intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Về khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít ở đô thị miền

Chia sẻ: NGUYỄN CÔNG THÀNH | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:18

127
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Về khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít ở đô thị miền Nam 1954-1975 1. Nếu hình dung lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam là một dòng sông có nhiều nhánh chảy qua những bãi bờ khác nhau, thì khuynh hướng phê bình Mác-xít là một nhánh sông hiện hữu như một thực thể sinh động trong dòng sông lý luận - phê bình ấy. Khuynh hướng phê bình này thuộc dòng văn học yêu nước và cách mạng ở đô thị miền Nam, với cơ sở tư tưởng là mỹ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Về khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít ở đô thị miền

  1. Về khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít ở đô thị miền Nam 1954-1975 1. Nếu hình dung lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam là một dòng sông có nhiều nhánh chảy qua những bãi bờ khác nhau, thì khuynh hướng phê bình Mác-xít là một nhánh sông hiện hữu như một thực thể sinh động trong dòng sông lý luận - phê bình ấy. Khuynh hướng phê bình này thuộc dòng văn học yêu nước và cách mạng ở đô thị miền Nam, với cơ sở tư tưởng là mỹ học Mác-xít, có nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ đường lối văn nghệ dân tộc, chống văn hóa lai căng, nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới. Vì “Song song với mưu đồ thống trị nhân dân miền Nam bằng bạo lực, quân sự và dòng thác viện trợ kinh tế, trên mặt trận tư tưởng Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức dùng văn nghệ để nô dịch nhân dân một cách hệ thống và với qui mô rất lớn. Âm mưu đó là một bộ phận không thể tách rời của “quốc sách chống Cộng” của họ”(1). Ý thức được điều hệ trọng này, các nhà lý luận phê bình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mác-xít luôn nêu cao sứ mệnh của văn chương là phản ánh cho được lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần chống xâm lược, chống áp bức, tinh thần đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất nước nhà. Vì vậy, trong bộ phận văn học yêu nước và cách mạng ở đô thị miền Nam đã hình thành đội ngũ các nhà lý luận phê bình. Chính họ là những cây bút tiên phong dùng quan điểm mỹ học Mác-xít, quan điểm văn học cách mạng để đập tan mưu đồ thống trị về tư tưởng "mang ý nghĩa một cuộc xâm lăng văn hóa"(2) của chủ nghĩa thực dân mới. Do đó, việc hình thành và phát triển của bộ phận lý luận - phê bình văn học yêu nước và cách mạng trong đời sống văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ có ý nghĩa rất lớn trên mặt trận đấu tranh tư tưởng nhằm chống lại âm mưu của kẻ thù trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Khuynh hướng phê bình này cũng là
  2. một trong những dòng chủ lưu của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 54-75, càng về sau, càng phát triển mạnh. 2. Sự phát triển của một bộ phận văn học không chỉ được xem xét ở lĩnh vực sáng tác mà còn phải xem xét đến hoạt động lý luận - phê bình. Chính ở lĩnh vực này, bao giờ cũng thể hiện sự chín chắn và bền vững của bộ phân văn học ấy. Vì vậy, sự hình thành khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mác-xít trong đời sống văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ đã khẳng định sự trưởng thành của bộ phận văn học yêu nước và cách mạng mà điều dễ nhận biết là sự hình thành đội ngũ các nhà lý luận - phê bình. Trong đội ngũ này có một số cây bút lý luận - phê bình mà ảnh hưởng không chỉ trong khuynh hướng phê bình mác xít mà còn ảnh hưởng đối với cả đời sống lý luận - phê bình văn học như: Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Cô Thanh Ngôn, Lê Nguyên Trung… Trong đó, có thể nói, Vũ Hạnh là một trong những cây bút khá nổi bật với rất nhiều bài viết, nhiều công trình lý luận - phê bình được xuất bản trên sách báo ở miền Nam, trong đó hai công trình tiêu biểu là Đọc lại Truyện Kiều (Cảo Thơm xb, 1966) và Tìm hiểu văn nghệ (Trí Đăng xb, 1970). Nhưng có lẽ Đọc lại Truyện Kiều là một trong những tác phẩm phê bình để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc nhất không chỉ ở tư duy độc đáo, mà còn ở vẻ đẹp ngôn ngữ phê bình với nhiều cá tính sáng tạo. Đọc lại Truyện Kiều cho thấy một bút lực sung mãn, một tư duy phê bình tinh tế, nhạy cảm và sắc sảo. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm luôn đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị từ những liên tưởng do tác giả gợi lên. Các bài viết như Đứa con của nàng Kiều, Từ Hải sự lỡ tay của thiên tài, Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều… là những bài viết như thế.
