intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

28
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số" đề xuất một số những giải pháp cơ bản nhằm phát triển kỹ năng mềm trong bối cảnh chuyển đổi số theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra để đáp ứng nhu cầu của sinh viên cũng như của những nhà tuyển dụng lao động. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số

  1. VAI TRÒ CỦA KỸ NĂNG MỀM ĐỐI VỚI SINH VIÊN TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Phùng Thanh Hoa Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên Tóm tắt: Hiện nay, việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học là một trong những yêu cầu khách quan và cần được quan tâm. Trong bài viết này tác giả chỉ ra một vài vai trò cơ bản của kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất một số những giải pháp cơ bản nhằm phát triển kỹ năng mềm trong bối cảnh chuyển đổi số theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra để đáp ứng nhu cầu của sinh viên cũng như của những nhà tuyển dụng lao động. Từ khóa: chuẩn đầu ra, kỹ năng mềm, sinh viên 1. Đặt vấn đề Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nên việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên là điều rất cần thiết. Hành trang cho sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ là kiến thức mà còn cần phải có cả kỹ năng mềm và thái độ trong khi làm việc, khi giao tiếp với mọi người. Bằng cấp là quan trọng nhưng năng lực thật sự của mỗi sinh viên và kinh nghiệm làm việc đó mới chính là yếu tố quyết định. Năng lực của con người đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Điều đó khẳng định rằng học không chỉ để biết mà học còn để làm việc, để chung sống và để tự khẳng định mình. Trên thực tế có rất nhiều sinh viên sau khi ra trường gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng bằng bằng cấp nhưng lại thiếu mất kỹ năng và kinh nghiệm. Chính vì lẽ đó, các trường cần trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết, cơ bản. Đặc biệt, khi xã hội đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực thì việc trang bị những “kỹ năng”, “kỹ năng mềm” cho sinh viên lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong bài viết, tác giả trình bày vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên và một số những kỹ năng mềm cần thiết mà sinh viên cần phải có. Đồng thời, tác giả đưa ra một số những biện pháp nhằm phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. 2. Một số khái niệm cơ bản 2.1 . Khái niệm kỹ năng mềm Kỹ năng mềm là khả năng, là cách thức chúng ta tiếp cận và phản ứng với môi trường xung quanh, không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kiến thức, do quá trình chúng ta rèn luyện mà nên. Kỹ năng mềm bao gồm nhiều loại kỹ năng kết hợp với nhau như: cách giao tiếp, cách đàm phán, sự tác động, tính thuyết phục, giới thiệu, diễn thuyết, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, thiết lập quan hệ, quản lý thời gian,… Có khá nhiều quan niệm hay định nghĩa khác nhau về kỹ năng mềm. Theo tác giả Forland, Jeremy định nghĩa: Kỹ năng mềm là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội”. “Kỹ năng 281
  2. mềm là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội để chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử hiệu quả trong giao tiếp giữa người với người. Nói khác đi, đó là kỹ năng liên quan đến việc con người hòa mình, chung sống và tương tác với cá nhân khác, nhóm, tập thể, tổ chức và cộng đồng” [1]. Nhà nghiên cứu N.J. Patrick định nghĩa: Kỹ năng mềm là khả năng, cách thức chúng ta thích ứng với môi trường. “Kỹ năng mềm là khả năng, là cách thức chúng ta tiếp cận và phản ứng với môi trường xung quanh, không phụ thuộc và trình độ chuyên môn và kiến thức. Kỹ năng mềm không phải là yếu tố bẩm sinh về tính cách hay là những kiến thức của sự hiểu biết lý thuyết mà đó là khả năng thích nghi với môi trường và con người để tạo ra sự tương tác hiệu quả trên bình diện cá nhân và cả công việc” [2]. