intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Triết lí bánh chưng bánh giầy trong văn hóa ngày tết của người Việt

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

13
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Triết lí bánh chưng bánh giầy trong văn hóa ngày tết của người Việt trình bày những giá trị và triết lí của bánh chưng bánh giầy trong văn hóa ngày Tết của người Việt. Bài viết cho thấy vấn đề gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc là việc làm cần thiết trong bối cảnh giao lưu văn hóa sâu rộng như ngày nay

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Triết lí bánh chưng bánh giầy trong văn hóa ngày tết của người Việt

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 34 – Tháng 12/2022 TRIẾT LÍ BÁNH CHƯNG BÁNH GIẦY TRONG VĂN HÓA NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT The philosophy of banh chung, banh day in Vietnamese Tet holiday culture 1 Nguyễn Minh Ca 1 Giảng viên Khoa XHNV & Truyền thông, Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ, Việt Nam nguyenminhca@gmail.com Tóm tắt — Văn hóa ngày Tết là một trong những nét đặc trưng văn hóa của người Việt. Tết là thời điểm kết thúc vụ mùa, dịp đoàn tụ gia đình, nhớ về nguồn cội,… Trong ngày Tết, bánh chưng bánh giầy là loại thức cúng không thể thiếu để dâng lên ông bà tổ tiên. Trong bài viết này, tác giả trình bày những giá trị và triết lí của bánh chưng bánh giầy trong văn hóa ngày Tết của người Việt. Bài viết cho thấy vấn đề gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc là việc làm cần thiết trong bối cảnh giao lưu văn hóa sâu rộng như ngày nay. Abstract — Tet culture is one of the cultural characteristics of Vietnamese people. Tet is the time to end the crop, reunite with the family, remember the roots, etc. During Tet, banh chung and banh giay are an indispensable offering to the ancestors. In this article, the author presents the values and philosophies of banh chung and banh giay in Vietnamese Tet culture. The article shows that preserving the nation's long-standing traditional values is a necessary job in the context of extensive cultural exchanges today. Từ khóa — Văn hóa ngày Tết, bánh chưng bánh giầy, Culture on Tet holiday, banh chung and banh giay, Vietnamese people. 1. Giới thiệu Tết là thời điểm giao mùa của vạn vật, thời điểm kết thúc vụ mùa, đồng thời là thời điểm đoàn tụ gia đình,… Mùa xuân còn được xem là mùa của tình yêu, mùa kết giao vạn vật,… Đối với người Việt, ngày Tết còn là dịp thể hiện lòng thành kính của mình đối với ông bà tổ tiên. Trong cách thức cúng trên bàn thờ gia tiên trong các ngày lễ Tết, tuy thức cúng các vùng miền khác nhau nhưng bánh chưng, bánh giầy (miền Bắc), bánh tét (miền Nam) là thứ không thể thiếu của người Việt. Có thể nói, bánh chưng và bánh giầy là sản phẩm đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp không chỉ thể hiện lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên mà còn thể hiện tính triết lí giao hòa giữa trời và đất (triết lí âm dương), của vạn vật trong tự nhiên. Việc gìn giữ truyền thống của dân tộc không thể không kể đến việc gìn giữ nét văn hóa bánh chưng ngày Tết của người Việt. 2. Những biểu hiện của triết lí bánh chưng, bánh giầy trong ngày văn hóa Tết của người Việt 2.1. Tính triết lí trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt Hiểu một cách thông thường, triết lí chính là kết quả của một quá trình nhận thức của con người nhằm đúc kết những chân lí về các vấn đề nhân sinh và xã hội. Đó là kết quả của quá trình nhận thức, đi sâu khám phá, chỉ ra được bản chất có tính quy luật của sự vật để khái quát thành những luận đề có giá trị phổ quát trong cuộc sống. Hay nói cách khác, triết lí là những điều mà chúng ta đúc kết được từ trong cuộc sống, đó có thể là những bài học, những suy tưởng, những quan niệm,… sau đó trải qua thử thách của thời gian và nó đã trở thành những chân lí mang tính phổ quát trong đời sống. Bàn về khái niệm triết lí, Thanh Lê trong từ điển Xã hội học khẳng định: “Bất cứ xã hội nào cũng xác định khái niệm về cái thiện cái ác, cái đẹp và cái xấu, cái vinh và cái nhục,… Đó là những giá trị của xã hội mà mọi cá nhân trong xã hội phải tuân theo” (Thanh Lê, 2003, tr98 - 99). 39
