intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vài suy nghĩ về quan điểm nghề nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

23
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong di sản tư tưởng mà Hồ Chủ tịch để lại thì quan điểm của Người về vấn đề nghề nghiệp chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, rộng nhất. Mặc dầu, nghiên cứu vấn đề này chẳng những góp phần tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Trong phạm vi báo cáo này, các tác giả nêu ra một số suy nghĩ về quan điểm nghề nghiệp của Hồ Chủ Tịch, mời độc giả cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vài suy nghĩ về quan điểm nghề nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  1. Kỷ yếu hội thảo khoa học: "CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VỀ GIÁO DỤC VÀ SƯ PHẠM". pp. 100-103 VÀI SUY NGHĨ VỀ QUAN ĐIỂM NGHỀ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH PGS.TS. Trần Viết Thụ Khoa Lịch sử, Đại học Vinh PGS.TS. Văn Ngọc Thành Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng của thời đại chúng ta. Trong di sản tư tưởng mà Hồ Chủ tịch để lại thì quan điểm của Người về vấn đề nghề nghiệp chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, rộng nhất. Mặc dầu, nghiên cứu vấn đề này chẳng những góp phần tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn; nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được phục hồi và phát huy mạnh mẽ những yếu tố tích cực của nó đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ ở nước ta, kéo theo nó là một loạt ngành nghề mới xuất hiện; khi mà thanh niên học sinh chúng ta còn có những quan niệm lệch lạc thậm chí sai lầm về nghề nghiệp. Vì vậy, quan điểm nghề nghiệp của Hồ Chủ tịch cần được xem xét một cách sâu sắc, nhất là đối với những người làm công tác giáo dục. Trong phạm vi báo cáo này, chúng tôi chưa đặt ra tham vọng giải quyết một cách đầy đủ, có hệ thống quan điểm nghề nghiệp Hồ Chủ tịch mà chỉ dừng lại ở chỗ bước đầu nêu ra một số suy nghĩ về vấn đề này. Rõ ràng, quan điểm nghề nghiệp là một phạm trù tư tưởng mang tính giai cấp và tính thời đại. Mỗi giai cấp đều có cách nhìn khác nhau, có thái độ khác nhau về nghề nghiệp, xuất phát từ quyền lợi của mỗi giai cấp nhất định. Dưới chế độ phong kiến, trong "bách nghệ" thì "duy hữu độc thứ cao", vinh quang thuộc về lớp người ăn bám thống trị. Còn quần chúng nhân dân người lao động chân chính duy nhất sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần của xã hội thì bị coi là "dân ngu", "dân đen". Trong nhân dân lao động, do bị ảnh hưởng bởi đạo đức phong kiến, nên có nhiều quan niệm sai lầm về nghề nghiệp. Học nghề, khổ luyện nghề không ngoài 100
  2. Vài suy nghĩ về quan điểm nghề nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mục đích "vinh thân, phì gia", "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" phục vụ cho cuộc sống cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, như Mác, Ăng-ghen đã nhận xét: "Giai cấp tư sản không để lại giữa người với người một mối quan hệ nào khác ngoài mối lợi và "trả tiền ngay" không tình nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sỹ, của cảm tình tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần [1;44-45]. Do đó, giai cấp tư sản có thái độ coi khinh, phỉ báng lao động, ca ngợi sự ăn bám, tư tưởng thực dụng chủ nghĩa. Đối với giai cấp vô sản, sức lao động của họ trở thành hàng hóa để nhà tư bản mua bán, đổi chác; nghề nghiệp làm cho họ trở thành máy móc, què quặt. Cũng chính vì vậy, nền giáo dục phong kiến và tư sản có tính chất nhồi sọ thực dụng, xa rời thực tế lao động, sản xuất, đào tạo. Một bộ phận thế hệ trở thành lớp người thừa hành, ăn bám, mang tư tưởng coi khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Tóm lại, dưới chế độ người bóc lột người, nghề nghiệp không gì khác ngoài phương tiện để phục vụ lợi ích cá nhân ích kỷ của con người. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình hình thành quan điểm mác-xít về lao động nói chung, nghề nghiệp nói riêng đi đôi với việc phê phán, xóa bỏ quan điểm phong kiến và tư sản. Như chúng ta đã biết, trong cuộc đời hoạt động vô cùng phong phú, sôi nổi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nhiều nghề khác nhau, từ phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết, rửa ảnh. . . đến làm báo, viết văn. Dù làm nghề này hay nghề khác, Bác đều "dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc" [2;16]. Tinh thần nghiêm túc đối với công việc, sự nỗ lực to lớn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành để hoàn thành những công việc nặng nhọc, vất vả, trước hết, đó là thái độ của Người đối với lao động, nhưng cao hơn, xa hơn là nhằm mục đích cứu nước, cứu dân, là để "đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét lại làm như thế nào sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta" [2;13]. Việc Nguyễn Tất Thành "nhập thân" vào phong trào công nhân, sống một cuộc sống của người công nhân chủ yếu là để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc, nhưng xét trên một khía cạnh khác, thì đây là đòn tấn công đầu tiên của Bác giáng vào quan niệm về lao động và nghề nghiệp của Hồ Chủ tịch được hình thành và hoàn chỉnh cùng với các quan điểm tư tưởng khác của Người. Theo chúng tôi, quan điểm nghề nghiệp của Hồ Chủ tịch thể hiện qua các khía cạnh cụ thể sau đây: Trước hết, Hồ Chủ tịch khẳng định rằng: Mục đích của lao động nói chung, của nghề nghiệp nói riêng là nhằm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ 101
  3. Trần Viết Thụ và Văn Ngọc Thành xã hội. Bất cứ làm việc gì, làm nghề nào đều phải nhằm mục đích "ích nước, lợi dân" cống hiến hết sức mình cho nước, cho dân và lấy nó làm thước đo giá trị của con người và nghề nghiệp. Xa rời mục đích đó sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Người nói: "Bất cứ lao động gì mà có ích, có lợi cho nhân dân, cho xã hội đều là vinh quang" [3;438]. (Quan điểm trên đây của Hồ Chủ tịch làm chúng ta liên tưởng tới quan điểm của Mác được trình bày trong bài luận nổi tiếng "Những suy nghĩ của thanh niên khi chọn nghề" (1835). Mác cho rằng: Mục đích của việc chọn nghề là nhằm phục vụ xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân của mình chứ không phải vì mục đích thỏa mãn những tính toán ích kỷ của cá nhân). Do đó, nhiều lần Hồ Chủ tịch đã phê phán động cơ chọn nghề không đúng của một số thanh niên. Vì không nhận thức đúng đắn mục đích của lao động nói chung, của nghề nghiệp nói riêng, nên họ chỉ lo lựa chọn một nghề vừa "sang" vừa "nhàn", "đứng núi này trông núi nọ" không chịu làm việc. Người gọi đó là biểu hiện của sự lười biếng, "tâm lý tự tư tự lợi", "chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình", "tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc", là "thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay" [4]. Hai là, xuất phát từ mục đích trên, Hồ Chủ tịch quan niệm rằng, giữa các nghề khác nhau, giữa những người có nghề nghiệp khác nhau luôn luôn bình đẳng và thực sự bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. . . Bác thường nhắc nhở mọi người, nhất là thanh nhiên không được phân biệt nghề này "sang", nghề kia "hèn", không phân biệt lao động chân tay và lao động trí óc và cho rằng đó là tàn dư của đạo đức cũ cần phải gột rửa. Hồ Chủ tịch khẳng định: "Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau" [5;36], Người còn nói: "Trong xã hội không có nghề nào thấp kém" [5;35] và "việc gì có lợi cho cách mạng là làm hết, không có việc gì sang, việc gì hèn cả" [7;35]. Ba là, trong lao động và nghề nghiệp cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của công việc và lấy nó làm thước đo phẩm chất đạo đức con người. Đánh giá, nhận xét con người không phải căn cứ vào nghề nghiệp mà căn cứ vào quá trình lao động, vào hiệu quả công việc của họ. Hồ Chủ tịch cho rằng, tinh thần kỷ luật, tính tự giác trong lao động là yếu tố quan trọng dẫn đến năng suất lao động. Người kiên quyết lên án tính tự do vô kỷ luật, "dễ làm khó bỏ" của một số người. Người nói: "Mỗi người phải tự giác giữ vững kỷ luật lao động". 102
  4. Vài suy nghĩ về quan điểm nghề nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh Và cuối cùng, quan điểm nghề nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong thái độ của Người đối với nhân dân lao động. Dù ai, dù làm nghề nào cũng đều bắt gặp ở Người tình cảm thương yêu, trân trọng đối với họ, trân trọng nghề nghiệp của họ, sản phẩm của họ làm ra. Đây là nét nổi bật trong tư tưởng nhân đạo của Hồ Chủ tịch nhưng đồng thời cũng bao hàm quan điểm của Người về vấn đề nghề nghiệp. Như vậy, quan điểm nghề nghiệp của Hồ Chủ tịch với những thể hiện cụ thể như thái độ tôn trọng, bình đẳng trong lao động và nghề nghiệp, không phân biệt lao động chân tay hay lao động trí óc, lấy mục đích phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc làm động cơ lao động và chọn nghề; và bao trùm lên hết thảy là thái độ trân trọng đối với nhân dân lao động là một quan điểm rất khoa học và cách mạng. Qua đó, chúng ta học tập được ở Bác cách nhìn và thái độ đúng đắn đối với vấn đề nghề nghiệp hiện nay, làm cơ sở cho việc giáo dục hướng nghiệp học sinh, góp phần đào tạo con người lao động mới XHCN, có ý thức và trách nhiệm cống hiến sức lực và tài năng của mình cho đất nước, cho xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] C.Mác - P.