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Đinh Thị Kim Thoa thì cho rằng: “Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc như: một số nét tính cách (quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới), sự tế nhị, kỹ năng ứng xử, thói quen, sự lạc quan, chân thành, kỹ năng làm việc theo nhóm... Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác. Những kỹ năng này là thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, nhưng không phải là kỹ năng đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Kỹ năng mềm quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc” [4]. Như vậy, theo tác giả thì kỹ năng mềm là những kỹ năng con người tích lũy được để làm cho mình dễ dàng được chấp nhận, làm việc thuận lợi và đạt được hiệu quả. Vì có nhiều khái niệm khác nhau nên cũng có rất nhiều cách khác nhau để phân loại về kỹ năng mềm. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào một số những kỹ năng mềm mà sinh viên cần phải có để phục vụ trong học tập: - Kỹ năng giao tiếp - Kỹ năng làm việc nhóm - Kỹ năng quản lý thời gian - Kỹ năng lập kế hoạch - Kỹ năng lãnh đạo - Kỹ năng giải quyết vấn đề - Kỹ năng tư duy sáng tạo - Kỹ năng tiếp nhận và học hỏi - Kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện - Kỹ năng tư duy phản biện - Kỹ năng thuyết trình 2.2. Khái niệm chuyển đổi số Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thì cụm từ chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020. 282
  3. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data),... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Theo Gartner - Công ty tư vấn và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội doanh thu và giá trị mới. Còn Microsoft thì cho rằng: Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ hợp tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra giá trị mới. Như vậy, có thể thấy chuyển đổi số ra đời khi mà Internet lên ngôi. Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề của đời sống xã hội và giáo dục cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Vì vậy, có thể thấy rằng, chuyển đổi số ngành giáo dục nghĩa là việc áp dụng công nghệ, dựa vào mục đích, cơ cấu của doanh nghiệp giáo dục. Theo tác giả thì chuyển đổi số đó chính là quá trình vận dụng tính luôn luôn đổi mới một cách nhanh chóng của công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật để giải quyết những vấn đề khác nhau. 3. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số Hiện nay, xã hội ngày càng vận động và phát triển mạnh mẽ do đó bắt buộc mỗi con người cũng phải thay đổi để thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh. Một câu hỏi đặt ra đó là liệu những kiến thức chuyên ngành mà các trường đại học cung cấp cho sinh viên liệu đã đủ để giúp cho sinh viên vượt qua được những khó khăn và thử thách trong tương lai hay chưa khi mà thế giới ấy luôn thay đổi và vận động biến đổi từng ngày. Với sinh viên, hành trang kiến thức là chưa đủ mà sinh viên cần phải chuẩn bị thêm hành trang cho mình, đó là kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm có ảnh hưởng rất lớn tới các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Theo thống kê, các bạn sinh viên tốt nghiệp để có được sự thành công chủ yếu chỉ có 25% là kiến thức chuyên môn, còn 75% là các kỹ năng mềm mà các bạn sinh viên đúc kết được trong suốt một hành trình [5]. Vì vậy, việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm cần có là điều hết sức cần thiết. Không giống với kỹ năng cứng mà sinh viên có thể học, đo lường và xác định rõ ràng, kỹ năng mềm không chứa tính chuyên môn, không thể sờ nắm. Tuy nhiên, chúng sẽ quyết định đến việc bạn có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba hay không. Kỹ năng mềm ngày được chứng minh có ảnh hưởng lớn đến sự thành bại trong sự nghiệp và cuộc sống của mỗi sinh viên. Sinh viên có chuyên môn giỏi liệu đã đủ để thành công. Một câu hỏi đặt ra tại sao một số sinh viên học rất giỏi trên ghế nhà trường nhưng khi tốt nghiệp đi làm vẫn chưa đạt được thành công như mong muốn? Vì vậy, cùng với chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên trong công việc và cuộc sống. Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng trong cuộc sống như: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng lập kế hoạch tổ chức công viêc, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng tìm kiếm việc làm. Có thể khẳng định, sinh viên được trang bị tốt các kỹ năng trên sẽ tạo mối quan hệ vững chắc hơn cũng như có khả năng trở thành người quản lý và tạo động lực nhanh hơn trong công việc. Bởi 283
