intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam

Chia sẻ: Elfredatran Elfredatran | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:53

14
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu chủ yếu của luận án này là làm rõ những đặc điểm của truyện truyền kỳ Việt Nam trong vị thế một loại hình văn học. Đưa ra một cái nhìn tổng quát, có hệ thống về lịch sử của truyện truyền kỳ, từ quá trình hình thành, con đường vận động, các giai đoạn phát triển… nói chung là phác thảo diện mạo của loại hình văn học này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam

  1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC QUẢNG VĂN NGỌC ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 9220121 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM 2. TS. HÀ NGỌC HÒA HUẾ - 2020
  2. Công trình được hoàn thành tại TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC - ĐẠI HỌC HUẾ Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM 2. TS. HÀ NGỌC HÒA Phản biện 1: PGS.TS. ĐOÀN THỊ THU VÂN Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Phản biện 2: PGS.TS. BIỆN MINH ĐIỀN Trường Đại học Vinh Phản biện 3: PGS.TS. NGÔ MINH HIỀN Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Đại học Huế họp tại 03 Lê Lợi, thành phố Huế Vào hồi: 08 giờ, ngày 10 tháng 04 năm 2020 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế - Trung tâm Thông tin tư liệu Đại học Huế
  3. MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong số các di sản văn học Việt Nam thời trung đại, truyện truyền kỳ là một trường hợp hết sức đặc biệt. Dưới vỏ bọc của những câu chuyện quái lạ, dị thường, truyện truyền kỳ là một dạng ký ức văn hóa, lịch sử của cộng đồng. Nó được các nhà Nho sáng tạo ra như một phương tiện nhằm để lưu giữ những giá trị truyền thống và qua đó, chuyển tải những thông điệp quan trọng cho các thế hệ tiếp nối. Truyện truyền kỳ là bằng chứng sinh động về quy luật tiếp biến thể loại, một trong những điểm đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam. Một mặt, nó tiếp thu những mẫu hình cơ bản của lối truyện chí quái, chí dị trong văn học cổ điển Trung Hoa; mặt khác, đây là kết quả của quá trình vận động của văn học dân tộc, đặc biệt là quá trình “thư tịch hoá” các truyền thuyết, giai thoại văn học dân gian. Điều này không chỉ góp phần tạo nên bước đột phá của văn xuôi tự sự trung đại mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc về sau. Truyện truyền kỳ Việt Nam trở thành đối tượng thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới chuyên môn từ rất sớm. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ. Nguyên nhân của những giới hạn trong việc nghiên cứu truyện truyền kỳ chủ yếu là do cách thức, phương pháp nhận thức. Vì thế, việc thay đổi cách thức tiếp cận truyện truyền kỳ là một đòi hỏi khách quan, cần thiết. So với các thể loại khác, điểm đặc biệt của truyện truyền kỳ Việt Nam nằm ở phương thức hình thành và giá trị cốt lõi của nó. Có 1
  4. thể xem đây là một “siêu thể loại”, một hiện tượng văn hóa - văn học đặc thù. Vì thế, nó cần được tiếp cận với tư cách là một loại hình văn học. Đấy cũng chính là xuất phát điểm để chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam”. 2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Mục tiêu chủ yếu của luận án này là làm rõ những đặc điểm của truyện truyền kỳ Việt Nam trong vị thế một loại hình văn học. Luận án sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau đây: Thứ nhất, đưa ra một cái nhìn tổng quát, có hệ thống về lịch sử của truyện truyền kỳ, từ quá trình hình thành, con đường vận động, các giai đoạn phát triển… nói chung là phác thảo diện mạo của loại hình văn học này. Thứ hai, phân tích những điểm đặc trưng của truyện truyền kỳ Việt Nam thông qua việc phát hiện, đánh giá các yếu tố thuộc nội dung và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm. Thứ ba, tìm hiểu mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ với văn hóa – văn học dân gian và vai trò của nó đối với tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Luận án cũng xem xét hiện tượng tương tác của văn học truyền kỳ Việt Nam trong tương quan truyện truyền kỳ của khu vực Đông Á. Ngoài những điểm chính như đã nêu trên, một số vấn đề khác về lý thuyết loại hình truyện truyền kỳ cũng được chúng tôi đề cập và cố gắng giải quyết phần nào trong luận án. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu của luận án là truyện truyền kỳ Việt Nam - một kiểu truyện ký văn xuôi viết bằng chữ Hán, kể những câu chuyện kỳ - lạ, bắt nguồn từ cộng đồng nhằm để bổ khuyết lịch sử và xiển dương giá trị văn hóa Việt. 2
  5. Qua việc khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu, mang tính điển hình, luận án tập trung vào những đặc điểm của loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam trên hai bình diện cơ bản nhất: giá trị văn hóa - lịch sử và giá trị nghệ thuật. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Do tính chất đặc thù của đối tượng truyện truyền kỳ, trong quá trình triển khai luận án, chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, các phương pháp tiếp cận chủ yếu gồm: Phương pháp nghiên cứu loại hình; Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (case study); Phương pháp phân tích - tổng hợp; Phương pháp so sánh - đối chiếu 5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN Nghiên cứu đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam, công trình của chúng tôi có một số đóng góp mới, cụ thể như sau: - Nhận diện, mô tả loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam; phân tích các nhóm truyện truyền kỳ theo một quan niệm mới. - Đưa ra một cách nhìn khác về lịch sử loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam; trình bày quá trình hình thành, phương thức tiếp thu, tiếp biến của loại hình, qua đó nêu bật vị thế văn học sử cũng như quy luật vận động của nó trong tiến trình lịch sử của văn học dân tộc. - Làm rõ giá trị văn hóa - lịch sử của truyện truyền kỳ; chỉ ra vai trò, ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo nội dung cơ bản của luận án được triển khai trong 4 chương: Chương 1. Tổng 3
  6. quan tình hình nghiên cứu; Chương 2. Loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - quá trình vận động và phát triển; Chương 3. Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - những giá trị văn hóa, lịch sử.; Chương 4. Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - từ phương thức thể hiện. Luận án cũng dành một phần có tính chất phụ lục để bổ sung, làm rõ thêm một số thông tin cần thiết liên quan đến nội dung luận án. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Để có cơ sở triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, chương này tập trung phác thảo lịch sử vấn đề qua hai điểm chính. Thứ nhất, trình bày tình hình nghiên cứu truyện truyền kỳ Việt Nam nói chung và thứ hai, mô tả, bàn luận về những công trình nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến đề tài. Trên nền tảng này, luận án sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá; đồng thời nêu vấn đề và hướng giải quyết cụ thể của luận án. 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRUYỆN TRUYỀN KỲ NÓI CHUNG Truyện truyền kỳ là đối tượng được nghiên cứu từ rất sớm. Tuy vậy, phải đến cuối thế kỷ XX, việc nghiên cứu mới có những bước thay đổi quan trọng. Đối tượng này được chú ý tìm hiểu một cách toàn diện hơn; từ những vấn đề chung như lý thuyết loại hình, cho đến các phương diện tư tưởng, nội dung, ý nghĩa xã hội của tác 4