  3. Có thể nói, việc nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du ở đô thị miền Nam (54-75), không chỉ có Vũ Hạnh mà còn có một số công trình của các tác giả khác như Trần Thanh Hiệp với "Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh" (Sáng tạo số 6/1957); Nguyên Sa với "Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do" (Sáng tạo số 12/1957), Nguyễn Văn Trung với Vụ án Truyện Kiều... Nhưng ở Đọc lại Truyện Kiều mọi vấn đề được Vũ Hạnh nhìn nhận từ một hệ qui chiếu khác so với các nhà phê bình ở miền Nam. Đó là hệ qui chiếu của kiểu phê bình xã hội học chịu ảnh hưởng mỹ học Mác-xít. Ở đây ông không giải mã Truyện Kiều theo quan điểm duy tâm siêu hình mà giải mã nó trên cơ sở của quan điểm duy vật. Vì vậy Đọc lại Truyện Kiều của Vũ Hạnh đem đến cho độc giả một cái nhìn mới, một cách nghĩ mới so với các bài viết về Truyện Kiều ở miền Nam lúc bấy giờ. Những vấn đề được ông nói đến là những vấn đề có ý nghĩa xã hội, liên quan đến số phận con người. Chẳng hạn vấn đề "Đứa con nàng Kiều" được tác giả đặt ra không chỉ là sự trào lộng hay lạ hóa mà đó là vấn đề mang tính nhân văn về quyền được làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Và đây cũng là một bi kịch trong chuỗi bi kịch của đời Kiều đã bị xã hội tàn bạo ấy vùi dập. "Trong cái cảnh ngộ làm vợ hờ thường trực của người mình yêu tha thiết, Kiều sẽ có dịp thường xuyên để thấy thân phận đàn bà chịu thiệt thòi của nàng. Xã hội phong kiến thấy nàng hy sinh quá nhiều cho trật tự ấy suốt mười lăm năm, nên đã cho nàng tái ngộ như một tặng thưởng. Nhưng đấy chỉ là một huy chương giả. Bởi vì (....). Rốt cuộc, Kiều chẳng có chồng, Kiều chẳng có con, chỉ có mỗi một mớ danh từ tuyệt đẹp"(3). Vũ Hạnh cũng rất tinh tế và có lý khi chỉ ra thực chất cái ngày gọi là "đoàn viên" mà Nguyễn Du tạo nên trong Truyện Kiều: "Nếu ta nghĩ kỹ về cái tội ác mà chế độ ấy gây nên cho Kiều, và nghĩ kỹ nữa về cái ân huệ đoàn viên mà nó ban phát cho Kiều, ta sẽ thấy rằng chung qui là để làm lợi cho chế độ ấy mà thôi. Đày đọa con người vào tủi nhục, rồi ve vãn người nuốt lấy tủi nhục, đó là thực chất
  4. của chế độ phi nhân với hai đặc tính: tàn bạo và điêu ngoa"(4). Lý giải về tình yêu trong Truyện Kiều, Vũ Hạnh đã không siêu hình hóa tình yêu, mà nhìn nó trong mối quan hệ với cuộc đời thực. Ông không những nhìn thấy một khuôn mặt tình yêu mà thấy nhiều "khuôn mặt tình yêu" trong Truyện Kiều với những dằng xé, khổ đau, những hạnh phúc và bất hạnh đan xen nhau vây khốn cuộc đời bé nhỏ của Kiều. Ông chỉ rõ chế độ xã hội đã chà đạp cuộc đời Kiều. Từ đó, ông khẳng định một vấn đề có tính qui luật, trong xã hội thối nát sẽ không có chỗ cho con người lương thiện tồn tại. Và tất nhiên, xã hội ấy không thể dung nạp được "cái đẹp" cho dẫu đó là cái đẹp của tình yêu. Ở đây, Vũ Hạnh không nhìn khổ đau của đời Kiều với điểm nhìn duy tâm siêu hình mà ông đã nhìn vấn đề này dưới góc nhìn xã hội. Do đó, theo ông, muốn có hạnh phúc, muốn bảo vệ được tình yêu chân chính đòi hỏi con người phải đấu tranh không ngừng, không chỉ đấu tranh cho tình yêu của mình, mà còn đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Đối với nhân vật Từ Hải, Vũ Hạnh cũng có nhiều nhận xét khá tinh tế và sâu sắc khi cho rằng: "Từ Hải là sự lỡ tay của thiên tài Nguyễn Du ". Ông đã nhìn thấy ở Từ Hải khát vọng của tự do và công lý. Từ Hải không chỉ là "sự bù đắp cho Kiều" mà theo Vũ Hạnh "Từ là hiện thân của một phản ứng, của lòng khao khát đền bù của một đòi hỏi quân bình có thể đồng nghĩa với sự đòi hỏi công bình, một thứ công bình lý tưởng về người, về đời, vọng lên bất cứ nơi nào còn có đày đọa tủi hờn"(5). Rõ ràng với những gì đã phân tích, Đọc lại Truyện Kiều đã thể hiện rõ ảnh hưởng tư tưởng phê bình Mác-xít. Đây không chỉ là tác phẩm phê bình văn học có giá trị của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam mà còn là của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc.
