intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trò chơi lô tô và người làm nghề hát lô tô trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua nhận định của người dân

Chia sẻ: Nguyễn Kim Tuyền Hoa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

44
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tìm hiểu quan điểm của người dân về trò chơi lô tô và những người làm nghề hát lô tô mà đa phần là những người đồng tính và chuyển giới-bộ phận nhận nhiều định kiến từ xã hội cũng như ý kiến của chính những người trong nghề.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trò chơi lô tô và người làm nghề hát lô tô trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua nhận định của người dân

  1. Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 109 Trò chơi lô tô và người làm nghề hát lô tô trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua nhận định của người dân Nguyễn Trọng Nhân1*, Lê Tấn Phát1, Đặng Thị Anh Thơ1 Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh 1 * Tác giả liên hệ, Email: mrnhan1998tn@gmail.com THÔNG TIN TÓM TẮT Lô tô là một trò chơi, có nguồn gốc là trò chơi Bingo của Ngày nhận: 25/05/2020 các nước phương Tây, được người dân Nam Bộ cải biến thành trò chơi gần gũi hơn với đời sống thường nhật bằng những điệu Ngày nhận lại: 21/07/2020 lý, câu hò, bài vè… Lô tô phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam vào Duyệt đăng: 23/08/2020 những thập niên 80, 90 của thế kỉ 20 và gắn liền với hình ảnh các đoàn hội chợ lô tô cùng với những người đồng tính và người chuyển giới. Một năm trở lại đây, trò chơi lô tô sống lại tại những tụ điểm, sân khấu lô tô ở thành phố Hồ Chí Minh thu hút rất nhiều người chơi. Với nghiên cứu về nhận định của người dân về trò chơi lô tô và những người biểu diễn lô tô, chúng tôi mong muốn khai thác góc nhìn và ý kiến của người dân về những người làm nghề này (đa số là những người đồng tính và chuyển giới) và của chính những người trong nghề nghề thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng (Qui mô mẫu: 300 người) và định tính (Phỏng vấn sâu 3 người làm nghề hát lô Từ khóa: tô, là người đồng tính và chuyển giới). Kết quả nghiên cứu cho lô tô, người làm nghề hát lô tô thấy lô tô được xem là một loại hình giải trí, người hát lô tô được đánh giá tốt và không có sự khác biệt lớn trong nhận định của người dân theo các nhóm nhân khẩu (giới tính, tuổi, trình độ học vấn, thu nhập,…) và giữa những khán giả xem lô tô và người dân nói chung. 1. Giới thiệu Đã từ lâu, trò chơi lô tô trở thành một trò chơi phổ biến đối với người dân miền sông nước Tây Nam Bộ nói riêng, người dân Nam bộ nói chung. Theo loạt bài phóng sự của Báo Tuổi trẻ về những người chuyển giới làm nghề hát lô tô: “Lô tô là loại hình nghệ thuật hát vần để gọi số. Người cầm tờ vé (có 60 con số) mà có một hàng trúng đủ bốn con số được kêu sẽ có quà. Trò kêu số này được du nhập và cải biên từ trò chơi bingo của phương Tây vào miền Nam Việt Nam trong thời Pháp thuộc. Những năm 1980 - 1990, lô tô phát triển cực thịnh ở miền Nam. Từ khoảng những năm 2000 trở lại đây thì có phần sa sút do cách làm lô tô ít cải tiến, nghệ sĩ không chịu hát mà chỉ kêu số nhanh gọn” (Me Thuan, 2019). Với nguồn gốc là trò chơi Bingo của các nước phương Tây, người dân Nam Bộ đã cải biến