  7. phẩm... Không gian nghiên cứu cũng bắt đầu được mở rộng. Truyện truyền kỳ Việt Nam được soi chiếu qua những bối cảnh văn hóa, văn học rộng hơn. Trong tất cả các vấn đề thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, vấn đề văn bản, so sánh loại hình và những giá trị của văn học truyền kỳ được chú trọng trước hết. Đáng chú ý nhất là khâu sưu tầm, xử lý văn bản. Trải qua một quá trình khảo cứu, so sánh, đối chiếu suốt hàng thế kỷ, cho đến nay, nhìn chung vấn đề văn bản truyện truyền kỳ đã được giải quyết tương đối ổn thoả. 1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN Có hai vấn đề liên quan đến đề tài luận án của chúng tôi từng được giới nghiên cứu bàn thảo từ lâu. Thứ nhất là vấn đề nguồn gốc sinh thành, quá trình vận động của truyện truyền kỳ và thứ hai là mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ Việt Nam với truyện truyền kỳ một số nước trong khu vực. Lý giải về nguồn gốc loại hình, nhiều ý kiến cho rằng truyện truyền kỳ bắt nguồn từ các kiểu loại truyện kể dân gian. Điều này thể hiện không chỉ ở nội dung, hình thức mà cả chức năng, ý nghĩa của truyện truyền kỳ. Về mối quan hệ tương tác, ảnh hưởng qua lại giữa truyện truyền kỳ Việt Nam và khu vực, nhiều tác giả đi sâu lý giải, so sánh truyện truyền kỳ Việt Nam với truyện truyền kỳ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... Từ góc nhìn so sánh, các nhà nghiên 5
  8. cứu đã nhận thấy mối quan hệ sâu sắc giữa truyện truyền kỳ Việt Nam với truyện của các nước này và khẳng định, truyện truyền kỳ Việt Nam không tồn tại một cách cô lập mà tiếp thu và cải biến để vận động, phát triển, hoàn thiện. 1.3. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA LUẬN ÁN Việc nghiên cứu truyện truyền kỳ tuy có nhiều thành tựu song vẫn còn không ít vấn đề chưa được giải quyết. Cho đến nay, những công trình nghiên cứu mang tầm bao quát, có tính hệ thống, đầy đủ về truyện truyền kỳ Việt Nam còn rất hiếm hoi. Luận án này sẽ góp phần làm rõ những đặc điểm của truyện truyền kỳ Việt Nam, một trong những thành tựu quan trọng của văn học dân tộc. Đối tượng sẽ được tiếp cận trên một góc nhìn mới - một hiện tượng văn hóa hoặc, một loại hình văn học đặc thù. Truyện truyền kỳ sẽ được quan sát, đánh giá dựa trên tiêu chí, thước đo chủ yếu là giá trị, thông qua các bình diện như: quy luật sinh thành, quá trình vận động, các đặc điểm thuộc phương diện nội dung, phương thức thể hiện của nó. 6
  9. Chương 2 LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM - QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN Truyện truyền kỳ hiện hữu trong văn học trung đại Việt Nam với một quãng thời gian trên dưới sáu thế kỷ. Đây là một hiện tượng văn hoá - văn học độc đáo, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Chương này có nhiệm vụ trình bày một cách cụ thể diện mạo của loại hình văn học truyền kỳ, đồng thời phác thảo sơ lược quá trình hình thành, con đường vận động và phát triển của nó. 2.1. TRUYỆN TRUYỀN KỲ - MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC 2.1.1. Cơ sở lý thuyết về “loại hình”, “loại hình truyện truyền kỳ” Trong các công trình nghiên cứu văn học, “loại hình”, “loại hình văn học” là những khái niệm được dùng rất phổ biến. Tuy vậy, với tư cách một thuật ngữ nghiên cứu khoa học văn học, nó được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Khái niệm “loại hình văn học”có thể hiểu là “kiểu văn học giống nhau, có tính chất tiêu biểu đối với một thời đại lịch sử” hay một kiểu/ dạng văn học mang những nét đặc trưng của một thời đại, một nền văn hóa cụ thể nào đó. Loại hình cũng có thể hiểu là một tập hợp những tác phẩm có chung “chức năng”, “cấu trúc”, hoặc những tác phẩm văn học giống nhau về “phương thức thể hiện”, “thiết chế” được sử dụng để kiến tạo nên tác phẩm. 7