  5. Bên cạnh Đọc lại Truyện Kiều, Vũ Hạnh còn có Tìm hiểu Văn nghệ, một tác phẩm lý luận - phê bình. Đây là tác phẩm được viết trên cơ sở ảnh hưởng tư tưởng của mỹ học Mác-xít, tiêu biểu là các bài: Văn nghệ, một hình trạng ý thức, Chức vụ cao cả của văn nghệ, Văn nghệ tác động như thế nào, Văn nghệ phản ánh bản chất thực tại, Bên trong văn nghệ sĩ và bên ngoài cuộc đời. Đặc biệt, trong bài Một số biểu hiện tiêu cực trong văn nghệ, xuất phát từ quan điểm văn học phải gắn với thực tại, Vũ Hạnh đã phê phán tính chất thoát ly ở những tác phẩm văn chương của miền Nam lúc bấy giờ. Từ đó, tác giả xác định rõ trách nhiệm của người làm văn nghệ là phải "có ý thức về sứ mệnh của mình, phải đứng về phía đông đảo con người chịu những thiệt thòi để đấu tranh cho tự do dân chủ chân chính. Đó là con đường vinh quang của văn nghệ sĩ"(6). Ngoài hai tác phẩm trên, do nhiệm vụ của người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn học, nên ngòi bút phê bình của Vũ Hạnh còn tung tẩy trên tất cả các thể loại từ phê bình thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch, khảo luận văn học... như phê bình bộ ba tác phẩm tiểu thuyết: Dì Mơ (1959), Mùa ảo ảnh (1963), Những người đang đi tới (1964) của Đỗ Thúc Vịnh, hay thế giới tiểu thuyết của Sơn Nam với những tác phẩm tiêu biểu như Hương rừng Cà Mau, Chim Quyên xuống đất và Hình bóng cũ. Với Sơn Nam, ngòi bút phê bình của Vũ Hạnh đã có những phát hiện tinh tế, những lời phê bình bóng gió xa xôi nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và ý thức về tổ quốc quê hương. Không chỉ thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội mà trong những bài phê bình, Vũ Hạnh luôn khẳng định quan điểm văn chương của mình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người cầm bút. Với ông nhà văn là “con người nhưng phải là con người ý thức"(7). Vì thế, Vũ Hạnh đã phân tích một cách sâu sắc yếu tố “thác loạn” trong tác phẩm của Chu Tử mà theo ông
  6. “trong các món hàng gọi là ăn khách của Chu Tử người ta thấy một cuộc sống thác loạn, bừa bãi chi phối bởi hai động cơ chính yếu là Tình và Tiền. Nhân vật trong truyện đều không có một lý tưởng nào hết – dù có bảo rằng đã thất vọng vì lý tưởng – và hầu như không có một lý trí rõ rệt. Đó là mẫu loại con người hư hỏng, ngụy biện, ích kỷ và sa đọa có nhiều xuẩn động bản năng hơn là suy tưởng vững chắc”(8). Ở lĩnh vực kịch ông cũng phê bình tình hình phát triển kịch ở miền Nam trong những năm 1959, 1960, 1961... trong đó đi sâu tìm hiểu, đánh giá hai vở kịch nổi lên trong năm 1962 là vở Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan và Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng. Về thể loại thơ, bên cạnh những bài phê bình mang tính tổng kết về thơ của một số năm, Vũ Hạnh cũng viết một số bài phê bình thơ như Bàn về con đường tri thức trong tập thơ Từ Thức của Đoàn Thêm; Người yêu tôi khóc của Thế Viên; Trăng treo đầu súng của Tường Linh... Ngơài ra, ông cũng phê bình một số công trình khảo cứu như: Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, một cuốn sách quá tồi tệ bởi tính cẩu thả và kém chuyên môn của người biên soạn. Cho nên, theo Vũ Hạnh việc "tiễu trừ thi phẩm nầy là một nhiệm vụ vô cùng cần kíp như sự tiễu trừ phiến loạn"(9). Còn khi phê bình Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung (Bách Khoa số 179 /1964), Vũ Hạnh đã chỉ ra những điều mà theo tác giả là ông Nguyễn Văn Trung đã có mâu thuẫn trong tư duy lý luận của mình. Có thể nói, những bài phê bình của Vũ Hạnh đều thống nhất trên quan điểm đấu tranh chống văn học phi nhân bản, phi dân tộc, đề cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống và trước vận mệnh dân tộc. Cảm hứng chủ đạo này đã ám ảnh suốt hành trình sáng
  7. tạo của nhà văn, không những ở lĩnh vực lý luận - phê bình mà cả trong lĩnh vực sáng tác. Đây cũng là mặt tích cực thể hiện tính chiến đấu của ngòi bút Vũ Hạnh trong tình hình văn học phức tạp ở đô thị miền Nam. Nhưng từ đây cũng nảy sinh những điểm hạn chế vì có một số vấn đề tác giả còn cực đoan, khi lý giải theo quan điểm tư tưởng chính trị mà chưa chú trọng đến tính khoa học văn chương. Những hạn chế đó là điều tất yếu, nhưng mặt thành công trong các bài phê bình của ông vẫn là mặt cơ bản. Dẫu trong quá trình hoạt động văn học cả trong sáng tác lẫn lý luận - phê bình Vũ Hạnh gặp nhiều điều rắc rối và nguy hiểm nhưng ông vẫn không chùn bước. Ngược lại, ngòi bút phê bình của ông ngày càng sắc bén hơn, tính chiến đấu cao hơn. Vì thế, trong phê bình, ông không tránh né bất cứ nhà văn nào, tác phẩm nào, thể loại nào. Khi đánh giá về tác phẩm của một số nhà văn được xem là "có giá" ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ như Võ Phiến, Nhật Tiến, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Mạnh Côn, Linh Bảo, Mặc Thu... Vũ Hạnh cho rằng ở những nhà văn này có những tác phẩm nhiều khi "quá thiên về sự đẽo gọt hình thức, không cần cốt truyện, dễ đưa đến sự suy tưởng vớ vẩn, hư không, làm như cuộc đời không có chuyện gì đáng nói nữa"(10). Cho nên, có thể khẳng định Vũ Hạnh là một trong những gương mặt tiêu biểu không chỉ cho khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít mà còn là gương mặt phê bình tiêu biểu của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trước đây cũng như của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc hôm nay. Chính vì thế, khi nhận xét về Vũ Hạnh ở lĩnh vực phê bình văn học, Nhật Tiến cho rằng: "Trong mấy năm gần đây, Cô Phương Thảo (tức Vũ Hạnh - T.H.A.) gần như là một cây bút phê bình chuyên nghiệp. Hầu hết các tác phẩm về ngành tiểu thuyết khi ấn hành, Cô Phương Thảo đều trình bày ý kiến của mình trong các bài điểm sách"(11).