Ăng-ghen. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1986. Trang 44, 45. [2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, HN 1976, tr. 16, 13. [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1987, tr. 438. [4] Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1977, tr 67. [5] Những lời Bác dạy, Nxb Thanh niên, 1975, tr. 36. [6] Hồ Chí minh, Về vấn đề giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1977, tr.40. [7] Những lời Bác dạy, Nxb Thanh niên, 1975, tr. 35. 103
  5. Kỷ yếu hội thảo khoa học: "CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VỀ GIÁO DỤC VÀ SƯ PHẠM". pp. 104-112 CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC ĐỔI MỚI CÁCH DẠY VÀ CÁCH HỌC TRONG ĐÀO TẠO SƯ PHẠM ThS. Hà Thị Mai Khoa Sư phạm, Trường Đại học Đà Lạt Trích lược một số bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Sư phạm và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị Sư phạm: “Bác nghe nói thanh niên không thích làm thầy giáo, làm thầy giáo không oanh liệt, không anh hùng, có đúng không? (Nhiều người đáp: “Có ạ !”) - Sự thật các cô các chú cũng biết dân tộc ta, nước nhà ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và muốn khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa thì cần cán bộ rất nhiều, nhưng cán bộ ta còn thiếu. Vậy ta phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hóa làm gốc. Nếu ta muốn dùng máy móc mà máy móc ngày một thêm tinh xảo, thì công nhân cũng phải có trình độ kỹ thuật rất cao không kém gì kỹ sư, phải biết tính toán nhiều. Ở nông thôn cũng vậy. Các cô các chú ở nông thôn nhiều, chắc biết trước kia ruộng là của địa chủ, nông dân cứ cúi đầu làm lụng suốt ngày. . . Bây giờ khác, nông dân có ruộng đất, lại có tổ đổi công cho nên nông dân phải biết văn hóa. . . không biết chữ thì không làm được, rồi phải biết chia công chấm điểm, lại càng phải biết văn hóa. Vì vậy, công nhân, nông dân đại đa số phải có văn hóa. Muốn có văn hóa thì phải làm thế nào? (Hội trường trả lời to: “Phải học”) - Muốn học phải cần có gì ? (Có thầy) - Các cô các chú cứ đi dần dần thì hiểu. Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành. Các cô các chú thấy khác trước không ? ( Có ạ !)” 104
  6. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đổi mới cách dạy và cách học... ... [Nguồn 1; 255-261;22-23] Bài nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội: . . . “Bác muốn nhắc nhở các đồng chí cán bộ và các cháu học sinh: 1. Trước hết là phải đoàn kết 2. Các cháu học sinh không nên học gạo, học vẹt. Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau. 3. . . . 4. Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. . . Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa. . . . Cuối cùng, Bác mong. . . Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân viên phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước.” (Ngày 21.10.1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người đã nói chuyện với các thầy giáo cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường) [Nguồn 1;329-332] 1. Vấn đề được đặt ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó những bài viết, bài phát biểu về giáo dục và đào tạo thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược hết sức đúng đắn, sâu sắc đối với sự nghiệp “trồng người” trong công cuộc cách mạng Việt Nam. Từ trong di sản tinh thần to lớn, trong những tư tưởng vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, các bài viết của các nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, các nhà giáo ở các cấp về: Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, với giáo dục đào tạo, với việc khởi đầu xây dựng nền giáo dục quốc dân Việt Nam, với việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, với công tác giáo dục lý luận chính trị, quân sự, về hội nhập trên lĩnh vực giáo dục, về tư tưởng thi đua yêu nước, với việc xây dựng đội ngũ người thầy trong nền cách mạng giáo dục Việt Nam, với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, về công tác dạy học, về nhân cách và giáo dục nhân cách, với công tác giáo dục đạo đức, lối sống của cán bộ 105