  4. họ có những phẩm chất mà kỹ năng mềm trang bị như: có ý chí chiến thắng, có quan điểm lạc quan, có tinh thần đồng đội, hòa đồng với tập thể, giao tiếp hiệu quả, tự tin… Vì vậy, vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên được thể hiện ở những nội dung căn bản sau: Thứ nhất, trang bị kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên gây được ấn tượng, thiện cảm và niềm tin với mọi người xung quanh. Để xây dựng được mối quan hệ và có được sự tôn trọng của mọi người xung quanh đối với mình, mỗi sinh viên phải cho thấy được các giá trị thông qua sự phản ánh của bản thân mình. Với những kỹ năng mềm như: thuyết phục, giao tiếp, trình bày… giúp cho sinh viên nhanh chóng có được thiện cảm của người đối diện. Nếu sinh viên có kiến thức, có năng lực nhưng lại không thể biểu thị nó ra bên ngoài thì cũng không thể thành công được. Chính vì lẽ đó, chỉ cần một vài kỹ năng mềm cơ bản sẽ tạo ra sự khác biệt và sinh viên sẽ có những sự ưu tiên nhất định trong mắt người khác. Tuy nhiên, kỹ năng mềm đó phải dựa trên nền tảng sự trung thực, nhiệt thành chứ không phải là công cụ của sự lừa lọc. Chỉ có như vậy thì bạn mới có sự tin tưởng dài lâu đối với mọi người. Do đó, chúng ta không nên quá lạm dụng các kỹ năng mềm để che giấu đi sự yếu kém hoặc những khiếm khuyết của bản thân. Thứ hai, kỹ năng mềm sẽ tạo ra tính kết nối giữa các cá nhân với nhau. Mọi công việc muốn thực hiện có hiệu quả thì cần phải có sự kết nối giữa các thành viên với nhau. Kỹ năng mềm tốt sẽ giúp cho sinh viên có thể tương tác tốt đối với những người xung quanh, với thầy cô, bạn bè cùng giúp nhau thực hiện công việc. Một người năng động, hiểu biết làm vừa lòng mọi người thường là tâm điểm của sự chú ý. Người tự tin sẽ có cách thức và phương tiện hiệu quả để kết nối mọi người với nhau. Trong kỹ năng mềm có vô vàn kỹ thuật giúp cho sinh viên lan toả động lực, thuyết phục, mang đến thiện cảm, đặc biệt là cho mọi người lý do và lợi ích của sự kết nối. Các nhóm kỹ năng liên quan trực tiếp đến việc kết nối bao gồm: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức… Thứ ba, kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Kỹ năng mềm tốt được tích lũy qua quá trình học tập. Nhờ đó, nó xây dựng cho sinh viên những kinh nghiệm nhất định. Vì vậy, sinh viên có thể nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết thuận lợi và hiệu quả nhất cũng như dễ dàng có những điều chỉnh linh hoạt với các công việc phát sinh. Nhờ có những kiến thức đã được tích lũy sẽ giúp sinh viên đưa ra được các định hướng để lựa chọn và những kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên tìm được sự lựa chọn tối ưu nhất cho việc xử lý công việc. Nhờ có kỹ năng mềm, sinh viên có thể phán đoán chính xác các vấn đề một cách chủ động nhất. Đôi khi, có những công việc mà kỹ năng chuyên môn không thể giải quyết tốt nhất vấn đề. Nhưng nhờ việc phân tích, xử lý tình huống, kết nối và các kỹ năng liên quan mà vấn đề được xử lý. Kỹ năng giải quyết vấn đề trong nhóm kỹ năng mềm thường được biết đến với tên gọi “kỹ năng xử lý tình huống”. Ngoài ra, việc có kỹ năng lập kế hoạch, đặt mục tiêu cũng giúp bạn nhanh chóng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Thứ tư, kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên gia tăng giá trị của bản thân. Thông qua một số những kỹ năng của bản thân mà bạn bè, thầy cô, những nhà tuyển dụng… sẽ có những cái nhìn khác về bạn. Điều đó giúp họ nhận ra được những giá trị hoạt 284