  10. Truyện truyền kỳ là một hiện tượng văn học rất đa dạng. Ranh giới giữa nó với những tác phẩm thuộc dạng truyện yêu ma, truyện chí quái chí dị, truyện huyễn tưởng, kinh dị…, trên một số phương diện cụ thể là không thật sự rõ ràng. Luôn có sự đan xen, xâm lấn giữa chúng về mặt hình thức, chức năng, giá trị, nguồn gốc… với những mức độ nhiều ít khác nhau. Muốn tìm hiểu, nghiên cứu truyện truyền kỳ thì cần, vận dụng phương pháp “tư duy loại hình” để có thể nhận diện, phân xuất, mô hình hóa… đối tượng. Loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam là một sản phẩm được “lai tạo” giữa văn học truyền khẩu với văn học thành văn; có sự đa tạp về phong cách do được kết hợp nhiều nguồn. Xét về tính năng, công dụng, nó mang tính chất dung hợp, không chỉ “văn - triết - sử” mà còn cả tôn giáo, tín ngưỡng, địa chí, phong tục... Đây là một chỉ dấu về sự phát triển tư tưởng, tư duy và nghệ thuật của dân tộc ta. Truyện truyền kỳ kết tinh trong đó các giá trị văn hoá - lịch sử được hình thành qua hàng ngàn năm, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn học trong khu vực. Vì thế, nó mang đậm dấu ấn tâm thức văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt. Đó là một dạng folklore được “tân biên” thành một thứ văn chương bác học. 2.1.2. Nguồn gốc và ý nghĩa của truyện truyền kỳ Việt Nam Truyện truyền kỳ Việt Nam có nguồn gốc đa nguyên và mang giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc. Quy luật hình thành loại hình văn học này rất khác với các thể loại khác của văn học trung đại. Nó phát 8
  11. triển theo phương thức cải biên các giai thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian; “văn bản hóa” các yếu tố folklore, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc chuyển thể các tác phẩm văn học Trung Quốc và cả phương thức hư cấu… Tất cả những biểu hiện đó cho thấy tính chất đa tạp, sinh động của truyện truyền kỳ Việt Nam. Xét về giá trị, truyện truyền kỳ có hai điều nổi bật: giá trị văn hiến và ý nghĩa lịch sử. Nó trở thành phương tiện lưu giữ ký ức văn hóa, ký ức lịch sử của cộng đồng người Việt qua hàng ngàn năm. Mặt khác, bản thân nó cũng là một biểu tượng cho văn hiến Việt Nam. 2.2. QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM XÉT TRÊN PHƯƠNG DIỆN LOẠI HÌNH Lịch sử loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam trên đại thể, gồm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng xét về nội dung, giá trị cũng như phương thức thể hiện. Giai đoạn thứ nhất, từ thế kỷ X - XIV là giai đoạn có tính khởi đầu. Truyện truyền kỳ giai đoạn này gắn bó nhiều với các thể loại văn học chức năng. Giai đoạn thứ hai, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu nhất. Giai đoạn thứ hai, từ thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX. Truyện truyền kỳ giai đoạn này nằm trong quá trình chuyển hóa, thay đổi và kết thúc số phận lịch sử của nó. Cách phân chia này chủ yếu dựa vào tính liên thông, liên tục, sự tương đồng về nội dung và thi pháp của các tác phẩm. 9
  12. 2.2.1. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV-truyện truyền kỳ trong mối tương quan với văn học chức năng, nghi lễ, tôn giáo Đây được coi là giai đoạn khởi đầu của loại hình văn học truyền kỳ. Tác phẩm truyền kỳ lúc này chủ yếu mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, lễ nghi. Vì thế nội dung, hình hài, diện mạo của các truyện truyền kỳ cũng có đặc điểm riêng. Nhìn chung, quá trình định hình của truyện truyền kỳ giai đoạn này diễn tiến theo quy luật chung của văn xuôi trung đại: thoát dần vai trò văn học chức năng, văn chương nhật dụng để đến gần hơn với văn học hình tượng. Sự hoàn thiện của lối truyện truyền kỳ chức năng đã tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc ở giai đoạn kế tiếp. 2.2.2. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII - quá trình hoàn thiện truyện truyền kỳ trên con đường tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa, văn học Đây là giai đoạn phát triển, hoàn thiện của truyện truyền kỳ. Các nhà văn đã có ý thức tiếp thu một cách sáng tạo những yếu tố cần thiết từ nguồn mạch, chất liệu văn học dân gian cũng như yếu tố văn học nước ngoài để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Với những bộ sách được coi là kết tinh thành tựu mấy trăm năm của loại hình văn học này như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả…, truyện truyền kỳ đã có những bước chuyển biến mang tính đột phá. Diện mạo loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam đã trở nên hoàn thiện. 10
  13. 2.2.3. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX - quá trình chuyển hóa và kết thúc loại hình truyện truyền kỳ Sau giai đoạn đỉnh cao, truyện truyền kỳ Việt Nam vẫn tiếp tục con đường vận động, phát triển liên tục của nó. Tuy vậy, đã có những thay đổi quan trọng về nội dung, hình thức cũng như phương thức hình thành truyện truyền kỳ. Loại hình này bắt đầu vận động theo xu hướng khác. Các truyện được trình bày theo hình thức tiểu phẩm, tốc ký những điều “kiến văn”, “thính văn” các “tiểu sử”, “dã sử”, “liệt truyện”. Nội dung thiên hẳn về lối truyện “kỳ nhân”, “dị nhân”, “dị lục”… chủ yếu là “cải biên” các bộ truyện truyền kỳ vốn lưu hành từ trước. Đặc biệt, đã bắt đầu xuất hiện lối truyện truyền kỳ quốc ngữ, chuẩn bị cho sự đột phá của xu hướng “phỏng truyền kỳ” của văn xuôi hiện đại trong chặng đầu thế kỷ XX. 11
  14. Chương 3 LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM – NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ Chương này đi vào phân tích hai điểm chủ yếu, mang tính đặc thù của truyện truyền kỳ Việt Nam xét trên phương diện nội dung. Đó là những ký ức lịch sử, văn hóa của dân tộc trong truyện truyền kỳ và thế giới “linh”, “dị” trong truyện truyền kỳ. 3.1. KÝ ỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ 3.1.1. Truyện truyền kỳ - một lối “sử trong truyện” Trong các tác phẩm truyền kỳ, “tinh thần lịch sử” luôn xuyên thấm ở hầu hết mọi hình tượng. Nó thể hiện một cách nhìn độc đáo về cội nguồn dân tộc, hạo khí của đất nước. Theo đó, Đất Nước không chỉ là cương vực, địa lý mà còn là “hồn thiêng”, “linh khí” của vạn vật; dân tộc không chỉ có con người mà còn là nơi cư ngụ của những thế lực siêu nhiên. Mọi thứ đều được bảo hộ bởi các thần, thánh, tiên, tinh, mẫu…. Hình hài đất nước đã được hình tượng hóa, chuyển hóa vào các kiểu chân dung người, thần, vật linh diệu. Đó cũng chính là tinh thần lịch sử ẩn tàng trong truyện truyền kỳ. Tinh thần lịch sử được bộc lộ rất rõ qua chân dung các bậc tuấn kiệt, hiền tài nước Việt, những cá nhân ưu tú, tiêu biểu cho tài trí, khí phách dân tộc. Họ hiện diện bằng nhiều danh phận khác nhau: đế vương, võ tướng, văn thần, anh hùng, liệt nữ, Nho sĩ trí thức, người tu hành… Đây là những nguyên mẫu nhân vật lịch sử đã được 12
  15. nhào nặn, chế tác thành hình tượng văn học theo lối truyền kỳ. Chân dung, hành trạng của họ đã bị khúc xạ theo một phương thức đặc thù để thành biểu tượng cho sự tinh anh của cộng đồng. 3.1.2. Truyện truyền kỳ và giá trị văn hóa Việt Nam Trong quan niệm của người Việt, con người và địa vật luôn liên quan hô ứng với nhau. Đất đai cũng là thứ “hữu linh”, cũng có linh hồn. Vì thế, “địa linh” luôn gắn kết với “nhân kiệt” một cách chặt chẽ. Một mặt, đất đai phong thổ chính là đất nước, tổ quốc theo nghĩa đen, là gốc tích để làm nơi sinh xuất, làm điểm tựa cho “nhân kiệt”, mặt khác, chính con người cũng làm cho đất đai trở nên linh diệu. Chính vì vậy mà truyện về các miền đất luôn chiếm vị trí quan trọng trong truyện truyền kỳ. Có thể thấy, đặc điểm chung của truyện kể về các miền đất thiêng, nơi linh địa trong loại hình truyền kỳ là sự hòa quyện giữa Thần - Người - Đất. Địa “linh” là bởi có các sự tích, tình tiết “kỳ”, dị” của thần, nhân góp vào. Đó là mô thức khá thống nhất cho truyện kể về các miền đất. Chính màn sương khói vừa hư vừa thực của các câu chuyện về nhân, thần đã góp phần tạo ra giá trị văn hóa của danh lam thắng tích. Công trình kiến trúc có thể không nguy nga đường bệ, không thật tinh xảo cầu kỳ, thế nhưng chính huyền thoại sẽ bù đắp những phần hạn chế đó. Và đó là nét đặc sắc của truyện truyền kỳ về văn vật Việt Nam. 3.2. THẾ GIỚI “LINH”, “DỊ” TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ 3.2.1. Truyện “dị nhân”, “quái sự” Chủ đề “kỳ nhân”, “dị nhân” là một nét bổ sung rất có ý nghĩa cho chân dung “người Việt tài trí” trong truyện truyền kỳ. Nếu danh nhân là những “người hiền”, những người có uy vọng trong xã hội, là 13