  2. 110 Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 trò chơi ấy thành một bộ môn gần gũi hơn với đời sống thường nhật bằng những điệu lý, câu hò, bài vè, … Trò chơi lô tô thường gắn liền với hình ảnh các đoàn hội chợ lô tô vào các dịp lễ hội hay Tết đến xuân về. Người quản trò sẽ bốc ngẫu nhiên một quả banh trong lồng cầu, sau đó họ sẽ hát một bài hát để gọi tên con số đó. Thông thường từ cuối cùng của bài hát sẽ là từ đồng âm với con số mà họ vừa bốc. Ví dụ: “Tề Thiên đại thánh. Đại náo thiên cung Bị đứt dây thun. Tuột quần chạy trốn”. Là con số bốn (số 04). Người chiến thắng sẽ là người đánh dấu đủ 4 số hàng ngang trên cùng một tấm vé được quản trò kêu trước đó. Với cách chơi lô tô này, ngoài sự thú vị của yếu tố may mắn thì cách rao con số cũng là một nghệ thuật vô cùng độc đáo. Từ những thể loại âm nhạc khác nhau, người hô sẽ biến tấu ca từ phù hợp để có thể diễn tả con số sao cho có vần, có điệu. Văn hóa lô tô đã đi vào lòng người và gắn liền với ký ức của nhiều người. Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát lô tô không đơn thuần là một hình thức giải trí mà chứa đựng những giá trị nhất định. Thông qua lời ca, tiếng hát, người rao có thể châm biếm những thói hư tật xấu của đời sống hằng ngày... bằng tư duy sáng tạo linh hoạt. Nhờ vào hình thức chơi hấp dẫn đó, nghề hát lô tô phát triển cực thịnh ở nước ta, theo các đoàn hội chợ lô tô đi tỉnh, nhất là Nam Bộ. Ở thời kì đầu của lô tô, những người hát lô tô là những người nam hoặc người nữ. Khác với thời điểm hiện tại, các đoàn hội chợ lô tô hay sân khấu lô tô là nơi biểu diễn của những người đồng tính và chuyển giới. Với sự phát triển của trò chơi lô tô và số lượng người làm nghề hát lô tô (đa phần là đồng tính và chuyển giới) tăng lên trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu mong muốn góp phần tìm hiểu quan điểm của người dân về trò chơi lô tô và những người làm nghề hát lô tô mà đa phần là những người đồng tính và chuyển giới- bộ phận nhận nhiều định kiến từ xã hội cũng như ý kiến của chính những người trong nghề. 2. Cơ sở lý thuyết 2.1. Lý thuyết Lý thuyết tương tác biểu tượng và lý thuyết không gian công cộng là hai lý thuyết chính, là cơ sở cho cuộc nghiên cứu. Lý thuyết tương tác biểu tượng: Luận điểm gốc của thuyết tương tác biểu tượng cho rằng xã hội được tạo thành từ sự tương tác của vô số các cá nhân; bất kì hành vi và cử chỉ nào của con người đều có vô số các ý nghĩa khác nhau; hành vi và hoạt động của con người không những phụ thuộc mà còn thay đổi cùng với các ý nghĩa biểu trưng. Do đó, để hiểu được tương tác xã hội giữa các cá nhân, giữa con người với xã hội, cần phải nghiên cứu tương tác xã hội, cần lý giải được ý nghĩa của các biểu hiện của mối tương tác đó. Các giả thuyết của lý thuyết này cho rằng tư duy và sự trải nghiệm bên trong cũng là hành vi và mặc dù các hành vi bên trong khó quan sát nhưng vẫn tuân theo những quy luật của trò chơi bên ngoài (Le, 2008). Nhà xã hội học Erving Goffman (1922-1982) cũng từng ẩn dụ xã hội như sân khấu – nơi xảy ra các trình diễn – với các diễn viên, quần chúng và hậu trường. Trong tương tác, cá nhân muốn thể hiện một cái tôi được mọi người chấp nhận, nhưng đồng thời nhận thức rằng quần chúng khán giả có thể làm đảo lộn trình diễn của mình. Do đó, cần kiểm soát, tác động quần chúng. Mối quan tâm chính yếu này trong tương tác thể hiện qua thuật ngữ “quản lý ấn tượng” (impression management), bao gồm các kỹ thuật và phương pháp để duy trì ấn tượng nào đó của “bộ mặt”, của thể diện (face) (Nguyen, 2017).