  8. Cùng với Vũ Hạnh, Lữ Phương cũng là một cây bút tiêu biểu của khuynh hướng phê bình ảnh hưởng quan điểm Mác-xít, trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Cũng như các cây bút lý luận - phê bình thuộc khuynh hướng này, Lữ Phương luôn đấu tranh chống thứ văn nghệ phi dân tộc, lai căng, thức nhận tinh thần yêu nước và cách mạng trong nhân dân đặc biệt là tầng lớp trí thức. Chính vì vậy, Lữ Phương đã tuyên chiến với những tác phẩm văn nghệ phản dân tộc, phản nhân dân, đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như phê phán Hồ Hữu Tường qua bài viết Thằng Thuộc con nhà nông (Tin văn số 4, ra ngày 02/7/1966), vạch rõ sự sa đọa trong tác phẩm Đàn bà đàn ông của Minh Đức Hoài Trinh; lên án Đêm không cùng của Lê Xuyên (Tin văn số 9, 15/10/1967)... Nhưng uy lực phê bình và tính chiến đấu của ngòi bút Lữ Phương thể hiện rõ hơn ở các bài viết về Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng và các tác phẩm Yêu, Sống, Loạn, Tiền, Ghen của Chu Tử. Bài viết của Lữ Phương về Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng (Tin văn số 17/1967) là bài viết mang tính tổng kết về cuộc tranh luận khá sôi nổi xung quanh cuốn sách này để giúp người đọc có cơ sở tiếp nhận một tác phẩm mà "lời khen không thấy đâu thì lời chê thật là nhiều", một cuốn sách theo Lữ Phương nó được xem "như một liều thuốc độc"(12) trong văn học đô thị miền Nam đã gây không ít tác hại đối với tuổi trẻ học đường lúc bấy giờ. Khi bàn về Chu Tử với các tác phẩm Sống, Tiền, Yêu, Ghen, Loạn, vốn là những cuốn sách được coi là hiện tượng "best sell" trong thị trường sách miền Nam những năm sáu mươi, Lữ Phương đã khẳng định đó là những cuốn sách không có giá trị vì "là một món hàng, cho nên nó không thể nào tách khỏi cái yếu tố cơ bản đã làm nên giá trị tiêu thụ của nó là sự quảng cáo rùm beng"(13). Từ đó, Lữ Phương cũng chỉ ra cho người đọc thấy cái gọi là "nghệ thuật
  9. Lance", vốn là một hiện tượng phổ biến trong đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng không dừng ở đó, với lập luận sắc bén, trên quan điểm bảo vệ những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, Lữ Phương không những chỉ ra tính chất "hàng hóa" của tác phẩm Chu Tử mà còn phân tích để làm rõ bản chất đồi trụy và sa đọa trong nội dung tác phẩm của Chu Tử. Với những bài phê bình này, Lữ Phương đã chứng tỏ một bút lực mạnh mẽ, sắc sảo, có tính chiến đấu cao, thể hiện một quan điểm lập trường tư tưởng vững vàng, không mơ hồ, ảo tưởng, không thỏa hiệp với hiện tượng văn học phi dân tộc, phi đạo đức, phi nhân bản. Bên cạnh đó, Lữ Phương còn thức nhận lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức ở đô thị miền Nam. Chẳng hạn ở bài viết Dương Nghiễm Mậu - hòn đá trở lại làm người (Tin văn số 12 -30/11/1966), trên cơ sở phân tích thế giới nhân vật trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu, Lữ Phương đã chỉ ra đó là "thế giới của những người trẻ tuổi- những người trẻ tuổi không có tuổi trẻ. Ở đây vắng hẳn những nụ cười, những tiếng hát: chỉ có những dằn vặt buồn phiền"(14). Theo Lữ Phương, đó là thế giới đầy ắp những hoài nghi, những thất vọng, những nổi loạn, những cô đơn và không hề có lịch sử, không có gia đình, không có cả quê hương. Lữ Phương chỉ ra rằng: "Chối bỏ giống nòi và lịch sử để chui vào cái vỏ cá nhân mà nuôi ảo tưởng cho mình, điều này không có gì khó hiểu; nhưng chối bỏ lịch sử và giống nòi để làm cách mạng thì không có gì cuồng vọng cho bằng!"(15). Do đó: "con đường thoát duy nhứt cho họ, cho các thanh niên đô thị ngày nay là trở về với dân tộc mình để từ bỏ những mộng mị lỗi thời; Đó là con đường vinh quang - và chỉ có đó mới là con đường vinh quang mà thôi"(16). Còn khi phê bình Lược khảo văn học II của Nguyễn Văn Trung, trên cơ sở phân tích quan niệm về sứ mệnh nhà văn được trình bày trong tác phẩm, Lữ Phương cho