  7. Hà Thị Mai đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh trong nhà trường các cấp, với Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và cả về việc sự kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục. . . Nhưng về cách dạy, cách học tức là phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập thì việc nghiên cứu còn khiêm tốn. Đã có những bài viết về quan điểm, mục đích học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có đề cập đến “học phải có phương pháp” nhưng chỉ lướt qua. Hoặc có bài viết tư tưởng của Người về công tác dạy học đã phân tích làm sáng tỏ: mục tiêu của giáo dục và dạy học, nhiệm vụ và nội dung dạy học, phương pháp và phong cách dạy học nói chung. Do vậy, để góp phần làm giàu thêm nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo cần phải tìm hiểu, trình bày quan điểm của Người về đổi mới cách dạy, cách học trong đào tạo sư phạm là hết sức cần thiết. Về cách dạy, cách học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong các bài viết, bài nói về giáo dục và sư phạm, cụ thể nhất là hai bài nói tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 - hội nghị sư phạm (tháng 7-1956) và tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21-10-1964) mà chúng tôi đã đưa vào lời trích dẫn ngay đầu bài viết. Người nói: Đối với người thầy, “Thầy giáo ngày nay không phải như trước. . . (...) Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi đôi với thực hành”. Đối với người học, “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Và đối với nhà trường - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, “Bác mong, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đổi mới cách dạy và cách học trong đào tạo sư phạm 2.1. Về đổi mới cách dạy của người thầy Trong quá trình sáng lập, xây dựng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu, lý tưởng, tâm nguyện của Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, đối với đồng bào là “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Do đó, Người rất quan tâm đến giáo dục, “chăm sóc” ân cần đến thầy giáo và học sinh. Có được sự quan tâm ấy bởi trước hết Hồ Chí Minh là một thầy giáo - thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào năm 1910-1911; thầy giáo Vương ở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc (1925-1927) và ở nhiều lớp huấn luyện khác trong và 106
  8. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đổi mới cách dạy và cách học... ngoài nước. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người thầy từng tham gia giảng dạy ở Ban Văn khoa - tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đầu tiên được thành lập vào ngày 10-10-1945 theo Sắc lệnh 45/SL và chính thức khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 15-11-1945. Trong lĩnh vực giáo dục nói chung, dạy học nói riêng, Hồ Chí Minh đã có công lao hết sức to lớn, đóng góp hết sức quan trọng mang tầm chiến lược về nhiệm vụ của giáo dục, về lý luận dạy học nói chung, phương pháp dạy - học nói riêng. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, dân tộc ta, đất nước ta bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, do vậy mà “thầy giáo ngày nay không phải như trước. Bây giờ . . . cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành”. “Cách dạy, quan niệm dạy phải khác” theo Hồ Chí Minh có nghĩa là phải đổi mới, đổi mới trong nhận thức (quan niệm), đổi mới về phương pháp giảng dạy. Trước hết, về mặt nhận thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lầm và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được” (5/1950). Hoặc là, “Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. Trong “Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ, thanh niên và nhi đồng” ngày 31-10-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến. - Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lí luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.” Hay là: “Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”. Quả thực, những ý kiến được nêu trong các các bài phát biểu, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây, không những là quan điểm, là tư tưởng thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược cho giai đoạn kiến thiết nước nhà sau 1954 mà cả cho hôm nay và mai sau. Quan điểm đó, tư tưởng đó được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển” và “phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Thứ hai là người thầy phải đổi mới cách dạy. 107