  3. Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 111 Với những người làm nghề hát lô tô đặt trong ẩn dụ về sân khấu sẽ có phần tiền cảnh của sân khấu. Phần tiền cảnh này được hiểu như sân khấu của các đoàn hội chợ lô tô (hoặc tụ điểm sân khấu lô tô), là nơi mà những người đồng tính, người chuyển giới trình diễn theo những vai trò của mình, cho người khác biết vị thế xã hội của người trình diễn (ví dụ: người hát lô tô chuyên nghiệp hoặc có kinh nghiệm lâu năm thường sẽ là người quản trò, điều phối, còn lại sẽ là nhân viên bán vé hoặc đứng ở các gian hàng trò chơi,...). Trên sân khấu, những người đồng tính, chuyển giới này đều sẽ cố gắng đưa ra những hình ảnh tốt nhất, lý tưởng nhất về mình, do đó họ sẽ phải che dấu đi mặt tiêu cực, những cái không tốt và khác hoàn toàn với những phần trình diễn của họ trên sân khấu (Ví dụ: Khi người đồng tính ở các sân khấu hội chợ lô tô muốn đóng giả thành nữ giới, họ sẽ phải sử dụng các dụng cụ hóa trang như độn ngực, nịch bụng, trang phục rồi trang điểm giống như một người phụ nữ. Cuối cùng, cái mà họ sẽ phơi bày cho khán giả thấy chính là hình tượng của một cô gái). Đối chiếu với tiền cảnh trên sân khấu là hậu trường, là nơi mà những sự kiện bị che dấu ở tiền cảnh hay các hành động phi chính thức có thể xuất hiện, vì những người trình diễn tin tưởng khán giả sẽ không xuất hiện ở hậu trường. Lúc này, những người đồng tính quay lại với hình tượng nam giới, không mặc trang phục biểu diễn, không trang điểm bắt mắt, có một đời sống bình thường. Lý thuyết không gian công cộng: Theo nhà triết học và xã hội học người Đức J. Habermas, không gian công cộng là không gian mà trong đó bất kì cá nhân nào cũng có thể tham gia và trao đổi ý kiến với nhau mà không bị áp lực từ bên ngoài. Trên nguyên tắc, đây là nơi diễn ra những cuộc tranh luận mang tính chất lý tính và phê phán, và do vậy đây chính là nơi kết tinh những ý kiến (công luận) và ý muốn của công chúng. Tính duy lý của sự đối thoại trong không gian công cộng giúp cho người ta vượt ra dần khỏi những lợi ích đặc thù để đạt đến một sự đồng thuận giữa những người có thiện chí với nhau. Habermas cho rằng tính duy lý mặc nhiên giả định rằng phải có sự truyền thông, bởi lẽ một cái gì đó chỉ mang tính duy lý khi nó hội đủ điều kiện đề tạo ra sự thông cảm với ít nhất một người khác (J. Habermas, 1962, as cited in Tran, 2006). Ở Việt Nam, những nhận định, ý kiến của các nhóm công chúng khác nhau về lô tô hầu như đều được diễn ra tại chính các đoàn hội chợ lô tô. Người ủng hộ những người hát lô tô sẽ bày tỏ sự cảm thông với giới tính, nghề nghiệp thông qua lời nói, hoặc hành động (mua vé). Sau này, khi lô tô phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng, một không gian công cộng mới xuất hiện, hoạt động song song với hình thức cũ. Thay vì bày tỏ trực tiếp, những cá nhân (được hiển thị bằng tài khoản mạng xã hội) bày tỏ thái độ gián tiếp thông qua các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông bằng cách xem, bình luận và chia sẻ. 2.2. Khái niệm chính Trò chơi lô tô: Lô tô là một trò chơi, có 60 quả banh tương ứng với 60 con số được bỏ vào một lồng cầu (ở một số nơi là 90 con số), người quản trò sẽ bốc ngẫu nhiên một quả banh trong lồng cầu, sau đó họ sẽ hát một bài hát để gọi tên con số đó. Thông thường từ cuối cùng của bài hát sẽ là từ đồng âm với con số mà họ vừa bốc. Người làm nghề hát lô tô (hay người biểu diễn lô tô) tại các đoàn hội chợ lô tô được xem là người quản trò của trò chơi này, họ sẽ hát/ biểu diễn những bài hát, bài vè, điệu lý,… trước khi kêu những con số lô tô được bốc ra từ lồng cầu, từ đó, người chơi lô tô sẽ dựa trên những con số được kêu mà đánh dấu vào vé. Những người hát lô tô sẽ đóng nhiều vai trò trong một đêm diễn như: điều phối nhân viên bán vé, làm người dẫn chương trình, hoạt náo, hay sẽ là người trình diễn các tiết mục văn nghệ trong lúc những nhân viên khác bán vé.