  10. rằng quan niệm của Nguyễn Văn Trung về sứ mệnh nhà văn trong Lược Khảo văn học II đã có một bước tiến bộ rõ rệt, ta không còn thấy "tác giả giao cho nhà văn cái sứ mệnh "nhìn đời như một bi kịch" (...). Cũng không còn thấy tác giả hăng hái tách rời văn chương khỏi luân lý như độ nào nữa, nhưng lại nghe thấy luận cứ thiết tha và mạnh mẽ của tác giả thúc đẩy văn chương nhập thế chống đối cường quyền bạo lực hướng về xây dựng công bằng dân chủ cho đông đảo những con người bị áp chế từ lâu"(17). Ngoài những bài viết trên, Lữ Phương còn có tác phẩm Mấy vấn đề văn nghệ trong đó bàn đến những vấn đề lý luận - phê bình văn học như: Văn chương tiêu thụ, Hiện tượng thoát li thực tại trong chín năm văn học Ngô triều, Vấn đề văn hóa dân tộc, Một ý kiến về vấn đề phê bình, Văn nghệ tiền chiến. Đặc biệt, ở bài viết Một ý kiến về vấn đề phê bình, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế của phê bình văn học ở đô thị miền Nam, Lữ Phương đã phê phán xu hướng phê bình quảng cáo, lối kể lể vụn vặt hay cắt xén tác phẩm "để quảng diễn một số tư tưởng mờ mịt triết lý hiện sinh của Tây phương mà họ chưa tiêu hóa kịp"(18). Từ đó, tác giả trình bày quan điểm phê bình của mình là gắn việc phê bình tác phẩm với đời sống xã hội, xét tác phẩm trong mối tương quan với toàn thể vì "nhìn sự vật trong các mối tương quan ta có thể cho rằng tác phẩm văn học, dù cách thể hiện của nó là cái "đẹp", nó cũng chỉ là một thành phần, một phương tiện của cái toàn khối sinh hoạt, vừa có thể nâng cao sinh hoạt, vừa có thể hạ thấp sinh hoạt, tùy theo sự xử liệu của những đoàn thể người nhất định"(19). Mặt khác, Lữ Phương cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa văn học với các yếu tố có liên quan như chính trị, triết học. Ông cho rằng: "Nghệ thuật không phải là chính trị và triết lý, vì nghệ thuật chuyển gửi tới người hưởng ngoạn hình tượng mĩ cảm, chứ không phải là những khái niệm có hệ thống; phê bình văn học, do đó không thể lấy những hệ thống tư tưởng có sẵn để đánh giá
  11. tác phẩm. Nhưng căn cứ vào đó rồi phủ nhận sự thẩm định tư tưởng, hoặc quan điểm của tác giả thì không thể chấp nhận được; vì dù muốn hay không tác phẩm nào cũng bao gồm một thái độ về đời, một kinh nghiệm về nhân sinh"(20). Ta thấy dấu ấn của phê bình xã hội học Mác-xít đã thể hiện rõ trong quan điểm phê bình văn học của Lữ Phương. Khác với Vũ Hạnh và Lữ Phương, vốn là một giáo sư triết học, Nguyễn Trọng Văn đến với khuynh hướng lý luận - phê bình văn học Mác-xít bằng những bài viết thể hiện rõ tư duy của người nghiên cứu triết học. Tác phẩm gây ấn tượng nhất của Nguyễn Trọng Văn trong đời sống lý luận phê bình văn nghệ ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ là tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào? Tác phẩm này là câu trả lời, một sự đối thoại với tác phẩm Phạm Duy còn đó nỗi buồn của Tạ Tỵ, xung quanh cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy, một nhạc sĩ mà tác phẩm của ông có ảnh hưởng khá lớn trong đời sống văn nghệ ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Cho nên, không có gì ngạc nhiên, khi Văn học, một tạp chí phê bình, sáng tác, văn học ở miền Nam đã dành hẳn số 102 (ra ngày 1/3/1970) làm số chuyên đề về Phạm Duy với sự góp mặt của các cây bút như Vũ Bằng, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Thượng Sỹ, Thích Mãn Giác... Chính vì lẽ đó, dẫu tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào? của Nguyễn Trọng Văn chủ yếu phê bình hành trình sáng tác âm nhạc của Phạm Duy, không phải là tác phẩm phê bình về văn học. Song những vấn đề tác giả bàn đến trong tác phẩm lại là những vấn đề thiết thực đối với tình hình văn nghệ lúc bấy giờ như lời tự thuật của tác giả trước khi vào đề: "Bàn về Phạm Duy là điều khó khăn và tế nhị. Đề tài tuy có tính chất văn nghệ nhưng không tránh khỏi phải nói tới những khía cạnh chính trị, lịch sử (kháng chiến, ngoại bang, dân tộc, người Mỹ...) do đó rất dễ bị chụp
