intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tự chủ đại học - từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

20
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tự chủ đại học - từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát trình bày quy định pháp luật về tự chủ đại học; Thực tiễn triển khai tự chủ đại học; Quan niệm, tư duy về tự chủ đại học; Năng lực thực hiện tự chủ của đa số cơ sở giáo dục đại;...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tự chủ đại học - từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát

  1. TỰ CHỦ ĐẠI HỌC - TỪ GÓC NHÌN CỦA CƠ QUAN LẬP PHÁP, GIÁM SÁT Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đặt vấn đề Tự chủ đại học là một khái niệm không mới đối với giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tùy bối cảnh mỗi quốc gia, khái niệm tự chủ đại học được hiểu một cách rộng – hẹp khác nhau song nhìn chung, tự chủ đại học có thể được coi là phương thức tổ chức và quản trị hoạt động của nhà trường trong mối quan hệ với các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là vai trò của Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhất là thời đại mà công nghệ, tri thức giữ vai trò là động lực phát triển của các quốc gia, thì việc phát triển giáo dục đại học, đặc biệt tự chủ đại học có một vai trò đặc biệt quan trọng. Ở Việt Nam, nội dung tự chủ đại học đã được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ khá sớm và chính thức được chi tiết hóa bởi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 với một số quy định mang tính chất nguyên tắc chung và được cụ thể hóa cơ chế thực thi bởi quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn nhiều vấn đề lúng túng, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế và năng lực thực hiện tự chủ; tồn tại “một khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai tự chủ trong GDĐH ở Việt Nam”1. Phần trình bày của chúng tôi bao gồm một số ý kiến về tự chủ đại học trên 03 bình diện, gồm: thứ nhất, quy định pháp luật về tự chủ đại học; thứ hai, thực tiễn triển khai tự chủ (nhìn nhận qua hoạt động giám sát thực thi pháp luật của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ) và thứ ba, một số vấn đề đặt ra, gợi mở để các đại biểu thảo luận nhằm thúc đẩy thực hiện tự chủ một cách thực chất và hiệu quả. I. Quy định pháp luật về tự chủ đại học Nhận thức về tự chủ đại học và các nội dung tự chủ đại học đã được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ khá sớm. Điều 55 Luật Giáo dục 1998 đã có quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học, cao đẳng về hoạt động chuyên môn (xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập; tuyển sinh, tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, hợp tác quốc tế), về tổ chức bộ máy và về huy động các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục. Nội dung này tiếp tục được cụ thể hóa hơn tại Điều 60 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2005 liên quan đến hoạt động chuyên môn (tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh) và nhân sự (tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ, nhân viên). 1 Parajuli D., 2018, “Higher education financing – case of Vietnam: Current status and future directions”, Kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2018 - Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, Nxb ĐHQG HCM, p.5. 11
  2. Tuy nhiên, việc tự chủ của các trường phải tuân thủ “theo quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường” (do cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành – khoản 3 Điều 52 Luật Giáo dục 2005). Vì vậy, trên thực tiễn, “các cơ sở GDĐH vẫn ít được trải nghiệm trong việc tự điều hành hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt”2 bởi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với các cơ sở GDĐH cả trong vấn đề chuyên môn, học thuật cho tới tổ chức, nhân sự và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong nhà trường. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐH “còn chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu đồng bộ”3. Nội dung tự chủ đại học đã dần được mở rộng. Năm 2012 Luật GD ĐH được Quốc hội thông qua. Luật đã quy định về nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ đại học; đồng thời, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học thông qua các quy định chi tiết về hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản tại các điều khoản có liên quan khác với mục tiêu là hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và quản trị cơ sở GDĐH theo hướng phát huy quyền tự chủ đại học. Tuy nhiên, thực tế triển khai tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, hạn chế, đặc biệt là đối với cơ sở GDĐH công lập do nội hàm khái niệm tự chủ cũng như cơ chế thực hiện theo quy định của Luật còn chưa được chi tiết hóa; đồng thời, các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung tự chủ còn chưa được đồng bộ, thống nhất nên đã tạo thành những rào cản đối với việc triển khai tự chủ đại học trong thực tiễn. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 để tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi hơn giúp các cơ sở GDĐH thoát khỏi những ràng buộc, rào cản hiện hữu nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ chế tự chủ ngày càng được cụ thể hoá. Năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14) với nội dung cốt lõi là mở rộng và nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học. Luật đã cụ thể hóa nội hàm khái niệm cũng như cơ chế, phương thức tổ chức triển khai nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Luật quy định tự chủ trên các mặt về chuyên môn, học thuật; tổ chức, nhân sự và tài chính; xác định trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt vai trò của thiết chế Hội đồng trường được cụ thể và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của cơ sở GDĐH. Tóm lại, xét về quy định của Luật, vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam cũng đã được đề cập đến từ khá sớm. Nội dung tự chủ ngày càng được mở rộng, từ tự chủ một phần về chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục 1998 đến tự chủ thực hiện nhiệm vụ ở các mặt học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính theo quy định của Luật GDĐH 2018; cơ chế thực hiện tự chủ ngày càng được cụ thể hóa trong các đạo luật. 2 John Fielden (2008). “Global Trends in University Governance”. World Bank Report (dẫn theo Phạm Đỗ Nhật Tiến, 2020) 3 Quốc hội, 2010, Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. 12
  3. Tuy vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật giáo dục đại học, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,… với nhiều quy định mang tính ràng buộc, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học. Một số quy định của Luật vẫn còn mang tính khái quát và phải chờ có văn bản hướng dẫn thi hành để có thể đưa quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống. II. Thực tiễn triển khai tự chủ đại học 1. Kết quả đạt được Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm trong đẩy mạnh tự chủ; đã tiến hành xây dựng hệ thống văn bản triển khai tự chủ theo tinh thần của Luât giáo dục đại học mới. Đã xây dựng được một số mô hình tự chủ hiệu quả, tạo nền tảng để triển khai. Tự chủ đại học giúp nâng cao ý thức về cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của đơn vị trong tổ chức, quản lý và triển khai thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Các trường tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự, theo hướng hiệu quả hơn; tăng lực lượng lao động trực tiếp, giảm đội ngũ lao động gián tiếp; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều trường đã chủ động loại bỏ các ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu người học và thị trường đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; cùng với đó là việc thay đổi nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác đảm bảo chất lượng và thực hiện hoặc đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Tự chủ đại học cũng giúp các trường đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy, thúc đẩy các trường liên kết với thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực. 2. Bất cập, hạn chế 2.1 Quan niệm, tư duy về tự chủ đại học còn chưa có sự thống nhất Mặc dầu đã có chuyển biến trong nhận thức về vai trò của tự chủ đại học. Tuy nhiên quan điểm về tự chủ đại học vẫn còn chưa thống nhất. Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng tự chủ đại học là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên mà cơ sở giáo dục đại học phải được hưởng, theo đó, nhà trường cần phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và cần xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học. Ngược lại, cũng không ít đơn vị thấy rằng tự chủ 13
  4. không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, theo đó, tự chủ không phải là xóa bỏ “chủ quản”4, buông lỏng quản lý mà quan trọng là thay đổi hình thức quản lý, thay đổi cách thực thi quyền sở hữu của cơ quan nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu là thiết chế Hội đồng trường cũng như tăng cường sự minh bạch thông qua chế độ báo cáo, thanh tra cũng như chịu sự giám sát của xã hội. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn nặng về cách tiếp cận từ góc độ tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết khác. 2.2. Cơ chế thực hiện tự chủ còn nhiều bất cập. Thứ nhất, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với vận hành của nhà trường theo hướng tự chủ. Chưa rà soát các luật liên quan đến tự chủ đại học, tác động đến các cơ sở giáo dục đại học. Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền còn chưa theo kịp yêu cầu mới của thực hiện tự chủ. Các nghị định và văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm và vẫn còn thiếu đồng bộ. Việc quản lý hệ thống vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị chủ sở hữu nhà trường; sự phối hợp trong quản lý vẫn mang tính hình thức do chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ sở hữu. Cơ chế cơ quan chủ quản vẫn còn nặng nề làm hạn chế tính đổi mới, sáng tạo của đơn vị cơ sở. Việc trao quyền tự chủ cho các trường chưa có căn cứ, nguyên tắc thống nhất, đồng bộ cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra một cách tường minh, rõ ràng; thiếu một đề án tổng thể để triển khai thống nhất về tự chủ đại học. Thứ ba, cơ chế cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế. + Về chuyên môn học thuật: Theo quy định của Luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng quyền tự chủ cao của các đơn vị. Nhiều chính sách liên quan đến các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng,… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật khiến cho việc triển khai thực hiện tự chủ đại học gặp nhiều lúng túng. + Về cơ chế tài chính đại học: Còn nhiều rào cản. Khả năng tự chủ tài chính của các trường công lập tự chủ còn thấp; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học còn chưa rõ ràng. Tiềm lực tài chính của nhiều cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách ít ỏi của Nhà nước và từ học phí là chủ yếu mà chưa 4 Lý do: cơ sở GDĐH công lập được cấp quyền sử dụng đất không thu tiền, cấp kinh phí đầu tư cơ bản, được ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, vì vậy, kể cả khi thực hiện tự chủ, trường đại học công lập vẫn là một thực thể thuộc sở hữu 100% vốn của cơ quản chủ quản (bộ, tập đoàn DNNN, tổ chức chính trị, hoặc UBND cấp tỉnh) 14
  5. có sự tìm tòi, đa dạng hóa nguồn thu cũng như huy động được tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội. Việc phân bổ ngân sách, việc thực hiện đầu tư, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học chưa được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư và quản lý chất lượng theo sản phẩm đầu ra5. Việc cấp ngân sách được thực hiện bởi các cơ quan chủ quản khác nhau nên không có sự thống nhất chung, dẫn tới sự mất công bằng giữa các trường và giữa người học ở các trường khác nhau. Về chính sách học phí, hầu hết các trường mới được tự chủ chưa xác định phuơng thức tính chi phí đào tạo; trong lúc khung học phí của Nhà nước hướng dẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. Các hướng dẫn, cũng như căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường công lập còn vướng mắc do phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và định mức quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. +Về công tác tổ chức và nhân sự còn vướng mắc. Việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản. Theo đó, cơ quan chủ quản quyết định số lượng biên chế, đánh giá, xếp bậc lương và trả lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc theo tiêu chí chung đối với cán bộ, viên chức mà không căn cứ vào năng lực, vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức quản lý ở các trường công lập cũng phải tuân theo các quy định chung như không bổ nhiệm đối với ứng viên không phải là viên chức, ứng viên quá tuổi quy định nhưng vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm nhiệm chức vụ quản lý…Điều này làm hạn chế khả năng của cơ quan sử dụng lao động trong việc tuyển dụng, sử dụng những người có năng lực phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. 2.3. Năng lực thực hiện tự chủ của đa số cơ sở giáo dục đại học còn yếu Nhận thức về vai trò, chức năng của Hội đồng trường trong hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học còn chưa được đề cao; thiết chế Hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả vì chưa có sự phân chia mạch lạc, rõ ràng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trong quan hệ bên ngoài qua thể chế hóa cơ chế phối hợp công tác giữa thiết chế này với cơ quan quản lý trực tiếp, các cơ quan chủ quản; cũng như bên trong cơ sở giáo dục đại học: trong quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng và các tổ chức đoàn thể, chính trị khác trong nhà trường. 5 Việc cấp kinh phí hiện nay chủ yếu căn cứ vào: quy mô, số lượng sinh viên đầu vào; số lượng nhân viên; số ngành nghề đào tạo; dữ liệu về phân bổ ngân sách của năm trước; mức phân bổ cơ bản bình quân giữa các ngành đào tạo. Cách phân bổ này một mặt khiến cho các trường chỉ tập trung vào việc tăng quy mô, số lượng đầu vào mà chưa chú trọng tới việc nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo; không quan tâm tới đào tạo các ngành học khó, các ngành khoa học cơ bản với chi phí đào tạo cao; mặt khác, khiến cho việc đầu tư ngân sách bị dàn trải và không phát huy được tính cạnh tranh giữa các trường. 15