  4. 112 Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 3. Phương pháp và mẫu nghiên cứu 3.1. Phương pháp Để thực hiện đề tài, chúng tôi kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính. 3.2. Mẫu nghiên cứu Mẫu nghiên cứu định lượng: Cuộc nghiên cứu về “Nhận định của người dân về những người làm nghề hát lô tô” được tiến hành với mẫu nghiên cứu bao gồm 300 người được lựa chọn theo phương pháp tình cờ tiện lợi, trong đó 150 người đang xem lô tô tại các tụ điểm sân khấu lô tô trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Gọi chung: Khán giả tại sân khấu) và 150 người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Gọi chung: Người dân ngoài sân khấu). Mẫu nghiên cứu định tính: Chọn mẫu theo mục đích nghiên cứu: 03 người làm nghề hát lô tô (bao gồm người hát lô tô, trưởng đoàn lô tô) đang hoạt động tại các tụ điểm, sân khấu lô tô trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có 01 người đã chuyển giới (độ tuổi trên 30 tuổi – đang hoạt động lô tô chuyên nghiệp), và 02 người đồng tính (trong đó có 01 người có độ tuổi dưới 30 và một người có độ tuổi lớn hơn 30). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu. Trong quá trình quan sát tại các tụ điểm, sân khấu lô tô, chúng tôi đưa ra kết luận rằng phần lớn những người biểu diễn lô tô đều là những người đồng tính (người đồng tính nam) hoặc chuyển giới nữ (người chuyển giới từ nam sang nữ). Tuy nhiên có sự chênh lệch giữa 2 nhóm đối tượng này, theo đó số người chuyển giới chiếm tỷ lệ thấp hơn số người đồng tính. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Đặc điểm nhân khẩu của mẫu nghiên cứu Về giới tính, đối với nhóm người dân (ngoài sân khấu) (N=150), tỷ lệ những người giới tính nam và nữ khá tương đồng, tương ứng là 52% và 46.7%. Còn lại 1.3% là người thuộc giới tính khác. Đối với nhóm khán giả tại sân khấu (N=150), có sự chênh lệch nhất định về mặt giới tính với tỷ lệ nam là 41.3%, nữ 54% và giới tính khác là 4.7%. Cũng theo khảo sát này, những người giới tính khác có 100% là đồng tính nam (Gay). Về tuổi, với nhóm khán giả theo dõi lô tô tại các sân khấu (N=150), có 30% người có độ tuổi từ 18-29 tuổi (N=45), những người có độ tuổi từ 30-39 chiếm tỷ lệ cao nhất với 44,7%. Với người dân (ngoài sân khấu), 51,3% người có độ tuổi từ 18-29 chiếm tỷ lệ cao nhất, 19,3% tuổi từ 30-39 và 29,3% tuổi từ 4o trở lên. Về nghệ nghiệp, những khán giả xem lô tô tại các tụ điểm sân khấu có nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là kinh doanh-buôn bán 26%, lao động phổ thông 15,3%, nhân viên văn phòng 14,7%, học sinh-sinh viên 13,3%. Đối với người dân (ngoài sân khấu): đông nhất là học sinh-sinh viên chiếm tỷ lệ 22,7%, những người làm nghề kinh doanh-buôn bán và trí thức chiếm tỷ lệ 12,7%, những người có những ngành nghề khác không có sự khác biệt đáng kể. Về trình độ học vấn, 51,3% khán giả xem biểu diễn lô tô có trình độ Cao đẳng-Đại học, 25.3% trình độ THPT - TC. Đối với người dân (ngoài sân khấu), 53,3% người dân có trình dộ CĐ-ĐH chiếm tỷ lệ cao nhất. Về thu nhập, khán giả có thu nhập khá: 46.7% từ 5-10 triệu, 23.3% từ 11-20 triệu. Người dân (ngoài sân khấu): 41,3% có thu nhập từ 5-10 triệu, 37,3% có thu nhập dưới 5 triệu.
  5. Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 113 4.2. Sự phổ biến của lô tô Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 99% người tham gia khảo sát đã “từng nghe qua” lô tô (N=299) và có đến 59.3% lượt người dân (người dân ngoài sân khấu) đã từng biết đến lô tô thông qua cách “từng đến xem lô tô ở các đoàn hội chợ lô tô” (N=124 lượt người) và 53,8% lượt người đối với nhóm khán giả xem lô tô (N=105). Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, mạng xã hội, truyền hình, báo chí,... trở thành những kênh thông dụng để người dân ở nhiều nơi dễ tiếp cận lô tô. Vì vậy, có đến 27.3% lượt người dân ngoài sân khấu (N=57 ý kiến) và 25.6% lượt khán giả tại sân khấu (N=50 ý kiến) có ý kiến cho rằng họ biết đến lô tô qua các phương tiện truyền thông (facebook, youtube, truyền hình,…). Số ít còn lại biết lô tô qua lời giới thiệu của người khác hoặc có sự tìm hiểu, yêu thích. (Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019). 4.3. Lý do xem lô tô Bảng 1 Nhận định về lý do đến xem lô tô tại các đoàn hội chợ của khán giả tại sân khấu Số ý kiến của khán giả tại Nhận định % khán giả sân khấu (N=150) N % % Đến Đoàn lô tô chơi những trò chơi để nhận những 22 9.3 14,7% phần thưởng Giải trí 123 51.9 82% Giết thời gian 18 7.6 12% Để có thời gian bên gia đình, bạn bè, người thân 31 13.1 20,7% Để xem hát 40 16.9 26,7% Để thỏa mãn sự tò mò về người đồng tính, chuyển 3 1.2 2% giới Ý kiến khác 0 0 0% Tổng: 237 100 158% (Câu hỏi đa phương án trả lời ) Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019 51,9% ý kiến của khán giả tại sân khấu (N=123 ý kiến) cho rằng họ đến xem lô tô vì giải trí. Bản chất của nghề hát lô tô là khi lên kêu số, các nghệ sĩ sẽ phải hát một phần ca khúc, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc cho khán giả, sau đó mới gieo vần gọi ra con số. Chỉ có 1,2% khán giả có ý kiến xem “để thoả mãn sự tò mò về người đồng tính, chuyển giới (N=3 ý kiến). Như vậy, hiện tượng người đồng tính, chuyển giới hành nghề hát lô tô là một hiện tượng bình thường trong xã hội. Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu lý do người dân (nhóm người dân ngoài sân khấu) không đến xem lô tô.