  12. mũ"(21). Không những thế, đây là tác phẩm có ảnh hưởng trong đời sống văn nghệ ở đô thị miền Nam 1954-1975 của khuynh hướng phê bình văn học theo quan điểm Mác-xít. Vì vậy, chúng tôi xem tác phẩm này như một tiếng nói phê bình của bộ phận văn nghệ yêu nước và cách mạng ở miền Nam 54-75, bởi tính chiến đấu mạnh mẽ của nó trong việc đấu tranh chống những sản phẩm ngụy nghệ thuật, ngụy dân tộc, đi ngược lại truyền thống bất khuất của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất tổ quốc. Và như quan niệm của Nguyễn Trọng Văn về "sự chết" của Phạm Duy mà tác giả đã nói rõ trong tác phẩm: "Chữ chết có thể làm nhiều người khó chịu cho rằng tôi muốn nguyền rủa, trù ếm Phạm Duy. Chúng tôi không có ý đó và chúng tôi cũng không tin rằng chỉ đọc kinh là có hòa bình, chỉ nguyền rủa là có thể làm chết một người được. Chết đây hiểu là xa lìa, phản bội lý tưởng, lẽ sống cao cả của mình, của dân tộc, cách mạng, kháng chiến chống ngoại xâm, tình yêu quê hương, gắn bó với những đau khổ của dân tộc và tìm cách thanh toán những đau khổ đó, tranh đấu cho nhân phẩm, tự do, chủ quyền hòa bình. Chết cũng hiểu là sống như người mộng du, thoát ly khỏi thực tại, vùng vẫy trong bế tắc, kiệt lực, ảo tưởng, giả hình..."(22). Việc vạch rõ con người văn nghệ Phạm Duy trong đời sống văn nghệ miền Nam lúc bấy giờ, theo Nguyễn Trọng Văn là "việc làm cần thiết để xác định chân đứng của Phạm Duy cũng như của những lực lượng yêu nước và tiến bộ khác trong cuộc chiến tranh không có bài hát này"(23). Bởi lẽ, tuy Phạm Duy là một nghệ sĩ có tài nhưng ông đã quay lưng lại với cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc nên ông không còn là người nghệ sĩ của dân tộc. Và đây cũng là một minh chứng để người đọc khỏi mơ hồ giữa văn nghệ sĩ chân chính yêu nước, yêu dân tộc và những người ngụy tín, ngụy tạo về tình tự dân tộc, về tình yêu đất nước và cũng là một tiếng nói sắc bén khẳng định lập trường dân tộc, yêu nước và cách mạng của bộ phận lý luận - phê bình văn học này ở đô thị miền Nam.
  13. Ngoài tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào, Nguyễn Trọng Văn còn có một số bài phê bình khác như: Trần Thiện Đạo có tinh thần nhị nguyên trong nhận định văn học hay không (Nghiên cứu văn học 7-8-1968). Ở bài viết này, tác giả đã tranh luận với Trần Thiện Đạo về những ý kiến phê bình cuốn Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương trong đó Trần Thiện Đạo cho rằng Lữ Phương có tinh thần nhị nguyên trong nhận định văn học. Trên cơ sở phân tích những vấn đề Trần Thiện Đạo nêu ra khi phê bình Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn kết luận "có thể nói theo một nghĩa nào đó, Lữ Phương chủ ý nhị nguyên, tàn bạo và dẫm chân một chỗ. Còn Trần Thiện Đạo có tinh thần nhị nguyên, thiếu mềm dẻo, giẫm chân tại chỗ mà không biết. Đó là mâu thuẫn và ảo tưởng"(24). Còn ở bài viết Nhà văn và nhà trí thức (Bách khoa thời đại số 239 /1966), Nguyễn Trọng Văn đã phân tích vai trò, trách nhiệm của nhà văn và nhà trí thức đối với vận mệnh dân tộc trong tình trạng đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, nhân dân chịu lầm than đói khổ. Và, để nhà văn không còn ảo tưởng về mình trong bài viết Những ảo tưởng của người cầm bút (Nghiên cứu văn học số 5/1968), Nguyễn Trọng Văn đã thức tỉnh các nhà văn, bằng cách chỉ ra những ảo tưởng của nhà văn về ngay chính tên gọi nhà văn của mình, khi luôn nghĩ rằng mình là nhà văn lớn, là tác giả lớn, là bậc thức giả rồi chạy theo những sáng tạo văn học không giá trị hay hạ thấp giá trị của văn học hoặc ảnh hưởng những mặt tiêu cực trong triết học phương Tây và ngày càng xa rời dân tộc tính trong văn học. Từ đó ông kêu gọi nhà văn phải trở về với cội nguồn dân tộc vì đó mới chính là sự tồn sinh của mọi sáng tạo ở nhà văn. Nguyễn Trọng Văn đã phê bình công trình nghiên cứu của Đỗ Long Vân về truyện chưởng của Kim Dung. Trên cơ sở phân tích những ưu và nhược điểm của công trình này, mà theo tác giả phần lớn là ưu điểm, Nguyễn Trọng Văn đã kết luận "với một giọng văn khi rõ ràng bay bướm, khi khúc mắt chi li. Đỗ Long Vân đã đem lại cho chúng ta một cái nhìn mới về hiện tượng Kim Dung. Đặc biệt và tiến bộ ở chỗ ông đã trả