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 34 – Tháng 12/2022 Như vậy, triết lí là một quá trình nhận thức, chiêm nghiệm, đúc kết lâu dài của cá nhân hay lớn hơn là dân tộc. Ẩm thực không chỉ để nuôi sống con người mà còn là văn hóa, nhận thức của họ trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người và con người với thế giới thần linh, tổ tông,… Người Việt, trong văn hóa ẩm thực của mình rất chú trọng đến sự hòa hợp của âm dương. Với họ, ăn không chỉ để tồn tại mà còn là văn hóa nhận thức, văn hóa ứng xử và trở thành đạo lí giáo dục từ ngàn đời. Người Việt hay dùng từ ăn kết hợp với các hoạt động khắc trong cuộc sống như: Ăn nói, ăn ở, ăn năn, ăn nằm, ăn vạ, ăn sương,… để biểu thị hoạt động, tính cách, đặc trưng, hoàn ảnh, số phận của con người. Đặc biệt, tục ngữ “Ăn coi nồi ngồi coi hướng/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trở triết lí giáo dục đạo đức cho nhiều thế hệ. Đến đây có thể khẳng định bánh chưng, bánh giầy (hay bánh tét ở miền Nam) là thức cúng và là thức ăn ngày Tết thể hiện triết lí của người Việt trong việc thể hiện tôn kín của mình đối với ông bà tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, công ơn sinh thành dưỡng dục. Nhà nghiên cứu Phan Huy Lê cho rằng: “Lịch sử mở nước của các dân tộc trên thế giới, dù có hay chưa có chữ viết đều ít nhiều đắm chìm trong một kho tàng truyền thuyết như vậy” (Phan Huy Lê, 2012, tr56). 2.2. Triết lí bánh chưng, bánh giầy trong văn hóa ngày Tết Nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy bắt nguồn từ truyền thuyết vua Hùng Vương thứ VI, kể về việc truyền ngôi cho con và lí giải sự ra đời của bánh chưng bánh giầy. Bánh chưng bánh giầy từ miền Bắc đến miền Nam tuy có biến đổi về hình dáng nhưng nguyên liệu, cách chế biến, cách sử dụng,… vẫn không thay đổi nhiều. Như tác giả đã đề cập, bánh chưng bánh giầy không chỉ đơn thuần là thức cúng dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày Tết mà còn thể hiện triết lí, nhân sinh quan của người Việt, đồng thời còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nền nông nghiệp lúa nước. Phạm Văn Đồng cho rằng: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng” (Phạm Văn Đồng, 1969). Hình 1. Bánh chưng trong văn hóa người Việt Nguồn: Tác giả sưu tầm từ internet Về triết lí âm dương: Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời, thể hiện triết lí âm dương của phương Đông và triết lí vuông tròn của người Việt Nam nói riêng. Người Việt quan niệm vuông tròn chỉ việc thuận lợi, hanh thông trong mọi việc. Ngoài ra, bánh chưng thuộc âm biểu trưng cho người mẹ; bánh giầy thuộc 40
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 34 – Tháng 12/2022 dương biểu trưng cho người cha. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ được ví như trời đất nên triết lí này còn thể hiện lòng biết ơn, tôn kính cha mẹ. Về triết lí ngũ hành: Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, nguyên liệu và cách nấu bánh cũng thể hiện quan niệm ngũ hành của phương Đông. Theo quan niệm này, bánh chưng chứa đựng các yếu tố tương sinh tương khắc, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức. Thứ nhất về thành phần, màu trắng của nếp mới (Kim), màu xanh của lá dong (Mộc), lạt mềm luộc chín trong nước (Thủy), màu đỏ của thịt lợn luộc chín (Hỏa), màu vàng ngà của hạt đỗ (Thổ). Thứ hai, quá trình nấu bánh cũng thể hiện quan niệm ngũ hành của phương Đông. Trong đó, nồi dùng để luộc thuộc Kim, củi dùng để nấu bánh thuộc Mộc, nước dùng để luộc bánh thuộc Thủy, lửa thuộc Hỏa, ba ông táo thuộc Thổ. Thời gian nấu bánh khá lâu nên các thành phần như thịt, gạo nếp, mùi của hành, lá dong/chuối,… quyện vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo biểu hiện triết lí sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc. Như vậy, bánh chưng (hay bánh tét của miền Nam) bánh giầy tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, ra đời cùng với nguồn gốc của dân tộc Việt, phản ánh tư tưởng trọng nông của con người. Từ những sản phẩm của nghề nông như lá dong (miền Bắc), lá chuối (miền Nam), đỗ xanh (đậu xanh của miền Nam), thịt lợn, lạt mềm,… người Việt đã làm ra một sản phẩm không chỉ có chức năng làm thức cúng, thức ăn, mà còn làm quà Tết trong mỗi dịp xuân về. Hơn thế, bánh chưng còn là sản phẩn của tư duy người Việt, phản ánh nét văn hóa độc đáo của dân tộc trọng nông nghiệp như Việt Nam. 2.3. Giá trị văn hóa của bánh chưng ngày Tết Bánh chưng bánh giầy không chỉ thể hiện triết lí nhân sinh của dân tộc Việt mà còn có ý nghĩa thể hiện tấm lòng của những người con nhớ đến ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhớ ơn ông bà tổ tiên và ý nghĩa lớn hơn là tạ ơn trời đất. Ý nghĩa này phản ánh tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, một trong những đạo lý sống quan trọng của người Việt. Nói về giá trị văn hóa ngày Tết của bánh chưng bánh giầy, nhóm nghiên cứu của Trịnh Thế Truyền cho rằng: “Với bối cảnh câu chuyện được xây dựng hợp lý về tình huống kén chọn người tài dâng cúng sản vật muôn phương, truyện hai thứ bánh truyền thống được lý giải một cách hợp lý, sâu sắc về quan niệm của cư dân nông nghiệp trồng lúa, đó là sự trân quý cây lúa, hạt gạo hàng đầu trong trời đất. Đây có thể coi là quan niệm gốc cho mọi kiến giải về các đặc sản ẩm thực của văn hóa Việt Nam” (Trịnh Thế Truyền và cộng sự, 2020, tr89). Truyền thuyết bánh chưng bánh giầy phản ánh tư tưởng này của người Việt khi vua Hùng Vương thứ VI truyền phán về việc truyền ngôi: “Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám” (Nguyễn Khắc Phi và cộng sự, 2000, tr9). Các hoàng tử đa phần tìm kiếm vật lạ đắc giá dâng cúng, duy chỉ Lang Liêu đem đến vật cúng rất bình thường nhưng đầy ý nghĩa. Lang Liêu được miêu tả là Vị hoàng tử thứ XVIII, do mẹ mất từ sớm, trong nhà ít người, dù cận ngày dâng lễ vật mà chưa có gì quý để tỏ lòng thành kính. Nhưng Lang Liêu lại có tính tình thuần hậu, chí hiếu, mãi lo không có gì báo dâng báo hiếu nên lo lắng ngày đêm không ăn ngủ được. Trong lúc thiếp đi vì mệt, hoàng tử đã có giấc mộng được một vị thần chỉ dẫn cách làm ra bánh chưng, bánh giầy để dâng vua. Lang Liêu dùng những nguyên liệu từ đồng ruộng và cuộc sống hằng ngày để làm nên bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời. Nhận những sản vật Lang Liêu, vua Hùng rất vừa ý món bánh chưng, bánh giầy của chàng, phán truyền với các quan và dân chúng: “Bánh hình tròn tượng Trời ta đặt tên bánh giầy. Bánh hình vuông tượng Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau” (Nguyễn Khắc Phi và cộng sự, 2000, tr11). Vua Hùng truyền ngôi báu lại cho Lang Liêu vì cho rằng hoàng tử phải là người biết được đạo lí của trời đất, biết yêu lao động, trân trọng từng hạt gạo do người nông dân đã phải một 41