  6. 114 Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 Bảng 2 Lý do người dân không đến xem lô tô Số ý kiến của người dân Nhận định (ngoài sân khấu) % người dân (N=150) N % % Vì người hát lô tô là người đồng tính, chuyển giới 10 5.9 6,7% Không quan tâm đến trò chơi này 27 15.9 18% Không có thời gian rảnh 58 34.1 38,7% Chưa có cơ hội đến xem, nhưng sẽ đến xem trong 18 10.6 12% thời gian tới Không ý kiến 46 27.1 30,7% Ý kiến khác 11 6.5 7,3% Tổng: 170 100 113,3% (Câu hỏi đa phương án trả lời ) Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019 Đối với nhóm người dân ngoài sân khấu (N=150), lý do không đến xem lô tô vì “không có thời gian rảnh” chiếm tỷ lệ 34.1% là cao nhất (N=58 ý kiến). Chỉ có 5.9% ý kiến “không đến xem lô tô vì người hát lô tô là người đồng tính, chuyển giới” (N=10 ý kiến). 4.4. Nhận định về loại hình lô tô Nhóm nghiên cứu so sánh quan điểm của người dân về loại hình của lô tô: là cờ bạc - kinh doanh-xổ số, giải trí hay là một bộ môn nghệ thuật. Không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm đối tượng khảo sát, các nhóm trình độ học vấn, thu nhập và tuổi. Trên 50% người tham gia khảo sát cho rằng lô tô là “loại hình giải trí”. Tỷ lệ % người tham gia khảo sát cho rằng lô tô là “bộ môn nghệ thuật dân gian” cao hơn “Loại hình cờ bạc - kinh doanh-xổ số” ((Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019). Kết quả này cho thấy người dân có cái nhìn tích cực về lô tô. 4.5. Nhận định của người dân về người hát/biễu diễn lô tô Hát lô tô chưa phải là một bộ môn nghệ thuật mà đơn thuần vẫn là một trò chơi mang tính giải trí. Trò chơi cuốn hút người chơi vì được nghe những người hát lô tô hát rao con số một cách sôi động, độc đáo, uyển chuyển. Thông qua thông tin trên truyền thông đại chúng, nhóm nghiên cứu được biết có những người làm nghề hát lô tô đã đầu tư về ca từ, trang phục… cũng như phấn đấu để lô tô trở thành một bộ môn nghệ thuật- và tương ứng với nó, người hát lô tô là nghệ sĩ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tìm hiểu ý kiến của người dân về người hát/biểu diễn lô tô. Vì cách rao con số cũng là một nghệ thuật. Không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa các nhóm đối tượng khảo sát, thu nhập, trình độ học vấn, độ tuổi và tôn giáo, đa số đều cho rằng “nên xem” người biểu diễn lô tô là nghệ sĩ, ý kiến “không nên” chiếm tỷ lệ thấp. Cũng cần lưu ý có một số lượng tương đối trong những người tham gia khảo sát “không có ý kiến” (Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019). Nhóm nghiên cứu phân tích những nhận định liên quan đến người biểu diễn lô tô và so sánh theo các nhóm đối tượng khảo sát, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, tôn giáo…
  7. Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 115 Bảng 3 Mức độ đồng ý về những nhận định của hai nhóm người dân đối với người hát lô tô theo đối tượng khảo sát Nhận định Đối tượng N Mean T Sig. Người dân (Ngoài sân khấu) 150 3.73 Có tài năng, giọng hát hay, biết nhiều bài rao số thú vị, hấp dẫn, Khán giả tại sân khấu 150 4.29 12.282 0.001 có duyên sân khấu Tổng 300 4.01 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 3.51 Biết nhiều môn biểu diễn khác Khán giả tại sân khấu 150 3.84 12.055 0.001 như tạp kĩ, xiếc, múa lửa,… Tổng 300 3.67 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 3.55 Trang phục chỉn chu, phong cách Khán giả tại sân khấu 150 4.02 18.204 0.000 biểu diễn phóng khoáng, thu hút Tổng 300 3.79 Có thái độ yêu nghề, nghiêm túc Người dân (Ngoài sân khấu) 150 3.69 với nghề (đúng giờ, tôn trọng Khán giả tại sân khấu 150 4.10 5.541 0.019 khán giả, tương tác tốt với đồng nghiệp,…) Tổng 300 3.90 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 2.86 Lời nói, hay cử chỉ của những người biểu diễn lô tô có phần chợ Khán giả tại sân khấu 150 2.64 2.000 0.158 búa Tổng 300 2.75 Trang phục biểu diễn lố lăng, Người dân (Ngoài sân khấu) 150 2.63 phản cảm, khiêu gợi và