  9. Hà Thị Mai Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dạy là phải “Dạy tốt”, Học là phải “Học tốt”. Quan điểm này được Người nêu và căn dặn, nhắc nhở ở nhiều lớp huấn luyện, nhiều trường, ở các hội nghị về giáo dục. Tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, nói chuyện với cán bộ và học sinh vào ngày 09-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Học tốt là chính trị, văn hóa”. Về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình vào ngày 17-8-1962, Bác đánh giá: “Trường này dạy cho thanh niên vừa học tập, vừa lao động như vậy là rất tốt”. Đúng ngày 5-9-1963 trong Thư gửi các thầy giáo và học sinh nhân ngày khai trường năm học 1963-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong năm học mới, nhà trường sẽ đẩy mạnh thi đua “hai tốt”. Đó là “dạy tốt, học tốt”. Vào dịp Trường phổ thông cấp III Đức Thọ - Hà Tĩnh đổi tên thành Trường phổ thông cấp III Trần Phú, trong bức điện gửi ngày 27-4-1964: “Bác mong các cô giáo, thầy giáo thi đua dạy thật tốt, các cháu học sinh học thật tốt, làm gương mẫu cho các trường khác”. Nhân dịp bắt đầu năm học mới, năm học 1968-1969, vào ngày 15-10-1968, Người căn dặn trong “Thư cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, sinh viên”: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu rõ quan điểm, căn dặn, nhắc nhở mà Người còn định hướng cho người làm công tác dạy học trong việc lựa chọn phương pháp dạy học sao cho phù hợp. Người cho rằng: “Huấn luyện lý luận có hai cách: Một cách là đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. . . Thế là lý luận suông, vô ích; Một cách là trong lúc lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế để làm công việc thực tế. Thế là lý luận thiết thực có ích”. Tại trường Đại học nhân dân Việt Nam (1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”. Trong việc đổi mới cách dạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải bám sát nội dung dạy học, phải phục vụ cho mục tiêu dạy học. Đối với “một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc” thì “Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Muốn như thế, chúng ta phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ phải “thông thạo công việc của mình”, “phải thực hành: làm việc gì, học việc ấy”. Đó chính là học cách làm. Đối với thầy giáo, cô giáo là học cách dạy, đổi mới cách dạy khi chương trình, sách giáo khoa đã có cải cách, đổi mới. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thầy giáo. Người tham gia giảng dạy ở nhiều cấp học, nhiều lớp huấn luyện cả trong và ngoài nước, kể cả ở bậc đại học. Trong quá trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh, với các nội dung dạy học khác nhau, do đó, theo Người, muốn đổi mới cách dạy thì người thầy phải thực sự hiểu được đối tượng học sinh, nắm bắt được đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh: “phải đóng giầy theo chân chứ không thể khoét chân cho vừa giầy”. 108
  10. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đổi mới cách dạy và cách học... Đối với trẻ em, Bác thường nhắc nhủ các giáo viên: “Không được làm cho các cháu thành “ông già bé”; “Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Năm 1950, huấn thị về công tác huấn luyện học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ cách dạy học: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều. Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề; bất kỳ việc gì, chúng ta cũng phải bắt đầu từ gốc, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng. Chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. . . Người thẳng thắn phê phán cái tệ nhồi nhét kiến thức; đồng thời rất coi trọng cách nói, cách viết: “Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực, dễ hiểu”; “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận”. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đổi mới cách dạy nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Trong nhà trường nói chung, nhà trường đại học sư phạm nói riêng, hiện nay việc đổi mới phương pháp dạy học là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công chiến lược phát triển giáo dục của đất nước. Đó là giáo viên phải dạy cho sinh viên năng lực nhận thức, năng lực tư duy sáng tạo chứ không phải thuần túy dạy kiến thức khoa học; tùy theo mục tiêu, đặc thù của môn học, đặc điểm của người học, lớp học mà áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp các phương pháp dạy học để chuyển tải nội dung dạy học đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Trong quá trình dạy, người thầy “lấy người học làm trung tâm” để dạy cho họ có tư duy, dạy về tư duy và để phát triển tư duy. Khi người thầy đổi mới về cách dạy, tất yếu đòi hỏi người học phải đổi mới cách học. Đây cũng là một nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. 