  14. hiện tượng văn chương trở lại toàn thể xã hội, kinh tế và chính trị của nó, nói cách khác ông đã móc nối lại tương quan văn chương và chính trị"(25). Có thể nói với tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào? và một số bài viết vừa phân tích trên, cùng với Vũ Hạnh và Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn xứng đáng là một trong những cây bút chủ lực của đội ngũ lý luận - phê bình thuộc khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng Mác-xít ở đô thị miền Nam 1954-1975. Ngoài những gương mặt tiêu biểu vừa nêu trên, trong khuynh hướng lý luận - phê bình ảnh hưởng Mác-xít còn có một số các tác giả: Lê Nguyên Trung, Nguyễn Khắc Vỹ, Vân Trang, Cô Thanh Ngôn, Nguyễn Nguyên... họ là những cây bút đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy văn nghệ dân tộc chống lại văn hóa lai căng đồi bại của ngoại bang. Trong tình hình xã hội miền Nam lúc bấy giờ, những bài phê bình của họ thật sự là những vũ khí sắc bén, đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới đang lũng đoạn xã hội và thế hệ trẻ miền Nam. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm đã được các nhà lý luận phê bình thuộc khuynh hướng Mác-xít xác định. Vì nói như Nguyễn Nguyên: "Bảo tồn và phát huy văn nghệ dân tộc là con đường đầy chông gai thử thách nhưng là con đường duy nhất đưa văn nghệ nước nhà ra khỏi thảm trạng bế tắc, suy đồi, hướng đến tương lai cao đẹp. Và đó chính là trách nhiệm của tất cả chúng ta"(26). 3. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam là nền lý luận - phê bình đa phức. Trên cơ sở của bối cảnh xã hội luôn biến động, việc hình thành các khuynh hướng phê bình khác nhau cũng là điều bình thường. Sự khác nhau ấy xét trong lĩnh vực lý luận - phê bình là cần thiết. Vì chính sự khác biệt này tạo nên sức sống cho cơ thể lý luận - phê bình. Xét khuynh hướng phê bình chịu
  15. ảnh hưởng quan điểm Mác-xít trong bối cảnh của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam với nhiều trường phái khác biệt, mới thấy hết vai trò, vị trí và những đóng góp mang tính cách mạng của nó. Thật vậy, tuy chỉ là một trong nhiều khuynh hướng phê bình ở đô thị miền Nam, hoạt động trong hoàn cảnh vừa bí mật, vừa công khai, nhưng khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít đã thật sự trở thành lực lượng đối trọng với các khuynh hướng phê bình khác ở đô thị miền Nam. Sự thể hiện rõ nhất của việc đối trọng này chính là ở ý thức hệ. Nếu các khuynh hướng phê bình khác được xây dựng trên cơ sở của những quan điểm tư tưởng duy tâm siêu hình thì khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác- xít được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính vì vậy, đóng góp đầu tiên và quan trọng của khuynh hướng phê bình này là trên cơ sở ứng dụng mỹ học Mác-xít vào phê bình văn học đã truyền bá quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng một cách công khai, hợp pháp, tạo một hệ qui chiếu mới trong phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Trần Hữu Tá khi đánh giá về những tác phẩm lý luận - phê bình văn học của bộ phận yêu nước ở miền Nam 54-75 cho rằng "lần đầu tiên giữa Sài Gòn tạm chiếm, các khái niệm chính yếu của văn học được tác giả trình bày một cách rành rẽ, giàu sức thuyết phục theo quan điểm duy vật biện chứng"(27). Một đóng góp khác cũng không kém phần quan trọng của khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít là việc đấu tranh trực diện chống âm mưu nô dịch và đồng hóa về mặt văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa thực dân mới, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Không những thế, để thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức ở đô thị miền Nam, nhiều tác phẩm lý luận - phê bình thuộc khuynh