không Khán giả tại sân khấu 150 2.25 1.636 0.202 đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tổng 300 2.44 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 3.59 Tính cách của những hát lô tô dễ gần, thân thiện với tất cả mọi Khán giả tại sân khấu 150 4.25 8.910 0.003 người Tổng 300 3.92 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 2.45 Trò chơi lô tô không phù hợp với Khán giả tại sân khấu 150 2.27 0.025 0.876 văn hóa người Việt Nam Tổng 300 2.36 Người dân (Ngoài sân khấu) 150 2.44 Đời sống những người biểu diễn không lành mạnh (cờ bạc, tệ nạn Khán giả tại sân khấu 150 2.29 2.290 0.131 xã hội, nói tục,…) Tổng 300 2.36 (1: rất không đồng ý → 5: Rất đồng ý) Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019
  8. 116 Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 Có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm người dân và khán giả tại sâu khấu trong những nhận định về người biểu diễn lô tô. “Có tài năng, giọng hát hay, biết nhiều bài rao số thú vị, hấp dẫn, có duyên sân khấu” những người trong sân khấu đồng ý với quan điểm này hon những người ngoài sân khấu với điểm trung bình lần lượt là 4.29 và 3.73. “Biết nhiều môn biểu diễn khác như tạp kĩ, xiếc, múa lửa,…” những người trong sân khấu đồng ý với quan điểm này hon những người ngoài sân khấu với điểm trung bình lần lượt là 3.84 và 3.51. “Trang phục chỉn chu, phong cách biểu diễn phóng khoáng, thu hút” những người trong sân khấu đồng ý với quan điểm này hon những người ngoài sân khấu với điểm trung bình lần lượt là 4,02 và 3,55. “Có thái độ yêu nghề, nghiêm túc với nghề (đúng giờ, tôn trọng khán giả, tương tác tốt với đồng nghiệp,…)” những người trong sân khấu đồng ý với quan điểm này hơn những người ngoài sân khấu với điểm trung bình lần lượt là 4,1 và 3,69. “Tính cách của những hát lô tô dễ gần, thân thiện với tất cả mọi người” những người trong sân khấu đồng ý với quan điểm này hơn những người ngoài sân khấu với điểm trung bình lần lượt là 4,25 và 3,59. Kết quả này khá hiển nhiên, vì khán giả xem lô tô và chơi lô tô tại sân khấu là những người quan sát trực tiếp, có thiện cảm với lô tô nên mức độ đồng ý của họ cũng cao hơn. Những nhận định tiêu cực như “Lời nói, hay cử chỉ của những người biểu diễn lô tô có phần chợ búa”; “Trang phục biểu diễn lố lăng, phản cảm, khiêu gợi và không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam”; “Trò chơi lô tô không phù hợp với văn hóa người Việt Nam”; “Đời sống những người biểu diễn không lành mạnh (cờ bạc, tệ nạn xã hội, nói tục,…” không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm và có điểm trung bình ở mức thấp - không đồng ý. So sánh những nhận định trên theo các nhóm nhân khẩu như giới tính, tuổi, trình độ học vấn, thu nhập, tôn giáo, kết quả cho thấy không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát tháng 10/2019). Nhìn chung, xã hội ngày càng cởi mở hơn về mặt giới tính. Và không thể phủ nhận vai trò của lô tô là một trò chơi mang tính giải trí, đã gián tiếp duy trì và tái hiện lại giá trị của những loại hình nghệ thuật gần gũi đang dần mai một như đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, đồng dao, hò - vè,… 4.6. Quan điểm của người làm nghề hát lô tô về nghề của họ và về thái độ của công chúng Lý do hành nghề Đa phần những người đồng tính hoặc chuyển giới làm nghề hát lô tô đều có những năng khiếu, hoặc một niềm đam mê đặc biệt với ca hát, nhảy múa, dẫn chương trình, hay thậm chí các môn xiếc, múa lửa, tạp kĩ, … Thế nhưng họ lại không được đào tạo một cách bài bản và theo trường lớp. Khi đó, các sân khấu hội chợ lô tô chính là không gian tốt nhất để họ học hỏi và làm nghề. Và cũng chỉ có sân khấu lô tô mới mang lại cho họ cảm giác được sống thật với bản ngã giới tính, cho họ những cái cảm giác sống với niềm đam mê,… Và một khi họ đã chọn lô tô làm cái nghề, thì rất khó lòng từ bỏ. “Thật ra với tư duy của người Việt Nam, với nhưng truyền thống văn hóa của người Việt Nam thì họ không có chấp nhận con cái của họ là những người chuyển giới. Bản thân chị