  16. “nguyên khí quốc gia”, thì đối với kỳ nhân, dị nhân, điểm cốt yếu chỉ là sự khác lạ, siêu phàm. Chủ đề “quái sự” rất hay xuất hiện trong các truyện truyền kỳ. Nó thường được dùng để chỉ những sự lạ, bao gồm cả sự việc kỳ lạ và sự vật kỳ lạ. Truyện truyền kỳ “quái sự” là một chủ đề rất đa dạng, trong đó hai hiện tượng nổi bật nhất là chuyện kỳ ngộ và chuyện yêu ma. Xét về mặt nội dung tác phẩm, truyện quái sự khá gần gũi với một thể tài thường được gọi là “chí quái chí dị” trong truyện ký trung đại. Tuy vậy, chúng là những hiện tượng văn học khác nhau cả về phương thức hình thành cũng như ý nghĩa, giá trị của tác phẩm. 3.2.2. Truyện “nhân - quả”, “báo ứng” Trong truyện truyền kỳ, biểu hiện của quy luật nhân - quả, linh ứng là một hiện tượng rất phổ biến. Hiện tượng linh ứng thực chất cũng là một biểu hiện khác của chủ đề “linh địa”. Đây là một dòng mạch xuyên suốt, rất nhất quán trong truyện truyền kỳ Việt Nam mà điểm cốt lõi là sự linh thiêng, linh ứng của đất đai thổ trạch. Ở phạm vi rộng lớn (cộng đồng, dân tộc) thì biểu hiện của nó là khí thiêng sông núi hóa vào hình tượng thổ địa thổ thần “hộ quốc”; còn ở phạm vi nhỏ hẹp (gia đình, cá nhân) thì biểu hiện đó là các chuyện gia tộc, con cháu phát phúc do cát trạch. 14
  17. Chương 4 ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM - TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN Phương thức thể hiện của truyện truyền kỳ rất phong phú, với nhiều yếu tố, thủ pháp được nhà văn vận dụng để tạo nên tác phẩm. Nó được cụ thể hóa qua các yếu tố hình thức. Trong đó nổi bật là vấn đề cốt truyện, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật và lời văn. 4.1. CỐT TRUYỆN VÀ PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN 4.1.1. Đặc điểm cốt truyện truyện truyền kỳ Về mặt hình thái tác phẩm, truyện truyền kỳ Việt Nam là một tập hợp rất nhiều kiểu dạng rất khác nhau. Có những truyện mang dáng dấp truyện ngắn, có trường hợp chỉ là một “tiểu phẩm”, hoặc là một sự kết hợp, dung hợp trong đó nhiều thể văn, thơ khác nhau… Nhìn chung, mô hình cốt truyện truyền kỳ rất ổn định, thống nhất. Đó là dạng cốt truyện thể hiện một hiện tượng, một sự kiện tự nhiên, xã hội… theo quy luật nhân - quả. Đặc biệt, cốt truyện truyền kỳ luôn chứa đựng yếu tố khác lạ. Chính yếu tố đó đã làm nên đặc điểm, tính khu biệt của loại hình văn học này. 4.1.2. Phương thức tổ chức cốt truyện truyện truyền kỳ Nhìn chung, phương thức tổ chức cốt truyện truyền kỳ khá đơn điệu, đơn giản. Trên đại thể, đó chỉ là sự sắp xếp các mô tip theo trật tự nhân - quả hoặc ghép nối mô tip theo chuỗi liên hoàn để thành cốt truyện hoàn chỉnh. Đây có thể coi là một đặc điểm chung của loại hình truyện truyền kỳ. 15
  18. 4.2. PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ 4.2.1. Hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ Hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ thường được thể hiện theo ba nhóm là “Thần Tiên”, “người trần” và “yêu quái”. Tất cả đều được mô tả theo một số mô thức, khuôn mẫu nhất định, tùy thuộc nguồn gốc và hoạt động của chúng. Mọi nhân vật truyền kỳ đều có những điểm khác biệt như sinh xuất kỳ lạ, hình tướng lạ, năng lực siêu phàm… Những tình tiết kỳ dị như thế là điều cần thiết và có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Có thể xem đó là nét