  5. động trong công việc của bạn bằng sự tin tưởng, được giao những nhiệm vụ, những công việc quan trọng. Khi đó, sinh viên sẽ có được những ưu thế nhất định trong công việc của mình và các giá trị của bản thân được phản ánh thông qua lương, thưởng và sự thăng tiến trong công việc của mình. Giá trị của bản thân được thể hiện thông qua cả về phương diện vật chất lẫn phương diện về mặt tinh thần. Để có được tất cả những điều đó bản thân mỗi sinh viên cần tích cực tham gia vào các chương trình đào tạo kỹ năng mềm của Nhà trường cũng như những tổ chức xã hội. Sinh viên cần phải mạnh dạn, tự tin thuyết trình trước đám đông, rèn luyện kỹ năng giao tiếp trước nhiều người, bởi đây là một trong những kỹ năng quan trọng đối với công việc sau này. Tích cực thảo luận và làm việc nhóm, kỹ năng này giúp sinh viên tiếp cận với cách trao đổi ý kiến trong nhóm, tích lũy kinh nghiệm giải quyết bất đồng cũng như kinh nghiệm lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc làm việc nhóm còn giúp cho sinh viên có thể học hỏi và trao đổi kiến thức lẫn nhau. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tình nguyện bởi những hoạt động này không chỉ tạo môi trường cho sinh viên giải tỏa căng thẳng mà còn tạo điều kiện cho sinh viên phát triển, trau dồi đạo đức cũng như các kỹ năng cá nhân khác như kỹ năng lãnh đạo, sáng tạo, làm việc nhóm. Không ngừng học và tự học để trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như những kiến thức bổ trợ khác như ngoại ngữ hay công nghệ thông tin… để tăng chất lượng, hiệu quả học tập cũng như công việc sau này. 4. Thực trạng về kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số Nghiên cứu về thực trạng một số kỹ năng mềm của sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên qua quá trình khảo sát 1000 sinh viên của Đại học Thái Nguyên bao gồm: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học. Đối tượng sinh viên được chọn để nghiên cứu là sinh viên năm thứ hai và năm thứ ba. Qua quá trình khảo sát có thể thấy sinh viên khá tự tin trong quá trình được đánh giá những kỹ năng mềm mà tác giả tiến hành điều tra, khảo sát. Như vậy, có thể thấy đây là một trong những dấu hiệu tích cực về bức tranh kỹ năng mềm của sinh viên. Hình 1: Kết quả đánh giá về kỹ năng mềm của sinh viên 285
  6. Thông qua bảng khảo sát trên có thể thấy sinh viên tự nhật thấy mình có khả năng tốt trong các hoạt động và có cái nhìn đúng đắn về những kỹ năng mềm cần thiết trong thời gian học đại học cần phải có. Những kỹ năng mà các bạn nhận thấy cần phải có ngay từ khi còn học đại học đó là: kỹ năng làm việc nhóm (60,7%), kỹ năng thuyết trình (70,2%); kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện (57,8%), kỹ năng tiếp nhận và học hỏi (54,3%), kỹ năng tư duy phản biện (51,5%). Những nhận thức đó sẽ giúp cho sinh viên sẽ chủ động hơn trong việc rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Từ việc nhận thức được những kỹ năng đó sẽ giúp cho sinh viên học tập và đạt được những kết quả cao hơn. Việc trang bị những kỹ năng mềm cần thiết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của bản thân mỗi sinh viên. Do đó, muốn có đầy đủ những kỹ năng mềm cần thiết mỗi sinh viên cần không ngừng phấn đấu và rèn luyện đồng thời nhận được sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô và các bạn xung quanh. Bên cạnh việc đề cao một số kỹ năng mềm nói trên thì một số những kỹ năng khác nhận được sự quan tâm rất ít từ sinh viên đó là kỹ năng lãnh đạo (25%), kỹ năng lập kế hoạch (27,9%). Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với bản thân nhưng có một số kỹ năng mà sinh viên chưa nhận thức được vai trò cũng như những lợi ích của những kỹ năng đó trong quá trình học tập nên nảy sinh tình trạng có những kỹ năng được coi trọng nhưng có những kỹ năng lại chưa được đề cao. Nếu tất cả các kỹ năng đều được sinh viên hoàn thiện thì sẽ giúp ích rất lớn cho sinh viên và giúp các bạn đạt kết quả học tập cao cũng như tự tin hơn trong cuộc sống. Trong học tập cũng như trong cuộc sống, mọi kỹ năng đối với sinh viên đều rất cần thiết. Nhận thức được tầm quan trong của các kỹ năng mềm các bạn sinh viên đã rèn luyện cho mình những kỹ năng cơ bản để sau này ra trường dễ xin việc, dễ thăng tiến hơn trong công việc, giúp tìm kiếm được những việc có thu nhập cao,… 5. Một số giải pháp nhằm phát triển kỹ năng mềm đối với sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số Chúng ta đang sống ở trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh và mạnh mẽ. Chính những sự biến đổi đó đã tác động tới đời sống kinh tế - xã hội, mọi lĩnh vực của cuộc sống và giáo dục cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Giáo dục chính là nơi trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Thứ nhất, sinh viên cần nâng cao nhận thức của mình về tầm quan trọng của kỹ năng. Mỗi sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cần có nhận thức rõ ràng, đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với bản thân mình. Chính vì lẽ đó, để việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên đạt được hiệu quả cao thì mỗi cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên về kỹ năng mềm. Nhận thức có đúng đắn thì hành động mới đúng đắn được. Do đó, nâng cao nhận thức của cả giảng viên cũng như sinh viên là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học cũng như việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên trong nhà trường. Chính trong quá trình nâng cao nhận thức cho sinh viên về tầm quan trọng của việc cần phải phát triển kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên nỗ lực rèn luyện và phấn đấu; giúp cho sinh viên có động lực để rèn luyện và học tập. Để giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng nhận thức được vai trò của kỹ năng mềm trong hoạt động dạy và học thì có thể tiến hành một số những hoạt động như: tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi tập, lồng ghép thông qua các hoạt động giảng dạy… 286
  7. Thứ hai, đổi mới quá trình tổ chức thực hiện dạy và học kỹ năng mềm cho sinh viên. Việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên cần phải được thực hiện một cách có hệ thống và được tiến hành một cách thường xuyên. Chính vì vậy, việc cải tiến những hình thức tổ chức học tập nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực cho sinh viên giúp cho sinh viên có khả năng hoạt động một cách độc lập, tự chủ là điều cô cùng cần thiết. Quá trình hình thành kỹ năng mềm cho sinh viên có thể được thực hiện thông qua rất nhiều những hoạt động khác nhau như: thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của đội xung kích, của các câu lạc bộ (câu lạc bộ tin học, câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ giải trí, câu lạc bộ khoa học,…). Thông qua tất cả các hoạt động đó thì mỗi sinh viên sẽ có cơ hội để rèn luyện và hoàn thiện chính mình; khẳng định bản thân, rèn luyện những kỹ năng mềm cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng biết quan sát và phân tích… Đồng thời, qua các hoạt động giảng dạy lồng ghép thêm những kỹ năng mềm cần có thông qua việc lồng ghép trong nội dung kiến thức các môn học cụ thể. Có thể tổ chức các buổi dã ngoại, các hoạt động thực tế phù hợp với yêu cầu chuẩn đầu ra của từng môn học để tạo ra những cơ hội thuận lợi cho sinh viên có thể dần làm quan và rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân. Tuy nhiên, hoạt động giảng dạy, đào tạo kỹ năng mềm phải xuất phát từ nhu cầu sinh viên và nhu cầu thị trường lao động. Sinh viên chỉ có thể tích cực tham gia học tập nếu những kiến thức và kỹ năng mềm đó thật sự có ích, cần thiết cho nghề nghiệp, cho tương lai của họ. Sinh viên vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực, từ đó hoàn chỉnh dần khả năng sau khi ra trường. Đây cũng là một trong những nền tảng cốt lõi làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học của học phần kỹ năng mềm. Sinh viên càng có nhiều kỹ năng sẽ càng có cơ hội thành công trong cuộc sống. Thứ ba, đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho quá trình phát triển kỹ năng. Đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy. Chính vì lẽ đó, các trường cần tăng cường đầu tư, xây dựng về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực để phục vụ quá trình giảng dạy cũng như phục vụ cho quá trình phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, các trường cần chú trọng tới những yếu tố, những danh mục cần cho giảng dạy, xây dựng những quy chế về bảo quản trang thiết bị cũng như những quy chế sử dụng, tập huấn cho các cán bộ cũng như giảng viên về việc sử dụng và bảo quản máy móc, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục,… Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tập hợp cho mình một đội ngũ cán bộ giảng viên có kiến thức và có kinh nghiệm tham gia vào quá trình giảng dạy và chia sẻ những kỹ năng mềm cho sinh viên. Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm đều thông qua quá trình phỏng vấn. Chính thông qua quá trình này cả nhà tuyển dụng cũng như sinh viên sẽ có một sự đánh giá khách quan về chất lượng và uy tín của Nhà trường. Chỉ khi trình độ của đội ngũ giảng viên được nâng cao thì khả năng về kỹ năng mềm của mỗi sinh viên mới được cải thiện một cách đáng kể. Để có thể nâng cao được chất lượng của đội ngũ giảng viên thì cần phải thường xuyên tổ chức các buổi báo cáo, seminar, chuyên đề giữa các nhóm giảng viên trong và ngoài trường với nhau hoặc cũng có thể mời thêm các chuyên gia để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra một cách thức phù hợp nhất. 287
  8. Thứ tư, các cơ sở giáo dục cần phát triển chương trình đào tạo tích hợp kỹ năng mềm áp dụng vào chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Với mỗi học phần cụ thể cần có sự rà soát và điều chỉnh chuẩn đầu ra của từng kỹ năng phù hợp với đặc thù của từng ngành đào tạo và thực tiễn xã hội. Xây dựng chuẩn đầu ra để việc đào tạo đi vào chiều sâu và mang tính ứng dụng cao và thiết thực. Trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra, các trường cần hướng tới vấn đề tiếp cận về năng lực của sinh viên, chú trọng vào kết quả đầu ra và dựa theo thang đo Bloom để xác định một cách rõ ràng nhất những gì đạt được và tiến hành đo lường được những kết quả cụ thể khi đánh giá. Nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, việc đào tạo kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy và trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra cho tất cả các chuyên ngành. Theo chương trình đào định hướng ứng dụng sinh viên phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bên cạnh chuẩn đầu ra về chuyên môn, về tin học và ngoại ngữ thì sinh viên phải có các kỹ năng mềm từ cơ bản đến nâng cao. 6. Kết luận Kỹ năng mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập cũng như công việc sau này của mỗi sinh viên. Sinh viên muốn thành công trong công việc cũng như trong học tập thì ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng cứng thì còn phụ thuộc vào phần lớn những kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm sẽ một phần nào đó ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại của sinh viên. Khi được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm sẽ giúp cho sinh viên hòa nhập tốt, có những phương pháp học tập khoa học mang lại những kết quả cao, phát huy được những kiến thức chuyên môn để vươn tới thành công. Quá trình rèn luyện kỹ năng mềm của mỗi một sinh viên được ví như một cuộc hành trình. Nếu muốn cuộc hành trình mà mình đang đi là một chuyến thám hiểm đầy thú vị, thực hiện được mục đích đã đề ra thì mỗi sinh viên cần phải quản lý tốt hành trình đó. Nếu sinh viên không quản lý tốt được cuộc hành trình của mình thì nó sẽ trở thành một chuyến đi vô định, không có kết quả. Vì vậy, mỗi sinh viên hãy dành thời gian và công sức để tìm hiểu và rèn luyện những kỹ năng mềm cho bản thân để hoàn thiện chính mình, để cho cuộc sống này trở nên có ý nghĩa và tốt đẹp hơn đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Tài liệu tham khảo 1. Forland, Jeremy, (2006), Managing Teams and Technology, UC Davis, Graduate School of Management. 2. Nancy J. Pattrick, (2008), Social skills for teenagers and adults with esperger syndrome, Jessica Kingsley Publisher. 3. Trần Khánh Đức, (2010), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, NXB Giáo dục Việt Nam. 4. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, (2010), Giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Lương Gia Cát Tường (2021), “Kỹ năng ‘mềm’ quyết định 75% thành công của bạn”. Truy cập từ https://doanhnhantrevietnam.vn/ky-nang-mem-quyet-dinh-75-thanh-cong-cua- ban-d8337.html. 288
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2