, cách vận hành hay tính chính xác của thuật toán, bởi bất kỳ sai sót nhỏ nào trong quá trình đối chiếu, so sánh cho ra kết quả không chính xác cũng có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề trên thực tế, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của thẩm phán và tính công bằng của pháp luật. Ngoài ra, tính ứng dụng cũng cần được xem xét, bởi lẽ kết quả mà các nền tảng hiện nay đưa ra đều chưa đủ chính xác và đáng tin cậy, thêm vào yếu tố tự chịu trách nhiệm khiến các thẩm phán nhìn chung vẫn rất dè dặt và có xu hướng tin tưởng vào khả năng tra cứu của chính mình hơn. Riêng đối với các thẩm phán có kinh nghiệm, những hệ thống như vậy được cho là không cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ tố tụng của Trung Quốc hiện tại, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và sự tham gia của công nghệ là rất thiết thực, nhằm giảm thiểu áp lực cho người xét xử, nâng cao hiệu quả, cũng như đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật. Cùng với sự đầu tư nghiêm túc và tiến bộ vượt bậc của nền tảng công nghệ ở Trung Quốc, trong tương lai chất lượng tra cứu và kết quả tìm kiếm các vụ việc tương tự chắc chắn sẽ được cải thiện. 4. Góc nhìn so sánh với Việt Nam Xét về bối cảnh và động lực của việc tiếp nhận các giá trị của án lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng. Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đang diễn ra, dù ở các mức độ khác nhau nhưng đều tạo nên những thách thức lớn trong hoạt động xét xử của tòa án với những tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp. Hệ thống pháp luật thực định không đủ khả năng bao quát và theo kịp sự phát triển của xã hội vì vậy nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như cải cách tư pháp luôn mang yếu tố cấp thiết476. Việc lựa chọn và công bố các Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự tại Trung Quốc và án lệ tại Việt Nam do đó cũng bắt đầu được chú trọng. Qua phân tích Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự tại Trung Quốc và đối sánh với án lệ tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng trong cách thức tiếp cận nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt. 475 Liu Qiang, China Releases Report on Similar Case Retrieval and Adjudication Rules, 2020, https://www.chinajusticeobserver.com/a/china-releases-report-on-similar-case-retrieval-and-adjudication-rules, truy cập ngày 18/11/2021 476 John Gillespie and Albert H.Y. Chen Eds, Legal reforms in China and Viet Nam: a comparison of Asian communist regimes (2010). 280
  9. Chúng tôi nhận thấy có điểm tương đồng trong cách thức lựa chọn, công bố Tình huống hướng dẫn của Trung Quốc với án lệ tại Việt Nam. Theo đó, tòa án các cấp, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức đều có quyền đề xuất các tình huống hướng dẫn/bản án để làm nguồn cho việc lựa chọn, xem xét, phê duyệt và công bố của Tòa án nhân dân tối cao477. Cách thức này thể hiện rất rõ nguyên tắc tập trung dân chủ - một đặc thù trong nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của các nước Xã hội Chủ nghĩa. Suy cho cùng, mục đích lớn nhất của hoạt động này là hướng đến tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, qua đó nâng cao tính ổn định, công bằng và khả năng dự báo của pháp luật. Tuy nhiên, điều thú vị là tồn tại nhiều điểm khác nhau trong cách thức tiếp cận án lệ giữa hai quốc gia. Nếu Việt Nam tiếp nhận và sử dụng đúng thuật ngữ “án lệ” theo các gọi của các nước Thông Luật thì Trung Quốc lại xây dựng nên khái niệm mới về “Tình huống hướng dẫn”, “Tình huống tương tự” như là một lối đi riêng. Một số học giả luận giải sự khác biệt này là đến từ sự khác biệt giữa “Chủ nghĩa ngoại lệ” (Chinese legal exceptionalism) mà Trung Quốc theo đuổi với “chủ nghĩa pháp lý phổ quát” của Việt Nam (Vietnamese legal universalism)478. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ và vươn lên trở thành một siêu cường, Trung Quốc có vẻ đang theo đuổi “chủ nghĩa ngoại lệ” hướng tới việc tạo ra những trường phái, giá trị khác biệt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là phương Tây. Việc tạo ra Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự là một phần nằm trong khát vọng xây dựng “hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa mang đậm màu sắc Trung Quốc” và là hiện thân của “Chủ nghĩa ngoại lệ” của Trung quốc trong lĩnh vực pháp lý479. Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, không có nhiều ảnh hưởng đến trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu. Ngược lại, Việt Nam lại là nước dễ bị tổn thương trong bối cảnh toàn cầu hóa, điều này khiến cho việc lệ thuộc vào cộng đồng quốc tế lớn hơn và đó cũng là động lực để khuyến khích Việt Nam theo đuổi các giá trị phổ quát, chuẩn mực quốc tế như là một cách để có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế480. Nếu Việt Nam thừa nhận án lệ như là một nguồn pháp luật và buộc các Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau trong hoạt động xét xử thì Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự tại Trung Quốc chỉ được xem là một nguồn thông tin để các thẩm phán tham khảo trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Theo các quy định hướng dẫn áp dụng Tình huống hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc thì khi khi Tòa án nhân dân các cấp đề cập đến một án lệ hướng dẫn xét xử một vụ án tương tự thì sẽ trích dẫn án lệ đó như một phần lý do của bản án/quyết định, nhưng không trích dẫn như một căn cứ để phán xét/phán 477 Xem thêm: Điều 3, 4, 5, 6, 7 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/06/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. 478 Bùi Ngọc Sơn (2019), The Socialist Precedent, Research Paper No. 2019-11, THE CHINESE UNIVERSITY OF HONG KONG FACULTY OF LAW, pp.47 479 CCP Central Committee Decision concerning Several Major Issues in Comprehensively Advancing Governance According to Law, passed on 23 October at the 4th Plenary Session of the 18th Central Committee of the Chinese Communist Party, (CHINALAWTRANSLATE (Oct. 28, 2014) accessed 2 September 2017. – Dẫn theo Bùi Ngọc Sơn, tlđd, tr.47. 480 Bùi Ngọc Sơn, tlđd, tr.47 281
  10. quyết. Thông qua Tình huống hướng dẫn, Tòa án tối cao đang gián tiếp thực hiện hoạt động giải thích pháp luật như là một sự mở rộng phạm vi thẩm quyền lập pháp một cách khá độc lập, bên cạnh thẩm quyền lập pháp theo ủy quyền của cơ quan lập pháp481. Trong khi đó, với Tình huống tương tự, việc tra cứu các tình huống và đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật được xem là nghĩa vụ của các thẩm phán vụ việc trước khi đưa ra phán quyết. Khi các vụ việc giống nhau được quyết định khác nhau hoặc có sự khác biệt trong việc áp dụng pháp luật tại bản án với các nguyên tắc, tiêu chuẩn áp dụng pháp luật đã được xác định trong các quyết định có hiệu lực của SPC đều phải được báo cáo lên SPC để thực hiện xem xét lại và đưa ra quyết định thống nhất cuối cùng. 5. Kết luận Sự hình thành và phát triển của hệ thống các Tình huống hướng dẫn, Tình huống tương tự tại Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt trong việc tiếp cận các giá trị của án lệ và khó có thể dùng các lý thuyết về án lệ của cả Thông Luật lẫn Dân Luật để giải thích. Ngay cả khi so sánh với án lệ tại Việt Nam, dù có những điểm tương đồng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều khác biệt. Chúng ta nhận thấy được một chiến lược rõ nét trong việc xây dựng một “hệ thống pháp luật Xã hội Chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” đang được triển khai và việc tạo ra một loại án lệ hiện đại – “án lệ mang màu sắc Trung Quốc” là một trong những bước đi tuần từ trong chiến lược ấy. Một trong những điểm đặc sắc cần phải nhấn mạnh và tiếp tục theo dõi đó là quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xét xử tại Trung Quốc. Bằng chứng là việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ mới như AI, Big Data (dữ liệu lớn) để vận hành Hệ Thống Phán Quyết Tương Tự Cho Tình Huống Tương Tự và Cơ Chế Tìm Kiếm Và Báo Cáo Bắt Buộc Với Các Vụ Việc Tương Tự (Compulsory Similar Cases Search and Reporting Mechanism) của các thẩm phán. Sẽ là rất sớm để có thể đúc rút ra những giá trị từ Trung Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình phát triển án lệ cũng như cải cách hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đang làm cung cấp một góc nhìn khác biệt về án lệ hiện đại mang màu sắc của một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Chúng tôi cho rằng, kinh nghiệm của Trung Quốc sẽ cung cấp những bài học giá trị cho Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, hệ thống phán quyết tương tự cho tình huống tương tự và cơ chế tìm kiếm, tham khảo tình huống tương tự phục vụ cho các phán quyết của tòa án đang vận hành tại Trung Quốc là rất đáng tham khảo để góp phần nâng cao tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, nâng cao năng lực thẩm phán, giúp cho người dân thực hiện được hoạt động đoán định tư pháp và đưa ra các quyết định tư pháp phù hợp482. 481 Shucheng Wang (2018), Guiding Cases as a Form of Statutory Interpretation: Expansion of Supreme People’s Court’s Judicial Lawmaking Authority in China, Hong Kong Law Journal, Vol. 48, No. 3, 2018 (forthcoming), pp.31 482 Khái niệm về Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp được đề cập bởi Chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình tại Nguyễn Hòa Bình (2019), Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân – Phạm trù pháp lý mới cần quan tâm trong thực tiễn pháp lý nước ta, Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử, < https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyet-dinh-tu-phap-va-doan-dinh-tu-phap-cua-nguoi-dan-pham-tru-phap- ly-moi-can-quan-tam-trong-thuc-tien-phap-ly-nuoc-ta>, truy cập ngày 11/11/2021. 282