  9. Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 117 là chị có gia đình rồi, sau này 30 mấy tuổi chị mới bắt đầu nghề thì nó là khác. Còn những bạn trẻ từ nhỏ họ đã bộc lộ cái tính cách họ quá rõ ràng thì cái việc họ theo nghề bị gia đình phản đối và đuổi đi là chuyện rất phổ biến. Từ đó mới có chuyện họ trở nên tiêu cực hơn khi cả gia đình và xã hội đều không chấp nhận họ. Thành ra là chỉ có sân khấu lô tô mới có thể bao che cho họ, cho họ những cái cảm giác, hào quang, ánh đèn lộng lẫy, bộ trang phục rực rỡ,... nó là như thế cho nên là khi họ đến lô tô họ rất hết lòng và họ không bỏ.” – (Biên bản phỏng vấn sâu LQK, khảo sát tháng 10/2019) Khi những người đồng tính/chuyển giới chọn lô tô, họ sẽ tìm được những người giống họ, có thể đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống của họ. Tại Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời (một trong số 02 Đoàn lô tô đang có lượng khán giả đông đảo và điển hình tại thành phố Hồ Chí Minh) có 100% thành viên trong đoàn là người đồng tính/chuyển giới (25 thành viên). Có 28% người đã chuyển giới (chuyển giới nữ) (7 thành viên). Và 100% người chuyển giới đã hoạt động lô tô chuyên nghiệp với kinh nghiệm tối thiểu 05 năm trong nghề hát lô tô ở các đoàn hội chợ (trong đó có cả người biểu diễn lô tô với kinh nghiệm lên đến 22 năm trong nghề). Họ đã từng biểu diễn lô tô trên khắp các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ như Cà Mau, Long An, Bến Tre, Trà Vinh ... Dù họ hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhân viên văn phòng, kinh doanh online, sinh viên,… hay người biểu diễn lô tô chuyên nghiệp thì họ vẫn có tiếng nói chung, và cùng làm nghề hát lô tô. Khi một bộ phận thuộc cộng đồng những người đồng tính luyến ái (LGBT) nhìn thấy hoặc thần tượng những người đồng tính hoặc những người đã chuyển giới làm nghề lô tô, họ nảy sinh tâm lý bắt chước. Cuối cùng, bản thân lô tô cũng được xem là một cái nghề vì nó có thể tạo ra kinh tế cho những người đang theo đuổi nó. “Đối với chị, khi mà một công việc mà nó tại ra cho mình một cái ... cái ... cái khả năng về tài chính có thể nói là bền vững, nó có thể giúp được nhiều người và nhiều người có thể làm chung một cái nghề đó thì cái công việc đó chị đã xem đó là một cái nghề rồi. Và nghề hát lô tô nó cũng giống như là nghề ca hát vậy đó, thậm chí là nó có thể ổn định hơn nghề ca hát bình thường nữa. Ca sĩ thì có thể là có show hoặc không có show, còn lô tô thì đêm nào cũng hát” - (Biên bản phỏng vấn sâu LQK, cuộc khảo sát tháng 10/2019) Về thái độ của công chúng Xã hội vốn có thái độ kỳ thị với những người đồng tính luyến ái. Và chính những người biểu diễn lô tô cũng là nguyên nhân gây nên hình ảnh không được tốt đẹp. Một người biểu diễn lô tô tên LKQ (quê ở Trà Vinh) cho rằng: “Theo Q nghĩ nha ngày xưa khi đi Q hát lô tô, khán giả họ đến đó để họ xem cái gì, họ chỉ xem bê đê. Họ thích xem bê đê ăn bận hở hang, nhảy nhót, làm trò, mua vui, tiêu khiển để giải trí cho khán giả mình những giây phút lao động mệt nhọc. Cái đó cũng là một cái công thức của mình. Tại vì mình phải có duyên mới làm được vấn đề đó.” (Biên bản phỏng vấn LKQ, tháng 10/2019). Từ chính nhu cầu của khán giả, những người biểu diễn lô tô đã biến hành động không mấy đẹp này thành công thức để họ thu hút, câu kéo khán giả đến với đoàn của họ. Điều họ quan tâm nhiều nhất không phải tính nghệ thuật của bộ môn lô tô và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Mà họ quan tâm nhiều nhất chính là làm sao để thu hút được càng nhiều khán giả càng tốt. Thời gian gần đây, khi lô tô ngày càng phổ biến rộng rãi và có một lượng khán giả nhất định thì những quy tắc ứng xử này cũng dần thay đổi. Theo kết quả cuộc khảo sát tháng 10 năm 2019, có đến 83% lượng khán giả lô tô có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên. Khán giả hiện đại có yêu cầu cao hơn đối với lô tô, họ mong muốn lô tô không những chỉ mang yếu tố giải trí, mà phải có cả tính nghệ thuật trong các tiết mục biểu diễn. Khi được hỏi về những hành vi trêu