  16. hướng này đã phê phán nghiêm khắc các khuynh hướng văn học phi nhân bản, phản dân tộc, đồi trụy lai căng, vong bản, phê phán bọn con buôn văn nghệ để góp phần làm trong sạch và lành mạnh hóa đời sống văn học ở đô thị miền Nam. Là một bộ phận của dòng văn học yêu nước, cách mạng, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít đã cho thấy sự trưởng thành của dòng văn học yêu nước và cách mạng. Đồng thời, nó cũng góp phần định hướng cho sự phát triển của văn học dân tộc ở đô thị miền Nam, giúp cho các cây bút trẻ nhận thức đúng đắn hơn về sứ mệnh của người cầm bút trước tình hình phức tạp của văn nghệ ở đô thị miền Nam, như Thạch Phương nhận xét: "Sự ra đời của đội ngũ lý luận - phê bình ít nhiều tiến bộ đã thổi vào trong sinh hoạt văn nghệ ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát một luồng gió mới, làm thay đổi không khí đấu tranh, phê bình vốn rất èo ọp và trì trệ ở đây, đồng thời cũng làm cho diện mạo của văn học tiến bộ và yêu nước có bề thế hơn"(28). Với những điều đã trình bày ở trên, khuynh hướng phê bình văn học chịu ảnh hưởng của mỹ học Mác-xít không những đã góp phần làm phong phú diện mạo của lý luận - phê bình văn học mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc trên mặt trận văn hóa tư tưởng ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khuynh hướng phê bình văn học chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít ở đô thị miền Nam cũng còn có một số điểm hạn chế. Do yêu cầu phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ đấu tranh cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, một số công trình lý luận - phê bình của khuynh hướng phê bình Mác-xít chưa thật sự chú trọng về học thuật. Nhiều bài viết về lý luận văn học còn đơn giản, sơ lược, thiên về tính tư tưởng, chính trị hơn tính khoa học. Một số ý kiến phê bình các hiện tượng văn học còn thiếu
  17. khách quan, nhiều khi quá nghiêm khắc và cực đoan. Từ ngữ dùng trong một số bài viết còn thô thiển, mạnh mẽ quá mức cần thiết, nặng tính chiến đấu, nhẹ tính nghệ thuật, nên hạn chế sự tiếp nhận nơi người đọc. Có thể nhận thấy điều này khi đọc tác phẩm Đường lối văn nghệ dân tộc của Cô Thanh Ngôn (Nhóm Gió Đông xuất bản, 1967). Ở tác phẩm này, phần viết về các vấn đề: xây dựng điển hình văn nghệ dân tộc, vấn đề nội dung và hình thức, dân tộc sáng tạo và phê bình văn học... tác giả viết rất giản đơn nếu không muốn nói là sơ sài, lý giải vấn đề chưa đủ cơ sở khoa học. Đặc biệt, trong tác phẩm này, phần phê bình về FranÇoise Sagan có chỗ còn thiếu khách quan khi cho rằng đó là "một hình thức văn chương phản dân tộc", từ đó tác giả đưa ra một số nhận định khá cực đoan khi đánh giá tác phẩm của Sagan. Hay ở tác phẩm Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương có một số ý kiến đánh giá các hiện tượng văn học chưa thật công bằng, thiếu khách quan nếu không muốn nói là còn quá khắt khe. Chẳng hạn, khi đánh giá về văn nghệ tiền chiến trong đó có Tự lực văn đoàn, Lữ Phương cho rằng: "Văn nghệ của Tự lực văn đoàn xuất hiện trong một hoàn cảnh u ám ấy, chỉ có thể xem như dấu tích tinh thần một lớp người, chứ không thể làm đại biểu được cho 13 năm trời văn học được"(29). Và từ chỗ phê phán thái độ độc tôn đối với Tự lực văn đoàn, tác giả lại rất cực đoan khi quá đề cao giá trị của văn học hiện thực phê phán 1930-1945: "Thiết tưởng cái gì còn giá trị trong văn học tiền chiến mãi mãi sẽ là những tiếng nói bất bình tố cáo ấy chứ không phải là những tác phẩm ái tình tâm lý thoát ly như có nhiều phê phán vội vàng"(30). Hoặc Lữ Phương cũng rất cực đoan khi phê bình nhóm Xuân thu nhã tập, cho rằng:"người ta thật có lý gọi họ là những nhà thơ "hũ nút""(31). Xuất hiện trong bối cảnh xã hội miền Nam đầy biến động, là bộ phận không thể thiếu của dòng văn học yêu nước và cách mạng, khuynh hướng phê
  18. bình văn học chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít, dù còn có những hạn chế nhưng luôn là vũ khí sắc bén góp phần đấu tranh chống văn học nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới, bảo tồn và phát huy dân tộc tính của văn học nước nhà, khẳng định sự tồn tại và phát triển của bộ phận văn học yêu nước và cách mạng ở đô thị miền Nam. Nói như Trần Hữu Tá "Khuynh hướng văn học yêu nước ở các đô thị miền Nam sở dĩ phát triển ngày càng sâu rộng chính vì bộ phận lý luận - phê bình của nó đã có sự cố gắng vượt mình, nhất là trong giai đoạn sau (1964-1975) để gánh vác trách nhiệm và vai trò đại diện ý thức cho tiếng nói nghệ thuật mới mẻ, ngược dòng này"(32).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2