2.2. Về đổi mới cách học của người học Đối với người học, đổi mới cách học tức là đổi mới phương pháp học tập. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới cách học với mục đích là để “học tốt”. “Học tốt là để làm việc tốt”, “để sau này góp phần mở mang quê hương của mình và xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”. Đây là nội dung mà Bác nêu rõ trong “Thư gửi các cháu học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương”. Tháng 9-1945, trong “Thư gửi các cháu học sinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Người vừa nêu rõ vai trò trách nhiệm của học sinh, đồng thời vừa đặt niềm tin vào học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước: “Muốn xứng đáng vai trò của người chủ thì phải học tập”. Theo Bác, phương pháp học tập là một nội dung không thể thiếu của mục đích học tập. Người xác định: “Học phải gắn liền với thực hành; học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người”. Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà 109
  11. Hà Thị Mai không học thì không trôi chảy”. Về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong bài nói chuyện vào ngày 21-10-1964, Người nhắc nhở các cháu học sinh: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Ở tầng ý nghĩa cao hơn, đối với học sinh nói chung, sinh viên đại học nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vấn đề tự học. Theo Người: “Cách học tập: Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Có nghĩa là: Thầy thì giữ vai trò chủ đạo (tổ chức, hướng dẫn, điều khiển), trò thì chủ động, tích cực, tự giác trong quá trình dạy và học. Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu suy nghĩ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất kỳ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng với lý không. Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải. . . ” [1; tập 8;500]. Đúng là, việc học không bao giờ có giới hạn cuối cùng, “người nào tự cho mình là biết đủ rồi, thì đó là người dốt nhất. . . biến mình thành kẻ chậm tiến của thời đại”. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thừa nhận “Vì bận nhiều việc, Bác ít đến thăm nhà trường” nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến việc dạy và học của ngành giáo dục, của trường sư phạm. Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, nêu lên không chỉ là mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn của việc học mà ở tầng ý nghĩa sâu hơn, muốn cho mục đích cao cả của việc học được thành công thì đòi hỏi phải có phương pháp học tập tích cực, sáng tạo. Chỉ người nào có tinh thần, thái độ học tập tự giác, chủ động, đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu một cách thường xuyên thì mới đạt được mục đích học tập cao cả của mình. Đó là giải quyết một cách nhanh chóng, khoa học, sáng tạo những vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống, lớn hơn là “để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể”. Đó là nhân tài của đất nước. Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, chúng ta càng thấm thía quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 2.3. Đối với nhà trường sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) Niềm trăn trở, lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1964 là “làm thế nào để nhà trường này (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - người viết nhấn mạnh) chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Hiện nay, hệ thống trường sư phạm ở nước ta với con số hàng trăm trường, có đầy đủ các bậc đào tạo: trung học sư phạm, sư phạm kỹ thuật, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm đang giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ 110