  10. 118 Nguyễn T. Nhân và các cộng sự. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 109-118 ghẹo của khán giả tại các sân khấu lô tô trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, người biểu diễn lô tô LQK chia sẻ:“Từ trước tới giờ thì chị chỉ có những phản ứng yêu thương thôi, hiếm lắm mới có, nhưng không phải là không có. Nhưng mà quan trọng là thái độ, ví dụ như là người ta đã sờ vào ngực mình thì mình quay qua cười 1 cái, với ánh mắt của mình người ta có thể hiểu được tất cả mọi thứ. Đừng bao giờ phản ứng thái quá, cái trình độ của bạn quyết định cái phản ứng của bạn. Nếu như bạn là 1 người xô bồ thì người ta sẽ rất là xô bồ với bạn. Và khi người ta tới đây người ta có những hành động thái quá về bạn thì người ta đã có những suy nghĩ không tốt về bạn rồi, bạn càng làm không tốt thì có phản cái hình ảnh của bạn xấu hơn không? Cho nên là bản thân chị nè khi mà chị đi bán vé không báo giờ chị đùa giỡn quá đà” (Biên bản phỏng vấn LQK, tháng 10/2019). “Cái việc mà kỳ thị, cái nhìn định kiến của người xưa á thì vẫn có vẫn còn. Nhưng khi mà mình vào đoàn Lô tô Sài Gòn Tân Thời, thì đúng với cái tên Tân Thời đã làm đổi mới nó, ăn mặc, trang phục, cách mình đứng trên sân khấu mình thể hiện cho khán giả xem, nó cũng rất là tân thời luôn. Những cái hành động của mình rất tế nhị, nhã nhặn làm cho những cái ánh nhìn của người ta ngày càng thiện cảm hơn, ăn mặc đẹp, sạch sẽ, tươm tất và tuyệt đối là không hở hang quá” – (Biên bản phỏng vấn MĐ, tháng 10/2019). 5. Kết luận Gần đây, bằng sự đầu tư nghiêm túc về mặt nội dung lẫn hình thức, các đoàn lô tô đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã mang lô tô phổ biến trở lại với những sự lột xác của những người hát lô tô: trang phục chỉn chu, lịch sự, phù hợp với chủ đề - phong cách biểu diễn có sự tiết chế - đầu tư,…Cùng với đó là những sự nỗ lực để vượt qua sự kỳ thị, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt những người xung quanh, đưa lô tô tiếp cận gần hơn với khán giả bởi lẽ nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao. Lô tô vẫn chưa được công nhận chính thức là một bộ môn nghệ thuật ở Việt Nam. Phần đông khán giả đều xem lô tô như một loại hình giải trí. Tuy vậy, khán giả vẫn nhìn nhận sự đóng góp của những người biểu diễn lô tô, nếu họ thật sự có tài năng, sự đam mê, và nghệ sĩ tính, vẫn xem người hát lô tô là những người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, chúng ta không thể kiểm soát những rủi ro mà trò chơi có thể mang lại, chẳng hạn như việc mua vé lô tô để chơi, phần thưởng có giá trị cao được quy thành hiện kim sẽ vô tình biến trò chơi này thành một hình thức cờ bạc. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm và hỗ trợ, đồng thơi theo dõi các đoàn lô tô với mục đích duy trì những giá trị tốt đẹp cốt lõi mà trò chơi này mang lại. Tài liệu tham khảo Le, H. N. (2008). Lịch sử và lý thuyết xã hội học [History and sociological theory]. Hanoi, Vietnam: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Me Thuan (2019). Những bóng hồng chuyển giới hát lô tô ở Sài Gòn [Transgender people who sing bingo in Saigon]. Retrieved August 1, 2019, from https://tuoitre.vn/nhung-bong-hong-chuyen-gioi-hat-lo-to-o-sai-gon-20190612112501122.htm Nguyen, N. X. (2017). Lý thuyết xã hội đương đại – Một số nhà tư tưởng quan trọng từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay [Contemporary social theory - Some important notionalists from the second half of the twentieth century to the present]. Ho Chi Minh City, Vietnam: Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tran, Q. H. (2006). Xã hội học báo chí [Journalism sociology]. Ho Chi Minh City, Vietnam: Nhà xuất bản Trẻ.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2