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 34 – Tháng 12/2022 nắng hai sương, lam lũ vất vả làm ra,... thì mới có thể làm nên một loại bánh ngon và ý nghĩa đến như vậy. Hình 2. Bánh giầy cổ truyền Nguồn: Tác giả sưu tầm từ internet Ngày nay, nhiều sản phẩm công nghiệp ra đời, nhiều gia đình chuộng những sản phẩm sẵn có nhiều hơn thay vì nấu bánh truyền thống như trước. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chuyên làm bánh này để kinh doanh nên cũng tiện lợi trong việc giữ lại truyền thống cúng ông bà tổ tiên nhân dịp lễ Tết, giỗ chạp. Một vấn đề khác quan trọng hơn là truyền lại cho thế hệ sau những triết lí xưa của dân tộc và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của ông bà để lại. Giới trẻ ngày nay ưa tính thuận tiện trong cuộc sống hiện đại; có nhiều sự lựa chọn trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là ẩm thực nên gìn giữ văn hóa làm bánh chưng bánh giầy cũng là gìn giữ truyền thống quý báu uống nước nhớ nguồn của dân tộc, hiểu được nhận thức, triết lí của ông cha từ hàng ngàn năm trước. Bàn về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Trịnh Thế Truyền cho rằng: “Hình tượng và biểu tượng trong hệ thống các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương là những sản phẩm của trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo tinh thần vô cùng đẹp đẽ của người Việt và đã trở thành những biểu tượng quen thuộc đối với người Việt. Nhận thức đầy đủ về những hình tượng cũng như biểu tượng này là một yêu cầu cấp thiết nhằm phục vụ cho công cuộc bảo tồn và phát huy nguồn lực di sản văn hóa cổ truyền nói riêng và xây dựng vốn văn hóa đậm bản sắc của dân tộc nói chung, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng hiện nay” (Trịnh Thế Truyền và cộng sự, 2020, tr92). 3. Kết luận Bánh chưng (hay bánh tét Nam Bộ), bánh giầy là loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là loại bánh đặc biệt trong tâm thức của người Việt vì nguồn gốc ra đời của hai loại bánh này gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm của người Việt, bánh chưng bánh giầy tượng trưng cho trời đất, là sự hòa hợp vuông tròn, là vật dâng lên tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên trong những ngày lễ Tết. Đây là vật phẩm không thể thiếu của gia đình trong mỗi độ xuân về. Bánh chưng, bánh giầy không chỉ biểu thị triết lí nhân sinh của người Việt về vũ trụ mà còn có giá trị văn hóa "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Việc gìn giữ nét đặc trưng văn hóa làm bánh trong những ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết Cổ truyền là việc làm cần được khuyến khích trong xã hội ngày nay. Việc lưu truyền các giá trị từ biểu tượng chiếc bánh cho thế hệ trẻ cũng là vấn đề cần được nhìn nhận và khuyến khích. Xã hội hiện đại có nhiều biến đổi nhanh chóng, trong đó có biến đổi văn hóa và trong guồng quay đó, việc giữ lại các giá trị truyền thống trở thành một bài toán khó cho các ngành chức năng, cho những ai yêu những hệ giá trị cổ của dân tộc. 42
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 34 – Tháng 12/2022 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Quang Ninh và Đỗ Ngọc Thống (2000). Ngữ văn 6, (tập 1). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. [2] Phạm Văn Đồng (1969). Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng. Báo Nhân dân, số 5494 ngày 29/4/1969. [3] Phan Huy Lê (2012). Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. [4] Thanh Lê (2003). Từ điển xã hội học. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. [5] Trịnh Thế Truyền, Nguyễn Thị Huyền và Hà Thị Lịch (2020). Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thời Hùng Vương qua hình tượng Lang Liêu và truyện bánh chưng bánh giầy. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Hùng Vương, số 1 (tập 18), tr89-92. Ngày nhận: 28/10/2022 Ngày duyệt đăng: 11/12/2022 43
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2