  11. Tài liệu tham khảo 1. CCP Central Committee Decision concerning Several Major Issues in Comprehensive- ly Advancing Governance According to Law, passed on 23 October at the 4th Plenary Session of the 18th Central Committee of the Chinese Communist Party, (CHINALAWTRANSLATE (Oct. 28, 2014) accessed 2 September 2017. – Dẫn theo Bùi Ngọc Sơn, tlđd, tr.47. 2. Finder, Susan. "Soft Law of the Supreme People's Court." Available at SSRN (2020). 3. Guodong Du, Meng Yu, Chinese Judges Shall Undergo Review and Approval Before Rendering Judgments, 2018, https://www.chinajusticeobserver.com/insights/chinese- judges-shall-undergo-review-and-approval-before-rendering-judgments.html, truy cập ngày 18/11/2021. 4. Law on the People’s Court No. 9/2009 (Laos). 5. Opinions of the Supreme People's Court on Implementing the Judicial Accountability System and Improving the Trial Supervision and Management Mechanism (for Trial Im- plementation), xem toàn văn tại: http://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=23800&lib=law, truy cập ngày 18/11/2021. 6. Peerenboom, Randall. "Judicial independence in China: common myths and unfounded assumptions." La Trobe Law School Legal Studies Research Paper 2008/11 (2008). 7. Guiding Opinions on Unifying the Application of Law and Strengthening the Search for Similar Cases (Trial Implementation), xem toàn văn tại: https://cgc.law.stanford.edu/sgg-on-prc-guiding-opinions-search-similar-cases/, truy cập ngày 18/11/2021 8. Jia, Mark. "Chinese common law? Guiding cases and judicial reform." Harvard Law Review 129.8 (2016): 2213. Provisions of the Supreme People’s Court Concerning Work on Case Guidance, 2015, xem toàn văn tại: https://perma.cc/832U-EZTG, truy cập ngày 18/11/2021 9. Guodong Du, Similar Case Retrieving: Does China Move Towards Case Law? - Guid- ing Cases & Similar Cases Series, 2021, https://www.chinajusticeobserver.com/a/similar- case-retrieving-does-china-move-towards-case-law, truy cập ngày 18/11/2021 10. Zhang, Mo. "Pushing the Envelope: Application of Guiding Cases in Chinese Courts and Development of Case Law in China." Wash. Int'l LJ 26 (2017): 269. 11. Hu Yunteng, Luo Dongchuan, Wang Yanbin, Liu Shaoyang: "The Understanding and Application of the " Provisions of the Supreme People’s Court Concerning Work on Case Guidance", People's Justice Journal, issue 3, 2011; 283
  12. 12. Liu Shude and Hu Jixian: "Understanding and Application of the " Opinions of the Supreme People's Court on Implementing the Judicial Accountability System and Im- proving the Trial Supervision and Management Mechanism (for Trial Implementation)", People's Justice Journal, issue 25, 2020; 13. Meng Yu và Guodong Du, Why Are Chinese Courts Turning to AI?, 2019, https://thediplomat.com/2019/01/why-are-chinese-courts-turning-to-ai/ , truy cập ngày 18/11/2021 14. Implementing Measures on Establishing a Mechanism for Resolving Differences in the Application of Law, xem toàn văn tại: http://gongbao.court.gov.cn/Details/4924157b9185d524be43df620dc2eb.html, truy cập ngày 18/11/2021 15. Guodong Du, Why China Establishes Guiding Case System and Similar Case Retrieval System? –Guiding Cases & Similar Cases Series, 2020, https://www.chinajusticeobserver.com/a/why-china-establishes-guiding-case-system-and- similar-case-retrieval-system, truy cập ngày 18/11/2021 16. Finder, Susan. "China's Evolving Case Law System in Practice." Tsinghua China L. Rev. 9 (2016): 245. 17. Liu Qiang, China Releases Report on Similar Case Retrieval and Adjudication Rules, 2020, https://www.chinajusticeobserver.com/a/china-releases-report-on-similar-case- retrieval-and-adjudication-rules, truy cập ngày 18/11/2021 18. John Gillespie and Albert H.Y. Chen Eds, Legal reforms in China and Viet Nam: a comparison of Asian communist regimes (2010). 19. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/06/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. 20. Bùi Ngọc Sơn (2019), The Socialist Precedent, Research Paper No. 2019-11, THE CHINESE UNIVERSITY OF HONG KONG FACULTY OF LAW, pp.47 21. Shucheng Wang (2018), Guiding Cases as a Form of Statutory Interpretation: Expansion of Supreme People’s Court’s Judicial Lawmaking Authority in China, Hong Kong Law Journal, Vol. 48, No. 3, 2018 (forthcoming), pp.31 22. Nguyễn Hòa Bình (2019), Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân – Phạm trù pháp lý mới cần quan tâm trong thực tiễn pháp lý nước ta, Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử, < https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyet-dinh-tu-phap-va-doan-dinh- tu-phap-cua-nguoi-dan-pham-tru-phap-ly-moi-can-quan-tam-trong-thuc-tien-phap-ly- nuoc-ta>, truy cập ngày 11/11/2021. 284
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2