  12. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đổi mới cách dạy và cách học... giáo viên cho các bậc học, các nhà trường của cả nước. Đây là “hệ thống máy cái” của một nền giáo dục trong thời đại khoa học, công nghệ hiện đại. Từ những năm cuối của thế kỷ trước, nhân dịp đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào ngày 31-8-1998, đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII) đã đánh giá: “Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là con chim đầu đàn trong hệ thống đó, đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên các cấp”. Trong hơn 60 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 45/SL quyết định thành lập, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có bề dày kinh nghiệm xây dựng và phát triển, đã có những đóng góp rất to lớn cho ngành giáo dục nói chung, ngành sư phạm nói riêng. Đội ngũ nhà giáo được đào tạo từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho tất cả các ngành học, cấp học tỏa đi khắp cả nước. “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trung tâm đào tạo Sau đại học lớn nhất và là cái nôi đầu tiên khai sinh ra sự nghiệp đào tạo Sau đại học trong nước. Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học tầm cỡ quốc gia, quốc tế, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. . . Trường còn là trung tâm xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình cho hệ thống các trường sư phạm, là trung tâm nghiên cứu khoa học khá mạnh cả về khoa học cơ bản và đặc biệt là khoa học giáo dục”. Trường còn làm nhiệm vụ quốc tế đào tạo giáo viên chuyên nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ cho các nước bạn Lào, Campuchia. . . Quả thực, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm, “chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” như lời Bác dặn. 3. Kết luận Trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “cùng với khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nhận thức sâu sắc: “Giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển” được Đảng và Nhà nước ta xác định từ Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khóa VIII và đang phấn đấu thực hiện thành công quyết định cơ bản đó. Hơn bốn mươi năm đã đi qua kể từ ngày Bác ra đi, nhiều quan điểm và ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, về dạy học mà cụ thể là về đổi mới cách dạy và cách học trong đào tạo sư phạm vẫn còn nóng hổi giá trị của nó, vẫn luôn là tài sản vô giá thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược về giáo dục và dạy học của Người. Chúng ta vẫn kiên trì tiếp tục phấn đấu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” để thực hiện điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là mục tiêu cụ thể hiện nay: “học ra học, dạy ra dạy”; “thầy ra thầy, trò ra trò” và “trường ra trường, lớp ra lớp”. Quả là, “Thử nhật độc thư nhất quyển / Tha thời phúc lộc thiên chung - Hôm nay đọc một quyển sách / Mai sau phúc lộc vô cùng”. 111
  13. Hà Thị Mai TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. [2] Văn kiện Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. [3] Lê Mậu Hãn, Hồ Chí Minh khởi đầu việc xây dựng nền giáo dục quốc dân Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, Số 5, 2008. [4] Đỗ Đức Hinh, Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền giáo dục Việt nam hiện đại, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 3, 2004. [5] Đinh Xuân Lâm, Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội, Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Số 19 - 05.10.2010. [6] Phan Ngọc Liên (Biên sọan), Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2007. [7] Phan Ngọc Liên, Hồ Chí Minh với việc xây dựng một nền giáo dục mới của Việt Nnam, Lịch sử Đảng, Số 11, 2003. [8] Phan Ngọc Liên, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về hội nhập trên lĩnh vực giáo dục, Giáo dục lý luận, Số 11,2008. [9] Đỗ Văn Quân, Đặng Ánh Tuyết, Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Học để làm việc” một trong 4 trụ cột của giáo dục hiện đại, Giáo dục, Số 106, 2005. [10] Hà Trọng Thà, Tư tưởng nhân nghĩa của Hồ Chí Minh với việc giáo dục, rèn luyện nhân cách thanh niên hiện nay, Khoa học Xã hội, Số 10, 2006. [11] Nguyễn Khắc Thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, Lịch sử Đảng, số 3, 2001. [12] Hoàng Diệu Thúy, Hồ Chí Minh với việc xây dựng đội ngũ người thầy trong nền cách mạng giáo dục Việt Nam, Lịch sử Đảng, Số 11, 2006. [13] Trần Trọng Thủy, Tìm hiểu vấn đề nhân cách và giáo dục nhân cách trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tâm lý học, Số 3, 2000. [14] Lê Văn Yên (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội, 2006. [15] Cao Hải Yến, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Nhà trường và gia đình trong giáo dục văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, Văn hóa Nghệ thuật, Số 4, 2008. 112
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2