  6. Các Hội đồng trường chưa nhận thức hết vai trò, vị trí quyền hạn và lúng túng trong việc xây dựng quy chế, quy định hoạt động nội bộ của cơ sở giáo dục đại học. Các thành viên hội đồng trường còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò thành viên và đa số chưa có kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia hiệu quả đối với công tác quản trị của trường đại học. 2.4. Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học chưa được quan tâm Trách nhiệm giải trình, một nội dung quan trọng của tự chủ đại học chưa được thật sự quan tâm từ quản lý nhà nước đến cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các văn bản quy định rõ nội dung, phương thức, hình thức đối tượng giải trình. Điều này, đưa đến có nguy cơ tạo gánh nặng giải trình, tác động tiêu cực đến thực hiện quyền tự chủ của đơn vị; mặt khác chưa yêu cầu một cách nguyên tắc các cơ cơ sở giáo dục đại học minh bạch trong hoạt động, thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước xã hội; ngoài ra cũng giới hạn khả năng giám sát của xã hội và các bên liên quan (giảng viên, cán bộ, viên chức, sinh viên, phụ huynh,…) đối với hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. III. Vấn đề đặt ra Trên cơ sở thực tiễn giám sát về triển khai tự chủ đại học thời gian qua, một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học hiện nay. Thứ nhất, hệ thống pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ đại học của Luật giáo dục đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế. Vì vậy, việc rà soát, hài hòa hóa quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thống nhất và vững chắc cho việc thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, giải pháp khả thi cho việc này như thế nào khi quá trình tự chủ đang được triển khai quyết liệt trên thực tế. Có phải chăng cần thiết xây dựng một đề án tổng thể, sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về tự chủ đại học, để giải quyết đồng bộ các vấn đề đặt. Thứ hai, nhận thức về tự chủ khác nhau, đặc biệt nhận thức khác nhau về chủ sở hữu; về mối quan hệ giữa cơ quản lý trực tiếp với trường đại học; mối quan hệ các thiết chế trong nhà trường.. đã sinh ra những mâu thuẫn và rào cản hạn chế tự chủ. Nếu không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, nếu Hội đồng trường không được giao thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì hiệu quả quản trị nhà trường, chất lượng đại học và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện, thậm chí công sản đã đầu tư vào các đại học công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích riêng. Do đó cần xác nhận tường minh để tạo cách hiểu và nhìn nhận thống nhất về tự chủ? Từ đó, việc giao thực hiện tự chủ cho các trường đại học có cần đánh giá, xác nhận năng lực, điều kiện tự chủ hay không và phương thức thực hiện việc giao kết này ra sao? Có nên xây dựng nhiều mô hình tự chủ phù hợp với từng nhóm trường đại học đặc thù hay không cũng là một câu hỏi đặt ra. Thứ ba, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, việc nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng trường; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng cho các thành viên hội đồng trường…, bảo đảm đây là một thiết chế quyền 16
  7. lực thực sự trong nhà trường cũng như xử lý hài hòa mối quan hệ giữa hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác cũng là một yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh tự chủ khi Luật đã trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; giao quyền lực cho Hội đồng trường, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng một quy chế điều hành, tổ chức hoạt động và tài chính nội bộ cụ thể, chi tiết theo quy định của pháp luật. Cơ sở và hiệu lực pháp lý của quy chế này được công nhận như thế nào trong hệ thống pháp lý chung ? Thứ tư, trên cơ sở làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển giáo dục đại học của đất nước, khi đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, cùng lúc xác nhận trách nhiệm đầu tư của nhà nước, cần làm rõ nội dung và quyền hạn trong tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học, trong hệ thống văn bản pháp lý và quản lý nhà nước, trong mối quan hệ của cơ quan quản lý trực tiếp với trường đại học. Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cũng như giá trị pháp lý các nghị quyết của Hội đồng trường, trong các vấn đề về tài chính và tài sản nhà trường, trong quyết định về đầu tư và sử dụng tài sản công, trong việc giám sát và minh bạch tài chính của nhà trường, Cơ chế, chính sách và sử dụng học phí cũng như việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng cũng là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ tài chính đại học. Thứ năm, việc thực hiện quyền tự chủ gắn liền với tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch thông tin là những vấn đề quan trọng để bảo đảm việc triển khai thực hiện tự chủ có hiệu quả. Đồng thời, các thiết chế, thói quen và văn hóa giám sát đại học để bảo đảm tính thực chất và chính xác của các thông tin giải trình cũng cần được hình thành và phát triển để bảo đảm tính công bằng, khách quan và trung thực. Nội dung, cơ chế, phương thức triển khai được quy định hay hướng dẫn và giám sát như thế nào, có những quy định nguyên tắc bắt buộc ra sao? Kết luận Mặc dù tự chủ đại học cũng đã được đề cập đến từ sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam song trên thực tế, vẫn luôn tồn tại một khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với thực tiễn thi hành. Với nhiều quy định tiến bộ, Luật số 34/2018/QH14 dù đã cố gắng chi tiết hóa nhiều nội dung liên quan đến cơ chế tổ chức triển khai thực hiện tự chủ, tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện Luật vẫn vấp phải những rào cản cố hữu do vẫn tồn tại những bất cập cả trong nhận thức, thể chế và năng lực thực hiện. Việc rút ngắn khoảng cách này không đơn giản, đòi hỏi phải có sự quyết tâm mạnh mẽ, sự vào cuộc sâu sát của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cần có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế thực hiện thuận lợi, cung cấp nguồn lực cần thiết cũng như giúp nâng cao năng lực thực hiện, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Từ các vấn đề nêu ra, có thể nhận thấy hai nội dung lớn cần quan tâm giải quyết để đẩy mạnh tự chủ các trường đại học trong giai đoạn hiện nay là: - Hoàn thiện cơ chế tự chủ tại cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tổ chức, quan hệ và trách nhiệm của Hội đồng trường và các chủ thể liên quan trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học. 17
  8. - Xây dựng mô hình tài chính đại học, trong bối cảnh cơ sở đào tạo được tự chủ, bao gồm trách nhiệm của nhà nước, xã hội, hệ thống luật phát, cơ chế, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, Đây chính là hai nội dung của Hội thảo hôm nay cần thảo luận để có cái nhìn thống nhất và quyết tâm trong hành động thực tiễn để thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học thực chất, hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban chấp hành Trung ương, 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị BCHTW lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 2. Chính phủ, 2005, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. 3. Chính phủ, 2006, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 4. Chính phủ, 2014, Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. 5. Chính phủ, 2016, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 04/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. 6. Nguyễn Trọng Hoài, 2018, “Tự chủ tài chính đại học theo thông lệ quốc tế: Gợi ý chính sách cho hệ thống đại học Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2018 - Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, Nxb ĐHQG HCM, tr.27-42. 7. Parajuli D., 2018, “Higher education financing – case of Vietnam: Current status and future directions”, Kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2018 - Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, Nxb ĐHQG HCM, p.3-9. 8. Phạm Duy Nghĩa, 2020, “Ba điểm cần lưu ý khi giám sát thực thi tự chủ đại học ở Việt Nam”, Tham luận tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2020 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức, Hà Nội, tháng 11/2020. 9. Quốc hội, 1998, Luật Giáo dục năm 1998 (Luật số 11/1998/QH10) 10. Quốc hội, 2005, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 (Luật số 38/2005/QH11) 11. Quốc hội, 2010, Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. 12. Quốc hội, 2012, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (Luật số 08/2012/QH12) 13. Quốc hội, 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) 14. Quốc hội, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14). 18
  9. 15. Phạm Tất Thắng, Nguyễn Thi Tuyết Nga, 2018, “Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học để đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2018 - Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, Nxb ĐHQG HCM, tr.649-667. 16. Đào Trọng Thi, 2020, “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, Đề tài KHCN cấp quốc gia về khoa học giáo dục, Hà Nội. 17. Phạm Đỗ Nhật Tiến, 2020, “Thực trạng tự chủ đại học Việt Nam: Từ văn bản đến thực tiễn”, Tham luận Hội thảo Giáo dục Việt nam năm 2020, Hà Nội, T11/2020. 18. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 329/BC-UBTVQH12 ngày 26/5/2010 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học 19. UBVHGDTTN, 2013, Báo cáo số 778/BC-UBVHGDTTN13 ngày 22/5/2013 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học. 20. UBVHGDTTN, 2016, Báo cáo số 135/BC-UBVHGDTTN14 ngày 26/10/2016 về một số ý kiến của Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đối với Báo cáo của Chính phủ về giáo dục và đào tạo. 21. UBVHGDTTN, 2017, Báo cáo số 938/BC-UBVHGDTTN14 ngày 15/11/2017 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016 22. UBVHGDTTN, 2018, Báo cáo số 1299/BC-UBVHGDTTN14 ngày 18/5/2018 về kết quả giám sát việc thực hiện Luật Giáo dục đại học 23. UBVHGDTTN, 2019, Báo cáo số 2452/BC-UBVHGDTTN14 ngày 29/10/2019 về kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học 24. UBVHGDTTN, 2020, Báo cáo kết quả khảo sát về tự chủ tài chính – chính sách học phí giáo dục đại học 19
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2