đặc thù của phương thức thể hiện hình tượng nghệ thuật của loại hình truyện truyền kỳ. 4.2.2. Hình tượng không gian, thời gian trong truyện truyền kỳ Không gian và thời gian nghệ thuật truyện truyền kỳ cũng mang những đặc trưng riêng. Đó vừa là không gian địa lý cụ thể, thời gian mang tính lịch sử, lại vừa là không gian, thời gian có nhiều yếu tố lạ kỳ, hoang đường. Các yếu tố đó đã tạo nên một thế giới được bao phủ bởi một lớp sương khói linh diệu, huyền ảo cuốn hút người đọc. Đặc điểm quan trọng nhất của không gian truyện truyền kỳ là sự pha trộn, hỗn dung các dạng thế giới khác nhau. Không gian đó có đủ ba “giới” cơ bản là “trần giới”, “tiên giới”, “âm giới”; chúng không tồn tại tách biệt mà gộp lại để làm nơi cư ngụ cùng lúc của ba giống loài: Thần Tiên, người vật và yêu ma. Hai dạng thức không gian thực tế và không gian huyền ảo được các tác giả mô tả khá kỹ lưỡng. 16
  19. Thời gian nghệ thuật trong truyện truyền kỳ vừa mang tính lịch sử lại vừa mang tính hoang đường. Thời gian kỳ ảo hòa trộn với không gian hoang đường trở thành nét riêng của thế giới truyền kỳ. 4.3. LỜI VĂN TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ 4.3.1. Lối văn “truyện kể” trong truyện truyền kỳ Đặc điểm nổi bật của lời văn truyện truyền kỳ là tính chất khuôn mẫu theo phong cách truyện kể dân gian. Từ cách mở đầu, chuyển đoạn, kết thúc… cho đến việc sắp xếp, trình bày văn bản, tất cả đều theo một số khuôn mẫu quen thuộc. Tính chất truyện kể còn được thể hiện qua cách tổ chức trần thuật, lời thoại, và văn bản. Nói chung, tất cả mọi yếu tố ngôn ngữ truyện truyền kỳ đều được hiển lộ qua lời kể của tác giả. 4.3.2. Sự đa dạng của văn bản truyện truyền kỳ Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của văn bản truyện truyền kỳ là văn thể, văn bản rất đa dạng. Những tác phẩm xuất hiện ở giai đoạn sơ khởi của truyện truyền kỳ thường có dạng thức một văn bản chức năng, nhật dụng. Tuy nhiên càng về sau, văn thể càng phong phú hơn: truyện, ký, chí, lục, văn tế, thơ ca… Thậm chí còn có hiện tượng dung hợp nhiều thể văn, thơ vào trong một tác phẩm. Điều đó càng tăng thêm sức hấp dẫn của truyện truyền kỳ. 17
  20. KẾT LUẬN Nghiên cứu đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ là một công việc rất khó khăn. Để đạt mục đích nghiên cứu, chúng tôi đã mạnh dạn đưa ra một quan niệm khác về truyện truyền kỳ, coi đó là một loại hình văn học. Qua khảo sát các phương diện nguồn gốc, quá trình vận động, đặc điểm nội dung và phương thức thể hiện của truyện truyền kỳ, những vấn đề có thể rút ra về đối tượng này là: 1. Loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam là một hiện tượng văn hóa - văn học hết sức đa dạng, phức tạp. Xét về cách thức biểu hiện, nó là một sản phẩm được “lai tạo” giữa văn học truyền khẩu với văn học thành văn, là thứ văn chương mang tính chất dung hợp, không chỉ “văn - triết - sử” mà còn gồm tôn giáo, tín ngưỡng, địa chí, phong tục... Nó mang đậm dấu ấn tâm thức văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt, là một dạng folklore được “tân biên” thành văn chương bác học. Truyện truyền kỳ Việt Nam có nguồn gốc đa nguyên và mang giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc. Nó vừa phát triển theo phương thức cải biên các giai thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian vừa hình thành theo hình thức “văn bản hóa” các yếu tố folklore, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc chuyển thể các tác phẩm văn học Trung Quốc và cả theo phương thức hư cấu… Tất cả những biểu hiện đó cho thấy tính chất đa tạp, sinh động của truyện truyền kỳ Việt Nam. Xét về mặt giá trị, truyện truyền kỳ có hai điểm nổi bật. Đó là giá trị văn hiến và ý nghĩa lịch sử. Truyện truyền kỳ là phương tiện lưu giữ ký ức văn hóa, ký ức lịch sử của cộng đồng người Việt 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2